28.2.22

Chiến tranh ở Ukraine: Tại Liên hợp quốc, một đại biểu Nga đưa ra lời xin lỗi + Chiến tranh ở Ukraine: Liệu Putin có thể trông chờ vào sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc? + Mriya, chiếc máy bay lớn nhất và niềm tự hào của Ukraine bị Nga phá huỷ

CHIẾN TRANH Ở UKRAINE: TẠI LIÊN HỢP QUỐC, MỘT ĐẠI BIỂU NGA ĐƯA RA LỜI XIN LỖI

Oleg Anisimov nói rằng ông không thể biện minh cho việc xâm lược Ukraine và tuyên bố ngưỡng mộ phái đoàn Ukraine, đang tham gia một cuộc họp về khí hậu.

The HuffPost thực hiện cùng với AFP

Ảnh: PRESS SERVICE UKRAINIAN NAVAL FORCES / HANDOUT / REUTERS

Sau cuộc xâm lược Ukraine, một đại diện cấp cao của Nga tại LHQ đã đưa ra lời xin lỗi các đồng nghiệp quốc tế (ảnh minh họa chụp tại Ukraine ngày 18/2).

CUỘC KHỦNG HOẢNG UKRAINE - Một cử chỉ mạnh mẽ hiếm có. Hôm Chủ nhật này, ngày 27 tháng 2, trưởng phái đoàn Nga, đang tham dự một cuộc họp quan trọng về khí hậu của Liên hợp quốc, đã đưa ra lời xin lỗi cá nhân về cuộc xâm lược Ukraine, gọi đó là hành động vô cớ, theo nhiều nguồn tin nghe được lời phát biểu của ông tại hội nghị trực tuyến qua truyền hình đằng sau những cánh cửa đóng, quy tụ 195 nước.

Sự can thiệp bất ngờ này của Oleg Anisimov tiếp sau tuyên bố nảy lửa của người đồng cấp Ukraine, Svitlana Krakovska, về tình hình đất nước của bà.

“Nhân danh tất cả người Nga, cho phép tôi đưa ra lời xin lỗi vì đã không thể ngăn được cuộc xung đột này,” Oleg Anisimov đã nói bằng tiếng Nga tại phiên họp toàn thể bế mạc các cuộc đàm phán, theo ba nguồn tin riêng tường thuật cho hãng AFP, vốn đã nghe được bản dịch chính thức bằng tiếng Anh của LHQ về lời phát biểu của Oleg Anisimov.

Chiến tranh và biến đổi khí hậu có cùng một cội nguồn

Oleg Anisimov
Svitlana Krakovska

“Những ai đã thấy những gì đang xảy ra đều không thể tìm ra lời biện minh cho cuộc tấn công này nhắm vào Ukraine,” Oleg Anisimov nói thêm, bày tỏ “sự ngưỡng mộ to lớn” đối với phái đoàn Ukraine, cũng theo các nguồn tin nói trên. AFP không tiếp cận được bài phát biểu của Oleg Anisimov bằng tiếng Nga.

Được AFP phỏng vấn, Oleg Anisimov đã giải thích rằng không nên hiểu lời phát biểu của ông như “một tuyên bố chính thức của phái đoàn Nga”. Lời phát biểu đó “bày tỏ ý kiến và thái độ cá nhân của tôi,” ông nói.

“Chúng tôi sẽ không đầu hàng ở Ukraine và chúng tôi hy vọng thế giới cũng sẽ không đầu hàng trong việc xây dựng một tương lai khí hậu bền vững”, theo lời tuyên bố của bà Svitlana Krakovska, sớm hơn một chút bằng tiếng Anh theo một số nguồn tin, người đã tiếp tục làm việc [tại cuộc họp về khí hậu của Liên hợp quốc] kể từ khi đất nước của bà [Ukraine] lâm vào cảnh chiến tranh.

Bà nói thêm: “Biến đổi khí hậu do Con Người tạo ra và chiến tranh ở Ukraine có cùng một cội nguồn: nhiên liệu hóa thạch và sự phụ thuộc của chúng ta vào các nhiên liệu đó.”

Vấn đề khí hậu bị xóa mờ bởi chiến tranh?

Các đại biểu và quan sát viên tham dự cuộc họp cuối cùng này, trước khi công bố, vào ngày thứ Hai, bản báo cáo quan trọng của các nhà khoa học về khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), đã bị ấn tượng bởi cuộc trao đổi này, theo tường thuật của khoảng nửa tá nhân chứng. “Ông ấy [Oleg Anisimov] biết rõ đang mạo hiểm với bản thân ông, đó là một thông điệp rất chân thành,” theo lời của một người tham gia hội nghị với AFP về người đại diện của Nga.

Các chuyên gia về khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), vào ngày thứ Hai, sẽ vẽ ra một bức tranh đại hồng thủy về tác động của biến đổi khí hậu đối với nhân loại, trong bản báo cáo mới của họ, sau hai tuần đàm phán trực tuyến đằng sau các cánh cửa đóng, và bị che khuất bởi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Bà Svitlana Krakovska đã bày tỏ sự buồn bã rằng sau nhiều năm miệt mài làm việc của các nhà khoa học trên khắp thế giới, bản báo cáo này của IPCC sẽ phải “cạnh tranh với một cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông”.

The HuffPost thực hiện cùng với AFP

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Guerreen Ukraine: À ONU, un délégué russe présente des excuses, Huffington Post, ngày 27/02/2022.

 

* * *

 

CHIẾN TRANH Ở UKRAINE: LIỆU PUTIN CÓ THỂ TRÔNG CHỜ VÀO SỰ HỖ TRỢ KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC?

Hubert Testard

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm trực tuyến qua truyền hình với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Dinh thự Nhà nước ở Novo-Ogaryovo, ngày 15 tháng 12 năm 2021. (Nguồn: SCMP)

Vào thời điểm mà quân đội Nga tiến hành một cuộc tấn công lớn ở Ukraine, và khi các nước phương Tây tham gia chính sách trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga, sự chú ý tập trung vào đối tác chính của Putin là Trung Quốc. Liệu liên minh Nga-Trung có lập một thành luỹ cho Moscow chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây? Chuyến thăm của người quyền lực ở Điện Kremlin tới Trung Quốc nhân lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh là một cơ hội để biểu dương liên minh này. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã đưa ra những cam kết trên vị thế của họ – họ “hiểu” những lo ngại của Nga – và hành động của họ – Trung Quốc vừa gia tăng nhập khẩu ngũ cốc từ Nga. Bất chấp các cử chỉ thiện chí nói trên, chiến tranh sẽ khiến cho nền kinh tế Trung Quốc phải trả một cái giá, vốn rất nhạy cảm với giá cả năng lượng thế giới. Người ta thấy có hai điều rõ ràng: “thành luỹ” Trung Quốc chỉ có thể ở mức giới hạn, đặc biệt nếu phương Tây đoàn kết với nhau, và dù sao thì nó cũng không phải là vô điều kiện.

Nga và Trung Quốc đã không chờ cuộc khủng hoảng hiện tại để xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ. Các lệnh trừng phạt Nga vào năm 2014 trong quá trình sáp nhập Crimea, rồi những lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ khởi xướng từ năm 2018 chống lại Trung Quốc, đã củng cố một liên minh dựa trên việc tìm kiếm một quyền tự chủ lớn hơn về kinh tế và tài chính đối với các nước phương Tây. Hai lĩnh vực chính, minh họa cho quan hệ đối tác mới giữa hai nước, là năng lượng và tài chính.

LIÊN MINH NĂNG LƯỢNG NGA-TRUNG QUỐC KHÔNG PHẢI LÀ ĐỐI TRỌNG

Thỏa thuận thành lập đường ống dẫn khí đốt đầu tiên nối các mỏ khí đốt ở Siberia với Trung Quốc đã được ký kết vài tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. “Sức mạnh Siberia” là một đường ống dẫn khí đốt dài 8.000 km, trong đó có 3.000 km ở Nga và 5.000 km ở Trung Quốc, phục vụ cho ba khu vực dân cư từ miền bắc Trung Quốc đến Thượng Hải. Đường ống này đã đi vào hoạt động một phần vào năm 2019, và có thể vận chuyển 10 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2021. Đó là một khối lượng rất lớn, nhưng vẫn còn ít so với 136 tỷ mét khối mà Gazprom hiện đang xuất sang châu Âu. Khi hoàn thành đường ống này đến Thượng Hải vào năm 2024, khối lượng khí đốt được vận chuyển có thể đạt 38 tỷ mét khối.

Dự án thứ hai – “Sức mạnh Siberia 2” – đang được nghiên cứu và cuộc khủng hoảng hiện tại có thể giúp đẩy nhanh tiến độ. Lần này, đó là một đường ống dẫn khí đốt đến từ miền Tây nước Nga và đi qua Mông Cổ. Đường ống sẽ cho phép Gazprom thay thế, khi cần thiết, việc bơm khí đốt đến châu Á hoặc châu Âu, vốn không phải là trường hợp của đường ống dẫn khí đốt hiện tại. Nếu được xác nhận, dự án “Sức mạnh Siberia 2” sẽ đi vào hoạt động không sớm hơn năm 2030. Khoản đầu tư lớn mà hai nước đã bỏ ra kể từ năm 2014 cho phép Nga đa dạng hóa ngành xuất khẩu khí đốt một chút, nhưng, trong ngắn hạn, không có khả năng thay thế nếu các nguồn xuất khẩu sang Châu Âu bị cản trở.

Về dầu mỏ, Rosneft vừa ký một thỏa thuận dài hạn với CNPC của Trung Quốc để cung cấp 100 triệu tấn dầu thô trong 10 năm, tức 10 triệu tấn mỗi năm. Thỏa thuận này có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng phạm vi có hạn chế so với mức xuất khẩu dầu hiện tại của Nga, 230 triệu tấn vào năm 2021. Dầu hỏa cũng là một thị trường toàn cầu đa dạng nhiều hơn so với khí đốt, nhưng đối với Nga, quan hệ đối tác [dầu mỏ] ấy với Trung Quốc không có tầm quan trọng tương tự.

Nhìn chung, quan hệ đối tác năng lượng Nga-Trung mang lại cho Nga một tiềm năng đáng kể để đa dạng hóa xuất khẩu trong trung hạn, nhưng không giúp Nga nhanh chóng thay thế các khách hàng châu Âu bằng các khách hàng châu Á.

QUAN HỆ ĐỐI TÁC TÀI CHÍNH SONG PHƯƠNG CÒN ĐANG TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG

Việc “phi đô-la hóa” nền kinh tế Nga xuất hiện như một điều cần thiết, cùng lúc với sự thay đổi chiến lược về khí đốt, khi chế độ Nga nhận thức được trọng lượng của các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ sau khi xâm lược Crimea. Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp đối phó với rủi ro này vào năm 2018, khi Donald Trump bắt đầu thực hiện chính sách trừng phạt kinh tế và thương mại với quy mô lớn chống lại Trung Quốc.

Năm 2014, hai nước [Nga-Trung] đã ký một thỏa thuận hoán đổi [các công cụ tài chính, dòng tiền hoặc thanh toán] giữa hai ngân hàng trung ương, trị giá 24,5 tỷ US$, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ hoặc đồng rúp. Với hiệu lực trong ba năm, thỏa thuận này đã thường xuyên được gia hạn. Trong chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Nga vào tháng 6 năm 2019, một thỏa thuận mới đã được ký kết để thay thế đồng đô-la trong các hoạt động thanh toán quốc tế giữa hai nước, và thoát dần khỏi hệ thống SWIFT, vốn chi phối các giao dịch tiền tệ và được tất cả các ngân hàng quốc tế lớn sử dụng.

Năm 2015, Trung Quốc đã thành lập hệ thống CIPS (Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới) để thanh toán các giao dịch tài chính quốc tế bằng đồng nhân dân tệ. Đồng thời, Nga cũng đã phát triển hệ thống SFPS dựa trên đồng rúp, thanh toán khoảng hơn 20% các giao dịch tiền tệ của Nga hiện nay, theo Viện Tài chính Quốc tế. Nhưng có rất ít ngân hàng châu Âu hoặc Mỹ kết nối với hệ thống đó. Ngược lại, các ngân hàng Trung Quốc và Nga đều kết nối với hai hệ thống thanh toán này, vốn cũng mở cửa cho các nước thứ ba muốn thoát khỏi đồng đô-la, đặc biệt là Iran, nước không còn quyền tham gia vào hệ thống SWIFT.

Kim ngạch giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nga, tính bằng đô-la, lên tới 90% trong năm 2013. Năm 2021, tỷ trọng này đã giảm xuống còn 36,6%. Nhưng ngoại tệ chính thay thế đồng đô-la là đồng euro, hiện chiếm 47% các khoản thanh toán ngoại tệ giữa hai nước. Cặp nhân dân tệ-rúp không vượt quá 16% các giao dịch tiền tệ song phương. Nếu phương Tây duy trì một đường lối chung về các lệnh trừng phạt tài chính, thì khả năng thay thế đồng nhân dân tệ và đồng rúp bằng các đồng tiền thanh toán hiện tại là điều không thể diễn ra ngay lập tức – cần phải đàm phán lại tất cả các hợp đồng hiện tại với các đối tác nước ngoài, vốn không thấy có lý do hoặc ý muốn cần thiết làm như vậy.

Gói trừng phạt kinh tế mới nhất được Liên minh châu Âu thông qua vào ngày 24 tháng 2 không bao gồm việc loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, do sự miễn cưỡng của nhiều nước, trong đó có Đức, Ý, Hungary hoặc Síp. Một quyết định như thế, trì hoãn đến một thời điểm sau, sẽ làm rối loạn nghiêm trọng toàn bộ các dòng chảy thương mại và tài chính giữa các nước phương Tây với Nga. Đây là một vũ khí tài chính hai lưỡi như một biện pháp cuối cùng, và chính biện pháp này sẽ tác động trực tiếp lên các nền kinh tế châu Âu, hơn là nguy cơ làm chệch hướng các dòng chảy tài chính của Nga sang Trung Quốc mới kìm hãm Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể cho Nga vay thông qua các ngân hàng phát triển công của họ, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, vốn ít phụ thuộc vào hệ thống tài chính quốc tế so với các ngân hàng thương mại Trung Quốc. Họ đã làm điều đó với khoảng 151 tỷ đô-la từ năm 2000 đến năm 2017, đặc biệt để tài trợ cho các hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Nga. Họ sẽ tiếp tục làm như vậy, nhưng không ở tầm các vấn đề tài chính mà Nga sẽ phải đối mặt.

Nhìn chung, quan hệ hợp tác tài chính Nga-Trung đặt nền móng cho một hệ thống tài chính quốc tế ít bị chi phối hơn bởi đồng đô-la. Nhưng giống như ngành năng lượng, đây là một dự án trung hoặc dài hạn, vốn sẽ không giúp Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây.

TRUNG QUỐC MUỐN DUY TRÌ CÁC MỐI LIÊN HỆ KINH TẾ VÀ TÀI CHÍNH VỚI UKRAINE

Không thể so sánh các mối liên hệ với Nga, nhưng các mối liên hệ của Trung Quốc với Ukraine không phải là điều có thể bỏ qua. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Kim ngạch thương mại song phương đạt 19 tỷ đô-la vào năm 2021 theo thống kê của Ukraine, so với 146 tỷ đô-la trong thương mại Nga-Trung. Các mối quan hệ đó rất quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và khai thác mỏ – 30% lượng lúa mạch nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Ukraine và 60% lượng quặng sắt của Ukraine được xuất sang Trung Quốc – hơn nữa Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu một lượng lớn các sản phẩm chế tạo sang Ukraine.

Ukraine là một trong những đối tác châu Âu của dự án “Con đường tơ lụa mới, và là trung tâm trung chuyển hậu cần quan trọng giữa lục địa châu Âu và Trung Quốc, đặc biệt với một tuyến đường sắt mới được khánh thành gần đây. Bắc Kinh hy vọng sẽ tận dụng thỏa thuận thương mại tự do của Trung Quốc với Liên minh châu Âu. Các công ty lớn của Trung Quốc đã đầu tư vào các ngành viễn thông (Huawei hiện diện rất nhiều ở Ukraine), nông sản thực phẩm với COFCO và năng lượng tái tạo với một số dự án lớn về điện gió. Trước tiên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những tàn phá do chiến tranh gây ra, vốn sẽ làm rối loạn toàn bộ các dòng chảy hậu cần, và sẽ muốn, sau đó, thiết lập lại các mối liên hệ thương mại trước đây. Ngoài ra, Ukraine cũng sẽ không còn là cửa ngõ vào thị trường châu Âu mà các công ty Trung Quốc đã tính đến. Việc Moscow tính đến lợi ích của Trung Quốc ở Ukraine như thế nào sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai nước.

VIỆC QUỐC TẾ HÓA CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT CHẮC CHẮN SẼ CÓ TÁC ĐỘNG

Các chuyên gia Trung Quốc chờ đợi là các lệnh trừng phạt đã được Hoa Kỳ triển khai, vượt ngoài lĩnh vực tài chính, sẽ mang tầm quốc tế và tác động đến những công ty làm ăn với Nga, bất kể quốc gia xuất xứ, theo mô hình các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Huawei trong lĩnh vực các sản phẩm bán dẫn và viễn thông. Ngành công nghệ cao được đưa vào các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, và Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu của Mỹ sẽ được được kích hoạt để cấm vận về công nghệ đối với Nga. Triển vọng các rào cản mới trong giao dịch các hàng hóa công nghệ cao rõ ràng không làm Trung Quốc thích thú. Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn một danh sách trả đũa, nếu các công ty của họ bị ảnh hưởng. Nhưng họ cũng được khuyến khích cân nhắc đến các vấn đề của Nga, để tránh một vòng xoáy các cú sốc kinh tế mà họ cũng sẽ là nạn nhân, vào thời điểm mà tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang hụt hơi.

Nhìn chung, đối với Vladimir Putin, liên minh với Trung Quốc sẽ không phải là miễn phí, hay vô điều kiện, cũng như không đủ sức để thoát khỏi hậu quả của tình trạng hỗn loạn mà ông đã quyết định gây ra ở châu Âu và trên thế giới.

Tác giả Hubert Testard

Giới thiệu tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính về ASEAN trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông cũng đã tham gia vào việc phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù là trong WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ bốn năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học về châu Á. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, vào tháng 3 năm 2021 bởi NXB Editions de l'Aube.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Guerre en Ukraine: Poutine peut-il compter sur le soutien économique de la Chine?, Asialyst, ngày 26/02/2022.

 

* * *

 

MRIYA, CHIẾC MÁY BAY LỚN NHẤT THẾ GIỚI VÀ NIỀM TỰ HÀO CỦA UKRAINE BỊ NGA PHÁ HỦY

Trong trận đánh ở sân bay Hostomel, chiếc máy bay chở hàng khổng lồ Antonov An-225 đã bị lực lượng Nga phá hủy.

Tác giả: Paul Guyonnet

Ảnh: VLADIMIR SHTANKO / ANADOLU AGENCY / GETTY IMAGES

Niềm tự hào của người dân Ukraine, chiếc máy bay có tên “Mriya”, chiếc máy bay lớn nhất thế giới, đã bị lực lượng Nga phá hủy trong cuộc xâm lược Ukraine (ảnh chụp vào tháng 4 năm 2018 tại Hostomel, phía bắc Kyiv).

CHIẾN TRANH Ở UKRAINE - Một “giấc mơ” biến mất và một sự mất mát mang tính biểu tượng. Hôm chủ nhật tuần này, ngày 27 tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, đã xác nhận trên một đoạn tweet rằng Antonov An-225, chiếc máy bay lớn nhất thế giới, đã bị lực lượng Nga phá hủy trong trận chiến đánh vào sân bay Hostomel, phía bắc Kiev, trong những giờ đầu cuộc tấn công.

Chiếc máy bay chở hàng khổng lồ này có một cái tên đặc biệt gây xúc cảm: “Mriya”, có nghĩa là “giấc mơ” hoặc “khát vọng” trong tiếng Ukraine. “Nhưng họ [quân Nga] sẽ không bao giờ phá hủy được giấc mơ của chúng tôi về một quốc gia châu Âu hùng mạnh, tự do và dân chủ,” Dmytro Kuleba đã ngay lập tức viết tiếp trong thông báo của ông.

Chiếc máy bay, hơn hết và đồng thời, là biểu tượng quốc gia ở Ukraine, thậm chí là niềm tự hào, đến mức hàng năm đều tham gia vào cuộc diễu hành trong Ngày Độc lập của Ukraine, ngày 24 tháng 8. Chiếc máy bay đó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phân phối khẩu trang trên khắp thế giới trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Theo thông tin chính thức của Ukraine, cũng chính vì chiều kích mang tính biểu tượng này mà chiếc máy bay đó đã bị quân đội Nga nhắm làm mục tiêu trong cuộc tiến công của họ tới thủ đô Ukraine. Sân bay Hostomel, nơi đỗ của chiếc máy bay đó, quả thực chỉ cách trung tâm thành phố khoảng hai mươi cây số. Sân bay đã bị lực lượng dù của Nga chiếm đóng vào đêm 24 rạng sáng 25 tháng 2.

Trong thông cáo báo chí xác nhận việc phá hủy chiếc An-225, vốn được chế tạo từ sự hợp tác giữa nhà chế tạo sản xuất máy bay Ukraine và Trung Quốc, tập đoàn Ukroboronprom, đã ước tính chi phí sửa chữa máy bay là 3 tỷ USD, và có thể mất đến 5 năm.

Kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 1988, dưới thời Liên Xô, chiếc An-225 đã được đặc biệt sử dụng cho các sứ mệnh nhân đạo, nhờ vào khả năng vận tải vô song của nó. Ví dụ, nó có thể vận chuyển hơn 250 tấn vật liệu, chẳng hạn như được sử dụng để phân phối khẩu trang trong thời kỳ đại dịch Covid.

Ở cấp độ con người, Ukraine báo cáo đã có khoảng 200 người dân thường và hàng chục binh sĩ [Ukraine] bị thiệt mạng trong trận chiến, nhưng không công bố con số chính xác vào hôm Chủ nhật. Hôm thứ Bảy, LHQ ghi nhận đã có ít nhất 64 người dân thường chết và hàng trăm nghìn người sống trong điều kiện không có nước sinh hoạt hoặc điện. Quân đội Nga, lần đầu tiên, đã thừa nhận có thiệt hại về người, nhưng không đưa ra số liệu.

Đã có khoảng 368.000 người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh ở Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bùng phát vào hôm thứ Năm, trong đó có hơn một nửa đã chạy vào Ba Lan, và con số này còn “tiếp tục gia tăng”, theo Liên Hợp Quốc và chính quyền Ba Lan.

Về tác giả

Paul Guyonnet là nhà báo làm việc tại HuffPost France, ở Paris. Là nhà báo tổng hợp, ông đặc biệt viết về những vấn đề liên quan đến cảnh sát và công lý, các chủ đề quốc tế, thể thao và môi trường. Ông cũng từng làm việc tại văn phòng HuffPost ở Los Angeles và nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Mriya, le plus gros avion du monde et fierté de l'Ukraine détruit par la Russie, Huffington Post, ngày 27/02/2022.

Print Friendly and PDF