31.10.20

Một tính trung lập quá ngây thơ

MỘT TÍNH TRUNG LẬP QUÁ NGÂY THƠ

Chống lại sự trung lập ngây thơ của một số nhà kinh tế học, nhà xã hội học Ève Chiapello đưa ra một cách giảng dạy xuyên ngành hơn.

Ève Chiapello[*]

Trên khắp thế giới, đối mặt với đại dịch, hoạt động tự do của các thị trường đã bị đình chỉ để nhường chỗ cho một hỗn hợp đáng ngạc nhiên gồm các biện pháp hạn chế khắc nghiệt và các đợt đầu tư ồ ạt, từ Nhà nước và các ngân hàng trung ương. Đây là cơ hội để quay lại cuộc tranh luận do S. Naidu, D. RodrikG. Zucman khởi xướng, những người đã phát biểu vài tuần trước trong các chuyên mục của chúng tôi về một “nền kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do”. Dưới đây, nhà xã hội học người Pháp Ève Chiapello, nổi tiếng với cuốn sách Le Nouvel Esprit du capitalisme /Tinh thần mới của chủ nghĩa tư bản (với Luc Boltanski, Gallimard, 1999) và là nhà phê bình lâu năm về chủ nghĩa tân tự do, đã phát hiện ra một sự “ngây thơ” nhất định trong bài của họ. Bạn cũng có thể tìm thấy trên trang này quan điểm của nhà kinh tế học Gilles Saint-Paul.


Ève Chiapello (1965-)

Cách đây hơn một năm, Suresh Naidu, Dani Rodrik và Gabriel Zucman đã xuất bản trên tạp chí Boston Review một bài, “Kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do, mà tạp chí Le Grand Continent/Đại lục mới dịch sang tiếng Pháp và đề nghị tôi bình luận. Mối quan hệ của tôi với tham luận này và các tác giả của nó không phải là mối quan hệ của một nhà kinh tế học hành động trong lĩnh vực khép kín của các cuộc thảo luận nội bộ trong ngành kinh tế học, như các tạp chí lớn của Mỹ thường tổ chức mà là tham luận của một độc giả quan tâm đến các vấn đề kinh tế và đến việc chuyển các ý tưởng kinh tế thành các chính sách công. Nghiên cứu của tôi nhằm mục đích đặc biệt là đặt câu hỏi về tác động của các kiểu hình thức hoá các khái niệm, các đóng khung nghề nghiệp, các định dạng định lượng và các “công cụ”[1] cả về mặt nghiên cứu và trong việc tạo ra các hiện tượng kinh tế như tổ chức các chuyển nhượng tài chính, thiết lập các giá cả, xác định một năng suất hay một hiệu ứng, quyết định đầu tư hay tài trợ cho một hoạt động. Vậy, tôi đã đọc văn bản này với cái nhìn đó: nó nói gì về các tác giả của nó, về quan niệm của họ về kinh tế học như một bộ môn, về mối quan hệ của họ với các “công cụ” của họ?

Suresh Naidu, Dani Rodrik, Gabriel Zucman

Những tiếng nói mới trong ngành kinh tế học ở đại học Mỹ


Emmanuel Saez (1972-)

Trước khi đưa ra một số nhận xét về bài báo trên tạp chí Boston Review, tôi nghĩ cần đặt việc phát đi thông điệp của bài báo ở Hoa Kỳ và sự tiếp nhận nó ở Pháp trong một vài yếu tố bối cảnh. Đối với Pháp, việc xuất bản xảy ra cùng lúc với bản dịch của một tác phẩm được NXB Seuil xuất bản, Le triomphe de l'Injustice/Thắng lợi của sự bất công, của hai nhà kinh tế Pháp đang làm việc tại Hoa Kỳ tại một trường đại học danh tiếng (Berkeley), Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, mà những ý tưởng tiếp liệu cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hiện tại, đặc biệt thông qua việc ứng cử viên đảng Dân chủ Elisabeth Warren đã lấy lại các đề xuất của họ. Chúng ta cũng biết về công trình đáng chú ý trước đó của Gabriel Zucman về các thiên đường thuế vốn cũng đã là đối tượng của nhiều bài bằng tiếng Pháp. Giống như Thomas Piketty, nghiên cứu của ông, dễ dàng có dạng một cuốn sách, được đọc nhiều ở bên ngoài phạm vi học thuật của các nhà kinh tế học.

Làm việc ở Berkeley, Hoa Kỳ, nhưng thường ở Pháp, bản thân sự di chuyển của ông giúp xây dựng mối liên kết hữu cơ giữa thế giới học thuật và trí thức ở Pháp và Bắc Mỹ. Do đó, văn bản này cũng làm chúng ta quan tâm, do một nhà nghiên cứu được đào tạo ở Pháp và vẫn có mặt trong cuộc tranh luận của Pháp, mặc dù làm việc ở Hoa Kỳ, viết ra. Do đó, có một hiệu ứng gần gũi gây nên sự quan tâm nhưng cũng có nguy cơ dẫn đến một sự đánh giá bị lạc điệu. Bởi vì văn bản này chủ yếu không dành cho chúng ta và chủ yếu là một phần của cuộc thảo luận của Mỹ về nền kinh tế học thống trị như nó được thể hiện qua vị thế trong thể chế của ba tác giả (Berkeley, Columbia và Harvard). Tất nhiên tôi biết rằng trong kinh tế học, cũng như trong vô số vấn đề, những gì xảy ra ở Hoa Kỳ là rất quan trọng và ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận trong thế giới nói tiếng Pháp, nhưng hầu hết những gì xảy ra ở đó tất nhiên không nhằm vào việc can thiệp ở Pháp, trong khi sự tiếp nhận của nó, và do đó cách đọc của tôi, chịu sự tác động của vị thế của tôi ở Pháp.

Bởi vì văn bản này chủ yếu không dành cho chúng ta và chủ yếu là một phần của cuộc thảo luận của Mỹ về nền kinh tế học thống trị như nó được thể hiện qua vị thế trong định chế của ba tác giả (Berkeley, Columbia và Harvard).

ÈVE CHIAPELLO

Đối với Hoa Kỳ, việc xuất bản bài trên tạp chí Boston Review đi kèm sự thành lập mạng lưới các giáo sư kinh tế học ở đại học (“academic economists”), Economics for inclusive Prosperity (EfIP)/Kinh tế học cho một sự Thịnh vượng toàn diện[2]. Bài Kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do gồm hai phần. Phần đầu tiên, phần dài nhất, đưa ra sự suy nghĩ về vai trò của kinh tế học (“economics”) trong việc khái niệm hóa và xúc tiến các chương trình chính trị nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa lý thuyết kinh tế và các chính sách tân tự do, và đề xuất các mối liên kết khác ủng hộ một kinh tế học quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng. Phần thứ hai tóm tắt một loạt các đề xuất của các nhà kinh tế của mạng lưới mới và được xuất bản dưới dạng một cuốn sách có thể tải xuống từ trang web của họ. Kể từ tháng 2 năm 2019, một số đóng góp bổ sung và một danh sách các tác giả khác đã được thêm vào và một hội nghị được dự kiến vào tháng 3. Như vậy, “Kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do” là một tuyên ngôn nhằm xây dựng một tập thể các giáo sư kinh tế học ở đại học chủ yếu làm việc ở Hoa Kỳ, hoặc có liên hệ chặt chẽ với không gian này, khẳng định một cam kết chính trị mà ta có thể gọi là tiến bộ mà đối tượng, theo từ ngữ của họ, là “chủ nghĩa thị trường chính thống”, “chủ nghĩa tân tự dovà còn cả “sự chuyển hướng phi tự do và bài ngoại (dành ưu tiên cho người dân bản địa)/bài ngoại (hạn chế thậm chí cấm nhập cư) (nativiste) của các chính sách.

Các phương thức hành động (của họ) là các phương thức của các viện nghiên cứu chiến lược (think tank) và các tài liệu chính sách (policy papers), nhưng họ nhấn mạnh đến những sự khác biệt của họ: họ (phụ nữ là thiểu số trong mạng lưới) đều là “các giáo sư kinh tế học trong biên chế (“tenured academic economists), một phẩm chất được khẳng định nhấn mạnh đến điểm họ đã được chào đón bởi các đồng nghiệp của họ sau một quá trình lựa chọn khắt khe sau luận án (đường đua để giành chức/tenure-track) và họ giữ một chức vụ tại trường đại học, nơi khoa học của họ không được xem như là có liên quan trực tiếp đến hành động, như của các nhà kinh tế học ở các ngân hàng hoặc ở các viện nghiên cứu chiến lược. Với tư cách này, họ mong muốn đem nghiên cứu của mình, được xem như là “sự uyên bác có cơ sở/sound scholarship”, phục vụ cho dự án chính trị của họ về “sự thịnh vượng toàn diện”. Như vậy, nỗ lực liên minh mà họ có, tất nhiên chứa đựng nhiều căng thẳng cần phải được xóa bỏ nhưng có thể được phân tích, được tổ chức xung quanh một ý tưởng chung về kinh tế học là gì. Đây là điểm tôi muốn bình luận. Lịch sử sẽ cho biết nỗ lực này sẽ dẫn họ đến đâu và tác động mà nỗ lực này sẽ có trong phạm vi kinh tế học như là một ngành và ở bên ngoài, một n lực chắc chắn đáng là đối tượng của một nghiên cứu xã hội học về các nhà kinh tế học, và đặc biệt về trường của các nhà kinh tế học Mỹ[3] để hiểu rõ hơn về các điều kiện khả thi của bản tuyên ngôn này.

Nỗ lực liên minh mà họ có, tất nhiên chứa đựng nhiều căng thẳng cần phải xóa bỏ nhưng có thể phân tích được, được tổ chức xung quanh một ý tưởng chung về kinh tế học là gì.

ÈVE CHIAPELLO

Một dự án mang tính duy khoa học

Về cơ bản, tôi chỉ có thể hoan nghênh nỗ lực của họ để thoát khỏi chủ nghĩa tôn sùng thị trường và để sản xuất một tự phê bình về các công trình nghiên cứu kinh tế học, cũng như nói chung, tôi tán thành dự án để đưa vấn đề bất bình đẳng trở lại trung tâm của các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về tính cách vừa mang tính duy khoa học vừa bảo thủ trong quan niệm của họ về kinh tế học. Bất chấp nỗ lực tự phê bình, bản tuyên ngôn cuối cùng cũng dẫn đến sự khẳng định lại những điều mà chính họ gọi là “đặc tính phổ quát” cả về mặt lý thuyết và phương pháp luận. Đặc biệt, chúng ta sẽ không tìm thấy trong bài này một cuộc khảo sát về động thái của sự xơ cứng ngành học, một mặt, đã dẫn đến việc hạn chế lĩnh vực của các lý thuyết và thực tiễn khoa học chính đáng nhất trong không gian học thuật của các nhà kinh tế học và việc chống lại sự thừa nhận tính đa dạng của tư duy kinh tế học, và mặt khác đã tách rời kinh tế học khỏi các khoa học xã hội khác.

Theo tôi, đây là một văn bản cố gắng cứu dòng chính thống của kinh tế học bằng cách tách nó ra khỏi mối liên hệ với chủ nghĩa tân tự do. Các tác giả của nó muốn “thuyết phục những ai không phải là nhà kinh tế học rằng các nhà kinh tế học không phải là kẻ thù của họ” nhưng họ hầu như không di chuyển khỏi cơ sở của họ như chúng tôi sẽ biện luận. Chúng ta có thể mong đợi điều gì khác từ một nhóm được chọn trên cơ sở tuân thủ các tiêu chí thống trị và tự hào về điều này, hoặc ít nhất là đã tìm cách vận động ở các cấp chính thức nhất của nền kinh tế học đại học Hoa Kỳ? Cánh cửa chắc là quá hẹp đối với những người muốn thiết lập liên minh. Thông điệp chính của họ là muốn nói rằng có thể nghĩ ra “các chính sách thay thế cho chủ nghĩa thị trường chính thống” nhưng rốt cuộc cũng là cái nghề đó, cũng là các công cụ đó và cũng là các bài giảng và các giảng dạy đó về kinh tế, điều này đối với tôi dường như làm cho cái tầm cải cách của dự án hoàn toàn bị giảm mất.

Bất chấp nỗ lực tự phê bình, bản tuyên ngôn cuối cùng cũng dẫn đến sự khẳng định lại những điều mà chính họ gọi là “đặc tính phổ quát” cả về mặt lý thuyết và phương pháp luận.

ÈVE CHIAPELLO

Về hoạt động của nghề giáo sư kinh tế học ở đại học, các tác giả chủ yếu đòi hỏi quyền tham gia vào chính trị trong khi vẫn giữ địa vị học giả của họ, và do đó khả năng sử dụng uy tín học thuật của họ trong cuộc đấu tranh chính trị mà không bị mất nó do chính sự dấn thân này. Việc thực thi niềm tin là khó khăn, bởi vì họ phải đồng thời phế truất những người trước họ từng nuôi dưỡng các chính sách tân tự do và cũng đã khoác cái áo của lý thuyết kinh tế. Một số lập luận có thể được xây dựng lại để chứng minh khả năng tách hạt gạo khỏi vỏ trấu. Trước hết, như chúng ta được cho biết, các chính sách của những thập kỷ qua không dựa trên cơ sở của “những dữ liệu kinh tế vững chắc (sound economics)” và “bằng chứng đáng tin cậy”. Do đó, các chính sách tân tự do được liệt kê (“giải quy định, tài chính hóa, phá vỡ Nhà nước phúc lợi, phi thể chế hóa thị trường lao động, giảm thuế lũy tiến và thuế doanh nghiệp, tiếp tục tiến trình siêu toàn cầu hóa”) không hẳn là sản phẩm của kinh tế học (mặc dù chúng “có vẻ” như vậy), vốn luôn cẩn trọng và thận trọng hơn.

Do đó, có thể cứu vãn sự thuần khiết của khoa học, miễn là nó được sử dụng bởi các nhà kinh tế học “chín chắn”, những người không làm việc cho “các quỹ hoặc các viện nghiên cứu chiến lược”. Tuy nhiên, nếu chúng ta chấp nhận sự tách biệt được các tác giả ngầm đặt ra giữa một thế giới khoa học được tạo thành từ những điều không chắc chắn và những kết luận trong trường hợp tốt nhất là có điều kiện và từng phần theo kiểu “nếu ... thì”, và một thế giới của việc thiết kế các kết luận chính trị tách rời khỏi khoa học, thì đối với chúng ta, dường như chúng ta không thể trao uy quyền của khoa học cho những đề xuất mà họ chủ trương. Một khoa học luận luận khác, đặc biệt được nuôi dưỡng bằng các công trình nghiên cứu lịch sử và xã hội học về khoa học và công nghệ đã dạy chúng ta nhận ra phần chính trị, đạo đức và xã hội của bất kỳ công trình khoa học nào sẽ cho phép chúng ta hình dung các mối quan hệ phức tạp hơn giữa khoa học và chính trị.

Một khoa học luận khác, đặc biệt được nuôi dưỡng bằng các công trình nghiên cứu lịch sử và xã hội học về khoa học và công nghệ đã dạy chúng ta nhận ra phần chính trị, đạo đức và xã hội của bất kỳ công trình khoa học nào, sẽ cho phép chúng ta hình dung những mối quan hệ phức tạp hơn giữa khoa học và chính trị.

ÈVE CHIAPELLO

Các tác giả của bản tuyên ngôn cũng nhấn mạnh đến sự tồn tại của “những thói quen xấu” nơi “một số” nhà kinh tế học. Được xếp vào loại hình này là những điều không đồng nhất như “thái độ trong cuộc tranh luận công khai”, “niềm tự hào khi giải thích cách thị trường vận hành”, niềm tin “vào sức mạnh của các biện pháp động viên”, xu hướng bảo vệ thị trường trong mọi hoàn cảnh “vì không ai chịu làm” thay cho họ vì sợ rằng “hành động công khai sẽ còn làm cho tình hình còn tệ hơn nữa”, hay việc “bị các mô hình quyến rũ quá mức”. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là những nhận xét này về hành vi và niềm tin của các nhà kinh tế học là sai, mà là bản tuyên ngôn liệt kê chúng chỉ để giải thích cho chúng ta rằng đây là “một biến thái thô sơ và sơ đẳng”, theo từ ngữ được sử dụng, mà họ đã không lợi dụng cơ hội này để quay trở lại các khung lý thuyết và khoa học luận tạo cở sở cho chúng. Nếu chúng ta đi theo lập luận này, một khi những kẻ biến thái bị loại khỏi môi trường hàn lâm, môi trường này có thể lấy lại khả năng soi sáng con đường.

Tính trung lập của các công cụ

Ở trung tâm của năng lực này là “các công cụ của kinh tế học”. Cách thức mà khái niệm công cụ này được huy động gợi ý sự trung tính của các kỹ thuật được sử dụng vốn không sáp nhập bất kỳ thành kiến ​​chính trị hoặc đạo đức nào. Theo cách trình bày này, công cụ chỉ làm những gì người công nhân yêu cầu nó làm. Ngược lại, như đã được gợi ý ở trên, có những người công nhân tốt và xấu, nhưng cũng có những mục tiêu khác nhau mà cùng một công cụ có thể phục vụ.

Theo một công thức khá cổ điển, chính trị nằm trong sự lựa chọn mục tiêu (ở đây là sự thịnh vượng toàn diện) và sau đó ta có thể tìm cách đạt được nó bằng cách huy động một hộp công cụ mang tính trung lập và khoa học. Chất lượng kỹ thuật của các công cụ là điều xây dựng quyền uy của nhà khoa học. Tuy nhiên, văn bản không rõ ràng lắm về nội hàm của khái niệm công cụ nhưng khi đọc ta hiểu rằng chúng bao gồm cả một nội dung chính thống (doxique) (phương pháp luận cá thể, sự khuyến khích của thị trường, quyền sở hữu, v.v.) tức là các khung lý thuyết và các khái niệm, các hình thức phương pháp luận (công cụ định lượng, hình thức hóa toán học, v.v.) và các loại tính toán (ví dụ: sự tính toán tối ưu hóa để có thể vẽ ranh giới của sự hiệu quả hoặc xác định những đánh đổi (arbitrage/trade-off) sẽ được đề xuất cho các chính trị gia). Và nhất là ta hiểu rằng điều mà các tác giả của bản tuyên ngôn đề xuất là sử dụng chính những “công cụ” này, rất ít bị chất vấn với tư cách là công cụ, nhưng để giải quyết những câu hỏi chính trị mới.

Sự tưởng tượng về tính trung lập của “công cụ” này đối với tôi là một dấu hiệu của sự ngây thơ, bởi vì không có một công cụ nào, thậm chí là công cụ thô sơ nhất, mà không bao gồm việc đặt vấn đề, việc đóng khung vấn đề cần giải quyết được kết hợp với các giải pháp có thể có.

ÈVE CHIAPELLO

Sự tưởng tượng về tính trung lập của “công cụ” này đối với tôi là một dấu hiệu của sự ngây thơ, bởi vì không có một công cụ nào, thậm chí là công cụ thô sơ nhất, mà không bao gồm việc đặt vấn đề, việc đóng khung vấn đề cần giải quyết được kết hợp với các giải pháp có thể có. Để sử dụng một phép loại suy đơn giản, đối với một người chỉ có một cái búa, mọi thứ trông giống như một cái đinh. Do đó, nếu câu hỏi về thị trường, về sự khuyến khích, về những thất bại của thị trường là trọng tâm của hộp công cụ của nhà kinh tế học, thì anh ta sẽ chỉ thấy những gì trên thế giới dường như tuân thủ hoặc đi chệch hướng với nó, trong khi vẫn không có các phương tiện để nghĩ đến các mô hình khác, các mối liên hệ nhân quả khác. Những gì có giá trị cho các khung lý thuyết cũng có giá trị cho các mô hình hoặc các hình thức xử lý thống kê giúp chúng hoạt động. Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường sự phản tư đối với các công cụ được sử dụng, lịch sử của chúng, các giả thuyết mà chúng sáp nhập, để thấy được sức mạnh khẳng định (performative) (chúng phần nào làm cho những gì chúng mô tả và tìm cách vận dụng tồn tại)[4] và đa dạng hóa chúng nhằm có thể thay đổi cách tiếp cận các hiện tượng được nghiên cứu. Theo tôi, điều này là một bước cần thiết cho bất kỳ ai muốn tránh xa sự cám dỗ của chủ nghĩa tân tự do. Trên phương diện này, tuyên ngôn là thiếu sót khi tự thỏa mãn với việc loại một số cách sử dụng nhất định mà không đặt câu hỏi về chính các công cụ này một cách sâu sắc hơn.

Bên cạnh các “công cụ” còn có các dữ liệu và các số liệu dường như cũng được coi là không có vấn đề. Theo các tác giả của bản tuyên ngôn, chúng ta không còn có thể bỏ qua những “sự thật khó chịu” (chủ yếu là các “bằng chứng” về “sự không hoàn hảo của thị trường”), chính là nhờ thoái trào của các nghiên cứu thuần toán học và mô hình hoá và sự phát triển mạnh của các nghiên cứu “thường nghiệm” trong các công trình của các nhà kinh tế học. Họ nói với chúng ta rằng chính “yêu cầu về bằng chứng thường nghiệm có hệ thống” đã giúp chống lại sự cám dỗ của “các liệu pháp chính sách mang tính ý thức hệ” (chẳng hạn như các chính sách tân tự do được coi là vô căn cứ và bị đả kích trước đây).

Bên cạnh các “công cụ” còn có các dữ liệu và các số liệu dường như cũng được coi là không có vấn đề.

ÈVE CHIAPELLO

Tôi hoàn toàn tán thành yêu cầu về bằng chứng và sự chỉ trích đi kèm với nó về việc có quá nhiều mô hình lý thuyết thuần túy, nhưng tôi không chắc rằng luận điểm định lượng đủ để bảo vệ chúng ta vì một số lý do mà tôi không thể khai triển hết được. Đầu tiên là những con số mang dấu ấn của các hoạt động của con người tạo ra chúng. Chúng được thiết kế, xây dựng cho các mục đích sử dụng nhất định để làm sáng tỏ các vấn đề cụ thể hoặc quản lý các vấn đề mà chúng giúp xác định. Và hầu hết chúng không được sản xuất để trả lời các câu hỏi của các nhà nghiên cứu, những người do đó phải chuyển hướng chúng và gắn những ý nghĩa khác cho chúng, điều này không thể không đặt thành vấn đề.

Thật vậy, quá trình định lượng đã giả định rất nhiều sự lựa chọn mang tính quy ước có ảnh hưởng quan trọng đến các số liệu được tạo ra[5]. Lấy một ví dụ mà tôi yêu thích[6], có rất nhiều cách để quan niệm và đo lường lợi nhuận của một công ty phụ thuộc vào ý tưởng mà ta có về vai trò của công ty cũng như về các mối quan hệ quyền lực giữa công ty và các bên liên quan. Do đó, khả năng so sánh và sự cộng lại các lợi nhuận theo thời gian và thậm chí theo không gian không bao giờ được coi là chắc chắn. Và cho dù rằng các tập đoàn đa quốc gia không thao túng lợi nhuận của họ để trốn thuế, nhưng ý nghĩa của một lợi nhuận vừa phải có thể nói lên nhiều điều rất đa dạng mà ta chỉ có thể hiểu được bằng cách giải cấu trúc quy trình sản xuất ra nó.

Và cho dù rằng các tập đoàn đa quốc gia không thao túng lợi nhuận của họ để trốn thuế, nhưng ý nghĩa của một lợi nhuận vừa phải có thể nói lên nhiều điều rất đa dạng mà ta chỉ có thể hiểu được bằng cách giải cấu trúc quy trình sản xuất ra nó.

ÈVE CHIAPELLO

Các con số do đó không thể đủ. Chúng không chính xác, gây tranh cãi, không đồng nhất và trên hết là có thể bị thao túng như các mô hình mà các tác giả tố cáo về tính dễ bị uốn nắn, điều này đòi hỏi các số liệu phải được khảo sát trên phương diện khoa học luận một cách toàn diện. Cuối cùng, rất nhiều số liệu có thể rất hữu ích đơn giản là không có bởi vì ta không có quyền truy cập thông tin chẳng hạn vì bí mật thương mại, hoặc vì không ai nghĩ ra việc xây dựng các dữ liệu này hoặc, nói một cách khác, bởi vì vấn đề mà chúng có thể tạo lập không được xã hội quan tâm đầy đủ để chi phí của việc xây dựng chúng có thể được trang trải. Vì vậy, vai trò của các nhà kinh tế cũng phải là phê phán các số liệu có sẵn, các phân tích định lượng được tạo ra từ chúng cũng như góp phần tạo ra các số liệu mới. Chỉ với cái giá này, mới có thể từ các con số xây dựng một lý luận định lượng sáng suốt về phần đạo đức và chính trị (ý thức hệ như họ nói) mà nó bao gồm. Thật đáng ngạc nhiên là trong khi công việc cụ thể của việc xử lý dữ liệu thường xuyên đặt ra những câu hỏi này, chúng cuối cùng lại rất ít được giới chuyên môn quan tâm một cách trực diện.

Giảng dạy kinh tế học

Tôi muốn kết thúc nhận xét của mình với vấn đề đào tạo các nhà kinh tế học, vì tôi tin rằng không thể tách rời cách thức đào tạo các đồng nghiệp tương lai của chúng ta và những ý tưởng mà họ có thể sẽ phát triển. Tôi cũng tham gia vào một chương trình[7] nhằm mục đích tiếp cận các vấn đề kinh tế từ quan điểm dựa trên tính thống nhất của khoa học xã hội[8] và do đó tìm cách tổ chức sự đối chiếu có hệ thống giữa các khung phân tích và các thực tiễn phương pháp luận. Rất tiếc, tuyên ngôn rất rõ ràng về sự đào tạo: “một số người tin rằng việc giảng dạy và thực hành kinh tế phải được cải cách một cách toàn diện để ngành trở thành một lực lượng xây dựng”, nhưng đây lại không phải là niềm tin của các tác giả. Họ không chủ trương sự mở rộng về mặt lý thuyết hướng tới các trào lưu khác của kinh tế học nằm bên ngoài cái khung tân cổ điển, một tư duy phản tư về các “công cụ” của bộ môn tuy chúng có thể đã đóng một vai trò trong sự chệch hướng đã bị tố cáo của kinh tế học, cũng như sự suy nghĩ về những cạm bẫy của lập luận định lượng vốn không thể chỉ một mình nó đóng vai trò của một tấm bình phong chống lại những cách sử dụng lệch lạc và đơn giản quá đáng cần phải từ triệt.

Dù có những lời chỉ trích được đưa ra về tính trung tâm của mô hình thị trường, tính quy giản của các mô hình toán học, sự thiếu cởi mở đối với các ngành khác, nhưng dường như các tác giả không có khả năng đặt lại vấn đề các chương trình đào tạo.

ÈVE CHIAPELLO

Dù có những lời chỉ trích được đưa ra về tính trung tâm của mô hình thị trường, tính giản lược của các mô hình toán học, sự thiếu cởi mở đối với các ngành khác, nhưng dường như các tác giả không có khả năng đặt vấn đề về các chương trình đào tạo. Vì các “khóa học điển hình” về kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô và tài chính được đảm nhận bởi “các nhà kinh tế học chín chắn”, ví dụ như trong kinh tế vi mô họ chủ yếu quan tâm đến những thất bại của thị trường và cách khắc phục chúng hơn là đến “sự kỳ diệu của thị trường”, và trong lĩnh vực tài chính họ dành một vị trí quan trọng cho các cuộc khủng hoảng tài chính và các rối loạn chức năng của hệ thống tài chính, thì không có cải cách nào được xem là nên làm.

Ngoài việc là tôi còn lâu mới tán thành quan niệm này về “các khóa học điển hình”, đặc biệt là niềm tin rằng các khóa học tài chính sẽ dễ dàng đảm nhận vấn đề các khủng hoảng và chệch hướng tài chính, bài thuyết trình này đủ để nói khá rõ rằng, đối với ba tác giả, rằng điều quan trọng trên hết để thoát khỏi chủ nghĩa tân tự do là không thay đổi quá nhiều và vẫn để cho trào lưu chính tiếp tục “lên men sáng tạo”. Chính bằng cụm từ này, các tác giả đã gợi lên quá trình, một phần được đánh dấu bằng sự cởi mở đối với một số công trình trong khoa học xã hội, rốt cuộc, chẳng hạn, đã đặt “homo œconomicus trong thế phòng thủ”, hoặc bằng cách định hướng sự suy nghĩ đến các chủ đề mới như “chi phí của sự biến đổi khí hậu hoặc “sự tập trung các thị trường”. Sự đổi mới này đối với họ cuối cùng dường như đã đủ khi mà, trong trường hợp tốt nhất, nó chỉ nới rộng phạm vi của lý thuyết chuẩn. Theo tôi, trong sự “lên men”, hoàn toàn phải có sự hiện diện của sự đa dạng và động thái của các trào lưu không phải là chuẩn ngay trong kinh tế học, vốn xuất phát từ những hệ hình khác ngoài hệ hình thị trường, ví dụ như thuyết thể chế, hay kinh tế chính trị học, đặc biệt xuất phát từ chủ nghĩa Mác hoặc thuyết của Keynes, hoặc liên quan đến kinh tế học sinh thái, những trào lưu và hệ hình cũng không kém phần quan tâm đến “các sự bất bình đẳng đáng kinh ngạc” vốn đã làm cho các tác giả của bản tuyên ngôn khởi động.

Như người ta làm trong các khoa học xã hội khác, việc giảng dạy lịch sử tư tưởng cũng phải là bắt buộc để nắm bắt được lịch sử của ngành và các cuộc tranh luận lý thuyết đã hình thành nên nó.

ÈVE CHIAPELLO

Do đó, tôi sẽ biện hộ cho một sự đào tạo các nhà kinh tế học cởi mở hơn, có thể trước sự lựa chọn chuyên môn tiến sĩ của họ, bao gồm cả việc giảng dạy về khoa học luận và cho phép họ đối chiếu với những gì các khoa học xã hội khác nói về đối tượng của họ, nhưng cũng để khám phá tích cực hơn các trào lưu khác nhau của kinh tế học. Như người ta làm trong các khoa học xã hội khác, việc giảng dạy lịch sử tư tưởng cũng phải là bắt buộc để nắm bắt được lịch sử của ngành và các cuộc tranh luận lý thuyết đã hình thành nên nó. Đó sẽ là cơ hội cho các nhà kinh tế học học nghề trực tiếp đọc các tác giả quan trọng và các văn bản sáng lập của ngành của họ, chứ không chỉ các bài báo nghiên cứu gần đây nhất, và do đó kích hoạt khả năng phản tư và trí tưởng tượng khái niệm trên cơ sở quá trình “lên men sáng tạo” được mong đợi.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Une neutralité trop naïve, Le Grand Continent, 1 tháng 5 năm 2020.

----

Bài có liên quan: Kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do



Chú thích:

 

[*] Eve Chiapello là giám đốc nghiên cứu ở Trường Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Cao Cấp (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales). Với một quá trình đào tạo rất đa dạng, Bà đã chuyển dần từ lĩnh vực quản lý sang lĩnh vực xã hội học. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của Bà là sự phê phán chủ nghĩa tư bản (xem cuốn Tinh thần mới của chủ nghĩa tư bản/Le Nouvel esprit du capitalisme cùng viết với Luc Boltanski), lịch sử của quản lý học, xã hội học về các công cụ chính trị và quản lý và sự nghiên cứu mang tính phê phán về các phạm trù kinh tế và kế toán.
[1] Chiapello E., Gilbert P. 2019. Management Tools: A Social Sciences Perspective, Cambridge University Press
[2] Econfip.org
[3] Voir Fourcade, M., Ollion, E., Algan, Y. 2015. The Superiority of Economists. The Journal of Economic Perspectives, 29(1), 89-113.
[4] MacKenzie D., Muniesa F. , Siu L. (eds) 2008. Do Economists Make Markets?: On the Performativity of Economics. Princeton University Press
[5] Desrosières A. 2008. L’argument statistique. Tome 1. Pour une sociologie historique de la quantification, Presses de l’École des mines
[6] Voir Chiapello E.,2012. La construction comptable de l’économie, in: La comptabilité, la société et le politique. In: Nikitin M., Chrystelle R. (eds), Economica, 2012, pp. 128-135; Chiapello E. 2015. Les normes comptables comme institution du capitalisme. Une analyse du passage aux IFRS en Europe à partir de 2005, Sociologie du travail, Juillet-Septembre 2005, vol 47, n°3, pp. 362-382
[7] Master PSL-EHESS Sciences Economiques et Sociales “Institutions, Organisations, Economie et Société”, https://www.psl.eu/formation/master-institutions-organisations-economie-et-societe
[8] Orléan A. 2005. La sociologie économique et la question de l’unité des sciences sociales. L’année sociologie. vol 55, pp. 279-305; Boyer R. 2014. L’économie peut-elle (re)devenir une sciences sociale? Revue Française de Socio-Economie, n°13, 203-223; Lahire B. 2012. Monde pluriel. Penser l’unité des sciences sociales, Seuil.

Print Friendly and PDF