“BOOKPORN” - ĐĂNG TẢI HÌNH ẢNH SÁCH - TRÊN INSTAGRAM: TIẾN ĐẾN SỰ KẾT THÚC CỦA CHỦ NGHĨA TINH HOA VĂN HÓA?
Tác giả: Marine Siguier[*]
Người phụ nữ đọc sách - Pieter Janssens Elinga (1668-1670) - Wikimedia
“Còn đâu nữa những con chữ, những cuốn sách, và luôn tiện đâu là văn chương nữa, khi chỉ còn những hình ảnh?”. Chính là với cách nói này mà một nữ phóng viên thời luận đã tấn công vào một số cách làm đang thịnh hành trên mạng xã hội, trong một bài viết rất ngắn được phát hành trên đài France Culture vào đầu tháng chín với nhan đề “L’enfer du bookporn” - Địa ngục của đăng tải hình ảnh sách -.
Đối tượng của sự phẫn nộ này? Là “bookporn”, một hiện tượng đăng tải hình ảnh các sách trên Instagram. Tuy nhiên, tác giả của bài viết đượm tính khí nhất thời này từ chối thiêng liêng hóa văn chương hay nuôi dưỡng một sự thù ghét nào đó đối với các hình ảnh. Đúng hơn, bà thiên về xây dựng phê phán của mình dựa trên việc đặt lại vấn đề về các động cơ của độc giả. Khi đăng tải những nội dung liên quan đến văn chương, những người sử dụng internet không cưỡng được sự quyến rũ của thói ưa phô bày đáng lên án: phô trương vốn văn hóa của mình để phân biệt với đám đông, một tội lỗi kiêu ngạo cuối cùng?
Trang chủ của Instagram với công cụ tìm kiếm hashtag #bookporn thực hiện ngày 9/12/2020. Instagram |
Như vậy, vấn đề hẳn không nằm ở việc trang bị thêm yếu tố phụ cho quyển sách mà nằm ở hệ quả là ý muốn làm cho khác người. Phóng viên thời luận này không phải là người đầu tiên nêu rõ ảnh hưởng giả định có thể có của các mạng xã hội đối với các chủ thuyết tự cho mình là trung tâm hiện nay. Theo năm tháng, chủ đề lặp đi lặp lại nhiều lần này đã trở nên nhàm chán trên truyền thông, trên các bài xã luận và các loạt phim truyền hình về một phản địa đàng trong trí tưởng tượng ở đó các công nghệ mới chế ngự thế giới trong khi các liên kết xã hội thì bị tan rã. Điều đáng ngạc nhiên hơn trong bài viết này là sự khen ngợi việc đọc kín đáo, khu trú trong không gian riêng tư.
Hãy giấu quyển sách này đi để tôi không thể thấy nó
Roger Chartier (1945-) |
Trong thực tế, những nhận xét này về phong cách kín đáo của độc giả nằm trong một truyền thống lâu dài đã dần dần đồng hóa văn chương với bí mật của phòng ngủ. Sự xuất hiện của ngành in đánh dấu một bước ngoặt trong việc tư nhân hóa sự đọc: từ nay người “có học thức” sở hữu những quyển sách cho riêng mình, và họ nuôi dưỡng một mối quan hệ được cá thể hóa. Các bản văn không còn được đọc ở nhà thờ hay được ngâm nga bởi nhà thơ cổ đi trình diễn lưu động, mà được giải mã trong sự yên lặng của các gia đình. Tiếp theo diễn tiến của các thói quen này, nhà sử học Roger Chartier (1985) nhận định rằng sự đọc đã dần dần được thể hiện như một “hành động cao nhất của sự riêng tư, sự riêng tư thoát ra khỏi công chúng”, đã thắng thế so với việc thể hiện sự đọc như một lễ nghi tập thể.
Julien Gracq (1910-2007) |
Ý tưởng cho rằng sự đọc không hiển thị ra trước công chúng nuôi dưỡng một hệ tư tưởng đối kháng sự ẩn giấu với sự phô trương, sự im lặng và chuyện trò, cá nhân và công cộng. Trong tác phẩm La littérature à l’estomac (1950) - Văn chương cho dạ dày -, Julien Gracq phân biệt sự đọc kín đáo của người Anh, “thói quen cô độc mà họ không cảm thấy cần đặc biệt dông dài về nó”, và lối đọc phô trương của người Pháp, “tiếng đồn của đám đông bị kích động và không ổn định”, được khuyến khích bởi sự hiện diện dai dẳng và bất lợi của các “xa-lông văn học” và “khu phố văn học”. Để được là chính đáng, từ nay việc hưởng thụ văn chương phải thoát khỏi cặp mắt của công chúng. Người đọc say mê mơ mộng như một người được khép kín với nội tâm của chính mình, lại càng hấp dẫn vì nó không thể được hiểu thấu.
Tranh Edvard Munch, Andreas đang đọc sách, 1882, Na Uylisant,
1882, Norvège. Wikipedia
Một cách nghịch lý, cử chỉ quy về nội tâm của sự đọc lại đi kèm với một trào lưu biểu hiện những biểu tượng của nó ra bên ngoài. Trong hội họa và văn chương, trong nhiếp ảnh và điện ảnh, người ta tìm cách biểu hiện điều không thể biểu hiện được, người đọc này với sự lặng câm đã làm say mê các nghệ sĩ. Lịch sử nghệ thuật tranh ảnh của phương Tây đầy dẫy những cảnh đọc sách mà giá trị nằm chính ở chỗ sự kết nối một cách nghịch lý của cái ẩn giấu và cái được phô bày (Bared, 2015; Dethurens, 2018). Các mạng xã hội, vốn hoạt động dựa trên sự thúc giục thường trực khám phá điều riêng tư, không làm gì khác ngoài đại chúng hóa những biểu trưng trước đây. Xác định các thiết bị kỹ thuật số là duy nhất chịu trách nhiệm của sự thu mình lại, chính là không biết rằng những tưởng tượng văn học đã không chờ có internet để khuyến khích những tư thế giữa rút lui và nổi bật.
Có tồn tại những cách đọc không tự cho mình là trung tâm không?
Pierre Bourdieu (1930-2002) |
Ý tưởng mình trở thành chính mình nhờ sách phát triển và tồn tại bền bỉ ít nhất là từ thời chủ nghĩa nhân bản của Montaigne. Suy cho cùng, văn chương là gì nếu không phải là cỗ máy tạo nên sự khác người? Đọc, trước tiên là xây dựng cấu trúc nội tâm của chính mình, có nghĩa là khẳng định tính độc đáo của mình. Pierre Bourdieu (1992) nói về sự ái kỷ có tính thông diễn học để gợi ra “hình thức gặp gỡ với các tác phẩm và tác giả trong đó người thông diễn khẳng định sự thông minh và tầm cao của mình nhờ sự thông minh mang tính đồng cảm với các tác giả lớn”. Sự ái kỷ này không nhất thiết là xấu nếu nó được xem đơn giản là sự tự hào khi cảm nhận trí tuệ của mình cùng hòa âm với trí tuệ của nhà văn qua từng trang sách. Ta có thể chê trách sự thiếu nhã nhặn của một số người có học thức đang dẫn Héraclite với giọng điệu tự do quá trớn một cách méo mó trong những giây phút thoải mái. Nhưng muốn tách biệt văn chương khỏi sức mạnh cá biệt hóa của nó có nghĩa là lấy mất chức năng thanh lọc của nó. Ta không thể đọc Odyssée mà không tự cảm nhận ít nhiều là Ulysse, và mặc kệ sự thẹn thùng.
Mặt khác, nếu sự đọc đưa ta trở về với chính mình, nó cũng mở ra đến những người khác. Ý thức về hoàn cảnh của chính mình nhất thiết phải thông qua việc thiết lập quan hệ với những cuộc đời khác với cuộc đời mình. Sự đọc luôn được hoàn thành trong một vận động hai chiều hướng tâm và ly tâm: sự kết tinh của căn tính (xác định căn tính, là trở về với bản thân) kết hợp với sự tăng cường các kết nối bên ngoài (xác định căn tính, là đi về phía người khác). Trong viễn cảnh này, đăng tải những nội dung văn chương trên Instagram không thuộc về một vận động rút lui mà ngược lại là một động thái cởi mở. Mạng xã hội bảo đảm sự chuyển tiếp giữa một chế độ “ích kỷ” của sự đối mặt giữa cá nhân riêng lẻ và sách, và chế độ “vị tha” với sự chia sẻ thân ái sự đọc với người khác, và làm như thế là góp phần lật đổ các đẳng cấp văn hóa.
Người uyên bác và người bình dân
Guillaume Musso (1974-) |
Bài viết ngắn phát trên France Culture chủ yếu trách cứ những người sử dụng mạng xã hội muốn chiếm hữu tính chính đáng của các nhà văn mà họ tự nêu ra một cách công khai. Trong viễn cảnh này, dẫn ra các tác giả lớn có nghĩa là thu lại một phần tầm ảnh hưởng của họ, như vậy là làm giảm sút nghệ thuật của chức năng tạo sự độc đáo của văn chương. Ngoài việc người ta có thể muốn nêu ra những sở thích văn học để kết nối hơn là để tách ra, phê phán này không tính đến thực tế của môi trường kỹ thuật số. Trên những trang web chuyên về văn học cũng như trên những nền tảng tổng quát, đa số áp đảo các độc giả nói đến những tiểu thuyết bình dân hơn là những tác phẩm cổ điển trong ngôi đền của nền “văn hóa uyên thâm”. Ta thường gặp Guillaume Musso (nhà văn Pháp, sinh năm 1974. Tiểu thuyết La jeune fille et la nuit của ông, phát hành vào tháng tư 2018, bán chạy nhất trong mùa hè 2018 -ND-) hơn là Albert Camus trên các mạng xã hội.
Chế độ mở rộng lấy lòng công chúng được các nền tảng kỹ thuật số khuyến khích (những lệnh “like”, “share”. “comment”) quả thực tạo thuận lợi cho việc trưng bày tác phẩm bán chạy nhất hơn là văn học hàn lâm. Qui mô cộng đồng của những giao tiếp xã hội qua mạng, kết hợp với biểu trưng dân chủ của Internet đối kháng với sự ca tụng một số rất ít những người được ưu đãi. Rất xa với sự khuyến khích một giới độc giả quý tộc, Instagram, YouTube hay Facebook ấn định những nguyên tắc mới về đẳng cấp trong đó qui tắc chung có giá trị hơn ngoại lệ.
Bernard Lahire (1963-) |
Nhà xã hội học Bernard Lahire (2004) nhận định rằng có những bối cảnh mà “các cá nhân tương đối thờ ơ với một trật tự hay một hệ thống xếp hạng […] mà họ đã nhập tâm, nhưng chúng lại bị cạnh tranh bởi một trật tự hay một hệ thống xếp hạng khác”. Những người sử dụng mạng trên Instagram thường khá dửng dưng với bậc thang các giá trị truyền thống, mà họ thừa nhận nhưng không tìm cách tán thành. Trong trường hợp cụ thể này, trật tự tập thể của mạng xã hội, vốn cổ vũ cho bình đẳng tuyệt đối giữa những người sử dụng mạng, thay thế trật tự cá thể hóa của một nền văn hóa đã thành di sản. Trách những cộng đồng này đã theo chủ nghĩa tinh hoa thái quá có điều gì đó không nhã nhặn: nên trách cứ thái độ theo thời có thể có của các cộng đồng này hơn.
Bênh vực “bookporn” không có nghĩa là tán thành viễn kiến đầy ảo tưởng rằng sự không tưởng về kỹ thuật số sẽ làm đảo điên văn chương, cũng như không biết những phê phán mà ta có thể nêu ra một cách chính đáng đối với những cách thực hiện đã được các nền tảng thương mại tiêu chuẩn hóa. Hơn thế, đó là khẳng định lại ý tưởng cho rằng văn chương không phải là một lâu đài mà ta có thể làm cho suy tàn hay khôi phục, mà là một tiến trình không ngừng tự định nghĩa lại, mà sự lưu truyền bên ngoài các thành trì thiêng liêng (các hội, nhóm, viện hàn lâm, lớp học) tạo thành một điều kiện cần thiết cho sức sống của nó.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Boopkporn” sur Instagram: vers la fin de l’élitisme culturel?, The Conversation, 10.12.2020
Chú thích: [*]
Nghiên cứu sinh ngành khoa học thông tin và truyền thông tại Celsa (Trường Cao học khoa học thông tin và truyền thông), Đại học Sorbonne.