Vốn con người
Human Capital, Gary Becker
NXB University of Chicago Press, 1993, 412 tr.
Monique Abellard
Alternatives Economiques Poche số 021 - Tháng 11/ 2005
Khái niệm vốn con người đã dẫn đến một chương trình nghiên cứu tại trường Đại học Chicago vào đầu những năm 1960. Nó nhằm mục đích mở rộng thuyết tổng hợp tân cổ điển: sự tích lũy vốn con người, cũng giống như vốn hữu hình, tuân thủ các nguyên tắc về tính duy lý của con người kinh tế (homo economicus). Gary Becker đã xây dựng một lý thuyết về cơ hội của loại đầu tư này và đề xuất một cách mô hình hóa những khác biệt về tiền lương. Khái niệm này cũng đồng thời làm đổi mới các nghiên cứu phân tích kinh tế học về dân số, hay kinh tế học về nhân khẩu, khi đưa nguồn nhân lực[1] làm vai trò trung tâm. Xin lưu ý rằng ngành nhân khẩu học không chỉ đề cập đến các khía cạnh mang tính định lượng, mà còn cả các khía cạnh định tính trong các nghiên cứu về dân số, những khía cạnh định tính mà cuốn sách này muốn phân tích.
Bình luận có phê phán
Đối với Gary Becker, mọi cá nhân đều nắm giữ một nguồn vốn con người, có nghĩa là những khả năng bẩm sinh lẫn sở đắc từ sự đầu tư của con người (chi phí vật chất, thời gian, nỗ lực cá nhân). Những khoản đầu tư vào vốn con người, như đào tạo, giáo dục và y tế, đóng vai trò quan trọng không kém như sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lý thuyết về nguồn vốn hữu hình: chúng đều làm tăng năng suất cận biên của nhân tố sản xuất có liên quan.
Theo tác giả, mọi cá nhân đang sở hữu và quản lý vốn con người đánh giá cao cơ hội đầu tư nguồn vốn đó bằng cách so sánh các chi phí đầu tư với lợi nhuận hiện tại hóa (có nghĩa là có tính đến giá trị của đồng tiền đầu tư theo dòng thời gian), để rồi có thể thu hồi lại vốn sau này. Như vậy, đối với một sinh viên, chi phí bằng tiền cho giáo dục (học phí) bổ sung vào chi phí cơ hội của việc theo đuổi học tập, được đo lường bằng những khoản thu nhập không nhận được trong khoản thời gian này. Theo Gary Becker, sinh viên càng học kém thì chi phí càng tăng. Tỉ suất lợi tức tư của đầu tư về đào tạo là tỉ số thu nhập trên tổng chi phí đào tạo.
Becker dành một tầm quan trọng rất lớn trong lập luận của ông cho vấn đề tín dụng đào tạo: các ngân hàng có thể giới hạn việc tiếp cận tín dụng bằng cách đòi hỏi những nguồn bảo đảm thu nhập, di sản, hoặc thích ứng các khoản cho vay tùy theo các ngành chọn học (đối với các ngành khoa học tự nhiên, sinh viên dễ có được một khoản vay hỗ trợ sinh viên với mức lãi suất thấp, so với các ngành nghệ thuật). Trong trường hợp tín dụng không bị hạn mức, và nếu mức thu nhập hiện tại hóa cao hơn mức chi phí, thì cá nhân nên đầu tư vào việc đào tạo bản thân. Sự so sánh giữa tỉ suất lợi tức nội tại (không phải vay tiền) từ đầu tư với lãi suất tín dụng cho phép tiến hành sự đánh đổi giữa thu nhập có được ngay từ lao động và thu nhập có được sau này nhờ sự khác biệt qua đào tạo. Sự tích lũy nguồn vốn con người vẫn tiếp diễn trong suốt cuộc đời cho đến khi nào tỉ suất lợi tức của đầu tư vào vốn con người còn cao hơn mức lãi suất.Đối với tác giả, việc Nhà nước hoặc gia đình chi trả một phần chi phí trực tiếp, có ảnh hưởng đến sự đánh đổi này: và Becker thừa nhận là đối với những giới bị thiệt thòi, vấn đề miễn phí tiền học và các khoản phụ cấp khác sẽ tạo điều kiện cho trẻ nhỏ theo đuổi con đường học tập. Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục được giải thích bởi sự không hoàn hảo về chính sách tín dụng.
Các doanh nghiệp cũng thực hiện các khoản đầu tư vào vốn con người, khác biệt với các khoản đầu tư bằng vốn hữu hình: trong một xã hội tự do, không có người sử dụng lao động nào nắm được bất kỳ quyền sở hữu nào về vốn con người đã được đầu tư, bởi vì người nhận được sự đào tạo là người chủ sở hữu duy nhất. Khoản đầu tư đó bao gồm từ một sự đào tạo kiến thức tổng quát, có khả năng chuyển giao từ doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác, đến một sự đào tạo kiến thức chuyên môn cụ thể, chỉ có ích cho doanh nghiệp mà năng suất nhờ thế được nâng lên. Như vậy người sử dụng lao động có thể hưởng lợi thế thu được trong tương lai do điều này khiến tính cơ động của người lao động sẽ yếu đi. Doanh nghiệp không thể chấp nhận cung cấp cho nhân viên của mình một sự đào tạo có tính tổng quát, do các đối thủ cạnh tranh có khả năng trả lương ngang bằng với năng suất cận biên mà công việc này mang về cho mình, dù các đối thủ ấy không phải trả chi phí đào tạo nào cả.
Như vậy, lý thuyết về vốn con người gợi ý một cách giải thích cho sự khác biệt giữa các năng suất cận biên của nhân tố lao động, trong đó cho phép mô hình hóa sự bất bình đẳng về tiền lương. Theo Gary Becker, sự tiến hóa của tiền lương trong quá trình phát triển nghề nghiệp phản ánh gần đúng sự tích lũy nguồn vốn con người. Nó tiến hóa theo một đường dạng lõm: khoản đầu tư gộp có xu hướng giảm theo tuổi tác bởi vì, một mặt, bất kỳ khoản tăng lương nào cũng làm tăng chi phí cơ hội và, mặt khác, lợi suất cũng giảm dần theo tuổi tác, do số năm tháng để khấu hao vào khoản đầu tư ngày càng giảm dần. Theo lời giải thích của tác giả, đối với một cá nhân, khả năng tích lũy vốn con người bị hạn chế bởi khả năng vật chất và trí tuệ của mình, cũng như bởi lợi suất cận biên của đầu tư vào vốn con người. Không có kiểu giới hạn này đối với sự tích lũy vốn tài chính.
Vào thời điểm xuất bản đầu tiên cuốn Vốn con người, nhiều công trình về vốn con người đã được tiến hành ở trường Đại học Chicago. Khái niệm này cho phép mở rộng trường phân tích của kinh tế học ra những lãnh vực nghiên cứu mới, chẳng hạn như giáo dục, hôn nhân hay khả năng sinh sản; nó cũng sẽ là cơ hội để đổi mới nhiều nghiên cứu quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế học khác.
Từ đó, Wassily Leontief nhận xét rằng Hoa Kì xuất khẩu những sản phẩm có hàm lượng cao về lao động và nhập khẩu những sản phẩm có hàm lượng cao về tư bản, một điều mâu thuẫn với lí thuyết thương mại quốc tế của Heckscher-Ohlin-Samuelson. Ông giải thích nghịch lý này dựa trên lý thuyết về vốn con người: Hoa Kỳ nắm giữ vốn con người một cách tương đối nhiều hơn vốn hữu hình.
Các phép tính về lợi suất nội tại của giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, được Becker giới thiệu trong lần xuất bản đầu tiên, được các nhà kinh tế học Louis Lévy-Garboua và Alain Mingat áp dụng ở Pháp.
Đối với Robert Lucas, nguồn vốn con người trở thành một nhân tố giải thích sự tăng trưởng nội sinh: đó là nguồn gốc của những hiệu suất tăng dần và của những ngoại ứng tích cực.
Về phần mình, George Psacharopoulos cho thấy là ở các nước đang phát triển, lợi suất riêng tư của giáo dục thấp hơn lợi suất xã hội của nó: những ngoại ứng tích cực của giáo dục biện minh cho sự can thiệp của Nhà nước, đặc biệt trong vấn đề giáo dục trẻ gái, góp phầm làm giảm tỉ suất tử vong trẻ sơ sinh và tỉ suất mắn đẻ, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích lũy nguồn vốn hữu hình và do đó cho việc tăng trưởng. Đó chính là một trong những đóng góp chính của khái niệm này cho kinh tế học về nhân khẩu.
Michael Spence đưa ra một lời giải thích khác về mối quan hệ giữa giáo dục và thu nhập, mà ở một mức độ nào đó mâu thuẫn với định nghĩa về vốn con người: vốn con người vốn khó được người khác cảm nhận nên bằng cấp tốt nghiệp là một tín hiệu, một thông tin đáng tin cậy, về năng suất của người lao động cho người sử dụng lao động trong tình huống thông tin bất đối xứng.
Cuốn Vốn con người đã bị nhiều nhà xã hội học phê bình. Định đề về một cá nhân có khả năng thực thi nhiều lựa chọn thay thế hợp lý kết hợp với việc sử dụng các phương pháp tân cổ điển để xử lý những vấn đề như tội phạm, giáo dục hay hôn nhân, quả nhiên quay lại việc không những loại bỏ vai trò của các định chế và các giá trị, mà còn loại bỏ vai trò của các mối quan hệ thống trị. Như vậy, việc tiếp thu kiến thức và bí quyết không thể quy giản về một sự đầu tư để làm tăng năng suất lao động của một cá nhân hoặc khả năng cạnh tranh của một quốc gia. Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong sự thành bại học tập của con cái thông qua việc truyền đạt những giá trị, tập quán ngôn ngữ và lao động. Ở Pháp, Pierre Bourdieu đã cho thấy rằng các giá trị của hệ thống giáo dục ở trường học là giá trị của giai cấp thống trị. Như vậy, nhà trường là một sự được mất chính về mặt chính trị và xã hội: tầm nhìn tự do của Gary Becker bài xuất quan điểm này.
Mức độ khó khăn
Đòi hỏi nắm vững tiếng Anh và những khái niệm cơ bản của phân tích tân cổ điển
Human Capital, Gary Becker
University of Chicago Press, 1993, 412 p.
Monique Abelard
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Human Capital Gary Becker”, của Monique Abelard trong Alternatives économiques Poche no.021, tháng 11 năm 2005
[1] Thuật ngữ này quy chiếu về con người như là của cải, ở cương vị một sức lao động hay như một nhân tố sản xuất. Nó rộng hơn và không chính xác bằng ý niệm vốn con người, vốn nhấn mạnh hơn đến các quá trình sở đắc của cải này.↩