23.7.17

Dân cư TPHCM mong muốn mức học vấn cho con

DÂN CƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH MONG MUỐN MỨC HỌC VẤN CHO CON

Bùi Thế Cường[*]
EXPECTATION OF HO CHI MINH CITY’S RESIDENTS TO THEIR CHILDREN’S EDUCATIONAL LEVEL. Based on a survey conducted in 2010, the paper outlines the expectation of the Ho Chi Minh City’s residents to their son’s and daughter’s educational level. Several characteristics of the respondents, including education level, occupational status, income, and age, are taken into consideration. The analysis shows that the majority of the interviewees present the expectation toward to high educational level for their sons as well as daughters. And there is the little difference by the four characteristics of the interviewees as mentioned above. The high expectation of children’s education without the gender bias among all social strata of the Ho Chi Minh City’s residents should be seen as an important value and resource of the City for the development.
Dựa trên số liệu khảo sát năm 2010, bài viết trình bày mong muốn về mức học vấn cho con trai và con gái ở cư dân Thành phố Hồ Chí Minh. Sự khác biệt được xem xét theo một số đặc điểm của người trả lời, gồm học vấn, vị thế nghề, thu nhập và độ tuổi. Kết quả phân tích cho thấy phần lớn cư dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng cao đối với mức học vấn cho cả con trai và con gái. Và điều này rất ít khác biệt theo bốn đặc điểm nêu trên. Sự phổ biến rộng và đồng thuận giữa các giai cấp và tầng lớp trong kỳ vọng học vấn cho thế hệ sau không phân biệt theo giới tính là một giá trị và nguồn lực quan trọng để Thành phố vận dụng cho phát triển, với điều kiện xây dựng được một thể chế giáo dục đúng đắn.
Từ khóa: mong muốn học vấn, cơ cấu nghề, Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Mở đầu
Trong phân tích xã hội học và xây dựng chính sách, học vấn là một trong những đặc điểm xã hội quan trọng. Tùy thuộc vào mục tiêu phân tích, học vấn cũng được xem là giá trị của một nền văn hóa và là nguồn lực của một cấu trúc xã hội. Trong bài viết này, tác giả trình bày mong muốn của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với mức học vấn của con trai và con gái. Bài viết cũng xem xét có sự khác biệt hay không trong kỳ vọng đó ở cư dân Thành phố xét theo góc độ học vấn, vị thế nghề, thu nhập và tuổi của người trả lời.
2. Nguồn số liệu
Bài viết dựa vào nguồn số liệu của Đề tài Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thực hiện năm 2009-2010 với sự tài trợ của Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Mẫu khảo sát của Đề tài thiết kế đại diện cho dân cư Thành phố. Cỡ mẫu gồm 1.080 hộ gia đình sống ở 90 điểm dân cư thuộc 30 phường thị trấn xã của toàn Thành phố. Mỗi hộ trong danh sách khảo sát phỏng vấn một người được hộ xem là đại diện hộ (thường là chủ hộ, nhưng không nhất thiết). Thu thập số liệu ở địa bàn nghiên cứu tiến hành trong tháng 3-4/2010 (Mô tả chi tiết thủ tục chọn mẫu xem: Bùi Thế Cường, 2012 hoặc Bùi Thế Cường và cộng sự, 2015). Mẫu phân tích ở đây gồm 664 người đại diện hộ gia đình mà đang có việc làm đem lại thu nhập (bằng 61,5% tổng mẫu khảo sát).
3. Cơ cấu học vấn và nghề
Cơ cấu học vấn của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện trong Hình 1. Theo đó, nhóm không bằng cấp chiếm 14,7%; nhóm đạt mức tiểu học hoặc tương đương 25,6%; nhóm đạt mức trung học cơ sở hoặc tương đương 22,4%; nhóm đạt mức trung học phổ thông và trung cấp 22,2%; nhóm cao đẳng và đại học 14,2%; nhóm trên đại học 0,9%. Cơ cấu trên cho thấy tỷ lệ học vấn thấp khá cao (không bằng cấp và học vấn tiểu học chiếm tới 40%), nhưng tỷ lệ cao đẳng trở lên cũng đáng kể (15%).
Hình 1. Cơ cấu học vấn của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %
Nguồn: Bùi Thế Cường, 2010.
Trong bài viết của Bùi Thế Cường và cộng sự (2015), chúng tôi đưa ra một khung phân loại vị thế nghề gồm 9 nhóm (Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội, cơ quan hành chính sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể; Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân; Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp; Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại; Nông dân lớp trên; Công nhân, thợ thủ công; Nông dân lớp giữa; Nông dân lớp dưới; Lao động giản đơn phi nông nghiệp).
Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một khung phân loại vị thế nghề gồm 8 nhóm. Kết quả phân tích cho kết quả cơ cấu vị thế nghề của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh như sau (Hình 2):
1.   Quản lý Nhà nước bậc trên (người làm trong các cơ quan Đảng, quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội, tương đương trưởng phòng trở lên): 1,1%.
2.   Chuyên môn bậc trên (người làm trong cơ quan hành chính-sự nghiệp, tổ chức tư nhân, tương đương trưởng phòng trở lên): 7,1%.
3.   Chủ sở hữu tư nhân bậc trên (người mà kinh tế hộ tư nhân nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm 20% trên trong tổng số hộ kinh doanh tư nhân của mẫu khảo sát): 11,3%.
4.   Quản lý Nhà nước bậc dưới (người làm trong các cơ quan Đảng, quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội, dưới mức tương đương trưởng phòng): 2,1%.
5.   Chuyên môn bậc dưới (người làm trong cơ quan hành chính-sự nghiệp, tổ chức tư nhân, làm nghề tự do trong khu vực dịch vụ): 11,4%.
6.   Chủ sở hữu tư nhân bậc dưới (người mà kinh tế hộ tư nhân nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm 80% bên dưới trong tổng số hộ kinh doanh tư nhân của mẫu khảo sát): 33,9%.
7.   Lao động chân tay có kỹ năng (công nhân có tay nghề làm việc trong các tổ chức hoặc tại nhà): 14,9%.
8.   Lao động giản đơn (người lao động không có tay nghề làm việc trong các tổ chức hoặc tại nhà): 18,2%.
Hình 2. Cơ cấu nghề của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %
Bùi Thế Cường, 2010.
4. Mong muốn mức học vấn cho con
Bảng 1 và 2 mô tả mong muốn của người trả lời về mức học vấn mà họ mong muốn con trai và con gái họ đạt được. Hai bảng cũng trình bày khác biệt ý kiến theo học vấn và vị thế nghề của người trả lời.
Cả hai bảng thống kê cho thấy ngay, một đa số lớn mong muốn con đạt học vấn đại học (hơn 70%), và điều này hoàn toàn không khác biệt giữa con trai và con gái. Thậm chí, một tỷ lệ đáng kể còn bày tỏ mong muốn con đạt học vấn trên đại học. Có 8,1% người trả lời mong muốn con trai đạt mức học vấn trên đại học. Con số này là 6,8% cho con gái (kết quả phân tích không thể hiện trong bảng). Hơn 1/5 người trả lời không có ý kiến hoặc nói rằng họ để cho tùy thuộc con cái.
Bảng 1 cho thấy có những khác biệt nhỏ giữa những nhóm người trả lời mà học vấn khác nhau đối với kỳ vọng học vấn cho con. Nói chung, tỷ lệ mong muốn con có học vấn đại học trở lên tăng dần theo mức học vấn của người trả lời. Tỷ lệ này ở nhóm không bằng cấp là 61,5% tăng dần lên cao nhất ở nhóm cao đẳng, đại học với 78,5%. Tỷ lệ này giảm còn 66,7% ở nhóm học vấn trên đại học, một phần do tỷ lệ cao trong nhóm này lựa chọn phương án tùy con (33,3%). Cần thận trọng với con số đó vì số người thuộc nhóm này rất nhỏ (6 trường hợp), ít có ý nghĩa thống kê. Nhưng mặt khác, lựa chọn phương án tùy con ở nhóm này phù hợp với xu hướng tôn trọng tính độc lập của con, vốn được xem là đặc trưng văn hóa của giới học vấn cao.
Bảng 1. Mong muốn mức học vấn đạt được ở con trai và con gái theo học vấn của người trả lời, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %
TT
Bằng cấp của người trả lời
Mức học vấn mong muốn con đạt được
Tổng
N
Tiểu học,  phổ thông cơ sở
Phổ thông trung học
Đại học, trên đại học
Không ý kiến/ Tùy con
A
Mong muốn cho con trai






1
Trên đại học
0.0
0.0
66.7
33.3
100,0
6
2
Cao đẳng, đại học
3.2
0.0
78.5
18.3
100,0
93
3
Trung học phổ thông
2.1
3.4
75.2
19.3
100,0
145
4
Trung học cơ sở
2.1
6.8
72.6
18.5
100,0
146
5
Tiểu học
1.8
5.4
67.1
25.7
100,0
167
6
Không bằng cấp
1.0
10.4
61.5
27.1
100,0
96

Chung
2.0
5.2
70.9
21.9
100,0


N
13
34
463
143

653
B
Mong muốn cho con gái






1
Trên đại học
0.0
0.0
66.7
33.3
100,0
6
2
Cao đẳng, đại học
3.2
0.0
78.5
18.3
100,0
93
3
Trung học phổ thông
1.4
2.8
76.6
19.3
100,0
145
4
Trung học cơ sở
2.1
6.2
69.9
21.9
100,0
146
5
Tiểu học
2.4
3.6
67.1
26.9
100,0
167
6
Không bằng cấp
1.0
10.4
60.4
28.1
100,0
96

Chung
2.0
4.4
70.4
23.1
100,0


N
13
29
460
151

653
Nguồn: Bùi Thế Cường, 2010.
Bảng 2 cho thấy ý kiến về kỳ vọng mức học vấn cho con ở người trả lời theo vị trí trong bảng phân tầng nghề nhìn chung cũng theo khuôn mẫu trên, mặc dù không rõ rệt như sự khác biệt theo học vấn của người trả lời.
Tương tự, phân tích của chúng tôi cho thấy ý kiến của người trả lời cũng không có khác biệt rõ rệt theo nhóm ngũ vị phân thu nhập và theo tuổi (không thể hiện trong bảng thống kê ở đây).
Học vấn, vị thế nghề, thu nhập và độ tuổi của người trả lời tỏ ra không có tác động lớn đến kỳ vọng học vấn của con. Dù ở bậc học nào và vị thế nghề nào trong thang bậc của xã hội, đa số người dân vẫn bày tỏ mong muốn con mình đạt được mức học vấn đại học trở lên. Điều đó cũng đúng đối với mức thu nhập và độ tuổi của người trả lời. Nói cách khác, có một sự nhất quán cao trong mọi giai cấp và tầng lớp của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với mong muốn mức học vấn cho cả con trai và con gái.
Bảng 2. Mong muốn mức học vấn đạt được ở con trai và con gái theo vị thế nghề của người trả lời, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %
TT
Vị thế nghề của người trả lời
Mức học vấn mong muốn con đạt được
Tổng
N
Tiểu học,  phổ thông cơ sở
Phổ thông trung học
Đại học, trên đại học
Không ý kiến/ Tùy con
A
Mong muốn cho con trai






1
Quản lý Nhà nước bậc trên
0.0
0.0
57.1
42.9
100,0
7
2
Chuyên môn bậc trên
4.3
0.0
72.3
23.4
100,0
47
3
Chủ sở hữu bậc trên
0.0
6.7
68.0
25.3
100,0
75
4
Quản lý Nhà nước bậc dưới
7.1
7.1
78.6
7.1
100,0
14
5
Chuyên môn bậc dưới
3.9
3.9
76.3
15.8
100,0
76
6
Chủ sở hữu bậc dưới
1.8
2.7
72.4
23.1
100,0
225
7
Lao động có kỹ năng
2.0
8.1
74.7
15.2
100,0
99
8
Lao động không kỹ năng
1.7
9.1
62.8
26.4
100,0
121

Chung
2.1
5.1
70.9
21.8
100,0


N
14
34
471
145

664
B
Mong muốn cho con gái






1
Quản lý Nhà nước bậc trên
0.0
0.0
42.9
57.1
100,0
7
2
Chuyên môn bậc trên
4.3
0.0
74.5
21.3
100,0
47
3
Chủ sở hữu bậc trên
0.0
5.3
69.3
25.3
100,0
75
4
Quản lý Nhà nước bậc dưới
7.1
14.3
71.4
7.1
100,0
14
5
Chuyên môn bậc dưới
2.6
1.3
80.3
15.8
100,0
76
6
Chủ sở hữu bậc dưới
0.9
3.1
71.6
24.4
100,0
225
7
Lao động có kỹ năng
4.0
7.1
71.7
17.2
100,0
99
8
Lao động không kỹ năng
2.5
6.6
62.0
28.9
100,0
121

Chung
2.1
4.4
70.5
23.0
100,0


N
14
29
468
153

664
Nguồn: Bùi Thế Cường, 2010.
5. Thảo luận
Cư dân Thành phố Hồ Chí Minh coi học vấn của con là một trong những giá trị, niềm tin và kỳ vọng quan trọng nhất của mình. Đa số mong muốn con có học vấn đại học hoặc cao hơn. Trong vấn đề ấy, đại đa số người dân hoàn toàn không phân biệt giữa con trai và con gái, dù là con nào họ đều mong muốn con mình đạt được mức học vấn cao như nhau mà họ kỳ vọng. Cũng trong khảo sát này, 87% không đồng ý với quan điểm con gái không cần phải học cao như con trai.
Kỳ vọng học vấn cho con là một động lực quan trọng và quý hiếm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và hiện đại hóa xã hội. Điều đáng tiếc là trong vài thập niên qua, về cơ bản hệ thống giáo dục đã vận dụng động lực ấy chủ yếu để kiếm lợi nhuận và thu nhập, chứ không phải để góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và đúng hướng, qua đó tạo thêm nguồn lực phát triển cho chính hệ thống. Thời cơ sử dụng kỳ vọng học vấn ở người dân về cơ bản đã bị bỏ lỡ và sử dụng sai trong ba mươi năm qua, song vẫn còn chút cơ may cho việc vận dụng nguồn lực ấy, nếu thể chế giáo dục sớm kịp thời có những thay đổi căn bản. Theo kinh nghiệm nghiên cứu quan sát của tôi, xác xuất để hệ thống giáo dục Việt Nam sớm có những chuyển biến mang tính đột phá là rất thấp. Hy vọng nhận định của tôi sai.
Tài liệu tham khảo
1.   Bùi Thế Cường (2010), Bộ số liệu của Đề tài nghiên cứu “Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”, Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
2.   Bùi Thế Cường (2012), Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Báo cáo tổng hợp đề tài, Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
3.   Bùi Thế Cường, Tô Đức Tú và Phạm Thị Dung (2015), ‘Tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu’, Tạp chí Nghiên cứu phát triển, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Số 12 (2/2015), trang 73-79.




[*] Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Bài đăng trong Tạp chí Nghiên cứu phát triển. Số 19 (1/2017). Trang 39-43. TPHCM: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Print Friendly and PDF