LIỆU CÁC CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI CÓ TỐT VÀ DỄ THẮNG KHÔNG?
Vào hôm Thứ Năm, ngày 8 tháng 3 năm 2018, tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận việc Hoa Kỳ áp thuế bổ sung 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu thép và 10% đối với các sản phẩm nhập khẩu nhôm, mặc cho những mối đe dọa trả đũa của các nước đối tác vào những ngày trước đó và nỗi lo về các cuộc chiến tranh thương mại được nhiều nhà quan sát phát biểu. Theo Tổng thống Mỹ, các cuộc chiến tranh thương mại này là “tốt và dễ thắng”. Tuy nhiên, lịch sử các mối quan hệ thương mại quốc tế cho thấy những điều rất khác. Thậm chí có cả một lý thuyết kinh tế về chiến tranh thương mại, và lý thuyết này kết luận ngược lại rằng các cuộc chiến tranh thương mại là hao tiền tốn của và khó giành chiến thắng.
Hãy thử trình bày đơn giản những kết luận chính của lý thuyết và lịch sử các cuộc chiến thương mại.
Các bài học lịch sử
Franklin D. Roosevelt (1882-1945) |
(ii) Trong một cuộc chiến song phương giữa một nước lớn và một nước nhỏ, nước lớn có thể thắng (hoặc không bị ảnh hưởng trong thực tế) và nước nhỏ có thể thua thiệt rất nhiều. Một số cuộc chiến tranh thương mại vào cuối thế kỷ XIX đã chỉ ra khá rõ điều đó: chiến tranh thương mại giữa Pháp và Italia từ năm 1886 đến năm 1898, chiến tranh thương mại giữa Pháp và Thụy Sĩ từ năm 1892 đến năm 1895, chiến tranh thương mại giữa Đức và Nga vào năm 1893-1894. Nhưng, điều cần phải hiểu ở đây không phải là quy mô kinh tế, mà là tỷ trọng chiếm được của “nước lớn” trong tổng kim ngạch xuất khẩu của “nước nhỏ”, và trong hoạt động kinh tế của họ. Năm 1891, Pháp thu hút 18,6% hàng xuất khẩu của Thụy Sỹ và Thụy Sĩ là một nước nhỏ, các mặt hàng xuất khẩu này chiếm một phần lớn trong GDP của họ. Trong thực tế, bằng cách ngừng nhập khẩu từ Thụy Sĩ, Pháp đã gây ra một thiệt hại đáng kể về kinh tế cho nước láng giềng của mình.
(iii) Hai trường hợp dẫn chứng nói trên chưa hoàn toàn thỏa đáng, bởi vì một mặt cuộc xung đột thương mại ngày nay chỉ liên quan, một cách tiềm tàng, đến một vài sản phẩm mà thôi, thép và nhôm, và mặt khác là ngày nay có một tổ chức thương mại đa phương tạo ra một khuôn khổ giải quyết các tranh chấp thương mại. Điều đó tạo ra một sự khác biệt lớn. Vì vậy, chúng ta có thể bổ sung vào bức tranh này hai cuộc chiến tranh thương mại khác, cuộc chiến tranh gà (1962-1964) và cuộc chiến tranh ngô (1986-1987).
Nguyên nhân cuộc xung đột thứ nhất là do Đức thông qua biểu thuế đối ngoại chung của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). Điều này làm tăng mức thuế quan mà các nhà xuất khẩu gà của Mỹ phải trả, làm họ nhanh chóng mất thị trường Đức vào tay các nhà xuất khẩu Pháp và Hà Lan: các nước này không phải chịu mức thuế quan này. Hoa Kỳ yêu cầu bồi thường và đe doạ trả đũa đối với các mặt hàng xe tải của Đức, rượu cognac của Pháp và hóa phẩm dextrin của Hà Lan. Cuộc xung đột chỉ liên quan đến một vài lĩnh vực, và hơn nữa nhận được sự trung gian của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Các nước châu Âu từ chối nhượng bộ, và Hoa Kỳ, với sự đồng ý với định chế quốc tế, có thể tăng mức thuế quan đối với các sản phẩm [nhập khẩu] nói trên của châu Âu.
Cuộc xung đột thứ hai cũng tương tự như vậy, nhưng nó liên quan đến việc Tây Ban Nha gia nhập EEC và mặt hàng ngô. Đây vẫn là việc các sản phẩm xuất khẩu của Pháp hưởng lợi từ việc Tây Ban Nha mở cửa thị trường, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, và vẫn là mặt hàng rượu cognac, trong số các mặt hàng khác, là đối tượng đe doạ trả đũa của Hoa Kỳ. EEC nhượng bộ và cấp cho Hoa Kỳ một hạn ngạch hàng năm với một mức thuế quan nhập khẩu ngô có giảm.
Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học từ hai cuộc xung đột nói trên. Bài học thứ nhất, có những cuộc tranh chấp thương mại (chỉ liên quan đến một hoặc hai sản phẩm) không nhất thiết phải diễn biến xấu thành một cuộc chiến tranh thương mại (xung đột liên quan đến nhiều sản phẩm được giao dịch, thậm chí là tất cả các sản phẩm). Bài học tiếp theo là một cuộc tranh chấp thương mại sẽ càng có nhiều khả năng tìm ra một “kết quả ôn hoà” nếu vụ tranh chấp này được phân xử bởi một tòa án quốc tế. Ngày nay, có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là tổ chức cung cấp một thủ tục giải quyết các tranh chấp. Bài học cuối cùng, các biện pháp trả đũa thương mại thường được áp dụng đối với những sản phẩm có chọn lọc về mặt chiến lược: áp lực đối với các nhóm sản phẩm tập trung về mặt địa lý, với một trọng lượng quan trọng về mặt chính trị (mặt hàng rượu cognac là một minh hoạ điển hình). Tính duy lý duy nhất của sự lựa chọn này bắt nguồn từ lý thuyết trò chơi (mối đe dọa phải đáng sợ) chứ không phải từ lý thuyết kinh tế (việc trừng phạt người tiêu dùng Mỹ uống cognac, bằng cách không nhập khẩu sản phẩm này nữa, không bù đắp được cho các nhà xuất khẩu gà của Mỹ). Lưu ý cuối cùng là trong bối cảnh cuộc chiến tranh ngô, người Mỹ đã không thực hiện lời đe dọa, đó là đặc điểm của một đe dọa hiệu quả. Những người chơi cờ vua vĩ đại đã nói, “đe dọa có tác dụng mạnh hơn việc thực hiện lời đe dọa” (1).
Người châu Âu dường như đã áp dụng chiến lược “ăn miếng trả miếng”, được Jacques Delors chủ trương vào thời cuộc chiến tranh ngô.
Việc Liên minh Châu Âu đề cập đến các biện pháp trả đũa tiềm tàng trong khuôn khổ của WTO là điều cơ bản, bởi vì nó mang lại nhiều cơ hội hơn cho một giải pháp không diễn biến xấu thành một cuộc xung đột toàn diện. Điều thú vị là Liên minh châu Âu đe dọa trả đũa Hoa Kỳ ngay từ bây giờ, cho dù các biện pháp trả đũa này nằm trong khuôn khổ của WTO và do đó chúng sẽ chỉ được áp dụng (có khả năng tiềm tàng) sau một thủ tục kéo dài đến nhiều tháng. Các sản phẩm được lựa chọn kỹ càng: phần lớn rượu Bourbon được chưng cất ở Kentucky, bang của Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Cộng hòa tại Thượng viện; phần lớn xe máy Harley Davidson được sản xuất ở Milwaukee, Wisconsin, quê hương của Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa. Tóm lại, các nước châu Âu dường như đã áp dụng chiến lược “ăn miếng trả miếng”, được Jacques Delors chủ trương vào thời cuộc chiến tranh ngô.
Một vài ẩn số
Cuộc tranh chấp này, vì thế, có thể không diễn biến xấu thành một cuộc “chiến tranh thương mại” nếu nó vẫn nằm trong khuôn khổ của WTO. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vài ẩn số. Thứ nhất, phản ứng của Trung Quốc, nước có những khả năng trả đũa quan trọng chống lại Hoa Kỳ. Tất nhiên là người ta nghĩ đến mặt hàng đậu nành mà Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ với số tiền đáng kể: 14 tỷ USD chỉ riêng năm 2017. Tại Hoa Kỳ, ngành hàng không đã phản ứng rất tiêu cực, cho rằng nếu quyết định tăng giá thép và nhôm ảnh hưởng không đáng kể đến giá thành sản phẩm cuối cùng của họ, thì các biện pháp trả đũa tiềm tàng của Trung Quốc đối với các sản phẩm của họ trong lĩnh vực này được Trung Quốc nhập khẩu có thể gây ra một thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp mũi nhọn này của Mỹ. Ngoài ra còn có lĩnh vực mặt hàng đất hiếm, là những khoáng chất chiến lược mà Trung Quốc đang kiểm soát phần lớn việc sản xuất trên thế giới. Cuối cùng là những nguồn tiền dự trữ đáng kể bằng đô-la Mỹ mà ngân hàng trung ương Trung Quốc đang nắm giữ.
Donald Trump (1946-) |
Trong mọi trường hợp, Donald Trump lại gây ấn tượng một lần nữa bởi sự thiếu hiểu biết của ông về các cơ chế kinh tế cơ bản.
Ông từ chối hiểu rằng nguyên nhân thâm hụt thương mại của Hoa Kì không phải do chủ nghĩa bảo hộ nước ngoài gây ra, mà đặc biệt là do mức thừa cầu và một mức tiết kiệm không đủ trong nước, và nếu mức thâm hụt công của Hoa Kỳ vẫn tăng, thì mức thâm hụt thương mại sẽ tăng gần như một cách tự động.
Việc áp đặt chủ nghĩa bảo hộ trong khi Hoa Kỳ tiến gần đến toàn dụng là điều vô nghĩa: điều đó sẽ đặc biệt góp phần vào việc tạo ra các áp lực lạm phát.
Việc bảo hộ các ngành công nghiệp trung gian, ở thượng nguồn của các ngành công nghiệp chiến lược hoặc các ngành công nghiệp thâm dụng lao động (thực phẩm nông nghiệp) là có tác dụng ngược đối với việc làm.
Jean-Claude Juncker (1954-) |
(1) Siegbert Tarrasch, trích dẫn của Savielly Tartakower, trong Bréviaire des échecs [Cẩm nang thất bại], Paris, Stock, 1936.
(2) Tuyên bố tại Hamburg vào ngày 2 tháng 3 năm 2018.
Giới thiệu tác giả
Antoine Bouët |
Giám đốc Nghiên cứu, GREThA-Đại học Bordeaux và Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (Washington)
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les guerres commerciales sont-elles bonnes et faciles à gagner?, Paris Innovation Review, 22mars 2018.