6.11.18

Nguồn lực chung, một dự án nhập nhằng


GÌN GIỮ LỢI ÍCH CHUNG CHỐNG LẠI CÁC DOANH NGHIỆP... VÀ CHỐNG LẠI NHÀ NƯỚC

NGUỒN LỰC CHUNG, MỘT DỰ ÁN NHẬP NHẰNG

Được hồi sinh vào những năm 1980, khái niệm “nguồn lực chung [“communs”] hay “sản phẩm chung” [“biens communs”]” ngày càng trở nên phổ biến trong giới các nhà hoạt động cánh tả. Cho dù đó là việc cung cấp nước sinh hoạt hoặc các phần mềm tin học sử dụng tự do, việc quản lý tập thể kết thúc huyền thoại, theo đó sự tư nhân hóa là một đảm bảo cho tính hiệu quả. Nhưng những người ủng hộ [việc quản lý tập thể] cũng thách thức Nhà nước, mà họ chỉ gán cho một vai trò giới hạn.
SEBASTIEN BROCA
Jean Dubuffet. – Tác phẩm “Empressement [Háo hức]”, 1980
© ADAGP, Paris, 2016 / Ảnh: Christie's / Bridgeman Images
Ngày 11/1/2016, Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent đã có lời chúc năm [mới] với lời bắt đầu và mô tả “xã hội mà chúng ta mong muốn”: “Một phương thức phát triển mới, nơi mà xã hội và sinh thái kết hợp với nhau vì con người và hành tinh, vì một xã hội phúc lợi và lợi ích chung.” “Lợi ích chung”? Bên kia bàn cờ chính trị, nhà lãnh đạo đảng Phong trào vì nước Pháp, ông Philippe de Villiers, cũng đề cập đến khái niệm nói trên, nhưng để biện minh cho sự thoái lui của Nhà nước mà ông mong muốn tranh đấu: “Nhà nước không còn tồn tại như là một nhà cung cấp lợi ích chung. Nhà nước không có bất cứ quyền gì trên chúng ta[1].”
Benjamin Coriat (1948-)

Tháng 5 năm 2016, một vài tháng sau khi công bố cuốn Retour des communs [Sự trở lại của tài sản chung] của “nhà kinh tế học phát hoảng” Benjamin Coriat[2], Jean Tirole, người theo chủ nghĩa tự do, xuất bản cuốn Économie du bien commun [Kinh tế học về lợi ích chung][3]. Trong mục “Nos idées [Ý tưởng của chúng tôi]” trên trang web của mình, Hiệp hội về đánh thuế các giao dịch tài chính nhằm hỗ trợ công dân (Attac) cho biết họ muốn “quảng bá các giải pháp thay thế và khôi phục các lợi ích chung”. Đối với Viện Quản lý Doanh nghiệp, họ khẳng định, dưới ngòi bút của vị tổng đại diện của mình, rằng “các sáng kiến của giới ​​tư nhân quan tâm đến li ích chung[4].
Rất hiếm có một khái niệm dễ bảo như thế. Có rất nhiều những biến thể của khái niệm đó trong lĩnh vực chính trị và học thuật: “lợi ích chung” [“bien commun, “biens communs ], “nguồn lực chung” [“commun, “communs]... Một mặt, thuật ngữ “nguồn lực chung [số ít, bien commun]” – đồng nghĩa ít nhiều với “lợi ích chung” (“intérêt général) – đã biến thành một yếu tố ngôn ngữ cho các nhà lãnh đạo thuộc mọi đảng phái. Mặt khác, khái niệm nguồn lực chung [số nhiều, biens communs] mang đến một sự đổi mới về trí tuệ và đấu tranh cho một phong trào hoạt động xã hội đôi khi được đặc trưng bởi tính đơn điệu về khái niệm. Rất khó để phân biệt... Nhưng không phải là điều bất khả.
Karl Polanyi (1886-1964)
Tháng 4 năm 1985, Annapolis (Hoa Kỳ). Tại một hội nghị được tài trợ bởi National Research Foundation (Quỹ Nghiên cứu Quốc gia), các học giả từ khắp nơi trên thế giới đã trình bày các nghiên cứu của họ về “nguồn lực chung”. Nói chung, thuật ngữ này chỉ gợi lại một lịch sử cổ xưa: lịch sử của sự biến đổi, vào buổi đầu của thời đại công nghiệp, của những cánh đồng dành riêng cho việc chăn thả và được quản lý tập thể thành những đất thuộc sở hữu tư nhân được định ranh bởi các hàng rào. Phong trào rào chắn này (enclosures) được coi là một thời điểm tạo lập sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nó tượng trưng cho sự trỗi dậy của quyền sở hữu như là một quyền cá nhân: một “cuộc cách mạng của người giàu chống lại người nghèo[5], Karl Polanyi viết. Các nhà nghiên cứu tập hợp ở Annapolis nối lại sợi chỉ lịch sử này và cho thấy vẫn còn nhiều nơi trên thế giới mà đất đai, ngư trường hoặc những cánh rừng được quản lý theo kiểu nguồn lực chung: chia sẻ tài nguyên trong nội bộ các cộng đồng, tiến hành tổ chức việc khai thác tài nguyên theo cách tập thể.
Garrett Hardin (1915-2003)
Các nhà nghiên cứu lập luận rằng các hệ thống nguồn lực chung này thường hoạt động hiệu quả và tránh được việc khai thác quá mức các tài nguyên[6]. Ở đó, có một sự đảo ngược hoàn toàn các luận điểm được Garrett Hardin phát triển trong bài viết nổi tiếng của ông về “bi kịch nguồn lực chung [tragedy of the commons][7]”. Xa hơn, còn có cả việc kinh tế học tự do chính thống bị công kích, bởi vì đối với học thuyết chính thống này duy chỉ sở hữu tư nhân luôn là hệ thống tốt nhất để phân bổ các nguồn lực khan hiếm.
Italia ở vị trí đứng đầu
Elinor Ostrom (1933-2012)
Năm 1990, nhà kinh tế học Elinor Ostrom đã tổng hợp những thành tựu chính của các nghiên cứu được trình bày ở Annapolis. Đặc biệt, bà nhấn mạnh đến các điều kiện thể chế cho phép hệ thống các nguồn lực chung tồn tại lâu bền. Bà cho thấy một nguồn lực chung không thể tồn tại một cách lâu bền nếu không có những quy tắc để điều chỉnh việc khai thác các nguồn lực đó. Bà cũng nhấn mạnh đến việc các cộng đồng có liên quan có thể thiết lập và áp dụng các quy tắc này, mà không cần đến quyền lực bao quát của Nhà nước. Trong số nhiều ví dụ được trình bày, bà viện dẫn trường hợp một ngư trường ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà “quá trình theo dõi và thực thi các quy tắc (...) được chính các ngư dân đảm nhiệm[8]”. Các công trình này đã làm cho bà nhận được giải thưởng năm 2009 của Ngân hàng Thuỵ Điển về kinh tế học để tưởng nhớ Alfred Nobel – thường được coi là “Giải Nobel kinh tế”.
Stefano Rodotà (1933-2017)
Ở Italia, sự đổi mới quan tâm đến nguồn lực chung đã mở rộng phạm vi sang lĩnh vực chính trị, khi một ủy ban, được chính phủ Romano Prodi thành lập, công bố các kết luận của họ vào năm 2008. Dưới sự chủ trì của nhà luật học Stefano Rodotà, ủy ban đề xuất định nghĩa nguồn lực chung như là “những thứ thuộc phạm vi thực thi các quyền cơ bản và sự phát triển tự do của con người”. “Những pháp nhân công hoặc tư”, quy chế của người sở hữu các nguồn lực chung này – những “chủ sở hữu” của chúng – không quan trọng mấy[9]. Mặt khác, ủy ban còn nhấn mạnh đến việc các nguồn lực phải được quản lý phù hợp với chức năng của chúng, nhằm cho phép thực thi một quyền. Ví dụ, khi cho rằng nước sinh hoạt là “nguồn lực chung”, thì điều đó có nghĩa là việc phân phối nó, bất luận việc tổ chức sự phân phối này là thuộc tác nhân nào, phải đảm bảo rằng mọi người được quyền tiếp cận một nguồn nước an toàn và đủ liều lượng.
Trên cơ sở các công trình của ủy ban Rodotà, đã có nhiều phong trào hoạt động xã hội và chính trị bên kia dãy núi Alpes nắm bắt khái niệm nguồn lực chung để cáo buộc khu vực tư nhân và Nhà nước tân tự do, không có khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của tập thể[10]. Nắm vững nguyên tắc này, 25 triệu người Italia (trên tổng số 27 triệu cử tri), vào tháng 6 năm 2011, đã bỏ phiếu thông qua trưng cầu dân ý chống lại việc tư nhân hóa các dịch vụ công cộng địa phương trong việc cung cấp nước sinh hoạt.
Richard Stallman (1953-)
Nhưng việc khám phá lại nguồn lực chung không chỉ giới hạn ở các tài nguyên thiên nhiên. Năm 1983, Richard Stallman, một nhà khoa học máy tính trẻ tuổi của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã đăng lời kêu gọi một nhóm thảo luận Usenet tham gia: ông đề nghị phát triển một hệ điều hành được phân phát một cách tự do. Như vậy đã xuất hiện phong trào phần mềm tin học sử dụng tự do, chống lại sự trỗi dậy của một ngành công nghiệp phần mềm tin học hưng thịnh, đang biến các chương trình tin học thành hàng hóa thương mại chịu sự điều tiết của bản quyền (copyright) và được bảo vệ bởi những điều kiện sử dụng hạn chế[11]. Ở đây, mã tin học không còn được coi là sở hữu độc quyền của một tác nhân tư nhân; mà là một tài nguyên được tự do tiếp cận, mọi người có thể tham gia cải thiện nó. Đã có nhiều nguồn lực chung trong lĩnh vực kỹ thuật số vận dụng các nguyên tắc mang tính cởi mở và chia sẻ này để áp dụng chúng cho việc xây dựng các bách khoa toàn thư (Wikipedia), các cơ sở dữ liệu (Open Food Facts) hoặc các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo tập thể theo các giấy phép Tự do Nghệ thuật [Art Libre] hoặc Nguồn lực Sáng tạo chung [Creative Commons].
Phong trào [đấu tranh cho] nguồn lực chung với nhiều thành phần khác nhau, mặc cho có những khác biệt, đang kêu gọi đặt lại vấn đề về tính không khoan nhượng của sở hữu tư nhân. Phong trào [đấu tranh cho] nguồn lực chung (beni comuni) chống lại việc tư nhân hoá các dịch vụ công cộng; mối quan tâm đến các nguồn lực chung được gọi là “nguồn lực vật chất” phản ứng lại việc chiếm đoạt đất đai trên quy mô lớn. Đối với việc phát triển các nguồn lực chung kỹ thuật số, phong trào chống lại việc tư nhân hóa thông tin và kiến ​​thức: việc tư nhân hoá này lớn đến mức mà một số nhà luật học đã có thể nói đến một “phong trào rào chắn thứ hai[12])”.
Như vậy, tài sản chung đã nhắm vào một trong những thể chế trung tâm của chủ nghĩa tân tự do, bằng cách tấn công vào niềm tin cho rằng việc càng có nhiều sở hữu tư nhân sẽ đảm bảo tính hiệu quả lớn hơn cho một nền kinh tế. Các công trình của Ostrom vô hiệu hóa định đề này, và sự gia tăng của việc có nhiều nguồn lực được chia sẻ trong thực tế phủ định định đề nói trên. Đối với các nguồn lực vật chất, nguồn lực chung thường dựa vào các hình thức sở hữu tập thể và ví dụ, ở Pháp, dựa vào các cấu trúc hợp tác xã hoặc các nhóm quản lý đất nông nghiệp (GFA). Còn đối với các nguồn lực chung kỹ thuật số, chúng sẽ được bảo vệ bởi những giấy phép cụ thể, loại bỏ các hình thức sở hữu trí tuệ cổ điển để tạo điều kiện cho một sự lưu thông và phong phú hóa các sáng tạo tập thể: Giấy phép công cộng (GPL), Giấy phép cơ sở dữ liệu mở (ODbL)...
Nếu các nhà hoạt động phong trào vì nguồn lực chung đặt lại vấn đề sở hữu tư nhân, thì họ cũng chỉ trích việc chuyển hướng sở hữu công trong bối cảnh tự do hóa trên quy mô lớn. Khi Nhà nước có toàn quyền bán tháo các nguồn lực có trong tay để cân đối các nguồn tài chính của mình, thì liệu sở hữu công có thực sự mang lại nhiều đảm bảo hơn so với sở hữu tư nhân không? Liệu điều đó có biến thành một sự chuyển dịch đơn thuần sở hữu tư nhân trong tay của một tác nhân không nhất thiết phải hành động vì lợi ích của mọi người không?[13]
Từ đó, định nghĩa [về nguồn lực chung] do ủy ban Rodotà đề xuất trở nên dễ hiểu hơn. Bằng cách nhấn mạnh vào chức năng xã hội của sở hữu chung, các luật gia người Italia muốn thay thế logic cổ điển của Nhà nước phúc lợi – sở hữu công như là cách thức giám hộ lợi ích chung – bằng sự bảo đảm vô điều kiện của một số quyền. Sự thay đổi quan điểm này đi đôi với cuộc đấu tranh chống lại sự quan liêu hoá của các cơ quan dịch vụ công, được xem như là nguyên nhân chính khiến các cơ quan này không có khả năng bảo vệ được lợi ích của mọi người. Ví dụ, sự chỉ trích về những yếu kém của sở hữu công còn được kết hợp với yêu cầu về quyền tham gia của công dân, mà kinh nghiệm của Acqua Bene Comune (ABC) ở Naples là một ví dụ thú vị. Nối tiếp cuộc trưng cầu dân ý năm 2011, thật vậy việc quản lý nguồn nước ở thành phố này đã được trao về lại toà thị chính và giao cho một “ủy ban đặc biệt” chịu sự chi phối của luật công, có tên gọi là ủy ban ABC. Các quy định về Ủy ban được thiết kế để cho phép việc quản lý có tính dân chủ và tham gia, nhờ sự hiện diện của hai công dân trong hội đồng quản trị và việc thành lập một ủy ban giám sát có những đại diện của người sử dụng nước và các hiệp hội.
Tác động chính trị của khái niệm beni comuni [nguồn lực chung – ND] ở Italia báo hiệu mối quan hệ nhập nhằng giữa những người bảo vệ nguồn lực chung và Nhà nước. Xuất phát từ một chỉ trích sắc bén sở hữu tư nhân và sự từ nhiệm của Nhà nước tân tự do, phong trào đấu tranh vì nguồn lực chung đôi khi dẫn đến một sự ca tụng thiếu tinh tế về khả năng tự tổ chức của “xã hội dân sự”. Với một rủi ro: rủi ro trở thành những “kẻ ngốc hữu ích” của chủ nghĩa tân tự do, khi chỉ chỉ trích sự lên ngôi của sở hữu tư nhân để tạo điều kiện cho những bước thụt lùi mới của Nhà nước xã hội. Song, đã có nhiều nhà nghiên cứu và nhà hoạt động xã hội nhận thức được nguy cơ này. Như Benjamin Coriat đã nhắc nhở chúng ta, “nguồn lực chung cần đến Nhà nước để phát triển, bởi vì Nhà nước phải tạo ra các nguồn lực (bắt đầu với các nguồn lực pháp lý) mà những commoners [những người tạo ra tài sản chung] cần có để tồn tại[14].” Việc nghiêm cấm bán máy tính với một số phần mềm nhất định – việc mua một máy tính, trong thực tế, tương ứng với việc mua một máy tính và phần mềm Windows – sẽ thúc đẩy, ví dụ, sự phát triển các phần mềm tin học sử dụng tự do.
Vì vậy, cần phải khẳng định vai trò của Nhà nước trong khi vẫn suy nghĩ đến sự tiến hóa của các hoạt động can thiệp của Nhà nước. Điều này hàm ý thiết kế một khung pháp lý phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho nguồn lực chung và những cấu trúc – hợp tác xã, ví dụ – hỗ trợ chúng, kể cả trong môi trường thị trường. Điều này cũng gợi ý rằng sở hữu công không đơn thuần là một di sản mà Nhà nước có thể sử dụng một cách tùy ý, mà là toàn bộ các hàng hóa và dịch vụ được dành cho công chúng sử dụng, và do đó phải được quản lý vì lợi ích của mọi người. Cuối cùng, cần phải nhớ rằng Nhà nước xã hội có chức năng cung cấp cho cá nhân những phương tiện thời gian và tài chính để phát triển các hoạt động bên ngoài phạm vi của sở hữu tư nhân và của sự tìm kiếm lợi nhuận.
Sébastien Broca

Vì vậy, nguồn lực chung kêu gọi xem xét lại mối quan hệ giữa khu vực thị trường, nhiệm vụ của Nhà nước và những gì có thể dành cho sự tự tổ chức của những tập thể được thành lập một cách tự do. Một chủ đề đẹp của triết học chính trị, và cũng có thể là một vài hy vọng.
SÉBASTIEN BROCA
Là nhà xã hội học, giảng viên về khoa học thông tin và truyền thông tại Đại học Paris-VIII (Cemti). Tác giả cuốn Utopie du logiciel libre. Du bricolage informatique à la réinvention sociale [Sự không tưởng của phần mềm tin học sử dụng tự do. Từ việc sửa chữa vặt máy tính đến việc tái tạo xã hội], Le Passager clandestin, Neuvy-en-Champagne, 2013.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les communs, un projet ambigu, Monde Diplomatique, Tháng 12/2016.




Chú thích:

[1] Parlez-vous le Philippe de Villiers?”, BFMTV.com, 7 octobre 2016.

[2] Benjamin Coriat (sous la dir. de), Le Retour des communs. La crise de l’idéologie propriétaire, Les Liens qui libèrent, Paris, 2015.

[3] Jean Tirole, Économie du bien commun, Presses universitaires de France, 2016.

[4] Frédéric Monlouis-Félicité, “Pour une élite économique engagée”, L’Opinion, Paris, 16 avril 2015.

[5] Karl Polanyi, La Grande Transformation, Gallimard, Paris, 1983.

[6] Cf. National Research Council, Proceedings of the Conference on Common Property Resource Management, National Academy Press, Washington, DC, 1986.

[7] Garrett Hardin, “The Tragedy of the Commons”, Science, vol. 162, no 3859, Washington, DC, 13 décembre 1968.

[8] Elinor Ostrom, Gouvernance des biens communs. Pour une nouvelle approche des ressources naturelles, De Boeck Supérieur, Paris – Louvain-la-Neuve, 2010 (1re éd.: 1990).

[9] Commission Rodotà, conclusions citées par Ugo Mattei, “La lutte pour les “biens communs” en Italie. Bilan et perspectives”, Raison publique, 29 avril 2014.

[10] Lire Ugo Mattei, “Rendre inaliénables les biens communs”, Le Monde diplomatique, décembre 2011.

[11] Lire “L’étrange destin du logiciel libre”, Le Monde diplomatique, juillet 2014.

[12] Cf. James Boyle, “The second enclosure movement and the construction of the public domain”, Law and Contemporary Problems, vol. 66, no 1-2, Durham (États-Unis), hiver 2003.

[13] Cf. Pierre Crétois et Thomas Boccon-Gibod (sous la dir. de), État social, propriété publique, biens communs, Le Bord de l’eau, Lormont, 2015.

[14] Ne lisons pas les communs avec les clés du passé. Entretien avec Benjamin Coriat”, Contretemps, 15 janvier 2016.

Print Friendly and PDF