25.2.22

Miến Điện: Tại sao sự ra đi của Total và Chevron làm thay đổi cuộc chơi + Miến Điện: Sự tháo chạy tán loạn, một năm sau cuộc đảo chính + Total và Miến Điện: vấn đề chưa giải quyết xong

MIẾN ĐIỆN: TẠI SAO SỰ RA ĐI CỦA TOTAL VÀ CHEVRON LÀM THAY ĐỔI CUỘC CHƠI

Francis Christophe

Việc Total và Chevron tuyên bố rút khỏi Miến Điện vào ngày 21 tháng 1 năm 2022 là một đòn giáng mạnh vào uy tín toàn diện của chính quyền đảo chính, cả về mặt hình ảnh lẫn về mặt kinh tế thuần túy, đe dọa tiềm năng tồn tại của họ trong trung hạn. (Nguồn: Newsdelivers)

Cả ngày tháng lẫn giờ giấc đều không được lựa chọn ngẫu nhiên. Vào hôm thứ Sáu ngày 21 tháng 1, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Total, trở thành TotalEnergies vào năm 2021, và Chevron đã đồng thời thông báo rút khỏi Miến Điện, một quyết định không thể đảo ngược. Họ rút lui mà “không cần bồi thường tài chính”, theo lời lẽ trong thông cáo báo chí, khỏi mỏ khí đốt ngoài khơi Yadana (“kho báu” trong tiếng Miến Điện) – vốn có thể khai thác mà không cần đầu tư mới nhiều tiền cho đến năm 2030 – cũng như đường ống dẫn khí đốt dài 370 km, vốn xuất khẩu sản lượng khí đốt sang Thái Lan, đã được khấu hao. Cho đến ngày 21 tháng 1, kết quả các lệnh trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt lên chính quyền đảo chính Miến Điện gần như là con số không. Sự ra đi của Total và Chevron mở ra cánh cửa trừng phạt mới đối với đối tác cũ của họ, công ty MOGE (Myanma Oil & Gas Enterprise), nguồn cung cấp tài chính cho những kẻ tiến hành đảo chính.

Năm 1992, khi Total thông báo đã ký thỏa thuận thăm dò sản xuất khí đốt với chế độ độc tài quân sự thời bấy giờ, SLORC (Hội đồng quốc gia khôi phục trật tự và luật pháp) – kết quả từ một cuộc đảo chính đẫm máu – đã có sự nhất trí để giận dữ phản đối. Total và đối tác Mỹ của họ Unocal (sau này được Chevron mua lại) đã trở thành, một cách có ý thức, nguồn cung cấp tài chính bằng các loại ngoại tệ “hợp pháp”, thứ mà SLORC không có. Điều này diễn ra suốt 30 năm.

Việc rút khỏi Miến Điện đã làm thay đổi các quân bài. Máy đúc tiền đã rời khỏi phe các tướng lĩnh, nơi nó đã bị mắc kẹt trong 30 năm, và do đó sẽ nghiêng về phe dân chủ, về Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GUN), bao gồm các quan chức dân cử đã thoát khỏi sự bắt giữ [của chính quyền đảo chính], và nhiều phong trào kháng chiến vũ trang đang chiến đấu chống lại Tatmadaw, các lực lượng vũ trang trung thành với các tướng lĩnh đảo chính.

SỰ RÚT LUI KHỎI MIẾN ĐIỆN

Với việc tuyên bố rút khỏi Miến Điện, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Total, một lần nữa, đã làm thay đổi cuộc chơi, như họ đã từng làm 30 năm trước đây, khi quyết định xây dựng nhà máy tại một quốc gia đã nằm dưới gót giày của một chế độ độc tài quân sự. Chế độ độc tài quân sự này đã lên nắm quyền thông qua một cuộc tắm máu người dân thường không vũ trang vào năm 1988: 10.000 người biểu tình ôn hòa đã bị bắn hạ bằng súng máy trên đường phố Yangon.

Việc Total xây dựng nhà máy ở Miến Điện phần lớn xuất phát từ các đối thủ cạnh tranh thông thường của họ, vì những tập đoàn khổng lồ Anglo-Saxon này, không muốn dẫn đầu một dự án ở Miến Điện, vì lo ngại – đúng là như vậy – các chiến dịch tẩy chay đầy tốn kém. Một rủi ro mà Total biết có thể chấp nhận, do pháp chế của Pháp trong lĩnh vực này bảo vệ rất nhiều cho các công ty. Việc vận hành mỏ khí đốt Yadana, trong đó có cả việc lắp đặt đường ống dẫn khí đốt, “totalpipe [đường ống total]”, sẽ vẫn là một ví dụ điển hình về sự thành công kinh tế và kỹ thuật của một liên minh các tập đoàn cạnh tranh khổng lồ – trong hơn 30 năm.

Những lợi thế đối với SLORC ngay từ khi ký kết hợp đồng, tám năm trước khi xuất khẩu khối lượng khí đốt đầu tiên, là vô cùng to lớn. Đầu tiên, hàng rào vệ sinh được thành lập bởi một phần cộng đồng quốc tế – Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Úc, Canada và New Zealand – sau các vụ thảm sát năm 1988, trên thực tế đã chết. Sau đó, tính hợp pháp của nhóm các tướng lĩnh, những người đứng đầu chính quyền đảo chính, cho đến năm 1992 vốn bị coi là người bị lẩn tránh bởi các đồng cấp, từ nay đã được công nhận. Đến mức chế độ độc tài Miến Điện, vốn không hề thay đổi bất kỳ hành vi nào đối với xã hội dân sự của họ, các “dân tộc thiểu số” – chiếm 35% dân số trên 65% lãnh thổ – đã được mời gọi, rồi được kết nạp vào ASEAN.

Aung San Suu Kyi (1945-)

Cũng bị lãng quên là trò giả dối hứa hẹn “bầu cử tự do”, và được SLORC tổ chức một cách hiệu quả vào năm 1989. Không ai đặt câu hỏi về tính xác thực các kết quả bầu cử khi nó được chính thức công bố: đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), do bà Aung San Suu Kyi thành lập, sáu tháng trước cuộc bầu cử, đã giành được 80% số phiếu bầu và 90% số ghế trong quốc hội. Sau một đêm yên lặng, SLORC đã bắt giữ các đại biểu Quốc hội mới và bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng LND. Trong một thông cáo báo chí được công bố một ngày sau khi hầu hết các quan chức dân cử và các nhà điều hành đảng LND bị bắt giam, SLORC khẳng định “đã giữ lời hứa tổ chức các cuộc bầu cử tự do. Lời hứa này không hề ràng buộc SLORC phải tính đến kết quả bầu cử, dưới bất kỳ hình thức nào.”

SỰ ĐẢO LỘN VỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ TRONG KHU VỰC

Chữ ký của Total (nắm 31,24% cổ phần), nhà điều hành khai thác mỏ dầu khí Yadana, cùng với các đối tác Mỹ Unocal-Chevron (28,26%), PTTEP (25,5%), một công ty con của công ty quốc gia PTT (Petroleum Authority of Thaïland) của Thái Lan, và công ty nhà nước Miến Điện MOGE (15%), những hợp đồng tạo thành tập hợp các công ty MGTC, có trụ sở tại Bermuda, hoạt động trong lãnh vực bơm khí đốt, vận chuyển và bán khí đốt của Miến Điện, làm cho công ty Pháp trở thành kiến trúc sư chính của một sự đảo ngược lịch sử các mối quan hệ rất lâu đời và xung đột giữa Miến Điện và Thái Lan.

Ngày mà công ty quốc gia Energy Generating Authority of Thailand (EGAT), vào năm 1993, đưa ra kế hoạch xây dựng nhà máy điện siêu lớn của họ ở Ratchaburi, được dự kiến, ngay sau khi nhập khẩu khí đốt của Miến Điện, sẽ sản xuất điện cho 30 triệu cư dân của khu vực rộng lớn Bangkok, đối với Thái Lan, Miến Điện không còn là kẻ thù truyền kiếp, như đã từng là, của vương quốc Xiêm, trong nhiều thế kỷ. Trong một ngày, như thể bằng phép thuật, kẻ thù truyền kiếp, mà để chống lại mọi thủ đoạn bẩn thỉu là chuyện thường thấy, đã trở thành một đối tác lâu dài thiết yếu, theo đó nguồn sản xuất điện năng của Vương quốc Thái Lan, từ nay, phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Miến Điện.

Chỉ nội trong một ngày, nhiều nhóm du kích trong cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Tatmadaw, những người đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh ở cường độ thấp, với nguồn tiếp tế vũ khí và đạn dược được tổ chức xuyên khắp Thái Lan, đã bị cắt đứt mạch máu tiếp tế, tài khoản ngân hàng của họ bị tịch thu. Về phần lãnh đạo các phong trào du kích, những người cho đến lúc này đã phải tị nạn trong nước, thì giờ đây đã trở thành những người tị nạn có thể bị trục xuất về Miến Điện. Phong trào du kích lâu đời nhất trên thế giới, Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen (KNLA), trong cuộc đấu tranh vũ trang thường trực chống lại tất cả các chính phủ Miến Điện kể từ năm 1948, đã ám chỉ rằng họ sẽ chống lại việc lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của Total trên một lãnh thổ mà họ yêu sách đòi lại chủ quyền, giáp biên giới với Thái Lan.

Vài tháng sau, Manerplaw, căn cứ kiên cố và là thủ phủ của các phong trào du kích – cho đến lúc bấy giờ là bất khả xâm phạm – đã bị Tatmadaw tấn công, với sự hỗ trợ của các “cố vấn châu Âu” bí ẩn. Giới chức trách Thái Lan đã chiều lòng để lực lượng cố vấn này vận chuyển vũ khí và đạn dược trên lãnh thổ của mình, để dễ dàng đánh úp các tuyến phòng thủ của lực lượng du kích Karen.

MỘT CÚ TRÁI LÀM RUNG CHUYỂN CHÍNH QUYỀN ĐẢO CHÍNH

Min Aung Hlaing (1956-)

Việc Total và Chevron tuyên bố rút khỏi Miến Điện vào ngày 21 tháng 1 là một đòn giáng mạnh vào uy tín toàn diện của chính quyền đảo chính, cả về mặt hình ảnh cũng như về mặt kinh tế thuần túy, đe dọa tiềm năng tồn tại của họ trong trung hạn. Vào trước ngày kỷ niệm năm đầu tiên cuộc đảo chính, ngày 1 tháng 2 năm 2020, tướng Min Aung Hlaing và các cộng sự của ông nhìn thấy những chủ thể bảo lãnh nghiêm túc duy nhất cho họ trong lĩnh vực kinh tế phương Tây, Total và Chevron, đã rời khỏi con tàu. Một sự tháo chạy không thể bít lại. Bất cứ điều gì ngoại trừ một tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư tiềm năng vào Miến Điện, và một sự gia tốc rút vốn đối với những chủ thể đã đầu tư vào nước này, vẫn còn có thể huy động được – ngay cả khi thua lỗ.

Điều hiển nhiên là sự ra đi của các công ty nói trên đã được chuẩn bị, đàm phán từ đầu với chính quyền đảo chính. Các tướng lĩnh đã nhận được sự đảm bảo về việc tiếp tục sản xuất, và cả xuất khẩu khí đốt từ Yadana sang Thái Lan, cũng như duy trì các dòng chảy tài chính đa dạng mà hoạt động nói trên tạo ra.

CÚ RA ĐÒN TỪ CẤP CAO CỦA BỘ ĐÔI PHÁP-MỸ

Patrick Pouyanné (1963-)

Trong diễn đàn đăng vào ngày 4 tháng 4 năm 2021 trên báo Journal du Dimanche, với một tiêu đề gây tò mò “Vì sao Total ở lại Miến Điện”, Chủ tịch Tổng giám đốc tập đoàn dầu mỏ khổng lồ, Patrick Pouyanné, đã không giấu giếm thế lưỡng nan mà tập đoàn đang sa lầy. “Cuối cùng và trên hết, ngay cả khi chúng tôi quyết định ngừng sản xuất để phản đối tình hình ở Miến Điện, chúng tôi có thể đưa các bên cộng tác của chúng tôi vào một tình thế nguy kịch, đó là lao động cưỡng bức. Bởi vì khi xét đến cách làm của chính quyền đảo chính trong các lĩnh vực kinh tế khác, với tầm quan trọng sống còn của việc sản xuất khí đốt cho điện năng, chúng tôi tin rằng chính quyền đảo chính sẽ không ngần ngại sử dụng đến phương cách lao động cưỡng bức. Chúng tôi không thể lường trước những rủi ro như thế đối với các bên cộng tác người Miến Điện của chúng tôi tại địa phương, những người đã trung thành cộng tác với chúng tôi trong nhiều năm qua. Thế lưỡng nan thứ ba là vấn đề quyền con người. Hành động gây tổn hại cho người làm công hưởng lương tại chỗ của chúng tôi và cho người dân Miến Điện vốn đã phải chịu đựng rất nhiều, tôi từ chối làm như vậy.”

Vào ngày 3 tháng 5, một bài báo trên trang Asialyst, dựa trên các nguồn tin thân cận với các thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ sự ra đi của Total và Chevron, đã nhấn mạnh rằng sẽ không thể làm bất cứ điều gì nếu không có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà Trắng và Điện Élysée. Từ tháng 4 năm 2021 đến ngày 21 tháng 1, đã có một lối thoát rõ ràng được mở ra. “Lối thoát” này là kết quả hữu hình của sự hợp tác chặt chẽ giữa Washington và Paris.

Chỉ có ở cấp độ này mới có thể dàn dựng một công việc tầm cỡ như thế, đảm bảo sự kết dính giữa các Chủ tịch Tổng giám đốc của Total và Chevron, một sự hợp tác hoàn hảo của các đại sứ trong khu vực, đồng thời tạo dựng sự đáng tin cho khả năng triển khai một sự bố trí hàng không-hàng hải ngoài khơi châu thổ Irrawady, để “tạo điều kiện”, trong trường hợp có “sự cố”, di chuyển ra khỏi địa điểm thù địch những người xa xứ bị mắc kẹt trên lãnh thổ Miến Điện, phần lớn là người Pháp và Mỹ.

Tướng Minh Aung Hlaing, người chủ trì cuộc duyệt binh của Hải quân Myanmar, vào ngày 10 tháng 10, được đặc biệt chú ý bởi cảnh một phi đội trực thăng Airbus Panther bay qua (mặc dù bị cấm vận nghiêm ngặt trong nhiều thập kỷ) ở vị thế tốt để biết rằng bờ biển Miến Điện chỉ cách vài ngày di chuyển đến Diego Garcia, căn cứ không quân khổng lồ của hải quân Mỹ.

Về phần Hải quân Pháp, họ vẫn có nhiều đơn vị hải quân thường xuyên di chuyển ở Ấn Độ Dương, giữa các căn cứ ở Djibouti, Emirates, Réunion và Mayotte, với các chuyến thăm xã giao từ Chittagong đến Singapore, qua các cảng của Malaysia và Indonesia.

Giới thiệu tác giả

Francis Christophe

Francis Christophe

Francis Christophe, cựu nhà báo của hãng thông tấn AFP và trang mạng tin tức Bakchich, cựu điều tra viên của Observatoire Géopolitique des Drogues [Tổ chức giám sát ma túy địa chính trị] của trang Bakchich, là một nhà báo tự do. Là tác giả cuốn “Birmanie, la dictature du Pavot [Miến Điện, chế độ độc tài cây anh túc]” (Picquier, 1998), ông đã nghiên cứu một cách đam mê các “lỗ đen về thông tin”. Từ năm 1962 đến năm 1988, Miến Điện là quốc gia đáp ứng đúng nhất định nghĩa nói trên. Không có thông tin nào lọt ra ngoài từ chế độ độc tài quân sự tự cung tự cấp, cổ xưa này, gây chiến với các dân tộc thiểu số của họ, đơn độc tuyên bố con đường của Miến Điện tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Birmanie: pourquoi le départ de Total et Chevron change la donne, Asialyst, ngày 25/01/2022.

 

* * *

 

MIẾN ĐIỆN: SỰ THÁO CHẠY TÁN LOẠN, MỘT NĂM SAU CUỘC ĐẢO CHÍNH

Francis Christophe

Một người bán hàng ở Yangon đang đếm tiền giấy khyats, đơn vị tiền tệ của Miến Điện, vào tháng 3 năm 2020. (Nguồn: Asia Times)

Vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, nhóm quân sự đảo chính đã lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, ba tháng sau một đợt sóng thần bầu cử mới. Một năm sau, đất nước chìm trong bạo lực cùng với một nền kinh tế suy sụp vô tận. Các tập đoàn dầu hoả khổng lồ Total và Chevron, những cổ đông đa số và là nhà điều hành mỏ khí đốt chính Yadana của Miến Điện, đã phối hợp một cách tỉ mỉ để đưa ra đồng thời thông báo không thể thay đổi về sự ra đi của họ vào ngày 21 tháng 1. Tín hiệu về một tháo chạy tán loạn, trong số ít những người xa xứ phương Tây vẫn còn hiện diện, và trong giới kinh tế Miến Điện.

Tiếp sau sự ra đi của bộ đôi công ty dầu khí Pháp-Mỹ là sự ra đi của nhà sản xuất khí đốt đứng hàng thứ 8 thế giới, công ty Woodside của Úc, trong một thông cáo báo chí được phát đi vào hôm thứ Năm, 27 tháng 1, tuyên bố rời khỏi Miến Điện ngay lập tức, khi giả định thua lỗ 360 triệu US$ tiền đầu tư vào nước này.

Kể từ một năm qua, nhiều nhà kinh tế quốc tế đã lường trước sự suy sụp của nền kinh tế và xã hội Miến Điện, một hệ lụy trực tiếp từ tình trạng thiếu năng lực và khát máu của chính quyền đảo chính, dưới sự lãnh đạo của tướng Minh Aung Hlaing.

MỘT CHÍNH QUYỀN ĐẢO CHÍNH KHÁT MÁU VÀ THIẾU NĂNG LỰC

Vào ngày 27 tháng 3 năm 2021, “Ngày Quân đội”, một ngày lễ quốc gia ở Miến Điện, ngang tầm với Ngày 14 tháng 7 ở Pháp, tướng Minh Aung Hlaing đã công khai ra lệnh cho các lực lượng vũ trang “bắn hạ” những người biểu tình ôn hòa ở các thành phố và làng mạc của Miến Điện.

Các tay súng bắn tỉa, mặc quân phục hoặc không, đã phục kích trên nóc các tòa nhà ở Rangoon và Mandalay, đã không đợi đến ngày 27 tháng 3 để bắn hạ những kẻ được cho là lãnh đạo các cuộc biểu tình thù địch với cuộc đảo chính bằng súng bắn tỉa. Các vụ giết người có mục tiêu – hoặc không có mục tiêu – đã bắt đầu ngay từ các cuộc biểu tình đầu tiên, trong tuần lễ diễn ra cuộc đảo chính.

TÌNH TRẠNG BẤT TUÂN DÂN SỰ VÀ KHÁNG CHIẾN VŨ TRANG ĐÃ LÀM TÊ LIỆT ĐẤT NƯỚC TỪ MỘT NĂM QUA

Dù quân đội sử dụng những biện pháp bạo lực nào để buộc các công nhân đường sắt, công chức, nhân viên thu thuế, kỹ thuật viên sản xuất và phân phối điện trở lại làm việc, thì Miến Điện vẫn không còn hoạt động bình thường nữa. Ví dụ có tính điển hình là việc một quan chức cấp cao từ chối phục vụ chính quyền đảo chính. Một người bạn cũ đến thăm người bạn mới vừa được thăng chức lãnh đạo tại Ngân hàng Nhà nước Myanmar, vào tháng 6 năm 2021, tại thủ đô Naypidaw. Khi được khách hỏi về phản ứng của ông đối với chiến dịch bất tuân dân sự, vốn cũng đang làm tê liệt ngành ngân hàng, vị giám đốc mới đã trả lời: “Với chúng tôi [Ngân hàng Nhà nước Myanmar], câu hỏi đã được giải quyết kể từ hôm qua. Tôi đã gửi một thông tư cho tất cả nhân viên, trên toàn lãnh thổ, ra lệnh họ mở cửa lại tất cả các chi nhánh ngân hàng.” “Hãy cùng đi một vòng thành phố trên xe đang chờ chúng ta”, vị khách nói tiếp. Sau khi đi ngang qua hai chi nhánh ngân hàng, bị chặn hoàn toàn bằng chướng ngại vật, vị tân giám đốc Ngân hàng Nhà nước Myanmar quay trở lại văn phòng, ký đơn từ chức và rời khỏi đất nước.

Cùng tham gia cuộc kháng chiến thụ động và lan rộng này là lực lượng PDF (People Defence Forces), Lực lượng Phòng vệ Nhân dân. Ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, người dân đang tự tổ chức để thoát khỏi bàn tay sắt của chế độ độc tài. Ban đầu, lực lượng PDF được trang bị những vũ khí hỗn tạp và kỹ năng quân sự hạn chế. Khi cuộc nội chiến leo thang, các đơn vị PDF nhận được sự tiếp viện từ binh lính, và thậm chí cả các sĩ quan đào ngũ. Các nhóm vũ trang này đôi khi thực hiện các cuộc đột kích ngoạn mục, chẳng hạn như vào tháng 11 năm 2021, đã tiến hành vụ trộm 300 triệu khyats (đơn vị tiền tệ của Miến Điện) ngay giữa ban ngày, tại một chi nhánh ngân hàng lớn ở trung tâm thủ đô kinh tế Yangon.

Trong lĩnh vực viễn thông mang tính chiến lược cao – và thường mang lại lợi nhuận cao – nhà khai thác viễn thông chính của Miến Điện, Myanmartel (liên doanh giữa quân đội Miến Điện và quân đội Việt Nam) không còn tính đến các hành vi phá hoại làm gián đoạn dịch vụ của hãng trên toàn bộ các khu vực của đất nước. Đã có hơn một trăm tháp phát sóng bị phá hủy trong sáu tháng qua. Việc khôi phục lại hoạt động của các tháp phát sóng đó đã không diễn ra một cách nhanh chóng, cũng như không đáp ứng được mức độ đáng tin, do các cuộc phục kích của lực lượng PDF.

DANH SÁCH CÁC CÔNG TY RA ĐI NGÀY CÀNG NHIỀU

Cho đến cuối năm 2021, chỉ có vài tập đoàn lớn tuyên bố rời khỏi Miến Điện: nhà khai thác viễn thông Na Uy Telenor là một trong số ít đó, vào tháng 7 năm ngoái, đã chọn phương cách bán công ty con có khả năng sinh lợi rất cao tại địa phương, với 18 triệu thuê bao, cho một công ty bị nghi ngờ có liên kết với chính quyền đảo chính, công ty tài chính Lebanon M1 Group. Tuy nhiên, thương vụ vẫn chưa hoàn tất. Vào giữa tháng 1, tập đoàn cũng đã công bố ý định tách khỏi các hoạt động thanh toán di động, Wave Money, mà họ sẽ bán cho đồng cổ đông Singapore là công ty Yoma MFS Holdings.

Đối với công ty thuốc lá BAT của Anh, họ đã rời khỏi Miến Điện vào tháng 10 năm ngoái, sau khi “đánh giá khả năng hoạt động và thương mại trong dài hạn” của công ty tại nước này. Trước cuộc đảo chính, công ty thuốc lá khổng lồ đã tạo công ăn việc làm, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, cho hơn 100.000 người trong nước.

Trong số những công ty tạm dừng hoạt động có công ty năng lượng EDF. Nếu tập đoàn của Pháp vẫn còn tham gia vào dự án đập thủy điện Shweli-3, thì khoản đầu tư trị giá 1,5 tỷ US$ đã bị đình chỉ trong nhiều tháng qua. Hiện tại, trong khi tập hợp các công ty được thành lập với công ty Marubeni của Nhật Bản và Ayeyar Hinthar của Miến Điện chưa được đặt lại vấn đề, EDF cho biết “họ sẵn sàng xem xét lại cam kết của họ”, theo lời của tập đoàn vào hồi tuần trước. Người ta cũng nhận thấy sự gián đoạn hoạt động tương tự trong các dự án của Toyota. Chưa hiện diện tại Miến Điện, nhưng không giống như đối thủ cạnh tranh Suzuki, nhà thầu xây dựng của Nhật Bản phải khánh thành nhà máy đầu tiên ở Miến Điện vào đầu năm 2021 – một lễ khánh thành bị đình chỉ do cuộc đảo chính.

Trong lĩnh vực may mặc, mà Miến Điện là một nhà sản xuất lớn, các tập đoàn Benetton của Ý và H&M của Thụy Điển đã đình chỉ tất cả các đơn đặt hàng mới từ nước này kể từ nhiều tháng trước. Công ty Benetton đã xác nhận với hãng tin AFP rằng công ty vẫn duy trì quyết định nói trên. Công ty H&M thì từ chối bình luận về hoạt động của họ tại Myanmar. Về phần công ty Accor, vốn đang điều hành chín khách sạn mới ở Miến Điện, hồi tuần trước, tập đoàn khách sạn của Pháp cho biết đã “chọn phương cách tiếp tục hiện diện ở nước này và duy trì sự hỗ trợ cho 1.000 người cộng tác tại chỗ của họ và cho các cộng đồng gần gũi với các khách sạn của tập đoàn”.

Về phần nhà sản xuất bia Kirin của Nhật Bản, kể từ nhiều nhiều tháng qua, đã tìm cách chấm dứt các mối quan hệ kinh doanh với quân đội Miến Điện, đối tác cùng họ đang điều hành hai nhà máy bia tại địa phương, cáo buộc những hành động “đi ngược” với các nguyên tắc của họ trong vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đang trong tình thế bế tắc, khiến tập đoàn phải khởi động thủ tục trọng tài thương mại tại Singapore vào tháng 12. Trong cùng lĩnh vực này, công ty Dane Carlsberg, sử dụng khoảng 450 người làm công hưởng lương tại chỗ, đã “giảm sản lượng”, trong bối cảnh mức tiêu dùng địa phương giảm, và chưa có kế hoạch rút lui.

ĐỒNG ĐÔ-LA RƠI TỰ DO TRÊN THỊ TRƯỜNG ĐEN

Tình trạng bất ổn của nền kinh tế Miến Điện đáng lẽ có thể là nguyên nhân gây ra sự bùng nổ thị trường chợ đen của đồng đô la. Những người nắm giữ đồng Khyat đang tranh nhau mọi khả năng nắm giữ một tài sản ổn định, đồng nội tệ đã mất 50% giá trị kể từ cuộc đảo chính. Theo các nguồn tin ở Miến Điện của trang Asialyst, giá hối đoái 1.770 kyats đổi 1 US$ (trên thị trường chợ đen) đã hầu như không thay đổi kể từ khi có thông báo rút lui của Total và Chevron.

Cũng theo các nguồn tin nói trên, sự ổn định biểu kiến này của đồng khyat là do thực tế gần như không còn thanh khoản – bằng đồng khyat, không hơn gì đối với đồng đô la. Từ thực tế này, thị trường, khi không còn thanh khoản, sẽ không có bất cứ dấu hiệu đáng tin nào về giá trị thực của đồng khyat. Tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng càng hạn chế số lượng và khối lượng các giao dịch “chui”, vốn mang tính nhiều rủi ro hơn với số lượng ngày càng tăng những kẻ tống tiền – có và không có mặc đồng phục – đang lưu thông trong các thị trấn của Miến Điện.

NỀN KINH TẾ MYANMAR SẼ CÒN LẠI GÌ SAU SỰ RA ĐI CỦA CÁC CÔNG TY DẦU HỎA?

Sự ra đi của các đầu tàu hùng mạnh Total và Chevron, cùng với Woodside của Úc dẫn đầu đoàn tàu hạng nặng ra đi, sẽ không để lại chỗ cho các nhà đầu tư mới hám lợi nhanh bằng cách xé lẻ, giống như loài kền kền, những mảnh vụn còn có thể kiếm tiền của nền kinh tế Miến Điện. Điều kiện [ngày nay] đã không còn cho phép điều đó xảy ra.

Chỉ có Trung Quốc là không có sự lựa chọn. Dù phải trả giá như thế nào, họ cũng không thể từ bỏ khoản đầu tư khổng lồ của họ, đường ống đôi, đường ống dẫn khí đốt và đường ống dẫn dầu, cùng các trạm bơm dầu khí của họ, xuyên qua 700 km lãnh thổ Miến Điện, nối liền Ấn Độ Dương, ven biển, với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Khoản đầu tư chiến lược này, được cho là sẽ đi vào hoạt động từ 4 năm qua, đã rút ngắn 5.000 km hải trình của các tàu chở dầu Trung Quốc xuất phát từ Iran và Saudi Arabia, tránh đi qua eo biển Malacca và quần đảo Sunda. Một nút thắt cổ chai nghiêm trọng vào thời điểm căng thẳng quốc tế tăng cao.

Giới thiệu tác giả

Francis Christophe

Francis Christophe, cựu nhà báo của hãng thông tấn AFP và trang mạng tin tức Bakchich, cựu điều tra viên của Observatoire Géopolitique des Drogues [Tổ chức giám sát ma túy địa chính trị] của trang Bakchich, là một nhà báo tự do. Là tác giả cuốn “Birmanie, la dictature du Pavot [Miến Điện, chế độ độc tài cây anh túc]” (Picquier, 1998), ông đã nghiên cứu một cách say đắm các “lỗ đen về thông tin”. Từ năm 1962 đến năm 1988, Miến Điện là quốc gia đáp ứng đúng nhất định nghĩa nói trên. Không có thông tin nào lọt ra ngoài từ chế độ độc tài quân sự tự cung tự cấp, cổ xưa này, gây chiến với các dân tộc thiểu số của họ, đơn độc tuyên bố con đường của Miến Điện tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Birmanie: sauve-qui-peut général, un an après le coup d'État, Asialyst, ngày 29/01/2022.

 

* * *

 

TOTAL VÀ MIẾN ĐIỆN: VẤN ĐỀ CHƯA GIẢI QUYẾT XONG

Frédéric Debomy

Total đã triển khai một hệ thống cho phép chuyển một phần lợi nhuận, đáng lẽ thuộc về nhà nước Miến Điện, cho công ty dầu khí Miến Điện MOGE (Myanmar Oil and Gas Enterprise), do giới quân đội kiểm soát. (Nguồn: Jakarta Post)

Bất chấp những tranh cãi, tập đoàn khổng lồ dầu mỏ Pháp đã không cắt đứt tất cả các kênh tài trợ của họ cho chính quyền quân sự ở Miến Điện, vốn đã trở lại nắm quyền qua cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2. Nguồn tài trợ này tồn tại thông qua một sự dàn xếp phức tạp xoay quanh mỏ khí đốt Yadana. Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới quân đội đang không ngừng đàn áp dã man phe đối lập và những người biểu tình chống đảo chính. Nhưng các lệnh trừng phạt đó không liên quan đến khí đốt. Tuy nhiên, Frédéric Debomy nhắc lại trên diễn đàn này, điều cấp thiết là cắt đứt nguồn thu đáng kể nhất của quân đội Miến Điện.

Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 đã làm sống lại cơ năng trừng phạt của phương Tây nhằm làm suy yếu quân đội Miến Điện. Tatmadaw (Lực lượng Vũ trang Miến Điện – ND), vốn nắm quyền kể từ năm 1962, trong những năm gần đây đã dành cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi một không gian chính trị tăng dần và đảng NLD đã thắng hết cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác, trước sự bất mãn của giới tướng lĩnh, từ đó Tatmadaw đã quyết định nắm quyền trở lại hoàn toàn đất nước. Ngành công nghiệp hydrocacbon đã được đề cập đến, giống như trong quá khứ, như một ngành then chốt của nền kinh tế Miến Điện và, nói một cách chính xác hơn, là nguồn tài trợ, trực tiếp và gián tiếp, cho một quân đội đã rất hiện diện trong nền kinh tế của đất nước. Tập đoàn khổng lồ dầu khí Total của Pháp, một lần nữa, đã nhìn thấy đèn chiếu hướng vào họ.

CUỘC TRANH CÃI TIẾP DIỄN

Total đã đầu tư vào Miến Điện sau các sự kiện năm 1988 và 1990: cuộc đàn áp phong trào dân chủ năm 1988 và việc Tatmadaw không công nhận kết quả các cuộc bầu cử đầu tiên mà đảng NLD đã giành thắng lợi. Một khoảnh khắc không được coi là đúng lúc bởi những người nghĩ rằng cần phải tước đi doanh thu của chế độ độc tài. Lúc bấy giờ người ta không biết rằng Total đã triển khai một hệ thống cho phép chuyển một phần lợi nhuận, đáng lẽ thuộc về nhà nước Miến Điện, cho công ty dầu khí Miến Điện MOGE (Myanmar Oil and Gas Enterprise), do giới quân đội kiểm soát. “Theo một nguồn tin cấp cao trong ngành dầu khí ở Miến Điện,” như tờ Le Monde hôm nay đã đưa tin, sự dàn xếp này không áp được đối với công ty Pháp để họ có thể hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước: nhưng đó là sáng kiến ​​của công ty này. Để biện minh cho hoạt động đầu tư của mình, Total sau đó đã viện dẫn những phẩm chất chính trị về cam kết kinh tế.

Sau đó là vấn đề lao động cưỡng bức tại công trường sản xuất đường ống [vận chuyển khí đốt]. Total, lúc đầu, không công nhận các sự kiện, nhưng sau đó lại giải thích rằng nếu thực sự có lao động cưỡng bức, thì đó là trách nhiệm của quân đội Miến Điện, phụ trách vấn đề an ninh tại công trường và công ty không hề mong muốn điều đó. Công ty muốn bồi thường cho nông dân, những người đã kiện công ty vì “tội giam giữ” họ và phân bổ nguồn vốn cho nhiều dự án xã hội khác nhau, hơn là để toà xét xử vụ kiện.

Tổ chức phi chính phủ Earth Rights International, nguyên gốc của nhiều báo cáo về vấn đề nói trên[1], đã ghi nhận những nỗ lực sau đó của Total về vấn đề lao động cưỡng bức. Chỉ còn lại vấn đề nguồn tài trợ cho Tatmadaw, thông qua công ty MOGE. Sau ngày 1 tháng 2, ban đầu công ty gần như im hơi lặng tiếng, sau đó, Tổng giám đốc Patrick Pouyanné của Total đã phát biểu trên tờ Journal du Dimanche [JDD]: “Liệu có nên ngừng nộp thuế và phí cho Nhà nước Miến Điện hay không? Trước hết, cần phải biết rằng việc không nộp thuế và phí là một trọng tội theo luật pháp sở tại và nếu chúng tôi đã không làm điều đó, ví dụ như bằng cách chuyển 4 triệu US$ thuế và phí hàng tháng vào một tài khoản ký quỹ như đã được dự tính, thì chúng tôi sẽ khiến những người phụ trách công ty con của Total có nguy cơ bị bắt bớ và bỏ tù.” Pouyanné, do đó, đã đề xuất chuyển cho các hiệp hội đang hoạt động ở Miến Điện trong lĩnh vực nhân quyền số tiền tương đương với số tiền thuế phải trả hàng tháng cho nhà nước Miến Điện.

Tuy nhiên, thiện ý của Tổng giám đốc Total đã bị hủy hoại bởi một cuộc điều tra của tờ Le Monde, dẫn đến việc tờ báo này mất đi một hợp đồng quảng cáo quan trọng với công ty dầu khí, theo tờ LiberationNhững kết quả [tài chính] thường niên mới nhất do Total công bố vào năm 2020 cho thấy số tiền mà tập đoàn khổng lồ dầu khí Pháp đã trả cho Bộ Tài chính Miến Điện thấp hơn 3-4 lần so với số tiền được phân phối cho công ty đồng cổ đông MOGE của họ, theo tường trình của tờ nhật báo buổi tối. Kết quả: khoản lợi nhuận khổng lồ từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khí đốt không còn đi qua kho bạc nhà nước Miến Điện nữa, mà đã bị một công ty nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của quân đội thu giữ hàng loạt.”

NHÂN VIÊN NGƯỜI MIẾN ĐIỆN Ở TOTAL LÊN TIẾNG

Ngay cả trước khi tờ Le Monde công bố kết quả cuộc điều tra, các nhân viên người Miến Điện của Total đã phản ứng lại với các tuyên bố của Pouyanné. Ví dụ, một kỹ sư đã cho rằng công ty Pháp vẫn tiếp tục tài trợ cho công ty MOGE – theo tờ JDD, Pouyanné, khi chỉ đề cập đến các khoản thuế và phí trả cho Nhà nước Miến Điện, đã chỉ rõ rằng Total đã không hề thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào kể từ đầu tháng Hai, “đơn giản bởi vì hệ thống ngân hàng Miến Điện đã không còn [hoạt động]”. Cng thêm các mâu thuẫn khác, chẳng hạn vấn đề ngừng triển khai một dự án khác sau khi phát hiện khí đốt, mà Tổng giám đốc Total đã biện minh khi cân nhắc đến tình hình chính trị. Một nhân viên của Total nhắc lại rằng nhà điều hành dự án đó là công ty dầu khí Woodside của Úc và sáng kiến ​​dừng triển khai dự án thuộc về Woodside chứ không phải Total.

Vào giữa tháng 3, lời kêu gọi tạm dừng các khoản thanh toán nói trên cho đến khi khôi phục một chính phủ được bầu của hàng chục nhân viên của công ty Pháp đã không được lắng nghe. “Giới điều hành Total đã từ chối xem xét những yêu cầu được đưa ra trong bản kiến ​​nghị và đã yêu cầu nhân viên tiếp tục làm việc và không chỉ trích các chính sách của công ty”, theo lời của nhà báo Nay Paing, dẫn lại những phát ngôn đã được gửi đến ông ta.

Đối với những người lao động muốn ngừng tài trợ cho SAC (Hội đồng Quản lý Nhà nước Miến Điện)[2], có một khả năng khác là ngăn chặn việc tiếp tục các hoạt động xuất khẩu khí đốt. Bên cạnh những vấn đề mà điều này đặt ra về hậu quả đối với người dân Miến Điện và Thái Lan (khí đốt được sản xuất từ dự án Yadana giúp cung cấp điện cho họ), đó là việc phải đối mặt với sự trả đũa của quân đội Miến Điện: “Đôi khi, các tàu chiến của Hải quân Miến Điện lảng vảng xung quanh giàn khoan của chúng tôi”, theo lời của một nhân viên.

Lập luận về việc đảm bảo an toàn cho người lao động, được Pouyanné nêu ra, vì vậy không có vẻ là không có cơ sở, nhưng được đem ra bàn luận: “Ngược lại, các vụ bắt bớ trong nước đã tăng lên gấp bội lần kể từ sau cuộc đảo chính, và người lao động chưa bao giờ phải đứng trước nguy cơ bị chết hoặc bị bắt khi đi làm.” “Chúng tôi hy vọng Total sẽ ngừng tài trợ cho chính quyền quân sự, nhưng không hề có giải pháp nào đơn giản cả”, nhân chứng này nói thêm.

Tuy nhiên, sự nhân từ được cho là của công ty đối với nhân viên vẫn còn nhiều nghi vấn. Theo trang mạng Myanmar Now, một nhân viên vốn không thể làm việc được do cuộc đàn áp ở Yangon đã yêu cầu được nghỉ phép không lương, nhưng anh ta đã bị từ chối và đã bị buộc phải viết đơn thôi việc thay vì đơn nghỉ phép. Những lời chứng được tờ Le Monde thu thập cũng theo hướng tương tự: “Họ nói với chúng tôi rằng nếu tham gia cuộc biểu tình, chúng tôi sẽ phải trả giá, mà không cho biết thêm chi tiết”, theo lời một người lao động: “Chúng tôi đã nhanh chóng hiểu rằng việc nghỉ phép không lương sẽ bị từ chối và chúng tôi sẽ phải thôi việc.” Một người khác tố cáo cấp trên của mình đã “đe dọa”: “Ông ta nói với chúng tôi rằng nếu tham gia phong trào bất tuân dân sự, thì chúng tôi sẽ bị binh lính bắt giữ tại sân bay khi trở về [đất liền] bằng trực thăng.”

TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGUỒN THU KHÍ ĐỐT ĐỐI VỚI GIỚI QUÂN SỰ

Htwe Htwe Thein

Vấn đề nguồn thu từ khí đốt vẫn quan trọng, khí đốt thiên nhiên vốn là mặt hàng xuất khẩu đứng hàng thứ hai của Miến Điện, sau các mặt hàng chế biến. Đây là lý do vì sao Ủy ban Đại diện Quốc hội (CRPH, Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw), được các nghị sĩ thoát khỏi các cuộc bắt bớ thành lập sau cuộc đảo chính, đã viết một lá thư đề ngày 5 tháng 3 cho Total, nhà điều hành dự án khí đốt sinh lợi nhất, cũng như cho các đối tác của Total, công ty Chevron của Mỹ (vốn đã tiến hành một cuộc vận động hành lang quyết liệt chống lại khả năng áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào công ty MOGE) và công ty PTTEP thăm dò khai thác dầu khí nhà nước của Thái Lan. Các công ty dầu khí Posco của Hàn Quốc và Petronas của Malaysia, phụ trách các dự án khí đốt khác, cũng nhận được một lá thư tương tự, yêu cầu họ không tài trợ cho những người mà dân chúng Miến Điện giờ đây coi là “khủng bố”. Đối với bà Htwe Htwe Thein, giáo sư kinh tế, sinh ra ở Miến Điện, việc Total không hồi đáp phản ánh “một sự khinh thường đối với các nghị sĩ được bầu một cách hợp pháp và dân chủ.”[3] Dẫn lại lập luận của Pouyanné mà theo đó việc không nộp thuế và phí là “một trọng tội theo pháp luật nước sở tại”, bà lưu ý công thức này ngụ ý “rằng quân đội có quyền hợp pháp để cai trị đất nước, thu thuế các công ty, và theo một cách nào đó, chế độ áp dng các quy tắc pháp quyền”. Điều này được hiểu là “ngầm thừa nhận tính hợp pháp của chế độ quân sự và [phủ nhận] ý chí dân chủ của người dân Miến Điện.”

Do đó, vấn đề không hề đơn giản, trong đó có những nguy cơ mà nhân viên, những thiệt hại mà người dân Miến Điện và Thái Lan có thể phải gánh chịu (trong trường hợp gián đoạn các hoạt động xuất khẩu dầu khí và sau đó sẽ là cúp điện) và sự cần thiết phải tước bỏ nguồn thu của SAC từ khí đốt, mà theo đặc phái viên của LHQ về nhân quyền ở Miến Điện, Tom Andrews, lên tới gần 1 tỷ US$ doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, thiện chí của Total có vẻ như không rõ ràng. Công ty MOGE, mà bà Aung San Suu Kyi đã nỗ lực cải cách, theo các nhà báo của tờ Le Monde, vẫn là “hộp đen” của Tatmadaw nhờ một hệ thống trốn thuế do công ty Pháp phát triển theo hướng có lợi cho công ty cũng như cho quân đội Miến Điện.

MỘT QUYẾT ĐỊNH CHƯA ĐỦ SỨC THUYẾT PHỤC

Khéo léo về mặt truyền thông, hai ngày trước đại hội đồng cổ đông, Total đã công bố một quyết định đã được đưa ra trước đó hai tuần: công ty sẽ tạm dừng các khoản thanh toán cho các cổ đông của Moattama Gas Transportation Company (MGTC), công ty phụ trách việc vận tải khí đốt từ mỏ ngoài khơi Yadana đến Thái Lan. Điều này có nghĩa là tước đi một phần thu nhập của công ty MOGE. Tuy nhiên, John Sifton, thuộc tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch [Tổ chức Giám sát Nhân quyền], đã lưu ý rằng bản thân biện pháp này “không đáng kể xét từ quan điểm kinh tế” và do đó sẽ “không dẫn đến bất cứ hành vi thay đổi nào từ chính quyền quân sự”. Thuế và nguồn thu từ sản xuất khí đốt không bị ảnh hưởng.

Nhiều tháng đã trôi qua, thật khủng khiếp đối với người dân Miến Điện khi phải đối mặt với sự đàn áp, sự sụp đổ của nền kinh tế và việc không có chính sách phòng chống đại dịch Covid-19, mà vẫn không hề xảy ra bất cứ điều gì mới liên quan đến hồ sơ này. Các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu thông qua đã bỏ qua, vào thời điểm này, ngành công nghiệp khí đốt. Do đó, không có gì quá đáng khi nhắc nhở công ty và Nhà nước Pháp rằng nguồn đóng góp tài chính của ngành công nghiệp hydrocacbon cho một thế lực bất hợp pháp chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 1.000 người[4], trong những tháng vừa qua, vẫn là một vấn đề cần được giải quyết. Trong một thông cáo báo chí, Total khẳng định sẽ tôn trọng bất kỳ quyết định khả dĩ nào của các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia liên quan, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt hiện hành do chính quyền châu Âu và Mỹ áp đặt. Công ty, có lẽ, hy vọng cuộc tranh cãi liên quan đến hoạt động đầu tư của họ vào Myanmar đã qua rồi. Tuy thế, điều đó còn tùy thuộc vào các tác nhân tư nhân – Total, Chevron, Posco, Petronas, v.v. – lẫn các tác nhân công – ở đây chúng tôi đang nghĩ đến Nhà nước Pháp – để tiếp tục suy nghĩ về các biện pháp tước bỏ nguồn thu cho công ty MOGE, và do đó cho quân đội Miến Điện.[5]

Frédéric Debomy (1975-)

Tác giả Frédéric Debomy

Frédéric Debomy

Sinh năm 1975 ở vùng Paris, Frédéric Debomy từng là điều phối viên và sau đó là chủ tịch hiệp hội Info Birmanie. Ông cũng đã nghiên cứu về tội ác diệt chủng của người Tutsi ở Rwanda và phụ trách lập trình cho Liên hoan phim Quốc tế về Nhân quyền ở Paris. Là người viết kịch và soạn kịch bản truyện tranh, ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Miến Điện.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Total et la Birmanie: une question non résolue, Asialyst, ngày 27/08/2021.

----

Những bài có liên quan:

Đảo chính ở Miến Điện: Cuộc phản kháng khi đối mặt với bóng ma năm 1988

Tập đoàn dầu khí Total ở Miến Điện: sự lung lay của điều kiêng kỵ

Quân đội Miến Điện, một đội quân khổng lồ rạn nứt

Miến Điện: nhóm đảo chính được giới tướng lãnh Thái Lan hậu thuẫn một cách kiên định




Chú thích:

[1] Người đồng sáng lập và đồng giám đốc Ka Hsaw Wa đã viết, vào năm 2003, trong một cuốn sách do chúng tôi chủ biên (tái bản với tựa đề Birmanie, de la dictature à la démocratie [Miến Điện, từ chế độ độc tài đến dân chủ], NXB Cambourakis năm 2014): “Những người tôi đã phỏng vấn [trong vùng có đường ống dẫn khí đốt] đã cho biết về việc di dời toàn bộ dân cư của các làng mạc; họ nói đến những vụ hãm hiếp, tra tấn và thậm chí giết người. […] Và lý do duy nhất lý giải sự hiện diện của quân đội trong khu vực là mối bận tâm đảm bảo tình hình an ninh cho các công ty dầu khí Total và Unocal [Chevron].”

[2] tên chính thức của chính quyền quân sự sau ngày diễn ra cuộc đảo chỉnh ngày 1 tháng Hai.

[3] Hơn 400 tổ chức xã hội dân sự Miến Điện cũng đã kêu gọi Total ngừng tài trợ cho SAC.

[4] Ở đây, chúng tôi dựa vào sự phân tích của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP, Association for Assistance to Political Prisoners), tuy nhiên, tổ chức này chỉ thống kê những nạn nhân trực tiếp của cuộc đàn áp mà họ biết được. Kể từ ngày 1 tháng 2, đã có 1.016 người bị giết và 7.556 người bị bắt, trong đó có 5.937 người vẫn đang bị giam giữ.

[5] Chúng tôi chia sẻ với tổ chức Human Rights Watch [Tổ chức Giám sát Nhân quyền] ý tưởng cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào, chưa chắc giới đảo chính sẽ muốn chấm dứt hoạt động sản xuất khí đốt để cung cấp cho Trung Quốc và Thái Lan: điều đó sẽ khiến các nước láng giềng tức giận. Đó chắc chắn là một đòn bẩy mà chúng ta có thể tận dụng. Ngoài ra, quyết định của một trong các công ty dầu khí có mặt ở Miến Điện không thể nào không gây hậu quả lên quyết định của các công ty khác.

Print Friendly and PDF