Chuẩn tắc hay thực chứng
Positive vs Normative
® Giải Nobel: ARROW, 1972 – DEBREU. 1983 – FRIEDMAN, 1976 – HICKS, 1972 – MYRDAL, 1974 – SEN, 1998
Trong kinh tế học, khi người ta nói đến một quan niệm “thực chứng” thì điều này thường có nghĩa là quan niệm này được giải phóng khỏi những đánh giá giá trị của nhà kinh tế, và chỉ duy nhất hướng đến việc xem xét những sự kiện và việc tìm kiếm những qui luật. Theo nghĩa này, sự tồn tại của những lí thuyết thực chứng đã là đối tượng của những cuộc tranh luận gay gắt từ phiá trường phái lịch sử Đức, cũng như từ chủ nghĩa Marx và từ phiá xã hội học về nhận thức; vấn đề này cũng là mục tiêu của những phê phán đến từ những nguồn chiết trung hơn (Myrdal, 1958). Ở đây sẽ không đề cập mấy đến cách phân biệt đầu giữa “thực chứng” và “chuẩn tắc”. Nếu ta cẩn thận tách biệt nhà khoa học với người “thực chứng”, vốn thật ra chỉ là ý đồ của nhà khoa học, thì dường như ta có thể, mặc dù có những phản bác, nhanh chóng đi đến kết luận là có, trong thực tế và một cách chính đáng, một kinh tế học “thực chứng”. Những phương pháp mà kinh tế học này tuân thủ, lợi ích của những kết quả mà bộ môn này sản sinh ra hợp thành một vấn đề hoàn toàn khác, một vấn đề rộng và khó.
Ngược lại khiá cạnh chuẩn tắc của sự phân biệt bao phủ những được thua tức thì phức tạp và có một tầm quan trọng lớn về mặt khoa học luận. Ngay cả trong nội bộ của truyền thống chính thống, các nhà kinh tế không nhất trí với nhau để xem là phải có một nhánh của khoa học của họ chuyên về những vấn đề chuẩn tắc hay không. Vả lại những tác giả khẳng định là có một chuyên ngành như thế có những ý tưởng định hướng cụ thể khác nhau cho bộ môn này. Trong bài này chúng tôi đề nghị xem xét những cuộc tranh luận trong nội bộ của kinh tế học được gọi là tân cổ điển. Khó khăn của công việc này là ở ngữ nghĩa trôi nổi của từ “chuẩn tắc” được những tác giả khác nhau sử dụng. Họ đã gán dụng từ này, và đây là một điều tự nhiên, với những lí tưởng khác nhau về vấn đề thù lao và chia sẻ - với những lí tưởng truyền thống, như chủ nghĩa bình đẳng và chủ nghĩa công lợi, cũng như với những lí thuyết anglo-saxon gần đây về công bằng phân phối. Nhưng họ cũng gọi bằng chuẩn tắc những lập luận về phúc lợi kinh tế và tính hiệu quả của những thị trường được welfare economics (kinh tế học phúc lợi) chọn làm đối tượng, những điều kiện trừu tượng do lí thuyết lựa chọn xã hội và những lí thuyết có quan hệ chặt chẽ với lí thuyết này, và cuối cùng, bằng việc mở rộng ngữ nghĩa chưa làm chủ được hoàn toàn, tất cả những nhận định có vẻ kéo theo một đánh giá giá trị của nhà kinh tế. Do không thể tức khắc loại trừ những bấp bênh về mặt ngữ nghĩa nên chúng tôi đã chọn điểm qua những trường phái hay xu hướng có ảnh hưởng nhất. Hi vọng là việc so sánh những quan niệm cục bộ này sẽ làm nổi lên những luận đề được sự đồng thuận và những luận đề còn tranh cãi.
John Neville Keynes, chủ nghĩa thực chứng và cương vị của kinh tế học chuẩn tắc
Hình như là trước nửa sau của thế kỉ XIX không có sự phân biệt thuật ngữ giữa một hình thức thực chứng và một hình thức chuẩn tắc của kinh tế học. Một số tác giả tưởng là đã thấy các nhà kinh tế cổ điển vận dụng về mặt khái niệm sự phân biệt này. Đối với một số kiến giải khác, kinh tế chính trị học cổ điển vẫn còn gần với một quan niệm về qui luật tự nhiên, điều này hoàn toàn ngăn cấm cô lập cái thực chứng với cái chuẩn tắc; và một số tác giả khác nữa, cùng với élie Halévy (1901-1904), thấy trong kinh tế học cổ điển sự phóng chiếu của triết học công lợi, những tác giả này có một luận cứ lịch sử khác để phản bác tính xác đáng của sự phân biệt trên. Dù sao đi nữa, cách trình bày rõ ràng là của John Neville Keynes, trong một đoạn nổi tiếng của tác phẩm ông, The Scope and Method of Political Economy [Phạm vi và phương pháp của kinh tế chính trị học] (xuất bản lần thứ nhất 1890; xuất bản lần thứ tư 1917). Keynes tách biệt ba hoạt động khác nhau của nhà bác học: “Ta có thể định nghĩa một khoa học thực chứng như một số những hiểu biết có hệ thống nhằm vào điều gì là (what is); một khoa học chuẩn tắc, hay điều tiết, như một số những hiểu biết có hệ thống liên quan đến những tiêu chí về điều phải là (what ought to be), và do đó xử lí cái lí tưởng đối lập với cái hiện thực; một nghệ thuật như là một số những qui tắc nhằm đạt đến một cứu cánh nhất định” (1917, trang 34).
Do đó người ta sẽ phân biệt một khoa học thực chứng của kinh tế học chính trị nhằm khám phá ra những qui luật của lĩnh vực của khoa học này, một “đạo đức học của kinh tế chính trị học” nhằm phát biểu những lí tưởng kinh tế, và cuối cùng một “nghệ thuật của kinh tế chính trị học” nhằm cung cấp những qui tắc hành động. Ví dụ, lí thuyết thực chứng nghiên cứu những qui luật quyết định mức thực tế của lãi suất; lí thuyết chuẩn tắc xem xét đâu là mức công bằng của lãi suất; cuối cùng nghệ thuật – ngày nay ta gọi là là kĩ thuật – tìm kiếm những phương tiện, chủ yếu là những can thiệp của Nhà nước, cho phép trong thực tế đến gần lãi suất công bằng này (như trên, trang 33).
Phân biệt bộ ba này mang tính vật chất, có nghĩa là chỉ ra những bộ môn con của khoa học kinh tế, chứ không phải chỉ là những quan điểm khác nhau ta có thể chọn để nhìn khoa học này. Từ đó Keynes tiến hành lập luận một cách tuần tự mà ta thường gặp lại sau này: 1) về mặt logic có thể xử lí những vấn đề thực chứng tách riêng khỏi những vấn đề chuẩn tắc và những vấn đề ứng dụng; 2) về mặt phương pháp luận nên xem xét một cách có hệ thống những vấn đề thực chứng độc lập với những vấn đề chuẩn tắc. Luận đề (1) là kết quả của sự khác biệt, được giả định là không thể không thừa nhận, giữa những mệnh đề về cái là (is) và những mệnh đề về cái phải là (ought). Còn luận đề (2) có tính phát hiện chứ không có tính logic. Cần phải đưa thêm luận đề này vào để biện minh cho việc chia cắt của khoa học thành những chuyên ngành khác nhau. Bằng cách nêu bật những luận đề chung này trong kinh tế học, John Neville Keynes đặc biệt đối lập với trường phái lịch sử Đức, với những tác giả như Knies và Roscher, muốn xây dựng một khoa học xã hội ngay từ đầu có ý đồ đạo đức (ít ra theo cách hiểu của ông về trường phái này).
Luận đề thứ nhất gần với nhưng không trùng với điều mà triết học anglo-saxon gọi bằng luận đề Hume: luận đề này khẳng định, một cách chính xác hơn một tí, là ta không thể suy ra một mệnh đề về cái phải là từ những mệnh đề chủ yếu nhằm vào cái là. Còn luận đề thứ hai có thể được gọi là luận đề Bacon để ghi nhớ một đoạn nổi tiếng của Novum Organum, được Keynes nhắc lại (“light-bringing, not fruit-bringing experiments are to be sought for”), trong đó những nhà chú giải đọc thấy một lời khuyến cáo rõ ràng nên vun đắp lí thuyết thuần tuý: nên khám phá qui luật của những hiện tượng trước khi tìm cách biến đổi chúng, và càng biến đổi tốt hơn nếu trước đấy đã gạt bỏ mọi định kiến, thậm chí mọi ý tưởng ứng dụng. Cả hai luận đề đều là những điều sáo mòn của quan niệm thực chứng về khoa học mà sau đây, vượt ra khỏi trường hợp đặc biệt của Keynes, chúng tôi sẽ nhắc lại ảnh hưởng của quan niệm này trên các nhà kinh tế.
Trong phiên bản kinh tế của chủ nghĩa thực chứng thì chủ nghĩa này xuất phát từ John Stuart Mill hơn là từ Auguste Comte, một tác giả mà, như ta biết, không ủng hộ nguyên lí có một kinh tế chính trị học riêng biệt. Truyền thống của Mill còn dai dẳng tới thế kỉ XX với Milton Friedman của Essays in Positive Economics [Những tiểu luận về kinh tế học thực chứng] (1953) hay với Richard Lipsey của Introduction to Positive Economics [Nhập môn kinh tế học thực chứng] (1966). Những tác giả này lấy lại ý về một khoa học kinh tế “thực chứng”, tách biệt rõ ràng với những quan điểm chuẩn tắc cũng như với những ứng dụng. Họ dành cho những quan điểm này một vị trí quan trọng nhưng không thật sự thừa nhận là phải có thêm một chuyên ngành kinh tế nữa, dành riêng cho những vấn đề chuẩn tắc. Đây là một thái độ thường gặp ở các nhà thực chứng, được Kolakowski (1976) ghi nhận, nhằm tước giảm giá trị nhận thức của diễn ngôn về các chuẩn. Mặc dù không phải lúc nào cũng gặp song thái độ này có thể đi kèm với niềm tin là bản chất của những tranh chấp chính trị có tính thực chứng hơn là chuẩn tắc. Về chính sách kinh tế Friedman (1953, trang 5-7) không nói gì khác hơn điều trên cả: những đối kháng trong lĩnh vực này xuyên qua công luận phần lớn sẽ tan biến nếu những vấn đề có tính sự kiện về lạm phát và thất nghiệp được giải quyết trước. Quả là không thể cường điệu hoá hơn nữa ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng trên lí thuyết kinh tế, và những quan niệm chung quanh lĩnh vực này ngày nay còn chịu nặng nề ảnh hưởng này. Dưới mắt của nhiều nhà thực tiễn ngày nay, những công trình chuẩn tắc thuộc về một no man’s land (vành đai trắng) nằm bên lề của bộ môn của họ, và lợi ích của những công trình này là không hiển nhiên.
Điều đáng ghi nhận là, tuy vừa tự đặt mình trong truyền thống thực chứng, John Neville Keynes đã không lập luận như thế: giữa kinh tế học thực chứng và nghệ thuật, hay kinh tế học ứng dụng, ông đặt một nhánh đặc biệt của bộ môn, vùa mang tính thực tiễn (do cốt lõi là những đánh giá và khuyến cáo hành động) vừa mang tính lí thuyết (vì không quan tâm đến những sự kiện đặc thù và do đó không được ứng dụng). Sẽ là thú vị khi đối chiếu quan điểm này với quan điểm – có ảnh hưởng hơn – của John Stuart Mill. Tác giả của Hệ thống logic (1843) khẳng định là “phương pháp của đạo đức học không thể khác với phương pháp của nghệ thuật hay của thực tiễn nói chung” (V, 12, 1). Do mọi nghệ thuật xuất phát từ một cứu cánh đặt ra lúc đầu được tác giả xem xét những phương thức để hoàn thành cứu cánh này nên phải chỉ ra mục đích của hình thức nghệ thuật đặc biệt này, tức đạo đức học, là gì. Đối với Mill, đó chỉ có thể là hạnh phúc phổ cập (V, 12, 6). Thế mà hạnh phúc là cứu cánh xa vời của tất cả những nghệ thuật khác: tất cả các nghệ thuật này cuối cùng chỉ khác với đạo đức học trong chừng mực mà đạo đức học nhắm đến cứu cánh tột cùng, trong lúc những nghệ thuật này nắm bắt cứu cánh tột cùng này một cách gián tiếp, thông qua những mục đích kĩ thuật có tính phụ thuộc. Quan niệm khoa học luận của Mill (cũng được phát biểu trong tiểu luận công bố năm 1836 về kinh tế chính trị học) đối lập trên hai mặt với quan niệm được Keynes bảo vệ: không những quan niệm của Mill không biết đến sự phân biệt giữa khoa học chuẩn tắc và khoa học ứng dụng mà cuối cùng còn đòi hỏi một lí thuyết chuẩn tắc đặc biệt, lí thuyết này không gì khác hơn là một hình thức của chủ nghĩa công lợi.
Robbins, Weber và vấn đề những đánh giá giá trị
Trong tác phẩm Essay on the Nature and Significance of Economic Science [Tiểu luận về bản chất và ý nghĩa của khoa học kinh tế] (xuất bản lần thứ nhất 1932, lần thứ hai 1935), Robbins không chỉ bằng lòng với việc lặp lại luận điệu quen thuộc: các nhà kinh tế có thể và phải tách biệt những mối quan tâm chuẩn tắc của mình với việc tìm kiếm những qui luật. Ông còn đi đến việc chối bỏ rằng “về mặt logic có thể” kết hợp kinh tế và đạo đức một cách khác hơn là “đơn giản đặt kề nhau” (trang 148). “Giữa những khái quát hoá của những nghiên cứu thực chứng và chuẩn tắc có một vực thẳm logic, được xác định dứt khoát, mà sự khéo léo nhất không che giấu được và việc chồng lên nhau trong không gian và thời gian không lắp nổi” (như trên). Làn ranh giữa những mệnh đề thực chứng và những mệnh đề phát biểu những “đánh giá và nghĩa vụ” được xem gạt ra khỏi đạo đức toàn bộ kinh tế học. Tuy không rút ra kết luận song không vì thế mà kết luận có thể né tránh được: không thể nào tồn tại một chuyên ngành kinh tế về những vấn đề chuẩn tắc. Xuất phát từ cùng một tiền đề bề ngoài hiền lành – một hình thức của luận đề của Hume – Robbins đi đến một kết luận hoàn toàn khác với kết luận của John Neville Keynes. Tuy không thuộc trường phái này nhưng trên điểm này quan điểm của ông giống với quan điểm triệt để nhất của chủ nghĩa thực chứng trong kinh tế học.
Robbins không có ý định khuyên các nhà kinh tế tránh mọi dấn thân cá nhân: đó là tuỳ mỗi người thậm chí, theo ông, nên mong là các nhà kinh tế không để cho duy chỉ các chính khách hay công luận xác định những cứu cánh được các nhà kinh tế dùng làm điểm xuất phát cho những lập luận của họ. Trong một trường hợp như thế, nhà kinh tế ở cương vị một con người về mặt chức năng tách ra khỏi nhà kinh tế ở cương vị nhà kinh tế. Sau này sự phân biệt này sẽ tràn ngập kinh tế học phúc lợi và coi như cung cấp một hình thức cụ thể cho luận điểm tách biệt “bằng cách đặt kề nhau”. Một điểm chủ yếu khác cần làm rõ: tất nhiên là kinh tế học (tân cổ điển) ít ra cũng tính đến một số đánh giá: đó là đánh giá của những tác nhân mà hành vi được kinh tế học này nghiên cứu. Bởi thế, cần phải nói thêm là chính những đánh giá của nhà kinh tế mới vượt ra ngoài lĩnh vực của kinh tế học. Sau đây là một ví dụ thô thiển: một nhà kinh tế nghiên cứu thị trường thịt lợn và đi đến kết luận là không tán thành việc tiêu dùng thịt lợn. Còn những đánh giá của các tác nhân, trong chừng mực mà chúng được thừa nhận là những đánh giá của các tác nhân thì sự có mặt của chúng không phương hại đến tính chặt chẽ khoa học của phân tích (như trên, trang 90).
Ta cảm nhận trong cách trình bày trên âm vang của một luận đề nổi tiếng của Max Weber. Nhân nói về lịch sử, nhưng cũng là về xã hội học và kinh tế học, tác giả này đã khẳng định khả năng có một “khoa học trung lập về mặt đạo đức” theo một nghĩa rất gần với nghĩa mà Robbins quan tâm đến. Weber nói là ta có thể nghiên cứu quan điểm của một thành viên nghiệp đoàn bằng cách qui quan điểm này về hình thức logic nhất quán nhất, tìm hiểu những điều kiện thực nghiệm của sự hình thành quan điểm này nhưng không vì thế mà tìm cách chứng minh là phải trở thành hay tránh trở thành một thành viên nghiệp đoàn (1917, trang 439). Trong một bài viết khác đúng hơn là bàn về công việc của nhà sử học, Weber khẳng định là những khoa học xã hội đã thành công trong việc gìn giữ “tính khách quan” trong lúc tất yếu là những khoa học này quan tâm đến những “giá trị” (1904). Những khẳng định này, rất dễ nắm bắt trên ví dụ của thành viên nghiệp đoàn, đều qui chiếu về sự phân biệt trừu tượng giữa “đánh giá giá trị” (Werturteil) và “quan hệ với giá trị” (Wertheziehung). Khái niệm đầu được hiểu theo nghĩa bình thường của một đánh giá về một trạng thái của sự vật, điển hình là một đánh giá tốt hay xấu (hay, bằng những thuật ngữ tương đối, là ưu việt hơn hay không ưu việt bằng một trạng thái sự vật khác). Khái niệm thứ hai, một khái niệm thuần tuý weberian, chỉ việc nhà bác học phát hiện những ý nghĩa hay những cứu cánh tự tại nhằm đối chiếu để hiểu hành động, sự nghiệp, trình tự lịch sử được nhà bác học nghiên cứu. Đồng thời “quan hệ với giá trị” chỉ thời điểm nhà bác học ý thức rõ quan điểm đánh giá của bản thân sẽ định hướng toàn bộ nghiên cứu, kể cả việc chọn lọc dữ liệu thực nghiệm, và do đó cũng tất yếu giới hạn nghiên cứu. Bằng cách tách biệt những giá trị, cứu cánh, mục tiêu (Weber và những môn đồ của ông không mấy cẩn thận với những phân biệt này) được gán cho người khác và những giá trị, cứu cánh, mục tiêu mà mình chấp nhận, nhà khoa học giữ được tính khách quan. Điều mà các nhà tân cổ điển lặp lại cùng với Robbins là một ứng dụng đặc biệt của cái Wertheziehung vào những sở thích cá thể: nhà kinh tế có thể đề cập những sở thích này mà không cần phải chấp nhận chúng, bằng cách xem chúng như những đối tượng.
Sự phân biệt bình diện người quan sát với bình diện chủ thể nghiên cứu càng trấn an hoàn toàn Weber bao nhiêu thì ông càng thất vọng bấy nhiêu khi thấy con ngươời không bao giờ hoà giải cứu cánh hay giá trị của mình bằng con đường duy lí. Ta cũng gặp lại chủ đề thống thiết này về “cuộc chiến những giá trị”. Lấy lại, tuy không nói ra, ví dụ của Keynes, ông đột ngột và mạnh mẽ viết là: “Nếu chúng ta bất đồng nhau về tính chất đạo đức của lãi suất, […] thì không có chỗ cho một cuộc bàn luận” (như trên, trang 150). Do đó kinh tế học và đạo đức học không kề nhau như hai khoa học đặt cạnh nhau mà như một khoa học, kinh tế học, và một diễn ngôn chủ quan không thể chữa trị được, nói một cách nghiêm ngặt là phi lí, tức đạo đức học. Ý tưởng cho rằng có thể tồn tại những khoa học chuẩn tắc – hay, dù thế nào đi nữa, ý tưởng cho rằng có thể kể đạo đức học vào trong số những khoa học chuẩn tắc, bên cạnh logic học và mĩ học, thể theo một phân loại xưa – là xa lạ với học thuyết Weber bị giáo điều hoá.
Đến đây, chủ nghĩa tân Kant (được hiểu đúng ít hay nhiều) gặp kết luận chủ bại mà một số nhà thực chứng đạt đến bằng một cách khác: những cuộc tranh luận chuẩn tắc không có bất kì giá trị nhận thức nào cả. Nhưng ngược lại với những nhà weberian trượt dài vào sự thống thiết, ta đã thấy là các nhà thực chứng có xu hướng giảm bớt tính trầm trọng của kết luận này bằng cách viện đến giả thiết là con người, hơn là người ta tưởng, không mấy khác nhau về những cứu cánh của xã hội.
Những so sánh liên cá thể về sự thoả mãn và kinh tế học phúc lợi thứ nhất
Trong kinh tế học, những giả thiết về việc so sánh liên cá thể sự thoả mãn là trường ứng dụng quen thuộc nhất của những luận điểm phương pháp luận trên. Dưới mắt của Robbins, những giả thiết này hợp thành ví dụ mang tính hệ chuẩn của đánh giá giá trị không được dung nạp. Bàn luận của tập Essay (1935, trang 138-139) dựa trên hai tiền đề khác nhau, một mặt sự nối kết từ nay đã thành quen thuộc: chuẩn tắc, do đó là không khoa học, mặt khác, là một ý khá đặc biệt: những đánh giá về những trạng thái tâm lí nằm về phiá cái chuẩn tắc chứ không ở phiá cái thực chứng. Những so sánh liên cá thể, về sự thoả mãn hay về bất kì hiệu ứng nào khác được cảm nhận một cách chủ quan, cuối cùng cũng vẫn có cùng bản chất với những đánh giá đơn giản, giống như đánh giá của nhà kinh tế tuyên bố chống đối việc tiêu dùng thịt lợn. Dù cho Robbins đã biết cách ảnh hưởng đến các nhà kinh tế hay dù ông chỉ đơn giản là người phát ngôn của họ thì “luận chứng” của ông sẽ giữ một vai trò hàng đầu trong lí thuyết kinh tế kể từ những năm 1920-1930. Những năm này là một bước ngoặt. Trước đấy, tất cả phân tích kinh tế về “phúc lợi” (welfare) đòi hỏi vận dụng đến những so sánh như thế.
Trong một thời gian dài các nhà kinh tế đã mượn của học thuyết công lợi khái niệm phúc lợi. Ta biết là Bentham đã đặt cơ sở cho học thuyết của ông trên một dạng chủ nghĩa hoan lạc thực chứng và, trên bình diện chuẩn tắc, trên nguyên lí hạnh phúc lớn nhất cho mọi người, the greatest happiness principle. Những nhà chú giải vẫn còn tiếp tục tranh luận về những ý nghĩa đa dạng của công thức này. Dù sao đi nữa, cách kiến giải nổi lên dần trong số những nhà kinh tế của thế kỉ XIX là như sau: ta gán một con số chỉ báo sự thoả mãn, tượng trưng cho phúc lợi cá thể cho mỗi thành viên của xã hội, và ta ước lượng những trạng thái khác nhau của xã hội bằng cách lấy tổng giá trị của những chỉ báo này. Ngày nay ta gặp cùng một cách mô hình hoá này trong các sách, có khác chăng là con số chỉ báo – từ nay được gọi một cách phổ cập là một “hàm lợi ích” – không còn tất yếu được diễn giải như một chỉ báo phúc lợi cá thể.
Trong tâm trí của các nhà kinh tế một trạng thái của xã hội tối đa hoá tổng những chỉ báo có nghĩa là trạng thái này, theo quan điểm được chọn, là tốt nhất, chứ không phải là bắt buộc phải hoàn thành trạng thái đó. Học thuyết Bentham mang một âm hưởng đạo đức đậm nét hơn, đối với các nhà kinh tế không có một âm hưởng tương tự như thế. Thường họ không có tham vọng xử lí tất cả những nguyên nhân có thể của sự thoả mãn hay của phúc lợi, nhưng chỉ xử lí những nguyên nhân kinh tế, nghiã là chủ yếu xử lí những số lượng tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ (thị trường hay công cộng), những số lượng tiết kiệm, thời gian lao động. Bằng cách đơn giản hoá thêm nữa, thường họ gộp tất cả những yếu tố kinh tế này vào một yếu tố duy nhất: của cải cá nhân. Trong trường hợp mà những chỉ báo chỉ phụ thuộc vào biến “của cải” thì một kết quả đáng chú ý (từng được Bentham thoáng thấy) thu được là: nếu các chỉ báo tuân thủ nguyên lí những thoả mãn cận biên giảm dần và nếu những chỉ báo này đều giống nhau cho mỗi cá thể thì tổng của chúng được tối đa hoá bởi việc phân phối bình đẳng tổng của cải. Kết luận này đã gây ấn tượng mạnh đến độ, vào đầu thế kỉ XX, nó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lạm dụng kết luận này để đồng hoá học thuyết công lợi với chủ nghĩa bình quân. Nhưng những tác giả biết điều nhất trong số các nhà kinh tế hiểu rằng việc giới hạn phân tích của họ ở những nguyên nhân kinh tế nghiêm cấm họ xem việc hoàn thành trạng thái bình đẳng là có tính bắt buộc: “định lí” vừa nêu, trong trường hợp tốt nhất, chỉ có thể cung cấp một chỉ báo.
Kinh tế học phúc lợi thứ nhất đạt đến đỉnh điểm với tác phẩm muộn màng của Pigou, The Economics of Welfare [Kinh tế học phúc lợi] (1920). Tác phẩm này hoàn toàn thể hiện hai xu hướng trên: một học thuyết công lợi trước hết được quan niệm như một công thức kĩ thuật tính toán, một phần thoát khỏi những định kiến học thuyết, và một chủ nghĩa bình đẳng rất đậm nét về sự phân phối thu nhập. Phân tích đương đại còn giữ chút ít dấu ấn của những xu hướng này. Để làm rõ một vài kết luận về mặt thuế khoá, lí thuyết tài chính công (xem Atkinson & Stiglitz, 1980) không ngần ngại quay về công thức tổng những lợi ích cá thể. Ý tưởng cho rằng việc san bằng nhau thu nhập (có thể là tỉ lệ với tiêu chí xác đáng này hay tiêu chí xác đáng khác) làm tăng tổng phúc lợi của xã hội thấm đậm những công trình về lí thuyết kinh tế những bất bình đẳng (xem Fleurbaey, 1996, chương 5). Ảnh hưởng của kinh tế học phúc lợi thứ nhất được phát hiện đặc biệt trong những công trình ứng dụng.
Về mặt toán học, phép tổng những chỉ báo đòi hỏi phải có hai giả thiết về tính so sánh, trong mỗi cá thể và liên cá thể, cần phải xem là khác nhau. 1) Chỉ báo sự thoả mãn của mỗi cá thể phải là một chỉ báo bản số (người ta cũng gọi là “đo được”), điều này có nghĩa là chỉ báo được dùng để so sánh không những các mức độ thoả mãn mà còn để so sánh những khác biệt thoả mãn cá thể. Chỉ báo này không chỉ cho phép nói rằng sự thoả mãn do 1.000 ₤ mang lại là bằng, nhỏ hơn hay lớn hơn sự thoả mãn do 10.000 ₤ mang lại; mà còn cho phép nói được là sự thoả mãn do có được thêm 1 ₤, khi cá thể đã có 1.000 ₤ là bằng, nhỏ hơn hay lớn hơn sự khác biệt thoả mãn tương ứng khi cũng cá thể đó đã có 10.000 ₤. Người ta đối lập những chỉ báo bằng số thuộc kiểu trên với những chỉ báo thứ tự, những chỉ báo thứ tự này chỉ cho phép so sánh những mức độ thoả mãn. Xếp hạng những thí sinh sau một cuộc thi tuyển là một chỉ báo thứ tự trong lúc nhiệt độ là những chỉ báo bản số. Người theo học thuyết công lợi cần đến những so sánh tiến hành được bằng một chỉ báo kiểu thứ hai, nhưng còn muốn chuyển chỉ báo này từ một cá thể cô lập sang nhiều cá thể, và điều này dẫn đến một giả thiết khác; 2) Tất cả những so sánh thoả mãn được tiến hành trên cùng một cá thể cũng có thể được tiến hành trên những cá thể khác nhau. Nhập chung (1) và (2) kéo theo là ta có thể nói rằng sự khác biệt thoả mãn do việc một cá thể đã có 1.000 ₤ có thêm được 1 ₤ là bằng, nhỏ hơn hay lớn hơn sự khác biệt thoả mãn do việc một cá thể khác đã có 10.000 ₤ có thêm được 1 ₤.
Phân tích trên nay đã trở thành cổ điển, đặc biệt là nhờ những công trình soi sáng của Sen (1970 và 1982). Phân tích cho phép đánh giá tốt hơn sự gián đoạn diễn ra vào khoảng 1920-1930. Trong chừng mực mà kinh tế học phúc lợi thứ nhất, về mặt kĩ thuật, dựa trên phép tính tổng thì kinh tế học này phơi mình hai nhóm phản bác khác nhau nhưng đều hội tụ về mục tiêu. Phê phán của Robbins đặc biệt nhằm vào (2). Không kém phần ảnh hưởng, những phê phán mà giả thiết (2) gợi lên có một nguồn gốc khác là lí thuyết của Pareto về những lựa chọn kinh tế vi mô. Trong Manuel d’économie politique [Giáo trình kinh tế chính trị học], Pareto đã tiến hành xây dựng lại lí thuyết tân cổ điển về cầu chỉ bằng những đường bàng quan của người tiêu dùng. Phương pháp này qui lại thay thế chỉ báo thoả mãn có tính bản số của lí thuyết trước đó bằng một chỉ báo đơn giản có tính thứ tự. Những lí thuyết gia của thập niên 1930, như Hicks, Allen, Samuelson sẽ tiếp tục đến nơi đến chốn dự án ban đầu. Dưới mắt những nhà paretian, được thua cuối cùng là loại trừ một khái niệm, tính bản số, được họ xem là không có tầm quan trọng thực nghiệm: những so sánh bản số trong nội bộ mỗi cá thể, những so sánh các khác biệt thoả mãn, là không thể quan sát được, ngược lại với những so sánh thứ tự mà, ít ra về mặt nguyên tắc, ta có thể gán với những lựa chọn quan sát được. Do đó chương trình của Pareto đặt cơ sở cho một phê phán học thuyết công lợi, một phê phán khác về mặt lí thuyết với phê phán mà Robbins là người phát ngôn nhưng không kém phần dũng mãnh.
Cho dù hai lập luận trên là khác nhau nhưng bản chất của chủ nghĩa thực chứng tiềm tàng trong các nhà kinh tế – được củng cố, kể từ 1920, bởi ảnh hưởng mạnh mẽ của Câu lạc bộ Wien[1] – tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh đồng hai phê phán trên. Trước đấy Pareto đã tổng hợp hai trào lưu, vì tác phẩm Manuel không chỉ phản bác bản số luận mà còn phản bác cả những so sánh liên cá thể, bị đẩy sang phiá “nguỵ khoa học” (1909, trang 68-70). Sự hợp đồng lực lượng này đã đánh gục kinh tế học phúc lợi thứ nhất và cũng tạo nên cấu hình đặc trưng của kinh tế học phúc lợi thứ hai.
Kinh tế học phúc lợi thứ hai và thứ tự luận
Người ta gọi bằng thứ tự luận quan điểm không thừa nhận tính bản số và tính so sánh được, và do đó chỉ biết có những hàm lợi ích thứ tự, những hàm này được xác định một cách độc lập với nhau. Những hàm lợi ích thứ tự này được xem là biểu trưng cho sở thích của các tác nhân, nghĩa là khả năng lựa chọn của các tác nhân này – chứ không phải biểu trưng trực tiếp cho sự thoả mãn hay phúc lợi của các tác nhân. Có lẽ sẽ có người hỏi là có thể so sánh được chăng những trạng thái của nền kinh tế từ một thông tin giới hạn như thế? ít ra ta có thể sắp xếp những trạng thái này theo tiêu chí kĩ thuật của tính tối ưu Pareto (được gọi như thế vì tiêu chí này đã có mặt trong Phụ lục toán học của Manuel d’économie politique). Trạng thái x của nền kinh tế là ưu việt hơn, theo nghĩa của Pareto, trạng thái y nếu những hàm lợi ích của tất cả những cá thể có những giá trị trong trạng thái x ít ra cũng lớn bằng những giá trị trong trạng thái y, và ít nhất một hàm trong trạng thái x là có một giá trị cao hơn giá trị của hàm này trong trong trạng thái y (ở đây ta chỉ giữ lại có khái niệm, được gọi là mạnh, về tính ưu việt Pareto, nhưng lí thuyết đương đại đề xuất nhiều biến thể khác). Theo định nghĩa, tiêu chí không nói gì cả về những thay đổi từ x sang y, những thay đổi có thể kéo theo một cuộc xung đột quyền lợi – một gia tăng của chỉ báo cho một số cá thể và một sụt giảm của chỉ số cho một số cá thể khác. Người ta gọi bằng tối ưu Pareto một trạng thái thực hiện được x của nền kinh tế sao cho không có trạng thái y nào là thực hiện được và ưu việt hơn trạng thái x theo nghĩa của Pareto. Do tiêu chí so sánh không giải quyết được tình thế những cuộc xung đột quyền lợi nên thoạt nhìn đặc tính tối ưu Pareto là tương hợp với vô số trạng thái thoả mãn điều kiện tối ưu này. Như Pareto đã lờ mờ nhận ra, tiêu chí và khái niệm tối ưu đi cùng với tiêu chí này có thể áp dụng được vào việc phân tích cân bằng cạnh tranh hoàn hảo. Lí thuyết đương đại nêu bật hai kết quả sau: mọi cân bằng chung cạnh tranh của nền kinh tế là một tối ưu Pareto (“định lí cơ bản thứ nhất của kinh tế học phúc lợi”); có thể đạt đến mọi tối ưu Pareto như là một cân bằng chung cạnh tranh của nền kinh tế, miễn là ấn định đúng cách việc phân phối những nguồn lực ban đầu (“định lí cơ bản thứ hai của kinh tế học phúc lợi”). Mệnh đề trực tiếp gợi lên luận điểm bàn tay vô hình của Adam Smith và thường có mặt trong lập luận của các nhà kinh tế tự do. Tinh tế hơn, mệnh đề đã tạo lí do cho chủ nghĩa xã hội thị trường của Oscar Lange, theo đó thì có thể hoàn thành một cách cụ thể mục tiêu cuối cùng về phân phối bằng cách vận dụng vừa những nguyên liệu phân phối cho các tác nhận lẫn sự hoạt động tốt của thị trường.
Những hiệu ứng khuếch đại, mang tính tự do hoặc xã hội chủ nghĩa, mà hai định lí này đã khơi lên rõ ràng kéo theo những đánh giá giá trị và sự đột nhập của nhà kinh tế “với tư cách là con người”. Tế nhị hơn là vấn đề phải nên trình bày những hiệu ứng này như thế nào mà không kéo theo những đánh giá giá trị. Tất nhiên có thể trình bày một định lí của kinh tế học phúc lợi như một kết quả thuần tuý hình thức. Đó là trường hợp của phiên bản tiên đề hoá của “hai định lí cơ bản” của Debreu (1959). Tác giả này cung cấp một định nghĩa rõ ràng của mỗi thuật ngữ được sử dụng (trạng thái của nền kinh tế, thực hiện được, cân bằng chung cạnh tranh, nguồn lực ban đầu, tối ưu Pareto) nhờ một thiết kế toán học được chỉ định rõ. Do đó coi nhẹ việc là một trong những thuật ngữ được chọn (trong trường hợp này là tối ưu Pareto) có một âm hưởng mang tính đánh giá: tên gọi này chỉ còn là một nhãn hiệu tuỳ tiện. Quan điểm tiên đề hoá là đúng nhưng rõ ràng là quá hạn chế. Vấn đề thật sự là phải biết là nhà kinh tế có lồng những đánh giá giá trị hay không khi đề xuất một kiến giải về những kí hiệu có mặt trong phát biểu hình thức. Trong khuôn khổ giới hạn của thứ tự luận, trong đó tiêu chí Pareto là cách duy nhất có thẩm quyền để so sánh giữa những trạng thái với nhau thì ta có thể qui vấn đề lại như sau: nhà kinh tế có chấp nhận hay không ẩn ý theo đó tính ưu việt theo nghĩa của Pareto thể hiện khái niệm về sự tốt hơn? Nhà kinh tế có sẵn sàng chấp nhận nói rằng sẽ là một điều tốt nếu nền kinh tế ở trạng thái tối ưu Pareto hay không?
Vấn đề những đánh giá giá trị được đặt ra cho toàn bộ những kết luận mà kinh tế học phúc lợi thứ tự luận thu được, một kinh tế học tự gọi mình là “kinh tế học phúc lợi mới” để nêu bật sự khác biệt với trường phái của Pigou. Người ta đã sôi nổi tranh luận vấn đề này trong những năm 1930 nhân việc Hicks, Kaldor và Scitovsky đề xuất những “tiêu chí bù trừ” nhằm tinh vi hoá sự sắp xếp paretian những trạng thái kinh tế. Vào chi tiết, câu trả lời tuỳ thuộc vào ngữ cảnh chính xác của phát biểu, và có thể dẫn đến một thần học nghi nghĩa (nguyên văn là casuistique, có nghĩa là chuyên giải quyết những vấn đề khó xử - ND) tinh tế, như trong tác phẩm của Little (1950). Nhưng người ta cũng có thể đề xuất một câu trả lời chung. Các nhà kinh tế theo thứ tự luận chỉ quan tâm đến tiêu chí Pareto và, tuỳ tình hình, đến những tiêu chí bù trừ vì nhìn thấy trong đó một chỉ dẫn về phúc lợi kinh tế-xã hội (xem economic social welfare, Bergson, 1938). Họ chỉ tính đến phúc lợi “trên quan điểm kinh tế”: giới hạn được kinh tế học phúc lợi cũ hình dung cũng vẫn còn hiệu lực đối với kinh tế học phúc lợi mới. Trong giới hạn này thì khái niệm ẩn sau hai kinh tế học phúc lợi này về điều tốt trùng khớp với khái niệm phúc lợi, và điều này đã là một đánh giá giá trị. Hơn nữa, cả hai kinh tế học này luôn giả định, mà không bao giờ nói rõ – một điều đáng lí ra phải làm – rằng phúc lợi kinh tế của cá thể tăng trực tiếp theo một tỉ lệ với sự thoả mãn những sở thích của cá thể.
Ta gặp lại kết luận này ở những nhà phê phán khá khác nhau như Little (1950) và Arrow (1951) và cuối cùng đã tự khẳng định được, mặc dù có một vài tác giả li khai: “kinh tế học phúc lợi mới” không thoát khỏi những đánh giá giá trị. Ngày nay quan điểm của kinh tế học phúc lợi thứ hai thống trị những giáo trình về welfare economics (cho dù, như đã nói, trong đó đôi lúc nổi lên lại quan điểm của kinh tế học phúc lợi thứ nhất). Những nhà kinh tế đương đại, ví dụ như Broadway và Bruce (1984), sẵn sàng làm rõ những đánh giá giá trị cần thiết để tiến hành đến nơi đến chốn những phân tích của họ về phúc lợi kinh tế. Nhưng định vị như thế nào các nhà kinh tế đương đại này đối với những cấm chỉ của Robbins và của các nhà thực chứng? Nhân danh thứ tự luận, các tác giả đương đại lấy lại ý cho rằng những so sánh liên cá thể là những đánh giá giá trị cần phải tránh. Nhưng chống lại Robbins và chủ nghĩa thực chứng, họ tin là có thể xây dựng một khoa học kinh tế lấy cảm hứng từ những đánh giá giá trị, có thể nói là được chọn tốt hơn. Tất cả các bên tranh luận cuối cùng dường như chấp nhận mệnh đề có điều kiện sau: nếu phải có một kinh tế học chuẩn tắc thì kinh tế học này phải xuất phát từ một vài đánh giá giá trị do chính bản thân nhà kinh tế phát biểu, chứ không chỉ là những đánh giá giá trị quan sát được hay được thừa nhận. Thừa nhận điều này rồi, thì một số tác giả bác bỏ là cần phải có một chuyên ngành kinh tế học chuẩn tắc, trong lúc đối với một số tác giả khác thì sự tồn tại của chuyên ngành này là không thể phủ nhận và chấp nhận là không thể né tránh những đánh giá giá trị.
Như Arrow (1963, trang 37), đã từng nhận xét về những tác giả của những năm 1930, cái giá mà kinh tế học phúc lợi phải trả có vẻ là tương đối thấp. Khi giới hạn ở việc sử dụng tiêu chí Pareto thì kinh tế học này giả định một đánh giá giá trị dường như được khoanh vùng và ít ràng buộc: một khi đã nhận ra đánh giá giá trị này thì không thể né tránh được. Tính quyến rũ tầm thường của tiêu chí Pareto là do tiêu chí này giả định sự nhất trí của những đánh giá cá thể. Như vậy có vẻ là tiêu chí này được suy ra từ nguyên lí tổng quát cho rằng nguồn gốc duy nhất của những đánh giá là cá thể. Vả lại Abraham Bergson (1938) trực tiếp bảo vệ tiêu chí này dưới dạng một nguyên lí “cá nhân chủ nghĩa”. Hơn nữa, dường như bằng một kiểu nhân đôi lặp lại không tránh được, bản thân một tiêu chí có hiệu lực chỉ riêng cho những đánh giá nhất trí phải dấy lên sự đồng tình nhất trí. Một số những phân tích sau này đã xác lập là không thể trả giá nhẹ như thế để có được một tiêu chí có sức thuyết phục đến thế (trên điểm này xem Mongin & d’Aspremont, 1999). Nhưng những phân tích này đã không lay chuyển nổi niềm tin của các nhà kinh tế vào tiêu chí này.
Về lí thuyết lựa chọn xã hội và kinh tế học chuẩn tắc gần đây
Việc phê phán kinh tế học phúc lợi dẫn đến, về mặt lịch sử và logic, việc xem xét lí thuyết lựa chọn xã hội, nhưng điều này vượt quá những những giới hạn của bài viết này. Chúng tôi chỉ nhắc lại là chuyên luận nổi tiếng của Arrow, Social Choice and Individual Values [Lựa chọn xã hội và những giá trị cá thể] (1951) quả thật đã rọi một tia cực sáng vào những vấn đề so sánh liên cá thể và tính nhất trí paretian, cũng như, một cách chung hơn, vào những vấn đề về tính chuẩn tắc trong kinh tế học. Có thể đọc được trong tác phẩm này một biện minh thanh thản về sự cần thiết của những đánh giá giá trị nói chung, cũng như một sự đồng ý rõ rệt đặc biệt đối với một vài đánh giá giá trị nói riêng; cũng có thể đọc được ở đấy, nhưng phải đọc giữa các dòng, một ngợi ca gián tiếp những đánh giá giá trị thường xuyên bị chỉ trích: những đánh giá so sánh liên cá thể. Cách đọc như vậy không phải là một điều hiển nhiên. Những chuyên gia đương đại về lựa chọn xã hội thường khẳng định một luận đề khác (được trình bày trong Fleurbaey, 1996, chương 1): nhờ việc tách bạch việc hình thức hoá với những kiến giải mà phương pháp tiên đề hoá của Arrow và những tác giả nối bước ông cho phép, nên có thể xem xét tác động của những đánh giá giá trị mà không cần là bản thân mình phải đồng tình với những đánh giá này. Luận đề này qui lại là mở rộng đến những giá trị trừu tượng, được lí thuyết chọn là đối tượng nghiên cứu, phạm vi của Wertbeziehung của Weber.
Phải tiếp tục cuộc điều tra với kinh tế học chuẩn tắc của những năm 1980, mà những nguồn gốc khái niệm là lí thuyết công bằng của Rawls (1971), và dự án rõ ràng, của Kolm, Sen, Dworkin, Roemer và của vài tác giả khác, nhằm phát biểu lại chủ nghĩa bình đẳng ở một mức độ lí thuyết tinh vi thích hợp. Một cách thô sơ, có thể xếp một số những lí thuyết về công bằng phân phối này dưới tên gọi chi trả theo năng lực và một số khác dưới tên gọi cơ hội bình đẳng (xem Fleurbaey, 1996; Roemer, 1996). Mục tiêu mà những lí thuyết này nhắm đến không phải là một sự bằng nhau về mặt số học của những thu nhập. Chính bản chất của biến phải làm ngang bằng là đối tượng của một phần bàn luận, và sự công bằng được bàn đến gần như bao giờ cũng được hiểu là có tính tỉ lệ, chứ không phải là công bằng tuyệt đối. Do đó nếu học thuyết bình đẳng vẫn còn dai dẳng nơi các nhà kinh tế thì ngày nay học thuyết này đã khá xa với học thuyết bình đẳng của Pigou. Vấn đề không còn là bảo vệ học thuyết này trên cơ sở của học thuyết công lợi, nhưng những biến được chọn để mô tả tình hình kinh tế của các cá thể không phải bao giờ cũng là những hàm lợi ích. Kinh tế học chuẩn tắc mới không phải là một “kinh tế học phúc lợi mới” mới. Kinh tế học này, không giống như “kinh tế học phúc lợi mới” đã từng làm, không quan tâm đến một chuẩn độc nhất mà nó sẽ dài dòng xem xét đầu đuôi. Kinh tế học này xét những lí tưởng phân phối khác nhau nhằm so sánh, nối kết, phân loại những lí tưởng này. Kinh tế học này có thể là hoá thân muộn màng của cái “đạo đức của kinh tế chính trị học” mà John Neville chỉ mới định nghĩa, và là bằng chứng sờ mó được cho thấy rằng Robbins đã sai lầm khi phủ nhận khả năng logic của một khoa học chuẩn tắc. Một kết luận như vậy tự bản thân nó gây sốc cho những tiên kiến của đa số các nhà kinh tế. Không thể rút ra kết luận ấy mà không trước đó đào sâu những vấn đề khó nhất có tính triết học của bài viết này: ý tưởng về một khoa học chuẩn tắc có tương hợp với việc có những đánh giá giá trị không, hay là nên giữ lại giải pháp của Weber bằng “quan hệ đối với những giá trị”? Phải chăng các nhà kinh tế đã thường loại bỏ các đánh giá vì không phân biệt được rõ ràng chúng với những chuẩn bắt buộc? Những so sánh liên cá nhân về sự thoả mãn phải chăng là không chắc chắn như các nhà kinh tế đã nói và nên chăng tính những so sánh này vào số những đánh giá giá trị hơn là vào số những đánh giá sự kiện?
▶ ARROW K., Social Choice and Individual Values, New Haven, Yale University Press, 1951, (2e éd. révisée, 1963; trad. fr., Choix collectifs et préférences individuelles, Paris, Calman-Lévy, 1974). – ATKINSON A. & STIGLITZ J., Lectures on Public Economics, London, MacGraw Hill, 1980. – BERGSON A., “A reformulation of certain aspects of welfare economics”, Quarterly Journal of Economics, 1938, t. 32., p. 310-334.. – BOADWAY R. & BRUCE N., Welfare Economics, Oxford, Blackwell, 1984. – DEBREU G., Theory of Value, New Haven, Yale University Press, 1959 (trad. fr., Théorie de la valeur, Paris, Dunod, 1984). – FLEURBAEY M., Théories économiques de la justice, Paris, Économica, 1996. – FRIEDMAN M., Essays in Positive Economics, Chicago, Chicago University Press, 1953. – HALÉVY É., La formation du radicalisme philosophique, Paris, Félix Alcan, 3 t., 1901-1904 (éd. révisée, Paris, PUF, 1995). – KEYNES J. N., The Scope and Method of Political Economy, 1890 (4e éd., 1917, Kelley Reprints of Economic Classics, New York, 1963) – KOLAKOWSKI L., La philosophie positive, Paris, Denoel, 1974 (dịch từ tiếng Ba Lan). – LIPSEY R., An Introduction to Positive Economics, London, Weidenfeld & Nicholson, 1966. – LITTLE L., A Critique of Welfare Economics, Oxford, University Press, 1950 (2nd ed., 1957). – MILL J. S., A System of Logic, London, Longman’s Green, 1843 (7e éd. révisée, 1868). – MONGIN P. & D’ASPREMONT C., “Utility Theory and Ethics” in BARBERA S., HAMMOND P. & SEIDL C., Handbook of Utility Theory, t. I, Dordrecht, Klwer, 1999. – MYRDAL G., Value in Social Theory, London, 1958. – PARETO V., Manuel d’économie politique, 1909 (rééd. Genève, Droz, 1966). – PIGOU A., The Economics of Welfare, London, Macmillan, 1920. – RAWLS J., A Theory of Justice, Cambridge (Mass.), Harvard University Press, 1971 (trad. fr., Paris, Le Seuil, 1987). – ROBBINS L., An Essay on the Nature and Significance of Economic Science, London, MacMillan, 1932 (2e éd, révisée 1935). – ROEMER J., Theories of Distributive Justice, Cambridge (Mass.), Harvard University Press, 1996. – SEN A., Collective Choice and Social Welfare, San Francisco, Holden Day, 1970; Choice, Welfare and Measurement, Oxford, Blackwell, 1982. – WEBER M., Gesammelle Aufsọtze zur Wissenschaftslehre, Tüỹbingen, Mohr & Siebeck, 1992 (trad. fr. partielle, Essais sur la théorie de la science, Paris, Plon, 1965).
Philippe MONGIN
Giám đốc nghiên cứu CNRS
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Bất bình đẳng; Hệ chuẩn; Hiệu quả hay công bằng; Khoa học luận; Kinh tế học: đối tượng và phương pháp; Phúc lợi xã hội và lựa chọn xã hội; Tối ưu.
[1] Có thể tham khảo Câu lạc bộ thành Wien và tinh thần mới về khoa học (ND).↩