2.7.18

Các mô hình kinh tế có thật sự trung tính về mặt ý thức hệ không?

CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ CÓ THẬT SỰ TRUNG TÍNH VỀ MẶT Ý THỨC HỆ KHÔNG?

Bernard Guerrien
Nhà nghiên cứu kinh tế thuộc SAMM (Statistique appliquée et modélisation multidisciplinaire) của Centre d’économie de la Sorbonne

Tóm tắt

Những mô hình kinh tế, kể cả các mô hình sử dụng toán học không thể thoát khỏi hệ tư tưởng – những tin tưởng tiên nghiệm của các tác giả của chúng. Điều này không có gì là sai trái, trừ phi một số những mô hình này được trình bày, dù có ý thức hay không, một cách sai lạc để biện minh cho những tin tưởng ấy. Như thế hệ tư tưởng lấn át lí trí. Nhiều thời gian và năng lượng đã bị phung phí trong việc thiết kế các mô hình trên, vốn là nguồn gốc của những lẫn lộn hơn là của sự tiến bộ của tri thức.

Dẫn nhập

Hệ tư tưởng thường được hiểu như một tập những tin tưởng tiên nghiệm mà một người rất gắn bó. Không thể tránh được kiểu tin tưởng này trong kinh tế học, khi mà hiếm khi việc thí nghiệm cho phép phân định giữa các lí thuyết lấy cảm hứng từ những tin tưởng trên. Chẳng hạn, trào lưu gọi là trào lưu “Áo” tin chắc rằng hệ thống các thị trường là điều tốt nhất mà nhân loại đã tìm ra để giải quyết các vấn đề có tính vật chất, trong khi đối với các nhà marxist hệ thống này tất sẽ biến mất để nhường chỗ cho một hệ thống công bằng và hiệu quả hơn. Những tin tưởng tiên nghiệm trên khiến “các nhà kinh tế Áo” và các nhà kinh tế marxist bác bỏ các mô hình. Đối với các tác giả đầu đó là vì chúng mang mầm mống của sự can thiệp tất nhiên là tai hại của Nhà nước và đối với các tác giả sau vì họ đấu tranh cho sự tiêu vong của chủ nghĩa tư bản chứ không phải để thiết kế các mô hình nhằm sửa sai nó.
Do đó những nhà kinh tế xây dựng các mô hình không thừa nhận những tin tưởng tiên nghiệm của các nhà kinh tế “Áo” hay của các nhà kinh tế marxit. Hơn nữa, họ còn có xu hướng nghĩ rằng việc sử dụng toán học khiến họ miễn nhiễm với hệ tư tưởng – một điều sai lầm mà việc nghiên cứu hai loại mô hình lớn trong kinh tế học, vi mô lẫn vĩ mô, sẽ cho thấy.

Về hệ tư tưởng trong kinh tế học vi mô

Kinh tế học vi mô truyền thống (hay “lí thuyết tân cổ điển”) được xây dựng xung quanh mô hình cân bằng chung, một mô hình cung cấp một biểu trưng những quan hệ hàng hoá giữa các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Lúc nguyên thuỷ, có một quyết tâm cung cấp một cơ sở duy lí cho sự tin tưởng rằng những cuộc trao đổi bị chi phối bởi “qui luật cung cầu” sẽ dẫn đến một cân bằng – trạng thái mà mỗi người có thể hoàn thành các mục tiêu của mình (tối đa hoá sự thoả mãn hay lợi nhuận, tuỳ trường hợp), có tính đến những nguồn lực mình có được. Vào cuối thế kỉ XIX khi các lí thuyết gia lần đầu tiên hình thức hoá mô hình cân bằng chung giả định là các thị trường tự tổ chức bằng cách ấn định một giá duy nhất cho mỗi sản phẩm, trên cơ sở đó các tác nhân phát biểu những cung và cầu của mình[1]. Như vậy, nếu những cung và cầu này chỉ phụ thuộc vào giá cả thì có thể thể hiện chúng bằng những biểu tượng toán học đơn giản – ví dụ, oi(P) và di(P) cho cá thể i ở những giá P. Khi giá cả là sao cho tổng những cung cá thể của mỗi sản phẩm bằng với tổng những cầu cá thể của mỗi sản phẩm thì ta nói rằng có sự cân bằng. Do đó về mặt toán học, các giá cân bằng là nghiệm của một hệ thống n phương trình, một phương trình cho mỗi sản phẩm, với n ẩn số (giá của sản phẩm).
Để chứng minh được là một hệ thống như thế có ít nhất một nghiệm không âm, các lí thuyết gia tân cổ điển buộc phải giả định một dạng rất đặc biệt các cuộc trao đổi là “cạnh tranh hoàn hảo”, trong đó có “ai đó” hay “cái gì đó” :
1. Đề xuất những giá mà trên cơ sở đó những cung và cầu được hình thành
2. So sánh cho mỗi sản phẩm tổng của những cung và cầu
3. Trên cơ sở này tìm kiếm cân bằng bằng cách thay đổi giá cả và vừa phải ngăn cản những giao dịch diễn ra trực tiếp giữa các tác nhân.
Hình thức tổ chức này – mà các nhà kinh tế vi mô hầu như không bao giờ làm rõ[2] – là của một hệ thống cực kì tập trung.
Một cách nghịch lí, khi tìm cách chứng minh rằng hệ thống những “thị trường tự do và phi tập trung” phân bổ một cách hiệu quả các nguồn lực, ta đạt đến một kết luận trái ngược : duy chỉ một hệ thống tập trung – dưới sự dẫn dắt của một người tốt bụng được gọi là “thư kí thị trường”, “đấu thủ-thị trường” hay “người xướng giá” – mới cho phép đạt dược kết quả này.
Lí trí muốn rằng phải vứt bỏ đi mô hình cạnh tranh hoàn hảo vì nó không liên quan gì đến thế giới mà nó có tham vọng biểu trưng, nhưng điều này sẽ đi ngược lại niềm tin đã ăn sâu trong đa số các nhà kinh tế. Do đó, đặc biệt trong các sách giáo khoa nhập môn, có một sự trình bày những mô hình của mô hình cạnh tranh hoàn hảo đủ mơ hồ như thể để hàm ý rằng các giả thiết này tương thích với niềm tin ấy, ít ra là trong trường hợp “hoàn hảo”. Thay vì liệt kê các giả thiết này, các sách giáo khoa tự bằng lòng với việc nêu lên những “điều kiện” mập mờ (“tính nguyên tử”, “sự minh bạch”, “tính đồng nhất” hay “tự do gia nhập”) mà mỗi người có thể kiến giải theo cách của mình và để trong bóng tối đặc tính chính của mô hình : một tổ chức cực kì tập trung các cuộc trao đổi (Guerrien, 2015a).
Đã từ lâu các nhà kinh tế tân cổ điển tìm cách tự bảo vệ chống lại những phê phán gieo sự nghi ngờ đối với một số giả thiết của mô hình của họ. Như vậy, họ đã đề xuất lập luận như thể : nếu chúng ta làm như thể các giả thiết là xác đáng, cho dù hiển nhiên chúng không như thế, và chỉ quan tâm đến những tiên đoán rút ra từ đó. Nếu các tiên đoán này được xác thực, thì có thể xem rằng các mô hình là có hiệu lực (không bị bác bỏ). Cách quan niệm kì lạ này về quan hệ giữa lí thuyết và thực tế không đủ để cứu vãn mô hình cạnh tranh hoàn hảo vì những nhà kinh tế toán học xem xét nó đã đi đến kết luận là mô hình này không thể cung cấp những tiên đoán – hay đúng hơn, theo các tác giả của cuốn sách giáo khoa uy tín nhất về kinh tế học vi mô thì “bất kì điều gì đều có thể xảy ra” (anything goes) (Mass-Colell et alii, trang 698)[3]. Đặc biệt điều này có nghĩa rằng không gì đảm bảo hiệu lực của “quy luật cung cầu”[4], đến độ là không còn lí do để một cân bằng nổi lên và để cho cân bằng này là cân bằng duy nhất. Nói chung, trong trường hợp “hoàn hảo”, “không có ma sát”, hệ thống là không ổn định, chuyển động liên tục, theo chu kì hay một cách hỗn độn, không bao giờ đạt tới trạng thái ngưng nghỉ đặc trưng cho một cân bằng (Besnicourt và Guerrien, 2008, trang 74 và tiếp sau).
Kết quả này, được biết dưới tên định lí Sonnenchein, được xác lập trong những năm 1970. Nó đáng lẽ ra phải khiến những ai bảo vệ lập luận như thể bác bỏ mô hình cạnh tranh hoàn hảo. Hoàn toàn không, một lần nữa hệ tư tưởng đã chiến thắng lí tính.

Về những “ứng dụng” của kinh tế học vi mô

Trong các sách giáo khoa kinh tế vi mô, đặc biệt là các sách tự nhận là “sơ đẳng”, thường ta có thể thấy những cái gọi là “ví dụ bằng số” có thể tạo cảm giác rằng kinh tế học vi mô được “ứng dụng” trong thực tế. Nói chung các ví dụ này là thuần tuý tưởng tượng, một điều không mấy ngạc nhiên cho trường hợp của cạnh tranh hoàn hảo mà thế giới của nó hoàn toàn không liên quan gì đến thế giới chúng ta. Để trở về với thế giới của chúng ta thì ít ra phải thừa nhận là có những tác nhân – ví dụ, các doanh nghiệp – đề nghị giá cả. Như vậy các mô hình phải đưa vào cung hoặc cầu mà các tác nhân này dự kiến ở những giá có thể, có tính đến những phản ứng khả dĩ của những tác nhân khác trong nền kinh tế. Cách tiếp cận bằng khái niệm cân bằng chung trở thành quá phức tạp nên các nhà kinh tế vi mô tự giới hạn ở các mô hình cân bằng bộ phận xử lí chỉ một sản phẩm duy nhất (độc quyền, độc quyền vài người, cạnh tranh độc quyền) hay chỉ những quan hệ song phương (cách tiếp cận bằng hợp đồng với thông tin không đối xứng) giữa những ứng viên trong trao đổi (ví dụ, người sử dụng lao động và người lao động). Như vậy lí thuyết hiện ra như một danh sách dài không có điểm kết thúc những mô hình “nhỏ” mà các “lời giải” (cân bằng) là cực kì nhạy cảm với các giả thiết về thông tin các tác nhân có được và về phản ứng của các tác nhân khác. Tuy nhiên, điểm chung của tất cả các lời giải này là phân bổ không hiệu quả các nguồn lực, trái với trường hợp của cân bằng cạnh tranh hoàn hảo. Do đó tầm quan trọng của cân bằng cạnh tranh này, được trình bày như một lí tưởng không với tới được nhưng vẫn phải tìm cách tiệm cận. Đây là một điều vô nghĩa vì không ai thật sự nghĩ đến việc chấp nhận, dù chỉ một phần, hình thái tổ chức vô cùng tập trung mà mô hình cạnh tranh hoàn hảo, trong các giả thiết “toán học” của nó, đòi hỏi. Do đó sự hiểu lầm chung quanh các giả thiết này – chỉ giải thích được bằng những lí do ý thức hệ – là cội nguồn không đổi của những lẫn lộn. Trái lại, ta có thể nhận xét là không có bất kì dấu vết nào của các mô hình này, hay ngay cả của kinh tế học vi mô nói chung, trong cả ngàn nguồn tham chiếu trong tập Encyclopédie de gestion của Simon và Joffre, một tác phẩm trước hết dành cho những nhà thực hành.
Noah Smith
Trong một bài viết gần đây, Noah Smith, một trong những nhà kinh tế viết blog rất nổi, điểm qua những “thành công” của kinh tế học vi mô, được ông ấy đối lập với những thất vọng đối với kinh tế học vĩ mô vốn bị mất uy tín do đã không thấy trước cuộc khủng hoảng năm 2008 (Smith, 2014a). Kết quả của bản tổng kết này là hơi khiêm tốn và nhất là không liên quan gì nhiều đến những gì ta thấy trong các sách giáo khoa kinh tế vi mô. Ví dụ được Noah Smith yêu thích là ví dụ về một mô hình đã dự đoán đúng đắn – vào năm 1972 ! – số lượng hành khách có khả năng sử dụng một tuyến đường xe hoả mới ở San Francisco. Mô hình được xây dựng với một tí tâm lí học sơ đẳng, các cuộc điều tra về chi phí, thực tế và theo cảm nhận, của những phương tiện vận chuyển khác nhau và vài kĩ thuật thống kê cổ điển về xử lí dữ liệu. Ta ở cách xa những điểm tinh tế của lí thuyết với những tác nhân “nhận giá” (price taker – ND) vì trong mô hình này chủ đầu tư là Nhà nước, một tác nhân rất đặc biệt.[5] Những ví dụ khác được Noah Smith nêu lên thuộc về lí thuyết mechanism design (thiết kế cơ chế), thuật ngữ để chỉ cách tổ chức “tốt nhất” một số kiểu trao đổi : đấu giá trong trường hợp thương mại hay kết đôi các cá nhân (ứng viên hôn nhân, hiến tạng giữa những cá nhân có nội tạng tương thích, tuyển dụng bác sĩ nội trú trong các bệnh viện, ...) trong trường hợp phi thương mại. Cách tiếp cận này rõ ràng có tính chuẩn tắc và thuộc về lĩnh vực kế hoạch hoá hơn là “thị trường tự do”, một điều không mấy ngạc nhiên khi nghĩ đến tính nước đôi của kinh tế học vi mô.

Về hệ tư tưởng trong kinh tế học vĩ mô

John M. Keynes (1883-1946)
Nhà nước, tác nhân thiết yếu của nền kinh tế, không thể tự bằng lòng với những trò chơi toán học nhỏ trong cạnh tranh hoàn hảo của các nhà kinh tế. Nhà nước yêu cầu họ phải cung cấp những công cụ để hỗ trợ cho chính sách kinh tế của mình. Đó là vai trò của kinh tế học vĩ mô vốn ngay tức thì theo một quan điểm tổng thể khi quan tâm đến những quan hệ giữa các đại lượng tổng gộp như sản xuất, tiêu dùng, đầu tư. Lấy cảm hứng trước tiên từ Keynes, các mô hình kinh tế vĩ mô đầu tiên được hợp thành từ một số nhỏ quan hệ thực nghiệm – hay mong muốn được như thế – giữa các đại lượng tổng gộp mà nổi tiếng nhất là quan hệ giữa tiêu dùng và thu nhập được Keynes gọi là “quy luật tâm lí”. Thêm vào các quan hệ này còn có những đẳng thức kế toán, kết quả của chính ngay định nghĩa của các đại lượng tổng gộp và thể hiện những sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các khu vực của nền kinh tế.
Nhưng sự đồng thuận được xây dựng sau cơn Đại suy thoái trên cơ sở của các mô hình này chỉ kéo dài một thời gian. Khi kí ức về cuộc khủng hoảng những năm 1930 phai dần thì những chia cắt có tính ý thức hệ lại nổi lên ngay trong nội bộ của trào lưu thống trị giữa, một mặt, “những ai tin tuyệt đối (hay gần như tuyệt đối) vào thị trường” và, mặt khác, “những ai tin vào thị trường với một số dè dặt”. Đối với những tác giả đầu, phải giới hạn sự can thiệp của Nhà nước ở mức tối thiểu trong khi đối những tác giả sau thì sự can thiệp này là cần thiết trong một số tình huống, mà vả lại còn biến đổi theo từng tác giả một (Guerrien, 2015, b).
Những mô hình “keynesian” của thời hậu chiến, mang dấu ấn của cuộc khủng hoảng những năm 1930, trước tiên đã bị các nhà “trọng tiền” – vốn trách chúng là đã không dự báo lạm phát trong những năm 1960 – đặt thành vấn đề rồi nhất là các nhà “cổ điển mới”[6] mà đối với họ sự thiếu vắng những “cơ sở kinh tế vi mô” của các mô hình này là nguồn gốc của những những điều không nhất quán. Lí thuyết cân bằng chung đã có thể là lí thuyết duy nhất có thể tránh được những điều này nhưng nó vấp phải chướng ngại không thể vượt qua là định lí Sonnenschein, theo đó “bất kì điều gì đều có thể xảy ra”. Tuy nhiên các nhà “cổ điển mới” không biết đến chướng ngại này khi chọn một trong những giả thiết đáng kinh ngạc nhất : họ giả định rằng diễn tiến đã qua của nền kinh tế của một nước là kết quả của sự lựa chọn của một tác nhân tối đa hoá sự thoả mãn bản thân bằng cách quyết định ngày hôm nay việc phân chia sản xuất của mình giữa tiêu dùng và đầu tư (và phân chia thời gian giữa thời gian lao động và thời gian nhàn rỗi), đồng thời dự đoán đúng đắn tương lai, li lai một vài ngẫu nhiên – những dự kiến của tác nhân này là những “dự kiến duy lí”. Đây được gọi là giả thiết về “tác nhân tiêu biểu”.
Alan Kirman (1939-)
Robert Solow (1924-)
Vài tiếng nói uy tín ngay trong chính trào lưu thống trị, trong đó có Alan Kirman (1992) và Robert Solow (2008), đã tìm cách lưu ý đến tính phi lí của giả thiết trên mà không có ai đáp trả họ, vì không có lập luận[7] (Hartley, 1997). Các tiếng nói trên đặc biệt nhấn mạnh đến việc là chung quy giả thiết này trục xuất ra khỏi kinh tế học vĩ mô vấn đề trung tâm của tính tương thích của các quyết định được lấy bởi những tác nhân có những quyền lợi (phần nào đối lập nhau) và những tin tưởng khác nhau về tương lai. Như vậy, không có lí do gì để tổng số tiền các hộ gia đình quyết định tiết kiệm trùng khớp với tổng số tiền các doanh nghiệp dành cho đầu tư, trừ phi chỉ có một tác nhân duy nhất mà theo định nghĩa đầu tư hết tất cả những gì mình tiết kiệm.
Các phê phán trên – không được đáp trả – đã không ngăn cản ý tưởng tác nhân tiêu biểu nhanh chóng thắng thế và hầu như không gặp sự kháng cự trong giới hàn lâm, điều này gây lúng túng cho những ai ngoài giới. Điều này dường như là trường hợp của các nhà thực hành làm việc trong các cơ quan và ngân hàng trung ương, vốn tiếp tục công việc của họ với những mô hình “theo kiểu cũ”, mặc dù có những mệnh lệnh và chế giễu đến từ giới đại học (Smith, 2014b).
Vả lại hai kiểu mô hình tiếp tục sống chung sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Các mô hình đi theo hướng do các nhà “cổ điển mới” mở ra – nay được gọi là “mô hình keynessian mới” – dần dần được thay đổi nhằm áp đặt cho tác nhân tiêu biểu những chướng ngại khác nhau (về mặt pháp lí, hành chinh, kĩ thuật). Những điều “không hoàn hảo” này ngăn cản việc hoàn thành trường hợp “hoàn hảo” và biện minh cho sự can thiệp của Nhà nước, cho dù để làm dịu bớt những hiệu ứng của các bất hoàn hảo (do chính sách của Nhà nước gây nên) hay để loại bỏ chúng (bằng những “cải cách cấu trúc”). Các mô hình có vẻ “thực tế” hơn, nhưng tính phi lí nằm ở nền tảng của chúng – tác nhân tiêu biểu – vẫn tồn tại.

Hệ tư tưởng và chính sách kinh tế

Những mô hình của kinh tế học vĩ mô được xem là giúp những ai cai trị chúng ta lựa chọn chính sách kinh tế. Đối với họ, việc có sẵn nhiều loại mô hình – đặt cơ sở trên những giả thiết khác nhau, thậm chí đối lập nhau – không nhất thiết là một điều bất tiện ; họ có thể chọn trong số này mô hình nào thích hợp nhất với đề án chính trị (hay hệ tư tưởng) của họ và cung cấp được một “đảm bảo khoa học”. Tuy nhiên họ biết giảm bớt tham vọng khi phải lấy những quyết định ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Chẳng hạn, khi nền kinh tế thế giới có nguy cơ sụp đổ, ta thấy đột ngột nổi lên một đồng thuận của tất cả những người ra quyết định – các chính phủ và ngân hàng trung ương – về sự cần thiết của sự can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ của các Nhà nước để cứu khu vực ngân hàng và tránh sự sụp đổ dây chuyền của cả những mảng của nền kinh tế thế giới. Lí lẽ thông thường, hay bản năng sinh tồn, đã (tạm thời) lấn át những chia rẻ ý thức hệ, mặc dù có ảnh hưởng, đặc biệt trong các đại học, của trào lưu tự do cực đoan chống đối mọi sự can thiệp.

Hệ tư tưởng và lí tính

Nếu những lí thuyết kinh tế không thể thoát khỏi hệ tư tưởng thì điều này không có nghĩa là chúng thuộc về lĩnh vực phi lí trí. Có thể nêu lên nhiều sự kiện và luận chứng để biện minh cho niềm tin vào vai trò tự điều tiết của các thị trường hay để biện minh cho điều ngược lại. Nhiều lắm là chỉ có thể hi vọng là lí tính và kinh nghiệm một ngày nào đó sẽ cho phép quyết định dứt điểm giữa những niềm tin khác nhau nằm bên dưới các mô hình kinh tế. Trái lại hệ tư tưởng làm đầu óc lạc lối khi nó dẫn đến việc trình bày một cách sai lầm một số các mô hình này, như đó là trường hợp của mô hình cạnh tranh hoàn hảo khi đưa ra một phiên bản lí tưởng hoá của các nền kinh tế phi tập trung, hay của mô hình tác nhân tiêu biểu khi được coi là “cân bằng chung”. Chính niềm tin ăn sâu cho rằng sự vận động tự do của cung và cầu chỉ có thể dẫn đến, chí là trong trường hợp “hoàn hảo”, sự phân bổ các nguồn lực là cội nguồn của một dạng mù quáng đáng kinh ngạc của những người tự nhận, chắc chắn là một cách thành thật, theo phương pháp khoa học. Như vậy, hệ tư tưởng sẽ lấn át lí tính, vả lại đây là điều mà sinh viên kinh tế học cảm nhận một cách ít nhiều rõ ràng, như những cuộc phản đối có tính lặp lại của một bộ phận trong giới này chống lại những điều mà sinh viên được giảng dạy đã chứng minh – một hiện tượng khiến ta phải suy nghĩ và không hề có trong bất kì bộ môn nào khác.
Thư mục
Bénicourt E. và Guerrien B. (2008), La théorie néoclassique, La Découverte, Paris
Boudon R. (1986), L’idéologie, Paris
Hartley J. (1997), The Representative Agent in Macroeconomics, Routledge, London
Kirman A. (1992), “Whom and What Does the Representative Individual Represent?”, Journal of Economic Perspectives, 6(2), 117-136
Simon Y. và Joffre P. (1997), Encyclopédie de gestion, Economica, Paris
Solow R. (2008), “The State of Macroeconomics: A Comment”, Journal of Economic Perspectives, 22(1), 243-249
Smith N. (2014a), “Here’s What Economics Gets Right”, bloomberg, 31 December, 2014
Smith N. (2014b), “The Foxy Fed”, blog noahpinion, April 01, 2014
 Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Les modèles économiques sont-ils vraiment idéologiquement neutres?”, Regards croisés sur l’économie, 2019/1 (n0 18)



[1] Stanley Jevons giả định sự tồn tại của những “thực thể buôn bán” và một quy luật “giá duy nhất” trong lúc Walras nói đến những “giá được rao” và gợi ý một “người tính toán” xác định giá các cân bằng (Guerrien, 2015a).
[2] ở đây làm ta liên tưởng đến những “giả thiết vô hình” của Raymond Boudon (1986).
[3] Ví dụ, cầu một sản phẩm không nhất thiết giảm cùng với giá của nó, ngược lại với những gì ta có thể nghĩ. Cũng không gì bảo đảm là giá cả hội tụ về cân bằng.
[4] Đặc biệt luật cầu có thể được kiểm chứng là đúng hay không, nghĩa là hàm di có thể là một hàm tăng hay một hàm giảm.
[5] Tác giả của mô hình, Daniel McFadden, tỏ ra dè dặt hơn Noah Smith. Vả lại có thể tự hỏi phải chăng kết quả của năm 1972 phần lớn có được là do ngẫu nhiên.
[6] Họ chọn tên như thế để quy chiếu về các nhà “cổ điển” từng bị Keynes công kích kịch liệt.
[7] Ngay cả không ai dám lập luận kiểu như thể, do sự đánh lừa quá hiển nhiên không có sức thuyết phục.

Print Friendly and PDF