6.4.20

Dịch bệnh: Mất ảo tưởng về sự hợp tác quốc tế


DỊCH BỆNH: MẤT ẢO TƯỞNG VỀ SỰ HỢP TÁC QUỐC TẾ
01/04/2020
Bất chấp những cam kết và sự gia tăng quyền lực của WHO [Tổ chức Y tế Thế giới], y tế toàn cầu vẫn bị chi phối bởi sự ích kỷ quốc gia, như đã thấy trong thời dịch SARS năm 2003… và trong đại dịch hiện nay.
Bị gây ra bởi một loại virus mới gần với virus Corona (SARS-CoV), tác nhân gây bệnh cảm lạnh thông thường, SARS (hoặc hội chứng hô hấp cấp tính nặng), vào năm 2002-2003, đã gây ra 8.096 ca xác nhận bị bệnh và 774 ca tử vong trên toàn thế giới (tỷ lệ tử vong: 10%). Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xác nhận có hơn 66% ca bị bệnh (5.327) và 45% ca tử vong (348), nơi mà nền kinh tế vừa mới phục hồi một chút bởi những tác động gián tiếp của đại dịch.
SARS đã lây lan rất không đều đến nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Hơn 95% các ca bị bệnh đều xảy ra ở một chục quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một tỷ lệ thậm chí còn quan trọng hơn, 98% các ca bị bệnh, đã lây lan đến những nước có tỷ lệ truyền bệnh trong nước cao (cộng với những ca bệnh từ nước ngoài vào) ở Châu Á-Thái Bình Dương và Canada.
SARS: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng
Một trong những đặc điểm chính của loại virus này là khả năng truyền bệnh thấp: một người bệnh lây nhiễm cho hai đến ba người khác, trong khi một người bị nhiễm cúm có thể lây nhiễm đến bảy người. Tất nhiên, khả năng truyền bệnh thấp đó là một trong những lý do chính của tính hiệu quả đáng ngạc nhiên trong các phương pháp kháng nhiễm phi dược phẩm.
Từ cuối tháng 5 năm 2003, số ca mắc bệnh giảm rất nhanh. Việc giảm số lượng mắc bệnh này có được không những từ việc tăng cường các biện pháp kiểm soát sự lây nhiễm ở bệnh viện, mà còn từ việc nhập viện điều trị nhanh hơn đối với những người có triệu chứng bệnh, cũng như từ việc giảm thiểu lưu lượng hành khách trên các chuyến bay hàng không đến và đi từ các khu vực bị nhiễm bệnh.
Ít lây nhiễm hơn bệnh cúm, SARS truyền bệnh không phải qua khí dung (sol khí, aerosol), mà qua những giọt nước miếng khi tiếp xúc gần. Sự lây nhiễm mở rộng phạm vi ra người thân trong gia đình và các nhân viên chăm sóc y tế; những người này sẽ phải trả một giá đắt cho một bệnh tấn công mọi người ở mọi lứa tuổi và gây ra bệnh viêm phổi nặng, cần phải nhập viện điều trị một cách có hệ thống.
Cầy hương, chồn và gấu trúc, những động vật nhỏ này được chào bán ở các khu chợ ẩm ướt ở miền nam Trung Quốc, mà người dân địa phương say mê, được cho là ổ chứa virus lây nhiễm. Kể từ năm 2005, những động vật nhỏ có vú này được coi là vật chủ trung gian của virus SARS-CoV, mà một loài dơi (horseshoe bat [tiếng Anh] hay rhinolophe [tiếng Pháp], dơi móng ngựa, dơi lá mũi) làm ổ chứa chấp.
SARS-CoV đã không xuất hiện lại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2012, một biến thể mới, MERS (Middle East Respiratory Syndrome, Hội chứng hô hấp Trung Đông), đã xuất hiện ở bán đảo Ả Rập. Một loại virus khác của họ virus Corona, SARS-CoV-2 hay còn được biết nhiều hơn dưới tên gọi Covid-19, ngày nay đã khiến dư luận nổi sóng gió.
Khi WHO nắm quyền
Người ta đã bàn tán nhiều về sự rạn nứt mà SARS đã vạch cho thấy vào năm 2003. Một cơ chế quản trị mới theo “chiều dọc”, dưới sự bảo hộ của các định chế quốc tế, nhằm bảo vệ dân số chống lại các mối đe dọa từ vi khuẩn, dường như thay thế cho sơ đồ quản trị cổ điển, theo “chiều ngang”, trong việc trao đổi và quan hệ phòng hộ y tế giữa các Nhà nước. Cơ chế quản trị mới có vẻ làm đảo lộn các mối quan hệ truyền thống giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các Nhà nước thành viên.
Chính như thế mà định chế có trụ sở ở Geneva [WHO], vào ngày 12 tháng 3 năm 2003 (vào thời điểm đó người ta sợ xảy ra một đại dịch theo kiểu bệnh cúm), đã vượt quá đặc quyền của mình và đưa ra một cảnh báo toàn cầu khi không tham khảo trước ý kiến với chính phủ các nước. Các cảnh báo du lịch mà đích đến là châu Á và Toronto, trước sự không hài lòng của các nước có liên quan, được gửi trực tiếp cho các công dân, cứ không phải cho các Nhà nước thành viên. Một điều chưa có tiền lệ! Ngoài ra, tổ chức WHO ở Geneva đã không ngần ngại đối đầu với chính quyền Trung Quốc để có được những dữ liệu và số liệu thống kê chính xác và có xác minh.
Keiji Fukuda (1955-)
Phải nói rằng WHO đã bắt đầu để cho Bắc Kinh giễu cợt. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã để một phái đoàn của Geneva chờ đợi trong tám ngày trước khi cho phép họ, vào ngày 2 tháng 4 năm 2003, đúng ngày mà giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố dịch bệnh đã “trong tầm kiểm soát”, đến thăm Quảng Đông, sau đó vào ngày 9 tháng 4, đến thăm các bệnh viện của thủ đô Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo vào ngày 13 tháng 5, Tiến sĩ Keiji Fukuda, nhân vật số hai của WHO, đã chỉ ra “ba điểm yếu” của Trung Quốc trước SARS: sự miễn cưỡng của bộ máy quan liêu Trung Quốc khi làm việc với các chuyên gia nước ngoài; tình trạng không trao đổi thông tin giữa các cấp chính quyền ở địa phương và trung ương; thái độ thụ động và ù lì của các cán bộ, những người chỉ nhúc nhích dưới sự đe dọa của Bắc Kinh hoặc áp lực của các cơ quan quốc tế. Hơn cả việc sùng bái bí mật, chính sự thiếu kinh nghiệm trong hợp tác kỹ thuật quốc tế, đã đào sâu một cách nghiêm trọng mối quan hệ giữa Trung Quốc và WHO.[1]
Một cơ chế quản trị toàn cầu mới?
David Fidler (1964-)
David Fidler, chuyên gia người Mỹ về những thách thức nói trên, khẳng định đã chứng kiến ở đây một sự vượt mặt theo kiểu “hậu-Westphalia” của ngành y tế cộng đồng. Ông ta muốn nói điều gì?
Hiệp ước Westphalia (1648) đã kết thúc Chiến tranh Ba mươi năm. Nó tổ chức xã hội quốc tế theo các nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của một Nhà nước. Các nguyên tắc đó vẫn chi phối đời sống quốc tế ngày nay, theo quy định tại Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Theo truyền thống gắn liền với công tác phòng hộ y tế trong đi lại, giao dịch thương mại và quan hệ ngoại giao giữa các Nhà nước, chế độ quản lý y tế cộng đồng quốc tế theo “hàng ngang” hoặc “cổ điển” (theo Quy định về quản lý y tế quốc tế năm 1951, được sửa đổi vào năm 1969), thì các hệ thống y tế quốc gia được bảo vệ chống lại mọi nỗ lực can thiệp, thể theo điều khoản không can thiệp của Hiệp ước “Westphalia”. Chế độ này được nghiêm ngặt đưa vào khuôn khổ các quy tắc ngoại giao điều chỉnh mối quan hệ giữa các Nhà nước.
Theo David Fidler, đại dịch năm 2003 đã chấm dứt chế độ quản lý cổ điển đó trong công tác chăm sóc y tế cộng đồng quốc tế. Sự cản trở của chính quyền Trung Quốc có vẻ có tác động ngoài ý muốn để WHO có khả năng tiếp cận các nguồn thông tin phi chính thức (các bác sĩ đưa ra lời cảnh báo, các tổ chức phi chính phủ).
Vẫn theo David Fidler, SARS sẽ cụ thể hóa một chế độ quản trị mới theo “chiều dọc” (thông qua những chương trình lớn như Quỹ toàn cầu để chống lại ba đại dịch), mà mục tiêu trước tiên là bảo vệ người dân khỏi các mối đe dọa về vi khuẩn. Và, từ thực tế đó, sẽ không ngần ngại can thiệp vào hoạt động của các hệ thống y tế quốc gia. Theo bước của SARS,” ông viết, “cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm đã được ghi vào danh mục các nguyên tắc quản trị tốtđang bùng nổ trong các lĩnh vực khác liên quan đến các mối quan hệ quốc tế sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.”
Điểm tựa vào xã hội dân sự
Tháng 5 năm 2003, trong khi chưa kiềm chế được SARS, Hội đồng Thế giới lần thứ 56 của WHO đã phê chuẩn một bản Điều lệ y tế quốc tế (IHR) mới, điều phối hành động của các Nhà nước và WHO trong trường hợp xảy ra “những sự kiện có thể hình thành một tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng trên phạm vi quốc tế. Quy định ràng buộc 194 Nhà nước thành viên phải thông báo cho WHO về một số làn sóng dịch bệnh và một số sự kiện y tế cộng đồng.
Như vậy, bất luận là bệnh lý gì, chính phủ các nước bị tước bỏ quyền phủ quyết truyền thống trong vấn đề trao đổi thông tin về tình hình y tế của người dân. Và nếu không hợp tác, WHO có thể truy tìm thông tin từ các nguồn phi chính thức, chẳng hạn như tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các bác sĩ đưa ra lời cảnh báo. Một khả năng mà WHO đã trải nghiệm vài tuần trước đó, khi Trung Quốc không tiết lộ các số liệu thống kê, thì chính một bác sĩ quân đội đã nghỉ hưu là người đã tiết lộ mức độ của hiện tượng này.
Theo chuyên gia người Mỹ, một sự bùng nổ như vậy của chế độ “quản trị tốt” chỉ là hệ quả logic của việc UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc) thúc đẩy chương trình “an ninh con người”. Được đặt ra vào năm 1994, mục đích của khái niệm này là hỗ trợ các Nhà nước thành viên trong việc khoanh vùng và khắc phục các vấn đề chung và phổ biến, có nguy cơ gây tổn hại đến sự sinh tồn, sinh kế và phẩm giá của người dân. Nó cũng phù hợp với đường lối xác định lại chủ quyền được xây dựng trong báo cáo của Ủy ban Quốc tế về Can thiệp và Chủ quyền Nhà nước (CIISE, 2001).
Được Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 2005 dùng lại, báo cáo này xác định – vả lại đây cũng là tiêu đề của báo cáo – “Trách nhiệm bảo vệ” (R2P), vốn thuộc trách nhiệm của các Nhà nước đối với người dân của mình. Trong trường hợp xảy ra “sự bất lực rõ rệt” của một Nhà nước, thì chính cộng đồng quốc tế nhận lãnh trách nhiệm này: đó là quyền can thiệp” nổi tiếng được cả một bộ phận của xã hội quốc tế (các tổ chức phi chính phủ [NGO], một số cơ quan của Liên hợp quốc) yêu sách.[2] David Fidler kết luận, y tế cộng đồng mang tính hậu-westphalia, sẽ hé mở một kỷ nguyên mới, ít tập trung vào Nhà nước và tập trung chú ý nhiều hơn vào tất cả các loại hình tổ chức và các tác nhân phi nhà nước.
Sự phản kháng của các Nhà nước
Luận đề rất hấp dẫn, nhưng lướt quá nhanh vấn đề đối đầu giữa WHO, Trung Quốc và Canada, mà như chúng ta đã thấy, từng hình thành nên trung tâm của vấn đề quốc tế do đại dịch SARS đặt ra vào năm 2003. Rất khó chịu, người Canada sẽ đưa sự tranh chấp lên cấp độ ngoại giao. Ngày 13 tháng 4, thị trưởng Toronto cho biết ông đã bị sốc. Nữ giám đốc cơ quan dịch vụ y tế của thành phố đã phản đối việc đồng hóa Toronto – nơi SARS bị hạn chế trong phạm vi các bệnh viện – với Trung Quốc. Trên hết, Ottawa đã rất phật ý khi một quốc gia có chủ quyền đã bị Geneva [ý muốn nói WHO – ND] triệu tập để “báo cáo”. Một tiền lệ đáng tiếc trong tất cả các khía cạnh.
Vì vậy, chúng ta có thể nghi ngờ, một cách chính đáng, rằng SARS là mồi lửa đã thổi bùng hệ thống y tế cổ điển liên quốc gia. Ngược lại, hệ thống này đã đứng vững. Thậm chí, chúng ta còn có thể khẳng định rằng SARS là một trong các cuộc khủng hoảng y tế theo kiểu lấy nhà nước làm trung tâm (state-centric) mà diện mạo được thấy lại trong đại dịch hiện tại của SARS-COV2.
Để tự thuyết phục chỉ cần nhìn vào những gì đã xảy ra vào thời điểm đó ở Singapore: ở quốc đảo này, chính quyền (mạnh) có thể dựa vào một bộ máy có chuyên môn và có đánh giá chuyên nghiệp liên bộ (Nội vụ và Y tế), có khả năng thu thập dữ liệu trong thời gian kỷ lục, để giúp đưa ra quyết định và cho phép trao đổi thông tin liên tục của các chuyên gia chăm sóc y tế và dân chúng, với kết quả là một mức độ lo lắng rất thấp và một niềm tin của công chúng vào chính quyền.[3]
Sự nhạy cảm của các Nhà nước đối với các chi phí (kinh tế) gián tiếp của dịch bệnh vào năm 2003 cũng không kém cao độ vào năm 2009 hoặc thậm chí là cao hơn nữa vào năm 2020; và các kết luận rút ra từ nhận thức này, cũng ngược lại chừng ấy.
Lưỡi gỗ
Margaret Chan (1947-)
Từ năm 2003, nhiều thứ đã trở thành “toàn cầu” trong vấn đề y tế cộng đồng quốc tế: nhiều vấn đề, nhưng không phải là vấn đề về quản trị. Vấn đề y tế cộng đồng quốc tế mang tính liên chính phủ nhiều hơn là tính quốc tế. Trong WHO, chính các Nhà nước thành viên làm luật, ở Hội đồng điều hành và Hội đồng thế giới. Chính vì điều đó mà các Nhà nước chưa sẵn sàng từ bỏ. Chúng ta đã thấy điều này vào ngày 11 tháng 6 năm 2009, khi Margaret Chan, một mình chống lại tất cả (Vương quốc Anh, Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc, trong số những nước chiến đấu mạnh mẽ nhất chống lại bà Tổng giám đốc),[4] đã tuyên bố tình trạng đại dịch (cúm) toàn cầu. Nói cách khác, tính chính danh của WHO phát sinh, một cách hợp pháp, từ bản Điều lệ y tế quốc tế, nhưng trên thực tế là từ các Nhà nước.
Trong tình trạng đại dịch, các Nhà nước hành động gây thiệt cho bất kỳ sự hợp tác nào: điều đó đúng vào năm 2020, như đã từng đúng vào năm 2003 và 2009. Đóng cửa biên giới, hủy bỏ các chuyến bay, che giấu thông tin, động cơ duy nhất vẫn là nỗi sợ sâu thẳm của ca nhiễm được “nhập vào”.
Yu Shyi-kun (1948-)
Đầu tháng 4 năm 2003, Malaysia và Philippines đã ra lệnh cách ly (từ chối visa) đối với những người đến từ Trung Quốc (Quảng Đông và Hồng Kông). Việt Nam, về mặt quân sự, phong tỏa biên giới phía bắc của họ. Đài Loan, ngày 27 tháng 4, cấm nhập cảnh vào lãnh thổ của mình đối với những du khách đến từ các quốc gia bị lây nhiễm SARS; những du khách đến từ các điểm đáng ngờ sẽ bị trả lại nơi xuất phát hoặc bị cách ly mười ngày dưới sự giám sát của chính quyền.
Thủ tướng Đài Loan Yu Shyi-kun (Du Tích Khôn) nói: Chống lại dịch bệnh cũng giống như tiến hành chiến tranh. Chúng ta đang đối mặt với một kẻ thù vô hình.” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gần đây, đã lặp lại những lời tương tự, trong bài phát biểu của ông vào ngày 16 tháng 3.
Một tháng sau, Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc (Amor) trong thời gian vô hạn định; Kazakhstan và Pakistan cũng làm điều tương tự (biên giới trên bộ và trên không). Về phần Nhật Bản và Hoa Kỳ, chính phủ các nước này đã đưa ra hết cảnh báo này đến cảnh báo khác, khuyên công dân của họ không nên đến Trung Quốc.[5] Đâu là sự hợp tác quốc tế tuyệt vời mà tất cả các tín đồ của lưỡi gỗ đã từng tuyên bố?
Patrick Zylberman
Raymond Aron (1905-1983)
Một lần nữa, những gì mà Raymond Aron đã lưu ý vào những năm 1960 được xác minh, liên quan đến vấn đề răn đe hạt nhân: tính dễ tổn thương lẫn nhau của các Nhà nước không phải là sự bảo đảm cho một nền quốc phòng liên đới. Công tác phòng hộ y tế cộng đồng, giống như địa chính trị, không liên quan gì đến sự tương thuộc giữa các xã hội; sự đam mê – nỗi sợ, vành đai y tế, cách ly kiếm dịch – dễ dàng chiếm ưu thế so với lợi ích, thậm chí về kinh tế, của các quốc gia.
Bực bội, vào tháng 9 năm 2003, WHO đã kết luận: Các Nhà nước chưa sẵn sàng để quản lý một tình trạng khẩn cấp toàn cầu.” Một nhận định mà, thật không may, có thể dẫn lại y nguyên gần mười bảy năm sau đó.
Patrick Zylberman là nhà sử học, giáo sư danh dự tại EHESP [École des hautes études en santé publique, Trường Đại học Y tế Công cộng Quốc gia]
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Epidémies: les désillusions de la coopération internationale, Alternatives Economiques, ngày 01/04/2020




Chú thích:

[1] China gets strict rules on disease reporting [Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt các báo cáo về dịch bệnh]”, International Herald Tribune, ngày 14/5/2003.

[2] Xem Weiss TG, What’s Wrong with the United Nations and How to Fix It [Những vấn đề với Liên Hợp Quốc và Cách khắc phục], Polity Press, 2008, pp. 138-43.

[3] Xem Tan CC, “SARS in Singapore – Key Lessons from an Epidemic [SARS ở Singapore – Bài học then chốt từ một đại dịch]”, ANNALS Academy of Medicine Singapore, tập. 35, n°5, 2006. Sự hứng thú phát sinh từ bài báo nói trên, được đăng trên Biên niên sử của Học viện Y khoa Singapore, không gợi lên một sự hoài nghi nào đó, nhưng dữ liệu và sự kiện được trích dẫn là điều rõ ràng.

[4] Jordans F và Cheng M, Swine Flu Vaccine Development Hits Roadblocks [Sự phát triển vắc-xin cúm lợn va phải rào cản], The Globe and Mail, ngày 11/6/2009.

[5] Li L, https://vtechworks.lib.vt.edu/handle/10919/10061 [Chính trị trong nước và Cộng đồng quốc tế. Một điển cứu về chính sách SARS của Trung Quốc năm 2003], luận án thạc sĩ về khoa học chính trị của học viện Virginia Polytechnic Institute và đại học State University, 2004.

Print Friendly and PDF