22.10.19

Châu Phi, thực địa nghiên cứu của ba khôi nguyên giải thưởng Nobel


CHÂU PHI, THỰC ĐỊA NGHIÊN CỨU CỦA BA KHÔI NGUYÊN GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ
Nông nghiệp, giáo dục, ngừa thai, y tế... Công trình của các nhà nghiên cứu Duflo, Banerjee và Kremer đã đánh giá sự viện trợ phát triển, đặc biệt là trên lục địa.
Trong một trường tiểu học ở Nairobi, thủ đô của Kenya, tháng 10 năm 2017. Thomas Mukoya/REUTERS
Tại sao hàng trăm tỷ đô la, từ năm này qua năm khác, ngốn tiền của các chính sách phát triển lại có vẻ tạo ra quá ít hiệu quả? Khi được đặt câu hỏi này, Ester Duflo – một trong ba người được trao giải Nobel về kinh tế vào hôm thứ Hai, ngày 14 tháng 10 – đặt ngang hàng việc quy trách nhiệm hiện trạng này cho sự thiếu hụt trong việc huy động tiền, như Jeffrey Sachs nghĩ hay cho những hậu quả tai ác của viện trợ phát triển như William Easterly đã tố cáo.
William Easterly (1957-)
Jeffrey D. Sachs (1954-)
Không đến nỗi gọi cuộc tranh luận này là vô bổ, giáo sư người Mỹ gốc Pháp tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã chọn giải quyết nó bằng cách chọn trọng tài duy nhất là phán quyết của sự đánh giá. Điều gì đã cho kết quả tốt và điều gì đã cho kết quả xấu? Cùng với các đồng nghiệp Michael Kremer và Abhijit Banerjee – đều cùng được trao giải Nobel về kinh tế – thuộc Phòng thí nghiệm giải pháp chống nghèo (J-PAL) Abdul Latif Jameel, để trả lời câu hỏi này bà đã đưa phương pháp được gọi là đánh giá ngẫu nhiên vào trường của kinh tế học phát triển. Để nói một cách đơn giản, cách tiếp cận này dựa vào việc đánh giá một biện pháp bằng cách so sánh hành vi ứng xử của hai nhóm dân số trong cùng một môi trường. Một bên là nhóm mục tiêu, đối tượng của việc thực thi biện pháp, và một bên là nhóm không nhận được xử lí gì cả, gần giống như trong y học, khi sử dụng giả dược để thử nghiệm tính hiệu quả của thuốc.
Göran K. Hansson (1951-)
Ba người nhận giải Nobel đã giới thiệu một cách tiếp cận mới (dựa vào thử nghiệm) để tìm ra những câu trả lời đáng tin về cách thức tốt nhất để giảm nghèo trên thế giới”, theo lời giải thích của Göran Hansson ở Stockholm, tổng thư ký của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Cách tiếp cận này, mà mục đích là trợ giúp việc ra quyết định, đã tìm thấy, một cách lô-gic, một thực địa thử nghiệm quan trọng ở Châu Phi.   
Kể từ khi được thành lập vào năm 2003, trong số 980 mẫu đánh giá do J-PAL hoặc các thực thể liên kết với nó thực hiện, thì 300 mẫu đã được tiến hành trên lục địa. Phần lớn các đánh giá được thực hiện ở Kenya và Uganda, trong khi các vùng nói tiếng Pháp ở Tây Phi và Trung Phi cho đến nay ít được chú ý. Y tế, giáo dục và tăng cường sản xuất nông nghiệp là những chủ đề chính. Dưới đây là năm ví dụ về những vấn đề đã được “giải quyết” tại địa phương từ các đánh giá ngẫu nhiên này.
·   Cấp miễn phí hơn là bán mùng chống muỗi để chống bệnh sốt rét
Cấp miễn phí thay vì bán mùng chống muỗi để chống bệnh sốt rét. Bệnh sốt rét lan rộng ở Kenya và việc quản lý bệnh chiếm một nguồn chi phí tài chính đáng kể trong ngân sách y tế. Năm 2006, để đo lường tác động của việc loại bỏ toàn bộ hoặc một phần các khoản trợ cấp cho việc mua mùng chống muỗi, một thí nghiệm đã được tiến hành trên 20.000 phụ nữ mang thai đến khám bệnh tại các trung tâm khám thai tiền sản. Vả chăng, có một số nhà kinh tế khẳng định rằng việc trả tiền để mua mùng chống muỗi sẽ dẫn đến việc sử dụng mùng tốt hơn. Kết quả đã chỉ ra rằng giả định đó là sai, và đặc biệt việc các hộ nghèo nhất, dù chỉ phải trả một khoản tiền rất nhỏ, đã gây ra sự lao dốc lên đến 60% các yêu cầu về mùng chống muỗi.    
·   Việc tiếp cận nguồn tín dụng vi mô không cải thiện việc sử dụng các biện pháp tránh thai
Việc tiếp cận nguồn tín dụng vi mô không cải thiện việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Ethiopia, nơi tỷ lệ sinh con trên mỗi phụ nữ vẫn còn cao, đã đặt vấn đề về mối liên hệ giữa các chương trình tiếp cận tín dụng vi mô và việc sử dụng các biện pháp tránh thai để làm giảm số ca sinh con. Một cuộc điều tra đã được tiến hành từ năm 2003 đến năm 2006 trên 6.440 hộ gia đình ở 35 làng. Nếu việc sử dụng các biện pháp tránh thai và tín dụng vi mô nói chung đã tăng lên trong tất cả các đối tượng được thử nghiệm, thì các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy bất cứ sự khác biệt nào trong hành vi giữa nhóm những người thụ hưởng các chương trình nói trên với nhóm những người “đối chứng” mà trong đó người phụ nữ không hề nhận được bất kỳ khuyến khích nào trong việc vay tiền. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc cấp tín dụng không có bất cứ tác dụng nào lên việc sử dụng các biện pháp tránh thai.
·   Việc tẩy giun ở trẻ em sẽ kéo dài thời gian đi học của trẻ
Việc tẩy giun ở trẻ em sẽ giúp cải thiện việc học ở trường tiểu học. Đi học miễn phí, phân phát bữa ăn, đồng phục... Các nhà nghiên cứu của J-PAL đã quan sát gói công cụ này có thể khuyến khích phụ huynh gửi con em họ đến trường. Họ đã kết luận từ một đánh giá ngẫu nhiên trên một mẫu khảo sát 30.000 học sinh Kenya; và việc uống thuốc tẩy giun, để loại bỏ giun đường ruột ở các trẻ nhỏ, khẳng định rằng đó là một trong những cách tốt nhất để kéo dài thời gian đi học của trẻ. Được tiến hành từ năm 1997 đến năm 2001, tại bảy mươi lăm trường học ở nông thôn, nghiên cứu đã giúp làm giảm tỷ lệ vắng mặt xuống một phần tư với một chi phí thấp hơn so với các biện pháp khác.
·   Đảm bảo một hệ thống bảo hiểm tốt hơn cho nông dân thay vì trợ cấp cho họ
Người nông dân châu Phi cần nhiều hệ thống bảo hiểm tốt hơn là tiền vốn để hiện đại hóa các cơ sở canh tác của họ. Việc thiếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Châu Phi làm cho hiệu suất canh tác bị duy trì ở mức thấp nhất trên thế giới. Ở miền bắc Ghana, nơi chỉ có một mùa mưa, các nhà kinh tế muốn tìm hiểu lý do vì sao nông dân không mua phân bón hoặc không sử dụng nhiều nhân công hơn để gia tăng sản lượng. Cuộc điều tra được tiến hành từ năm 2009 đến năm 2013 trên 1.146 nông dân đã chỉ ra rằng sự tồn tại của bảo hiểm chống lại sự thất thường về mưa đã làm thay đổi nhiều hành vi của người nông dân so với việc trợ cấp nguồn vốn.  
·   Thông tin thích hợp về bệnh AIDS ở các trường tiểu học
Cần có những chiến dịch thông tin tinh tế hơn ở các trường tiểu học để ngăn ngừa bệnh AIDS. Ở miền tây Kenya từ năm 2003 đến năm 2005, đã có 71 trường tiểu học nằm trong đối tượng của chiến dịch thông tin có mục đích để cảnh báo các cô gái trẻ về những rủi ro khi quan hệ tình dục với những người đàn ông lớn tuổi, thường được gọi là những “ông bố ngọt ngào” (“sugar dadies”). Đàn ông trên 25 tuổi có nhiều khả năng nhiễm HIV cao hơn so với thanh thiếu niên. Cho đến lúc đó, chương trình thông tin chính thức về AIDS ở các trường tiểu học không bao gồm bất kỳ thông tin nào về việc nhiễm HIV theo độ tuổi. Vào thời điểm cuối chiến dịch này, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy giảm khoảng 30% các trường hợp mang thai so với các trường học không thực hiện chiến dịch phòng ngừa này.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF