17.10.19

Giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel được trao cho Banerjee, Duflo và Kremer


GIẢI KHOA HỌC KINH TẾ ĐỂ TƯỞNG NHỚ NOBEL ĐƯỢC TRAO CHO BANERJEE, DUFLO VÀ KREMER
(Alex Tabarrok)
Giải tưởng nhớ Nobel được trao cho Abhijit BanerjeeEsther Duflo and Michael Kremer (các đường dẫn đến trang riêng của các nhà kinh tế) về những nghiên cứu thí nghiệm thực địa trong kinh tế học phát triển. Esther Duflo đã đạt Huy Chương John Bates Clark, thắng giải “Thiên Tài” MacArthur, và hiện là người phụ nữ thứ hai giành giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel và là người trẻ tuổi nhất từng giành giải Nobel kinh tế học (trước đó Arrow là người đoạt giải trẻ tuổi nhất!). Duflo và Banerjee đã kết hôn vì vậy họ cũng là cặp vợ chồng đầu tiên giành giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel mặc dù họ không phải cặp vợ chồng đầu tiên giành các giải Nobel - còn có một cặp vợ chồng giành các giải Nobel mà một trong hai người là khôi nguyên của khoa học kinh tế. Bạn có thể kể tên cặp vợ chồng đó không?[*]

Kenneth Arrow (1921-2017)
Michael Kremer đã viết hai bài báo mà tôi thích nhất từ trước đến nay. Bài báo thứ nhất là Patent Buyouts (Mua đứt bằng phát minh sáng chế) mà bạn có thể tìm thấy trong quyển sách của tôi có tiêu đề Entrepreneurial Economics: Bright Ideas from the Dismal Science (Kinh tế học nghiệp chủ: Những sáng kiến từ môn khoa học buồn thảm). Ý tưởng mua đứt bằng phát minh sáng chế nghĩa là chính phủ mua bằng phát minh sáng chế và xé bỏ nó, đại chúng hóa phát minh đó. Vậy chính phủ nên mua với giá bao nhiêu? Người ta có thể tổ chức đấu giá để quyết định chuyện này. Ai cũng có thể ra giá trong cuộc đấu giá nhưng người thắng cuộc chỉ nhận được bằng phát minh sáng chế với giả sử như 10% thời hạn hiệu lực - 90% thời hạn hiệu lực còn lại được chính phủ mua lại theo giá thị trường. Giá trị của phương thức này là trong suốt 90% thời hạn hiệu lực chúng ta được hưởng tất cả những đặc tính khuyến khích của bằng phát minh sáng chế mà không có bất kỳ chi phí độc quyền nào. Do vậy, chúng ta không triệt tiêu sự đổi mới sáng tạo. Thực ra, chính phủ còn có thể trả thêm giả sử như 15% giá thị trường để gia tăng động lực đổi mới sáng tạo. Bạn có thể nghĩ rằng ý tưởng mua đứt bằng phát minh sáng chế là viển vông. Nhưng trong thực tế, Kremer đã tiếp tục tiên phong đề xuất một phiên bản quan trọng của ý tưởng đó, Advance Market Commitment for Vaccines (Cam kết thị trường ứng trước đối với vaccine) đã được sử dụng để đảm bảo thị trường cho vaccine phế cầu khuẩn hiện được tiêm cho 143 triệu trẻ em. Bill Gates đã vận động chính phủ ủng hộ cho dự án đó.
Paul Romer (1955-)
Bài báo thứ hai của Kremer mà tôi thích là Population Growth and Technological Change: One Million B.C. to 1990 (Gia tăng dân số và thay đổi công nghệ: Một triệu năm trước Công Nguyên đến 1990). Một nhà kinh tế khảo sát một triệu năm của nền kinh tế! Theo tôi có hai cách nhìn về nhân loại, con người là những cái dạ dày hoặc con người là những khối óc. Theo cách nhìn con người là những cái dạ dày, càng nhiều người nghĩa là càng nhiều miệng ăn, càng nhiều người nhận, càng ít phần dành cho mọi người. Theo cách nhìn con người là những khối óc, càng nhiều người nghĩa là càng nhiều khối óc, nhiều ý tưởng, và càng nhiều phần dành cho mọi người. Con người là những khối óc là cách nhìn của tôi và của Paul Romer (ý tưởng là không loại trừ nhau). Kremer kiểm định cả hai cách nhìn. Ông ta chứng minh rằng trong dài hạn tăng trưởng kinh tế đi lên cùng với sự gia tăng dân số. Con người là những khối óc.
Ồ, tôi có thể giới thiệu thêm bài báo thứ ba của Kremer không? The O-Ring Model of Development (Mô hình vòng chữ O về sự phát triển) là một bài báo tuyệt vời và sâu sắc. (Video của MRU về Mô hình vòng chữ O).
Công trình nghiên cứu được trao giải tưởng nhớ Nobel là các thí nghiệm thực địa trong kinh tế học phát triển. Kremer đã bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực này bằng các thử nghiệm ngẫu nhiên về chính sách giáo dục ở Kenya. Duflo và Banerjee sau đó đã đào sâu và mở rộng ứng dụng của các thí nghiệm thực địa và vào năm 2003 họ thành lập Poverty Action Lab (Trung Tâm Thí Nghiệm Giải Pháp Thoát Nghèo), là mạng lưới gồm hàng trăm nhà nghiên cứu trên khắp thế giới thực hiện các nghiên cứu thí nghiệm thực địa trong kinh tế học phát triển.
Bill Easterly (1957-)
Lant Pritchett (1959-)
Các thí nghiệm thực địa cho chúng ta biết nhiều thứ về chính sách nào hiệu quả và chính sách nào không hiệu quả. Trong bài báo Incentives Work (Các động cơ khuyến khích có tác dụng) Dufflo, Hanna và Ryan đã xây dựng thành công một chương trình giám sát và giảm tình trạng vắng mặt của giáo viên ở Ấn Độ, một vấn đề mà theo Michael Kremer viết trong bài báo Missing in Action (Mất tích khi làm nhiệm vụ) là rất nghiêm trọng với khoảng trung bình 30% giáo viên không có mặt ở trường trong một ngày. Nhưng khi họ tìm cách thiết lập chương trình tương tự cho các y tá trong bài báo Putting a Band-Aid on A Corpse (Dán một miếng băng cá nhân lên một tử thi) thì chẳng bao lâu sau các chính trị gia địa phương đã ngầm phá hoại chương trình và “18 tháng sau khi khởi sự, chương trình đã hoàn toàn vô hiệu.” Tương tự, Banerjee, Duflo, Glennerster và Kinnan phát hiện ra rằng Tài chính vi mô có tác dụng nhưng không phải là phép màu (xin lỗi khôi nguyên Muhammad Yunus). Một bài học nản lòng là các kết quả nghiên cứu mang bản chất phụ thuộc vào bối cảnh và khó khăn trong việc tìm tính hợp lý ngoại tại (external validity). (Lant Pritchett trong bài chỉ trích các nhà nghiên cứu dùng phương pháp ngẫu nhiên hóa (“randomistas”) đã lập luận rằng sự phát triển thực sự được dựa trên các chính sách vĩ mô chứ không phải thí nghiệm vi mô. Đọc thêm bài của Bill Easterly về sự thành công của Đồng Thuận Washington.)              
Duflo, Kremer và Robinson nghiên cứu How High Are Rates of Return to Fertilizer? Evidence from Field Experiments in Kenya (Lợi suất phân bón cao bao nhiêu? Bằng chứng từ thí nghiệm thực địa ở Kenya). Đây là một nghiên cứu đặc biệt thú vị vì họ phát hiện rằng lợi suất rất cao nhưng nông dân không dùng nhiều phân bón. Tại sao không? Dường như phải dựa nhiều vào các thiên lệch về hành vi thay vì tính duy lý để đưa ra các nguyên do. Một số can thiệp có tác dụng:
Các phát hiện của chúng tôi gợi ý rằng những can thiệp đơn giản không ảnh hưởng đến chi phí phân bón, hay sự đánh đổi cho phân bón, có thể làm tăng đáng kể việc sử dụng phân bón. Cụ thể, đề xuất nông nhân mua phân bón (ở mức giá thị trường, nhưng giao hàng miễn phí) ngay sau khi thu hoạch sẽ làm số nông dân sử dụng phân bón tăng ít nhất 33%, tác động này tương đương với tác động của việc giảm 50% giá phân bón (ngược lại, việc giao hàng miễn phí lúc phân bón thực sự cần thiết để rải trên mặt đất không có tác dụng gì đến việc sử dụng phân bón). Phát hiện này dường như không tương thích với ý tưởng cho rằng [nông dân] ít sử dụng phân bón là vì lợi suất thấp hay hạn chế tín dụng, và gợi ý về vai trò của hành vi duy lý bán phần trong việc giải thích các quyết định sản xuất.
Nghiên cứu này gợi nhớ việc người dân ở các nước phát triển không điều chỉnh tỷ lệ đóng vào quỹ tiết kiệm hưu trí của họ để hưởng lợi vì người sử dụng lao động phải góp cùng một tỷ lệ vào quỹ tiết kiệm hưu trí cá nhân của nhân viên. (Một sự liên hệ tới nghiên cứu của Thaler).        
Duflo và Banerjee đã thực hiện nhiều thí nghiệm thực địa ở Ấn Độ và nghiên cứu không chỉ những vấn đề quen thuộc trong kinh tế phát triển mà còn nghiên cứu về chính trị. Vào năm 1993, Ấn Độ công bố một điều trong hiến pháp quy định rằng mỗi bang phải dành một phần ba các ghế chủ tịch các hội đồng làng cho phụ nữ. Trong một chuỗi bài báo, Duflo nghiên cứu thí nghiệm tự nhiên này, ngẫu nhiên hóa các làng có phụ nữ làm chủ tịch hội đồng. Trong bài báo Women as Policy Makers (Phụ nữ trong vai người hoạch định chính sách - viết cùng Chattopadhyay), bà đã phát hiện rằng các nữ chính trị gia phân bổ nguồn lực cho cơ sở hạ tầng có liên quan đến phụ nữ. Trong bài báo Powerful Women (Những người phụ nữ quyền lực - Beaman và các đồng tác giả), bà phát hiện rằng những làng đã từng có lãnh đạo là phụ nữ thì triển vọng có các nữ lãnh đạo trong lương lai tăng lên, nghĩa là trải nghiệm thực tế giúp giảm thiên lệch.
Trước khi Banerjee trở thành nhà nghiên cứu dùng phương pháp ngẫu nhiên hóa, ông là một lý thuyết gia. A Simple Model of Herd Behavior (Mô hình đơn giản về hành vi bầy đàn) cũng là một bài báo của ông mà tôi yêu thích. Bản chất của mô hình có thể được giải thích bằng một ví dụ đơn giản (như trong bài báo). Giả sử có hai nhà hàng A và B. Khả năng cho trước là nhà hàng A có vẻ tốt hơn nhà hàng B một chút, nhưng thực tế là B tốt hơn. Khách tuần tự xếp hàng vào hai nhà hàng và khi họ xếp hàng họ nhận được tín hiệu thông báo nhà hàng nào tốt hơn và họ thấy được người trước mình chọn nhà hàng nào. Giả sử người đầu tiên trong hàng nhận được tín hiệu là nhà hàng A tốt hơn (ngược với thực tế). Họ chọn A. Người thứ hai nhận được tín hiệu là nhà hàng B tốt hơn. Người thứ hai trong hàng thấy người thứ nhất chọn A, vì vậy họ hiện có một tín hiệu cho A và một tính hiệu cho B và tín hiệu đầu tiên là A nên trọng số bằng chứng dành cho A - người thứ hai cũng chọn nhà hàng A. Người tiếp theo trong hàng cũng nhận tín hiệu cho B nhưng họ cũng chọn A với cùng lý do. Thực tế, mọi người chọn A ngay cả khi 99 trên 100 tín hiệu là B. Chúng ta hành động theo bầy đàn. Cấu trúc thông tin tuần tự nghĩa là thông tin bị lãng phí. Do vậy, cách phát tán thông tin có thể dẫn đến những kết cục rất khác nhau. Rất nhiều bài học ở đây dành cho đăng tin trên Twitter và Facebook!
Banerjee cũng là tác giả của một số nghiên cứu độc đáo và cốt yếu về lịch sử kinh tế Ấn Độ, đáng chú ý nhất là History, Institutions, and Economic Performance: The Legacy of Colonial Land Tenure Systems in India (Lịch sử, Thể chế, và Hiệu quả kinh tế: Di sản của Hệ thống chiếm hữu đất thuộc địa ở Ấn Độ - viết cùng Iyer)
Bài thuyết trình của Duflo trên TED Talk. Các bài đăng trước đây về Duflo; về Kremer; về Banerjee trên trang Marginal Revolution.         
Trước khi công bố giải tưởng nhớ Nobel năm ngoái, Tyler đã viết:
Tôi chưa bao giờ đoán trúng, ít nhất là đoán trật thời điểm, vì vậy tôi gửi lời xin lỗi đến người mà tôi chọn (xin lỗi Bill Baumol!). Tuy nhiên, năm nay tôi đoán Esther Duflo và Abihijit Banerjee, và có thể là cùng với Michael Kremer sẽ đoạt giải, vì các thí nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên trong kinh tế học phát triển.
Như Tyler dự đoán rằng ông ta vừa sai lại vừa đúng. Do đó, những người được vinh danh năm nay rất đúng thời điểm và rất xứng đáng. Chúc mừng cả ba khôi nguyên.
Giới thiệu về tác giả:
Alex Tabarrok (1966-)
Tyler Cowen (1962-)
Alex Tabarrok là Chủ tịch nghiên cứu Kinh tế học mang hiệu Bartley J. Madden tại Trung tâm Mercatus và là giáo sư kinh tế học tại Đại học George Mason. Cùng với Tyler Cowen, ông là đồng tác giả blog nổi tiếng về kinh tế học Marginal Revolution và là đồng sáng lập Đại học Marginal Revolution (MRU). Ông là tác giả của nhiều bài báo học thuật trong lĩnh vực luật và kinh tế, tội phạm học, chính sách điều tiết, lý thuyết bầu cử và những lĩnh vực khác của kinh tế chính trị. Ông và Tyler là đồng tác giả cuốn Modern Principles of Economics (Các Nguyên Lý Kinh Tế Học Hiện Đại), là cuốn sách giáo khoa nhập môn được sử dụng rộng rãi. Ông đã có một bài thuyết trình trên TED talk vào năm 2009. Các bài viết của ông được đăng trên New York Times, Washington Post, Wall Street Journal, và nhiều xuất bản khác.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: The Nobel Prize in Economic Science Goes to Banerjee, Duflo, and Kremer”, Marginal Revolution, 14/10/2019.




Ghi chú của người dịch:

[*] Alva Myrdal (giải – “chính hiệu” – Nobel hoà bình) và Karl Gunnar Myrdal (giải tưởng nhớ Nobel về khoa học kinh tế của Ngân hàng trung ương Thụy Điển)

Print Friendly and PDF