25.7.17

Niết bàn của các nhà kinh tế học (5): Các đường biểu diễn



Niết bàn của các nhà kinh tế học (5)

CÁC ĐƯỜNG BIỂU DIỄN

Đường Beveridge
Lord William Beveridge (1879-1963) được biết đến nhiều nhất vì là người đặt cơ sở (năm 1942) cho hệ thống bảo hiểm xã hội của Anh, như nó được thiết lập kể từ năm 1945, dưới sự thúc đẩy của chính phủ thuộc Đảng Lao động của Clement Attlee. Vả lại người ta gọi mô hình Beveridge (đối lập với mô hình Bismarck) mọi hệ thống bảo hiểm xã hội theo khuynh hướng phổ quát (tất cả mọi người đều được trợ cấp và kinh phí cho chế độ bảo hiểm xã hội được lấy từ tiền thuế), trong khi đó hệ thống Bismarck dựa trên việc làm và các khoản đóng góp về an sinh xã hội, mỗi thành viên trong gia đình được giới hạn trợ cấp theo chế độ người hưởng quyền.
Nhưng đường biểu diễn được đặt tên theo Nam tước không liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội. Nó kết nối tỷ lệ việc làm còn trống tại một thời điểm nhất định với tỷ lệ thất nghiệp. Thông thường, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, thì tỷ lệ việc làm còn trống giảm: người thất nghiệp phải chấp nhận những vị trí công việc này, bởi vì họ không có sự lựa chọn. Ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, thì tỷ lệ việc làm còn trống tăng. Nhưng nếu tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ việc làm còn trống đều tăng, thì điều đó có nghĩa là có tình trạng thất nghiệp cơ cấu: trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp của người thất nghiệp và các vị trí việc làm còn trống không phù hợp, và điều này dẫn đến một sự tiến hóa của hệ thống đào tạo để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi ngành nghề.
Đường Kuznets
Simon Kuznets (1901-1985), nhà kinh tế học người Mỹ gốc Ukraine đã được trao “Giải thưởng Nobel về kinh tế” vào năm 1971 vì những công trình thống kê của ông về sự tăng trưởng, các chu kỳ kinh tế và sự phát triển. Đường biểu diễn của ông, kết quả của nhiều quan sát về mặt thống kê liên quan đến sự bất bình đẳng. Đường biểu diễn có hình một đường cong chữ “U” ngược: đường cong này thấp khi một quốc gia ở trong hoàn cảnh nghèo, tình trạng bất bình đẳng, trong thời gian đầu, gia tăng dần dần khi đất nước phát triển, sau đó giảm xuống với quá trình hiện đại hóa của toàn xã hội. Một nhận xét mà ông giải thích như sau: giai đoạn đầu (bất bình đẳng đậm nét) phát sinh từ việc, trong một xã hội truyền thống, sự bất bình đẳng về thu nhập kích thích sự phát triển kinh tế bởi vì (vài) người rất giàu có thể tiết kiệm và tài trợ vào những khoản đầu tư cơ bản rất đắt tiền (các cơ sở hạ tầng giao thông, chẳng hạn); trong khi đó, đám đông người nghèo thì không có khả năng tiết kiệm bất cứ điều gì và vì vậy không thể tiết kiệm được, ngay cả khi số tiền được những người giàu tài trợ đã được phân phối cho họ. Nhưng đến một lúc nào đó khi mà ngay cả nguồn tài trợ của giới nhà giàu không kham nỗi do lượng vốn cần tài trợ trở nên quá lớn, và đặc biệt, quá khác biệt: việc giảm bớt sự bất bình đẳng cho phép nổi lên một tầng lớp trung lưu có khả năng tài trợ đồng thời nhiều dự án đầu tư tại địa phương (các khu dân cư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và khả năng tiêu thụ trong nước cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, chính nhờ vào sự tiến triển của các tầng lớp trung lưu mà chúng ta có thể theo đuổi sự phát triển kinh tế. Sự bất bình đẳng, ban đầu thuận lợi cho sự phát triển, trở thành một trở ngại khi mà mức độ phát triển đạt đến một ngưỡng nhất định.
Nếu trường hợp của Trung Quốc minh họa khá đúng phân tích của Kuznets, thì phân tích này từ nay bị phủ nhận bởi những diễn biến đang diễn ra ở các nước công nghiệp hóa cũ, với một sự tăng mạnh của bất bình đẳng trong thu nhập theo hướng có lợi cho giới giàu nhất và theo hướng bất lợi cho toàn bộ các tầng lớp trung lưu, như các công trình của Thomas Piketty đã cho thấy. Liệu giới giàu, trước đây được tôn vinh như là những người cung cấp nhiên liệu cho sự tăng trưởng kinh tế, có trở thành những kẻ săn mồi không? Trong bất kỳ trường hợp nào, đó là luận thuyết của một số các nhà kinh tế học, như Joseph Stiglitz và Thomas Piketty.
Đường Laffer
Arthur Laffer (1940-) là một nhà kinh tế học đương đại người Mỹ, người nổi tiếng vì đã vẽ, hình như vậy, trên một khăn trải bàn của nhà hàng (may mắn là khăn trải bàn được làm bằng giấy!) một đường có dạng là một hình bán nguyệt đặt trên một đường nằm ngang. Đường ngang này thể hiện mức thuế đánh trên thu nhập có thể dao động từ 0 đến 100%. Tung độ của biểu đồ đo lường các khoản thu thuế. Dưới một thuế suất nào đó, bất kỳ gia tăng nào của thuế suất đó đều kích thích người dân làm việc nhiều hơn để bù đắp cho khoản thu thuế, một điều có lợi kép cho thu nhập của Nhà nước: không chỉ nguồn thu thuế tăng, mà cơ sở để tính thuế cũng tăng.
Tuy nhiên, khi mà thuế suất càng tăng, thì điều này càng ít thích hợp: người dân sẽ ngày càng có ít động lực để làm việc và kiếm thêm tiền, bởi vì Nhà nước thu về một phần ngày càng tăng của số thu nhập thặng dư đó. Đến một lúc nào đó khi mà việc tăng tiền thuế vượt quá mức tối đa chấp nhận được: cơ quan thuế siết cổ con gà đẻ trứng vàng, đến mức nó đẻ ít đi. Khi vượt quá ngưỡng thu thuế tối đa chấp nhận được, thì người dân ngừng nổ lực để kiếm nhiều tiền hơn, vì biết rằng cơ quan thuế sẽ thu nhiều tiền đến mức là không còn đáng phải lao lực cho khoản thu nhập nhỏ nhoi còn lại, “Quá nhiều thuế sẽ triệt tiêu thuế.”
Rõ ràng, đường này có cơ sở: ai sẽ đồng ý tiếp tục nổ lực làm việc nếu Nhà nước thu tất cả? Vấn đề duy nhất là xác định từ mức độ nào thì sự dị ứng thuế này phát huy tác dụng: 10% hay 90%? Laffer đề xuất mức 30% và, vào đầu những năm 1980, ông đã thuyết phục được Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Ronald Reagan. Đây là sự khởi đầu của kinh tế học trọng cung. Tại Pháp, Thomas Piketty đã chứng minh rằng việc nhiều chính phủ liên tiếp, từ năm 1986 đến năm 1996, chấp thuận cắt giảm các thuế suất cao đánh vào thu nhập, đã không có ảnh hưởng nào đến sự tăng trưởng kinh tế, mà chỉ tác động đến mức độ thâm hụt công không thôi. Nói tóm lại, đường Laffer là một chủ đề vẫn còn được tranh cãi: đó là một biểu trưng sát với thực tế hay là một ảo ảnh của tư tưởng tự do?
Đường Phillips
Đây có lẽ là đường nổi tiếng nhất trong phân tích kinh tếĐó là kết quả của các công trình của một nhà kinh tế học người New Zealand, Alban William Phillips (1914-1975), trên khoảng một thế kỷ các dữ liệu số về tiền lương và việc làm ở Vương quốc Anh, và đã được Franco Modigliani (xem “định lý Modigliani-Miller”) tổng kết như sau: “Tỷ suất lạm phát sẽ tăng khi tỷ suất thất nghiệp giảm, và ngược lại”. Đường Phillips đã ra đời, với tỷ suất lạm phát trên trục dọc và tỷ suất thất nghiệp trên trục ngang. Đối với Modigliani, và toàn bộ các nhà kinh tế học keynesian của sự tổng hợp, thì kết luận rất rõ: chính phủ phải phân định giữa tình trạng thất nghiệp nhiều hơn hay lạm phát nhiều hơn.
Milton Friedman phản bác cách nhìn này: Lạm phát phát sinh từ khối lượng tiền tệ được phát hành, trong khi thất nghiệp là kết quả của khoảng cách ít nhiều lớn hay nhỏ giữa một nền kinh tế như nó vận hành trong thực tế và sự cạnh tranh hoàn hảo. Tình trạng độc quyền, các nghiệp đoàn, mức lương tối thiểu, bảo hiểm thất nghiệp, các quy định do Nhà nước áp đặt (trên xe taxi, ví dụ) sản sinh ra tô, tất cả những điều này làm méo mó thị trường và tạo ra tình trạng thất nghiệp, được Friedman gọi là tình trạng thất nghiệp “tự nhiên”. Trong trường hợp tốt nhất, khi tăng lương, bạn sẽ làm hài lòng những người làm công ăn lương, những người sẽ chi tiêu nhiều hơn, và sẽ làm giảm tỷ suất thất nghiệp... trong một thời gian ngắn. Nhưng sự gia tăng cầu cũng sẽ dẫn đến việc tăng giá (khối lượng tiền tệ nhiều hơn trong lưu thông = tình trạng lạm phát nhiều hơn). Và đến một lúc nào đó giá cả sẽ bắt kịp tiền lương, khiến cho sức mua của người làm công ăn lương sẽ trở lại mức trước đây, và tỷ suất thất nghiệp cũng vậy. Đường Phillips đích thực duy nhất có hiệu lực, theo kết luận của người được “Giải thưởng Nobel” năm 1976, là một đường thẳng đứng: tỷ suất thất nghiệp độc lập với tỷ suất lạm phát.
Cuộc “chiến tranh bốn mươi năm” này giữa những nhà kinh tế học keynesian và những nhà kinh tế học trọng tiền, chưa kết thúc. Ban đầu, những nhà kinh tế học keynesian đã thua trận: vào những năm 1970, tình trạng lạm phát cao không làm cho tình trạng thất nghiệp giảm đi. Nhưng cuộc khủng hoảng năm 2008 đã đưa họ trở lại: chính việc các ngân hàng trung ương phát hành một lượng lớn tiền tệ đã ngăn cuộc Đại khủng hoảng (cuộc khủng hoảng của những năm 1930) tái diễn và đã ngăn hệ thống tài chính sụp đổ. Kết quả hòa? Trong thực tế, từ nay vấn đề không còn là lạm phát nữa mà là có thể tin vào thị trường hay là phải để Nhà nước thận trọng cảnh giác và điều tiết nền kinh tế. Phillips và đường mang tên ông ở rất xa.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les lois, les théorèmes, les courbes..., Les Dossiers d’Alternatives Economiques, Hors-série no 4, septembre 2016.
Print Friendly and PDF