4.10.20

Trích dịch: “Quan chức thời 2.0. Một bộ máy quan liêu của Trung Quốc được đào tạo theo phong cách Mỹ”

TRÍCH DỊCH: “QUAN CHỨC THỜI 2.0. MỘT BỘ MÁY QUAN LIÊU CỦA TRUNG QUỐC ĐƯỢC ĐÀO TẠO THEO PHONG CÁCH M

Alessia Lefébure[1]

Phố Đông, Thượng Hải.

Trung Quốc của Tập Cận Bình thể hiện mình trên trường quốc tế như một mô hình hiện đại hóa cạnh tranh với mô hình hiện đại hóa của thế giới Phương Tây. Tuy nhiên, phần lớn bộ máy quan liêu của nó đã được đào tạo từ đầu thế kỷ này bằng cách áp dụng các phương pháp lấy cảm hứng từ Mỹ. Trong cuốn “Quan chức thời 2.0. Một bộ máy quan liêu của Trung Quốc được đào tạo theo phong cách Mỹ/ Les Mandarins 2.0. Une bureaucratie chinoise formée à l’américaine”, được xuất bản vào ngày 20 tháng 8 năm 2020 bởi Presses de Sciences Po, Alessia Lo Porto-Lefébure xem xét trường hợp của bằng thạc sĩ hành chính công, một chương trình được thúc đẩy bởi Trường Harvard Kennedy, đã du nhập vào Trung Quốc với thế kỷ mới. Nó cho chúng ta thấy cách mà giai cấp thống trị điều hòa hàng ngày sự hiện đại hóa kinh tế của đất nước và sự duy trì một chế độ chuyên quyền. Trích sách.

===================================

Từ năm 1999 đến năm 2010, vào thời điểm cải cách sâu sắc trong hệ thống đại học và hành chính, một loại hình đào tạo đại học mới về quản lý công, MPA (Master in Public Administration/Thạc sĩ Hành chính Công) đã được thành lập tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bằng thạc sĩ này thoạt nhìn có vẻ như là một sáng tạo đáng kinh ngạc do lấy cảm hứng từ nước ngoài trong một lĩnh vực mà sự không tương thích giữa các thể chế và hệ thống chính trị của Trung Quốc và Mỹ dường như rõ ràng nhất.

Trong quá trình thực hiện tiểu luận này, tôi muốn tìm lại con đường phát triển của dự án giáo dục này, như vậy mô tả một trường hợp cụ thể, được phân định trong thời gian và không gian. Lợi ích của lịch sử cụ thể của MPA là cho thấy một trong những khía cạnh của sự thay đổi thể chế ở Trung Quốc hiện nay. Sự xâm nhập ở quy mô “vi mô” vào ba trường đại học (hai ở Bắc Kinh và một ở Thượng Hải) làm sáng tỏ hai chuyển đổi đang diễn ra ở quốc gia đó: giáo dục đại học và bộ máy quan liêu.

Tôi mở đầu tiểu luận này với một sự hoài nghi nhất định về khả năng chuyển giao một mô hình giáo dục và một văn hóa hành chính giữa các hệ thống và bối cảnh khác biệt một cách rõ ràng với nhau như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của phiên bản MPA Trung Quốc cho thấy việc cấy ghép đã thành công. Giống như tất cả các loài thích nghi trong quá trình biến đổi hệ sinh thái, một đột biến đã xảy ra. Giống như một sinh vật biến đổi gen, MPA lấy cảm hứng từ Hoa Kỳ đã trở nên bền vững và có thể thích ứng với bối cảnh địa phương bằng cách trải qua một quá trình biến đổi được mô tả trong cuốn sách này.

“Tính hiện đại phi tư bản”

Lịch sử của MPA giúp chúng ta hiểu được hai vấn đề lớn hơn. Vấn đề đầu tiên là sự luân chuyển xuyên quốc gia của các mô hình giáo dục: những động lực và cơ chế nào giúp cho giáo dục đại học phổ biến ý tưởng từ hệ giá trị này sang hệ giá trị khác? Vấn đề thứ hai là làm chủ sự biến đổi của Nhà nước: sự thay đổi được quản lý như thế nào trong một hệ thống chính trị dựa trên sự kiểm soát của Nhà nước bởi một Đảng Cộng sản cai trị mà không có sự luân phiên của chính quyền lẫn sự phân lập quyền lực. Những gì đang xảy ra ở Trung Quốc ngày nay rất khó giải thích dựa trên các mô hình được biết đến trong các nền dân chủ phương Tây.

Marcel Gauchet (1946-)
Alain Badiou (1937-)
Các mô hình và đường phát triển đã được thử nghiệm trên phương diện lịch sử trong suốt thế kỷ XX gắn nền kinh tế thị trường với việc thiết lập các hình thức dân chủ tự do. Các chủ nghĩa toàn trị của thế kỷ 20 được coi là phong trào chống hiện đại, trong mức độ mà theo như nhà sử học và triết gia Marcel Gauchet nhắc nhở chúng ta, khi chúng đã dẫn đến việc phủ định quyền tự chủ của các cá nhân bằng cách áp đặt lên họ các hình thức phục tùng, dù đó là những hệ ý thức hệ hay “tôn giáo thế tục”. Tư duy tính hiện đại bên ngoài khuôn khổ của nền dân chủ tự do cho đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Trung Quốc thời sau năm 1978 dường như đã đi vào con đường thử nghiệm chính trị, cho phép nước này dung hòa tính hiện đại với việc duy trì một chế độ phi dân chủ.

Dựa trên trường hợp của Trung Quốc, nhà triết học Alain Badiou đã cố gắng xây dựng giả thuyết về một “tính hiện đại phi tư bản, trong khi ĐCSTQ thích nói về một chủ nghĩa xã hội “với các đặc điểm” hoặc “màu sắc” Trung Quốc, kết hợp các yếu tố đa nguyên (bầu cử ở cấp thành phố và trong nội bộ Đảng, đảm bảo một số quyền và tự do cơ bản, và các hình thức pháp quyền phôi thai) với hệ thống Nhà nước-Đảng mà đặc trưng là một đảng duy nhất và sự cưỡng bức và giám sát đặc thù của các chế độ toàn trị. (Trong số những trí thức Trung Quốc cố gắng đưa ra lý thuyết về tính ngoại lệ của Trung Quốc trên phương diện dân chủ, chúng ta có thể kể đến Jiang Qing (Học viện Dương Minh), He Zhengke (Đại học Bắc Kinh), Cui Zhijuan (Đại học Thanh Hoa), Pan Wei (Đại học Bắc Kinh). Các quan điểm của họ được Emilie Frenkiel trình bày và thảo luận trong cuốn Parler politique en Chine/Bàn về chính trị ở Trung Quốc).

Sự kiểm soát dai dẳng của Đảng đang tạo ra một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc không giống với các hình mẫu chủ nghĩa tư bản được biết đến, kể cả ở châu Á. Các giới tinh hoa về kinh tế, hành chính và chính trị trùng hợp với nhau và tạo ra các thể chế giống như thể chế của chúng ta, nhưng với các cơ chế cai trị hoạt động khác nhau. Một số lĩnh vực kinh tế và khoa học đã được mở ra cho sự cạnh tranh toàn cầu, nhưng với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của Nhà nước. Một thị trường lao động thực sự đang hình thành, tuy nhiên việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao của các tập đoàn công nghiệp và tài chính lớn vẫn tuân theo hệ thống danh pháp đặc trưng của các chế độ cộng sản.

Trung Quốc thời hậu Mao cũng lai tạp trong lĩnh vực chính trị khi Đảng, bằng cách xen kẽ các giai đoạn đóng và mở, cố gắng xác định lại và sáng tạo lại khái niệm dân chủ, tất nhiên là để thử nghiệm các cuộc bầu cử, nhưng trong một chu vi được xác định rõ ràng và hẹp. Trung Quốc có Hiến pháp, mà quyền lực pháp lý không đứng trên luật pháp, cũng giống như nước này tuyên bố có nhà nước pháp quyền, tuy nhiên, điều này không tương ứng với định nghĩa về Nhà nước pháp quyền, chủ yếu là vì sự thiếu sự phân lập các quyền. Chính Đảng cũng đứng trên luật pháp.


Trích lời giới thiệu của NXB Presses de la Fondation Nationale des Sciences Politiques cho cuốn Les mandarins 2.0. Une bureaucratie chinoise formée à l’américaine của Alessia Lo Porto-Lefébure, được Presses Universitaires de Sciences Po xuất bản vào ngày 20.8.20:

“Trung quốc của Tập Cận Bình thể hiện mình trên trường quốc tế như một mô hình hiện hiện đại hoá, cạnh tranh với mô hình hiện đại hoá của phương Tây. Tuy nhiên, bộ máy quan liêu của nó được đào tạo từ đầu thế kỉ này bằng cách áp dụng các phương pháp sư phạm và nội dung lấy cảm hứng từ Mỹ, dưới sự hướng dẫn của những giảng viên từ nước ngoài trở về. Mỗi năm, hàng ngàn công chức trong khu vực công đang kí học thạc sĩ hành chính công (MPA), một chương trình do Trường Harvard Kennedy thúc đẩy và được du nhập vào Trung Quốc vào đầu thế kỉ mới.

Phân tích tiến trình phát triển của sự đào tạo này và dựa trên hàng trăm cuộc phỏng vấn mà phần lớn được thực hiện tại chỗ bằng tiếng Trung Quốc, Alessia Lo Porto-Lefébure đặt câu hỏi về sự vay mượn này, mang đầy những giá trị rất xa với những giá trị do Đảng-Nhà nước chủ trương. Tác giả cho chúng ta thấy cách mà giai cấp thống trị điều hoà hằng ngày sự hiện đại hoá kinh tế của đất nước và duy trì một chế độ chuyên quyền.

Nhiều người Trung Quốc coi chế độ của họ là một hình thái dân chủ. Có xã hội dân sự, cũng như công luận, bên cạnh các hệ thống hùng hậu về kiểm soát, đàn áp và vi phạm quyền tự do ngôn luận của cá nhân. Các cải cách cho thấy rằng Đảng dự định áp dụng vài thể chế nhất định của các nền dân chủ phương Tây, và đồng thời đưa ra một lựa chọn trong số đó. Như thế, việc cạnh tranh quốc tế, sự tuyển chọn theo khả năng, quyền tự chủ quản lý của các cơ sở giáo dục đại học được chấp nhận - tất cả các lĩnh vực mấu chốt đối với sự đổi mới và sự nâng cấp khoa học và công nghệ. Ngược lại, các thế lực đối trọng, nền dân chủ bầu cử, sự độc lập của báo chí độc lập và quyền tự do hiệp hội bị loại trừ. Như thể chính phủ Trung Quốc muốn thực hiện quyền kiểm kê các kinh nghiệm của các nước khác, tìm các đường tắt và bỏ qua các giai đoạn bằng cách học hỏi từ thất bại của các nước khác. Đảng lựa chọn, bắt chước, sáng tạo và cải cách.

Thuật ngữ chính là “hiện đại hóa”, một khái niệm tập hợp và liên kết các ý kiến ​​công chúng trong nước cũng như quốc tế: thuật ngữ này có ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh, gắn liền với quá trình chuyển đổi dân chủ, sự hiệu quả, sự minh bạch và sự quản trị tốt, hoặc ngược lại để phục vụ cho việc tìm kiếm một con đường đặc biệt, kết hợp khả năng cạnh tranh kinh tế và khoa học, sức mạnh quốc tế và ổn định chính trị, trong khi vẫn ở trong khuôn khổ của chế độ độc đảng. Bối cảnh địa chính trị của sự cạnh tranh toàn cầu, trong đó chính phủ đang lãnh đạo phép màu kinh tế Trung Quốc làm nảy sinh căng thẳng không thể tránh khỏi giữa ý muốn đổi mới và mệnh lệnh ổn định chính trị.

Đảng-Nhà nước tìm cách kết hợp sự kiểm soát nội bộ và sức mạnh bên ngoài, bằng cách cải cách ở mức độ cần thiết để tăng khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp của mình, đặc biệt là thông qua nguồn nhân lực. MPA góp phần vào một cuộc chạy đua để đuổi kịp các kỹ năng. Là một cách thức đào tạo quan chức được du nhập vào các trường đại học Trung Quốc mà không có sự khớp nối với các cách thức có trước đó, nó thật sự nằm ở tâm điểm của quá trình hiện đại hóa này và của sự căng thẳng nằm ở bên dưới nó. Sau cùng bài tiểu luận này đề cập đến câu hỏi cốt yếu về nền tảng đạo đức, tức là các giá trị định hướng cho những lựa chọn cá nhân và nghề nghiệp của các thế hệ quan chức mới ở Trung Quốc.

Đóng góp vào sự đồng thuận

Thông qua hoạt động của MPA, một cuộc gặp gỡ phong phú đã diễn ra giữa việc giảng dạy các chính sách công, lấy cảm hứng từ các lý thuyết nước ngoài và được giao phó cho các giáo viên được đào tạo bên ngoài Trung Quốc, và thế giới của các thực hành hành chính trong đó các sinh viên Trung Quốc đang sinh hoạt.

Sự chuyển dịch các đường nét này thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp sư phạm, phương pháp làm việc và hình thức quản trị hoàn toàn xa lạ cho đến nay trong môi trường tiếp nhận, mà các tác động được cảm nhận ở các trường đại học và thậm chí ở nơi làm việc của sinh viên. Một nền văn hóa hành chính mới đang được xây dựng.

Những phản ánh của các sinh viên MPA, thường là có độ lùi và tỉnh ngộ với hệ tư tưởng cộng sản, nhất quán với nhau, cũng có sự vang âm lớn với cái có thể gọi là “dự án chính thức” của chính phủ của thời ấy (1998-2008). Diễn ngôn về sự cần thiết hiện đại hóa đất nước thông qua phát triển kinh tế đã thu hút được sự ủng hộ của hầu hết học viên và giáo sư các MPA. Do đó, chúng ta có thể đọc lại lịch sử của MPA như quá trình Đảng-Nhà nước tìm kiếm thêm một công cụ nhằm củng cố tính chính đáng xã hội của các chính sách của mình.

Các trường đại học và các hệ đào tạo lấy cảm hứng từ phương Tây như MPA góp phần vào sự đồng thuận xung quanh diễn ngôn hiện đại hóa. Khi chính phủ chấp nhận cho các cơ sở giáo dục đại học cung cấp văn bằng được thiết kế ở nước ngoài nhân danh mệnh lệnh chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa nền hành chính của mình, nó gây ra sự tán thành của một số công chúng: các công dân bị quản lý, cộng đồng đại học và các quan chức.

Bằng cách đưa các nhà điều hành khu vực công vào trong lĩnh vực của sự chuyên nghiệp hóa - theo nghĩa tính kỹ thuật trung lập và hiện đại vì nó phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới - Nhà nước-Đảng đưa ra một loại hình kiểm soát mới. Sự kiểm soát này không còn dựa trên sự kiểm duyệt, ép buộc hay truyền tải một hệ tư tưởng. Bằng cách lựa chọn phát triển các kỹ năng chuyên môn của mình và do đó, sự cải tiến khoa học của công tác quản lý, các sinh viên MPA tự nguyện chấp nhận mối quan hệ nhà nước - xã hội như Đảng đề xuất ngày nay, do đó trở thành những công cụ của sự chính đáng hóa (Luigi Tomba, ““A Harmonious Society”: Changing Governance Patterns in Urban China” (“Một xã hội hài hòa: Thay đổi mô hình quản trị ở đô thị Trung Quốc”, bài báo chưa xuất bản được trình bày nhân dịp Hội nghị quốc tế lần thứ tư của các học giả châu Á (ICAS 4), tháng 8 năm 2005, Thượng Hải).

Vai trò trinh sát

Hệ đào tạo MPA, rồi sự áp dụng các thực hành tốt đã học được, khiến những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp này trở thành những công dân có phẩm chất đạo đức tiêu biểu cho sự ủng hộ Đảng, nhưng vì những lý do không liên quan gì đến sự chấp nhận theo hệ tư tưởng cộng sản. Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) củng cố sự tán thành diễn ngôn hiện đại hóa ở chỗ nó đưa ra ý tưởng rằng các chính sách công không gắn với các hệ tư tưởng, mà liên quan đến các vấn đề kinh tế và kỹ thuật. Nếu ta có thể nghiên cứu một trường hợp Trung Quốc ở Cambridge và một trường hợp Mỹ ở Bắc Kinh mà không cần quan tâm đến bản chất của chế độ, thì tất cả các chế độ đều ngang nhau. Chỉ cần đi theo con đường của sự hiện đại hóa, bằng cách áp dụng lần lượt các nguyên tắc phát triển kinh tế, rồi các kỹ thuật đào tạo của các nền dân chủ phương Tây là đủ.

Là hiện đại có nghĩa là dân chủ, hay nói đúng hơn cho phép miễn trừ phải là dân chủ. Tuy không thể phát hiện ở các sinh viên MPA khát vọng rõ nét đóng góp vào quá trình quá độ sang chế độ dân chủ “theo kiểu Phương Tây”, ta có thể nói rằng hệ đào tạo này góp phần tạo nên một tầm nhìn và giá trị chung cho họ.

Nhờ có MPA, những tác nhân này tự nhận mình trong vai trò của những người trinh sát, gần như là đội tiên phong, có thể nắm vững các pháp điển cũ và mới, điều hướng và phát triển về mặt nghề nghiệp trong một hệ thống trong đó logic của chế độ trọng dụng nhân tài dựa trên lòng trung thành chính trị vẫn tồn tại. Họ sn sàng dự đoán sự thay đổi có thể xảy ra của các quy tắc của trò chơi hướng tới một hệ thống dựa trên kiến ​​thức và kỹ năng chuyên môn nhiều hơn.

Do đó, một nền quản trị thực sự hiện đại hơn có thể có lợi ích ngắn hạn trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống mà nó được hưởng lợi. Điều này không loại trừ, khi những ràng buộc bên ngoài thay đổi, việc nó có tất cả các công cụ, trong đó có vốn con người, để dễ dàng thích ứng với một chế độ mới. Kiến thức và kỹ năng được tiếp thu tốt, nhưng chúng chỉ là “tiềm năng” về mặt ứng dụng chúng. Các quan chức Nhà nước được đào tạo trong các hệ đào tạo MPA Trung Quốc muốn hoạt động trên mọi mặt trận, tối đa hóa cơ hội thăng tiến xã hội của họ, bất kể đất nước đi theo hướng nào. Họ sẵn sàng nắm bắt các thời cơ ở nơi mà chúng xảy ra.

Alessia Lefébure
Nếu trong tương lai, một cơ năng hiện đại hóa chiếm ưu thế - xác lập tài cán và năng lực như là những giá trị tối cao cho sự thăng tiến trong các cơ quan hành chính và Đảng -, MPA sẽ cung cấp cho các chuyên gia này những quy chiếu và sự đáng tin cần thiết để tiếp nhận môi trường mới. Ngược lại, nếu cơ năng bảo thủ thắng thế - một cơ năng bảo tồn và duy trì các hành vi và thực tiễn của quá khứ để sự thay đổi được xây dựng không phải trong thế đối nghịch, mà dựa vào các nội lực của hệ thống - thì MPA sẽ không ngăn cản những cá nhân này được duy trì và phát triển trong một hệ thống mà họ chưa bao giờ thách thức.

Với kỹ năng được nới rộng và quan điểm mới về quản trị, các sinh viên tốt nghiệp MPA Trung Quốc cuối cùng là hiện thân của một nghịch lý: họ vừa là tác nhân của sự ổn định và sự liên tục, vừa là tác nhân tiềm năng của sự thay đổi.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Bonnes feuilles: “Les Mandarins 2.0. Une bureaucratie chinoise formée à l’américaine”, The Conversation, 27.8.2010

 


[1] Phó giám đốc, Giám đốc nghiên cứu Trường Y tế Cộng đồng Cao cấp (EHESP)

Print Friendly and PDF