5.11.18

Nghệ thuật kể chuyện thúc đẩy tài chính và kinh tế học như thế nào


NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ HỌC NHƯ THẾ NÀO
Các câu chuyện có thể có tác động sâu sắc đến hành vi của chúng ta. Nguồn: Shutterstock
Trong bài diễn văn gần đây trước Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kì (AEA), chủ nhân giải thưởng kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel [năm 2013] Bob Shiller đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các tự sự trong kinh tế học, và đặc biệt là trong các thị trường tài chính. Điều này chứng thực cho một số nghiên cứu gần đây của tác giả và các đồng nghiệp tại Đại học Queensland (Úc) về tâm lý học của kinh tế học hành vi.
Khi tự kể các câu chuyện cho bản thân mình nghe, ta liên kết một số sự kiện khác nhau thành một chỉnh thể liền mạch. Trong các thị trường tài chính và trong toàn bộ nền kinh tế, các câu chuyện này không chỉ tác động đến các kì vọng, mà chúng còn chính các kì vọng. Thêm vào đó, các kì vọng cũng định hình hành vi.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy câu chuyện càng đơn giản, càng mở rộng và càng phù hợp với các định kiến bao nhiêu, thì nó càng thuyết phục hơn bấy nhiêu. Khi một câu chuyện hấp dẫn được khắc ghi vào trong tâm khảm của các nhà đầu tư; thì câu chuyện ấy trở thành kì vọng.
Khi một tự sự kể về một câu chuyện tích cực, chẳng hạn như, về khả năng sinh lời được khắc ghi vào trong tâm khảm của một nhà đầu tư, thì họ sẽ hành động dựa trên nó. Một câu chuyện tích cực dẫn đến những tin tức tốt lành trên thị trường tài chính.
“Cú hích của Trump”
Một ví dụ về những gì có thể xảy ra khi một tự sự có tác động mạnh rộng khắp các thị trường tài chính đang diễn ra ngay lúc này.
Những số liệu mới nhất từ ​​Cơ quan Thống kê Úc (ABS) tiết lộ một đỉnh điểm trong những khoản vay thương mại vào tháng 11 năm ngoái [2016]. Sau khi điều chỉnh theo mùa, vốn thương mại đã tăng 14,8% so với tháng trước.
Điều lạ là sự gia tăng này xảy ra cùng thời điểm Khảo sát kinh doanh hàng tháng của NAB cho thấy các doanh nghiệp “ngày càng quan tâm đến cái đà phát triển cơ bản trong nền kinh tế khi bằng chứng ngày càng tăng cho thấy nền kinh tế phi-khai khoáng đang chậm dần”.
Các doanh nghiệp được cho là có tương lai ì ạch không đột ngột tàn lụi và vay thêm 14,8% tiền. Nhưng ta có thể nhìn thấy trên biểu đồ này rằng trong phần lớn thời gian của năm [2016], vốn thương nghiệp của doanh nghiệp năm này là đều đều hoặc suy giảm. Cho đến khi nó không còn như thế nữa.
Vào lúc này, những thứ trên đều là dữ liệu gộp; chúng cho ta biết sự thay đổi về toàn bộ số tiền cho doanh nghiệp vay trong khu vực tài chính. Mặc dù đỉnh điểm này cao bất thường, và vì thế tự nó cần một sự giải thích.
John Maynard Keynes viết rằng sự gia tăng tài chính được hỗ trợ bởi hai yếu tố: tín dụng tương đối rẻ và những kì vọng về lợi nhuận trong tương lai.
Nếu không có kì vọng mạnh mẽ về lợi nhuận trong tương lai, thì không có tín dụng giá rẻ nào có thể khiến các doanh nghiệp vay mượn và đầu tư. Đây chính là chiếc “bẫy thanh khoản” nổi tiếng.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một câu chuyện thuyết phục – một câu chuyện mở rộng và phù hợp với các định kiến – sẽ đủ để vượt qua cái bẫy thanh khoản. Một nguyên tắc toán học được gọi là định lý “tam sao thất bản” (Chinese Whispers) chỉ ra rằng để thấy những thay đổi đáng kể và đột ngột trong các hệ thống kinh tế, chúng ta cần phải quan sát những tác động của một tự sự có tác động mạnh hỗ trợ những kì vọng tích cực (tức khả năng sinh lời trong tương lai).
Trong khi đó, một khái niệm được biết đến phổ biến là “Made To Stick” [Tạo Thông điệp Kết dính] chỉ ra rằng một câu chuyện đơn giản, kết nối những ý tưởng được lấp đầy bằng cảm xúc đồng thời mở rộng và phù hợp với các định kiến, là đủ để khắc ghi vào trong tâm khảm cũng như tạo ra sự mong đợi. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi chứng minh rằng ý tưởng này là kết luận hợp lý của nghiên cứu tâm lý kéo dài nửa thế kỉ về sự bất đồng nhận thức, tính cách“sự nổi bật” trong nhận thức, cũng như của một chút toán học đơn giản.
Bạn có thể xem thêm thông tin này trong các bài báo về “Trump bump” [Cú hích của Trump].
Theresa May (1956-)
Malcolm Turnbull (1954-)
Không lâu sau cuộc bỏ phiếu Brexit và [các sự kiện diễn ra] nhất quán sau đó, (thủ tướng Anh) Theresa May tỏ ra háo hức đánh vào các giao dịch thương mại tự do với Mỹ và Úc và (thủ tướng Úc) Malcolm Turnbull đã đồng tình với việc này. Trong khi đó, Donald Trump vận động các chính sách chống thương mại, các chính sách này không bao gồm khu vực các nước có nguồn gốc từ Anh quốc [Anglosphere].
Hơn nữa, nền kinh tế Anh quốc không sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu Brexit, và nền tảng chính sách của Trump là các gói kích thích cơ sở hạ tầng lớn, cắt giảm thuếbãi bỏ sự điều tiết. Thêm vào đó, trong Quốc hội và Tòa án Tối cao [ở Mỹ] hiện nay đa số là người của đảng Cộng hòa.
Đây là một tự sự tích cực cho những kì vọng về lợi nhuận trong tương lai, bởi nền kinh tế Úc nói chung không cạnh tranh với nền kinh tế Hoa Kì và Anh quốc. Hơn nữa, chúng ta hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của họ. Chúng ta kinh doanh có lời bằng cách tham gia vào một khối kinh tế Anglo-Saxon [các nước có nguồn gốc từ Anh quốc] hùng mạnh, và chúng ta chẳng có mấy việc kinh doanh để mất.
Mississippi, South Sea và Shenandoah có điểm gì chung?
John K. Galbraith (1908-2006)

Trong suốt chiều dài lịch sử tài chính, có những ví dụ khác mà các tự sự có tác động mạnh đã dẫn dắt thị trường. John Kenneth Galbraith, trong cuốn sách về lịch sử tiền tệ cuộc sụp đổ năm 1929, cho chúng ta biết rằng có ít nhất ba sự kiện ấn tượng như thế.
Khi vua Louis XV cấp cho Công ty Mississippi lợi nhuận từ thuộc địa ở Louisiana, giá cổ phiếu tăng rất cao của nó đã thúc đẩy lại nền kinh tế Pháp. Trong cuốn The Ascent of Money [Đồng tiền lên ngôi] của mình, Niall Ferguson cho chúng ta thấy chính xác rằng bằng cách nào mà tự sự về sự giàu có vô tận của công ty ở Louisiana đã dẫn dắt sự lan truyền này - đó là thông qua các tờ rơi, hoạt hình và áp phích.
Niall Ferguson (1964-)

Khi quốc hội cho phép Công ty South Sea độc quyền giao thương với các thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mỹ, cổ phiếu của công ty này có giá trị đến nỗi đã có lúc , thay vì Ngân hàng Anh quốc, được quyết định là nên chịu trách nhiệm cho các khoản nợ quốc gia của nước Anh. Thực tế rằng các thương nhân của công ty phải đối phó với hải quân Tây Ban Nha trên khắp vùng biển Đại Tây Dương tiện tay bị lờ đi, trong khi câu chuyện về sự giàu có hoang tưởng từ vùng đất thế giới mới đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Tự sự của Tổng công ty Shenandoah đã đánh bại họ. Lời kêu gọi ban đầu dành cho các nhà đầu tư được đáp ứng vượt mức gấp bảy lần. Tại sao lại như vậy? Bởi vào lúc đó, người ta đã kể câu chuyện về năng lực của các nhà quản lý quỹ, họ áp dụng “khoa học đầu tư” để có được lợi nhuận đáng kinh ngạc.
Câu chuyện “hãy tin tưởng vào các chuyên gia, họ sẽ giúp bạn kiếm được một số tiền lớn” là một câu chuyện đơn giản, kết nối các ý tưởng vốn được lấp đầy bằng cảm xúc đồng thời mở rộng và phù hợp với khuynh hướng nghe theo lời khuyên của “những người khôn ngoancủa chúng ta.
Nếu bỏ qua sức mạnh của tự sự, bạn sẽ phải gánh chịu rủi ro
Chính phủ và các nhà đầu tư nào bỏ qua sức mạnh của những câu chuyện kể phải tự gánh lấy rủi ro. Các thị trường tài chính không chỉ bị “cơ chế” của lãi suất và tiền tệ chi phối. Mà chúng còn bị một trong những truyền thống cổ xưa nhất của loài người điều khiển - đó là các câu chuyện kể.
Ta có thể hướng một nhà đầu tư vào thanh khoản, nhưng ta không thể làm họ uống một thứ chất lỏng gì đó mà không kể cho họ nghe một câu chuyện giải thích lý do tại sao nó lại rất ngon. Thêm vào đó, nếu ta muốn ngăn họ uống một thứ chất độc thật ngon, thì việc làm cho chất độc đó khó bị lấy hơn một chút là vẫn chưa đủ. [Nếu muốn ngăn họ uống một thứ chất độc thật ngon thì] hoặc là ta phải lấy (cấm) nó đi, hoặc là ta phải kể ra một câu chuyện đơn giản, mở rộng và phù hợp với các định kiến để giải thích lý do tại sao thứ chất độc ấy dù có mùi vị thực sự thơm ngon đến đâu thì nó vẫn chỉ là một thứ chất độc.
Brendan Markey-Towler
Cán bộ Nghiên cứu Công nghiệp, Viện Doanh nghiệp và Kinh tế Úc và Trường Kinh tế, Đại học Queensland
Tuyên bố khai trình
Brendan Markey-Towler không làm việc cho, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kì công ty hoặc tổ chức nào hưởng lợi từ bài viết này và ông đã nói rằng mình không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài những công việc mang tính học thuật của họ.
Nguyễn Thị Linh Giang, Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Nguồn: How storytelling drives finance and economics, the Conversation, Feb 3, 2017.
Print Friendly and PDF