7.4.18

Cạnh tranh (thuần túy và hoàn hảo)


CẠNH TRANH (THUẦN TÚY VÀ HOÀN HẢO)

02/09/2017 │ Hồ sơ đặc biệt n°006
Sự cạnh tranh “thuần túy và hoàn hảo”[1] được cho là chi phối tất cả các thị trường và cho phép đạt được sự cân bằng chung tốt nhất có thể. Trong thực tế, thậm chí điều đó còn hiếm hơn việc một chuyến tàu hỏa Italia đến ga đúng giờ hay một chương trình bầu cử chân thực và thực tế. Trong một bài viết nổi tiếng, “The Nature of the Firm [Bản chất của doanh nghiệp]” (được đăng vào năm 1937 nhưng đã giúp ông nhận được “giải Nobel” năm mươi bốn năm sau...), Ronald Coase, nhà kinh tế học người Anh tuy theo tư tưởng tự do, bình luận như sau định nghĩa theo đó, trong cạnh tranh hoàn hảo, mọi người đều biết được tất cả các giá cả phù hợp: “Tất nhiên đây là điều không xác đáng trong thế giới thực.” John K. Galbraith, nhà kinh tế học “cao to” người Mỹ (ông cao gần 2 mét), người rất vui khi hăng say tố giác sự phóng đại, sự phù phiếm và sự giả dối của các đồng nghiệp, không phải là người dễ bị đánh lừa. Ví dụ, vào năm 1981, trong Une vie dans son siècle [Một cuộc đời trong thế kỷ của mình] (bản dịch của Daniel Blanchard, La Table ronde, 2006), ông đã viết: “Những ai tin có thể rằng người bán báo ở góc đường và công ty General Motors thuộc cùng một họ, cả hai đều bị chi phối như nhau bởi các tác lực lớn của thị trường, những tác lực mà họ không có quyền gì trên đó cả, cả hai đều [là những tác nhân] thụ động, ngoại trừ với tư cách là cử tri, thì những người đó có thể tin bất cứ điều gì” (trang 485). Tuy nhiên, một phần ba thế kỷ sau, Jean-Marc Daniel gạt sang một bên lời phê phán đó trong L’Etat de connivence [Nhà nước thông đồng] (Odile Jacob, 2014): “Khái niệm thị trường cạnh tranh trong kinh tế học giống như khí hoàn hảo của nhà vật lý học. Không ai có thể thấy được nó, thế nhưng phân tích của nó cho phép rút ra những kết luận vừa đơn giản vừa hiệu quả” (trang 105). Không phải cứ so sánh được là hợp lý, cần phải xem xét kỹ hơn một chút, dưới góc độ mổ xẻ của các nhà kinh tế học, điều tốt và điều xấu của sự cạnh tranh thuần túy, hoàn hảo, lành mạnh, tự do và không bị bóp méo.
Cạnh tranh (thuần túy và hoàn hảo)chúng ta đang nói về cái gì?
Để cho sự cạnh tranh mang tính “thuần túy và hoàn hảo”, các tác nhân phải có tất cả những thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn; không ai trong số họ (người mua hoặc người bán) có một tầm quan trọng quá đáng; mỗi loại sản phẩm, là đối tượng của sự cạnh tranh, sẽ chỉ bao gồm những hàng hoá hoặc dịch vụ giống nhau; việc thâm nhập thị trường không chịu bất kỳ hạn chế nào. Trong những điều kiện ấy, không có người mua hay người bán cá thể nào có thể gây ảnh hưởng đến giá cả từ việc đối chiếu cung với cầu, và mức giá này có tính ràng buộc đối với mọi người. Ngoài ra, nếu nhà sản xuất (hoặc thương nhân) cũng tuân theo các quy tắc tương tự, thì sự cạnh tranh mang tính “công bằng”, và nếu không có ai lừa đảo thì sự cạnh tranh không bị “bóp méo”.
Mặt phải
Kenneth Arrow (1921-2017)
Gérard Debreu (1921-2004)
Vào cuối thế kỷ 19, năm 1874, Léon Walras công bố ấn bản đầu tiên của ông Eléments d’économie politique pure [Các yếu tố của kinh tế học chính trị thuần túy]. Ông chứng minh, bằng một hệ thống các phương trình, rằng “việc xác định giá cả theo một chế độ mang tính giả thuyết về sự cạnh tranh tự do tuyệt đốisẽ dẫn đến một cân bằng chung: giá cả sẽ cân bằng mức cung và cầu của tất cả hàng hoá và dịch vụ, kể cả các “dịch vụ sản xuất”, một thuật ngữ mà Walras dùng để chỉ việc làm. Năm 1954, Kenneth ArrowGérard Debreu, cả hai đều được trao “giải Nobel” vì việc đó[2], đã chứng minh rằng cân bằng chung này dẫn đến sự toàn dụng lao động và sự sử dụng tối ưu tất cả các nguồn lực khi thị trường bao gồm cả các hợp đồng kỳ hạn (có nghĩa là liên quan đến những giao dịch trong tương lai). Thị trường sẽ định giá tất cả các nguồn lực hiện hữu, không bỏ sót bất cứ thứ gì... với điều kiện là tôn trọng các điều kiện của cạnh tranh hoàn hảo.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Milton Friedman (1912-2006)
Ngoài việc đạt được mức sản xuất và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất có thể, sự cạnh tranh, theo Milton Friedman, cho phép “một sự điều phối không ép buộc [...] một xã hội có tổ chức thông qua sự giao dịch tự nguyện [...] mà chúng ta đã gọi là chủ nghĩa tư bản cạnh tranh. [Ví dụ:] người lao động được bảo vệ khỏi sự cưỡng ép của người sử dụng lao động bởi người lao động có thể đến làm việc cho nhiều người sử dụng lao động khác[3]. Đối với Friedrich Hayek, “cạnh tranh là cách tốt nhất để hướng dẫn những nỗ lực của cá nhân”, nhờ vào việc hệ thống giá cả, ở mỗi thời điểm, cung cấp một thông tin quý giá cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Jean-Marc Daniel (1954-)
Cuối cùng, theo lời giải thích của Jean-Marc Daniel (trong tác phẩm đã dẫn, trang 100), “điều làm cho sự cạnh tranh mang tính chính đáng hoàn toàn là khả năng làm giảm giá cả và vì vậy làm tăng sức mua của người tiêu dùng”. Trong một hệ thống cạnh tranh hoàn hảo, cuộc đấu tranh của từng nhà sản xuất để cố gắng giữ chân khách hàng sẽ dẫn đến một nỗ lực không ngừng làm giảm chi phí sản xuất, và bản thân lợi nhuận cũng giảm xuống mức tối thiểu, mức mà nếu giảm thêm nữa nhà sản xuất cũng đành buông tay. Từ đó mà có nghịch lý: chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, nếu đáp ứng các tiêu chí của sự cạnh tranh hoàn hảo, thì sẽ trả thưởng một cách dè sẻn cho những người cung cấp vốn. Người thắng là người mua, chứ không phải là người sản xuất. Người mua hưởng lợi từ những nỗ lực của người sản xuất, những người, đứng trên miệng núi lửa, luôn bị đe dọa rơi xuống vực thẩm.
Mặt trái
Đây chính là vấn đề nan giải. Phải thừa nhận rằng, sự cạnh tranh hoàn hảo là một động lực thúc đẩy, và là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ, bởi chính sự sống còn của doanh nghiệp bị đe doạ. Nhưng, ngay cả khi nhà sản xuất chấp nhận thách thức, thì họ chỉ thu về những lợi ích hạn chế, nhanh chóng bị các đối thủ cạnh tranh thách thức tiếp. Ngoài ra, trên thực tế, mỗi doanh nghiệp đều tìm cách tránh xa nguy cơ rơi xuống vực thẳm để đảm bảo tính bền vững của mình. Thay vì là “người chấp nhận giá” (price taker), có nghĩa là có nghĩa vụ phải chấp nhận giá cả thị trường, bất kỳ nhà sản xuất nào cũng tìm cách thiết lập giá cả một cách tự do, hoặc ít nhất là có thể gây ảnh hưởng [đến giá cả]. Ví dụ bằng cách mua lại các đối thủ cạnh tranh hoặc thỏa hiệp các liên minh ít nhiều mang tính bí ẩn (các “cartels”, “trusts”, “thông đồng”...), hoặc, thậm chí như cách làm của John Rockefeller, nhà sáng lập Standard Oil (viết tắt là “Esso”, sau này đổi thành Exxon), bằng cách đe doạ đốt cháy những xe bồn dầu nào không sử dụng dịch vụ của công ty đường sắt của ông.
Những lợi ích của cạnh tranh...
“Chủ nghĩa tự do dựa trên niềm tin cho rằng sự cạnh tranh là cách tốt nhất để hướng dẫn những nỗ lực của cá nhân. Chủ nghĩa tự do không phủ nhận, nhưng ngược lại nhấn mạnh rằng để sự cạnh tranh đóng một vai trò hữu ích, thì cần tạo lập một khung pháp lý một cách cẩn thận; thừa nhận rằng những luật pháp trong quá khứ và hiện tại có những sai sót nghiêm trọng. Chủ nghĩa tự do cũng không phủ nhận rằng bất cứ nơi nào không thể làm cho sự cạnh tranh trở nên hiệu quả, thì cần phải viện đến những phương pháp khác để hướng dẫn hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, chủ nghĩa tự do kinh tế chống lại việc thay thế sự cạnh tranh bằng những phương pháp kém hơn trong việc phối hợp các nỗ lực của con người. Chủ nghĩa tự do coi sự cạnh tranh là phương pháp vượt trội không chỉ vì đó là phương pháp hiệu quả nhất được biết đến, trong hầu hết các tình huống, mà đó còn là phương pháp duy nhất cho phép điều chỉnh các hoạt động của con người mà không cần đến những can thiệp tuỳ tiện hoặc cưỡng ép của chính quyền”.
... và những giới hạn của nó
“Một thị trường cạnh tranh – tinh tuý của các định chế tư nhân – tự thân nó là một hàng hóa công. Khi một thị trường cạnh tranh được tạo lập, thì mọi người có thể tự do vào hoặc ra, dù có đóng góp hay không vào chi phí vận hành và duy trì thị trường này. Không thị trường nào có thể tồn tại lâu dài mà không có các định chế công ngầm bên dưới để hỗ trợ nó. Trên thực địa, các định chế công và tư thường vận hành khớp với nhau và phụ thuộc vào nhau thay vì phát triển trong những thế giới riêng biệt.”
Sự cạnh tranh hoàn hảo hàm ý những đối thủ cạnh tranh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ tương tự, hoặc thậm chí giống nhau (“đồng nhất”). Vì thế, người ta chú tâm vào việc tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh, qua thương hiệu (Dior), quảng cáo (Danone), bằng sáng chế (Sanofi), khả năng đổi mới (Apple). Sự cạnh tranh hoàn hảo đòi hỏi rằng, trên từng thị trường cụ thể, liệu sự thâm nhập [thị trường] của một đối thủ cạnh tranh mới có diễn ra một cách tự do không? Người ta sẽ cản đường nó [đối thủ cạnh tranh mới] bằng chính những phương tiện tương tự hoặc bằng quy mô của các nguồn vốn được huy động để thâm nhập thị trường, làm cho thị trường nhận diện thương hiệu, đạt đến một thị phần tối thiểu hoặc nhắm được những khách hàng mục tiêu.
Joan Robinson (1903-1983)
Edward Chamberlin (1899-1967)
Nói ngắn gọn, sự cạnh tranh hoàn hảo nhường chỗ cho sự cạnh tranh không hoàn hảo (Joan Robinson) hoặc cạnh tranh độc quyền (Edward Chamberlin), những thứ mà ngày nay là quy luật trên diện rộng: ngay cả những nhà sản xuất nhỏ cũng tạo sự khác biệt bằng cách tham gia vào một hợp đồng nhượng quyền (Dessange, ví dụ, trong ngành làm tóc) hoặc bằng cách tôn trọng bộ quy tắc của một sản phẩm mà tên gọi được bảo hộ (ví dụ, phó mát comté). Điều này không có nghĩa là không có cạnh tranh, nhưng nó bị giới hạn bởi sự khác biệt nhiều ít giữa các sản phẩm thuộc cùng một họ. Bởi thế, nhà kinh tế học người Ba Lan Michal Kalecki, một môn đồ của Keynes giống như Joan Robinson, đã kết luận: “Sự cạnh tranh hoàn hảo, khi quên đi bản chất thực của nó là một mô hình thuận tiện, trở thành một huyền thoại nguy hiểm”[4].
Liệu sự cạnh tranh không hoàn hảo có lợi không?
Không nghi ngờ gì nữa, sự cạnh tranh không hoàn hảo có lợi cho các nhà sản xuất nào có khả năng nổi lên từ số đông: chỉ cần nhìn vào số tiền lợi nhuận của họ, cách hàng trăm năm ánh sáng với sự gần như biến mất những lợi ích được Walras và những người ca ngợi sự cạnh tranh hoàn hảo công bố cách đây một thế kỷ. Nhưng đối với nền kinh tế nói chung, liệu đó có là một sự cướp đoạt gian ác hay là một động lực có lợi không?
Sự vượt trội không thể tránh né của sự cạnh tranh không hoàn hảo
"Nếu quan sát kỹ hơn các điều kiện [...] phải được đáp ứng để đạt được sự cạnh tranh hoàn hảo, thì chúng ta nhận ra ngay lập tức rằng, ngoài ngành sản xuất nông nghiệp thông thường, các trường hợp cạnh tranh là không nhiều. [...] Rõ ràng là mọi cửa hàng tạp hóa, mọi trạm xăng, mọi nhà sản xuất găng tay hoặc sản xuất kem cạo râu hoặc sản xuất cưa tay đều có riêng một tiểu thị trường tạm mà họ nỗ lực – phải nỗ lực – tạo lập và duy trì, bằng cách sử dụng chiến lược giá cả, chiến lược chất lượng (“khác biệt hóa sản phẩm”) và quảng cáo. Cùng lúc, chúng ta đối mặt với một “mô hình” hoàn toàn khác [...] khi mà sự cạnh tranh “hiệu quả” theo kiểu cổ điển nhường chỗ cho một sự cạnh tranh “hủy diệt”, hay cho một “cuộc đấu tay đôi”, hay đơn thuần cho các cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát, được tiến hành trên mặt trận tài chính. [...] Cuối cùng, các nhà kinh tế học bắt đầu vứt bỏ các miếng che mắt để chỉ nhìn thấy không gì khác ngoài sự cạnh tranh về giá. Khi nào sự cạnh tranh về chất lượng và nỗ lực bán hàng được thừa nhận trong tường thành thiêng liêng của lý thuyết, thì biến giá cả mới thôi chiếm vị trí thống trị".
Joseph Schumpeter (1883-1950)

Trong cuốn Capitalisme, socialisme et démocratie [Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và thể chế dân chủ], được xuất bản vào năm 1942, Joseph Schumpeter đứng lên chống lại ý tưởng cho rằng sự cạnh tranh hoàn hảo là nguồn gốc của sự tiến bộ: “Sự cạnh tranh hoàn hảo không chỉ là điều không thực hiện được, mà còn là điều thấp kém, và nó không xứng đáng để được giới thiệu như là một mô hình lý tưởng về hiệu quả” (trang 152). Và vài dòng sau ông biện minh cho quan điểm này, phá vỡ “niềm tin chung” tân cổ điển: “Sự tiến bộ kinh tế, theo nghĩa chúng tôi hiểu cụm từ này, phần lớn không tương thích với những điều kiện như vậy. [...] Các công ty khổng lồ cuối cùng đã trở thành động lực mạnh nhất của sự tiến bộ này, và đặc biệt của sự mở rộng tổng sản lượng trong dài hạn. Thế nhưng, chúng ta đạt được những kết quả như thế [...] vì tuy có chiến lược này, nhưng còn ở một mức độ đáng kể, nhờ chiến lược ấy, mà khi quan sát trong một trường hợp cụ thể và tại một thời điểm nhất định có vẻ có tính giới hạn theo kiểu của Malthus.” Rõ ràng, nếu không có sự bảo vệ chống lại các đối thủ cạnh tranh, thì không có doanh nghiệp nào bắt tay vào cuộc phiêu lưu bất định của sự đổi mới sáng tạo. Mặc kệ! William Baumol, nhà kinh tế học người Mỹ, lập luận rằng điều quan trọng là thị trường phải có tính “tranh chấp được”, có nghĩa là một đối thủ cạnh tranh có thể nhảy vào trong trường hợp các tác nhân trong cạnh tranh không hoàn hảo hành xử quá trớn và thu về những “siêu lợi nhuận” quá không đúng đắn. Ai cũng tự an ủi bản thân theo cách của mình...
Từ nay, hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng quy mô và siêu lợi nhuận là hai động lực chính của việc chấp nhận rủi ro. Nhưng không vì thế mà cạnh tranh biến mất, nhưng nó được thực hiện giữa một số nhỏ các đối tượng. Vì thế, thật dễ để nhận ra mặt trái của vấn đề trong nền kinh tế của các công ty “độc quyền nhóm” hiện đang thống trị thị trường: quyền lực mà họ nắm được, quyền lực lên người tiêu dùng cũng như lên các chính sách...
Nhà sáng lập báo Alternatives Economiques
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La concurrence (pure et parfaite), Alternatives Economiques, 02/09/2017.




Chú thích:

[1] Tính từ “thuần túy” là của Edward Chamberlin, trong Theory of Monopolistic Competition [Lý thuyết về cạnh tranh độc quyền] (1933, chưa được dịch sang tiếng Pháp), và “hoàn hảo” là của Joan Robinson, trong The Economics of Imperfect Competition [Kinh tế học về sự cạnh tranh không hoàn hảo] (1933, bản dịch tiếng Pháp được Dunod xuất bản năm 1975, dưới tiêu đề Economie de la concurrence imparfaite).

[2] Kenneth Arrow nhận giải Nobel vào năm 1972, Gérard Debreu nhận giải Nobel vào năm 1983.

[3] Capitalisme et liberté [Chủ nghĩa tư bản và tự do] (1962), bản dịch của Antoine Charny Maurice, Robert Laffont, 1971, trang 28 và 30.

[4] Theo trích dẫn của Anthony Atkinson trong Inégalité [Bất bình đẳng], Le Seuil, 2016, trang 149.

Print Friendly and PDF