2.7.17

Robot hóa có nên được miễn thuế?

ROBOT HÓA CÓ NÊN ĐƯỢC MIỄN THUẾ?
Robert J. Shiller
NEW HAVEN - Ý tưởng về một sắc thuế đánh lên robot đã được đề xuất vào tháng Năm vừa qua trong một dự thảo báo cáo sơ bộ gửi Nghị viện Châu Âu được soạn thảo bởi nghị sĩ Mady Delvaux thuộc Ủy ban các Vấn đề Pháp lý. Nhấn mạnh đến cách mà những robot có thể nới rộng sự bất bình đẳng, bản báo cáo đã đề xuất rằng nên chăng “cần phải yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin về mức độ và tỷ lệ đóng góp của các loại người máy và trí tuệ nhân tạo vào những kết quả kinh tế của một công ty nhằm mục đích đánh thuế và tính toán những khoản đóng góp an sinh xã hội.
Những phản ứng từ công chúng về đề xuất của Delvaux là vô cùng tiêu cực, với ngoại lệ đáng chú ý của Bill Gates, người tán thành nó. Nhưng chúng ta không nên bác bỏ ý tưởng này. Chỉ mới năm ngoái, chúng ta đã thấy sự gia tăng của những thiết bị như Google Home và Amazon Echo Dot (Alexa), nhằm thay thế những mặt nào đó của việc nội trợ. Cũng như thế, các dịch vụ taxi không người lái Delphi và nuTonomy ở Singapore đã được khởi động để thay thế những bác tài xế. Và Doordash, vốn sử dụng những bánh xe tự hành thu nhỏ của công ti Starship Technologies, đang dần thay thế các nhân viên giao hàng thức ăn.
Robert Shiller (1946-)
George Akerlof (1940-)
Nếu những sáng kiến thay thế-lao động này và khác nữa thành công, chắc chắn là những lời kêu gọi đánh thuế sẽ tăng lên thường xuyên hơn, do những vấn đề con người nảy sinh khi người lao động mất việc làm của họ - thường những công việc mà họ gắn bó chặt chẽ, và để làm được họ có lẻ mất nhiều năm học hành chuẩn bị. Những người lạc quan chỉ ra rằng luôn luôn có nhiều việc làm mới cho những người lao động bị thay thế bởi công nghệ; nhưng, khi cuộc cách mạng robot càng đi nhanh hơn, các lo ngại về vấn đề này (tạo ra việc làm mới) sẽ được tiến hành tốt như thế nào tiếp tục tăng lên. Bằng một sắc thuế đánh lên các robot, những người ủng hộ nó hy vọng rằng, có thể làm chậm tiến trình này lại, ít nhất là tạm thời, và cung cấp ngân sách cho những điều chỉnh tài chính, kiểu như các chương trình đào tạo lại cho những người lao động mất việc làm.
Những chương trình như thế này có lẽ cũng thiết yếu cho cuộc sống lành mạnh của con người không kém gì lao động của chúng ta. Trong cuốn sách của ông có tựa là “Tưởng thưởng Công việc bổ ích”, Edmund S. Phelps nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của việc duy trì một “vị trí trong xã hội - một nghề nghiệp”. Khi nhiều người không còn có thể tìm được việc làm để hỗ trợ gia đình, những hậu quả rắc rối xảy ra, và, như Phelps nhấn mạnh, “hoạt động của toàn cộng đồng có thể bị suy yếu”. Nói cách khác, có những hiệu ứng ngoại lai của quá trình robot hóa biện minh cho vài can thiệp của chính phủ.
Edmund Phelps (1933-)

Các nhà chỉ trích một sắc thuế robot đã nhấn mạnh rằng sự mơ hồ của khái niệm “robot” làm cho việc xác định cơ sở đánh thuế khó khăn. Các nhà chỉ trích này cũng nhấn mạnh đến những lợi ích khổng lồ, không thể chối cãi của robot đến tăng trưởng của năng suất.
Nhưng khoan hãy loại trừ nhanh chóng ít nhất những sắc thuế robot khiêm tốn nhất trong quá trình chuyển đổi đến một thế giới khác của việc làm. Một sắc thuế như thế nên là bộ phận của một kế hoạch lớn hơn để chế ngự những hậu quả của cuộc cách mạng robot.
Tất cả sắc thuế, ngoại trừ “thuế đồng đều”, đều dẫn đến những méo mó trong nền kinh tế. Nhưng không chính phủ nào có thể áp đặt một kiểu thuế đồng đều – một mức giống nhau cho tất cả người dân không phân biệt thu nhập hay chi tiêu của họ - tại vì nó sẽ tạo áp lực nặng nề nhất đến những ai thu nhập thấp, và nó sẽ nghiền nát người nghèo, những người mà có l không thể trả nổi đồng thuế nào. Vì thế các sắc thuế phải liên quan đến vài hoạt động chỉ ra khả năng đóng thuế, và bất kể hoạt động nào thì kết quả là chúng cũng không được hoan nghênh.
Frank Ramsey (1903-1930)
Frank Ramsey đã công bố một bài báo kinh điển năm 1927 lập luận rằng để giảm thiểu những méo mó do việc đánh thuế gây ra, chúng ta nên đánh thuế tất cả các hoạt động, và ông ấy để xuất cách để xác định các mức thuế. Lý thuyết trừu tượng của ông ấy chưa bao giờ là một nguyên tắc đầy đủ để thực hành các mức thuế thực tế, nhưng nó cung cấp một lập luận mạnh mẽ chống lại những giả định kiểu như chỉ nên đánh thuế một vài hoạt động, hoặc tất cả hoạt động đó phải bị đánh theo cùng một thuế suất.
Những hoạt động tạo ra nhiều hiệu ứng ngoại lai có thể chịu một mức thuế cao hơn mà Ramsey hình dung. Ví dụ, thuế đánh lên các loại thức uống có cồn là phổ biến rộng rãi. Chứng nghiện rượu là một vấn đề xã hội chính yếu. Nó phá hủy các cuộc hôn nhân, gia đình và cuộc sống. Từ năm 1920 đến 1933, Hoa Kỳ đã thử một sự can thiệp thị trường nghiệt ngã: cấm hoàn toàn đồ uống có cồn. Nhưng thực tế là không thể loại bỏ việc tiêu thụ đồ uống có cồn. Thuế rượu đánh sau việc kết thúc lệnh cấm đã như là một thể loại nhẹ nhàng hơn của việc khuyến khích uống ít đi.
Thảo luận về thuế robot nên cân nhắc phương án thay thế nào chúng ta sẽ phải xử lí trước sự bất bình đẳng đang tăng cao. Điều tự nhiên là cân nhắc một sắc thuế thu nhập lũy tiến hơn và một “thu nhập cơ bản”. Nhưng, những biện pháp này không nhận sự ủng hộ của đại chúng. Nếu không có sự ủng hộ rộng rãi này, sắc thuế, cho dù được áp đặt, sẽ không tồn tại lâu dài được.
Khi những sắc thuế đánh lên các khoản thu nhập cao bị tăng lên, thường trong thời chiến, đó chỉ là tạm thời. Cuối cùng, dường như là đương nhiên với đa số mọi người rằng đánh thuế những người thành công để làm lợi cho những người không thành công là đang hạ thấp họ, và ngay cả những người nhận tiền hỗ trợ này cũng không thực sự muốn. Các chính trị gia biết điều này: họ thường không vận động trên những đề xuất lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Vì vậy, các sắc thuế phải được tái cấu trúc để bù đắp sự bất bình đẳng thu nhu nhập được tạo ra bởi quá trình robot hóa. Về mặt chính trị, và do đó về lâu dài, đánh thuế trên các robot có lẽ dễ được chấp nhận hơn là chỉ đánh thuế những người có thu nhập cao. Và trong khi điều này sẽ không đánh thuế sự thành công của cá nhân con người, như cách làm của các sắc thuế thu nhập, trên thực tế nó có thể hàm ý những mức thuế cao hơn nào đó đối với những phần thu nhập cao hơn, nếu các phần thu nhập cao này được kiếm trong những hoạt động có liên quan đến sự thay thế con người bằng robot.


Một sắc thuế vừa phải lên các robot, thậm chí một loại tạm thời mà chỉ đơn thuần làm chậm quá trình áp dụng của công nghệ có khả năng gây đổ vỡ xã hội, dường như là một thành tố tự nhiên của một chính sách nhằm giải quyết sự bất bình đẳng đang gia tăng. Tiền thuế thu được có thể dùng để bảo hiểm tiền lương, nhằm giúp những người bị công nghệ mới thế chỗ chuyển đổi làm một nghề mới. Điều này sẽ phù hợp với ý thức tự nhiên của chúng ta về công lý và vì thế có khả năng tồn tại được.
Tác giả: Rober J.Shiller, Nobel kinh tế năm 2013, là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Yale và đồng Sáng lập của Chỉ số Case-Shiller về giá cả nhà ở Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn Irrational Exuberance, bản tái bản lần thứ ba vừa được xuất bản tháng Một 2015, và, vừa mới đây, Phishing for Phools: The Economics of Manipulation and Deception, đồng tác giả với George Akerlof.
Nguyễn Vũ Hoàng dịch
Nguồn: “Robotization Without Taxation?”, www.project-syndicate.org, on MAR 22, 2017
Print Friendly and PDF