Bản đồ, lãnh thổ và lồng sắt[1]
Gary Becker chết rồi. Nếu bạn không biết ông ta, thì chắc có lẽ bạn đã không nghiên cứu về khoa hoc xã hội trong năm mươi năm vừa qua. Tôi không chắc là thuật ngữ “chủ nghĩa đế quốc của kinh tế học” đã được sáng tạo ra để chỉ ông ấy, nhưng cũng gần đúng như vậy: ông đã dày công ứng dụng cách thức mô hình hóa của kinh tế học, con người kinh tế trứ danh, một con người hoàn toàn duy lý và chỉ biết tính toán, cho gần như hầu hết những hiện tượng ta có thể tìm thấy được, từ những mối quan hệ gia đình cho đến sự tiêu thụ ma túy… Đó là một cách tư duy đã có một sự tác động tai hại mặc dù cũng mang đến nhiều lợi lộc[2]. Alexandre Delaigue đã viết ra một tiểu truyện người quá cố[3] nhấn mạnh đến ảnh hưởng to lớn của người quá cố đến những lãnh vực vượt quá môn kinh tế học. Và khi làm việc này ông đã dùng đến một phép ẩn dụ khiến cho tôi hơi bị nhột (titillé): thật ra Gary Becker chỉ vạch ra một bản đồ của những cách ứng xử của con người, có thể là không thực tế cho lắm, nhưng cũng không thua kém bất cứ bản đồ nào khác để giúp chúng ta thật sự được định hướng. Đây là một phép ẩn dụ khá hay vì nó làm cho tôi nghĩ đến một phép ẩn dụ khác xuất phát từ xã hội học. Cách tiếp cận của Becker bị phê phán kịch liệt, không phải lúc nào cũng một cách đúng đắn. Người ta đã trách ông xem con người là duy lí, trong khi hiển nhiên là không phải bao giờ điều này cũng đúng. Một phê phán phi lí giống như khi nói rằng bản đồ đi đường của tôi là sai vì không cho biết giống cây nào được trồng trong các cánh đồng hai bên đường đi, quả đúng là như thế thật, nhưng điều này không phải là mục đích của bản đồ: mọi mô hình khoa học là một sự đơn giản hóa hiện thực để làm cho hiện thực trở thành hiểu được. Vấn đề ở đây là phải chăng cách tiếp cận này có thể làm cho hiện thực thật sự là dễ hiểu hơn không.
Trên đây là những gì mà Alexandre Delaigue đã viết để bênh vực cho những sự lựa chọn mô hình hóa mà Becker đã thực hiện. Nhưng đối với tôi, khi người ta đề cập đến bản đồ đường sá thì tôi lại nghĩ đến nhà xã hội học Mỹ David Stark: đó chính là một phép ẩn dụ mà ông thường sử dụng để giới thiệu một khái niệm không thể nào lẩn tránh được trong xã hội học ngày nay, khái niệm tính ngôn hành (performativité). Ta có thể tìm thấy một bản tường trình ở đây, nhưng tôi đã dự một buổi trình bày tương tự nhân dịp một hội thảo được tổ chức tại phòng thí nghiệm của tôi. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những cách dễ hiểu nhất để gắn ý nghĩa cho một khái niệm, mà nếu không có thì sẽ là một khái niệm tương đối khó nắm bắt. Chúng ta hãy thử đi theo cách lý luận của ông mà tôi khôi phục dưới đây từ những điều tôi đã ghi chép và từ những ký ức. Chúng ta hãy tưởng tượng một cánh đồng không có một con đường nào xuyên qua. Chúng ta hãy lấy những hình để minh họa nó (từ đường dẫn ở trên và do đó từ chính những hình phỏng chiếu của David Stark) để làm cho mọi chuyện được sáng tỏ hơn:
Bạn muốn đi từ một điểm A đến một điểm B, và giúp đỡ những người khác làm như vậy một cách có hiệu quả nhất có thể. Muốn thực hiện được việc này, bạn nhận thấy cách nhanh nhất là đi ngang qua cánh đồng đó. Và bạn sẽ vẽ một bản đồ để chỉ con đường phải theo, cho dù rằng nó chưa có trong thực tế. Bản đồ này có thể được những người khác sử dụng. Nó sẽ có hình thể như sau:
Nếu bản đồ đó được nhiều người theo, cũng không khó lắm để dự đoán những gì sẽ xảy ra sau khi một số người đã làm đúng theo những gì được vẽ trên bản đồ: một con đường sẽ xuất hiện ngay giữa cánh đồng. Nói một cách khác, bản đồ mà bạn đã vẽ không chỉ mô tả thực tại, dù một cách không hoàn hảo, dù chỉ đơn giản làm cho cái thực tại đó dễ hiểu hơn: nó đã thật sự làm cho cái thực tại đó biến đổi. Điều đó chính là tính ngôn hành (performativity) đã được Austin khái niệm hóa lần đầu tiên: đó chính là khả năng biến đổi thực tại mà một phát biểu có được. Để nói điều ấy bằng hình ảnh cho gần hơn với những từ mà Starck sử dụng:
Nếu bạn chỉ cho một người một bản đồ và nói “đây là cách mà người ta đi từ điểm A đến điểm B”, thì mệnh đề này mang tính ngôn hành khi nó tạo ra cách ứng xử mà nó mô tả. Trong trường hợp đó, một con đường sẽ được đào trên mặt đất từ điểm A đến điểm B. Như vậy, một phát biểu mang tính ngôn hành không chỉ biểu hiện thực tại (như một phát biểu mang tính tuyên bố (declarative): “ đây là một cây bút máy”) mà còn tác động đến thực tại. Ngôn ngữ mang tính ngôn hành là một động cơ, nó không phải là một máy chụp hình. Một mô hình mang tính ngôn hành khi việc sử dụng nó làm cho khả năng tiên đoán của nó được tăng lên (David Stark, Paris, 17.07.2009).
|
J. L. Austin (1911-1960) |
Cần làm rõ một điều: tính ngôn hành không phải là triệt để và cũng không phải là đặc tính riêng của những phát biểu kinh tế học[4]. Đặc biêt nó đòi hỏi đủ loại điều kiện xã hội để được thực hiện: nếu tôi ngồi một mình ở một góc để vẽ một bản đồ, hay nếu tôi thiết kế một mô hình kinh tế khi ăn sáng, tôi sẽ không tự động làm cho thực tại thay đổi. Một trong những trường hợp nghiên cứu công phu về tính ngôn hành dựa trên nhiều tài liệu nhất, tức là việc phổ biến công thức của Black & Scholes được David Mac Kenzie phân tích, cho thấy sự cần thiết của những sự can thiệp rất trực tiếp của các tác giả của công thức này: đặc biệt là họ đã phân phát những tài liệu chứa đựng những công thức toán học của họ cho những tay kinh doanh thị trường chứng khoán khả dĩ có thể sử dụng nó, đến nổi các sự biến động các giá trên thị trường này rốt cuộc đã theo những hình thức mà mô hình của họ đã tiên đoán … điều mà trước đây các giá ấy chưa từng làm. Những trường hợp về tính ngôn hành là hiếm khi xảy ra và thật là một sai lầm nếu ta khẳng định là tất cả nghiên cứu kinh tế học đều mang tính này. Nhưng trong trường hợp của Gary Becker, ta không thể không nghĩ rằng các mô hình của ông ít mô tả thực tại hơn là kiếm cách thay đổi thực tại. Thật vậy Alexandre Delaigue cũng đã công nhận điều này trong đoạn cuối của bài của ông: Trong khoa học xã hội, luôn có nguy cơ là một lí thuyết biến đổi hiện thực mà nó nghiên cứu.
Trong vòng vài thập kỉ vừa qua, điều thu hút sự chú ý là quan hệ giữa Nhà nước và công dân ngày càng bị hàng hóa hóa; cử tri ứng xử như những khách hàng bực tức với một đường dây nóng (hotline) không hiệu quả hơn là như những cá thể dấn thân vì những chính nghĩa ý thức hệ lớn. Ta có thể lấy làm tiếc cho tình trạng này, đồng thời nhận xét rằng nó cũng góp phần đáng kể làm xã hội yên bình hơn. Thật ra không có gì xấu khi xem công dân là một khách hàng, một đôi lứa là hai người hợp tác, kẻ phạm tội như một doanh nhân, với điều kiện đừng quá tin vào mô hình vì mô hình có thể trở thành thực tế. Hiểu theo ý nghĩa ấy, Gary Becker đã góp phần rất nhiều cho thế giới ngày nay được yên bình hóa và có thể định lượng.
Tuy nhiên ta cần phải ghi nhận là nhận xét này rất nhập nhằng, nước đôi: tính ngôn hành vừa được mô tả như là cái gì có thật vừa như một sự đe dọa, vừa là một điều tích cực (trong cách tiếp cận của Gary Becker, nó làm cho xã hội được bình yên … và theo tôi chỉ riêng điều này đã đòi hỏi một lập luận rõ ràng) và vừa là một đe dọa nếu ta coi trọng nó quá (nhưng ngưỡng của cái “quá” bắt đầu từ đâu?). Trên điểm này toàn bộ các nghiên cứu xã hội học vô cùng phong phú ngày nay quan tâm đến tính ngôn hành của các phát biểu kinh tế học đã cho thấy một điều cơ bản: việc quan niệm một lý thuyết một cách quá nghiêm túc không phải là điều khiến cho nó mang tính ngôn hành, mà chính là việc “đơn giản” sáp nhập nó vào trong những thiết bị kỹ thuật và những thói quen ứng xử. Tin như đinh đóng cột vào sự hiện hữu của một con đường đi từ điểm A đến điểm B không phải là điều làm cho nó có thật, mà chính là sự phát biểu này dưới hình thức của một bản đồ và bản đồ này sẽ được một số người nhất định sử dụng, cho dù rằng mỗi người đều có thể tự mình phê phán bản đồ vì sự kém cỏi của nó. Ở đây, một niềm tin mạnh mang tính ý thức hệ không cần thiết. Trên phương diện này, sự thành công của cách tiếp cận của Gary Becker có lẽ không phải là do nó làm cho thế giới dễ hiểu hơn mà chủ yếu là vì nó thường đề xuất được những giải pháp đơn giản – thay đổi biện pháp động viên này hay biện pháp động viên khác, đo lường sự ưa thích này hay ưa thích khác của cử tri trung vị[5], v.v…. - có thể được ghi nhận một cách dễ dàng trong những thiết bị kỹ thuật hay những mô hình toán học rất dễ được thao tác nếu ta cần có một giải pháp nhanh. Nó không đòi hỏi người sử dụng nó cần phải tin vào tính có cơ sở của lý thuyết làm nền tảng cho nó trên phương diện đạo đức, chính trị hay ngay cả khoa học. Bản đồ đã thật sự trở thành một “lồng sắt” hay ít nhất cũng là một thanh sắt của chiếc lồng này. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân của sự thành công chính trị của khoa học kinh tế: khoa học kinh tế cung cấp những đáp án, không hẳn là những đáp án đúng hay thật hay chỉ đơn giản hơn là những đáp án khoa học tương đối thỏa đáng, nhưng dù sao đó cũng là những đáp án. Và khi bạn là một người nắm quyền quyết định phải lựa chọn giữa một nhà nghiên cứu nói với bạn là “vấn đề này phức tạp, đặc thù và gắn với một tổ hợp những biến số tình huống” và một người khác nói với bạn “mô hình của tôi chỉ rằng đáp án là X” thì sự lựa chọn có thể rất nhanh … Thật ra tôi gần như chắc chắn là điều này đã được mô hình hóa.
Ẩn dụ về bản đồ còn đặt ra một vấn đề cuối cùng. Nếu ta muốn vẽ môt bản đồ, ta sẽ bắt đầu đi tham quan lãnh thổ sẽ được vẽ vì giá trị của bản đồ nằm trong mối tương quan của nó với lãnh thổ được vẽ lên. Đó không phải là điều mà Gary Becker và những người theo ông đã làm. Để vẽ lên bản đồ của gia đình, người nghiện ma túy hay của kẻ tội phạm, ông đã không bắt đầu nghiên cứu về gia đình, người nghiện ma túy hay kẻ tội phạm. Hơn nữa, lý thuyết mà ông xây dựng không nhằm việc trình bày chẳng hạn gia đình Mỹ vào những năm 80: nó nhắm tới gia đình chung chung, ở mọi nơi ở và mọi thời điểm. Để làm được việc này, chính ta phải chấp nhận không đề cập đến gia đình mà đến những thực thể hoàn toàn mang tính hình thức và phi lịch sử. Đó cũng không phải là thiết kế một loại hình lý tưởng theo cách của Weber bằng cách cố ý nhắn mạnh đến một vài khía cạnh của một hiện tượng, vì loại hình lý tưởng bao giờ cũng được thiết kế trong mối tương quan với một vật thể đặc thù: nó phải là một bản đồ được vẽ từ một lãnh thổ. Trong trường hợp của những công trình của Gary Becker, và cả phần lớn những công trình kinh tế học được toán hóa, ta thấy đó là bản đồ được vẽ mà không có lãnh thổ. Vì vậy ta không nên quá ngạc nhiên nếu đôi khi điều này tạo nên những quái vật…
Có lẽ tôi hơi phóng đại một chút. Bản đồ này không hoàn toàn vô ích: nó có thể nói cho ta biết rằng “để nối liền hai điểm cách biệt nhau, con đường ngắn nhất là con đường thẳng”. Chắc có lẽ chính vì vậy mà ta thường tìm thấy những lời dẫn về Becker ở phần đầu của một vài giáo trình hay của một vài bài viết. Nhưng chính sau đó những điều thú vị mới bắt đầu, khi mà ta nhận thấy rằng không thể xây dựng được con đường thẳng… Và chính vì vậy mà tôi làm xã hội học.
Hai bình luận:
Alexandre đã viết
Một bài hay. Đúng vậy, tính ngôn hành là trọng tâm của bài của tôi mà mục đích không phải là giải thích (đây không phải là nơi) mà chỉ để gợi ý thôi. Vì vậy tôi rất vui mừng thấy cuộc thảo luận được tiếp diễn như vậy. Một vài điểm:
- Đoạn của bản tuyên ngôn đảng cộng sản được trích dẫn trong bài của tôi là để nhắc lại rằng tiến trình duy lý hóa thế giới không thể chỉ được phân tích như là tính ngôn hành của mô hình con người kinh tế (homo economicus) vì khái niệm này chưa xuất hiện vào thời điểm ấy dưới dạng đó. Tôi không biết là sự bá quyền của kinh tế học đã đi kèm một trào lưu bao gồm nhiều thế lực ngầm khác hay nó đã gây ra/ khuếch đại trào lưu này. Tôi nghĩ là ta không thể nào trả lời cho câu hỏi này một cách chính xác và điều này tạo nên một sự nhập nhằng về vai trò của Gary Becker. Cho dù gì đi nữa, tôi vẫn nghĩ là ta không thể nào bỏ qua cách đọc mác xít cho rằng các ý tưởng là những sản phẩm ẩn sâu dưới các mối quan hệ xã hội.
- Tôi quan niệm khoa học xã hội như là một hộp những công cụ. Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể đi xa lắm nếu chúng ta chỉ mô tả sự giáo dục của trẻ em (hay quyết định tự tử) như là một sự tối ưu hóa dưới ràng buộc; có nhiều lĩnh vực trong đó cách tiếp cận này được sử dụng một cách tốt hơn. Trong mọi trường hợp, có những nhà xã hội học (mà ta có thể ưa thích hay không) đã mang lại những ý tưởng hay với cách tiếp cận này (tôi nghĩ đến Boudon chẳng hạn).
- Sau cùng tôi nghĩ rằng ở Becker có một chiều kích đả kích hơn là ta tưởng, một điểm mà tôi đã không đề cập đến nhiều; mô hình duy lý phơi bày một số cơ chế - chính điều này giải thích phần nào Foucault và khiến cho những người đấu tranh cho nữ quyền lại rất thích nó và sử dụng nó rất nhiều.
19:46 Jean-Michel đã viết …
Khi đọc bài viết của Alexandre Delaigne, tôi cũng có ý tưởng giống vậy: cái ẩn dụ bản đồ đã không thuyết phục nổi tôi. Tôi cũng đã nghĩ đến việc viết một bài để đáp trả nhưng bài này khiến cho tôi nghĩ là tôi được miễn làm việc này. Chắc tôi cũng sẽ dựa trên những công trình nghiên cứu về tính ngôn hành, trong đó có những công trình của Mac Kenzie, một tác giả hình như đã ảnh hưởng rất nhiều đến Stark, người mà tôi chưa đọc (câu “ngôn ngữ ngôn hành là một động cơ chớ không phải là một máy chụp hình” chính là tựa một quyển sách của Mac Kenzie, “An Engine, not a Camera. How Financial Models Shape Markets”). Nhưng vấn đề cuối cùng được bàn đến, vấn đề của một bản đồ không có lãnh thổ, theo tôi thì đi xa hơn nữa. Thật ra vấn đề này không phải là vấn đề của riêng Gary Becker hay của kinh tế học mà thôi mà ngay trong kinh tế học nó đã được Pareto nhận diện theo một kiểu nào đó: sau khi vẽ ra một mô hình đơn giản, mô hình của các hành động lôgíc, Pareto (Trattato di sociologia generale) đã cố gắng đưa vào lại những gì mà ông đã loại đi lúc ban đầu dưới thuật ngữ những hành động “không lôgíc” hay những “phần dư”[6] (résidu). Nhưng cố gắng gắn lại những “phần dư” không có nghĩa là có quan tâm đến sự phức tạp của thực tại ngay từ lúc đầu. Trong ngôn ngữ học, chúng ta cũng gặp vấn đề này khi mà, sau khi nghiên cứu một ngôn ngữ đơn giản đã được lược đi những thứ rườm rà như là sự không sát nghĩa của các từ làm cho mối quan hệ giữa từ và nghĩa không bao giờ là duy nhất cả (một từ có nhiều nghĩa, đó là hiện tượng đa nghĩa, và một đơn vị ý nghĩa có thể được tạo nên bởi nhiều từ, đó là sự đồng nghĩa), ta đạt đến những mô hình ngôn ngữ không còn có một quan hệ nào cả với cách sử dụng ngôn ngữ trong thực tế. Và sau đó ta lại gặp khó khăn khi mà ta muốn đưa vào mô hình này những điều gì mà ta đã loại lúc ban đầu, trong khi đó chính là một đặc tính cơ bản của hiện tượng được nghiên cứu mà đáng lẽ ta đã phải coi như là đối tượng nghiên cứu ngay từ ban đầu. Nhưng vấn đề chưa hẳn là một vấn đề thật sự đối với các nhà kinh tế học khi mà họ muốn tạo ra những mô hình cho hành động hơn là một bản đồ mô tả một lãnh thổ: dù không phải lúc nào họ cũng ý thức về các hiện tượng về tính ngôn hành, họ cũng vẫn thỏa mãn khi mà lãnh thổ rốt cuộc cũng gần giống bản đồ, dù rằng bản đồ này lúc ban đầu không tương ứng và thậm chí không tương ứng chút nào với lãnh thổ. Đó cũng chính là điều mà Mac Kenzie chứng minh cho các mô hình tài chánh: người ta càng có cái ảo tưởng là mô hình thật sự mô tả sự vận hành của một thị trường nào đó vì người ta không thật sự ý thức rằng những tác nhân của thị trường này đã “cài cắm” mô hình này trong cách ứng xử và trong máy tính của họ. 20:30
Denis Colombini
Phạm Như Hồ dịch
[1] Lồng sắt – Cage en acier (Pháp), Iron cage (Anh), stahlartes gehause (Đức) – là một ý tưởng của Max Weber theo đó kết quả sau cùng của trào lưu duy lý hóa trên thế giới và của các sinh hoạt xã hội trong xã hội tư bản tây phương (gắn liền với tiến trình hiện đại hóa) sẽ là một xã hội trong đó con người sẽ bị kiểm soát và theo dõi trong một chế độ quan liêu dựa trên sự tính toán và sự kiểm soát và như vậy sẽ sống như là ở trong một “lồng sắt”. Động lực mạnh nhất của trào lưu duy lý hóa trong đời sống xã hội chính là sự phổ quát hóa tinh thần tư bản chủ nghĩa đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tức là sự tính toán duy lý nhằm đạt kết quả hay lợi ích cao nhất. Weber đã nêu lên sự tương hợp giữa “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” (tựa của công trình nghiên cứu nổi tiếng nhất của ông) và đã cố gắng cho thấy đây chính là nét đặc thù của chủ nghĩa tư bản tây phương so với các hình thái xã hội khác đã có từ trước đến nay trong công trình nghiên cứu so sánh “Kinh tế và xã hội” (Economie et Société). Weber còn có một cái nhìn bi quan hay đúng hơn là tỉnh ngộ (désenchanté) về sự tiến hóa của xã hôi tư bản tây phương (và của các xã hội khác sẽ đi theo con đường của xã hội này) khi ông nói đến “sự đánh mất tính huyền bí của thế giới” (désenchantement du monde) làm cho ý nghĩa của hành động của con người dần dần bị đánh mất để nhường chổ cho một quan niệm thuần duy lý trong đời sống xã hội của con người (ND).↩
[2] Bản dịch tiếng Việt là Kinh tế học hài hước, NXB Tri thức, HN, 2012 (ND).↩
[3] Xem bài Gary Becker, nhà đế quốc kinh tế (1930-2014) (ND).↩
[4] Cách dịch performative (ngôn hành) và constative (nhận định) là theo Cao Xuân Hạo và Hoàng Dũng trong Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu Anh-Việt, Việt-Anh, NXB KHXH, 2005. Có thể tham khảo hai cách vận dụng khái niệm này trong bài Là ông Thiện hay ông Ác?: vai trò của con số trong việc cai quản của Nhà nước tân tự do và trong bài Khám phá ra dân chủ ngôn hành (ND).↩
[5] Xem bài “Cử tri trung vị” trong mục Từ điển các khoa học kinh tế (ND).↩
[6] Phương pháp trừ dư (méthode des résidus): trong nhận thức luận, phương pháp trừ dư là phương pháp khấu trừ trong một hiện tượng phần đã được xác định có những nguyên nhân rõ ràng để tìm ra những nguyên nhân của phần còn lại (phần được gọi là résidu). Phương pháp này được John Stuart Mill trình bày năm 1843 trong System of Logic (ND).↩