11.4.18

Tin tốt và tin xấu đối với các nước thuộc nhóm BRICS



TIN TỐT VÀ TIN XẤU ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC THUỘC NHÓM BRICS

Jean-Joseph Boillot
Thật là một thế giới khá kỳ lạ như thế giới của phương Tây... Một chút theo hướng của tác phẩm 1984 của Orwell, có lẽ vậy. Với ngôn ngữ cải tiến [newspeak/novlangue] của họ, một thứ ngôn ngữ gạt bỏ các từ trong từ điển và với một Bộ Chân Lý để làm cho người ta tin rằng thế giới xoay chiều theo cách mà người ta muốn nó xoay.
Trong khi các phương tiện truyền thông bận rộn với việc lặp lại các thông tin về cuộc khủng hoảng ở Bắc Triều Tiên, thì có một sự im lặng lớn về Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) được tổ chức vào cùng thời điểm, đầu tháng 9, không xa Bắc Triều Tiên lắm, ở Hạ Môn, Trung Quốc. Đến mức bản tuyên bố chung quan trọng của nhóm BRICS về cuộc khủng hoảng ở Bắc Triều Tiên cũng không được chú ý, trong khi tuyên bố này lên án các vụ thử tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên lẫn các mối đe dọa của Mỹ.
Nhóm BRICS chiếm 42% dân số thế giới

George Orwell (1903-1950)

Tuy nhiên, tổng dân số năm nước thuộc nhóm BRICS không ít hơn 4 tỷ người, tức là 42% dân số thế giới. Về mặt tăng trưởng toàn cầu, nhóm BRICS cũng đóng góp nhiều hơn một chút, bởi mức phát triển năm nay của họ vẫn đạt gần 5%.
Vậy thì hội nghị thượng đỉnh diễn ra không vì cái gì à? Một câu lạc bộ không bền vững, bị đe dọa bởi những đối thủ chính trị và kinh tế trong nội bộ, như dự đoán của nhiều nhà quan sát phương Tây ngay từ khi BRICS mới được thành lập vào năm 2009?
Chỉ cần đọc bản tuyên bố cuối cùng với 71 điểm và 40 phụ lục, cũng như các bài viết được đăng trên trang bìa của báo ở khắp các nước đang phát triển, để tự thuyết phục về điều ngược lại, và tôi chỉ có thể khuyến khích bạn làm như vậy. Và điều này, ngay cả khi quan sát cẩn thận công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, diễn tiến của hội nghị và những thành tựu thực sự của câu lạc bộ trong những năm gần đây dẫn đến nhiều kết luận khác nhau về hình ảnh chính thức mà năm cường quốc lớn trong cuộc cạnh tranh với thế giới phương Tây muốn đưa lên.
Chúng ta có thể phân loại kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 này thành bốn nhóm: những tin tốt cho họ và cho chúng ta, và những tin xấu cho họ và cho chúng ta.
Kiến trúc kinh tế đang tiến triển
Tin tốt cho nhóm BRICS, là sự hợp tác của họ đang chuyển động nhanh và khá tốt, không chỉ giữa họ với nhau mà còn với các nước đang phát triển. Đáng chú ý sự hợp tác là với châu Phi, được giới thiệu một lần nữa như là đối tác thiết yếu của họ. Chủ nghĩa thực dụng của họ cũng cho phép họ bỏ qua một số điểm xích mích đe dọa sự thống nhất của nhóm, chẳng hạn như giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên bờ vực đối đầu vào mùa hè năm ngoái trên biên giới Himalaya, hoặc giữa Nga và Ấn Độ về vấn đề của Pakistan.

Tăng cường sự hợp tác về tài chính và tiền tệ

Trong mọi trường hợp, kiến trúc của các hoạt động hợp tác kinh tếvà hơn thế nữadiễn ra khá ấn tượng. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB, New Development Bank) dần dần đi vào hoạt động ổn định, với trụ sở đặt tại Thượng Hải và dưới sự điều hành của vị chủ tịch người Ấn Độ. Ngân hàng này đã tài trợ cho khoảng một chục dự án hoàn toàn trong nội bộ nhóm BRICS, ngay cả khi [về mặt quy mô] chưa là bao so với [mức tài trợ] của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB, Asian Infrastructure Investment Bank) vốn chỉ là sáng kiến riêng của Trung Quốc. Sự hợp tác về tài chính và tiền tệ cũng được tăng cường, với các thỏa thuận SWAP[*] trong các trường hợp căng thẳng về tài chính và việc sử dụng các đồng nội tệ để khắc phục tình trạng sử dụng đồng đô la. Điều đặc biệt đáng lưu ý là một tập hợp các hoạt động hợp tác kỹ thuật được các nhóm cộng tác phối hợp trong khuôn khổ các hoạt động trao đổi về mậu dịch, bảo vệ đầu tư hoặc sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực đa dạng khác như hàng không vũ trụ, khí tượng, v.v..
Một tầm nhìn thú vị về những thách thức lớn của hành tinh
Tin tốt (cả) đối với chúng ta, vẫn có năm lĩnh vực được ưu tiên. Khía cạnh bền vững của sự tăng trưởng toàn cầu trong các lĩnh vực về kinh tế, xã hội và môi trường. Với những cam kết ngày càng mạnh mẽ vì một thế giới hậu carbon và ủng hộ các nguồn năng lượng tái tạo. Trên thực tế, Trung Quốc và Ấn Độ, nói riêng, trở thành những nước tiên phong trong các công nghệ mới về môi trường. Tất nhiên là vì quy luật tất yếu, nhưng cũng tốt thôi.

Trên thực tế, Trung Quốc và Ấn Độ trở thành những nước tiên phong trong các công nghệ mới về môi trường

Vẫn trên mặt trận kinh tế, chúng ta có thể hân hoan với điểm nhấn vào tính ổn định và tính phối hợp về mặt kinh tế vĩ mô quốc tế, bởi vì điều này chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng gắn với sự rớt giá các nguyên liệu thô, trong đó có giá các nguyên liệu thô ở châu Phi. Cũng đã có một sự quan tâm lớn trong việc kiểm soát các dòng chảy tài chính xuyên biên giới và cuộc chiến chống lại tiền bẩn. Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh chống tham nhũng luôn nổi bật trong các tuyên bố ở Hạ Môn, cho dù không hoàn hảo lắm trên thực tế. Các tham chiếu này sẽ làm nhiều người châu Phi hài lòng, trong khi vẫn cung cấp những luận cứ cho những ai tố giác một cách chính đáng sự chậm chạp của cuộc đấu tranh chống lại các thiên đường thuế.

Để giữ quyền phủ quyết của mình, Hoa Kỳ và châu Âu, từ năm năm qua, đã ngăn chặn việc cải cách các hạn ngạch tại IMF và Ngân hàng Thế giới

Julian Assange (1971-)
Chúng ta cũng lưu ý đến điểm nhấn vào việc bảo vệ tính đa nguyên trong việc nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới tiếp cận với mạng Web trước vị thế thống trị của nhóm GAFA nổi tiếng (Google, Apple, Facebook, Amazon) của Mỹ, đồng thời phải đối phó trước các hoạt động gián điệp của NSA (National Security Agency – Cơ quan an ninh quốc gia của Hoa Kỳ), đặc biệt bị Julian Assange (WikiLeaks) tố giác.
Cuối cùng, trong lĩnh vực địa chính trị, nhóm BRICS đã tái khẳng định sự gắn bó của họ với tổ chức Liên Hợp Quốc (UN) như là khuôn khổ đa phương duy nhất về quản trị toàn cầu, và họ đã đưa ra những đề xuất để cải cách hơn nữa tổ chức này. Chắc chắn việc mở rộng Hội đồng bảo an [của Liên Hợp Quốc] cho ba thành viên: Ấn Độ, Nam Phi và Brazil, không chỉ là một trong các nền tảng liên kết chủ chốt kể từ khi thành lập câu lạc bộ, mà còn là sự cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới khi mà Quốc hội Mỹ, cũng như một phần các nước châu Âu, đã ngăn chặn trong năm năm qua. Đặc biệt, sự phân bố mới các hạn ngạch sẽ chấm dứt quyền phủ quyết của họ [Hoa Kỳ và các nước châu Âu].
Một câu lạc bộ đa cực
Tin xấu cho nhóm BRICS là thái độ im lặng đối với một số vấn đề: điều này không chỉ phản ánh sự từ chối quyền bá chủ của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống lại quyền bá chủ của phương Tây được lãnh đạo chủ yếu bởi Hoa Kỳ, mà còn phản ánh sự chia rẽ khá rõ giữa hai tầm nhìn về một vai trò quản trị thế giới mới và về vị thế của các giá trị dân chủ. Điều chắc chắn là công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đã cho phép Trung Quốc và Ấn Độ tìm ra một giải pháp để giải quyết bế tắc của họ vào mùa hè năm ngoái tại biên giới Bhutan, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Nhóm BRICS bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng cơ bản giữa một siêu cường mới – Trung Quốc – và các cường quốc có tính khu vực hơn

Và cuộc đối đầu ngấm ngầm giữa hai gã khổng lồ châu Á đã đặc biệt định hình dưới dạng một sự “lãng quên” kép trong tuyên bố cuối cùng: sự lãng quên liên quan đến Cơ quan quốc tế về năng lượng mặt trời (ISA) được Ấn Độ và Pháp cùng đề xuất ở hội nghị thượng đỉnh COP21 và cố gắng tập hợp đủ túc số các nước thành viên do hai nước khởi xướng; và đổi lại là sự lãng quên liên quan đến dự án hàng đầu và vĩ đại của Trung Quốc về "Các Con Đường Tơ Lụa Mới" (OBOR). Ấn Độ đặc biệt không muốn dự án đó, vì các hệ quả đối với những sân sau của mình ở Nam Á hay ở Ấn Độ Dương. Nhưng các thành viên khác của câu lạc bộ cũng ít nhiều cảnh giác, khi xét đến trọng lượng bá quyền của Trung Quốc và của các công ty của họ trong các chương trình lớn về cơ sở hạ tầng đã được nhận diện.
Tóm lại, nhóm BRICS bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng cơ bản giữa một siêu cường mới – Trung Quốc – và các cường quốc có tính khu vực đặc biệt không muốn trở thành chư hầu của một khối chống Mỹ. Điều đó cuối cùng là một tin tốt cho chúng ta: tự thân nhóm BRICS rốt cuộc mang tính đa cực.
Lớn không phải bao giờ cũng đẹp
Ngược lại, tin xấu cho chúng ta vì khối chống phương Tây cũng có vẻ như là một đối chọn theo kiểu big brother [đại ca]. Dân chủ ư? Đồng ý với quyền của các nước được tôn trọng như nhau và không có quyền can thiệp [vào nội tình của nước khác], nhưng không chấp nhận các quyền chính trị và dân sự trong phạm vi của mỗi nước. Vấn đề an ninh ư? Vâng, nhưng được xem như là một cuộc đấu tranh chống lại “tất cả các hình thức của chủ nghĩa khủng bố” với sự hợp tác của cảnh sát và quân đội, không ngừng được tăng cường giữa các nước trong nhóm BRICS theo cùng một phương thức như các nước phương Tây, nhưng không một lời về các nguyên tắc cơ bản của một số cuộc đấu tranh, và đặc biệt là quyền tự quyết của các dân tộc. Tất nhiên là chúng ta nghĩ đến người Tây Tạng, người Uighur mà Trung Quốc truy đuổi đến tận Ai Cập, mà còn nghĩ đến Ấn Độ ở Kashmir, đến người Caucase ở Nga, đến các bộ lạc da đỏ của vùng Amazon ở Brazil, v.v..

Nhóm BRICS mở ra cuộc tranh luận về một toàn cầu hóa cởi mở hơn, nhưng thường không lắng nghe tiếng nói của các xã hội dân sự và các quyền của người dân

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực Internet, ngày càng bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ tại tất cả các nước thuộc nhóm BRICS. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và quyền lực của Mỹ thực sự là một cái cớ để gia tăng sự kiểm duyệt đối với các quyền tự do cá nhân, dù là ở, tất nhiên, Trung Quốc và Nga, mà còn ở Ấn Độ, Brazil và ngày càng nhiều ở châu Phi.
Jean-Joseph Boillot (1956-)
Tóm lại, nhóm BRICS từ nay là một thực tế không thể lảng tránh của một thế giới thoát khỏi nguy cơ đơn cực theo thuyết tân tự do với sự sụp đổ của bức tường Berlin. May mắn thay, đây không phải là sự hình thành của một thế giới lưỡng cực Trung-Mỹ mới, nhưng cũng không phải thực sự là một thế giới đa cực. Câu lạc bộ có lợi thế mở ra các cuộc tranh luận và các giải pháp thay thế về vai trò quản trị toàn cầu mới, và về một toàn cầu hóa có thể bền vững hơn và trong mọi trường hợp cởi mở hơn. Tuy nhiên, nhóm BRICS cũng có bất lợi ít nhất là cũng không lắng nghe, thậm chí còn tệ hơn nữa, tiếng nói của các xã hội dân sự và các quyền của người dân. Orwell từng viết tác phẩm 1984. Chưa hẳn là vậy, nhưng cần phải theo dõi sát...
Jean-Joseph Boillot
Chuyên gia về các nền kinh tế lớn mới nổi
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Bonnes et moins bonnes nouvelles des BRICS, Alternatives Economiques, 04/10/2017




Chú thích:
[*] Trao đổi vị thế về chứng khoán hoặc tiền tệ giữa hai nhà giao dịch.

Print Friendly and PDF