29.4.18

TPP - những thách thức trước khả năng Hoa Kỳ quay trở lại TPP

TPP: NHỮNG THÁCH THỨC TRƯỚC KHẢ NĂNG HOA KỲ QUAY TRỞ LẠI TPP (NẾU TRUMP XÁC NHẬN ĐIỀU ĐÓ)

Trong khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 18 tháng 4 năm 2018 tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên dòng tweet về thái độ khinh thị của ông đối với TPP. Tuy nhiên, một ngày trước đó, ông đã gợi lên khả năng Mỹ quay trở lại hiệp ước được người tiền nhiệm Barack Obama đàm phán. (Nguồn: CBC)
Vào hôm thứ hai, ngày 16/4/2018, Tổng thống Mỹ đã gây bất ngờ khi đề cập đến khả năng Hoa Kỳ quay trở lại TPP, hay Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Tức là mười lăm tháng sau quyết định rút khỏi hiệp định thương mại tự do rộng lớn này với 11 quốc gia châu Á ngoại trừ Trung Quốc, hiệp định mà Barack Obama làm cơ sở thương mại để xoay trục sang châu Á. Nếu Trump xác nhận điều đó, thì liệu sự quay trở lại có dễ dàng không? Nhìn vào bối cảnh của sự thay đổi kịch tính này, không có điều gì là chắc chắn cả.

TRÊN ĐƯỜNG GÂY CHIẾN

Nếu không tấn công được kẻ thù, thì Trump sẽ tấn công đồng minh của mình! Đó là điều mà chính quyền Mỹ đã gợi ý qua các biện pháp được thực hiện vào tháng 3: tăng thuế quan hàng nhập khẩu nhôm và thép, vì lợi ích an ninh quốc gia, một biện pháp đụng đến các mặt hàng thép của châu Âu, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhiều hơn so với việc Hoa Kỳ nhập khẩu [thép] từ Trung Quốc (3%). Bằng cách nêu lên lợi ích an ninh quốc gia, ông chủ Nhà Trắng đã tự cho mình có thêm nhiều không gian để đàm phán với các đồng minh trong những ngày tới tiếp sau thông báo này.
Hai tuần sau, Trump đã tung ra loạt tấn công đầu tiên chống lại Bắc Kinh. Cuộc tấn công phẫu thuật nhắm đến 1300 sản phẩm tượng trưng cho 50 tỷ US$ hàng nhập khẩu, tức ít hơn một phần mười lượng hàng mà Mỹ mua của Trung Quốc. Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ, đã không nhắm đến những sản phẩm mà Hoa Kỳ nhập khẩu từ đất nước của Tập Cận Bình. Cuộc tấn công này mang tính phòng ngừa và liên quan đến những sản phẩm có điểm chung là thuộc chương trình "Made in China 2025 [Sản xuất tại Trung Quốc, 2015]". Robert Lighthizer liệt kê một danh mục các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ cao mà Trung Quốc có kế hoạch đạt được tỷ lệ tự cung tự cấp là 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Trump đe dọa sẽ tăng 25% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu đó, sẽ có hiệu lực sau hai tháng tham vấn. Song song đó, bỏ qua những chỉ trích mà ông nhắm đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi gây trở ngại cho hoạt động của WTO bằng cách trì hoãn việc thay thế các giám đốc người Mỹ, cũng ngài Donald Trump đó đã đệ đơn khiếu nại Trung Quốc ở WTO – nhân đó Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng hùa theo – về những phương thức chuyển giao công nghệ được áp đặt đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc.
Người Trung Quốc đã phản ứng lại đợt tấn công của Mỹ bằng cách thông báo tăng thuế quan 50 tỷ US$ lên hàng nhập khẩu đối với 230 sản phẩm. Mang tính tập trung cao hơn so với cuộc tấn công của Mỹ, sự đáp trả này mang tính chính trị nhiều hơn. Thật vậy, những doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp này đang sử dụng 2 triệu người lao động ăn lương – thuộc các ngành chế biến chất nhựa, chế tạo máy bay, sản xuất ô tô, nông sản, trong đó có đậu nành, chăn nuôi – đang hoạt động tại 2478 hạt ở Hoa Kỳ. Khi phân phối những người lao động ăn lương này theo phiếu bầu (tập hợp phiếu bầu theo từng hạt), có vẻ như biện pháp của Trung Quốc ảnh hưởng đến các cử tri thuộc cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ (1,1 triệu người và 0,9 triệu người). Ngược lại, nếu tiến hành phân tích ở cấp hạt, thì các kết luận sẽ khác: các biện pháp này ảnh hưởng đến 2239 hạt đã bỏ phiếu cho Trump và 139 hạt đã bỏ phiếu cho Clinton. Với​​ một hiểu biết sâu sắc về địa lý chính trị Mỹ, cú phản đòn của Trung Quốc gây áp lực mạnh lên những đại diện cử tri của Trump, trong đó có người nông dân thuộc miền Trung Tây Hoa Kỳ, những người xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc và có doanh thu bị giảm vào năm 2018.
Đáp trả như vậy, Trung Quốc chứng minh rằng một cuộc chiến thương mại sẽ không có người thắng kẻ thua, trái ngược với tuyên bố của Trump, nhưng sẽ có nhiều người thua ở cấp độ địa phương. Bất ngờ trước sự đáp trả của Trung Quốc, Trump đã thông báo sẽ đệ trình một danh sách hàng nhập khẩu thứ hai có giá trị 100 tỷ US$. Như Gandhi đã từng nói, chính sách trừng phạt ăn miếng trả miếng, chỉ dẫn đến một thế giới của những thằng chột! Đứng trước việc Mỹ leo thang dọa dẫm, Tập Cận Bình đã lấy lại vị thế nhà vô địch toàn cầu hóa tại Diễn đàn Boao và công bố các biện pháp có khả năng làm giảm thâm hụt của Mỹ.

CÚ ĐÁNH LỪA

Bối cảnh này giải thích sự quay ngoắt của Tổng thống Hoa Kỳ, người đã yêu cầu các cố vấn của mình xem xét lại quan điểm của Nhà Trắng đối với TPP. Ngay cả khi ông đã đề cập đến vấn đề đó ở Davos, sự thay đổi này, theo mong muốn của Đảng Cộng hòa, là điều đáng ngạc nhiên. Nó làm hài lòng các nhà xuất khẩu nông sản của Mỹ, những người đã phản đối việc [Hoa Kỳ] rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và quan ngại các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Nó cũng gây ra một sự phản đối từ những công nhân của các bang phi công nghiệp hóa, những người chống lại TPP và đã bỏ phiếu cho Trump sau khi mong muốn [cựu ứng cử viên tổng thống] Sanders chiến thắng. Vì thế, việc Hoa Kỳ quay trở lại hiệp ước của ngày hôm qua sẽ đối mặt với nhiều trở ngại.
Ở châu Á, sự quay ngoắt của Trump đã được những nước từng nhiều năm đàm phán TPP với Hoa Kỳ chào đón một cách nhẹ nhõm, những nước đã tham gia các cuộc đàm phán để đi đến kí kết một TPP với 11 nước – không có Washington. Tuy nhiên, hiệp định này không hề là một "TPP trừ một". Đây là một hiệp ước mới, không giữ lại tất cả các điều khoản của hiệp định mà Obama đã đạt được, bắt đầu với điều khoản về sở hữu trí tuệ – điều khoản từng được đàm phán một cách khó khăn nhất – và điều khoản về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Liệu sự quay trở lại của Hoa Kỳ có đủ để thuyết phục mười một quốc gia chấp nhận việc đưa vào lại các biện pháp này không? Điều này càng khó xảy ra khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPPthu hút các nước châu Á khác: Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Đài Loan. Trong những điều kiện này, người Mỹ sẽ khó mà đàm phán một hiệp định có lợi hơn cho họ. Nhất là kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP đã làm suy yếu một cách nghiêm trọng sự tin tưởng của người châu Á vào lời nói của tổng thống Hoa Kỳ.
Donald Trump cũng sẽ phải đàm phán với Quốc hội vốn đã phản đối rất nhiều sáng kiến ​​của Obama để đưa hiệp ước đến thành công. Đảng Cộng hòa quan tâm nhiều đến những biện pháp gắn với sở hữu trí tuệ, và đảng Dân chủ thì quan tâm nhiều hơn đến các điều khoản về điều kiện làm việc và tự do nghiệp đoàn. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới có thể làm thay đổi ván bài chính trị, bằng cách buộc tổng thống phải chung sống với một phe đa số thuộc đảng Dân chủ. Khi đó, ông có thể cáo buộc đảng Dân chủ đã ngăn cản ông thực hiện chương trình của mình. Khi đó, người ta có thể tự hỏi liệu thông báo [quay trở lại TPP] này, rốt cục, có phải là một cú đánh lừa và một cách đơn giản để lan truyền tin đồn không.

Giới thiệu tác giả

Jean-Raphaël Chaponnière
Jean-Raphaël Chaponnière là nhà nghiên cứu cộng tác với Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường(Armand Colin, 270 trang, năm 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF