11.10.19

Chính sách ngoại giao xã hội của các công ty đa quốc gia


CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO XÃ HỘI CỦA CÁC CÔNG TY ĐA QUỐC GIA
Trong khi một hiệp ước quốc tế về trách nhiệm xã hội của các công ty đa quốc gia đang được đàm phán ở Liên Hiệp Quốc, Marieke Louis cho thấy các công ty đã thâm nhập vào các vũ đài của sự cai trị thế giới như thế nào và làm nổi bật những quan hệ đôi chiều giữa các Nhà Nước và các công ty đa quốc gia.
Tiểu luận này là một trích đoạn của cuốn sách “Quyền lực của các công ty đa quốc gia” do Marieke Louis và Christian Chavagneux làm chủ biên, sẽ được xuất bản vào ngày 10/10/2018 trong Bộ Sưu Tập PUF/Vie des Idées.
Marieke Louis[*]
Marieke Louis
Susan Strange (1923-1998)
Thoạt nhìn, bàn về chính sách ngoại giao của các công ty đa quốc gia có vẽ là nghịch lý. Thật vậy, ngoại giao thường được xem như là một lĩnh vực dành riêng cho Nhà Nước. Nhưng, cũng như Susan Strange đã cho thấy rõ trong những công trình nghiên cứu tiên phong của mình trong lĩnh vực kinh tế học chính trị quốc tế, chính trị không phải là (thậm chí chưa bao giờ là) một hoạt động chỉ dành cho những người đại diện chính thức mà thôi[1]. Cũng như biết bao tổ chức phi chính phủ khác, các công ty đã trở thành những tác nhân không thể tránh trong sự định hình chính sách ngoại giao của các Quốc Gia và các định chế cai trị thế giới[2]. Như vậy, thì hoạt động chính trị này (của các công ty) là những hoạt động nào, và trong khuôn khổ này, thì quan hệ giữa các công ty và các Quốc Gia là như thế nào?
Trong tiểu luận này, chúng tôi sẽ đề cập đến một khía cạnh ít được nghiên cứu về hoạt động quốc tế của các công ty đa quốc gia, mà chúng tôi gọi là “ngoại giao xã hội”. Thuật ngữ nay chỉ toàn bộ những hoạt động được các công ty khởi sự trong lĩnh vực điều tiết xã hội những hoạt động kinh tế của họ: đó là những cuộc đàm phán về các điều kiện lao động của các nhân viên của họ, hay gần đây, những cuộc tranh luận về trách nhiệm xã hội và sinh thái của các công ty, trong một bối cảnh mang dấu ấn của sự nhân lên các vụ tai tiếng xã hội, vệ sinh y tế và sinh thái với sự liên lụy của các công ty đa quốc gia. Chúng tôi sẽ bàn đến hai chiều kích của chính sách ngoại giao xã hội của các công ty đa quốc gia. Trong chiều kích thứ nhất, các công ty đa quốc gia vừa được xem như là đối tượng và tác nhân của sự điều tiết trong lĩnh vực xã hội[3]. Trong chiều kích thứ hai, tính đại diện có tổ chức (hay vô tổ chức) của các công ty đa quốc gia trên phạm vi toàn thế giới sẽ được xem xét, dựa trên sự phân tích mối liên hệ giữa sự xé nhỏ của sự đại diện đó và tính chất không bền của những điều tiết hiện có.
Nhà nước và các công ty: ai điều tiết ai?
Những năm 1970: các công ty đa quốc gia, đối tượng của sự điều tiết quốc tế
Mặc dù hiện nay nó xuất hiện lại với một cường độ đặc biệt lớn xung quanh việc điều tiết nhóm GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon)[**], ý tưởng phải kiểm soát chính sách của các công ty đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội, không phải là mới. Những năm 1970 là một thập niên tiên phong với sự xây dựng những bộ khung định chế và quy chế ở phạm vi quốc tế nay vẫn còn giữ tính thời sự. Những nguyên nhân của sự vận động của hệ thống quốc tế vừa nằm bên trong lẫn bên ngoài hệ thống. Trong những nguyên nhân từ bên ngoài, cần phải kể đến những áp lực xuất phát từ một số tác nhân của xã hội dân sự, đặc biệt sự huy động rất mạnh của các nghiệp đoàn quốc tế đã sử dụng việc lên án (naming and shaming/chỉ rõ và tạo ra sự xấu hổ), và đặc biệt sự thiết lập những “danh sách đen” của những công ty như là danh mục cho những hành động để cảnh báo các công dân và các chính phủ về việc các công ty đa quốc gia không tôn trọng quyền lợi của người lao động. Trong các nguyên nhân từ bên trong, cần phải nêu lên vai trò của các quốc gia mới giành lại độc lập đã đưa các công ty đa quốc gia vào chương trình nghị sự của một số diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc: Đại Hội Đồng, Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội (ECOSOC), hay Hội Nghị của Liên Hiệp Quốc về Thương Mại và Phát Triển (CNUCED). Được thành lập vào năm 1964, CNUCED là diễn đàn ưa thích của các nước đang phát triển để tố giác một vài chính sách của các công ty đa quốc gia mà họ cho là đã làm cho quyền tự quyết quốc gia của họ bị tổn hại. Năm 1974, sau vài vụ tai tiếng, trong đó có vụ liên hệ đến công ty đa quốc gia Mỹ International Telephone and Telegraph, bị tố cáo là đã can dự vào nền chính trị của Chili, Trung Tâm của Liên Hiệp Quốc về các công ty liên quốc gia đã được thành lập, nhằm thiết lập một bộ ứng xử cho các công ty đa quốc gia, nhưng với một thái độ dè dặt của một số nước Phương Tây, đặc biệt là Mỹ[4].
Trong những tổ chức quốc tế dấn thân vào những cuộc tranh luận này (với những lý do khác nhau), có hai tổ chức càng ngày càng nổi bật trong việc thiết lập những quy tắc nhằm kiểm soát những hành vi của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực xã hội: Tổ chức Hợp Tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) và Tổ Chức Lao động Quốc tế (OIT). Năm 1976, OCDE, lúc đầu đã nắm lấy vấn đề về các tổ chức đa quốc gia dưới lăng kính của những vụ đầu tư và chế độ thuế khóa, trước khi quan tâm đến những vấn đề xã hội, đã cho xuất bản những “nguyên tắc chỉ đạo” hướng đến những công ty đa quốc gia. Công thức “nguyên tắc chỉ đạo”, đặc biệt được đánh giá mang ít tính bắt buộc hơn công thức “bộ ứng xử” được Liên Hiệp Quốc sử dụng. Một năm sau, OIT đã thông qua một tuyên bố về các công ty đa quốc gia và chính sách xã hội, với một giọng điệu phê phán hơn đối với quyền lực ngày càng lớn của các công ty (đặc biệt so với Nhà Nước) và đặt trọng tâm vào những điều kiện lao động và những hệ quả của hoạt động của những công ty trong lĩnh vực lao động và thất nghiệp. Tuy xuất phát từ những tổ chức có những sự ủy nhiệm và thành phần khác nhau, hai văn bản này có điểm chung là nhấn mạnh đến những khả năng mà các công ty đa quốc gia có trong lĩnh vực đầu tư và việc làm, trước khi buộc họ phải làm cho các hoạt động của mình phải tương hợp với những quyền con người và những bộ luật xã hội của các quốc gia.
Những công ty được huy động và “đặt ra quy chuẩn”
Hoàn toàn không thụ động, các công ty đa quốc gia cũng được động viên để chống lại những điều tiết bị đánh giá là quá khắt khe (thậm chí để dự đoán nó) và để lên án những can thiệp của Nhà Nước đe dọa đến sự tồn tại của họ. Trong những năm 1970, sự trưng dụng, đặc biệt thông qua sự quốc hữu hóa, thường hay được các nhà lãnh đạo các công ty và các tổ chức của giới chủ nêu lên như là một trong những mối đe dọa mà họ cần phải dự phòng[5]. Ngoài việc dùng đến luật pháp quốc tế và những hoạt động hành lang mà họ có thể tiến hành một cách trực tiếp đối với các chính phủ, họ còn có thể sử dụng những đại diện của giới chủ nhân trong các tổ chức quốc tế (xem phần đóng khung dưới đây) để có thể làm chủ những nội dung và tầm quan trọng những quy tắc mà họ có thể sẽ phải tuân thủ. Ngoài sự chống đối của các nước Tây Phương đối với những quy chế mang tính cưỡng bức quá mạnh, những cuộc vận động hành lang gián tiếp của các công ty giải thích phần nào tính chất tương đối ôn hoà của những tuyên bố của OCDE và OIT năm 1976 và 1977. Thêm nữa, không chỉ biết phản ứng mà thôi, các công ty đa quốc gia còn cho thấy họ rất năng động khi, trong một vài trường hợp, họ đã đi trước các sự điều tiết: hoặc bằng cách xây dựng những bộ ứng xử của chính mình, hoặc thương lượng với các tổ chức quốc tế và các quốc gia về những quy chuẩn mà họ sẽ phải tuân thủ.
Những lợi ích được chờ đợi khi các công ty tham gia vào những sáng kiến đa phương này, thậm chi khi tự mình xây dựng lấy những bộ ứng xử riêng của họ, có thể rất là nhiều[6]: họ tránh được những thủ tục tư pháp có thể rất là tốn kém (trên phương diện tài chính và biểu tượng), bảo vệ, thậm chí còn chinh phục được những thị trường mới thông qua sự cải tiến thanh danh của họ đối với một công chúng ngày càng nắm nhiều thông tin và càng cảnh giác. Từ ba mươi năm nay, ta chứng kiến sự phát triển của các sáng kiến trong đó các công ty đa quốc gia, ngang hàng với các quốc gia, đã trở thành những thể chế “đặt ra quy chuẩn” (norm setters) trong những lĩnh vực rất đa dạng và thường không tổ chức theo thứ bậc, từ việc cấm trẻ em lao động cho đến việc bảo vệ môi trường hay phát triển tính minh bạch trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Một vài sáng kiến xứng đáng được nêu lên ở đây.
Kofi Annan (1938-2018)
John Ruggie (1944-)
Được ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan khởi xướng vào năm 2000 và được ông John Ruggie, đại diện đặc biệt của ông Tổng Thư Ký cổ xúy, Định Ước Thế Giới (Global Compact) là sự thiết lập mối quan hệ đối tác trực tiếp và tự nguyện giữa Liên Hiệp Quốc và các công ty và các tổ chức đủ loại (tư, công, nhỏ và lớn)[7]. Định Ước Thế Giới, được thương lượng với rất nhiều tác nhân đa dạng của xã hội dân sự và giới công ty, trình bày những nguyên tắc mang tính phổ cập trong lĩnh vực quyền con người, quy tắc quốc tế về lao động, bảo vệ môi trường và đấu tranh chống tham nhũng, mà các công ty - và đặc biệt ở đây các công ty đa quốc gia bị nhắm đến – buộc phải tuân thủ trong lĩnh vực hoạt động và ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên các quốc gia vẫn tiếp tục được xem như là những tác nhân chính chịu trách nhiệm về việc tôn trọng các quyền này. Do đó, đã có những lời kêu gọi được lặp lại, đặc biệt bởi chính ông John Ruggie, để củng cố những khả năng kiểm soát của các quốc gia trong khuôn khổ của Định Ước Thế Giới bao gồm nhiều chiều kích và nhiều thành phần[8].             
Song song với sáng kiến của Liên Hiệp Quốc, một tổ chức tư nhân, Tổ Chức Quốc Tế về sự Chuẩn Hóa (được biết nhiều hơn với tên tiếng Anh International Standardization Organisation ISO) cũng đã được đề cập đến rất nhiều. Năm 2010, ISO đã thông qua chuẩn mực ISO 26000 về trách nhiệm của các công ty và các tổ chức đối với xã hội (để tránh việc chỉ nhắm tới các công ty đa quốc gia), sau một tiến trình thật sự đã muốn mang tính bao quát đối với cả xã hội lẫn các công ty[9]. Chuẩn mực này, nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức trong đó có Phòng Thương Mại và Công Nghiệp vốn xem nó như là “chuẩn mực quy chiếu” và thật sự như là “chuẩn mực quốc tế đầu tiên” trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội của các công ty, rõ ràng đã che lấp những sáng kiến trong những năm 1970, đặc biệt của OIT. Mặc dù tuyên bố của OIT vẫn được cập nhật hóa một cách đều đặn và bao gồm một hệ thống hỗ trợ vô danh và miễn phí qua mạng cho các xí nghiệp (Helpdesk for Business on International Labour Standards dịch vụ hỗ trợ trên mạng cho kinh doanh về những chuẩn mực lao động quốc tế), nó vẫn không được các xí nghiệp, các chính phủ và xã hội dân sự biết đến nhiều.
Vậy, đối với những tác dụng của các điều tiết này thì như thế nào? Dù là công hay tư[10], những sáng kiến này có một điểm chung là cố gắng phổ biến những “thực tiễn tốt”[11] trong lĩnh vực xã hội hơn là áp đặt một cái khung pháp lý mang tính ràng buộc đối với các công ty. Chính vì lý do đó, mà có một số người nói đến một “luật mềm (soft law)” đối lập, một cách hơi quá đáng, với một “luật cứng (hard law)” và thật sự có tính ràng buộc. Tuy nhiên những cơ chế này không hẳn là không có những hệ thống theo dõi và kiểm tra, và được thừa nhận như là những khung quy chiếu được các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế dựa vào để chính đáng hóa những yêu sách, thậm chí những khiếu nại của họ đối với các công ty đa quốc gia. Cũng thế, những nguyên tắc chỉ đạo của OCDE đã thiết lập những điểm tiếp xúc quốc gia là những kênh để chuyển đạt (thường bị xem như là quá thiếu) những khiếu nại của xã hội dân sự[12]. Định Ước Thế Giới thì dự kiến môt cơ chế loại trừ những công ty nào không chịu thường xuyên báo cáo về sự tương hợp của những thực tiễn của họ, và khai trừ ngay từ đầu những công ty nào mà hoạt động hoàn toàn không phù hợp với những mục tiêu của Liên Hiệp Quốc (buôn bán vũ khí hay sản xuất thuốc lá). Từ năm 2014, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã tăng mạnh áp lực đối với những công ty đa quốc gia thông qua việc chuẩn bị một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan đến sự tôn trọng quyền con người và bồi thường những nạn nhân của những vụ vi phạm do các công ty phạm phải[13].                    
Tuy chỉ có một hiệu lực tương đối thôi, những công cụ này cũng minh chứng cho một nhận thức quốc tế về sự cần thiết phải kiểm soát về mặt xã hội hoạt động kinh tế của các công ty đa quốc gia vốn đã thành công trong việc áp đặt chính họ như là những tác nhân thật sự của sự điều tiết (của họ) trong một cuộc chơi ngoại giao bị xé nhỏ thành mảnh.
Sự đại diện của các công ty đa quốc gia ở phạm vi toàn thế giới: nghệ thuật trốn tránh
Tính đa thanh của giới chủ nhân
Sự quan tâm mà các phương tiện truyền thông dành cho vận động hành lang của các công ty đa quốc gia đối với các tác nhân chính trị (chúng ta hãy nghĩ đến vận động động hành lang của công ty sản xuất nông phẩm Monsanto để cản trở Liên Minh Châu Âu cấm sử dụng glyphosate) thường đã ngăn trở việc hiểu được sự tập hợp của các công ty ở phạm vi quốc tế. Mặc dù ít được biết đến hơn hoạt động của nhân viên của họ, hành động tập thể của các công ty đa quốc gia hoàn toàn là có thật[14], và, trái với một số định kiến, không mang hình thức của một tổ chức thế giới vận động hành lang duy nhất.
Được thành lập năm 1919, OIT bao gồm ba thành phần: mỗi quốc gia được đại diện bởi ba thành phần, đại diện của chính phủ, và cả đại diện của các tổ chức của người lao động và của giới chủ nhân. Hai thành phần sau đàm phán, gần như ngang hàng với các quốc gia, về các chuẩn mực quốc tế về lao động. Đa số những người lao động và chủ nhân có mặt ở OIT được tập hợp trong Tổng Liên Đoàn Lao Động Quốc Tế và Tổ Chức Quốc Tế của Người sử dụng lao động (OIE). OIE còn có quy chế tư vấn bên cạnh Hội đồng Kinh Tế và Xã Hội của Liên Hiệp Quốc, một quy chế cũng được dành cho Phòng Thương Mại Quốc Tế vốn đã trở thành quan sát viên thường xuyên ở Đại Hội Đồng vào năm 2016.
Tiếp nối Tổ Chức Châu Âu về Hợp Tác Kinh Tế, OCDE, được thành lập năm 1961 đã thiết lập hai ủy ban đại diện cho giới lao động và giới chủ nhân: Trade Union Advisory Committee (Ủy Ban Tư Vấn của các Nghiệp Đoàn) và Business and Industry Advisory Committee (Ủy Ban Tư Vấn Kinh Doanh và Công Nghiệp, nay là Business at OECD nhưng được biết đến nhiều hơn với danh nghĩa “BIAC”.
Như vậy, những công ty (không chỉ đa quốc gia), được chính thức đại diện trong vài thể chế của sự điều hành thế giới thông qua những tổ chức của giới chủ nhân ở cấp quốc gia và quốc tế. Nhưng khác với OIT, nơi mà họ có quyền quyết định thật sự, những tổ chức này chỉ có một vai trò tư vấn ở Liên Hiệp Quốc và OCDE (điều này không có nghĩa là họ không có ảnh hưởng).
Phản xạ đầu tiên là nghĩ đến Diễn Đàn Kinh Tế Davos được thành lập năm 1971. Chính trong khuôn khổ này mà những nhà lãnh đạo các công ty quan trọng nhất trên thế giới hội họp với nhau mỗi năm, và đây cũng là cơ hội để cho một số quốc trưởng và chính khách xuất hiện. Chính là trong khuôn khổ của Diễn Đàn Davos năm 1999 mà Kofi Annan đã đưa ra ý tưởng về Định Ước Thế Giới[15], ngầm công nhận tính đại diện của sự tập hợp của các các ông chủ công ty này để đặt những cột mốc cho một quan hệ đối tác với Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, nếu Diễn Đàn Davos đúng là một nơi quan trọng để trao đổi và gặp gỡ giữa các thành phần tinh hoa kinh tế, đã có những tổ chức đại diện cho các công ty trên phạm vi toàn thế giới, từ gần một thế kỷ nay. Đó là trường hợp của CCI và OIE (xem phần khung ở trên) mà trụ sở nằm ở Paris và Genève, với những công ty và tổ chức thành viên rải rác trên khoảng 120 nước đối với CCI và 140 nước đối với OIE. Cả hai tổ chức này đều tự cho là nắm độc quyền đại diện cho các công ty tư nhân trên phạm vi toàn thế giới: CCI đối với các vấn đề kinh tế, OIE đối với các vấn đề xã hội, theo một thỏa hiệp đã được tìm ra ngay từ đầu những năm 1920 và được tái xác nhận trong những năm 1970. Trên lý thuyết, CCI va OIE đã chia nhau một cách hài hòa nhiệm vụ về một sự đại diện ngoại giao các công ty trong những thể chế của sự điều hành thế giới.
Trên thực tế, hai tổ chức này đã tiến hóa một cách tương đối độc lập, với những sự hợp tác theo từng trường hợp. Như thế, CCI đã tập trung vào các vấn đề thương mại và đặc biệt các vấn đề về trọng tài quốc tế bằng cách thiết lập một quan hệ đặc biệt với Hội Quốc Liên và sau đó với Liên Hiệp Quốc. Về phần mình, OIE trong một thời gian dài đã có sự ủy quyền duy nhất (thậm chí đây là lý do tồn tại duy nhất của nó) để đại diện cho các tổ chức của giới chủ nhân ở OIT, và đã can thiệp trên những vấn đề chủ yếu là pháp lý gắn với việc thiết lập những chuẩn mực quốc tế về lao động.
Bắt đầu từ những năm 1970, sự phân công này đã trở nên phức tạp hơn vì sự tương thuộc ngày càng lớn của những lĩnh vực do hai tổ chức này đảm nhiệm (một sự tương thuộc thật ra đã có ngày từ khi hai tổ chức được thành lập) và đặc biệt vì cường độ của những cuộc tranh luận về sự điều tiết các công ty đa quốc gia lan tràn trong các diễn đàn trong đó OIE và CCI can thiệp. CCI đã rất năng động về những vấn đề liên quan quan đến trách nhiệm xã hội của các công ty đa quốc gia, trong khi OIE đã gặp nhiều khó khăn hơn để xác định một lập trường rõ ràng và dễ thấy về vấn đề này, phần vì cái khung ba thành phần của OIT dành ưu tiên cho những hình thức cổ điển về cuộc đối thoại xã hội và sự thương thảo tập thể, phần vì sự cấu tạo và sứ mệnh của nó (OIT). Thật vậy, ngược lại với CCI, thành viên của OIE chỉ là những tổ chức chủ nhân chứ không có những công ty cá nhân. Những quan hệ gián tiếp mà OIE có với những công ty đa quốc gia, cộng với một sự bận tâm đến tính đại diện phổ quát các công ty, và đặc biệt các công ty nhỏ và vừa, đã không cho phép OIE xuất hiện ở hàng đầu trong những cuộc tranh luận về trách nhiệm xã hội của các công ty đa quốc gia, cũng như đã không chứng minh được sự cộng hưởng mà nó mang lại cho các công ty này. Lợi dụng việc trụ sở nằm ở Genève, gần với OIT và Hội Đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 2006, OIE vừa mới có những nỗ lực để gia tăng sự đáng tin đối với các công ty đa quốc gia, bằng cách thành lập những quan hệ đối tác chiến lược như Mạng Lưới Quan Hệ Công Nghiệp Toàn Cầu (Global Industrial Relations Network). Được thành lập năm 2008, mục tiêu của sáng kiến này là đề nghị cho các công ty đa quốc gia (hiện nay đã có khoảng ba mươi công ty tham gia) một không gian kín để bàn luận về những vấn đề mà họ gặp phải trong lĩnh vực luật lao động, và một nơi để thông tin và tư vấn về những điều tiết quốc tế hiện có trong lĩnh vực xã hội.
Ngoài CCI và OIE, với việc OCDE thành lập BIAC (xem phần đóng khung ở phần trên) được cộng thêm vào vô số những tổ chức khác của giới chủ nhân có một phạm vi hoạt động hẹp hơn (như Business Europe), sự đại diện của các công ty ở phạm vi toàn thế giới có vẻ như là bị chia nhỏ, mặc dù đã có những tập hợp lại mới đây trong khuôn khổ của cuộc họp G20, đặc biệt thông qua sự thành lập của Business 20, tổ chức tập hợp những tổ chức của giới chủ nhân của các nước của G20[16]. Như vậy, ở  phạm vi quốc tế, thì ta có một âm phức điệu của giới chủ nhân hơn là môt tiếng nói duy nhất của các công ty.
Những ưu điểm của sự mù mờ
Sự phác thảo nhanh về các tổ chức chủ nhân khác nhau có quyền phát biểu nhân danh các công ty, trong đó có các công ty đa quốc gia, khiến chúng ta phải ta phải đặt câu hỏi về lợi ích và những tác dụng của sự xé nhỏ như thế trong lĩnh vực điều tiết xã hội. Thật vậy sự xé nhỏ này không phải là không có hậu quả tới sự khác nhau của các điều tiết hiện có trên thế giới vốn cũng phản ánh, ngoài việc không có một sự đồng thuận chính trị, sự thiếu vắng một tác nhân quy chiếu có thể có tiếng nói nhân danh các công ty đa quốc gia. Ta hãy nhớ rằng, mặc dù không chống đối vài hình thức hợp tác, ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế, các chủ công ty luôn luôn đòi hỏi một quyền tự chủ nhất định trong lĩnh vực hành động tập thể. Ngoài ra họ còn luôn luôn nhấn mạnh đến sự đa dạng của họ để phản đối sự hiện hữu của những điều tiết giống nhau và được áp dụng một cách tổng quát. Như vậy, sự đa dạng của các tổ chức chủ nhân hiện có chỉ phản ánh sự đa dạng của các tác nhân kinh tế (mà đa số là những công ty vừa và nhỏ, chứ không phải là các công ty đa quốc gia) và việc họ khó chấp nhận những hình thức đại diện cho quyền lực của họ được định chế hóa một cách mạnh mẽ. Điều này lại càng đúng hơn với công ty đa quốc gia vốn ít cần hơn đến những dịch vụ do các tổ chức chủ nhân cung cấp[17], đó cũng là lý do của sự thành công của Diễn Đàn Kinh Tế Davos. Thêm nữa, ta có thể nghĩ một cách không quá đáng rằng các công ty đa quốc gia cũng có lợi để duy trì hiện trạng tương đối khó xác định này về tính đại diện và để chống lại những hình thức đại diện được thể chế hóa và thống nhất hóa quá đáng. Một mặt vì sự thiếu vắng một tổ chức đại diện quy chiếu, có thẩm quyền cần thiết để thương lượng những thỏa ước nhân danh các công ty đa quốc gia, sẽ ngăn trở sự thương lượng những quy tắc tổng quát và mang tính ràng buộc. Mặt khác, vì sự nhân lên các tác nhân và các nơi để thương lượng đóng góp vào việc duy trì một sự mù mờ về các quy tắc của cuộc chơi.
Để kết luận bài phân tích này, ta có thể nêu lên ít nhất là hai kết quả. Thứ nhất là, cho đến nay, không có bất cứ khung điều tiết các công ty đa quốc gia mang tính ràng buộc nào cả, cũng như không có một “lobby thế giới” nào của các công ty đa quốc gia định hình hay chống đối cái khung này một cách đều đặn. Ngay cả khi họ có một vị trí thống trị, các công ty đa quốc gia cũng vẫn luôn luôn bị lôi cuốn vào trong một tương quan lực lượng buộc họ phải đầu tư, hoặc thông qua các tổ chức của giới chủ nhân quốc tế, hoặc một cách trực tiếp trong những vũ đài của sự cai trị thế giới. Cuộc chiến đấu hiện nay xung quanh hiệp ước của Liên Hiệp Quốc về sự tôn trọng các quyền con người bởi các công ty đa quốc gia là một trong những biểu hiện. Là những nhà ngoại giao giỏi, các công ty đa quốc gia phải thích ứng với một môi trường quốc tế mà họ vừa là đối tượng vừa là chủ thể. Kết quả thứ hai là chính sách ngoại giao của các công ty đa quốc gia, mà ta đã thấy được sự đa dạng về hình thức và công cụ, tạo ra những hiệu quả đôi chiều và tiềm tàng mang tính lật đổ: trong khi vẫn tạo ra những không gian hành động và bảo tồn những lợi ích của công ty, chính sách ngoại giao đóng góp vào việc dệt những mắt của một cái lưới (để lấy lại một ẩn dụ ưa thích của Norbert Elias) mà các công ty buộc phải đối phó ngày càng nhiều và, do đó, họ không thể nào phủ nhận sự hiện hữu. Việc những mắt của cái lưới này bị đánh giá là quá rộng tất nhiên vẫn còn là cuộc tranh luận để mở. Nhưng trình bày cuộc tranh luận chỉ với những ngôn từ của một tương quan lực lượng và một cuộc đối đầu với Nhà Nước là đơn giản hóa nó. Sự đa dạng của các cấp độ của các hành động tập thể, sự xé nhỏ của các tác nhân liên quan, và sự đa dạng của các lợi ích hiện diện (về phía các công ty cũng như các quốc gia) là những dữ liệu cũng không kém quan trọng cần phải được ghi nhận trong việc thiết kế và thực thi một sự điều tiết quốc tế hiệu quả.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:La diplomatie sociale des multinationales”, Marieke Louis, La Vie des Idées, 9 octobre 2018.




Chú thích:

[*] Tốt nghiệp Viện Chính Trị Học Paris và Thạc sĩ (agrégée) kinh tế học và xã hội, Marieke Louis là giảng viên chính trị học ở Viện Chính Trị Học Grenoble (phòng nghiên cứu PACTE). Những công trình nghiên cứu của bà là về những tổ chức quốc tế và những hình thức quốc tế về sự đại diện và sự điều tiết kinh tế và xã hội trong môt viễn cảnh xã hội-lịch sử. Bà là tác giả của: Qu’est ce qu’une bonne représentation? L’Organisation du Travail de 1949 à nos jours (Một sự đại diện tốt là như thế nào? Tổ chức Lao Động Quốc tế từ năm 1949 đến nay (Dalloz, 2016) và L’Organisation du Travail et le travail décent: un agenda social pour le multilatéralisme, (Tổ chức Lao Động Quốc Tế và sự lao động đàng hoàng: một lịch trình xã hội cho chủ nghĩa đa phương (L’Harmatan, 2011). Có thể tìm các công trình của bà trên trang Academia.

[**] Vụ án GAFA là thuật ngữ chỉ những cố gắng của các chính phủ và các định chế quốc tế và vùng như Cộng Đồng Châu Âu, để đánh thuế những công ty đa quốc gia, được tương trưng ở đây bởi bốn công ty đa quốc gia lớn (Google, Apple, Facebook, Amazon/GAFA), đã lợi dụng những kẽ hỡ của chế độ thuế má, đặc biệt ở cấp độ quốc tế, để trốn và lách thuế và thu lại một số tiền khổng lồ (ND)

[1] S. Strange, The retreat of the state. The diffusion of power in the world economy (Sự rút lui của Nhà Nước. Sự khuếch tán quyền lực trong nền kinh tế thế giới), Cambridge University Press, 1996. Bản dịch tiếng Pháp: Le retrait de l’État. La dispersion du pouvoir dans l’économie mondiale, Temps Présent, 2011.

[2] L. Badel, “Milieux économiques et relations internationales: bilan et perspectives de la recherche au début du XXIe siècle (Giới kinh tế và quan hệ quốc tế: Tổng kết và viễn tưởng cho nghiên cứu vào đầu thế kỷ XXI)”, Relations internationales, vol. 1, n°157, 2014, p. 3-23; A. Guilbaud, Business Partners: firmes privées et gouvernance mondiale de la santé (Đối tác kinh doanh: công ty tư nhân và sự quản lý sức khỏe ở phạm vi thế giới), Presses de Sciences Po, 2015.

[3] Lấy lại hệ thống loại hình do Morten Ougaard và Anna Leander đề xuất, Business and Global Governance (Kinh doanh và sự quản lý tổng quát), Londres, Routledge, 2009.

[4] S. Beroud et T. Hajduk, “L’OCDE et les bonnes pratiques. Une histoire inséparable (OCDE và những thực tiễn tốt. Một lịch sử không thể tách rời)”, trong C. Laporte, A. Klein và M. Saiget (chủ biên), Les bonnes pratiques des organisations internationales (Những thực tiễn tốt của các tổ chức quốc tế), Presses de Sciences Po, 2015, p. 61-77.

[5] L. Glynn, Multinationals in the World of Nations (Các công ty đa quốc gia trong Thế giới của các quốc gia), New York, United States Council of International Business, 1983.

[6] J. Arevalo et D. Aravind, “Strategic Outcomes in Voluntary CSR: Reporting Economic and Reputational Benefits in Principles-Based Initiatives (Những kết quả chiến lược trong Trách Nhiệm Xã Hội (CSR) tự nguyện của các Công ty: Báo cáo về những lợi ích kinh tế và về mặt thanh danh của những sáng kiến dựa trên nguyên tắc của CSR)”, Journal of Business Ethics, vol. 144, n°1, 2017, p. 201-217; S. A. Aaronson et I. Higham, “‘Re-righting Business’: John Ruggie and the Struggle to Develop International Human Rights Standards for Transnational Firms (“Chỉnh đốn lại kinh doanh”: John Ruggie và cuộc đấu tranh để triển khai những chuẩn mực quốc tế về quyền con người tại các công ty đa quốc gia)”, Human Rights Quarterly, vol. 35, n° 2, 2013, p. 333-264.

[7] Khoảng 8000 công ty và 4000 tổ chức ngoài kinh doanh đã được thống kê cho đến nay.

[8] J. G. Ruggie, “Business and Human Rights: The Evolving International Agenda (Kinh doanh và quyền con người: Lịch trình quốc tế đang biến hóa)”, The American Journal of International Law, vol. 101, n°4, 2007, p. 819-840.

[9] C. Ruwet, “La RSE négociée: règles du jeu et contenus. Le cas d’ISO 26000 (Trách nhiệm xã hội của các công ty: quy tắc và nội dung của cuộc chơi. Trường hợp của chuẩn ISO 26000)”, Négociations, vol. 2, n° 18, 2012, p. 93-108.

[10] J.-C. Graz, “Quand les normes font loi: Topologie intégrée et processus différenciés de la normalisation internationale (Khi các chuẩn mực được xem như là luật: topo thống nhất và tiến trình phân bị hóa của sự chuẩn hóa quốc tế)”, Études internationales, vol. 35, n° 2, 2004, p. 233-260.

[11] C. Laporte, A. Klein và M. Saiget, sách đã dẫn.

[12] S. Bommier, “Responsabilité environnementale des entreprises et régulation extraterritoriale. L’implantation de Michelin en Inde à l’épreuve des Principes directeurs de l’OCDE (Trách nhiệm sinh thái của các công ty và sự điều tiết ở ngoài lãnh thổ: Sự xây dựng nhà máy của Michelin ở Ấn Độ đối chiếu với những Nguyên tắc chỉ đạo của OCDE)”, Études internationales, vol. 47, n°1, 2016, p. 107-130. Voir également, S. Bommier et C. Renouard, L’entreprise comme commun. Au-delà de la RSE, ECLM, 2018.

[13] Để có thể theo dõi sự tiến triển của cuộc đàm phán, đặc biệt cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2018 về văn bản cuối cùng của Hiệp Ước, hãy xem trang mạng này.

[14] K. Ronit, “Transnational Corporations and the Regulation of Business at the Global Level (Những Tập đoàn Liên quốc gia và sự Điều tiết Kinh doanh trên phạm vi toàn thế giới)”, trong Bob Reinalda (chủ biên), The Ashgate Research Companion to Non-State Actors, Farnham, Burlington, Ashgate, 2011, p. 75-87.

[15] A. Rasche, S. Waddock, M. McIntosh, “The United Nations Global Compact: Retrospect and Prospect (Định Ước Tổng Quát: Quá khứ và tiền đồ)”, Business & Society, 52(1), 2012, p. 6-30.

[16] M. Louis, “The ILO, the Social Partners and the G20. New Prospects for Social Dialogue at the Global Level? (Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, những Đối Tác Xã Hội và cuộc họp G20. Những tiền đồ mới cho cuộc đối thoại xã hội ở phạm vị toàn thế giới?)”; Global Social Policy, vol. 16, n°3, 2016, p. 235-252.

[17] Xem bài của Thomas Zanetti về công ty Michelin trong “Le pouvoir des multinationales (Quyền lực của các công ty đa quốc gia)”, PUF - Vie des Idees.

Print Friendly and PDF