18.10.20

Thực hiện công trình về đấu giá: những ý tưởng thắng lợi đằng sau giải Nobel năm nay

 THỰC HIỆN CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ ĐẤU GIÁ: NHỮNG Ý TƯỞNG THẮNG LỢI ĐẰNG SAU GIẢI NOBEL KINH TẾ NĂM NAY

Robert Wilson và Paul Milgrom, những người được giải Nobel về kinh tế học năm 2020. Andrew Brodhead/Stanford

Hơn bao giờ hết, những cuộc đấu giá đang định hình nền kinh tế.

Các trang web như Ebay đã khiến những cuộc đấu giá trở thành giao dịch hàng ngày. Sự sắp xếp của mỗi quảng cáo Google đều được định giá bằng một cuộc đấu giá mini ngay tức thì. Các chính phủ sử dụng những cuộc đấu giá để phân bổ phổ tần vô tuyến và thực hiện các chương trình giảm phát thải.

Giải Nobel Kinh tế 2020 đã được trao cho hai người Mỹ, Paul MilgromRobert Wilson, vì công trình nghiên cứu về phân tích các cuộc đấu giá và làm thế nào để các cuộc đấu giá trở nên hiệu quả hơn.

Hai giáo sư là những người cộng sự thân thiết của nhau. Cả hai cùng làm việc tại trường Đại học Stanford ở California và cũng sống trên cùng một con đường.

Giải Nobel kinh tế không phải là một trong những hạng mục ban đầu được trao từ di chúc của Alfred Nobel. Tên chính thức của nó là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel. Những người được giải được lựa chọn bởi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nơi cũng trao các giải thưởng về lĩnh vực vật lý và hóa học.

Milgrom và Wilson nghiên cứu các lĩnh vực kinh tế khác nhau (đáng chú ý là lý thuyết trò chơi) nhưng được biết đến nhiều nhất với công trình nghiên cứu về thiết kế thị trường. Milgrom đã được trao bằng Tiến sĩ tại Stanford vào năm 1978, nơi ông từng là một trong những sinh viên của Wilson.

Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ đã mô tả Milgrom như một nhà thiết kế đấu giá hàng đầu thế giới. Công trình của ông đã được trích dẫn hơn 100.000 lần.

Lời nguyền của người thắng cuộc

William Vickrey (1914-1996)
James Mirrlees (1936-)

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã nhấn mạnh rằng Milgrom và Wilson được trao giải thưởng vì các công trình nghiên cứu đấu giá về lý thuyết lẫn ứng dụng.

Đây không phải là lần đầu tiên giải Nobel kinh tế tôn vinh lý thuyết liên quan đến đấu giá. William VickreyJames Mirrlees đã được giải vào năm 1996 vì công trình nghiên cứu về các khuyến khích.

Người được giải năm 2017, nhà kinh tế học hành vi Richard Thaler, cũng đã mang lại sự chú ý cho một hiện tượng, chính là trọng tâm của công trình mà Milgrom và Wilson đã được trao giải - được biết đến là “lời nguyền của người thắng cuộc”.

Richard Thaler (1945-)
Lời nguyền của người thắng cuộc phát sinh từ việc mọi người đấu giá thứ gì đó mà giá trị của nó không được biết vào thời điểm ấy nhưng sẽ được đồng ý sau đó. Các nhà kinh tế học gọi đây là một cuộc đấu giá với “giá trị chung”.

Một ví dụ có thể kể đến là quyền khai thác vàng ở một địa điểm nhất định. Nếu không tìm thấy vàng, quyền khai thác vàng sẽ trở thành vô giá trị. Nếu có nhiều vàng, nó sẽ rất đáng giá.

Những người đấu giá khác nhau có thể có các quan điểm khác nhau về số lượng vàng trong khu vực khai thác. Càng lạc quan bao nhiêu, họ càng sẵn lòng đấu giá bấy nhiêu. Giá trả lạc quan nhất sẽ giành chiến thắng.

Nhưng giá trị thực có lẽ gần với giá trị trung bình hơn là giá trị cao nhất. Vì vậy, những người trúng đấu giá có khả năng đã trả giá quá cao.

Giá trị chung so với giá trị riêng

Công trình của Wilson đã cho thấy nỗi sợ về lời nguyền của người thắng cuộc khiến những người đấu giá duy lý đặt giá đấu thấp hơn sự định giá của chính họ.

Sự không chắc chắn lớn hơn, hoặc niềm tin rằng một số người tham gia có nhiều thông tin hơn những người khác, sẽ khiến những người đấu giá thậm chí càng thận trọng hơn. Mức giá cuối cùng của họ vì thế sẽ thấp hơn.

Dựa trên điều này, Milgrom nghiên cứu trường hợp những cuộc đấu giá mà trong đó không chỉ có giá trị chung mà còn có giá trị riêng không đồng nhất giữa những người đấu giá.

Ví dụ về một ngôi nhà. Một nơi yên tĩnh, an toàn và tiện nghi có thể là một giá trị chung. Nhưng các tính năng như một hồ bơi hoặc một khu vườn rộng có thể được định giá rất khác nhau, vì một số người mua xem chúng chỉ là chuyện lặt vặt.

Điều này sẽ làm phát sinh các giá trị riêng khác nhau.

Thiết kế của cuộc đấu giá có tính chất quan trọng

Loại đấu giá phổ biến nhất là “đấu giá kiểu Anh” [đấu giá lên - ND], trong đó người điều phối đấu giá bắt đầu với một mức giá thấp và đẩy giá lên cho đến khi chỉ còn lại một người đấu giá.

Ngoài ra, còn có “đấu giá kiểu Hà Lan” [đấu giá xuống - ND], trong đó người điều phối đấu giá đầu với một mức giá cao và hạ giá xuống cho đến khi có ai đó mua được.

Các nhà kinh tế học đã cho rằng hình thức đấu giá sẽ không tạo ra khác biệt gì đối với kết quả. Nhưng Milgrom cho thấy vấn đề về lời nguyền của người thắng cuộc sẽ lớn hơn trong cuộc đấu giá kiểu Hà Lan, bởi vì những người đấu giá không học được bất cứ điều gì từ việc quan sát những người đấu giá khác bỏ cuộc.

Giá cuối cùng, do đó, có thể sẽ thấp hơn trong một cuộc đấu giá kiểu Hà Lan.

Không chỉ đơn thuần là học thuật

Những cái nhìn sâu sắc như vậy đã giúp ích cho xã hội như thế nào?

Những cuộc đấu giá đồng thời tạo ra nhiều tiền hơn.

Trước hết, Milgrom và Wilson đã phát triển một hình thức đấu giá phức tạp - “đấu giá nhiều vòng đồng thời” (simultaneous multiple round auction). Hình thức đấu giá này cho phép đặt giá đấu cho nhiều món đồ cùng một lúc và cho phép đặt giá đấu lặp lại.

Hình thức này rất hữu ích, chẳng hạn, một công ty muốn đấu giá một giấy phép trong một lĩnh vực chỉ khi công ty đó cũng có thể có giấy phép ở một lĩnh vực khác.

Nếu các cuộc đấu giá được tổ chức tuần tự, việc không chắc thắng trong cuộc đấu giá thứ hai sẽ làm giảm những mức giá đấu ở cuộc đấu giá đầu tiên.

John Hawkins
Misha Ketchell
Việc tổ chức các cuộc đấu giá đồng thời cho phép các chính phủ tối đa hóa giá cho các tài sản có giá trị như các quyền khai thác phổ tần vô tuyến.

Điều này mang lại cho các chính phủ nhiều tiền hơn để chi tiêu cho các dịch vụ công như y tế và giáo dục.

Các nhà kinh tế học thường bị chế giễu là những “cây bút học thuật xoàng xĩnh” (academic scribbler). Giải Nobel kinh tế năm nay là một ví dụ rõ ràng về việc các nhà kinh tế học có những kết quả nghiên cứu thiết thực vì lợi ích cộng đồng.

Tác giả

John Hawkins

Giảng viên Cao cấp, Trường Chính trị Canberra, Kinh tế học và Xã hội, Đại học Canberra (Úc)

Người biên tập

Misha Ketchell

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Making auctions work: the winning ideas behind this year’s Nobel Prize in economics, The Conversation, ngày 13 tháng 10 năm 2020.

Print Friendly and PDF