16.3.15

Đóng góp của thế giới A-rập

Al-Khwarzimi 
(khoảng 780-khoảng 850)

 Đóng góp của thế giới A-rập 

“Giữa thế kỷ VIII và XV, nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất được tiến hành bằng tiếng A-rập. Đó là ngôn ngữ của khoa học, từ Tây Ban Nha tới biên giới Trung Hoa”. Nhận xét của Roshdi Rashed, người chủ biên của bộ sách đồ sộ Lịch sử khoa học A-rập (Histoire des Sciences arabes, 3 tập, nxb Le Seuil 1977). Vào thế kỷ XIX, những sử gia Tây phương như Ernest Renan xem khoa học A-rập như một trạm tiếp nối đơn thuần giữa khoa học Hy Lạp và thời Phục hưng ở phương Tây. Ngoại trừ phát minh ra đại số học, những nhà học giả không làm gì khác ngoài việc truyền sang châu Âu di sản của người Hy Lạp – Ptolémée, Aristote, Hippocrate, Euclide và vài người khác. Ngày nay, người ta biết rằng sự thật khác hẳn. Nghiên cứu của nhiều sử gia cho thấy người A-rập đã đóng góp nhiều biết bao trong việc chuẩn bị, nhiều khi đi trước, cho phép nổ ra cuộc cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ XVII. Và đó là thực tế trong nhiều lĩnh vực: toán học, thiên văn, hoá học và y khoa.

Nhưng, Khoa học A-rập là gì?

Khoa học A-rập? Người ta dùng thuật ngữ đó để chỉ tất cả những sản phẩm về mặt học thuật bằng tiếng A-rập giữa các thế kỷ VIII và XV. Cần nhắc lại rằng sau khi đế chế La Mã sụp đổ, đời sống tinh thần gần như kiệt quệ hoàn toàn ở phương Tây. Trong nhiều thế kỷ, tư duy không được phép vượt qua những bức tường các tu viện, nơi Khoa học hầu như hoàn toàn vắng bóng. Ở Phương Đông, một đời sống tri thức tiếp tục tồn tại ở các trung tâm đô thị. Từ thế kỷ V, một nền văn hoá độc đáo nảy nở trong đế chế Sasan (Iran hiện nay), ở biên giới đế chế Byzance. Văn hoá này thừa hưởng những thành quả của các nền văn minh Hy Lạp, Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng sẽ sụp đổ khi bị những người Hồi giáo chinh phục.
Chỉ trong vòng vài thập kỷ sau khi nhà tiên tri Mahomet qua đời (vào năm 632), đạo Hồi sẽ lan toả ra khắp vùng Trung Đông, Bắc Phi và Tây Ban Nha. Những vị vua A-rập chiếm lĩnh các thành phố lớn và áp đặt tiếng A-rập là ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ văn hoá. Đó là những vị vua sáng. Họ có chính sách ưu đãi đối với nghệ thuật, văn chương và khoa học. Họ xây dựng nhiều thư viện lớn, cho người dịch sang tiếng A-rập những tác phẩm Hy Lạp, Ấn Độ, Ai Cập, byzantin, syriaque, v.v. Bagdad, rồi sau đó tới Le Caire, Cordoue, trở thành những trung tâm trí thức nổi tiếng tại đó các ông hoàng sát cánh với những nhà văn, nhà toán học, nhà thiên văn hay những vị thầy thuốc lớn.
Một đời sống trí thức cực kỳ phong phú diễn ra bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII. Người ta thường phân biệt hai giai đoạn: thời gian đầu dành cho những công trình dịch thuật, bình luận và sưu tập những tác phẩm xưa. Giai đoạn sau, trễ hơn tuy rằng hai giai đoạn có những thời gian trùng lắp, là cả một thời đại sáng tạo. Những nhà thông thái A-rập đặc biệt rạng rỡ trong nhiều lĩnh vực: toán học, thiên văn, y học và giả kim học.

Toán học

Trước hết, toán học A-rập thừa kế hai truyền thống lớn: toán học Hy Lạp (Những phần tử của Euclide đã được dịch), và đóng góp rất phong phú của toán học Ấn Độ, hướng về các kỹ thuật tính toán. Những nhà toán học A-rập sẽ thu nhập các thành quả đó và đẩy xa hơn nhiều khám phá. Al-Khwarzimi (thuật ngữ algorithm – tiếng Anh, có nghĩa là thuật toán – được đặt ra từ tên ông), một trong những tên tuổi lớn nhất của trường toán Bagdad, cho xuất bản vào khoảng năm 830 một chuyên luận về các phương trình nhiều ẩn số, mở ra một chuyên ngành mới: đại số - mà tên tiếng Anh Algebra cũng có nguồn từ tên tập sách này. R. Rashed nhận xét: “đó là một sự kiện mấu chốt (…). Tầm quan trọng của tác phẩm được cộng đồng toán đương thời cũng như nhiều thế kỷ sau này công nhận. Cuốn sách của Al-Khwarzimi không ngừng tạo hứng khởi và là chủ đề bình luận của các nhà toán học, không chỉ bằng tiếng A-rập hay tiếng Ba Tư, mà cả với tiếng La-tinh hoặc trong các ngôn ngữ Tây Âu cho tới thế kỷ XVIII”.
Những công trình của Al-Khwarzimi mở ra một dòng nghiên cứu toán theo hai hướng: hình học và số học, theo R. Rashed. Những tiến bộ vượt bậc được đạt tới sau khi sách ra đời, trong số học, các thuật toán, hình học, đại số và lượng giác.

Thiên văn

Người A-rập chú trọng tới thiên văn do những mối quan tâm tôn giáo. Thực vậy, Khoa học này liên hệ trực tiếp với vài đòi hỏi của nghi thức lễ Hồi giáo: xác định tháng Ramadan, những giờ khởi hành lễ cầu kinh, định hướng nhìn về La Mecque. Thiên văn học A-rập được thừa hưởng những thành quả của người Ấn và Babylon, nhưng hệ quy chiếu chính của nó vẫn là hệ thống địa trung tâm của người Hy Lạp Ptolémée.
Những nhà bác học A-rập sẽ tập trung vào việc quan sát chuyển động của các vì sao nhờ những dụng cụ quan sát xách tay (máy đẳng cao, thước đo góc vuông). Họ cũng xây dựng đài thiên văn lớn qua đó họ thiết lập những bảng số liệu thiên văn và sử dụng những công cụ toán hoàn thiện để tính toán chuyển động của các vì sao và các hành tinh. Hoạt động đó giúp họ làm tinh vi hơn, sửa lỗi và xem xét lại mô hình Ptolémée, dù về cơ bản không thay đổi nó. Tuy nhiên, khi nêu rõ những điểm bất thường, khi nhân lên các quan sát và tính toán, không thể chối cãi là họ đã tạo ra những tiền đề cho cuộc cách mạng Copernic.

Thuật giả kim

al-Razi (865-925)
Thuật giả kim ở thời thượng cổ và trung cổ không chỉ bao gồm một vài ảo thuật huyền bí nhằm biến chì thành vàng (“công trình vĩ đại”) , như người ta thường tưởng thế. Thuật giả kim A-rập chính là tiền thân của hoá học hiện đại. Tại đây, người ta nghiên cứu những tính chất của các kim loại, các loại muối, mỏ, thành phần của chúng, phản ứng của chúng trước sức nóng, độ lạnh, khi được trộn với nhau, v.v. Bác sĩ Abu Bakr al-Razi (868-924), được biết với tên Rhazès ở phương Tây, là người chiếm vị trí “đỉnh cao của Khoa học giả kim hay đúng hơn là hoá học A-rập”. Trong chuyên luận Secretum secretorum, ông mô tả nhiều thao tác hoá học: sự chưng cất, nung khô, hoà tan, làm bốc hơi, kết tinh, thăng hoa, lọc, sự hỗn hống hoá, v.v. Khoa học giả kim này, nửa triết học, nửa thực nghiệm, còn có một áp dụng thực tế: bào chế thuốc men, làm ra các loại chất độc, phẩm màu để sơn và nhuộm, những hoạt chất để tẩy uế kim loại.
Jabir ben Hayyan (721-815), nhà giả kim A-rập nổi tiếng nhất, được biết ở phương Tây dưới tên Geber. Được nhiều vị chúa là mạnh thường quân của Khoa học và nghệ thuật hỗ trợ, ông vừa là người thực nghiệm, nhà lý thuyết và sưu tập. Người ta cho rằng ông là tác giả của một khối lượng sách vở khổng lồ (Một trăm mười hai cuốn sách, Mười cuốn sách chỉnh sửa, Sách về các cân, v.v.). Geber đã đề ra một bảng xếp loại các phần tử theo tính chất của chúng: khô hoặc ẩm, nóng hay lạnh. Ông cũng tìm cách tìm ra các tính chất của các hoá chất tự nhiên bằng cách kết hợp chúng với nhau. Geber tin ở khả năng chuyển đổi của các kim loại, nhưng tỏ ra dè dặt đối với các quan niệm bí ẩn hay ma thuật thường thấy trong ngành giả kim.

Y học

Cũng như các chuyên ngành khác (toán, thiên văn, giả kim), y học A-rập mang nặng các ảnh hưởng Hy Lạp và La Mã (Hippocrate và Galien), nhưng cũng chịu ảnh hưởng của ngành dược học phong phú của Ấn Độ cũng như những kỹ thuật y học từ các bộ tư liệu này. Trong cuốn bách khoa thư về y học, Toàn tập đầy đủ về y học, al-Razi, hay cũng gọi là Rhazès, nêu ra đối với mỗi bệnh tật, ý kiến của người Hy Lạp, người Syrie, người Ấn Độ, người Ba Tư, người A-rập, trước khi đưa ra những nhận xét bổ sung và những lời bình dựa trên chính những quan sát của ông. Giám đốc bệnh viện Bagdad, ông vừa là thầy thuốc thực hành, vừa là nhà giáo. Công trình được biết nhiều nhất của ông mô tả rất tỉ mỉ bệnh đậu mùa và bệnh sởi.
Ibn Sina (980-1037)
Tên tuổi lớn nữa của y học A-rập là Ibn Sina (980-1037), được biết tới ở Tây phương dưới tên Avicenne. Người thầy thuốc kiêm triết gia Ba Tư này đã để lại một tác phẩm lớn vào thế kỷ X, cuốn Quy tắc Y khoa. Thường người ta chỉ giữ lại từ Avicenne lý thuyết 4 tính khí (4 humeurs) mà ông kế thừa một phần từ Hippocrate và Galien, cũng như những lời bình của ông về Aristote. Như vậy là quên đi phần chính yếu. Là một thầy thuốc lâm sàng xuất sắc, Avicenne đã để lại trong các tác phẩm của ông những phân tích rất sâu về các bệnh viêm màng óc, viêm màng phổi và chứng ngập máu. Quan điểm của ông về chữa bệnh được dựa trên những kỹ thuật bào chế thuốc cũng như tiết thực.

Khoa học A-rập được truyền sang phương Tây như thế nào?

Vào thế kỷ X, tiếp xúc tri thức giữa Đông và Tây còn ít và ngoài lề. Nhưng từ thế kỷ XII, Khoa học A-rập bắt đầu xâm nhập vào phương Tây. Tiếp đó, các cuộc dịch thuật được nhân lên. Các đại học châu Âu, đang trong quá trình tỉnh thức trí tuệ, sẽ khám phá ra truyền thống Hy Lạp thông qua các bản dịch từ tiếng A-rập. Aristote, Euclide, Ptolémée, Hippocrate, tất cả đều được dịch lại thông qua bản dịch A-rập.
Những nhà toán học hay thiên văn như Al-Khwarizimi cũng được dịch. Ảnh hưởng A-rập xâm nhập bắt đầu từ Tây Ban Nha. Rồi tới các tác giả Do Thái, đến từ Trung Đông, biết tiếng A-rập. Sau cùng, các tu sĩ cũng khuyến khích việc đưa vào nhà thờ Thiên chúa giáo những tác phẩm này, rồi sau đó là các bản dịch trực tiếp từ tiếng Hy Lạp sang La tinh. Sự di chuyển các ý tưởng và tri thức này sẽ trở thành một chất men chính của cuộc cách mạng kỹ thuật vào thế kỷ XVII.
Achille Weinberg
Hà Dương Tường dịch
Nguồn: “L’apport du monde arabe”, Histoire et philosophie des sciences, sous la direction de T. Lepeltier, Paris, 2013, Sciences Humaines Éditions, p. 21-25.
Print Friendly and PDF