9.4.18

Những lời tâm sự ngây thơ của một chúa tể tiền tệ

Hans Tietmeyer (1931-2016)

NHỮNG LỜI TÂM SỰ NGÂY THƠ CỦA MỘT CHÚA TỂ TIỀN TỆ

Kiến trúc sư đồng euro thú tội
Le Monde Diplomatique: Một cuộc phỏng vấn thường giúp ta khám phá cả một thế giới. Khi mà báo chí khuếch đại âm vang cho lời nói của những kẻ nắm quyền quyết định, mà mỗi lời tâm sự có thể làm cho các đồng tiền chao đảo, thì không phải lúc nào ta cũng chú ý đến những gì không-được-nói-lên và những gì chỉ được-gợi-ý mà những lời nói này chuyển tải. Với sức mạnh mà họ nắm vì đã dành được sự “độc lập” của mình từ trong tay của quyền lực chính trị, những thống đốc của các ngân hàng trung ương nay lại có được quyền làm thay đổi thời cuộc của các nước. Vậy thì quan niệm của họ về thế giới xã hội là gì? Chẳng hạn như quan niệm của ông Hans Tietmeyer, người được coi như là nhà đại kiến trúc của đồng euro.  
Pierre Bourdieu
Đọc được trên máy bay[1] bài phỏng vấn của ông Hans Tietmeyer[2], chủ tịch Ngân Hàng Liên bang Đức, người được giới thiệu - không hơn không kém - như là “nhà đại kiến trúc của đồng deutschmark”, tôi muốn đưa ra một sự phân tích mang tính chú giải thường phù hợp cho các tài liệu mang tính thiêng liêng: “Thách thức hiện này là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho một sự tăng trưởng bền vững và – đây là cái từ khóa – sự tín nhiệm của các nhà đầu tư. Do đó cần phải kiểm soát các ngân sách công.”
Jean-Claude Trichet (1942-)
Tức là – và trong lãnh vực này ông sẽ rõ ràng trong những câu sau đó – cần phải chôn vùi càng sớm càng tốt cái Nhà nước xã hội và, đặc biệt là các chính sách xã hội và văn hóa tốn kém của nó, để làm cho các nhà đầu tư yên tâm, những người chắc hẳn muốn tự mình gánh vác những khoản đầu tư của mình trong lãnh vực văn hóa. Tôi chắc chắn rằng họ (những nhà đầu tư) cũng đều yêu thích nền âm nhạc lãng mạn và nền hội họa của trường phái ấn tượng, và tôi cũng đoan chắc rằng, mặc dù không biết gì về ông chủ tịch Ngân Hàng Liên bang Đức, trong thời gian nhàn rỗi của mình, giống như ông thống đốc Ngân Hàng Pháp Jean-Claude Trichet, ông cũng ngâm thơ và có những hoạt động bảo trợ văn nghệ.
“Như vậy, cần phải kiểm soát các ngân sách công, giảm các loại thuế đến một mức có thể chấp nhận được trong dài hạn.” Ông nói tiếp.
Cần phải hiểu như sau: giảm các loại thuế trên các nhà đầu tư đến một mức có thể chấp nhận được đối với chính các nhà đầu tư này, nhờ vậy tránh khuyến khích họ đi đầu tư ở những nơi khác. Chúng ta hãy tiếp tục đọc: “Cần phải cải tổ chế độ bảo hiểm xã hội.” Tức là – một luận điểm được lặp lại một lần nữa - phải chôn vùi cái Nhà Nước Phúc Lợi và những chính sách bảo hiểm xã hội, đã được xây dựng làm cho niềm tin của các nhà đầu tư bị sụp đổ, gây nên sự ngờ vực chính đáng của họ, vì họ tin chắc là những thành quả kinh tế mà họ thu được - người ta thường hay nói đến những thành quả xã hội thì cũng có thể nói đến những thành quả kinh tế - tức là những vốn đầu tư của họ không thể nào tương hợp với những thành quả xã hội của những người lao động, và những thành quả kinh tế này đương nhiên cần phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào, cho dù việc này sẽ tàn phá những thành quả kinh tế và xã hội khiêm tốn của đại đa số công dân trong một Châu Âu đang thành hình, những người bị chỉ rõ như là những “kẻ giàu có”, những kẻ “hưởng được nhiều ưu đãi” trong cơn khủng hoảng vào tháng 12 năm 1995[3].
Ông Hans Tietmeyer tin chắc rằng những thành quả xã hội của các nhà đầu tư, nói một cách khác là những thành quả kinh tế của họ, sẽ không thể nào tồn tại được nếu chế độ bảo hiểm xã hội hiện nay tiếp tục được duy trì. Như vậy chính cái chế độ này cần phải được cải tổ một cách khẩn cấp, vì những thành quả kinh tế của các nhà đầu tư không thể nào chờ đợi nữa. Và ông Hans Tietmeyer, một nhà tư tưởng lớn nằm trong truyền thống vĩ đại của triết lý duy tâm Đức, tiếp tục nói:
“Như vậy cần phải kiểm soát các ngân sách công, giảm các loại thuế đến một mức có thể chấp nhận được trong dài hạn, cải tổ chế độ bảo hiểm xã hội, phá vỡ những sự cứng nhắc của thị trường lao động, để làm thế nào – cụm từ “để làm thế nào” đòi hỏi một lời bình luận dài – mà một chu kỳ tăng trưởng mới (…) chỉ có thể đạt được một lần nữa chỉ khi nào chúng ta chấp nhận những nổ lực – cái “chúng ta” ở đây thật là kỳ diệu – để tạo ra một sự linh hoạt của thị trường lao động.”
Một sự đe dọa giống như một lời hăm dọa (chantage)
Mọi việc đã rõ! Những đại từ đã được sử dụng và ông Hans Tietmeyer là một thí dụ thật tuyệt vời về thuật dùng từ để làm dịu sự thật được sử dụng trên các thị trường tài chánh. Thuật dùng uyển ngữ là một điều cần thiết để khuyến khích sự tín nhiệm bền vững của các nhà đầu tư - và ta hiểu đây là cái khởi đầu và là điểm kết thúc của toàn bộ hệ thống kinh tế, cái nền tảng và cái mục đích tối hậu của Châu Âu trong tương lai -, trong khi vẫn phải tránh gây nên sự ngờ vực và sự tuyệt vọng của những người lao động. Cho dù gì đi nữa, họ (những người lao động) là một thành phần cần phải tính đến nếu muốn đạt đến một chu kỳ tăng trưởng mới được trình bày như là tương lai đang lấp lánh, nhất là khi cần phải có sự ủng hộ và nỗ lực cần thiết của họ để đạt được việc này. Vì thật sự những nỗ lực cần thiết được đòi hỏi nơi họ, cho dù rằng ông Hans Tietmeyer, thật sự đã trở thành một người thầy trong nghệ thuật dùng uyển ngữ, nói rõ: “Phá vỡ những sự cứng nhắc của thị trường lao động để làm thế nào một chu kỳ tăng trưởng chỉ có thể đạt được một lần nữa chỉ khi nào chúng ta chấp nhận những nỗ lực để tạo ra sự linh hoạt trên thị trường lao động.” Đúng là một cách vận dụng dụng tu từ học thật tài tình mà ta có thể diễn giải như sau: Cố lên các anh chị em lao động! Cùng với nhau, hãy có những nỗ lực để tạo ra sự linh hoạt được đòi hỏi nơi các anh chị em!
Thay vì đặt câu hỏi về tỷ lệ chuyển đổi của đồng euro một cách điềm tĩnh, nhà báo đã có thể hỏi ông Hans Tietmeyer về ý nghĩa mà ông gán cho những từ khóa trong ngôn ngữ của các nhà đầu tư: “sự cứng nhắc trong thị trường lao động” và “sự linh hoạt trong thị trường lao động”. Những người lao động, họ hiểu ngay ý nghĩa đó: làm việc đêm, làm việc vào những ngày cuối tuần, những giờ giấc làm việc thất thường, áp lực công việc ngày càng tăng, stress, v.v..
Ta thấy rằng cụm từ “thị trường lao động” vận hành như là một tính ngữ kỳ lạ gắn với một số từ và, giống như sự linh hoạt mà ông Hans Tietmeyer đã thể hiện trong ngôn ngữ của mình, ta có thể đề cập đến những sự cứng nhắc và tính linh hoạt trên các thị trường tài chánh. Sự kỳ lạ trong cách mà ông Hans Tietmeyer sử dụng các từ này bằng cái lưỡi cứng nhắc của mình cho phép ta nghĩ rằng, trong đầu óc của ông, ta không thể nào nghĩ đến “việc phá vỡ những sự cứng nhắc trong thị trường tài chánh” hay “những nỗ lực đề tạo ra sự linh hoạt trên các thị trường tài chánh”. Điều này khiến cho ta nghĩ rằng, ngược lại với những gì mà từ “chúng ta” được sử dụng trong câu “chỉ khi nào chúng ta chấp nhận những nỗ lực” có thể gợi ý cho ta, cái nỗ lực đó chỉ được đòi hỏi nơi những người lao động và chỉ nơi họ mà thôi. Và chính họ là đối tượng của sự đe dọa rất gần với sự hăm doạ trong câu sau đây: “để làm thế nào một chu kỳ tăng trưởng chỉ có thể đạt được một lần nữa chỉ khi nào chúng ta chấp nhận những nỗ lực để tạo ra sự linh hoạt trên thị trường lao động”. Nói một cách rõ ràng: (các người lao động) hãy dẹp bỏ đi ngay bây giờ những thành quả xã hội của mình, để tránh phá hủy sự tín nhiệm của các nhà đầu tư, nhân danh một sự tăng trưởng mà điều này sẽ mang lại cho mình trong tương lai. Đây là một logic mà các người lao động có liên quan đều biết rõ và đã nói như sau “Hãy đưa đồng hồ các anh cho tôi, tôi sẽ cho anh giờ” khi họ phê phán chính sách về sự tham gia (vào sự vận hành của xí nghiệp) mà chính quyền của De Gaulle từng đề xuất.
Ta hãy đọc lại một lần cuối những lời phát biểu của ông Hans Tietmeyer:
“Thách thức hiện nay là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho một sự tăng trưởng bền vững và cho sự tín nhiệm của các nhà đầu tư, do đó – ta hãy để ý đến cụm từ “do đó” – cần phải kiểm soát các ngân sách công, giảm các loại thuế để có được một mức độ có thể chấp nhận được trong dài hạn, cải tổ các chế độ bảo hiểm xã hội, phá vỡ những sự cứng nhắc trên thị trường lao động để làm thế nào cho một chu kỳ tăng trưởng mới chỉ có thể đạt được một lần nữa chỉ khi nào chúng ta chấp nhận những nỗ lực trên các thị trường lao động.”
Nếu một bài khác thường như vậy, một bài khác thường thật sự khác thường như vậy, lại hoàn toàn không nhận được sự quan tâm và sẽ có cái số phận của các bài báo thường nhật trên các nhật báo, và sẽ bay đi như các lá rụng, thì đó là vì nó hoàn toàn phù hợp với cái “viễn tưởng tương lai” (horizon d’attente) của đại đa số những độc giả, tức là chính chúng ta. Nhưng cái viễn tượng đó là kết quả của một sự lao động xã hội. Nếu các từ trong diễn ngôn của ông Hans Tietmeyer lại được chấp nhận một cách dễ dàng như vậy là vì chúng được sử dụng ở mọi nơi. Chúng hiện diện ở mọi nơi, được mọi người sử dụng. Chúng nó giống như loại tiền mà ta sử dụng hàng ngày, chúng ta chấp nhận chúng mà không có bất cứ sự ngần ngại nào, giống như khi ta chấp nhận một đồng tiền, tất nhiên phải là một đồng tiền ổn định và vững mạnh, thật sự ổn định và đáng được tin cậy và có uy tín, giống như đồng deutschmark: “tăng trưởng bền vững”, “sự tín nhiệm của các nhà đầu tư”, “ngân sách công”, “chế độ bảo hiểm xã hội”, “sự cứng nhắc”, “thị trường lao động”, “sự linh hoạt”, và ta còn có thể thêm “toàn cầu hóa”, “tiến trình linh hoạt hóa”, “giảm các mức độ” - nhưng không nói rõ là mức độ của cái gì - “tính cạnh tranh”, “năng xuất”, v.v..
Niềm tin có tính phổ quát này, hoàn toàn không có gì là hiển nhiên cả, đã lan rộng ra như thế nào? Một số những nhà xã hội học, đặc biệt là ở Anh và Pháp, trong một loạt sách và bài viết, đã xây dựng lại con đường mà những diễn ngôn tân tự do đã được sản xuất và lan truyền để biến thành một loại doxa, một điều hiển nhiên không thể bị đem ra để bàn cải và phê bình. Thông qua một loạt phân tích những bài viết, những nơi xuất bản, những đặc tính của các tác giả của những diễn ngôn này, những cuộc hội thảo mà họ tham gia để sản xuất những diễn ngôn ấy, v.v. các nhà xã hội học này đã cho thấy rằng, ở Anh và ở Pháp, đã có một quá trình kết hợp những nhà trí thức, những nhà báo, những doanh nhân, trong những tạp chí đã từ từ trở thành những tạp chí được xem như là chính đáng, để xác lập một quan điểm tân tự do được coi như là hiển nhiên vốn khoác lên trên những tiền giả định cổ điển nhất của tư tưởng bảo thủ của mọi thời đại và của mọi nước y phục của những duy lý hóa mang tính kinh tế.
Sự thỏa mãn mà thuyết định mệnh mang lại
Cái diễn ngôn mang dạng kinh tế này chỉ có thể được truyền đi ra ngoài cái câu lạc bộ của những người đã đề xuất ra nó bằng sự hợp tác của một số đông người, chính trị gia, nhà báo, những công dân bình thường vốn có một vốn kiến thức kinh tế học đủ để họ có thể tham gia vào sự lưu truyền mang tính phổ quát của những từ được kiểm định một cách sơ sài lấy từ một bản tóm tắt của kinh thánh kinh tế học. Một thí dụ của sự hợp tác này, đó chính là những câu hỏi của nhà báo có vẻ như là đã rất phù hợp với những mong đợi của ông Hans Tietmeyer: (ta có cảm tưởng là) nhà báo này đã thấm nhuần những câu trả lời của ông Hans Tietmeyer ngay trước khi đặt câu hỏi đến mức anh có thể sản xuất ra những câu trả lời này. Chính là thông qua những sự đồng lõa thụ động như vậy mà một quan điểm tân tự do, mà thật sự là bảo thủ, đã lần lần được áp đặt. Quan điểm này đặt cơ sở trên một niềm tin đã từng có trước đây vế sự tất yếu mang tính lịch sử dựa trên tính quyết định của các lực lượng sản xuất. Chắc có lẽ không phải là một sự ngẫu nhiên nếu đã có bao nhiêu người thuộc thế hệ của tôi đã chuyển từ một thuyết định mệnh mác xít sang một thuyết định mệnh tân tự do: trong cả hai trường hợp, thuyết duy kinh tế đều làm cho ta đánh mất tinh thần trách nhiệm và động cơ để hành động bằng cách xóa bỏ cái chính trị và áp đặt một loạt những cứu cánh không cần phải bàn đến (mà ai cũng công nhận), sự tăng trưởng tối đa, áp lực có tính mệnh lệnh của sự cạnh tranh và của năng suất, và cùng lúc một loại lý tưởng về con người mà ta có thể gọi là lý tưởng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Ta không thể nào chấp nhận quan điểm tân tự do mà không chấp nhận tất cả những gì kèm theo, phong cách sống chạy theo tiền bạc và hạnh phúc vật chất của những nhân viên cao cấp trẻ (yuppie), sự thống trị của sự tính toán thuần lý hay của sự vô liêm sỉ, sự chạy theo tiền bạc được thiết lập như là một mô hình mang tính phổ cập. Xem ông chủ tịch Ngân Hàng Liên Bang Đức như là một người thầy tinh thần chính là chấp nhận loại triết lý đó.
Điều đáng ngạc nhiên là thông điệp mang tính định mệnh này lại tự khoác lên mình bộ áo của một thông điệp mang tính giải phóng thông qua một loạt những trò chơi về ngữ nghĩa xung quanh các ý tưởng về tự do, về tiến trình tự do hóa, về sự phá vỡ những quy tắc, v.v., một loạt những uyển ngữ, hay cách sử dụng kép một số từ - chẳng hạn từ cải tổ - đều nhắm tới việc trình bày một sự phục hưng như là một cuộc cách mạng, theo một logic vốn là logic của mọi cuộc cách mạng mang tính bao thủ.
Nếu hành động mang tính biểu tượng này đã thành công để biến thành một niềm tin mang tính phổ quát, một phần là nhờ đã thông qua những thao tác mang tính hệ thống và có tổ chức của các phương tiện truyền thông.
Việc làm tập thể này nhắm tới việc sản xuất ra một loạt những huyền thoại, những “ý tưởng chủ đạo” có hiệu quả và còn lôi cuốn nữa, vì nó thao tác những niềm tin: chẳng hạn như huyền thoại “toàn cầu hóa” và những hậu quả không thể tránh được trên các nền kinh tế quốc gia hay huyền thoại của những “điều mầu nhiệm” tân tự do, của Mỹ hay Anh. Về huyền thoại cho rằng những bất bình đẳng xã hội và kinh tế được giảm đi ở Mỹ, ta có thể đối chiếu nó với công trình nghiên cứu của một nhà xã hội học, Loic Wacquant, cho thấy rằng ở Mỹ “Nhà Nước từ thiện” vốn dựa trên một quan niệm mang tính dạy đời về sự nghèo khổ, lại được kèm theo với một Nhà Nước xã hội bảo đảm sự an sinh tối thiểu cho các giai cấp trung lưu và một Nhà Nước mang tính trấn áp để chống lại những hệ quả của bạo lực gắn với tiến trình làm cho những điều kiện sinh sống của đại đa số người dân trở thành bấp bênh hơn nữa, đặc biệt là người dân da đen. Chẳng hạn như bang Californie đã từng được một số nhà xã hội học Pháp xem như la thiên đường của mọi sự giải phóng, nay dành cho các nhà tù một ngân sách cao hơn nhiều so với ngân sách được dành cho toàn bộ các định chế đại học vốn là những trường nổi tiếng nhất trên thế giới.
Một thí dụ khác, đó là nước Anh, một nước mà ta rất thường hay nghe nói là đã giải quyết được vấn đề thất nghiệp, nhưng thật sự đã nhân lên số việc làm bấp bênh khiến cho các người lao động Anh khám phá với sự khao khát những thành quả xã hội nay vẫn còn tồn tại ở Pháp. Một cách nghịch lý, đúng vào thời điểm mà người ta nói với người dân Pháp rằng những người lao động ở Anh rất hạnh phúc trong nỗi khổ của chính mình.
Phải chăng ta đang chứng kiến một sự thoái biến của Nhà nước vốn đã thành hình trên phương diện lịch sử qua tiến trình tập trung liên tiếp của sức mạnh vật chất (công an và quân đội), của vốn văn hóa (hệ mét, v.v.) và của vốn biểu tượng. Một trong những hệ quả của triết lý tân tự do vốn chỉ là cái mặt nạ của một triết lý bảo thủ cũ kỹ, là dẫn đến một sự thoái hoá của Nhà Nước hướng tới một Nhà Nước tối thiểu hoàn toàn phù hợp với lý tưởng của những kẻ thống trị, tức là một Nhà Nước được tóm gọn trong những lực lượng trấn áp, như sự tăng trưởng của những chi tiêu được dành cho bộ máy cảnh sát chứng minh.
Sự tín nhiệm của các thị trường hay sự tín nhiệm của nhân dân
Để kết thúc ta hãy trở lại từ khóa chính trong diễn ngôn của ông Hans Tietmeyer, “sự tín nhiệm của các thị trường”. Cái hay của từ này nằm ở chỗ nó làm sáng tỏ sự lựa chọn lịch sử mà mọi quyền lực buộc phải đối phó: giữa sự tín nhiệm của các thị trường và sự tín nhiệm của nhân dân, cần phải lựa chọn. Chính sách nào nhắm tới việc giữ được sự tín nhiệm của các thị trường thì tất yếu mất đi sự tín nhiệm của nhân dân.
Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây về thái độ đối với các chính trị gia, hai phần ba các người được khảo sát cho là các chính trị gia không có khả năng nghe và quan tâm đến những gì mà người dân Pháp nghĩ. Đặc biệt đó là một sự trách móc thường được những ai ủng hộ Mặt Trận Quốc Gia[4] chia sẻ. Ta có thể lấy làm tiếc về sự sự lớn mạnh không thể nào cưỡng lại của Mặt Trận này, nhưng chắc ta không bao giờ nghĩ đến một mối quan hệ nào giữa Mặt Trận và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Cần phải thấy mối quan hệ giữa sự tín nhiệm của các thị trường tài chánh hay của các nhà đầu tư – mà người ta muốn cứu vãn bằng mọi giá – và sự ngờ vực của người công dân. Ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi, kinh tế học là một khoa học trừu tượng có cơ sở trên một đứt đoạn, hoàn toàn không thể biện bạch được, giữa cái kinh tế và cái xã hội vốn xác định thuyết duy kinh tế. Sự đứt đoạn này là nguyên lý giải thích sự thất bại của mọi chính sách không có mục tiêu nào khác ngoài việc bảo vệ “cái trật tự và sự ổn định kinh tế”, tức là đồng deutschmark. Đó chính là cái tuyệt đối mà ông Hans Tietmeyer là người ca ngợi (desservant).
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:
[1] Bài này là bản ghi lại một bài nói chuyện của Pierre Bourdieu tại các buổi gặp gỡ văn hóa Pháp – Đức tại Fribourg năm 1996, đã và vẫn còn gây nên nhiều cuộc tranh luận ở Đức.

[2] Le Monde, 17 tháng 10 1996.

[3] Tháng 12 năm 1995 đã xảy ra những cuộc đình công lớn nhất của giai cấp lao động ở Pháp từ sau Thế Chiến thứ 2 chống lại chính sách của thủ tướng Juppé muốn xóa bỏ một số thành quả xã hội (bảo hiểm xã hội/y tế, chế độ làm việc, chế độ hưu trí) mà thành phần lao động, đặc biệt là các công nhân viên Nhà Nước đã dành được trong mấy mươi năm đấu tranh. Giới chủ đã tấn công những thành quả này và tố cáo những người lao động, đặc biệt là công nhân viên Nhà Nước như là những “kẻ giàu có”, “những người hưởng nhiều ưu đãi”. Pierre Bourdieu đã tham gia một cách trực tiếp vào cuộc đấu tranh này không chỉ qua những bài viết của mình mà còn tham gia những cuộc biểu tình do thành phần lao động tổ chức (ND).

[4] Mặt Trận Quốc Gia (Front National) là một đảng cực hữu ở Pháp

Print Friendly and PDF