21.3.15

Một nhà tiên phong trong kinh tế học


Một nhà tiên phong trong kinh tế học

Janet Stotsky sơ lược tiểu sử của Kenneth J. Arrow, một lý thuyết gia đoạt giải Nobel, người đã tiên phong trong nhiều lĩnh vực kinh tế học.
Những đóng góp mang tính mở đường của Kenneth J. Arrow đối với lý thuyết kinh tế trong những năm sau Thế chiến II là nền tảng của những công trình nghiên cứu của nhiều thế hệ các học giả kế tiếp về kinh tế học (lý thuyết và ứng dụng).
Cố lý thuyết gia kinh tế Frank Hahn, mượn lời của Shakespeare khi mô tả Julius Caesar, đã từng nói rằng Arrow, đồng nghiệp của ông, "bắc ngang qua thế giới giống như một người khổng lồ... Khó có bất kỳ lãnh vực chuyên ngành nào của chúng ta mà đã không được ông ta soi sáng và nhiều khi biến đổi sâu sắc," một nhận định có lẽ đã được chứng minh bởi nhiều khái niệm kinh tế khác nhau gắn liền với tên tuổi của ông—chẳng hạn như mô hình Arrow-Debreu, định lý bất khả của Arrow, và chứng khoán Arrow.
Mặc dù tình yêu đầu tiên của Arrow là toán học và thống kê toán học, ông trở thành là nhà kinh tế vì những lý do rất kinh tế. Ông khó khăn về tiền bạc khi là sinh viên đại học ngành thống kê toán học ở Đại học Columbia ngay trước khi chiến tranh thế giới II, và khoa kinh tế đã đề nghị hỗ trợ tài chính cho ông.
Harold Hotelling (1895-1973)
Người bỏ giá cao nhất
Harold Hotelling, một nhà kinh tế học, giảng một số bài về thống kê học và "một bài về kinh tế toán học" mà Arrow cho biết ông theo học vì "tò mò." Nhưng vì kinh tế học bắt đầu thu hút ông, và khi đang cạn tiền thì Arrow tiếp cận Hotelling. Nhà kinh tế học nói với Arrow rằng ông không có ảnh hưởng gì đối với ngành tài chính của khoa toán, nhưng ông có thể giúp nếu ông ta chuyển sang ngành kinh tế học. "Vì vậy, tôi chuyển sang học kinh tế học. Nhiều người rất sốc với quyết định này. Tôi nói, “tất cả các bạn đều là nhà kinh tế học - thế tại sao tôi không chọn người trả giá cao nhất?" ông nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại văn phòng của ông ở Đại học Stanford, nơi ông đã dành phần lớn thời gian cho sự nghiệp của ông.
John Hicks (1904-1989)
Sự chuyển hướng đó, đến khoa kinh tế, khởi đầu một sự nghiệp mà theo đó dẫn ông đến việc chia sẻ giải Nobel kinh tế học năm 1972, ở tuổi 51, nhà kinh tế học trẻ tuổi nhất từng giành giải thưởng này. Ủy ban Nobel tuyên dương công trình của Arrow và nhà kinh tế học người Anh John Hicks trong hai lĩnh vực: lý thuyết cân bằng chung, tìm cách giải thích giá cả được thiết lập như thế nào trong một nền kinh tế, và lý thuyết phúc lợi, phân tích sự phân bổ tối ưu về sản phẩm và dịch vụ trong một nền kinh tế. Nhưng Ủy ban Nobel cũng lưu ý rằng cả hai nhà kinh tế học đều đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác.
Điều đó rõ ràng đúng đối với Arrow, người đã nghiên cứu điều gì sẽ xảy ra khi một bên trong giao dịch biết nhiều hơn bên kia, cho thấy cách thức những thay đổi mang tính kỹ thuật có thể phát sinh từ các hoạt động kinh tế, và giới thiệu ý tưởng rủi ro và bất trắc trong phân tích sự cân bằng. Ông cũng đã có những đóng góp vào việc phân tích kinh tế học trong vấn đề phân biệt chủng tộc và chăm sóc y tế. Hơn nữa, trong bước đột phá lớn đầu tiên của ông về phân tích kinh tế học, luận án tiến sĩ của ông, Arrow về cơ bản đã phát minh ra lý thuyết lựa chọn xã hội, cho thấy cách thức những sở thích cá nhân được tổng gộp thành những quyết định lựa chọn xã hội, chẳng hạn như trong bầu cử.
Arrow đã đưa tính chặt chẽ của toán học vào trong gần như tất cả các lãnh vực mà ông nghiên cứu và đã ảnh hưởng rất lớn trong việc làm cho lý thuyết kinh tế học đi theo hướng toán học như ngày nay.
Là con trai của một gia đình nhập cư từ Romania, Arrow sinh ra ở thành phố New York vào năm 1921. Giống như nhiều người cùng thế hệ ông, ông bị ảnh hưởng mạnh bởi những gian truân khi lớn lên trong thời kỳ Đại suy thoái. Cha ông, một nhân viên ngân hàng, đã mất đi cuộc sống thoải mái và gia đình ông phải thường xuyên chuyển nhà do thu nhập bấp bênh của cha ông. "Tôi đã học ở rất nhiều nơi khác nhau," ông nhớ lại. Nhưng cuối cùng gia đình ông cũng trở lại định cư ở New York, nơi ông vào trường Townsend Harris, một trường trung học công lập với chương trình học ba năm ("để làm được điều đó bạn phải ở lại học thêm một giờ mỗi ngày"). Chính ở đó mà ông đam mê toán học. Khi ông tốt nghiệp trung học vào năm 1936, "chúng tôi vẫn còn rất nghèo … vì vậy cơ hội thực sự duy nhất để học đại học" là trường Cao đẳng miễn phí của thành phố New York (City College of New York-CCNY).
Giống như nhiều bạn trẻ khác đã trải qua sự tàn phá của cuộc Đại suy thoái, “điều tôi quan tâm là kiếm được việc làm... Vấn đề là, tìm đâu ra một việc làm ổn định? Và câu trả lời rõ ràng nhất là - trở thành giáo viên toán ở một trường trung học." Kết quả là ông học chuyên ngành toán học và giáo dục học, mặc dù ông cho rằng khía cạnh sư phạm "không cảm hứng lắm."
Thất nghiệp với nghề dạy toán
Và, như nhiều năm sau đó ở Columbia, toán học không phải là một ngành hấp dẫn đối với Arrow. Đã có thừa ứng viên trúng tuyển làm giáo viên môn toán năm 1933 đến nỗi thành phố New York đã không tổ chức một kỳ tuyển nào nữa kể từ đó. Kết quả là, Arrow cho biết, ông quyết định "tốt hơn là không nên đặt cược mọi thứ vào nghề này. Vì vậy, tôi đã học làm một cái gì đó gọi là thống kê học, và tôi đã thích thú với nó... Thật may trường Columbia là nơi thích hợp để học tập điều đó." Sau khi tốt nghiệp trường CCNY năm 1940, cha ông đã vay tiền để trả học phí cho ông học ở trường Columbia, và "Tôi không gặp khó khăn gì khi ghi danh học ở khoa toán... Nhưng tôi nhận ra rằng, cũng như tôi đã học được suốt cuộc đời mình, các nhà toán học xem thường môn thống kê."
Đó là lúc mà Hotelling xuất hiện để thuyết phục Arrow nghiên cứu kinh tế học. Sau khi nhận bằng thạc sĩ về toán học, Arrow lao vào học kinh tế học. Ông tham gia tất cả các khóa học dự bị cao học và đỗ kỳ thi vấn đáp văn bằng tiến sĩ vào cuối năm 1941. Tuy nhiên, chiến tranh thế giới thứ II nỗ ra, làm gián đoạn tạm thời việc học của ông. "Điều chắc chắn là tôi sẽ nhập ngũ." Vì vậy, thay vì ngồi chờ lệnh nhập ngũ, ông quyết định tìm một cái gì đó mà ông có thể hứng thú. "Điều tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy là ngành dự báo thời tiết", một hoạt động cốt yếu đối với không quân, lúc đó là một phần của quân đội Mỹ.
Ông học khí tượng học tại Đại học New York, rồi được bổ nhiệm làm việc trong một trung tâm nghiên cứu, nơi mà một phần công việc của ông là "thẩm tra chất lượng các dự báo thời tiết". Nhưng ông cũng nhận ra "một vấn đề thực tế: Làm thế nào để khai thác các dự báo về gió để hướng dẫn cho máy bay có thể tận dụng lợi thế của gió?". Điều quan trọng không phải là tăng tốc chuyến bay đến châu Âu từ Bắc Mỹ, mà điều quan trọng là tiết kiệm nhiên liệu. Arrow cho biết ông đã nghiên cứu một phương pháp tiết kiệm 20 phần trăm mức tiêu thụ nhiên liệu. Ông chưa bao giờ thuyết phục được quân đội sử dụng kỹ thuật của ông, nhưng "tôi nghĩ rằng kỹ thuật đó đã được ứng dụng trong thương mại kể từ đó." Hơn nữa, nghiên cứu của ông là nền tảng cho một bài báo có tựa đề "Luận bàn về việc sử dụng tối ưu sức gió khi hoạch định các chuyến bay," được đăng vào năm 1949. Bài báo cáo nghiên cứu đầu tiên được người đoạt giải Nobel kinh tế tương lai công bố là trên Tạp chí Khí tượng.
Sau chiến tranh, Arrow trở lại Columbia, với một học bổng kha khá có được nhờ thời gian phục vụ trong quân đội và một niềm tin rằng "Tôi phải làm một cái gì đó rất quan trọng... Tôi cảm thấy tôi là một sinh viên rất giỏi, nhưng không có một ý tưởng độc đáo nào".
Alfred Cowles (1891-1984)
Năm 1947, khi còn đang bận tìm một chủ đề cho luận án, ông tham gia Ủy ban Cowles về Nghiên cứu Kinh tế học tại Đại học Chicago với tư cách là một nhà nghiên cứu do khoa bổ nhiệm. Ủy ban này do doanh nhân Alfred Cowles thành lập năm 1932 nghiên cứu mối liên hệ giữa lý thuyết kinh tế với toán học và thống kê học. Ở Ủy ban Cowles ông gặp Selma Schweitzer, cũng đang học ở đó. Ông không chỉ kết hôn với bà vào chính năm đó, mà còn được bà giới thiệu với nhà thống kê học M.A. Girschik, người đã mời Arrow mùa hè năm sau về công ty RAND, một trung tâm cố vấn chính sách toàn cầu. "Mùa hè năm đó, năm 1948, là năm mà tôi phất lên."
Trong những lần trò chuyện ở công ty RAND với triết gia và nhà tương lai học người Đức Olaf Helmer, Arrow được truyền cảm hứng để viết luận án về lý thuyết lựa chọn xã hội. Khái niệm đó quá mới mẻ đến nỗi người hướng dẫn luận án của ông, Albert Hart, không biết gì về những gì mà Arrow đang khám phá. "Tuy nhiên, ông ấy rất tin tưởng ở tôi... Ông nói, "Vâng, tôi không biết tý gì về đề tài đó cả, nhưng tôi tin anh" Arrow cho biết.
Trong luận án và cuốn sách có tựa đề Lựa chọn xã hội và giá trị cá nhân, được xuất bản vào năm 1951, năm ông nhận bằng tiến sĩ, Arrow đã đặt nền móng cho lý thuyết lựa chọn xã hội, trong đó xem xét dưới góc độ toán học những vấn đề như trong chừng mực nào quan điểm khác nhau của cá nhân cử tri về ứng cử viên và các vấn đề được phản ánh trong kết quả bầu cử. Với điều mà bây giờ người ta gọi là định lý bất khả (hay định lý khả thi) của Arrow, ông cho rằng khi tập hợp được một số điều kiện hợp lý về tính công bằng, thì việc một hệ thống bầu cử phản ánh chính xác sự lựa chọn của xã hội là điều bất khả. Các nhà kinh tế học thuộc trào lưu chủ đạo có xu hướng xem cá nhân con người mang tính duy lý. Điều này có nghĩa là sở thích của con người mang tính bắc cầu - theo nghĩa đó, ví dụ, những cử tri nào thích ứng cử viên Smith hơn Jones và thích Jones hơn Williams thì sẽ thích Smith hơn Williams. Định lý của Arrow cho thấy khi chỉ có bốn điều kiện hợp lý được áp đặt lên ba hoặc nhiều lựa chọn hơn, thì việc tổng gộp các sở thích duy lý của cá nhân thành sở thích của xã hội để duy trì tính bắc cầu của việc ra quyết định là điều bất khả. Nói cách khác, không có phương pháp nào để đảm bảo sở thích của xã hội (ví dụ người thắng cử) sẽ phản ánh chính xác sở thích của cá nhân. Lý thuyết lựa chọn xã hội được vận dụng để giúp hiểu được quy trình ra quyết định tập thể và thiết kế các quy định bầu cử.
Giải tỏa
Hoàn thành luận án là chìa khóa thành công của ông. "Một khi đã hoàn tất luận án về lựa chọn xã hội, tôi cảm thấy như được giải tỏa."
Arrow ứng dụng toán học cao cấp vào lý thuyết cân bằng chung, một ý tưởng của nhà kinh tế học Léon Walras năm 1874 và theo một nghĩa nào đó, minh chứng rằng Adam Smith đã đúng. Vô số tác nhân kinh tế khi đi tìm những mục đích riêng của họ đã không tạo ra sự hỗn loạn, nhưng được hướng dẫn bởi một "bàn tay vô hình" dẫn đến việc sản xuất tương đối có trật tự sản phẩm, dịch vụ và tạo công ăn việc làm trong toàn bộ nền kinh tế.
Trong kinh tế học, cân bằng thị trường quy chiếu về một tập hợp giá cả làm cầu bằng cung cho tất cả các mặt hàng. Phân tích cân bằng bộ phận xem cầu (hoặc cung) một mặt hàng phụ thuộc vào giá của nó, khi các giá khác không thay đổi. Phân tích cân bằng chung xem mọi mức giá đều biến động và cung bằng cầu trên tất cả các thị trường. Ví dụ, cầu khí đốt thiên nhiên tại các thị trường toàn cầu có thể phụ thuộc không chỉ vào giá của nó mà còn phụ thuộc vào giá dầu và giá các loại nhiên liệu hóa thạch khác, vào giá cả những sản phẩm và dịch vụ có thể ít có mối quan hệ trực tiếp đến thị trường năng lượng - và còn vào tiền lương và lãi suất.
Lionel McKenzie (1919-2010)
Năm 1954, Arrow, cùng với nhà kinh tế học người Pháp Gérard Debreu, phát triển các điều kiện tổng quát của giá cả, theo đó tổng cung bằng tổng cầu đối với tất cả các hạn mục trong một nền kinh tế (ngày nay được gọi là mô hình cân bằng chung của Arrow-Debreu). Làm việc độc lập, Lionel McKenzie cũng đi đến một kết quả tương tự nhưng theo cách hơi khác một chút. Arrow và Debreu (những người đoạt giải Nobel năm 1983) lấy cảm hứng từ ý tưởng đã được John Nash phát triển trong lý thuyết trò chơi - lúc bấy giờ là một lĩnh vực nghiên cứu mới trong toán học, phân tích các chiến lược cạnh tranh, theo đó kết quả từ hành động của một người chơi phụ thuộc vào hành động của những người chơi khác và nhờ đó mà Nash đoạt giải Nobel năm 1994.
Trong những công trình nghiên cứu sau này, kể cả công trình nghiên cứu chung với Leonid Hurwicz, Arrow xem xét sự ổn định của thị trường và cách thức giá cả điều chỉnh để cân bằng cung và cầu.
Tư duy về cân bằng chung dẫn đến sự phát triển các mô hình lý thuyết và thực nghiệm, xem xét sự tương tác giữa các thành phần của nền kinh tế - chẳng hạn như những thành phần trong mối quan hệ qua lại giữa tiêu dùng và sản xuất.
Các mô hình cân bằng chung đó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế học. Trong tài chính công và thương mại quốc tế, các mô hình này có thể đánh giá liệu các quốc gia có tốt hơn hay tồi tệ hơn vì những thay đổi về thuế và thuế quan. Trong đầu thập niên 1970, John Shoven, một đồng nghiệp lâu năm của Arrow ở Stanford, và nhà kinh tế học người Anh John Whalley phát triển mô hình ứng dụng cân bằng chung đầu tiên của nền kinh tế Mỹ để đánh giá những thay đổi về thuế. Khi ứng dụng vào việc phát triển kinh tế, những mô hình như vậy có thể đánh giá bằng cách nào sự tăng trưởng của một khu vực xuất khẩu tác động đến tiền lương.
Phân tích cân bằng chung cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng hiện đại về nền kinh tế vĩ mô, hay nền kinh tế nói chung. Các nhà kinh tế học cố tìm trong kinh tế học vi mô, nghiên cứu hành vi của từng thị trường, nền tảng của kinh tế học vĩ mô. Lý thuyết kinh tế học vĩ mô cổ điển mới cho rằng về cơ bản nền kinh tế ở trạng thái cân bằng, với giá cả và tiền lương linh hoạt ở từng thị trường. Độ lệch so với trạng thái cân bằng sẽ nhanh chóng tự điều chỉnh trở lại trạng thái cân bằng. Các trường phái Keynes hay tân Keynes (xem "What Is Keynesian Economics?" trong số phát hành này của F&D) cũng lấy ý tưởng từ lý thuyết cân bằng chung, nhưng bác bỏ ý tưởng cho rằng thị trường luôn luôn hoặc nhanh chóng tự điều chỉnh trở lại trạng thái cân bằng. Họ cho rằng giá cả và tiền lương có xu hướng chậm thay đổi, làm cho nền kinh tế không cân bằng trong thời gian dài - và điều đó biện minh cho các chính sách tài khóa và tiền tệ tích cực. Các mô hình cân bằng chung động kiểu ngẫu nhiên cố nắm bắt bản chất thay đổi và không chắc chắn của diễn tiến kinh tế vĩ mô. Arrow tin rằng các mô hình kinh tế vĩ mô cần phải tính đến xu hướng duy trì trạng thái không cân bằng của thị trường, như trường hợp tình trạng thất nghiệp kéo dài trong thời kỳ Đại suy thoái.
Cuộc cách mạng về phúc lợi
Năm 1951, ngay sau khi giới thiệu lý thuyết lựa chọn xã hội, Arrow ứng dụng toán học cao cấp vào lĩnh vực kinh tế học phúc lợi để nghiên cứu cái được gọi là tối ưu Pareto, một tình huống mà người ta không thể cải thiện phúc lợi của một người mà không làm giảm phúc lợi của một người khác. Tính tối ưu Pareto là một tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động của một nền kinh tế. Thể theo Định lý đầu tiên về kinh tế học phúc lợi mô tả các điều kiện nhờ đó một trạng thái cân bằng chung cạnh tranh làm phát sinh một phân bổ tối ưu các nguồn lực theo kiểu Pareto; còn định lý thứ hai mô tả các điều kiện theo đó một nền kinh tế có thể đạt đến một tối ưu theo kiểu Pareto với một trạng thái cân bằng cạnh tranh và một sự phân phối lại các nguồn lực. Arrow mở rộng phạm vi ứng dụng các định lý đó vào trường hợp những sản phẩm hoặc dịch vụ không được cầu hoặc cung, một tình huống thường xảy ra và được các nhà kinh tế học gọi là trường hợp của "nghiệm trong góc."
Lý thuyết cân bằng chung ban đầu không có yếu tố bất trắc hoặc rủi ro. Nhận thấy là khó phòng tránh rủi ro trên các thị trường, Arrow đề xuất khái niệm sản phẩm "ngẫu nhiên", kết hợp các đặc tính vật lý của sản phẩm với những đặc tính liên quan đến thế giới mà nó phục vụ (lúa mì được sản xuất trong một đợt hạn hán khác với lúa mì được sản xuất trong một năm thuận lợi). Sau đó ông đưa ra ý tưởng về tài sản tài chính mà lợi nhuận nó mang lại phụ thuộc vào trạng thái của thế giới. Cái gọi là chứng khoán theo kiểu Arrow này là nền tảng của lý thuyết tài chính hiện đại. Nó cho phép những người tham gia thị trường giảm thiểu số lượng hàng hoá cần thiết để giao dịch. Ví dụ, nông dân có thể ký kết những hợp đồng bán lúa mì trong tương lai với một mức giá cụ thể, sao cho đảm bảo trước nguy cơ mức giá xuống thấp quá nhiều. Các hợp đồng có kì hạn này có thể được giao dịch trên một thị trường mà người tham gia có những kỳ vọng khác nhau về giá cả.
Một công cụ phân tích kinh tế quan trọng khác là hàm sản xuất, mô tả cách thức kết hợp những đầu vào như lao động và tư bản để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Các lý thuyết về tăng trưởng giả định rằng sự thay đổi kỹ thuật, một động lực quan trọng để làm tăng năng suất (sử dụng nguồn lực đầu vào ít hơn để sản xuất ra một sản lượng nhất định), không phải là kết quả của hoạt động kinh tế mà là một yếu tố phát sinh từ bên ngoài, mặc dù người ta thường cho rằng nhiều hoạt động cải tiến kỹ thuật là kết quả của hoạt động kinh tế. Trong một bài báo nghiên cứu năm 1962 về vừa học vừa hành, Arrow phát triển ý tưởng cho rằng thông qua kinh nghiệm, người lao động và doanh nghiệp nâng cao năng suất của họ và rằng một số kiến thức này tạo ra lợi ích cho nền kinh tế nói chung. Ý tưởng này giúp giải thích một số thực tế, chẳng hạn như sự khác nhau lớn về năng suất vẫn đang tồn tại giữa các nước.
Bài nghiên cứu năm 1963 của Arrow về sự bất trắc và chăm sóc y tế công giải thích những khó khăn trong việc thiết kế một thị trường chăm sóc y tế hoạt động tốt, do có một số tác nhân biết nhiều hơn người khác - ví dụ, khoảng cách về kiến thức y tế giữa bác sĩ và bệnh nhân của họ - và cả do thiếu đi sự cạnh tranh về giá cả trong thị trường này. Ông chứng minh tầm quan trọng mấu chốt của rủi ro đạo đức ở thị trường chăm sóc y tế -ví dụ, nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng lớn của bệnh nhân đối với vấn đề bảo hiểm. Một ủy ban các nhà kinh tế học hàng đầu cho biết bài báo là một trong số 20 bài nghiên cứu gây ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ đầu tiên của Tạp chí kinh tế học Mỹ- ấn phẩm hàng đầu của Hiệp hội Kinh tế học Mỹ.
Sự phân nhánh
Trong những nỗ lực quan trọng khác, Arrow, cùng với Mordecai Kurz, xây dựng một phương pháp tối ưu hóa các khoản đầu tư công. Arrow cũng tìm cách lý giải một số nguyên nhân mang tính kinh tế và phi kinh tế cho vấn đề phân biệt chủng tộc tồn tại trong và ngoài nơi làm việc.
Mối quan tâm của Arrow về các vấn đề thực tế của kinh tế học và các vấn đề xã hội và chính trị đã dẫn ông đến việc nghiên cứu về biến đổi khí hậu và vấn đề trợ cấp y tế ở các nền kinh tế đang phát triển. Ông là một trong những người đóng góp đầu tiên vào hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đưa ra những ước tính đáng tin cậy về tác động của hiện tượng này.
Phần lớn các nghiên cứu của ông về biến đổi khí hậu đều tập trung vào cách thức con người đánh giá những gì có thể xảy ra trong tương lai. Trong một bài báo gần đây trên tạp chí Nature (Thiên nhiên), Arrow và các đồng tác giả cho rằng chính phủ Mỹ đánh giá thấp chi phí của carbon, dựa trên đó chính quyền Obama đang sử dụng làm cơ sở cho những kế hoạch nhằm hạn chế lượng khí thải carbon từ các nhà máy điện.
Trong những năm gần đây, ông chủ trì một ủy ban của Viện Y khoa, vận động cho việc trợ cấp điều trị bệnh sốt rét, sao cho việc điều trị vừa túi tiền bệnh nhân hơn ở các nước có thu nhập thấp. Ông cũng tham gia sáng lập của tổ chức Các nhà kinh tế vì hòa bình và an ninh, cam kết hỗ trợ các giải pháp phi quân sự đối với những thách thức trên thế giới.
John Harsanyi (1920-2000)
Ngoại trừ 11 năm ở Harvard 1968-1979, Arrow dành trọn sự nghiệp của ông tại Đại học Stanford. Đến năm 1949, ông nhanh chóng trở thành Giáo sư về kinh tế học, thống kê, và vận trù học và giúp Đại học Stanford trở thành một trung tâm nghiên cứu về lý thuyết kinh tế, kinh trắc học, và toán ứng dụng.
Có bốn người đoạt giải Nobel là sinh viên của ông ở các đại học Stanford và Harvard: John Harsanyi năm 1994, Michael Spence năm 2001, và Eric Maskin và Roger Myerson năm 2007. Spence nhớ lại, trong cuốn tự truyện của ông, sự ngưỡng mộ của sinh viên ông đối với Arrow. "Mô tả những đóng góp của Ken Arrow về kinh tế học trong nửa sau thế kỷ 20 cũng giống như mô tả sự tiến bộ của kinh tế học trong thời gian đó." Ross Starr, một cựu sinh viên của đại học Stanford, người đã mở rộng lý thuyết cân bằng chung, nhớ lại những tình cảm mà ông đã truyền lại. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại Starr nói rằng "Sinh viên yêu mến Arrow một cách tuyệt đối. Ông ấy đã chia sẻ sự tài giỏi và sự hiểu biết sâu sắc cho chúng tôi. "
Eric Maskin (sinh năm 1950)
Arrow cũng là thành viên của một gia đình học thuật nổi tiếng. Chị ông, Anita Summers, là một giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Pennsylvania, nơi mà người chồng quá cố của bà, Robert, là một giáo sư về kinh tế học. Cháu trai của Arrow, Lawrence Summers, là một nhà kinh tế học nổi tiếng, và là cựu chủ tịch, Đại học Harvard. Paul Samuelson đã mất, người vào năm 1970 là công dân Hoa Kỳ đầu tiên giành giải thưởng Nobel về kinh tế học, là anh trai của Robert Summers.
Đồng nghiệp và sinh viên đều nhớ đến sự hiện diện đặc biệt của Arrow ở các buổi hội thảo của khoa. Ví dụ, vào đầu buổi hội thảo, ông có thể tỏ ra phân tâm, thậm chí ngủ gật. Nhưng đột nhiên ông ta chú ý đến bảng đen, chiêm nghiệm một vài phút những gì diễn giả đã viết, và sau đó một cách lịch sự chỉ ra một lỗ hổng chết người trong dòng lý luận. Arrow, tiếp tục hướng dẫn cho sinh viên nhưng đã không giảng dạy nữa sau khi nghỉ hưu vào năm 1991, đã giảm nhẹ tầm quan trọng của các kỹ năng đứng lớp của ông. Một số cựu sinh viên nhớ ông ghi chú rất nhiều tư tưởng gần như đồng thời trên bảng đen, trong khi tay thì tung hứng cục phấn mà không hề làm rớt nó, những thứ mà rất khó để theo kịp.
Roger Myerson (sinh năm 1951)
Cho đến những năm gần đây, Arrow đạp xe đến trường, và các cựu sinh viên lại nhớ đến thời ông đến lớp, chiếc mũ bảo hiểm trên đầu, cùng với một chiếc bơm xe đạp nhỏ trong ba lô của ông.
Năm 93 tuổi, Arrow cho biết ông luôn hào hứng nhiều hơn khi phải giải quyết một vấn đề và rằng một khi đã tìm ra giải pháp, thì "Tôi phải nói rằng tôi mất hứng thú." Đó là lý do tại sao mặc dù đã nhận được giải thưởng Nobel cho công trình nghiên cứu của ông về lý thuyết cân bằng chung, nhưng ông vẫn tự hào hơn về các công trình về lý thuyết lựa chọn xã hội.
Nhiều nhà nghiên cứu khác, như cố tác giả Lionel McKenzie, đã nghiên cứu vấn đề tương tự trong lý thuyết cân bằng chung vào thời mà Arrow và Debreu xây dựng cân bằng chung vào thời mà Arrow và Debreu xây dựng mô hình của họ. "Ở một số khía cạnh nào đó … nếu tôi không tồn tại, thế giới sẽ không có nhiều sự khác biệt."
Nhưng lúc bấy giờ không có ai đặt câu hỏi về lựa chọn xã hội. "Vì vậy tôi đủ tự hào rồi."
Janet Stotsky
Viet, Huynh dịch từ nguyên tác
Cho đến những năm gần đây, Janet Stotsky là chuyên viên cố vấn của Văn phòng về Ngân sách và Hoạch định của IMF và hiện nay là nhà tư vấn về các chính sách tài khóa, phụ nữ và phát triển, kinh tế học vĩ mô và phát triển.
Nguồn: “Path Breaker”, Finance and Development, September 2014, Vol. 51, No. 3
Print Friendly and PDF