11.11.18

Khi Bắc Kinh sử dụng du khách Trung Quốc như một vũ khí ngoại giao phụ trợ và Tại sao du khách TQ đổ về Thái Lan


KHI BẮC KINH SỬ DỤNG DU KHÁCH TRUNG QUỐC NHƯ MỘT VŨ KHÍ NGOẠI GIAO PHỤ TRỢ
East is Red [Đông Phương Hồng]
“Của trời cho” về du lịch của Trung Quốc, vũ khí ngoại giao phụ trợ đối với Bắc Kinh. (Nguồn: Asian Correspondent)
Một gia đình du khách Trung Quốc lăn lộn dưới đất trước một khách sạn ở Thụy Điển, nạn nhân củahành động tàn nhẫn của cảnh sát. Đại sứ Trung Quốc ra mặt lên tiếng. Hình ảnh lan truyền giống như vi-rút trên các mạng xã hội ở Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông giống như một biểu lộ bạo lực của chính sách “ngoại giao du lịch được Bắc Kinh triển khai. Từ Hàn Quốc đến Đài Loan, từ các “Con đường tơ lụa mới đến Biển Đông, chính phủ Trung Quốc mở hoặc đóng theo ý của họ “của trời cho” tài chính về du lịch để đưa ra các yêu sách về chính trị quốc tế. Các hành động đe dọa này thường có hiệu quả.
Doanh thu của ngành du lịch Trung Quốc tăng cao một cách chóng mặt. Hơn 4.566 tỷ nhân dân tệ vào năm 2017 (hơn 500 tỷ euro) cho khoảng 22,5 triệu công ăn việc làm. Để so sánh, cách đây 10 năm, lĩnh vực này chiếm khoảng năm lần ít hơn, 986 tỷ nhân dân tệ (120 tỷ euro). Và động thái này sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Trong thực tế, phần lớn nguồn vốn du lịch của Trung Quốc vẫn còn chờ được khai thác. Ví dụ, Trung Quốc đã đứng thứ hai trên thế giới, sau Italia, về các di tích được UNESCO xếp hạng.
Trong khi ngành du lịch trong nước đang tăng cao, số lượng du khách Trung Quốc đi nước ngoài cũng cao rất đáng kể. Một nghiên cứu của công ty Nielsen đã thống kê có hơn 130 triệu chuyến đi du lịch cá nhân. Trong năm 2017, mức chi tiêu của du khách Trung Quốc ở nước ngoài đạt 292 tỷ US$, trong đó 61% là ở châu Âu. Tầm quan trọng của Trung Quốc trong các nền kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch, ở các nước láng giềng hoặc ở các nước khác trên thế giới, mang lại cho Bắc Kinh một đòn bẩy ảnh hưởng hiệu quả… và một phương tiện trả đũa tiềm tàng. Chế độ chuyên quyền của Trung Quốc và khả năng huy động nhiều thành phần xã hội khác nhau để đạt được mục tiêu, phục vụ cho chiến lược du lịch bất cứ điều gì ngoại trừ tính không có hại.
DU LỊCH VÀ NGOẠI GIAO CUỐN SỔ SÉC
Đài Loan, với 24 triệu dân. Ngành du lịch chiếm 2% GDP của hòn đảo, với 400.000 công ăn việc làm gắn với ngành này. khoảng 4 triệu du khách Trung Quốc đi du lịch đến Đài Loan mỗi năm. Năm 2016, nhà lãnh đạo ủng hộ sự độc lập [của Đài Loan] Thái Anh Văn được bầu làm nữ tổng thống. Ở Bắc Kinh, các cơ quan du lịch của chính phủ lúc đó thiết kế “Blue Tour [Tour du lịch xanh]”, một tuyến du lịch né tránh một cách thận trọng tất cả các vùng của Đài Loan thuộc Đảng Dân chủ tiến bộ. Vào năm đó, số lượng du khách Trung Quốc trong khuôn khổ các tour du lịch có tổ chức đã giảm 60%. Đối với hòn đảo, sự sụt giảm mạnh này tượng trưng cho 1,6 tỷ US$ thiệt hại. Những hạn chế đối với du khách đại lục muốn đi du lịch đến Đài Loan vẫn được áp dụng, có lẽ là để gây sức ép lên hòn đảo trước các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 24 tháng 11 sắp tới.
Kiểu tình tiết này là thường xuyên trong ô cờ khu vực của Trung Quốc, được đánh dấu bởi một làn sóng du lịch mạnh mẽ đến từ lục địa. Hàn Quốc đã phải trả giá. Trong quá trình lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa phòng thủ THAAD của Mỹ vào năm 2017, các phương tiện truyền thông chính quy ở Bắc Kinh đã không ngừng lặp đi lặp lại rằng biện pháp này sẽ làm giảm số lượng du khách Trung Quốc đến miền nam bán đảo. Ví dụ, cơ quan quản lý quốc gia ngành du lịch đã ra lệnh cho các đại lý du lịch tạm ngưng các tuyến du lịch đến Seoul. Kết quả là ngân khố Hàn Quốc đã bị thiệt hại 6,8 tỷ US$ trong năm. Một trường hợp mà chính phủ Hàn Quốc đã đe dọa sẽ đưa ra trước tổ chức WTO.
Gần đây, đảo quốc Palau đã phải thúc thủ trước vũ khí ngoại giao mới của Bắc Kinh. Nhà nước tí hon của Thái Bình Dương là mục tiêu giảm rất mạnh số lượng du khách Trung Quốc. Từ 87.000 du khách vào năm 2015, con số này đã giảm xuống 58.000 vào cuối năm 2017, gây ra những khó khăn nghiêm trọng về tài chính cho các khách sạn và hãng hàng không địa phương. Không có tuyên bố chính thức nào ở Bắc Kinh, nhưng ai cũng biết khá rõ nguyên nhân không chính thức: trong số những nước cuối cùng ủng hộ Đài Loan, Palau được Bắc Kinh thúc giục cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.
Trung Quốc quản lý các điểm đến của du khách như thế nào? Chủ yếu là thông qua chiêu bài “Approved Status Destination [Điểm đến được cấp phép]”. Quy chế này là kết quả của một thỏa thuận giữa chính phủ Trung Quốc và chính phủ của nước “đến”. Nó cho phép các nhà điều hành tour tổ chức các tour du lịch theo nhóm ở các nước này. Thế mà các chuyến du lịch có tổ chức hoặc bán tổ chức vẫn còn là phương cách du lịch ưa thích của người Trung Quốc ra nước ngoài, theo nghiên cứu của công ty Nielsen. Và bằng sức mạnh huy động của chế độ, Bắc Kinh có thể dễ dàng ngăn chặn hoặc ngăn cản công dân của mình đi du lịch đến một quốc gia cụ thể nào đó.
Tuy nhiên, ngoài các phương tiện gây áp lực về mặt kinh tế, vốn cuối cùng vẫn là đặc quyền của các cường quốc du lịch, Trung Quốc còn sử dụng lá bài chủ này theo một cách hết sức đặc biệt. Chính phủ Bắc Kinh quan tâm đến việc du khách phục vụ hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài. Họ không ngần ngại biến du khách thành những lá cờ đầu về chính trị ở nước ngoài: như vậy du khách đóng vai trò là người “phát hiện” tính “bạo lực” của người nước ngoài đối với nước mình. Đó chính là những gì mà các phương tiện truyền thông của Bắc Kinh thường xuyên làm nổi bật trong các mục tin tức của họ.
KHÁCH DU LỊCH, LÁ CỜ ĐẦU CỦA các YÊU SÁCH VÀ CHÍNH SÁCH TRUNG QUỐC
Vào ngày 15 tháng 5 năm 2017, một nhóm du khách Trung Quốc đến sân bay Cam Ranh ở Việt Nam. Trước sự sửng sờ chung của mọi người, họ mặc áo thun [T-shirt] có in hình bản đồ Trung Quốc có những hòn đảo đang tranh chấp với Hà Nội. Đây không phải là lần đầu tiên du khách Trung Quốc thể hiện các yêu sách về đất đai của nước họ. Vào năm 2016, một người đàn ông bị giữ lại ở hải quan Việt Nam, khi viên chức hải quan phát hiện trên hộ chiếu của người này có in một bản đồ của Trung Quốc có các hòn đảo [đang tranh chấp] này, cùng với một dòng chữ viết nguệch ngoạc “Đ… mày” trên vùng Biển Đông.
Trong trường hợp của Việt Nam, những khiêu khích này của Trung Quốc là điều rõ ràng. Nhưng chúng có thể có một chiều kích tinh tế hơn. Ví dụ, trong năm 2017, các hãng hàng không Trung Quốc bắt đầu chào mời các “chuyến du lịch” ở quần đảo Hoàng Sa, cũng đang trong vòng tranh chấp với Việt Nam và Đài Loan. Sáng kiến ​​này bổ sung cho các chuyến du lịch trên biển đến các hòn đảo này, được chính quyền địa phương của tỉnh Hải Nam tổ chức từ năm 2012. Tỉnh Trung Quốc này cũng cho phép du khách đến tham quan các rạn san hô của bãi cạn Scarborough. Vào năm 2018, Hải Nam đã cấp phép cho gần 12.000 du khách đại lục đến các hòn đảo tranh chấp này. Kể từ năm đó, các chuyến du lịch này cũng đã mở cửa đón du khách nước ngoài từ 59 quốc gia được chọn lọc, phục vụ cho chính sách của Trung Quốc về vụ việc đã rồi, ngoài mong muốn của họ.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta phải so sánh những hành động này với cách thức mà từ lâu Bắc Kinh đã biết làm cho người Trung Quốc chuyển hướng [tiêu dùng] trước những người tiêu dùng hàng hiệu bị bêu tên. Ví dụ với Mercedes: vào năm 2018, nhà sản xuất ô tô Đức là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ trực tuyến do đã dẫn một đoạn văn của Dalai Lama trên Instagram (ứng dụng bị cấm ở Trung Quốc). Tương tự, nhãn hàng quần áo GAP của Mỹ bị các du khách Trung Quốc ở Canada bắt lỗi vì đã bán áo thun [T-shirt] có in hình một bản đồ của Trung Quốc mà không có các “thuộc địa” của họ ở Biển Đông và cũng không có Đài Loan. Trong số các mục tiêu khác, còn có các khách sạn Marriott bị chê bai do đã trích dẫn Tây Tạng và Đài Loan vào danh sách các nước trên trang mạng Internet của tập đoàn.
Không có gì ngạc nhiên khi vũ khí du lịch đã tham gia vào bộ sưu tập của chính sách vĩ đại các “Con đường tơ lụa mới”, được Tập Cận Bình phát động. Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 10 vừa qua, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 8 về ngành du lịch thuộc các Con đường tơ lụa ở Thessaloniki, Hy Lạp. Sáng kiến ​​đa phương này của tổ chức UNWTO, được ký kết bởi 19 quốc gia, đã tồn tại từ ngày ra Tuyên bố Samarkand vào năm 1994. Kể từ đó, khái niệm đã được chính phủ Trung Quốc khéo léo liên kết với chính sách quốc tế của chính họ. Đã xuất hiện nhiều sự kiện song song, như Hội nghị về ngành du lịch thuộc các Con đường tơ lụa được tổ chức tại Dubrovnik vào tháng 4 năm ngoái. Hội nghị kết hợp với Phòng Thương mại quốc tế về các Con đường tơ lụa (SRCIC, Silk Road Chamber of International Commerce), được thành lập vào năm 2015 dưới sự thúc đẩy của Trung Quốc cùng với thành phố của Croatia.
KHÁCH DU LỊCH PHỤC VỤ CHO Ý TƯỞNG MỘT THẾ GIỚI THÙ ĐỊCH, ĐƯỢC các phương TIỆN TRUYỀN THÔNG Trung QuỐc TRUYỀN BÁ
Đảng Cộng sản Trung Quốc có được tính chính danh, trong số những thứ khác, từ khả năng hành động như là một đối tác bảo lãnh an ninh trên lãnh thổ quốc gia. Để đối lập, tình trạng nguy hiểm và bạo lực ở xã hội “các nước dân chủ” thường được giới truyền thông của Bắc Kinh chỉ ra. Ví dụ, những điều không may của du khách Trung Quốc, kiểu người thăm dò ở những vùng đất xa lạ, bị khai thác một cách rộng rãi và tràn ngập các mạng xã hội. Ví dụ mới nhất cho đến nay: nỗi đắng cay của một gia đình du khách Trung Quốc ở Thụy Điển đã trở thành trọng tâm của các cuộc bàn luận. Thế nhưng tin vặt này đã thổi bừng các trang mạng ở Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh và Stockholm đã có các quan hệ căng thẳng, đại sứ quán Trung Quốc ở Thụy Điển đã nắm lấy tin vặt này để yêu cầu [Thụy Điển] đưa ra “lời xin lỗi”. Tuy nhiên, phiên bản Trung Quốc của câu chuyện đã bị đặt vấn đề, một số người khẳng định rằng vụ việc đã được dàn dựng để phản đối chuyến viếng thăm của Đạt Lai Lạt Ma đến thủ đô của Thụy Điển một ngày trước đó. Trước đó, các video được quay ở Pháp và Vương quốc Anh đã làm sôi động các mạng xã hội Trung Quốc. Tiếp theo một sự cố xảy ra ở một cửa hàng của thương hiệu Balanciaga, Bắc Kinh đã nhận được lời xin lỗi dưới sự đe dọa tẩy chay.
Từ vựng được các phương tiện truyền thông Trung Quốc sử dụng và tầm quan trọng gắn cho các sự kiện này không thiếu phần cường điệu. Tuy nhiên, chúng cung cấp nội dung cảm tính của người có đầu óc nạn nhân-phục thù được cổ xúy bởi một phần lớn giới báo chí chính thức ở Bắc Kinh. Mặc cho tính chất giảm nhẹ của những người sử dụng Internet, các tin vặt này vẫn là đối tượng của một hướng xử lý đặc biệt của giới truyền thông, đôi khi còn được chính chính phủ tiếp sức. Và phải tin rằng những vụ việc như vậy lại có tác động: vấn đề “an ninh”, theo khảo sát của công ty Nielsen, là mối quan tâm thứ hai của du khách Trung Quốc khi chọn lựa điểm đến du lịch.
KHÁCH DU LỊCH TRUNG QUỐC, NHỮNG ĐẠI SỨ CỦA TRUNG QUỐC Ở NƯỚC ngoài
Bằng số lượng, du khách Trung Quốc đang duy trì và bổ sung mối quan hệ giữa đất nước họ với phần còn lại của thế giới. Tầm quan trọng của họ có một chiều kích đặc biệt ở những nước chưa muốn thỏa thuận với Trung Quốc về mặt ngoại giao. Những du khách này đã từng là tác giả của một số vụ bê bối trong quá khứ, chẳng hạn như vụ viết chữ graffiti bằng tiếng Trung Quốc lên một trong các kim tự tháp ở thành phố Luxor. Đó là lý do vì sao Bắc Kinh đã áp dụng một loạt các biện pháp để “văn minh hóa” các nhóm du khách của họ. Ví dụ, chính phủ tổ chức một khóa học “giáo dục du lịch” để đào tạo những du khách tương lai về việc tôn trọng di sản, xếp hàng và các phong tục tập quán địa phương. Sự cải thiện các hành vi ứng xử cũng xảy ra đồng thời với sự phát triển các mô hình du lịch trong người dân Trung Quốc, hướng tới một phương thức du lịch mang tính châu Âu nhiều hơn. Ngày càng có nhiều du khách không cần đến các cơ quan du lịch và đi tìm một trải nghiệm mang tính “đích thực” hơn, theo các nghiên cứu mới nhất.
Sự thay đổi sắp tới trong hành vi ứng xử của các du khách Trung Quốc chắc chắn sẽ cải thiện hình ảnh của họ trong con mắt của người nước ngoài. Nhưng nó cũng sẽ làm giảm lực tấn công của Bắc Kinh trong vấn đề này. Không có người điều hành tour, thì không thể báo cáo, không thể phân phối các đồ vật hoặc không thể dựa vào một hiệu ứng nhóm.
Giới thiệu tác giả
EastIsRed là tập thể chuyên về lĩnh vực an ninh quốc phòng. Nhóm do những nhà quan sát trẻ tuổi bị thách thức bởi sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc chủ trương. Phương pháp của chúng tôi: đọc các trang báo và mạng thông tin, cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung, để cung cấp những bài tổng hợp và phân tích, vừa độc đáo vừa dễ tiếp cận.
“Ding Jinhao đã đến thăm nơi này”: chữ viết graffiti, trên một di tích 3000 tuổi, đã thu hút cư dân mạng Trung Quốc. Kongyouwuyi
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
 - - - -

 TẠI SAO DU KHÁCH TRUNG QUỐC ĐỔ ĐẾN THÁI LAN

Những “tour du lịch không đồng [Zero dollar tours]” do các nhà điều hành tour du lịch Trung Quốc tổ chức đã góp phần kích hoạt làn sóng du lịch của Trung Quốc ở Thái Lan. (Nguồn: South China Morning Post)
Đã có từ 5 đến 10 triệu [du khách] từ năm 2014 đến năm 2018. Trong thời gian bốn năm, Thái Lan đã chứng kiến ​​số lượng du khách Trung Quốc tăng lên gấp đôi. Những nguyên nhân nào dẫn đến “làn sóng ồ ạt” này? Trọng lượng của ngành du lịch trong nền kinh tế Thái Lan là gì? Xu hướng này có thể đi đến bao xa?
Vào cuối tháng 9, tại sân bay Dong Muang, một viên chức cảnh sát đã tát một du khách Trung Quốc, người không có giấy tờ cần thiết để nhập cảnh Thái Lan. Video ghi lại cuộc cãi nhau này đã tràn ngập các trang mạng vào đêm trước của ngày cuối tuần, ngày 1 tháng 10, nhân ngày lễ quốc khánh. Năm tháng sau việc hàng chục du khách Trung Quốc mất tích trong một tai nạn đắm tàu, đã làm cho lượng du khách nhập cảnh giảm 12% vào tháng Tám, Thủ tướng Thái Lan đã phải ra tay! Ông vừa mới đưa ra lời xin lỗi Trung Quốc (xem video).
Mời xem, đoạn video ghi lại cảnh cãi nhau giữa một viên chức cảnh sát Thái Lan và một du khách Trung Quốc tại sân bay Dong Muang ở Bangkok:

Kể từ khi quân đội lên nắm quyền ở Thái Lan, ngành du lịch là động lực mạnh nhất của nền kinh tế. Sau một thời gian dài nhảy nhót ở đầu bảng xếp hạng tăng trưởng ở Đông Nam Á, đất nước đang tụt lại phía sau. Sự giảm tốc này có những nguyên nhân cấu trúc: sự tiến hóa của dân số và sự suy giảm đầu vào trên thị trường lao động. Nhưng nó cũng được giải thích bởi tình trạng nợ của các hộ gia đình và nhiều hơn nữa, bởi tình trạng chính trị bất ổn, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư. Tỉ trọng trong GDP của đầu tư tư nhân đã giảm mạnh kể từ sau cuộc đảo chính. Ngoài ra, Thái Lan không chỉ thu hút nguồn vốn FDI [đầu tư trực tiếp nước ngoài] ít hơn mà, trong ba năm qua, các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn người nước ngoài đã đầu tư vào Thái Lan. Trong giai đoạn này, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 3,5% mỗi năm. Nếu không tính ngành du lịch, tỷ lệ trên sẽ không vượt quá 2,5% mỗi năm.
ĐIỂM đẾn HÀNG ĐẦU CỦA DU khách TRUNG QUỐC SAU HỒNG KÔNG
Trung Quốc đã trở thành nước có lượng du khách lớn nhất thế giới, với mười triệu người vào năm 2000, 57 triệu người vào năm 2010 và 158 triệu người vào năm 2018. Biên tăng trưởng lớn rất đáng kể, bởi vì có dưới 10% dân số Trung Quốc sở hữu hộ chiếu. Trong hai năm qua, Thái Lan là điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc sau Hồng Kông, nhưng trước Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong số những yếu tố gây ra cơn sốt Trung Quốc này, phải kể đến sự thành công lớn của “phim đi phượt” (road movie) được công chiếu vào năm 2012: Lost in Thailand [Lạc lối ở Thái Lan], hay là cuộc phiêu lưu của hai nhân viên đi tìm ông chủ của mình tại “Xứ sở nụ cười”.
Mời xem, đoạn giới thiệu phim Lost in Thailand [Lạc lối ở Thái Lan]:

Những nguyên nhân khác lý giải cho làn sóng du lịch Trung Quốc ở Thái Lan, là một tỷ giá hối đoái thuận lợi đồng bath đã giảm giá so với đồng đô-la cho đến năm 2015 và những đề xuất chào mời hấp dẫn của các công ty lữ hành Trung Quốc có trụ sở tại Đông Nam Á. Các công ty lữ hành này nhử mồi du khách bằng những tour với mức giá cạnh tranh không thể đánh bại, “Tour du lịch không đồng [Zero dollar tours], đưa khách đến các cửa hàng của Trung Quốc và gây áp lực để họ mua hàng, thậm chí tịch thu chìa khóa phòng [khách sạn] của những khách ương ngạnh! Từ năm 2016, chính quyền Thái Lan đã đóng cửa nhiều công ty lữ hành kiểu này.
Hậu quả của sự bùng nổ du lịch này là sự bão hòa của các điểm tham quan (đóng cửa đảo Phi Phi và các bãi biển ở Phuket) và sự tắc nghẽn ở tất cả các sân bay, nơi đã bắt đầu các công trình mở rộng.
TRỌNG LƯỢNG [CỦA NGÀNH DU LỊCH] TRONG NỀN KINH TẾ THÁI LAN?
Số lượng du khách Trung Quốc nhập cảnh Thái Lan đã tăng gấp đôi: từ 5 đến 10 triệu người từ năm 2014 đến năm 2018. Điều này đã làm cho vương quốc trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới. Tuy tiếp nhận số lượng du khách nước ngoài ít hơn nước Pháp (tương ứng với 37 và 87 triệu), nhưng Thái Lan qua mặt Pháp về doanh thu. Với 60 tỷ US$, Thái Lan xếp thứ ba trên thế giới sau Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Các khoản thu bằng đô la này đã tăng còn nhanh hơn cả số lượng nhập cảnh du lịch (50% và 35% từ năm 2014 đến năm 2017). Năm 2018, du khách Trung Quốc chi bình quân 1.200 US$ cho mỗi chuyến đi. Ngoài ra, ngay cả khi các chuyến đi có tổ chức là phương thức du lịch được người Trung Quốc ưa thích, thì ở Thái Lan, tỉ lệ du khách Trung Quốc là cao hơn khi đi du lịch mạo hiểm một mình (60% là các trường hợp nhập cảnh cá nhân).
Doanh thu từ du lịch chiếm một phần tư doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa. Trọng lượng của hoạt động [du lịch] này trong nền kinh tế là gì? Ở Thái Lan cũng như ở những nơi khác, trọng lượng này không thể chỉ quy về doanh thu của ngành khách sạn và nhà hàng trong GDP 5,3% trong năm 2017. Vai trò của ngành du lịch không được đánh giá đúng bằng cách đo lường nguồn cung bởi vì “du lịch” là một ngành tổng hợp, tập hợp không chỉ các hoạt động dịch vụ (lưu trú, ăn uống) mà còn là những hàng hóa mà du khách mua sắm và những thứ mà các công ty dịch vụ kiếm được từ những hiệu ứng phái sinh được đưa vào tiền lương chi trả cho các doanh nghiệp này. Việc đo lường các hiệu ứng gián tiếp và phái sinh, theo Tài khoản vệ tinh ngành du lịch, cho thấy ở Thái Lan ngành du lịch chiếm 14% GDP và tạo công ăn việc làm cho 6 triệu người.
Người Trung Quốc không chỉ du lịch Thái Lan. Năm 2018, ở Bangkok, một trong hai người nước ngoài mua căn hộ chung cư là có quốc tịch Trung Quốc. Sự sụp đổ nguồn đầu tư bất động sản Trung Quốc tại Hoa Kỳ, các biện pháp được thực hiện tại Malaysia (đình chỉ dự án Forest City ở Johore) và việc đóng cửa thị trường bất động sản đối với người không định cư sau làn sóng các nhà đầu tư Trung Quốc tràn vào New Zealand đã dẫn đến việc có nhiều người mua Trung Quốc đến Thái Lan. Nguồn vốn FDI [đầu tư trực tiếp nước ngoài] của Trung Quốc vào Thái Lan ở mức khiêm tốn, nhỏ hơn 10 lần so với Nhật Bản kể từ năm 2010, nhưng điều này có thể tiến triển khả quan khi thủ đô Thái Lan xếp thứ mười trong số các điểm đến yêu thích của Trung Quốc.
MỘT “cỦa trỜi cho” đỐi vỚi BANGKOK, MỘT VŨ KHÍ đỐi vỚi BẮC KINH
Du khách Trung Quốc không còn thăng thiên giống như cây cối. Vì thế, sẽ là điều không thận trọng khi kéo dài xu hướng của năm năm qua để kết luận rằng sẽ có hai mươi triệu du khách Trung Quốc đến Thái Lan vào năm 2025. Ngay từ bây giờ, sự suy giảm tỉ suất của đồng nhân dân tệ, hậu quả từ cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ, đang làm giảm tỷ lệ người Trung Quốc đi du lịch. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể loại trừ, trong những năm tới, một tình hình đóng băng giữa hai nước, như trường hợp ở Hàn Quốc vào năm 2017 sau phản ứng của Trung Quốc đối với việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, đã gây ra sự sụt giảm doanh số bán xe ô-tô, sự tẩy chay các cửa hàng Lotte và sự sụt giảm đột ngột (từ 8 xuống còn 4 triệu) lượng du khách  [đến Hàn Quốc]. “Của trời cho” về du lịch của Trung Quốc có thể biến thành vũ khí, bởi vì Bắc Kinh có các phương tiện để ngăn chặn hoặc ngăn cản công dân của mình du lịch đến một quốc gia cụ thể nào đó (xem bài đăng ở trên).
Với số lượng du khách ít hơn rất nhiều so với người Trung Quốc ở Thái Lan, ngày càng có nhiều người Ấn Độ đến du lịch vương quốc này Bangkok chỉ cách [Ấn Độ] từ ​​hai đến ba giờ bay từ tiểu lục địa. Khách nhập cảnh người Ấn Độ đã vượt quá một triệu người trong năm 2017 và các cuộc khảo sát cho thấy Thái Lan là điểm đến yêu thích của họ. Liệu người Ấn Độ có bị cuốn theo cơn sốt giống như người Trung Quốc không?
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế học tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation”  [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF