22.10.19

Esther Duflo và các đồng tác giả của cô đã tạo ra cuộc cách mạng trong một lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực viện trợ phát triển


NHÀ KINH TẾ HỌC, DANIEL COHEN NHẬN XÉT  “ESTHER DUFLO VÀ CÁC ĐỒNG TÁC GIẢ CỦA CÔ ĐÃ TẠO RA CUỘC CÁCH MẠNG TRONG MỘT LĨNH VỰC THIẾT YẾU, LĨNH VỰC VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN”
Theo Daniel Cohen, trưởng khoa kinh tế Đại học Normale Supérieure (ENS), giải Nobel kinh tế này có thể so sánh với Giải Nobel về y học, bởi lẽ, những “nghiên cứu này sẽ giúp người dân thoát nghèo”.
 Esther Duflo và Abhijit Banerjee, cả hai vợ chồng đều là khôi nguyên giải Nobel kinh tế 2019, tại Cambridge (Massachussets) ngày 14.10.2019 (BRYCE VICKMARK/MIT)
“Esther Duflo và các đồng tác giả của cô đã tạo ra cuộc cách mạng trong một lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực viện trợ sự phát triển”, nhà kinh tế học, Daniel Cohen đã nhận xét như thế sau khi giải Nobel kinh tế được trao cho bộ ba các chuyên gia trong việc chống đói nghèo (Esther Duflo, chồng của cô, một người Mỹ gốc Ấn tên là Abhijit Banerjee và Michael Kremer cũng là công dân Mỹ). Daniel Cohen là trưởng khoa kinh tế của Trường Đại học Sư phạm (Normale Supérieure - ENS), ông đã từng là một trong các giáo sư của Esther Duflo ở Pháp.
Franceinfo: Esther Duflo, sinh viên cũ của ông đã được trao giải thưởng Nobel kinh tế, điều này có khiến ông tự hào không?
Christian Baudelot (1938-)
Daniel Cohen (1953-)
Daniel Cohen: Dĩ nhiên rồi, đây là niềm tự hào to lớn trên bình diện cá nhân và tập thể. Esther đã là một trong những sinh viên đầu tiên của khoa mà chúng tôi đã đào tạo (tại ENS) cùng với Christian Baudelot: khoa khoa học xã hội đã hướng tới việc thu hút nhiều sinh viên hơn theo học kinh tế và xã hội học. Esther mới đầu đã theo đuổi ngành sử học, sau đó đã quay sang học ngành kinh tế. Đây là một niềm vui lớn lao, một sự hài lòng khi thấy tất cả những điều như vậy đã đơm hoa kết trái.
Giải thích thế nào về giải Nobel này?
Esther Duflo và các cộng sự của mình đã tạo ra cuộc cách mạng trong một lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực viện trợ phát triển. Đã khá lâu, một giải Nobel kinh tế đã không được trao cho các nhà nghiên cứu đã giúp cải thiện một cách thực sự hoàn cảnh vật chất của những người nghèo nhất. Người ta thường chỉ trích các nhà kinh tế học là tạo ra các mô hình trừu tượng, chìm đắm trong tư biện tri thức. Bất hạnh là điều này thường đúng như thế. Ở đây, chúng ta đã có một người nhận được một giải Nobel có thể so sánh với một giải Nobel về y học. Đó là những nghiên cứu hỗ trợ cho người dân thoát nghèo, những người phải chịu đựng những đau khổ lớn, về cơ bản, phải liên tục lựa chọn: liệu tôi phải nuôi sống bản thân hay dẫn các con tôi đến trường? Tôi phải chuẩn bị cho hưu trí của tôi hay chuẩn bị cho mùa gặt tới? Tiếp cận của các tác giả là đề cập đến những câu hỏi này một cách rất thiết thực, không nói ‘về mặt lý thuyết, cần phải ưu tiên cho sức khỏe hơn là cho một tình thế bình thường như mua một máy truyền hình’. Chúng ta biết rằng, bản chất con người là mỏng manh, bị chia sẻ giữa các lựa chọn ngắn hạn và các lựa chọn dài hạn hơn. Sự khác nhau giữa các nước nghèo và các nước giàu là tại các nước giàu các định chế lãnh trách nhiệm về các quyết định lớn (như hưu trí, giáo dục), nhưng điều này không xảy ra tại các nước nghèo. Tác giả đã chỉ ra những điều như vậy, và trên đó, cô đã trình bày phải giúp những người nghèo lấy các quyết định thế nào.
Esther Duflo thường nhắc nhở rằng có những sáo mòn liên quan đến những người nghèo, liệu chúng ta có thể cho rằng cô chống lại những sáo mòn này trong các nghiên cứu của cô ấy?
Đúng vậy, sự sáo mòn xưa nhất mà người ta gặp thường xuyên trong các cuộc tranh luận nội bộ của chúng tôi là: “giúp các nước nghèo, đó là duy trì sự hỗ trợ”. Chúng ta thường nghe như thế tại Pháp. Ok, chúng ta cần giúp các nước nghèo, cũng như chúng ta cần giúp những người nghèo ở đất nước chúng ta, câu hỏi đặt ra là giúp thế nào. Có nhiều ý tưởng đã lưu hành. Chẳng hạn, liệu chúng ta có nên cung cấp các bữa ăn miễn phí cho các em nhỏ để khuyến khích các phụ huynh cho con đến trường không. Chúng ta nhận ra rằng, kiểu giúp như vậy không hề hiệu quả, bởi lẽ, khi trở về nhà các cháu lại không có bữa tối. Hay liệu có nên cung cấp sách vỡ miễn phí cho các cháu, kiểu giúp này cũng chẳng hiệu quả luôn. Ngược lại, những người đỡ đầu, các cán sự trợ giúp đến và chăm sóc những người gặp khó khăn nhất thì lại hiệu quả. Một ví dụ khác về thuốc, nếu thuốc không phải miễn phí, thì người ta sẽ không mua chúng cho dù giá cả thế nào, bởi lẽ khi người ta nghèo thì còn có vô số thứ khác cần phải lo. Một đô hay miễn phí? Nếu chúng ta muốn một cách chắc chắn là người nghèo phải tự lực, thì cần phải miễn phí. Đó là vấn đề của tính hiệu quả chủ yếu đối với những người đã cố gắng giúp những người nghèo nhất trên thực địa, nhưng đó cũng là một tranh luận mang tính triết lý về mối quan hệ với sự nghèo đói, và khi người ta nghèo, người ta phải tự xoay xở trong hoàn cảnh mà bình thường tại các nước giàu có thì được sự hỗ trợ của các thể chế.
Liệu chúng ta có thể nói đến một bước ngoặt của ngân hàng Thủy Điển khi trao giải thưởng này cho điều mà ông gọi là kinh tế học cụ thể không?
Một bước ngoặt thì tôi không biết. Các nhà kinh tế học cũng như Uỷ ban Nobel (theo một một cách nào đó là tiếng vọng của các nhà kinh tế) cuối cùng cũng hiểu rằng huyền thoại về một tính duy lý hoàn toàn của các cá nhân là không đúng, rằng việc lấy các quyết định là khó khăn, và rằng người ta cần được giúp đỡ. Hãy lấy một ví dụ về câu chuyện hưu trí, liệu bạn có thể hình dung được ở Pháp, người ta có thể nói: ‘hãy đóng góp như bạn muốn và chúng ta sẽ tính tiếp khi bạn bước qua 65 tuổi’. Ta biết rõ rằng nếu người ta làm như thế, thì sẽ có một bộ phận không nhỏ dân chúng phải hi sinh sự ngắn hạn cho sự dài hạn, và sẽ không được hỗ trợ. Đây là cách chính xác mà Esther và các đồng nghiệp của cô ấy đã đặt vấn đề đối với các nước nghèo nhất.
Nguyễn Khánh Trung dịch
Print Friendly and PDF