25.4.18

Việc sử dụng và lạm dụng thuật ngữ “Tân tự do”

VIỆC SỬ DỤNG VÀ LẠM DỤNG THUẬT NGỮ “TÂN TỰ DO”

Daniel Rodgers
Chủ nghĩa tân tự do đã nuốt chửng quá nhiều ý nghĩa, gây khó hơn cho việc nắm bắt các tác lực kinh tế xã hội lỏng lẻo ngày nay – và cho việc tìm ra sự phản kháng hữu hiệu chống lại nó.
“Câu thần chú của chủ nghĩa tân tự do, theo định nghĩa nổi tiếng của bà Margaret Thatcher, là: ‘Không có lựa chọn thay thế nào cả.’” (Ảnh: R. Barraez D'Lucca)
Tân tự do là ngôn ngữ tạp nham của thời đại chúng ta, một từ ngữ mới sáng chế đe dọa nuốt chửng tất cả những từ ngữ khác xung quanh nó. Hai mươi năm trước, cụm từ “tân tự do” (neoliberalism) chỉ vừa được sử dụng trong các cuộc tranh luận bằng tiếng Anh. Giờ đây đó là thuật ngữ hầu như không tránh được, áp dụng cho tất cả mọi thứ từ kiến ​​trúc, phim ảnh, và phong trào nữ quyền đến các hoạt động chính trị của Donald Trump lẫn Hillary Clinton. Lên cơ sở dữ liệu ProQuest và tìm “tân tự do” từ năm 1989 đến năm 1999, và bạn thấy có ít hơn 2.000 lần truy cập. Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đến nay, con số đó giờ đã vượt quá 33.000.
Ở cánh tả, thuật ngữ “tân tự do” được dùng để mô tả sự hồi sinh của các ý tưởng tự do kinh doanh theo những gì còn được gọi là tư tưởng kinh tế “bảo thủ”, trong gần một phần tư thế kỷ; để đấu tranh chống lại nghị trình chống lại thuế, chống lại chính phủ và chống lại công đoàn đã kéo dài từ các dự án của Reagan và Thatcher đến cuộc nổi dậy của Đảng Trà [Tea Party] và nhóm cực hữu Freedom Caucus [bao gồm các đảng viên đảng Cộng hòa Bảo thủ và Tự do của Hạ viện Hoa Kỳ – ND]; để mô tả nền kinh tế thị trường toàn cầu mà giờ đây các mệnh lệnh của nó đang chiếm ưu thế trên thế giới; phỉ báng các chính sách của Bill và Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ theo hướng trung dung; và để gọi cái văn hoá và những nhạy cảm thực sự đang thẩm thấu tâm trí và hành động của chúng ta.
Được thua trong tất cả các cuộc tranh luận này là những vấn đề cụ thể có tính sống còn. Nhưng chính trị của chữ nghĩa cũng có can dựĐặt tên là một vấn đề quan trọng. Nó soi rọi các nghị trình và thu hút sự chú ý. Nó nhận diện các nhân quả và chiến lược hành động. Nó tập hợp (hoặc bác bỏ dứt khoát) đồng minh. Liệu sự hiện diện mọi lúc mọi nơi của thuật ngữ “tân tự do” có là dấu hiệu của tính nhạy bén mới về cách thức vận hành của thế giới không? Hay đó là một cảnh báo về một cụm từ, do bị tăng tốc sử dụng với quá nhiều ý nghĩa, trong quá nhiều cuộc tranh luận, lại kết gắn quá nhiều hiện tượng với nhau, và do nuốt chửng quá nhiều từ ngữ khác xung quanh nó, có thể làm cho người ta khó thấy được những tác lực lỏng lẻo trong thời đại chúng ta và khó có thể tìm đâu ra những tác lực phản kháng hữu hiệu?

Nguồn gốc của thuật ngữ “tân tự do”

Cụm từ tân tự do” như được những người Mỹ thuộc cánh tả sử dụng hiện nay có một lịch sử nhiều rắc rối hơn điều thường được thừa nhận. Cơn lốc phát triển của nó đe dọa làm mờ đi một tập những thuật ngữ từng có, mà tính xác đáng về mặt phân tích và chính trị là sắc nét hơn đám mây ý nghĩa bao trùm thuật ngữ “tân tự do”. Vào thời điểm mà tính hiện thực xã hội trong ngôn ngữ là cần thiết hơn bao giờ hết, thì cụm từ “tân tự do” đặt ra cho những người tiến bộ những bất lợi nghiêm trọng khi cố gắng sử dụng nó trong lĩnh vực chính trị. Lợi thế của chủ nghĩa tân tự do là tính “đao to búa lớn” bằng lời nói và khái niệm. Nhưng trước khi nó xâm thực trường của những từ ngữ khác xung quanh nó, thì cần hỏi xem liệu những gì chúng ta đạt được có đáng với những mất mát tiềm ẩn không.
Cụm từ “tân tự do” không có nguồn gốc hay phả hệ đơn nhất. Nó bắt đầu cuộc sống vị từ của nó với một loạt những khởi đầu sai trái. Vào thế kỷ XIX, thuật ngữ đầy quyền lực mà những vấn đề chính trị xoay quanh là “chủ nghĩa tự do”. Ở châu Âu và châu Mỹ Latinh, các đảng phái chính trị tự do ủng hộ việc tối đa hóa tự do kinh tế và tự do cá nhân: tự do thương mại, nền kinh tế tự do kinh doanh, nhà nước yếu kém, và mở rộng tự do tư tưởng và tín ngưỡng. Vào giữa thế kỷ XIX, “chủ nghĩa tự do” là một thuật ngữ mang tính đấu tranh, một ngọn cờ để chiến đấu cho việc mở rộng tự do sang nhiều lĩnh vực hơn nữa của chủ nghĩa trọng thương và trật tự xã hội quân chủ cũ. Nó không cần phụ từ.
John Maynard Keynes (1883-1946)
William Beveridge (1879-1963)
Những người đầu tiên thêm chữ “mới” (new) vào chữ “tự do” (liberal) là những người thuộc phe nổi dậy trong nội bộ Đảng Tự do của Anh, những người đã cố gắng cắt đứt cam kết với tự do khỏi dự án tự do kinh doanh. Vào thời buổi khó khăn của những năm 1880, họ bắt đầu lập luận rằng sự tự do tối đa từ các thế lực của nhà nước đã không tối đa hóa sự tự do đích thực. Để chống lại những hành động tư lợi của các điền chủ tham lam, các chủ sử dụng lao động bóc lột và các lợi ích độc quyền đặc lợi, tự do cần được bàn tay đối trọng của chính phủ đảm bảo. Kiến trúc trí tuệ của các nhà nước phúc lợi của thế kỷ XX ở Anh và ở Hoa Kỳ phần lớn là công trình của những người theo học thuyết tự do mới, có ý thức về mặt xã hội. John Maynard Keynes và William Beveridge là những “người theo học thuyết tự do mới” (New Liberals) thuộc dạng này. Franklin D. Roosevelt cũng vậy. Chỉ vào những năm 1940, thì ý nghĩa này của thuật ngữ “tự do mới” mới biến mất – phai nhạt dần từ ​​vốn chính trị (political currency) ở Anh và bị gộp vào chiêu bài “New Deal liberalism [Chủ nghĩa tự do theo Chính sách kinh tế mới]” ở Hoa Kỳ.
Friedrich von Hayek (1899-1992)
Milton Friedman (1912-2006)
Các biến thể của thuật ngữ “tân tự do” đã có một khởi đầu thứ hai, ngắn hơn ở lục địa châu Âu vào cuối những năm 1940. Có một nhóm nhỏ các nhà kinh tế học và các nhà triết học chính trị, với hạt nhân là Friedrich von Hayek, đã nỗ lực vẽ ra một con đường giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do kinh tế cổ điển, giữ lại tính ưu việt của tự do nhưng lại tỏ ra ít dễ bị tổn thương hơn trước những căng thẳng và bất ổn đã khoét sâu trong suốt những năm 1920. “Néolibéralisme [tân tự do, bằng tiếng Pháp – ND]” là một trong những thuật ngữ tổng loại được đề xuất. Nhưng tên gọi này không tồn tại được lâu. Hayek không thích thuật ngữ đó. Những thành viên người Đức có ảnh hưởng nhất sớm thay thuật ngữ “tân tự do” bằng thuật ngữ “tự do trong trật tự” (ordoliberalism) và cuối cùng bằng thuật ngữ “nền kinh tế thị trường xã hội”, một dự án kinh tế hỗn hợp, của Đảng Dân chủ Cơ Đốc, đã chiếm ưu thế trong việc hoạch định chính sách ở Đức thời hậu chiến. Milton Friedman, người Mỹ trẻ tuổi nhất và hỗn xược nhất trong nhóm này vào những năm 1940, đã mô tả tư tưởng của ông mang tính “tân tự do” trong một bài tiểu luận vào năm 1951. Tuy nhiên, về mặt chính trị kinh tế của Friedman không có gì lâu dài với chữ “tân [neo]”. Khi nhóm Freedom Caucus giờ đây khao khát muốn ban hành đề xuất về xí nghiệp một chủ trong nhiều đề xuất mang tính tự do, một cách không nao núng, thì Friedman đã nhanh chóng lợi dụng nhãn “tân tự do” cho bản thân để đổi lấy nhãn tự do “triệt để” (radical) hoặc đơn giản “tự do” của học thuyết cổ điển của thế kỷ XIX.
Ý nghĩa thứ bađau lòng hơn, của thuật ngữ “tân tự do” phát sinh từ một sự kiện mới đây: liệu pháp sốc để chữa trị lạm phát phi mã mà chế độ độc tài quân sự, với sự cố vấn từ khoa kinh tế trường Đại học Chicago, áp đặt lên Chilê sau khi lật đổ bằng vũ lực chính phủ xã hội chủ nghĩa của Chilê vào những năm 1970. Hầu hết những người đã từng giám sát việc triệt phá một cách dã man và vội vã các chính sách kinh tế của chính phủ Allende và thế chúng bằng các ngân sách thắt lưng buộc bụng, tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống lương hưu của nhà nước, bãi bỏ việc kiểm soát giá cả, bãi bỏ hầu hết các hạn chế về ngoại thương, và giải thể các tổ chức công đoàn, không t gọi mình là “những nhà tân tự do.” Một số nhà kinh tế học người Chilê đã nhặt thuật ngữ này từ các bài viết tiếng Đức. Tuy nhiên, đại đa số người sử dụng thuật ngữ “neoliberismo [chủ nghĩa tân tự do]” ở Chilê là những người chỉ trích chế độ quân phiệtphẫn nộ trước dự án phản động của chính quyền về việc áp đặt một phiên bản mới của tự do kinh doanh cho một quốc gia bị trói buộc. “Tân tự do,” theo phong cách Chilê, có nghĩa là phê phán chủ nghĩa tự do của thế kỷ XIX bị cắt mất tự do chính trị. Thuật ngữ này được đưa vào các cuộc tranh luận ở châu Mỹ Latinh, và từ đó, đã trở lại trong các cuộc tranh luận ở châu Âu về kinh tế chính trị học.
Charles Peters
Cuối cùng, một phát minh thứ tư của thuật ngữ “tân tự do”, độc lập với ba ý nghĩa nói trên, xuất hiện cùng với cuốn “A Neoliberal’s Manifesto [Tuyên ngôn của những người theo học thuyết tân tự do]” của Charles Peters vào năm 1983. Khi Peters sử dụng từ ngữ này, “tân tự do” không phải là một lời kêu gọi làm hồi sinh chủ nghĩa tự do kinh tế của thế kỷ XIX, mà thay vào đó là làm giảm nhẹ những tham vọng của chủ nghĩa tự do về mặt xã hội của New Deal [Chính sách kinh tế mới], đặc biệt liên quan đến đặc quyền đặc lợi của công đoàn và các quyền lợi về phúc lợi. Cuốn sách tác động mạnh đến các chính sách của Bill Clinton và chính quyền của ông ta. Nhưng thuật ngữ gắn liền diễn ngôn chính trị là “con đường thứ ba” (không tả, không hữu – ND), chứ không phải là “tân tự do”.
Theo mỗi một cách diễn giải nói trên, thuật ngữ “tân tự do” xoay quanh nhiều cách sử dụng và thời điểm khác nhau mà không có sự gắn bó với bất cứ cách diễn giải nào. Thử vẽ một đường thẳng về mặt phả hệ về nguồn gốc của thuật ngữ, và bạn sẽ thấy một vệt dài rải rác với những mâu thuẫn và gián đoạn. “Tân tự do” là một thuật ngữ được phát triển bởi nhiều nhóm khác nhau vì những mục đích khác nhau và vào nhiều lần bị bỏ rơi. Và rồi, đột nhiên, vào giữa những năm 1990, nó đã hồi sinh trở lại. Trong giới hàn lâm thiên tả, bây giờ nó vừa là mốt nhất thời về mặt ngôn ngữ vừa là sự bá quyền của thời đại chúng ta. 

Soi mói riêng rẻ thuật ngữ “tân tự do”

Đối với một số người bị giật mình vì sự đột biến này trong ngôn ngữ chính trị, thì sự thành công của “tân tự do” là một thước đo về sự vô nghĩa thực sự của nó. Sau khi nghiên cứu kỹ, hai nhà khoa học chính trịvào năm 2009đã gọi nó là một “đống rác về mặt khái niệm”: một thuật ngữ mà hầu như bất kỳ hiện tượng nào cũng có thể bị vứt bỏ vào trong đó và bất kỳ ý nghĩa nào cũng có thể được chất đống làm phân trộn. Những người khác đã gọi đó là một tính ngữ rỗng tuếch.
Nhưng vấn đề với thuật ngữ tân tự do không phải là nó không có ý nghĩa gì cả cũng không phải là nó có vô tận ý nghĩa. Vấn đề là thuật ngữ đã được áp dụng vào bốn hiện tượng khác biệt rõ rệt. Thứ nhất, “tân tự do” tượng trưng cho nền kinh tế tư bản mới đây của thời đại chúng ta; thứ hai, tượng trưng cho một bãi những ý tưởng; thứ ba, tượng trưng cho một mớ các biện pháp về chính sách đang lưu truyền trên toàn cầu; và thứ tư, tượng trưng cho một tác lực văn hoá bá quyền đang vây quanh và đánh by chúng ta. Tất nhiên là bốn loại tân tự do này liên quan mật thiết với nhau. Nhưng, hành động gói ghém các hiện tượng đó với nhau, cắt xén những khác biệt, nới lỏng nửa vời chúng, và một ý thức rõ ràng về các mối quan hệ hiện tại của chúng bằng một thuật ngữ đơn lẻ, có thể, một cách phản tác dụng, che khuất những gì chúng ta cần phải thấy rõ nhất. Mỗi một hiện tượng này sẽ trông như thế nào nếu không có cái bản sắc chung mà thuật ngữ “tân tự do” chuyển tải?

Chủ nghĩa tư bản tài chính: tân tự do trong kinh tế

Chủ nghĩa tân tự do (1) – tân tự do trong kinh tế – chỉ định một giai đoạn trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Nó tượng trưng cho chế độ kinh tế mà nguồn vốn tài chính toàn cầu đã được giải phóng trên thế giới. Chủ nghĩa tân tự do (1) khắc sâu vào chính trị và văn hoá sự cần thiết của một chủ nghĩa tư bản toàn cầu, tự đứng vững trên dòng chảy tự do về vốn, hàng hóa, lao động phân tán và các chính sách thân thiện với thị trường của nhà nước. Nó không dựa vào nhà nước theo cùng cách mà chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp theo kiểu “lồng kết” của những năm giữa thế kỷ XX, nhưng nó cũng không phải là sản phẩm của một nhà nước tối thiểu. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào các cấu trúc hỗ trợ phức tạp về thể chế, các quy định thân thiện với hoạt động kinh doanh và các cơ hội tự do đầu tư theo nhiều cách khác nhau trên toàn cầu.
David Harvey (1935-)
Và nó cũng mang tính rất mong manh. Nó cần đến các hoạt động cứu nguy định kỳ của nhà nước để tránh những cuộc khủng hoảng về thanh khoản và đầu tư quá mức. Nó cũng cần đến sự hỗ trợ liên tục của nhà nước để duy trì biên lợi nhuận luôn bị đe doạ – theo lập luận của nhà lý luận David Harvey trong cuốn sách, đã viết nhiều hơn bất kỳ cuốn sách nào khác để đưa thuật ngữ tân tự do” vào lộ trình của độc giả Mỹ, A Brief History of Neoliberalism [Lược sử về Chủ nghĩa Tân tự do(2005). Sinh ra trong những xáo trộn mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu vào những năm 1970, dự án tái cấu trúc của những người theo học thuyết tân tự do được khởi động bởi kỷ nguyên của “cuộc khủng hoảng tích lũy tư bản”, theo lập luận của Harvey. “Điểm đặc sắc tài tình của học thuyết tân tự do là tạo ra một chiếc mặt nạ nhân từ đầy những từ ngữ nghe rất tuyệt vời như tự do, quyền tự do, lựa chọn và quyền. ” Nhưng trên thực tế, sự thực khốc liệt là một dự án vì “sự phục hồi trần trụi của quyền lực giai cấp”. Chủ nghĩa tân tự do (1) đòi hỏi phải có sự đồng thuận về chính trị và văn hoá, nhưng động lực của nó là sự cần thiết của tích lũy tư bản.

Chủ nghĩa thị trường bảo căn: Chủ nghĩa tân tự do như là một dự án trí tuệ

Angus Burgin (1980- )
Chủ nghĩa tân tự do (2) không đề cập đến một cấu trúc kinh tế mà đề cập đến một tập hợp các ý tưởng. Được đặt ở trung tâm của chủ nghĩa tân tự do là một dự án trí tuệ chứ không phải là nhu cầu của giai cấp nắm quyền trong chủ nghĩa tư bản: cấu trúc lại tư tưởng kinh tế của thời kỳ cuối thế kỷ XX xung quanh hệ ý về thị trường hiệu quả. Các lịch sử gần đây nhất về tư tưởng kinh tế “tân tự do” tập trung đặc biệt vào nhóm của Hayek và hội Mont Pèlerin Society mà Hayek đã thành lập vào năm 1947. Tự do là mối quan tâm hàng đầu của nhóm, giống như những người theo học thuyết tự do kinh doanh trước đây vào thế kỷ XIX. Nhưng như nhà sử học Angus Burgin đã chỉ ra trong cuốn The Great Persuasion: Reinventing Free Markets since the Depression [Sự thuyết phục vĩ đại: Phát minh lại các thị trường tự do kể từ cuộc Đại suy thoái(2012), đặc điểm nổi bật nhất của nhóm Mont Pèlerin không phải là tính cứng nhắc về ý thức hệ, mà là xu hướng đa dạng, không nhất quán của nhóm. Đối với Hayek, quay về thời kỳ trước chiến tranh và nhà nước XHCN kế hoạch hóa là mục tiêu then chốt vào lúc đó, chứ không phải cắt giảm nhà nước phúc lợi nói chung. Người Đức đã hình dung nhà nước theo kiểu tự do có trật tự là một phần cấu thành quan trọng để tạo ra các điều kiện cho tự do, đặc biệt để chống lại các xu hướng tiến tới độc quyền của chủ nghĩa tư bản.
Mặc cho sự chú ý nay được dành cho Hayek, động cơ thực sự của lý thuyết kinh tế đối với chủ nghĩa tân tự do (2) là các công trình mới nhất của các nhà kinh tế học vi mô, những người đã thống trị giới kinh tế sau cuộc khủng hoảng đình đốn và lạm phát của những năm 1970. Trong mắt của công chúng, cuộc tranh cãi giữa lý thuyết keynesian và lý thuyết trọng tiền về chu kì kinh doanh là cuộc cãi nhau về lý thuyết hữu hình nhất của thời đại. Nhưng sự phát triển lâu dài hơn là sự thâm nhập ngày càng sâu hơn của lý thuyết giá cả trong các phân tích về hành vi con người. Các lý thuyết về vốn con người, lựa chọn của người tiêu dùng và sự thoả mãn các sở thích, sự tối đa hoá lợi ích cá nhân, tự do thương mại và lợi thế so sánh trên cơ sở cùng có lợi, và trên hết là những tiên đề của thị trường hiệu quả, khởi đầu một hành trình dài vào trung tâm hệ ý của giới kinh tế học.
Một số những tác giả có ảnh hưởng đến lý thuyết kinh tế, đặc biệt là những người tập trung xung quanh hệ ý “lựa chọn công”, đã phản đối rất mạnh hành động của nhà nước. Hành vi của những người trông chờ vào nhà nước để tìm kiếm đặc quyền đặc lợi” phi cạnh tranh, tính tư lợi ở tận gốc rễ của mọi hành động chính trị, tính bất lực để đảm bảo lợi thế độc quyền lâu dài khi không có sự hỗ trợ của nhà nước, tính bất thỏa dụng của hầu hết các hình thức điều tiết, và “rủi ro đạo đức” được nhà nước che chở khỏi những rủi ro... tất cả đều đã được đề cập ở nhóm này và nhóm khác. Tuy nhiên, tự thân những diễn giải lại về các xung động chống [sự can thiệp của] nhà nước của chủ nghĩa tân tự do thế kỷ XIX sẽ không đảo ngược được tình hình. Hầu hết các nhà kinh tế học vẫn tin rằng sự điều tiết kinh tế có một vị trí thích hợp, rằng hàng hoá công cộng và sự bất lực của thị trường tồn tại, rằng việc phân bổ lại thu nhập trước tình trạng đói nghèo hoặc mức độ bất bình đẳng cao là một chức năng công chính đáng, và rằng thị trường không phải là giải pháp phổ quát cho tất cả các vấn đề của con người.
Những gì mà cuộc cách mạng kinh tế vi mô đã làm không phải là cung cấp một tập hợp thống nhất các lời giải, mà là xây dựng một bộ công cụ mạnh mẽ về mặt khái niệm để giải quyết hầu như mọi vấn đề của sự tối đa hóa. Dưới hình thức này, độc lập với hội Mont Pèlerin trước đây, việc xây dựng cách thức mà hầu hết bất cứ hoạt động nào của con người có thể được hiểu bằng những khái niệm giá cả và chức năng của thị trường ngày nay được triển khai trong các xêmina về kinh tế học, chứ không phải là một dự án tự phong “tân tự do” mà là một phần của các tiên đề cốt lõi, phải chăng của nghề kinh tế học.

Chủ nghĩa tư bản thảm họa: Chủ nghĩa tân tự do như là một chính sách

Margaret Thatcher (1925-2013)
Chủ nghĩa tân tự do (3) chưa chỉ định một hiện tượng khác, mạnh về mặt chính trị nhưng ít mạch lạc hơn về mặt tri thức so với chủ nghĩa tân tự do (2). Nó chỉ một tập hợp các biện pháp về chính sách thân thiện với hoạt động kinh doanh, đã được lan truyền ngày càng nhiều trên diện rộng qua các chính sách trong nước và toàn cầu kể từ những năm 1970. Một số các biện pháp về chính sách này bắt nguồn từ các nhà lý thuyết kinh tế. Nhiều người là những người hoạch định chính sách hành nghề tự do. Ngày càng nhiều hơn, giờ đây họ xuất thân từ các viện chính sách và các nhóm vận động [chính trị] được tài trợ bởi các phe phái mà David Harvey gọi là giai cấp nắm quyền. Bất luận nguồn gốc là gì, các biện pháp này có hành trang lý thuyết và ý thức hệ nhẹ hơn tính vị lợi thiết thực của họ. Giống như đối với chương trình thắt lưng buộc bụng áp đặt lên đất nước Chilê bị đổ nát vì lạm phát, họ tuyên bố là được chính các sự kiện phát sinh uỷ quyền để làm như thế. Câu thần chú của chủ nghĩa tân tự do (3), theo định nghĩa nổi tiếng của Margaret Thatcher, là TINA: “There Is No Alternative [Không có lựa chọn thay thế nào cả].”
Naomi Klein (1970-)
Điển hình là các thời điểm khủng hoảng mở ra cơ hội cho các gói chính sách “cưởi ngựa xem hoa” này mạnh lên. Những cuộc cải cách thắt lưng buộc bụng do IMF [Quỹ Tiền tệ Quốc tế], Ngân hàng Thế giới và các nhà cho vay quốc tế khác áp đặt vào những năm 1980 khi các cuộc khủng hoảng trả nợ đè nặng lên các quốc gia nợ nần là một vấn đề đặc biệt khốc liệt. Theo các quy tắc của “đồng thuận Washington”, lập lại trật tự nền kinh tế của một quốc gia bằng việc cắt giảm chi tiêu công, loại bỏ các doanh nghiệp quốc doanh và mở cửa cho việc tiếp cận thương mại và vốn, đã làm cho việc tái cấu trúc nợ trở thành một cái giá không thể tránh được. Các cuộc khủng hoảng kinh tế thuộc một dạng khác đã mở ra những khả năng chính trị cho chính sách thắt lưng buộc bụng của Margaret Thatcher và cắt giảm thuế của Ronald Reagan. Liệu pháp sốc, như theo chứng minh của Naomi Klein, sử dụng những phương tiện gần giống như chiến lược đánh phủ đầu trong cuộc xâm lược quân sự Iraq. Các thảm hoạ kinh tế như sự gần như phá sản của thành phố New York vào năm 1975 và sự phá sản thảm khốc trên thực tế của Detroit vào năm 2013 đã phá vỡ cánh cửa cho những đảo chiều đầy kịch tính trong các ngành dịch vụ công, ngân sách và các chương trình phúc lợi xã hội. Bão Katrina đã dẫn đến điều tương tự ở New Orleans sau năm 2005, phá vỡ hệ thống các trường công với tốc độ phi thường khi các đối thủ cạnh tranh tư nhân chạy đua để thế chỗ vào vị trí đó. Obamacare [chương trình chăm sóc y tế với giá cả phải chăng – ND] được hình thành bởi một bế tắc chính trị hơn là một thảm họa rõ ràng. Nhưng sự thử nghiệm của Obamacare với các thị trường bảo hiểm y tế do nhà nước tạo ra là sản phẩm của một động thái tương tự: một thế kẹt các áp lực của nhóm lợi ích, tính khẩn cấp về mặt chính trị, và tính không chắc chắn về mặt chính sách, mà trong đó một kế hoạch về chính sách, thoát khỏi các giải pháp thân thiện với thị trường sẵn có, có vẻ như là cách tiếp cận thực tế duy nhất.
Người ta không thấy bàn tay của nhà nước trong bất kỳ trường hợp nào nói trên. “Chủ nghĩa tư bản thảm họa”, như Klein và các nhà kinh tế học khác đã gọi đó là các dự án chính sách “cưởi ngựa xem hoa”, giành được sự ủng hộ của nhà nước vào một dự án cứu vãn công để đòi hỏi những nhượng bộ từ một số lợi ích kinh tế then chốt và tạo ra những phân khúc thị trường mới cho các doanh nhân khác. Cỗ xe táo của những “người trục lợi” hiện hữu đang chuyển giao, nhưng cuộc tranh giành vì những ưu tiên và đặc quyền của nhà nước thì vẫn tiến triển. Đôi khi, chủ nghĩa tân tự do (3) có thể tự khoác vào một ngôn ngữ không tưởng của sự lựa chọn và sở thích, nhưng nó hiếm khi vận động như một thị trường tự do, không bị thao túng như theo khuyến cáo của chủ nghĩa tân tự do (2).

Hàng hóa hóa bản thân: chủ nghĩa tân tự do như là một chế độ văn hoá

Chủ nghĩa tân tự do (4), đề mục cuối trong bản liệt kê trên có mức độ bao phủ nhất trong số tất cả các đề mục. Nó chỉ một chế độ văn hoá, đóng dấu giá cả và lợi nhuận lên chính linh hồn của những người sống dưới chế độ ấy. Wendy Brown trích dẫn Foucault trong tác phẩm phê phán một cách miệt thị Undoingthe Demos (2015), chủ nghĩa tân tự do không phải là một giai đoạn của nền kinh tế, một thành phần của ý tưởng hay một tập hợp các chính sách, mà là “tính duy lý có tính chi phối” của thời đại chúng ta. Đó là một thuật cai trị [governmentality] không cần đến các thủ hiến hữu hình, mà cần đến các quy tắc, bằng chính sự hiện diện của nó ở khắp mọi nơi, bằng quyền lực của nó để truyền bá “mô hình thị trường tới tất cả các lĩnh vực và hoạt động”. Nó “cấu hình con người một cách toàn diện như những tác nhân duy nhất của thị trường, luôn luôn và ở khắp mọi nơi như là con người kinh tế.” Chính trị học, sự cân nhắc, và hành động công cộng bị hoà tan dưới áp lực liên tục đẩy mỗi cái tôi vào một vị thế có vốn con người và lợi thế cạnh tranh lớn hơn. Nhà nước tự định hình lại thành một công ty, trường đại học thành một nhà máy, và cái tôi thành một vật thể với một cái nhãn ghi giá. Chủ nghĩa tân tự do (1) và (3) có thể bị thách thức về mặt chính trị; chủ nghĩa tân tự do (2) có thể được tranh luận trong các cuộc hội thảo về kinh tế học. Chủ nghĩa tân tự do (4) phác hoạ kịch bản mang tính buồn thảm nhất và tổng hợp nhất trong tất cả các kịch bản, trong đó chân trời của tất cả các ý nghĩa và mục đích khác bị thu hẹp và quy phục vào các ý nghĩa và mục đích của chủ nghĩa tư bản thị trường.

Vấn đề bản sắc của thuật ngữ tân tự do

Mặc dù có thể dễ dàng ghi nhận một vài ý tưởng tổng quát qua tất cả những cách sử dụng thuật ngữ “tân tự do” – sự ngờ vực quyền lực điều hành và kiểm soát của nhà nước, sự tôn trọng sức mạnh của các biện pháp khuyến khích trong việc định hình hành vi của con người, và sự tin tưởng vào thị trường – thì sự khác biệt giữa bốn [ý nghĩa của] thuật ngữ tân tự do nói trên là rất lớn và quan trọng. Chúng khác nhau về các đối tượng được đặt tên, mối quan hệ nhân quả được phác thảo, và những điểm yếu được phơi bày. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng khác nhau trong các chiến lược chính trị mà chúng cổ vũ để chống lại các lực lượng tiến bộ.
Jamie Peck (1962- )
Rất nhiều những tác giả đã viết về chủ nghĩa tân tự do một cách sâu sắc nhất thừa nhận tính lộn xộn trong hiện tượng mà họ đã quyết tâm mô tả. David Harvey viết rằng thế giới tư bản “đã sẩy chân theo hướng tân tự do hóa” thông qua một loạt “các hồi chuyển và thí nghiệm mang tính lộn xộn”. Nhà kinh tế học chính trị Jamie Peck tuyên bố rằng chủ nghĩa tân tự do buộc phải xoay xở để tồn tại” từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, trong một “quá trình hỗn độn và mâu thuẫn của sự thử nghiệm không hoàn mỹ.” Wendy Brown thì nhận xét rằng chủ nghĩa tân tự do có tính “bất ổn” và “dễ uốn nắn”, lúc nào cũng có thể “cu hình lại”. Nó có tính “bất ổn, biến hình, khác biệt, không có hệ thống, mâu thuẫn, và không thuần túy”; “không theo quy tắc”; và “không thống nhất và không đồng nhất với chính nó.” Những tính chất này làm phức tạp, như đáng lý phải vậy, câu chuyện “tất cả là do Hayek” mà người ta có thể vẫn còn nghe trong một số phiên bản về câu chuyện của thuật ngữ tân tự do. Nhưng liệu có bao nhiêu vấn đề bản sắc của thuật ngữ tân tự do xuất phát từ những giai đoạn chuyển đổi và những điểm tái cấu hình của thuật ngữ này? Và liệu có bao nhiêu vấn đề bản sắc là kết quả của tình trạng một từ ngữ có tính co dãn quá mức?
Mỗi một hiện tượng này đều đã có một cái tên: “chủ nghĩa tư bản tài chính” cho chủ nghĩa tân tự do (1), “chủ nghĩa thị trường bảo căn” cho chủ nghĩa tân tự do (2), các chương trình luân chuyển chính sách của “chủ nghĩa tư bản thảm họa” cho chủ nghĩa tân tự do (3), và một văn hóa lan tỏa của việc “bản thân bị hàng hóa hoá” và trí tưởng tượng xã hội bị hàng hóa hoá cho chủ nghĩa tân tự do (4). Những cái tên này có thể chưa hoàn toàn thỏa đáng. Nhưng chúng chỉ ra các định chế hữu hình, các lựa chọn thay thế trong đời sống thực, và hoạt động chính trị có thể thực hiện được. Điểm mạnh và điểm yếu của chủ nghĩa tư bản tài chính toàn cầu hiện đại, những cơ chế – mà qua đó làm tăng tính bất an ở hạ tầng và sự tích lũy khác thường ở thượng tầng – đã bắt đầu, thậm chí qua nhiều chế độ chính sách công khác nhau đáng kể, cần phải được tìm hiểu kỹ lưỡng hơn và cần phải có phản ứng hiệu quả hơn. Cách thức mà các hệ ý hiện đại, với vỏ bọc toán học về tối đa hóa tiện ích và thị trường hiệu quả đã ngự trị trong giới kinh tế học như là bộ công cụ phổ quát để phân tích hành vi con người, là một vấn đề độc lập cần có sự phê phán và những lựa chọn thay thế. Cách thức mà các đề xuất thân thiện với kinh doanh mang trên lưng chính sách vay mượn bởi cuộc khủng hoảng đòi hỏi phải có nhiều cuộc điều tra, phân tích về định chế, và sự phản kháng của công chúng. Con đường dẫn đến một xã hội coi trọng hàng hoá chung và phúc lợi chung – hình dung lại hoạt động chính trị như là một vũ đài thảo luận, chứ không phải là một lĩnh vực quảng cáo sự lựa chọn của người tiêu dùng – cần có tất cả các hoạt động chính trị và trí tưởng tượng mà các nhà cải cách xã hội có thể tập hợp được. Những nhiệm vụ nói trên không hề dễ dàng, nhưng trong từng thuật ngữ đã có trước đó, mối liên hệ giữa phân tích và hành động là điều rõ ràng và trực tiếp. Liệu việc gom hết các hiện tượng nói trên trên một chiếc xe bus đơn từ có làm rõ nhiệm vụ chính trị của chúng ta không? Hay nó càng làm khó xác định hơn các điểm phản kháng, chiến lược hành động, và việc tạo lập các khả năng thay thế?
Wendy Brown (1955- )
Ở mức cực đoan, việc đóng gói những vấn đề đang vây bủa chúng ta trong một bao tải quá lớn có thể làm trầm trọng sự quyến rũ của “nỗi tuyệt vọng”, mà theo Wendy Brown, đe doạ trước mắt chúng ta. Bà quan ngại cảm giác bất lực đối với “những thế lực to lớn, nhanh, phức tạp, đan xen nhau một cách ngẫu nhiên, và có vẻ như không chống đ được đang tiến hành sự tổ chức thế giới ngày nay”. Đối với những người tưởng tượng rằng vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 có thể là hồi chuông báo tử được chờ đợi từ lâu của nền kinh tế tân tự do – chỉ nhìn thấy những cấu trúc tồn tại từ trước của nền kinh tế, ý tưởng và chính trị quay trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết – thì sẽ rất khó loại bỏ cảm giác bất lực. Bản thân Brown là một trong những nhà trí thức công cộng năng nổ hàng đầu của công chúng trong thời đại chúng ta. Có sự can đảm trong cuốn Undoing the Demos của bàNhưng ngôn ngữ của chủ nghĩa bi quan – “kiệt sức”, “sụp đổ”, một sự co cụm tràn khắp của chân trời những khả thể và mục đích – thấm thấu qua nó. Có lẽ đây là những gì được tạo ra bởi một xã hội được tổ chức hoàn toàn dưới dấu ấn của thị trường. Hoặc có lẽ đó là những phạm trù phình trướng làm khó nhận ra hơn đâu là một nền chính trị khả thi.
Vào thời điểm hiện tại trong nền chính trị của chúng ta, khi ngôn ngữ về hiện thực xã hội là nhu cầu rất cấp thiết, thì thuật ngữ “tân tự do” được sử dụng vào việc gì? Ở Hoa Kỳ, “tân tự do” vẫn còn, trên diện rộng, là một thuật ngữ mang tính hàn lâm và trí thức của cánh tả. Những người gọi là tân tự do hầu như không bao giờ sử dụng thuật ngữ đó để mô tả các dự án của họ hoặc bản thân họ. Trong khuôn khổ các tạp chí và hội thảo học thuật tiến bộ, “tân tự do” đã nhanh chóng trở thành như một dạng tiền tệ ảo. Khả năng di động đủ để tạo ra lợi thế trong hầu hết các cuộc thảo luận trí thức theo cánh tả, việc sử dụng nó trong cuộc đối thoại không tốn tiền nhưng lại mang về lợi ích rõ ràng.
Nhưng các từ ngữ bao quát hiếm khi tồn tại trong giới hạn ban đầu của chúng. Thuật ngữ tân tự do” đã tràn vào một phần của vũ đài chính trị, công cộng. Đối với một số người đã cố tìm hiểu sự nổi lên của Donald Trump từ chiến dịch tranh cử tổng thống, thảm hoạ năm 2016 là sự trả thù của cử tri đối với “chủ nghĩa tân tự do” nhạt nhẽo mà Hillary Clinton đã ủng hộ. Đối với một số người khác, Trump đã giành được số phiếu cần thiết như là nhà quán quân của “chủ nghĩa tân tự do”: một người điển hình cho các thỏa thuận kinh doanh và giá trị quảng cáo ầm ĩ. Đằng sau những hứa hẹn lớn tiếng về chủ nghĩa dân tộc kinh tế, sự tích tụ vốn tư bản nhanh hơn ở thượng tầng, Trump có thể đã kết thúc trò chơi ngay từ đầu.
Nhưng trong trò chơi bầu cử khôi hài năm 2016, chính trị của ngôn ngữ cũng  vai trò độc lập của nó. Vào thời buổi mà đa số công chúng xem giới trí thức với một sự hoài nghi cao hơn bình thường và khi những tuyên xưng về chân lý dựa trên chuyên môn đang bị công kích không ngừng, thì câu chữ là quan trọng. Đối với nhiều cử tri, kể cả những người rốt cuộc cũng bỏ phiếu chống ông, lời kêu gọi minh bạch nhất của Donald Trump là việc ông nói bằng một ngôn ngữ đơn giản (thô tục, phân biệt chủng tộc, dâm đảng, và tất nhiên, còn mị dân nữa) mà họ nghe như là một bài phát biểu thẳng thắn, bằng thứ tiếng thông dụng hằng ngày. Nếu ông nói dối và phóng đại, thì lời nói của ông sẽ quấy rầy bầu không khí của một buổi nói chuyện không tô vẽ. Các chính trị gia khác né tránh và nói vòng vo tam quốc; ông nói toẹt ra điều thực. Đó là một chủ nghĩa thực tế bằng lời nói mà những người tiến bộ không thể liều lĩnh nhượng bộ đối thủ của mình.
Những ngôn ngữ chính trị nào thoát khỏi cách phát biểu bình thường có thể chiếm đỉnh trong một thời gian. Nếu những người tiến bộ bước vào cuộc bầu cử năm 2018 với giọng điệu rằng mình đang đấu tranh chống lại làn sóng dâng trào nhanh chóng của “chủ nghĩa tân tự do” của thời đại chúng ta, thì họ có thể hy vọng mở rộng phạm vi cuộc tranh luận công khai. Nhưng nếu cứ củng cố cảm tưởng cho rằng giới tinh hoa không phải nói chuyện với bất cứ ai khác ngoài những thành viên trong nội bộ của họ với nhau, thì họ sẽ không bao giờ giành được chiến thắng ngoài một số ít các phòng ban ở đại học.

Giới thiệu tác giả

Daniel Rodgers (1942- )
Daniel Rodgers là Giáo sư Danh dự [Henry Charles Lea] về lịch sử của Đại học Princeton. Cuốn sách của ông, Age of Fracture [Thời đại rạn nứt(Harvard University Press), đã từng đoạt giải thưởng Bancroft vào năm 2012.





Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
NguồnThe Uses and Abuses of “Neoliberalism”Dissent Magazine, Winter 2018.
Print Friendly and PDF