17.7.17

Trung Quốc: “chế độ độc tài hoàn hảo”?



TRUNG QUỐC: “CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI HOÀN HẢO”?
Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 14 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 12/10/1992. (Ảnh: AFP PHOTO/MIKE FIALA)

Đọc sách: Đây là một cuốn sách rất cần thiết để hiểu được chế độ chính trị ở Trung Quốc ngày nay. Là giáo sư tại Đại học Oxford và chuyên gia phân tích các Nhà nước, Stein Ringen vừa công bố cuốn The Perfect Dictatorship [Chế độ độc tài hoàn hảo] Nhà xuất bản HKU Press.

- Người đối thoại 1: “Trung Quốc là một chế độ độc tài.”
- Người đối thoại 2: “500 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói.”
... Im lặng. (Stein Ringen, The Perfect Dictatorship [Chế độ độc tài hoàn hảo], tr. 135)
Stein Ringen (1945-)

Để thoát khỏi cuộc đối thoại này, khá phổ biến và dường như đi vào bế tắc, thì cuốn sách nhỏ của Stein Ringen là cần thiết. Thật vậy, cuốn sách này gợi ý cho chúng ta hiểu được làm thế nào một chế độ được xây dựng trên cơ sở của “rất nhiều điều đáng ghét” (tr. 135) lại trụ được lâu dài bằng cách áp đặt lên người dân của mình một hình thức thỏa hiệp cưởng bức mà Xu Ben gọi một cách khá thích đáng là một ”sự lựa chọn mà không lựa chọn” và rõ ràng đây là một thắng lợi thầm lặng của chế độ toàn trị (tr. 143)[1]. Chúng ta thực sự khó tưởng tượng được về mặt học thuật rằng một đất nước trên đà phát triển kinh tế – như người ta nói – theo chủ nghĩa tư bản lại có thể tiếp tục đường lối Lêninít về mặt chính trị (tr. 165).
Cuốn sách nhỏ này đáng để chúng ta quan tâm vì ba lý do. Đầu tiên, nó cáo buộc ở từng trang một cái nhìn dễ dãi rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chỉ là một chế độ thành công về mặt kinh tế và hiệu quả ở những gì nó cung cấp. Tác giả cho chúng ta biết rằng như vậy là không coi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một cách nghiêm túc. Kế tiếp, vì không có sự gắn bó tình cảm với chủ đề nghiên cứu của mình, Ringen không mấy cảm xúc trước sự hào nhoáng thường mù quáng của “Nhà nước văn minh” Trung Quốc và 5000 năm lịch sử của đất nước này. Lịch sử chỉ được đề cập rất ngắn gọn trong sự chứng minh của ông. Cuối cùng, cuốn sách gắn với một viễn cảnh, mà từ nhà sử học Arif Dirlik đến nhà xã hội học Sun Liping, qua đến nhà kinh tế học người Hồng Kông Ho-fong Hung, xem xét một cách nghiêm túc những vấn đề chính trị được dấy lên bởi sự tăng trưởng kinh tế thực và sự ham muốn quyền lực không kém phần có thực của các nhà lãnh đạo, khi xem Nhà nước Trung quốc như là một Nhà nước trưởng thành[2].
Arif Dirlik (1940-)
Sun Liping
Từ đó, họ nắm bắt ngay diễn ngôn của Đảng, đưa vào lại sự phức tạp khi né tránh những cạm bẫy đơn giản hóa của “tính khác biệt Trung Quốc” và/hoặc “văn hóa chính trị”, hai diễn ngôn đang thịnh hành – tuy có lợi ích nhất định – nhưng lại có nhiều khó khăn để nói về thực tế hiện tại một cách chính xác.
Những gì mà cuốn sách của Stein Ringen, giáo sư Đại học Oxford và chuyên gia phân tích các Nhà nước (Mỹ, Anh, Scandinavia, Châu Âu và Hàn Quốc) mang đến cho cuộc tranh luận về bản chất của Nhà nước Trung Quốc đương đại, chính là việc tập hợp những viễn cảnh đã được biết đến, nhưng cho tới nay còn phân tán, thành một kiến tạo hợp lý và không khoan nhượng trong một tiểu luận diễn giải cô đọng về mặt học thuật không quá hai trăm trang.
Ho-fong Hung
Vấn đề hoàn toàn không phải là đặt chế độ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đương đại trong bối cảnh lịch sử hoặc tìm kiếm những nguyên nhân của tình hình hiện nay, mà là cung cấp một bản đồ chuyên gia về chế độ chính trị của Trung Quốc vào một thời điểm “T”.[3]
Một số độc giả có thể bị sốc bởi tính chất triệt để của một số ngôn từ khi nhìn Trung Quốc dưới một thứ ánh sáng lạnh lùng. Nhưng tiêu đề của cuốn sách chẳng đã nói lên nhiều điều về khía cạnh khiêu khích của tiểu luận sao?
Thật vậy, lợi thế đầu tiên của cuốn sách là cho thấy rất rõ quan điểm của tác giả khi tức khắc khẳng định ngay từ trang đầu tiên trong lời nói đầu: “Chúng ta phải rõ ràng và thẳng thắn về mặt ngôn ngữ và [nói rằng] sự phân tích về Trung Quốc phải dựa trên một nhận thức không che giấu là chúng ta đối mặt với một Nhà nước toàn trị” (tr. viii). Tinh thần của cuốn sách có thể là kì lạ, do nó không tuân thủ những phân loại thông thường của nghiên cứu hàn lâm và do sự đánh giá chuyên môn được phát triển [trong cuốn sách] tạo ra nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Liệu có phải đó là vấn đề khoa học chính trị? Vấn đề kinh tế chính trị? Vấn đề kinh tế-xã hội?
Mục đích của cuốn sách, Stein Ringen cho biết, là một nỗ lực phân tích Nhà nước Trung Quốc được thực hiện bên ngoài lâu đài của các công trình nghiên cứu về Trung Quốc. Ringen tin rằng khoảng cách của việc quan sát tách biệt là một lợi thế, khi nhắc lại sự mù quáng của những năm dưới thời Mao Trạch Đông và khi chỉ ra một số tác phẩm được xuất bản gần đây, mang tính ngây ngô hoặc lệ thuộc đến xấu hổ (tr. 39).
Đối với ông [Stein Ringen], khoảng cách phê phán của sự quan sát hàn lâm đã bị xáo trộn, trong trường hợp của Trung Quốc, bởi hai cơ chế. Đầu tiên, đó là một sự mê hoặc nhất định nào đó có xu hướng nhìn thấy lợi ích, sự ấn tượng và đôi khi điều tốt trong một Nhà nước đã bám rễ sâu trong một lịch sử hàng nghìn năm. Sau đó, tất cả những ai bước vào “trò chơi của Trung Quốc” đều biết rằng ở đây [Trung Quốc] có những quy tắc và rằng sự không hài lòng chính thức có thể dẫn đến một vài điều thất vọng như: từ chối cấp visa thông hành, gián đoạn hợp tác... Hiện tượng tự kiểm duyệt, ít nhiều có ý thức, là điều có thực (tr. 40-41).
Ringen phủ nhận mọi tham vọng trở thành nhà Trung Quốc học trong tương lai và tự cho mình là một nhà phân tích xã hội và là một nhà phương pháp học theo chủ nghĩa cá nhân, người cho rằng định nghĩa một Nhà nước chỉ nằm trong cách thể hiện của nó đối với dân chúng, đến tận những nấc thang xã hội thấp nhất (tr. 41). Và mối liên kết giữa khoa học chính trị thuần túy (phân tích cái hệ thống) và khoa học chính trị xã hội (quan hệ với người dân), theo tác giả, được cảm nhận trong sự cân bằng giữa những gì mà Nhà nước chiếm lấy (take) và những gì mà Nhà nước phân phối (deliver)[4].
Vì vậy, cuốn sách có thể được xem như là sự phân tích kết quả của một phép toán đơn giản: còn lại điều gì khi chúng ta cộng những gì mà Nhà nước chiếm lấy và những gì mà Nhà nước cung cấp [délivrer]. Sự lạnh lùng mang tính đại số này ngăn cuốn sách rơi vào sự bôi bác đơn giản (China bashing hay đả kích Trung Quốc) có mặt trong một số phân tích. Thực vậy, Ringen không có ân oán gì [với Trung Quốc], cũng chẳng có điều gì cần phải thanh minh về chủ đề của mình; ông không phải là một người li khai, một điều có lẽ làm cho một số kết luận của ông mang tính lạnh lùng hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước Quốc hội Peru trong một buổi lễ bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào ngày 21 tháng 11 năm 2016. (Ảnh: AFP PHOTO/CRIS BOURONCLE).
Hannah Arendt (1906-1975)
Juan Linz (1926-2013)
Kể từ những phân tích kinh điển của Hannah Arendt hoặc của Raymond Aron, và gần đây hơn của Juan Linz, rõ ràng mọi người đều biết rằng các chế độ Đảng-Nhà nước là những chế độ độc tài.[5] Tuy nhiên, trong trường hợp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), nếu thuật ngữ “chuyên quyền” là quá dễ dãi, thì các thuật ngữ “chế độ độc tài” và “chủ nghĩa toàn trị” là không chắc chắn và có vẻ quá sơ đẳng và đơn giản để xác định bản chất hiện tại của chế độ. Các thuật ngữ đó cần phải được xem xét lại dưới ánh sáng của thực tế đương đại (tr. 2).
“Chế độ kiểm soát trị”
Raymond Aron (1905-1983)
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một chế độ độc tài tinh vi, trong đó công dân được hưởng nhiều quyền tự do, tuy nhiên đến một điểm nào đó mà thôi. Đến điểm này, Đảng sẽ can thiệp với tất cả bạo lực cần thiết, như đã cho thấy vào năm 1989 chống lại phong trào dân chủ, năm 1999 chống lại giáo phái Pháp Luân Công, và gần đây hơn chống lại nhiều thành phần khác nhau của xã hội dân sự.
Mọi người đều biết Đảng hiện diện ở các sự kiện đó, và nếu Đảng không nói mỗi người phải làm gì thì Đảng vẫn kiểm soát cặn kẽ những gì không được làm, đọc hoặc nghe. Hẳn là hệ thống kiểm soát một cách gián tiếp và tinh vi này có lợi về lâu về dài hơn là việc sử dụng bạo lực (tr. 137). Tuy nhiên, Ringen nhắc lại rằng mối đe dọa trừng phạt, sách nhiễu, giam giữ, mất việc làm hoặc nhà ở, hăm dọa gia đình hoặc người thân, bạo lực và cuối cùng là cái chết, vẫn luôn hiện diện (tr. 137).
Ngày nay, người ta hoàn toàn có thể sống và sinh hoạt tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một khi hiểu được, tích hợp và chấp nhận các quy tắc – mà ranh giới của chúng mang tính mơ hồ một cách cố ý.
Vả lại, các trang dành cho luật pháp cũng mang tính khá rõ ràng và nhắc nhở một thực tế thường bị lãng quên: ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lý thuyết pháp lý thống trị là luật pháp phải phục vụ chủ nghĩa xã hội, có nghĩa là phải phục vụ Đảng, tổ chức làm ra các quy tắc – mà Đảng gọi là “luật” – và tự cho phép bác bỏ các quyết định tư pháp được cho là “sai”. Nói cách khác, luật pháp chỉ tồn tại khi mà nó không làm phiền đến người đã viết ra nó! Thế nào chính xác là một luật không bao giờ được làm rõ (tr. 79) và những cuộc thảo luận về tính nước đôi của khái niệm fazhi – “thượng tôn pháp luật” hay “cai trị bằng pháp luật” – đã không ngừng nuôi dưỡng những cuộc tranh luận giữa các chuyên gia pháp lý[6].
Stephanie Balme
Như đã biết, việc thiếu vắng Nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc là một trở ngại chính cho sự phát triển nền dân chủ.[7] Dù gì đi nữa, mối quan hệ giữa người Trung Quốc với luật pháp, và với hệ thống tư pháp nói chung, không thoát khỏi chứng tâm thần phân liệt đã được biết đến và gắn với chính bản chất của hệ thống – như Stephanie Balme đã nhắc lại, trong cuốn “Communisme et schizophrénie – L’individu face au droit dans la société chinoise post-révolutionnaire [Chủ nghĩa Cộng sản và chứng tâm thần phân liệt – Con người đối mặt với pháp luật trong xã hội thời hậu cách mạng Trung Quốc]” (Raisons politiques, số 3, 2001).
Thế mà, bản chất này lại mang tính toàn trị. Nó ăn khá sâu vào đời sống hàng ngày đến nỗi làm tiêu tan không gian chính trị. Chúng ta đều biết đó, “trong một thế giới phi chính trị, [...] không có chỗ cho những tiếng nói bất đồng hoặc những hành vi lệch lạc. Không có vị trí khả thi nào khác giữa sự hội nhập vào hệ thống và sự loại trừ khỏi hệ thống.”[8] Ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, những gì còn lại của đời sống chính trị bị buộc phải hoạt động lén lút, riêng tư, bí mật, cô lập (tr. 139). Nghiên cứu chi tiết các cơ chế đánh thuế đối với các cá nhân và các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động xã hội, khu vực công, bảo hiểm và trợ cấp xã hội cung cấp một bản đồ có suy tính về các khả năng của chế độ, một chế độ tuy có khả năng cần thiết để phục vụ quyết tâm của Nhà nước nhưng vẫn có tính “hiệu lực” (effective) hơn là “hiệu quả” (efficient) (tr. 115).
Sau một phân tích tỉ mỉ về Nhà nước, nền kinh tế và ma trận quyền lực (Đảng, quân đội, các quyền lực tư pháp, hành pháp và lập pháp, công an, bộ máy quản lý), tác giả đi đến kết luận có phần mỉa mai rằng nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát minh ra một kiểu chế độ chính trị, thì quả thực họ đã phát minh lại chế độ độc tài. Ringen đặt tên cho chế độ mới này là “chế độ kiểm soát trị” (tr. 138).
Pierre Rosanvallon (1948-)

Để đi đến kết luận này, ông đã đặt những cột mốc phương pháp luận một cách độc đáo khi sử dụng các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những gì họ nói, những gì họ làm, những gì họ tạo ra và cuối cùng họ là ai trong chuỗi lập luận của mình. Điểm duy nhất nhắc đến lịch sử trong cuốn sách này gợi lại “ba hồn ma” đã ám ảnh các nhà lãnh đạo: thế kỷ của sự sỉ nhục (1842-1949), sự thái quá của chủ nghĩa Mao, và sự sụp đổ của Liên Xô (tr. 2-3). Từ ba điểm xác định này nảy sinh ưu tiên hàng đầu của chế độ Đảng-Nhà nước là phải đảm bảo quá trình tiếp diễn của chính chế độ. Kể từ đó, Nhà nước được cải cách sau năm 1978 hoạt động theo một nghị trình kép. Một mặt, phải đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế để tưởng thưởng cho người dân một cách hữu hình, sờ mó được; mặt khác, để đảm bảo sự sống còn của chính chế độ thì phải xây dựng lại “bộ máy” kiểm soát xã hội (tr. 6.) xung quanh hai mục tiêu ưu tiên: sự tồn tại bền vững của chế độ và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Theo viễn cảnh này, công cuộc “cải cách” không phải là một sự tái tạo lại các cơ chế hiện đại hóa của phương Tây, mà là một sự củng cố và hoàn thiện chế độ (tr. 166).
“Mô hình” Trung Quốc nào?
Chỉ bằng việc khéo léo sử dụng các số liệu chính thức (mà tính không chắc chắn nặng nề được ông nhấn mạnh), Ringen nhanh chóng biến đổi việc phân tích hệ thống chính trị của Trung Quốc và những tác động xã hội của nó thành một diễn giải mang tính phê phán “mô hình”, bằng cách nhắc lại những ví dụ khác về hiện đại hóa khi mà quá trình phát triển xã hội và chính trị đã đồng hành với sự phát triển kinh tế, khi mà quá trình định tính đã đồng hành với quá trình định lượng.
Tại Đài Loan và Hàn Quốc, các chính phủ đã đạt được sự ủng hộ của người dân khi đồng hành với sự tăng trưởng kinh tế. Họ tự trang bị tính chính danh gắn với các khoản hỗ trợ đầu tư vào ngành giáo dục và bảo hiểm xã hội (tr. 35). Đó không phải là mục đích chính của mọi công cuộc hiện đại hóa à? Như vậy, Ringen chất vấn về động cơ và mục đích của một dự án cải cách, mà tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giờ đây dường như đã chỉ còn là một cuộc tìm kiếm điên cuồng sự tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào ý chí quyền lực của một cường quốc. Tuy nhiên, trong cuộc tìm kiếm sự “vĩ đại” (greatness) này, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ gây được ấn tượng bởi “kích cỡ to lớn” (bigness) của họ (tr. 35). Một “cuộc đua về tăng trưởng kinh tế” (GDP-growthism) xác thực ý tưởng cho rằng các nhà lãnh đạo nắm rõ tăng trưởng là gì, nhưng họ không còn biết tăng trưởng được dùng vào việc gì (tr. 48). Thế mà, theo lời cảnh báo của Ringen, sức mạnh mà không có mục tiêu là một “chòm sao đáng ngại” (tr. 49). Ngày nào mà nền kinh tế không còn phát triển ở một mức độ thích hợp về mặt chính trị, thì sẽ không còn gì nhiều để đáp ứng những mong đợi mà chính chế độ đã tạo ra.
Trong mọi trường hợp, việc đạt được tính chính danh thông qua sự tăng trưởng kinh tế đều có cái giá của nó: một tình trạng ô nhiễm khổng lồ, một vấn nạn tham nhũng tràn lan và một sự gia tăng các bất bình đẳng. Về vấn đề này, chương viết về thực trạng nghèo đói có sức thuyết phục. Và việc xem xét trong bối cảnh các công cụ thống kê cho phép tác giả khẳng định rằng, nếu có nhiều người thoát khỏi tình trạng nghèo đói, thì vẫn còn rất, rất nhiều người khác trong tình trạng khốn cùng (tr. 120). Những người thoát khỏi tình trạng nghèo đói, theo các số liệu chính thức đã thực sự không thay đổi nhiều, và Trung Quốc vẫn là một nước mà tình trạng nghèo đói mang tính “đại trà và áp bức” (tr. 148). Điều mà Ringen bổ sung một cách thích đáng, là đối với sự nghèo đói và tăng trưởng – mà ông cho là đã được đánh giá quá cao – là chế độ đã tự nhận lấy công trạng nhiều hơn điều thực sự nó xứng đáng. Việc xóa đói giảm nghèo hiệu quả là một kết quả của nền kinh tế, mà Nhà nước chỉ việc đồng hành theo, hơn là của một chính sách tái phân phối xã hội có thực và có kế hoạch (tr. 148). Tác giả chứng minh rằng, về mặt năng lực quản lý, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một nước phát triển, nhưng về mặt phân phối lại, thì đó vẫn là một nước còn kém phát triển. Diễn ngôn bảo vệ nguyên trạng của Trung Quốc lấy cớ kém phát triển từ nay đã lỗi thời và mang tính chiến lược. Về mặt những gì lấy được, Nhà nước Trung Quốc thậm chí còn phát triển ở mức cao. Về mặt những gì cho được, nó là một Nhà nước kém phát triển (tr. 164).
Đối với tác giả, Nhà nước Trung Quốc “làm ít hơn cho người dân những gì mà họ có khả năng làm được và có thể cho phép làm được bởi vì họ có những mục tiêu và ưu tiên khác hơn là làm vì lợi ích của người dân thường” (tr. 166). Như vậy, cuốn sách Ringen là một chứng minh tỉ mỉ sự phi lý của “huyền thoại tự do”, mà trong những năm 1970 đã gắn nhu cầu phát triển của Trung Quốc với sự tất yếu của sự tự do hóa về mặt chính trị của đất nước. Tầng lớp trung lưu phải đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn, họ đã trở thành một trụ cột của chế độ. Internet phải trở thành một tác lực tự do hóa xã hội, nó đã trở thành một công cụ kiểm soát mới trong tay của nhà chức trách.[9] Một huyền thoại, mà ông nói, đã không thể sống sót sau bi kịch của năm 1989 và qua việc Đảng xác định lại hệ quả logic của sự thật.[10] Điều quan trọng cần nhấn mạnh là tầm quan trọng mà tác giả giành cho (việc không có) ký ức về ngày 04 tháng 6 năm 1989 của chính quyền Trung Quốc cũng như của một số tài liệu nào đó quy giản bi kịch thành một “sự cố” đơn thuần (chú thích số 6 tr. 4). Đối với ông, điều đã chết vào tối hôm đó chính là niềm hy vọng được Đảng dấy lên vào cuối thời kỳ cách mạng và là điểm mốc quan trọng của những năm 1980. Vì vậy, sự thật duy nhất có sẵn trở thành sự thật của sự thích nghi (tr. 4).
Các chương nói về nạn tham nhũng và năng lực kiểm soát của Nhà nước là bổ ích và cung cấp một cái nhìn khá buồn về cảnh quan đương đại nhất. Ringen chia hiện tượng tham nhũng thành ba cấp độ. Cấp độ thấp nhất, lan tỏa nhiều nhất trong sinh hoạt hàng ngày và có mặt ở khắp mọi nơi thuộc về các lĩnh vực: dịch vụ, cấp giấy phép, tem, thỏa thuận, cấp giấy chứng nhận, thương mại, cấp phép, trường học, bệnh viện... Danh sách còn dài vô tận và góp phần chủ yếu vào sự bất mãn của công chúng. Cấp độ thứ hai, trong bộ máy quan quyền, liên quan đến việc mua quan bán tước hoặc thăng chức cho người trả giá cao nhất. Cuối cùng, ở cấp độ cao nhất của Nhà nước, đây không còn là tham nhũng, Ringen cho biết, đó là tội phạm có tổ chức (tr. 24-25). Nếu phân tích này không phải là điều mới, thì điều đáng lưu ý là tác giả đã ghi lại trong khuôn khổ của những người tìm cách chứng minh mức độ tham nhũng đáng kinh ngạc ở các cấp cao nhất của Nhà nước[11].
Do đó, đối với ông, chiến dịch được chính phủ hiện tại tiến hành chống nạn tham nhũng, mà mục tiêu thực sự thường không rõ ràng, được thúc đẩy bởi một nghị trình kép. Một mặt, phải thanh trừng phe đối lập trong nội bộ Đảng, và mặt khác là diệt trừ sự đua tranh của một nhóm đầu sỏ ăn bám để lập lại sự lãnh đạo của Đảng một cách vững chắc về mặt chính trị, kinh tế và cuối cùng là về mặt xã hội (tr. 28). Ringen thậm chí mở rộng sự phân tích chủ đề này khi báo hiệu sự đảo ngược triệt để những ưu tiên làm bại hoại có hệ thống toàn bộ bộ máy quản lý quan liêu. Các quan chức không phục vụ công chúng. Họ chỉ làm theo lời cấp trên của họ mà thôi. Họ được yêu cầu trung thành với cấp trên trong hệ thống cấp bậc của họ, những người mà họ mang nợ đối với vị trí việc làm của họ và những người quyết định sự thăng tiến của họ, trong một trò chơi thường trực về nghĩa vụ và có qua có lại làm đảo ngược ngay cả ý tưởng của một cơ quan dịch vụ công để biến nó thành một bộ máy phục vụ cho Đảng. Một lần nữa, tác giả bài xuất lập luận duy lịch sử vốn nhìn thấy, trong hiện tượng tham nhũng, một sự tiếp nối của tập quán “văn hóa” về việc cho và nhận “quà biếu” có thể dễ dàng biến thành một sự cưỡng đoạt thuần túy và đơn giản.[12]
Michel Bonnin (1949-)
Về mặt kiểm soát, tác giả nhấn mạnh đến việc (Đảng) lựa chọn mọi tổ chức của xã hội dân sự. Đảng, có ý thức lịch sử, biết rõ chính bản thân mình cũng xuất phát từ sự tổ chức đạt được thắng lợi trong cuộc phản kháng của nhiều nhóm xã hội khác nhau. Việc chuyển hướng và thao túng các phong trào có tiềm năng phê phán tham gia vào sự “ổn định động” tuyệt vời của chế độ, một chế độ lo ngại trên hết, hơn cả những cá nhân hoặc nhóm nhỏ, mọi hoạt động xã hội tích cực có khả năng tự tổ chức và tạo ra các mạng lưới (tr. 140)[13]. Không phải việc tổ chức đấu tranh ủng hộ hay chống lại một mục tiêu nhất định nào đó, mà chính ngay việc tự tổ chức mới là vấn đề (tr. 141). "Trong một hệ thống toàn trị, Michel Bonnin nhắc lại cách đây một vài năm, theo định nghĩa mọi nỗ lực tạo ra các mối liên kết theo hàng ngang là một điều xấu, bởi vì các nỗ lực đó sẽ phá vỡ sự hoạt động theo hàng dọc của tổ chức.”[14]
Không gian mà Nhà nước để lại cho người dân, và tạo ra một ấn tượng của tình trạng “bình thường” trong cuộc sống hàng ngày, chỉ bao gồm những “khu vực bàng quan” được Nhà nước nhượng quyền, thường để che đậy một cách tốt nhất sự rút lui từng bước của Nhà nước khỏi lĩnh vực xã hội. Việc Nhà nước rút khỏi lĩnh vực xã hội không bao giờ là việc chế độ Đảng-Nhà nước rút khỏi quyền lực (tr. 137). Quan hệ thống trị giữa quyền lực và xã hội không thay đổi về mặt cơ bản, ngay cả khi đã được nới lỏng, và tham vọng toàn trị có vẻ chưa bao giờ được đặt thành vấn đề.[15] Đây có lẽ chính là điều mà “chế độ kiểm soát trị” là chế độ độc tài hoàn hảo nhất. Nó không phụ thuộc vào sự có mặt khắp nơi của khủng bố. Chế độ thậm chí có thể tự cho phép chỉ sử dụng bạo lực thuần túy với một mức độ dè sẻn nào đó mà thôi. Tuy nhiên, sự đe dọa khủng bố có mặt ở khắp mọi nơi (tr. 141). Nhưng kiểm soát không chưa đủ: Đảng vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất liên quan đến vấn đề lịch sử và chân lý, và vì vậy có thể áp đặt việc kể lại vận mệnh của đất nước một cách hùng hồn và mạnh mẽ. Chiến lược của chế độ, theo cách bổ sung thêm, cũng dựa vào việc phân phối phần thưởng và dưới một hình thức “tự nguyện tuân thủ thụ động” (willing compliance) được áp đặt (tr. 136).
Các chiến lược thỏa hiệp
Thật vậy, người Trung Quốc, giống như tất cả nhân loại khi đương đầu với một Nhà nước mạnh, nặng nề, len lỏi và có mặt khắp nơi, không có lựa chọn nào khác ngoài việc thỏa hiệp. Các chiến lược để ứng phó và thích nghi rất đa dạng: “Lòng dũng cảm, chất phác, tương trợ, che chở, chống đối và phản đối, tổ chức, lật đổ, che giấu, sống còn [...] cũng như sự chấp nhận, vâng lời, hợp tác trong áp bức, chủ nghĩa cơ hội và hèn nhát.” Và Ringen bổ sung thêm: “Một bức tranh phong phú về thân phận con người, vì điều tốt hơn hoặc tồi tệ hơn” (tr. 40). Chúng ta thấy ở đây biện minh văn hóa như sự bào chữa duy lịch sử, vốn tạo nên bản chất của một đặc trưng giả định là của Trung Quốc, bị cuốn đi như thế nào, có thể nói như vậy, với một sự thanh lịch nào đó. Tuy vậy, vẫn có một lựa chọn thay thế (kín đáo) mà Ringen gọi là “tinh thần anh hùng và không phải không đáng kể” (tr. 99).
Tuy nhiên, tác giả thừa nhận rằng chế độ cung cấp khá tốt một hình thức ổn định có thực, ngay cả khi nó dựa nhiều trên cơ sở kiểm soát hơn là trên tính chính danh của Đảng để cai trị. Tuy vậy, tác giả vẫn chất vấn về thực tế của tính hơn hẳn của sự ổn định này. Sự cởi mở về mặt chính trị, ông nói, có thể giải phóng nhiều hơn nữa năng lượng và sự sáng tạo. Nó có thể không quản lý được, nhưng viện đến sự thất bại tiềm tàng của nó để biện minh cho hiện tại “là điều không đáng tin” (tr. 147). Có một điều đúng là mỗi nỗ lực mở cửa (vào những 1956, 1979, 1989, tác giả cũng nêu sự kiện của Hồng Kông vào năm 2014) đều dẫn đến những yêu sách về dân chủ nhiều hơn. Đảng biết không có được sự chấp nhận thực sự của xã hội. Nếu Đảng đã cho phép người Trung Quốc tham gia vào thế giới của chủ nghĩa tiêu dùng hiện đại, thì Đảng vẫn ngăn cản họ đạt được quyền tự chủ hiện đại. Xã hội Trung Quốc đương đại đã trở thành một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên thế giới, và một vài báo cáo về chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân cuối cùng cũng mô tả thực tế đáng buồn của Trung Quốc ngày nay (tr. 149-150). Vì vậy, Ringen khẳng định “nghịch lý của sự tiến bộ” này rằng: không có sự tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống.[16]
Để kết luận tổng quan tất nhiên chưa đầy đủ của cuốn sách sáng tỏ này, Ringen dừng lại với “giấc mơ của Trung Quốc” (Zhongguo meng) của ban lãnh đạo hiện tại tại Bắc Kinh[17]. Ông dẫn lại một bài báo chính thức ra ngày 05 tháng 4 năm 2013, gắn một cách dứt khoát sự vĩ đại của quốc gia với hạnh phúc cá nhân của mỗi người dân Trung Quốc.[18] Ngoài một sự tôn vinh mang tính dân tộc đã trở thành thói quen, tu từ học về “giấc mơ” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như có một mục đích duy nhất là thống nhất quyền tự chủ cá nhân vào quyền lực quốc gia trong việc kích hoạt lại một ý tưởng khủng khiếp về “Một dân tộc” được Claude Lefort phát triển, người xác định chính xác chế độ toàn trị như là sự đồng chất của Nhà nước và xã hội.
Đặc điểm then chốt của các chế độ toàn trị, huyễn tưởng về sự đoàn kết giữa nhân dân và giới lãnh đạo họ (bất luận là một người hoặc một tập thể), một xã hội đồng nhất, thuần khiết và độc nhất, dựa trên việc phủ nhận sự phân chia giữa Nhà nước và xã hội, và sự chia rẽ nội bộ trong xã hội. Trong định nghĩa của Lefort, Đảng là tác nhân ưu tiên của sự đồng nhất hóa ấy, một sự đồng nhất muốn làm cho chúng ta tin vào một xã hội có khả năng tự tổ chức về mặt hữu cơ, từ bên trong của chính xã hội đó.[19] Về cơ bản, Ringen nhắc lại, ý tưởng về sự thống nhất giữa quốc gia và con người là một ý tưởng phát xít, đó chính là ý tưởng phát xít, ông nhấn mạnh (chữ in nghiêng trong nguyên bản, tr. 176).
Cuốn sách không được đề tặng cho Trung Quốc, nó được đề tặng cho nhân dân Trung Quốc, quyền tự do, hạnh phúc và sự thịnh vượng của họ.
Giới thiệu tác giả
David Bartel
David Bartel, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc đương đại của Pháp (CEFC) tại Hồng Kông từ 8 năm nay, hiện đang nghiên cứu về lịch sử những ý tưởng chính trị hiện đại của Trung Quốc. Trước đây, ông đã có hai năm làm việc tại Thành Đô, rồi hai năm tại Đài Bắc, trước khi quan tâm đến các mối quan hệ giữa lịch sử, chính trị và ngôn ngữ. Đồng thời, ông cũng đã đi nhiều nơi và khám phá sự đa dạng của các bản sắc đương đại Trung Quốc. Ông đang hoàn thành luận án tiến sĩ với tựa đề Lumières chinoises [Ánh sáng Trung Quốc] cho EHESS dưới sự hướng dẫn của Michel Bonnin. Việc bổ sung các diễn ngôn hậu hiện đại bởi tu từ học dân tộc và sự xóa bỏ văn hóa nhân danh văn hóa là trọng tâm các nghiên cứu của ông.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Chine: la “dictature parfaite”?, Asialist, 4.01.2017




[1] Xu Ben, “Postmodern-Postcolonial Criticism and Pro-Democracy Enlightenment [Sự phê phán hậu hiện đại-hậu thuộc địa và sự khai sáng thân dân chủ]”, Modern China [Trung Quốc hiện đại], Vol. 27, số 1, tháng 1/2001, tr. 122.

[2] Arif Dirlik đề nghị một phân tích về xã hội Trung Quốc rất gần với phân tích của Ringen liên quan đến số lượng những người chia sẻ trực tiếp lợi ích của họ với Đảng. Cuộc phỏng vấn, trong đó ông phát triển ý tưởng này – “Chinese Communist Party – World’s Biggest Corporation [Đảng Cộng sản Trung Quốc – Tập đoàn lớn nhất thế giới]” cho tờ Macau Business Daily [Nhật báo kinh doanh Macau] (ngày 25/6/2013) – đã biến mất khỏi trang web. Sun Liping, với một giai điệu nghiêm trọng tương tự như Ringen, đã phát triển ý tưởng buồn của một khả năng “suy đồi xã hội”; một nhận xét mà Ho-fung Hung đã bổ sung thêm trong một bài viết được đăng trên một tờ báo của Hồng Kông vào ngày 29/3/2015, về một khả năng “Triều tiên hóa” (beichaohua) nền Cộng hòa Nhân dân.

[3] Về một cái nhìn mang tính lịch sử hơn về chế độ, xem Arif Dirlik, “Socialism in China – A Historical Perspective [Chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc – Một viễn cảnh lịch sử]”, trong Kam Louie (chủ biên), Cambridge Companion to Modern Chinese Culture [Cẩm nang Cambridge về văn hóa Trung Quốc hiện đại], Cambridge Mass., Cambridge University Press, tr. 155-170.

[4] Phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng mà tác giả gán cho thuật ngữ “deliver [cung cấp]”, được lặp đi lặp lại nhiều lần và tính đa nghĩa của cách dịch thuật ngữ này sang tiếng Pháp: giao lại [remettre], giao nộp [livrer], cung cấp [délivrer], và còn có nghĩa là đẻ ra [accoucher], trở lại [rendre], đảm bảo [assurer], giữ lời [tenir parole] (cf. Larousse.fr).

[5] Hannah Arendt, Les Origines du totalitarisme [Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị] – tiếp theo cuốn Eichman à Jérusalem [Eichman ở Jerusalem], Jean-Loup Bourget et al. dịch, Paris, Gallimard, 2002. Lần đầu xuất bản vào năm 1951; Raymond Aron, Démocratie et totalitarisme [Dân chủ và chủ nghĩa toàn trị], Paris, Gallimard, 1965; Juan Linz, Totalitarian and Authoritarian Regimes [Các chế độ toàn trị và chuyên quyền], Boulder, NXB Lynne Rienner Publishers, 2000.

[6] Chúng ta thấy, ví dụ, một bàn luận sáng tỏ ở Shan Gao, Fazhi: “Rule by Law” or “Rule of Law”? A Common but Serious Mistake Among Many Writers [Fazhi: “Cai trị bằng pháp luật” hay “Thượng tôn pháp luật”? Một sai lầm phổ biến nhưng nghiêm trọng trong nhiều nhà văn].

[7] Alan T. Wood, Asian Democracy in World History [Chế độ dân chủ châu Á trong lịch sử thế giới], London và New York, Routledge, 2004, tr. 15.

[8] Rosanvallon, La Société des égaux [Xã hội của những người bình đẳng], Paris, Seuil, Points Essais, 2011, tr. 170.

[9] Trong chuỗi mạch này, dự án “Hệ thống tín nhiệm xã hội” (“Social Credit System”) với mục đích cuối cùng muốn “đánh giá” hành vi của công dân và của các doanh nghiệp là khá đáng sợ, xem Sara Hsu, “China’s New Social Credit System [Hệ thống tín nhiệm xã hội mới của Trung Quốc]”, The Diplomat, ngày 10 tháng 5 năm 2015.

[10] Xem David Bartel, “25 ans après Tiananmen, la Chine reste hantée par le 4 juin [25 năm sau biến cố Thiên An Môn, Trung Quốc vẫn còn bị ám ảnh bởi ngày 4 tháng 6]”, L’OBS/Rue 89, ngày 12/6/2014.

[11] Xem cuộc điều tra hầu như không dám tin của Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) vào tháng 1 năm 2014.

[12] mà người ta tìm thấy một mô tả sống động trong bài viết “Giữa quá khứ và hiện tại”, Lời giới thiệu của Pierre-Etienne Will cho cuốn sách của Philip A. Kuhn, Les Origines de l’État chinois [Nguồn gốc của Nhà nước Trung Quốc] (EHESS, 1999), tr. 37.

[13] Về việc chuyển hướng và thao túng Phong trào bảo vệ pháp luật và các tổ chức “phi chính phủ” của Trung Quốc, xem Chloé Froissart, “Les “ONG” de défense des droits des travailleurs migrants – Des organisations proto-syndicales qui contribuent à la stabilité dynamique du régime [Các “tổ chức phi chính phủ” bảo vệ quyền của người lao động nhập cư – Những tổ chức nghiệp đoàn đầu tiên đã góp phần vào sự ổn định động của chế độ]”, trong Perspectives Chinoises, 2011/2.

[14] Michel Bonnin, “Comment définir le régime politique chinois aujourd’hui [Làm thế nào để xác định chế độ chính trị của Trung Quốc ngày nay]”, trong Yves Michaux (chủ biên), La Chine aujourd’hui [Trung Quốc ngày nay], Paris, Odile Jacob, 2003, tr. 234.

[15] Michel Bonnin, “Comment définir le régime politique chinois aujourd’hui [Làm thế nào để xác định chế độ chính trị của Trung Quốc ngày nay]”, trong Yves Michaux (chủ biên), La Chine aujourd’hui [Trung Quốc ngày nay], Paris, Odile Jacob, 2003, tr. 229, 231 và 232.

[16] Carol Graham, Shaojie Zhou và Zhang Junyi, “Happiness and Health in China: The Paradox of Progress [Hạnh phúc và Y tế tại Trung Quốc: Nghịch lý của sự tiến bộ]”, Brookings Institution, ngày 10/6/2015.

[17] Dịch Zhongguo meng bằng “giấc mơ của Trung Quốc” hơn là “giấc mơ Trung Quốc” có ý nghĩa là chấp nhận ý tưởng cho rằng giấc mơ của các nhà lãnh đạo có thể không phải là giấc mơ tất cả người dân Trung Quốc. Một sự tinh tế khá tốt khi dịch ra tiếng Anh, từ “China Dream [Giấc mơ của Trung Quốc]” thành “Chinese Dream [Giấc mơ Trung Quốc]”.

[18] Có một bản dịch tiếng Anh của bài viết này trên trang web China Digital Time [Trung Quốc thời kỹ thuật số].

[19] Claude Lefort, Le Temps présent. Écrits 1945-2005 [Thời nay. Những bài viết từ 1945 đến 2005], Paris, Belin, 2007, tr. 268.

Print Friendly and PDF