THEO DÒNG MÊ CUNG CỦA BOURDIEU
Trò chuyện với Gisèle Sapiro[*] và Franck Poupeau[**]
Về cuốn Dictionnaire International Bourdieu/Từ điển quốc tế về Bourdieu[***]
Phỏng vấn do Nicolas Duvoux & Jules Naudet thực hiện
“Từ điển Quốc tế về Bourdieu” minh họa nhiều khía cạnh trong sự nghiệp của Pierre Bourdieu. Ảnh hưởng của ông vượt qua ranh giới của xã hội học và ghi dấu ấn trên nhiều công trình về triết học, nhân học, sử học, ngôn ngữ học, ký hiệu học, văn học và lịch sử nghệ thuật.
Gisèle Sapiro, chủ biên, Dictionnaire international Bourdieu/Từ điển quốc tế về Bourdieu, NXB CNRS, 2020. 1000 p., Ủy Ban biên tập: François Denord, Julien Duval, Mathieu Hauchecorne, Johan Heilbron, Franck Poupeau. Điều phối biên tập: Hélène Seiler.
==========================================================
La Vie des idées: Sự nghiệp cực kỳ phong phú của Pierre Bourdieu có cho phép ta sử dụng một cách ngẫu nhiên và theo mục tiêu các khái niệm của ông (mà hình thức từ điển sẽ làm cho thuận lợi hơn) hay việc huy động những công trình của ông đòi hỏi phải duy trì tính cố kết toàn thể mà ông muốn gắn cho sự nghiệp của mình?
Gisèle Sapiro (1965-) |
Franck Poupeau |
G. S. & F. P.: Đối với Bourdieu cũng như đối với các tác giả kinh điển khác, chúng ta có thể thấy có cách sử dụng hời hợt và theo mục tiêu các khái niệm rút ra từ khung lý thuyết của họ, để xây dựng một cách đặt vấn đề trong khuôn khổ của cách tiếp cận thực nghiệm hay để chỉ trích. Chúng ta chỉ có thể bác bỏ cách sử dụng này vốn làm cho các khái niệm mất đi ý nghĩa và tầm sâu sắc của chúng: ví dụ, khi chúng ta vật thể hóa (réifier) các khái niệm về tập tính/habitus, vốn văn hóa hoặc trường, thay vì lợi dụng giá trị nhận thức của chúng vốn có thể xác lập mối quan hệ giữa một loạt các hiện tượng nhằm xây dựng một đối tượng một cách thỏa đáng và suy nghĩ về các lựa chọn được thực hiện trong sự thiết kế này, cũng như khi chúng ta tính đến các tác nhân và các cấp độ tạo ra giá trị văn học qua sự chuyển đổi vốn biểu tượng (phê phán, tạp chí, nhà xuất bản, giá cả, v.v.); chẳng hạn, khái niệm trường chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ với khái niệm tự trị, không được giả định: chúng ta phải nghiên cứu những ràng buộc chính trị, kinh tế và tôn giáo cụ thể đè nặng lên các tác nhân và các cấp độ này.
Tương tự như vậy, khái niệm tập tính (habitus) chưa bao giờ giả định về sự gắn kết hoàn hảo giữa các tâm thế, vì một mặt, chủ yếu nó dẫn ngược trở lại các tính chất và phong cách sống phân biệt các nhóm xã hội (giai cấp, nhóm nghề nghiệp) và mặt khác, có một tập tính sơ cấp được định hình bởi giáo dục gia đình, một tập tính thứ cấp được khắc sâu bởi trường học, sau đó là một tập tính nghề nghiệp, và do đó chúng ta có thể chỉ ra những mâu thuẫn có thể có giữa chúng vốn cũng thường là nguồn gốc của sự đau khổ.
Max Weber (1864-1920) |
Karl Marx (1818-1883) |
Nếu chính lý thuyết của Bourdieu là kết quả của sự tổng hợp có lý luận giữa các hệ thống tư tưởng khác nhau (đặc biệt là của Durkheim, Marx và Weber), thì, chống lại các cách sử dụng chiết trung của các khái niệm, cần phải nhớ rằng các lý thuyết thường truyền tải những ý tưởng giả định không tương thích với nhau về mặt nhận thức luận: ví dụ, giữa cách tiếp cận các quan hệ mang tính khách quan chủ nghĩa làm nền tảng cho lý thuyết trường và cách tiếp cận tương tác của Becker đối với thế giới nghệ thuật, hoặc cách tiếp cận quan hệ tương tác của phân tích mạng. Điều này không có nghĩa là ta không thể sử dụng một số phương pháp quan sát tương tác hoặc phân tích mạng, nhưng với điều kiện là ta không chấp nhận theo lý thuyết làm nền tảng cho chúng và làm cho chúng tương thích với thuyết về các quan hệ mang tính khách quan chủ nghĩa của Bourdieu, nếu ta muốn ở lại trong khung lý thuyết của ông.
Mục đích của cuốn Từ điển này chính là để tránh những cách sử dụng theo mục tiêu và ngẫu nhiên như vậy, cũng như để chỉnh sửa một số hiểu lầm, thậm chí là sự bóp méo cố ý có xu hướng làm chệch hướng chúng (các khái niệm) đối với ý nghĩa mà Bourdieu nhắm đến, cho dù rằng mọi công trình đều không thể nào không thoát khỏi ý đồ của tác giả. Bởi vì nếu các khả năng chiếm hữu có thể có là vô tận, điều đó không có nghĩa là tất cả đều có cùng một giá trị, có những cách sử dụng lý thuyết và khái niệm ít nhiều đúng đắn. Cách tiếp cận của chúng tôi bao gồm cả việc lịch sử hóa các khái niệm, bởi vì nó cũng được ghi nhận trong cách tiếp cận lịch sử của khoa học xã hội và nhân văn, và việc tái tạo cách thức Bourdieu xây dựng chúng về mặt lý thuyết và những sự chuyển hướng mà chúng (khái niệm) đã gặp phải trong sự nghiệp của ông, từ những cách sử dụng thực nghiệm mà chính Bourdieu đã thực hiện, và từ những thí dụ có thể có được về các cách sử dụng thực nghiệm khác.
Chúng tôi cũng đã cố gắng gợi lên các cuộc tranh luận quan trọng chính mà chúng đã gây ra và các phản hồi đã - hoặc có thể - được đưa ra. Ngoài ra còn có một hệ thống tham chiếu đến các chỉ dẫn khác cho phép một sự tham khảo đến tận gốc rễ. Do đó, cuốn từ điển giúp chúng ta có thể tự xác định những cột mốc trong sự nghiệp bao la này, đặt lý thuyết trong cuộc đối thoại mà nó duy trì với khoa học xã hội và nhân văn thời đó (ví dụ, với những chỉ dẫn về các hệ hình và lý thuyết chính: chủ nghĩa chức năng, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cấu trúc) cũng như trong hành trình tri thức của tác giả của nó. Từ điển cũng tính đến các điều kiện vật chất của đời sống trí thức bằng cách tập trung vào các định chế mà Bourdieu đã từng tham gia (École Normale Supérieure/Trường Sư Phạm Cao Cấp, École des Hautes Etudes en Sciences Sociales/Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hôi, Viện Pháp Quốc/Collège de France), các nhóm mà ông hướng dẫn (Centre de Sociologie Européenne/Trung tâm Xã hội học Châu Âu, Tập thể Raisons d’Agir/Lý do để hành động), và các bộ sách mà ông đã chỉ đạo (tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales/Kỷ yếu nghiên cứu khoa học xã hội, các tủ sách “Le sens commun/Lý lẽ thông thường” tại NXB Minuit và “Liber/Giải phóng” tại NXB Seuil). Thông qua chiều kích quốc tế của nó, cuốn từ điển cũng đã ghi nhận sự nghiệp này trong cách tiếp cận xuyên quốc gia về lịch sử của khoa học xã hội và nhân văn, vốn quan tâm đến sự lưu hành quốc tế của các ý tưởng theo chương trình do Bourdieu vạch ra.[1]
La Vie des idées: Hiện nay người ta thường nghe những tham chiếu đến Pierre Bourdieu trong các cuộc tranh luận công khai. Chúng ta có thể nói về một “hiệu ứng lý thuyết” của sự nghiệp của Bourdieu, theo nghĩa là các công trình của ông biến đổi thực tế mà chúng tìm cách giải thích và hiểu được không?
Jean-Claude Dassier (1941-) |
G. S. & F. P.: Hẳn là các ý niệm về vốn văn hóa và sự tái sản xuất đã đi vào ngôn ngữ hàng ngày, và tính chính đáng của Bourdieu ngày nay ít dễ bị tranh cãi hơn so với những năm 1990. Thật là lạ khi thấy rằng, trong bối cảnh săn lùng các người hồi giáo-khuynh tả cực đoan hiện nay, tham chiếu đến Bourdieu có thể được dùng đến như một dấu hiệu của ý đồ loại bỏ xã hội học (chẳng hạn, chúng ta thấy nhà báo Jean-Claude Dassier trên CNNews, tuyên bố vào tháng 2 năm 2021 rằng “những ý tưởng của giới trí thức của chúng ta, mà Bourdieu là người đứng đầu, đã phát triển mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và chúng quay trở lại với chúng ta như một chiếc boomerang, chúng trở thành hệ tư tưởng thống trị ngăn cấm bất kỳ cuộc tranh luận nào”), cũng như là nguồn gốc của tính chính đáng khoa học, không chỉ về phía những người bị tấn công, mà còn về phía những người đặt lại vấn đề về việc sử dụng phạm trù “chủng tộc”, chẳng hạn như Gérard Noiriel trong các cuộc tranh cãi gây ra bởi cuốn sách của ông với Stéphane Beaud, và để bảo vệ tính khách quan của các công trình của mình, đã ẩn náu sau hình tượng Bourdieu.
Jean Claude Passeron (1930-) |
Tuy nhiên, sự cáo giác xã hội học không phải là mới: rất lâu trước khi Manuel Valls, Thủ tướng thời đó, tuyên bố rằng phân tích xã hội học “bào chữa” cho các hành động khủng bố, người ta đã chỉ trích các công trình xã hội học giáo dục (đặc biệt là Les Héritiers/Các kẻ thừa kế của Bourdieu và Passeron, 1964) là biện minh cho những bất bình đẳng mà chúng đã bộc lộ và mô tả - những lời chỉ trích đến từ các cực đối lập của trường chính trị, phái hữu thì buộc tội chúng làm tổn hại đến hệ tư tưởng tài đức và tài năng thiên phú, phái tả thì phê phán chúng đã rơi vào chủ nghĩa định mệnh. Ngược lại, Bourdieu không ngừng lặp lại rằng kiến thức xã hội học về các lực quyết định xã hội có tác dụng giải phóng, và có lẽ ở đây chúng ta tìm thấy “hiệu quả lý thuyết” của sự nghiệp của ông - ngay cả khi sự phân tích của ông về bạo lực biểu tượng như sự không hiểu - sự thừa nhận về sự thống trị không được những người không phải là chuyên gia nắm bắt ngay lập tức như một số lý thuyết về sự tha hóa, hệ tư tưởng, niềm tin giả dối, v.v.. Trong những lá thư nhận được tại Collège de France vào những năm 1990, chúng tôi không đếm hết được số người đã nói với Bourdieu rằng việc đọc tác phẩm của ông đã thay đổi cuộc đời họ đến mức nào - và nhiều nhà xã hội học mà chúng tôi biết cũng đã theo cùng một cách tuyên bố tìm được “thiên hướng” học giả của bản thân...
Khi được hỏi liệu sự ủng hộ của ông đối với phong trào xã hội năm 1995 có góp phần vào hiệu quả lý thuyết này hay không, trước tiên cần lưu ý rằng những can thiệp chính trị của ông không chỉ có từ thời điểm đó - và tuyển tập Interventions/Tham luận (1961-2001) do Agone xuất bản năm 2002, không chỉ cho thấy rằng sự dấn thân đã có từ trước, mà cả tính đặc thù của các mối quan hệ giữa khoa học xã hội và hành động chính trị nằm ở trung tâm của sự nghiệp của ông: tính khoa học không nằm ở “tính trung lập về giá trị”, một khái niệm thường bị hiểu sai, mà trong sự phân tích lợi ích của nhà xã hội học và cuối cùng là trong quá trình xây dựng đối tượng bắt nguồn từ đó. Tuy nhiên, chắc chắn rằng trong những năm 1990, Bourdieu tự thể hiện mình là một trí thức đặc thù (theo nghĩa của Foucault) tích lũy tất cả các hình thức vốn biểu tượng: sau các công trình cơ bản của La Distinction/Sự ưu biệt (1979) và Le Sens Pratique/Cảm thức thực tiễn (1980), chúng ta chỉ có thể nêu lên cuốn La Noblesse d’État/Thành phần Quý tộc Nhà nước, được xuất bản vào thời điểm kỷ niệm hai trăm năm Cách mạng Pháp, và tập hợp hai mươi năm điều tra về lĩnh vực học thuật và lĩnh vực quyền lực trong một ý đồ phê phán công khai cách thức kỷ niệm chính trị của thời điểm này (chẳng hạn như sự đồng hóa cách mạng với chủ nghĩa toàn trị của François Furet, cựu chủ tịch của EHESS).
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, sau hai cuốn sách đã được các phương tiện truyền thông chuyển tải một cách rộng rãi vào năm 1992, Réponses/Những lời đáp trả và Les Règles de l’art/Những Quy tắc của Nghệ thuật, sự xuất bản vào năm sau của La Misère du monde/Sự khốn khổ của thế giới, mà sự thành công đặc biệt về mặt xuất bản đối với một cuốn sách khoa học xã hội với kích cỡ như vậy (hơn 1000 trang), đã cho phép ông can thiệp một cách rõ ràng hơn nữa về các tác động của các chính sách tân tự do trong xã hội Pháp. Đặc biệt, chương trình truyền hình có sự tham gia của Cha Pierre đã khiến ông được biết đến bên ngoài giới trí thức. Ông đã tái đầu tư chính khả năng được hiển thị này vào nhà xuất bản Raisons d’agir, mà tựa đề đầu tiên là Sur la télévision/Về truyền hình vào năm 1996. Nhưng sự dấn thân này cũng khiến ông phải chịu những cuộc tấn công dữ dội phục vụ cho các đối thủ của ông để loại bỏ xã hội học phê phán.
La Vie des idées: Làm thế nào chúng ta có thể giải thích khả năng mà sự nghiệp của Pierre Bourdieu có để vượt ra ngoài - thậm chí vượt lên trên ranh giới của các ngành?
G. S. & F. P.: Được đào tạo về triết học, Bourdieu chuyển sang nhân học, sau đó sang xã hội học, ông đã đọc các sách của các nhà sáng lập trào lưu cultural studies/nghiên cứu văn hóa ngay khi chúng được xuất bản và thảo luận về chúng trong cuộc hội thảo của ông về lịch sử văn học nghệ thuật, đã quan tâm đến dân tộc học, ngôn ngữ học, tâm lý học. Điều này được chứng minh qua tủ sách của ông là “le sens commun/lý lẽ thông thường”, bao gồm các tác phẩm về triết học (một phần ba trong những số được xuất bản cho đến năm 1978, và sau đó đã giảm dần), xã hội học, nhân học, ngôn ngữ học, ký hiệu học, xã hội học văn học, lịch sử nghệ thuật và sử học.
Xã hội học của ông thực sự đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau mà ông đề cập, những người đã tiếp thu một vài khái niệm, như có thể thấy trong các mục từ của từ điển theo ngành. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nhân học, lý thuyết về thực tiễn và khái niệm tập tính, và trong lĩnh vực giáo dục, ý tưởng về vốn văn hóa được kế thừa và việc tính toán các cơ hội không bình đẳng để tiếp cận giáo dục đại học, đã làm đảo lộn lý tưởng mang tính cá nhân chủ nghĩa về thuyết tài đức trong học đường, và đổi mới lĩnh vực này. Bất bình đẳng giáo dục đã được biết đến vào thời điểm đó, trên quan điểm thống kê và dân số học, nhưng khung lý thuyết được xây dựng trong Les Héritiers/Các kẻ thừa kế (1964) sau đó là La Reproduction/Sự tái sản xuất (1970) đã cho thấy mức độ mà chúng đã tham gia vào quá trình xác lập và duy trì trật tự xã hội. Từ góc độ này, các cuộc khảo sát, cả định lượng và định tính, vốn tạo nên phần nội dung của hai cuốn sách này, đã nối tiếp một tập hợp những công trình đã làm đảo lộn sự phân tích về giáo dục và quyền lực trong thế giới Anh-Mỹ (Bernstein, Labov, Willis, v.v.), ở ranh giới của dân tộc học, ngôn ngữ học, v.v..
Alain Viala (1947-2021) |
Trong các nghiên cứu văn học, khái niệm trường, kết hợp giữa phân tích nội và ngoại, đã khơi mào cho một trào lưu nghiên cứu ở Pháp tiếp nối công trình của Alain Viala, tác giả cuốn Naissance de l’écrivain/Sự ra đời của nhà văn, đã dẫn đến các cuộc trao đổi với Raymond Williams, Jacques Dubois rồi Pascal Durand ở Liège và Itamar Even-Zohar ở Tel-Aviv. Nhà rôman học Anna Boschetti đã đến từ Ý để làm việc với Bourdieu và đã cho xuất bản năm 1985, trong tủ sách “Le sens commun/Lý lẽ thông thường” tại NXB Minuit, cuốn Sartre và (tạp chí) “Les Temps Modernes”, một tác phẩm đã trở thành một tác phẩm quy chiếu trong xã hội học về văn học và trí thức. Sau đó, bà đã xuất bản trong tủ sách “Liber” tại Le Seuil, cuốn sách La Poésie partout/Thơ văn khắp nơi về Apollinaire. Trong số những người tham dự hội thảo của bà, có cả nhà sử học văn học Anne-Marie Thiesse. Cách tiếp cận này cũng đã có tiếng vang đối với các nhà sử học, tác phẩm của Robert Darnton về sự phóng đãng văn học của thế kỷ thứ mười tám, của Roger Chartier về lịch sử sách, của Christophe Charle về giới tinh hoa của nền Cộng hòa thứ ba và về trí thức, các công trình của các nhà sử học Đức về cuộc sống hằng ngày, của Olivier Christin về nghệ thuật thời Phục hưng, v.v..
Gaston Bachelard (1884-1962) |
Marcel Mauss (1872-1950) |
Về triết học, Bourdieu thường nhắc lại trong các xêmina của mình[2] rằng xã hội học tương ứng với cách mà ông muốn các triết gia hành nghề của họ. Ngoài những quy chiếu có liên quan đến một số tác giả (Bachelard, Canguilhem, Merleau-Ponty, Pascal, Wittgenstein, v.v. để chỉ nêu lên những người được công nhận nhiều nhất), lời bạt của ông cho La Distinction/Sự Ưu biệt, “Éléments pour une critique vulgaire des critiques pures/Yếu tố cho một sự phê bình dung tục những bài phê bình thuần túy”, đã đảo ngược cách tiếp cận của Kant, tiếp nối các công trình của Durkheim và Mauss về “các hình thức phân loại nguyên thủy”. Nếu công trình của ông về Heidegger, được xuất bản lần đầu trong Actes de la recherche en sciences sociales /Kỷ yếu Nghiên cứu Khoa học Xã hội năm 1975 trước khi được chuyển thể thành sách (L’Ontologie politique de Martin Heidegger/Bản thể luận Chính trị của Martin Heidegger, 1988) đã không nhận được sự chú ý xứng đáng từ phía các nhà triết học, thì hiện nay nó ngày càng được trích dẫn để phân tích các hiệu ứng của trường đang tác động đến ngành (triết học), và đặc biệt là công việc định hình và làm nhẹ bớt sự đảm bảo một hình thức tự chủ. Ngược lại, sự phân tích của ông về “sự lệch hướng mang tính kinh viện”, được tổng hợp trong cuốn Méditations Pascaliennes/Những trầm tư theo chân Pascal (1997), là sự phê bình triệt để nhất về cách tiếp cận triết học và khoa học xã hội nói chung, và chắc chắn nhận được nhiều sự chú ý nhiều nhất trong giới triết học hiện nay, đặc biệt là triết học phân tích. Từ góc độ này, mối quan hệ lâu dài với Jacques Bouveresse (và một số thực tiễn trí tuệ chung, xung quanh các tác giả tham khảo chung, chẳng hạn như Wittgenstein hoặc Kraus), góp phần thiết lập một cuộc đối thoại ít xảy ra giữa triết học và khoa học xã hội – nếu không phải dưới hình thức kinh viện của lịch sử các ý tưởng.
La Vie des idées: Sự nghiệp của Pierre Bourdieu cho phép chúng ta nắm bắt được vấn đề về sự thay đổi xã hội như thế nào?
G. S. & F. P.: Xã hội học của Bourdieu được hình thành ngay từ đầu để giải thích một sự thay đổi xã hội lớn: chủ nghĩa tư bản được áp đặt như thế nào trên các xã hội truyền thống, ở Algeria cũng như ở vùng Béarn (quê hương của Bourdieu – ND), và nó đã có những tác động nào. Ông đã xây dựng khái niệm tập tính/habitus để giải thích các dạng quán tính của các cá nhân trong xã hội khi đối mặt với sự biến đổi lớn này. Thay vì dùng từ thay đổi, ông nói về “sự biến đổi cấu trúc”, một khái niệm tương ứng với cách tiếp cận quan hệ của ông, và một chỉ dẫn được dành cho nó trong Từ điển. Cách tiếp cận của ông khác biệt một mặt với lịch sử sự kiện và mặt khác với các tường thuật về sự tiến hóa (ví dụ, các lý thuyết về hiện đại hóa trong khoa học xã hội). Khái niệm về sự biến đổi bao hàm những thay đổi diễn ra thông qua “quá trình” ít nhiều lâu dài, chẳng hạn như sự phân công lao động theo Durkheim hoặc sự duy lý hóa theo Weber. Bourdieu thích thuật ngữ lịch sử xã hội hơn thuật ngữ xã hội học lịch sử, nhưng rõ ràng ông gắn liền với truyền thống sau. Cách tiếp cận cấu trúc của ông có tính đến các bất biến và các biến thể, các sự liên tục (của các thể chế và các loại hình phân cấp) và các sự đoạn tuyệt, và cả các biến thái của hệ thống khoảng cách vi phân (các bất bình đẳng). Đóng góp chính của ông là đã tư duy sự tái sản xuất của những bất bình đẳng này, hoàn toàn không mang tính máy móc, mà là kết quả của các chiến lược được thực hiện bởi các tác nhân chiếm vị trí thống trị trong các cấu trúc này và nhằm duy trì sự thống trị của họ.
Trong các xã hội tiền tư bản, nơi mà các cơ chế tái sản xuất không được thể chế hóa như trong các xã hội tư bản, và là nơi mà các loại vốn ít được phân biệt, các chiến lược tái sản xuất này dựa trên sự đầu tư thường xuyên của các tác nhân vào các chiến lược hôn nhân, thừa kế và giáo dục để đảm bảo sự truyền lại. Tuy nhiên, các cơ chế tái sản xuất, và các chiến lược có liên quan, là đối tượng của các cuộc cạnh tranh thường trực giữa các nhóm hoặc giữa các cá nhân, kể cả trong gia đình. Ngoài ra, những biến đổi của cấu trúc xã hội đòi hỏi phải có những điều chỉnh, thậm chí là những chuyển đổi mà không phải lúc nào các tác nhân cũng có thể thực hiện được. Do đó, những chuyển đổi do chủ nghĩa tư bản áp đặt đụng phải, như chúng ta đã nói, sức ì của các tập tính (mối quan hệ đến thời gian mang tính chu kỳ của nông dân Kabyle), gắn liền với những tài nguyên nay đã bị mất giá (đất đai đối với nông dân Béarnais).
Một quá trình chuyển đổi lịch sử lớn khác là việc Nhà nước hiện đại tập trung và phân phối lại các loại vốn khác nhau, từ đó dẫn đến “sự biến đổi của các chiến lược tái sản xuất”. Việc chuyển từ Nhà nước các triều vua sang Nhà nước quan liêu, mà Bourdieu đã phân tích chi tiết trong Sur l’Etat/Về Nhà nước, phải trải qua một “quá trình giải phong kiến”, một quá trình “giải tự nhiên hóa” bằng cách phá vỡ “các mối liên hệ tự nhiên, lòng trung thành dựa trên gia đình”. Điều này tạo ra cuộc đấu tranh giữa hai loại tác nhân, một bên là nhà vua và dòng họ của ông, và một bên là các quan chức của nhà vua. Sự biến đổi này là kết quả của sự ra đời của một “quyền lực dành được và trọn đời, dựa trên “tài năng” và công trạng và được bảo đảm bởi luật pháp (với các văn bằng của trường lớn)”, vốn sẽ đặt lại vấn đề của “quyền lực được thừa kế và truyền lại qua quan hệ máu mũ, tức là dựa trên thiên nhiên (với các chức tước quý tộc)”[3]. Nó dẫn đến các chiến lược chuyển đổi của các kẻ thống trị. Thật vậy, sự duy trì một vị trí thống trị đòi hỏi một sự “chuyển đổi các loại vốn”. Bourdieu đưa ra ví dụ về việc chuyển đổi một tầng lớp quý tộc địa chủ sang một bộ máy quan liêu Nhà nước ở Đức vào thế kỷ 19.
Đồng thời, Nhà nước hiện đại không phải là một kiến trúc thượng tầng đơn giản của các quan hệ sản xuất, như trong học thuyết của Mác. Sự biến đổi của nó là do các cuộc đấu tranh giữa các nhóm và phe phái. Các luật gia đã ủng hộ sự ra đời của Nhà nước bằng cách thực hiện sự chính đáng hóa kép của nó để nắm độc quyền (được Norbert Elias mô tả) về thuế và về các công cụ cưỡng chế (theo thuật ngữ của Charles Tilly). Tương tự như vậy, hành động của các nhà từ thiện trong bối cảnh công nghiệp hóa đã góp phần rất nhiều vào việc chuyển từ trách nhiệm cá nhân sang trách nhiệm công - một quá trình được gắn liền với điều mà Bourdieu thích gọi là “phương thức nhân quả vòng tròn hơn là nhân quả biện chứng”, với sự phát triển của cả môt quá trình bảo hiểm, bao gồm An sinh xã hội và các định chế khác của Nhà nước-phúc lợi[4].
Sự chuyển đổi lịch sử lớn thứ ba, gắn với chuyển đổi trước, dẫn từ phương thức tái sản xuất trực tiếp (được các gia đình kiểm soát bằng cách chỉ định người thừa kế) sang “phương thức tái sản xuất với một thành tố giáo dục” trong đó bằng cấp được các trường lớn cung cấp trở thành tương đương với một chức tước quý tộc ở chỗ nó trao “quyền gia nhập” vào một “đoàn thể” (“corps”) của Nhà nước, che đậy các cơ chế tái sản xuất đằng sau cái tài đức[5]. Sự chuyển đổi này, buộc các gia đình phải triển khai các chiến lược giáo dục, tạo ra những căng thẳng xã hội và những mâu thuẫn trong quá trình tái sản xuất, bằng cách hy sinh một số người thừa kế có lợi cho những người mới gia nhập được Nhà trường tạo cơ hội thăng tiến xã hội. Một số biến đổi xã hội như là tiến trình dân chủ hóa để tiếp cận giáo dục trung học và đại học thường đi kèm với sự chuyển dịch mang tính cấu trúc của sự bất bình đẳng trong hệ thống (ví dụ giữa giáo dục phổ thông và sự đào tạo nghề hoặc kỹ thuật), góp phần vào sự trường tồn của sự bất bình đẳng dưới những hình thái mới, nhất là vào những thời điểm mà sự sản xuất các bằng cấp vượt qua số lượng những vị trí có sẵn.
Loại mâu thuẫn này chứa đựng các cuộc khủng hoảng tái sản xuất có khả năng dẫn đến các cuộc cách mạng, hoặc “các sự kiện nguy kịch” như biên cố tháng 5 năm 1968, khi có một khoảng cách giữa những hy vọng chủ quan và những cơ hội khách quan. Trong Homo Academicus/Con người hàn lâm (1984), Bourdieu gắn cuộc khủng hoảng này với một tình huống mà đặc trưng là sự hội tụ của các chuỗi nhân quả độc lập, tạo ra sự kiện. Trong số các chuỗi độc lập này, có logic đặc thù của các trường, nơi các cuộc đấu tranh để bảo toàn hoặc biến đổi cán cân quyền lực diễn ra dưới các hình thức tương đối độc lập. Trong trung hạn, những biến đổi của cán cân quyền lực này được lồng vào các quá trình dài hạn của sự khác biệt hóa và sự tự chủ hóa của các trường. Các quá trình này hoàn toàn không mang tính tuyến tính, không giống như các lý thuyết hiện đại hóa. Do đó, có thể có những lúc mất quyền tự chủ, như Bourdieu đã chỉ ra trong trường hợp của lĩnh vực xuất bản dưới sự tác động của tiến trình tập trung[6].
La Vie des idées: Sự nghiệp của Pierre Bourdieu lưu hành ở bên ngoài biên giới nước Pháp như thế nào?
G. S. & F. P.: Việc tiếp nhận tác phẩm của Bourdieu ở các quốc gia khác nhau có thể được phân tích từ chương trình nghiên cứu riêng của ông về sự lưu hành quốc tế của các ý tưởng. Nhắc lại, theo Marx, rằng các văn bản lưu hành mà không có bối cảnh của chúng, ông đã phân biệt ba hình thái: lựa chọn, đánh dấu, diễn giải. Chúng ta có thể quan sát quá trình này trong các giai đoạn khác nhau của việc tiếp nhận các công trình của ông[7]. Giai đoạn thứ nhất, trong những năm 1960-1970, là giai đoạn của sự phân tán giữa các quốc gia (chủ yếu là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Ý, Brazil), mà còn giữa các chuyên ngành: giáo dục, văn hóa và nhân học. Các nhà nhân học quan tâm đến L’Esquisse d’une théorie de la pratique/Phác thảo lý thuyết về thực tiễn và khái niệm tập tính. Les Héritiers/Các kẻ thừa kế và La Reproduction/Sự tái sản xuất đổi mới hoàn toàn xã hội học giáo dục với những suy nghĩ về sự bất bình đẳng xã hội và khái niệm vốn văn hóa. Trong lĩnh vực văn hóa, các công trình được lấy từ các cuộc khảo sát lớn của những năm 1960, L’Amour de l’art/Tình yêu nghệ thuật và Un art moyen/Một nghệ thuật trung bình, chỉ được dịch rất lâu sau này, chính lý thuyết về các trường và quyền lực biểu tượng được lưu hành, trừ trường hợp ngoại lệ như Vera Zolberg người Mỹ đọc chúng bằng tiếng Pháp và thực hiện nghiên cứu về bảo tàng. Cách sử dụng cũng khác nhau tùy theo những người nhập chúng về, mà vai trò được nhấn mạnh trong các chỉ dẫn theo nước: ví dụ như ở Đức, vào thời điểm đó, các công trình của ông được các nhà nghiên cứu cổ vũ chủ nghĩa cấu trúc nêu bật để chống lại chủ nghĩa Mác và chống lại trường phái Frankfurt, và ghi nhận chúng trong dòng triết học về các hình thức biểu tượng của Cassirer và các công trình của Panofsky; ở Brazil, Sergio Miceli, nghiên cứu sinh nước ngoài đầu tiên của ông, xuất bản một tuyển tập các bài xoay quanh khái niệm quyền lực biểu tượng.
Giai đoạn thứ hai tương ứng với việc phát hành bản dịch tiếng Anh La Distinction/Sự Ưu biệt ở NXB Harvard UP vào năm 1984, một bản dịch giúp thống nhất sự tiếp nhận xung quanh một lý thuyết về thế giới xã hội. Nó cũng tham gia vào việc thể chế hóa xã hội học văn hóa ở Hoa Kỳ. Sự thống nhất này, được đặc biệt thúc đẩy bởi Loïc Wacquant, đồng biên tập của cuốn Invitation to Reflexive Sociology/Lời mời đến với xã hội học phản tư (1992) được dịch sang 17 ngôn ngữ, mở ra một giai đoạn mới trong việc sử dụng lý thuyết như một chương trình nghiên cứu trên toàn thế giới, nhưng cũng dẫn đến những trích dẫn hời hợt, dựa nhiều vào tài liệu thứ cấp hơn là việc đọc các văn bản gốc. Chúng ta còn thấy có những sự lai ghép có vẻ đáng ngạc nhiên, chẳng hạn với thuyết chức năng của Parsons ở nước Nga thời hậu Xô Viết.
Loïc Wacquant (1960-) |
Nếu sự tiếp nhận của người Mỹ giữ một vai trò quan trọng trong việc lưu hành lý thuyết này trên toàn thế giới, nó đã kinh qua những người đọc các công trình bằng tiếng Pháp ở rất nhiều nơi và đôi khi cả với các nghiên cứu văn học, như ở Đức (nơi nhà nghiên cứu rôman học Joseph Jurt trở thành chuyên gia), ở Israel (nơi nhà nghiên cứu so sánh Itamar Even-Zohar giới thiệu nó do mối quan hệ với lý thuyết của chính ông về hệ thống đa thể) hoặc ở Nhật Bản (thông qua nhà nghiên cứu rôman học Harushi Kato). Ở Mỹ Latinh, xã hội học của Bourdieu thâm nhập theo nhiều kênh khác nhau: ở Brazil, nó đi cùng với sự hợp tác chặt chẽ với các định chế địa phương, với việc vài nhà nghiên cứu trẻ qua Pháp, bắt đầu từ những năm 1970 (như Sergio Miceli, sau đó là Afranio Garcia), hoặc qua việc các nhà nghiên cứu Pháp, như Monique de Saint Martin, lưu lại ở Brazil[8]. Đối với các quốc gia khác như Argentina hay Mexico, thì thường là những bản dịch và sự chiếm hữu sự nghiệp của Bourdieu tương ứng với những thách thức của từng trường quốc gia, với xu hướng rõ ràng là sự nhập khẩu các khái niệm và yếu tố lý thuyết hơn là các thực tiễn điều tra.
Số lượng bản dịch tăng lên từ năm 1989, theo “hiệu ứng Mathieu” như được Robert Merton định nghĩa, tốc độ của các bản dịch đã được đẩy nhanh từ việc chuyển từ NXB Éditions de Minuit sang NXB Seuil năm 1992, với khoảng cách càng có xu hướng giảm đi đối với các đầu sách xuất bản trong những năm 1990. (Les Règles de l’art/Những Quy tắc của nghệ thuật/, Méditations Pascaliennes/Suy tưởng theo chân Pascal, Raisons pratiques/Lý lẽ thực tiễn, La domination masculine/Sự thống trị của nam giới). Ở Trung Quốc, xã hội học của Bourdieu được du nhập từ giữa những năm 1990, dẫn đến việc sử dụng mang tính hiểu biết, như lý thuyết tái sản xuất xã hội kép do Li Lulu phát triển để phân tích sự quá độ từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường: thật vậy nền kinh tế thị trường đã củng cố tính di truyền xã hội (ảnh hưởng của vị trí xã hội của người cha), và do đó là sự tái tạo trực tiếp cấu trúc giai cấp, làm tổn hại đến căn cước chính trị (tư cách thành viên của Đảng Cộng sản) vốn chiếm ưu thế trước các cuộc cải cách của những năm 1980, trong việc tiếp cận các vị trí thống trị, trong khi vẫn duy trì một phương thức tái sản xuất gián tiếp thông qua hệ thống trường học. Vào thời điểm này, Bourdieu cũng đã trở thành một nhân vật của trí thức toàn cầu. Cuốn sách Sur la télévision/Về Truyền hình (1996) của ông đã được dịch sang 25 thứ tiếng trong vòng mười năm sau khi được xuất bản. Kể từ khi ông qua đời, sự nghiệp của ông đang trong quá trình kinh điển hóa, như được minh chứng qua nhiều hội nghị được tổ chức để tỏ lòng tôn kính ông tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Chile.
Biểu đồ: Sự tiến hóa của số lượng các sách của Bourdieu được dịch so với những sách bằng tiếng Pháp (nguồn: Gisele Shapiro và Mauricio Bustamante, “Translation as a measure of international consecration. Mapping the world distribution of Bourdieu’s books in translation/Sự dịch thuật như thước đo lường sự công nhận quốc tế. Bản đồ của các sách của Bourdieu được dịch trên toàn thế giới”, Sociologica, số 2-3, 2009) |
La Vie des idées: Việc ông được nhận vào Collège de France có đánh dấu một bước ngoặt trong công việc nghiên cứu của ông không?
G. S. & F. P.: Nếu chúng ta lấy lại sự đối lập mà ông đã phát triển trong Homo Academicus/Con người hàn lâm (1984), một cuộc khảo sát về trường hàn lâm được thực hiện sau khi ông được bầu vào Collège de France, thì sự nghiệp của Bourdieu diễn ra trong cực thống trị về mặt biểu tượng, nhưng lại là bị trị trong trường hàn lâm theo chính sự phân tích của ông, trước tiên tại EHESS/Trường Nghiên cứu cao cấp về khoa học xã hội, nơi ông được bổ nhiệm làm giám đốc nghiên cứu vào năm 1965, sau đó tại Collège de France vào năm 1981: do đó một phần quyền lực của ông trên các công cụ tái sản xuất đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu trong các trường đại học đã bị cắt đứt.
Alain Viala (1947-2021) |
Gaston Bachelard (1884-1962) |
Theo chính Bourdieu, Collège de France, có lẽ là định chế khoa học có uy tín nhất của Pháp, ban cho một sự thừa nhận mang tính nghịch lý: trong l’Esquisse pour une auto-analyse /Đề cương cho một bản tự phân tích, ông nói đến “tính chất đặc thù của vị trí của Collège de France” mà ông đã phân tích trong Homo academicus/Con người hàn lâm, như một “nơi tôn vinh những kẻ dị giáo, nằm cách xa mọi quyền lực thế tục đối với thể chế hàn lâm”[9]. Trong những kẻ dị giáo này, chúng ta có kể đến những tác giả mà đôi khi ông dựa vào, chẳng hạn như Gaston Bachelard, Georges Canguilhem và Alexandre Koyré:
Thường có nguồn gốc bình dân và tỉnh lẻ, hoặc xa lạ với Pháp và truyền thống học thuật của nó, và gắn liền với các tổ chức đại học lập dị, chẳng hạn như École des Hautes Etudes hoặc Collège de France, những tác giả này nằm ở ngoài lề và bị thống trị về mặt thế tục, bị sự sáng chói của kẻ thống trị che giấu trong nhận thức chung, đã cung cấp một lối cứu vãn cho những ai, vì nhiều lý do khác nhau, có ý định phản ứng chống lại hình ảnh vừa hấp dẫn vừa bị bác bỏ của người trí thức toàn diện, hiện diện trên mọi mặt trận của tư tưởng.[10]
Vị trí của định chế này dành cho “những nhà dị giáo được công nhận” giải thích tại sao họ gặp khó khăn,về mặt cá nhân hay tập thể, để có tác động lâu dài trong trường hàn lâm và trường chính trị: do đó, báo cáo mà Bourdieu đã viết với nhà sinh học François Gros mang tựa đề Propositions du Collège de France pour l’enseignement de l’avenir/Các đề xuất của Collège de France cho nền giáo dục tương lai của Pháp (1985), mặc dù được phổ biến rộng rãi, vẫn không được giữ lại trong các cuộc bầu cử tiếp theo sau, ngay cả bởi người đã đặt hàng (François Mitterrand).
Việc Bourdieu gia nhập Collège de France cũng có tác động đến cách làm xã hội học của ông: chính vào thời điểm đó, để suy nghĩ về những gì ông đang trải qua, ông đã nghiên cứu về “phép thuật xã hội của sự thừa nhận” và “các nghi thức của thể chế”[11]. Phải nói rằng câu chuyện trong bài giảng khai mạc (mà tựa đề là Bài giảng về bài giảng/Lecon sur la lecon – ND), ngay khi ông phải nhập vào một vai trò không trùng khớp với ý tưởng mà ông có về chính bản thân minh, đã đặt ông vào một tình huống trong đó ông bị hụt hẫng:
lấy việc soạn thảo một bài giảng khai mạc làm đối tượng cho bài giảng của mình, thực hiện một nghi thức thể chế và do đó thiết lập một khoảng cách với vai trò ngay khi đảm nhiệm vai trò đó. Nhưng tôi đã đánh giá thấp tính bạo lực của điều, thay vì chỉ là một bài diễn văn nghi lễ đơn giản, đã trở thành một kiểu ‘can thiệp’, theo nghĩa của các nghệ sĩ. Để mô tả nghi thức ngay trong sự thực hiện chính nghi thức, đó chính là hành động phản quy tắc mang tính xã hội tiêu biểu nhất, bao gồm việc đình chỉ niềm tin hoặc tệ hơn, đặt vấn đề và tạo nguy cơ cho nó ngay vào lúc và tại nơi mà nó được vinh danh và củng cố. Và như vậy, tôi đã phát hiện ra rằng, vào thời điểm thực hiện, và tự đặt mình vào tình huống, những gì đối với tôi là một giải pháp tâm lý đã tạo thành một thách thức đối với trật tự biểu tượng, một sự vi phạm phẩm giá của thể chế đòi hỏi sự im lặng đối với sự độc đoán của nghi thức thể chế đang được thực hiện.[12]
Tuy nhiên, ông không dừng lại ở cái “cảm giác đã nói hớ” này và phân tích xã hội mà ông rút ra từ đó, và sau đó đi vào xã hội học về trí thức:
làm xã hội học về trí thức, làm xã hội học về Collège de France, về ý nghĩa của việc soạn thảo một bài giảng khai mạc tại Collège de France, trong một bài khai giảng tại Collège de France, tức là đúng vào thời điểm mà ta bị cuốn vào trò chơi và bởi trò chơi, điều đó khẳng định, nếu không phải là khả năng giải phóng bản thân hoàn toàn khỏi nó, thì ít nhất cũng là khả năng nỗ lực theo hướng ấy... Đối với tôi, xã hội học đã đóng vai trò là một phân tích xã hội giúp tôi hiểu và chịu đựng những điều (bắt đầu từ chính bản thân mình) mà trước đây tôi cho là không thể chịu đựng được.[13]
Do đó, đối với ông, xã hội học về xã hội học này là cách để cưỡng lại sự thừa nhận và các hành vi, thường mang tính thống trị, gắn liền với nó.
Phỏng vấn do Nicolas Duvoux & Jules Naudet thực hiện, ngày 5 tháng 3 năm 2021
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Au fil du labyrinthe Bourdieu”, La vie des idées, 5.3.2021.
Chú
thích: [*]
Gisèle Sapiro (G.S.) là Giám đốc Nghiên cứu tại EHESS/Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales và Giám đốc Nghiên cứu tại CNRS/Centre National de la Recherche Scientifique (Trung tâm Xã hội học và Khoa học Chính trị Châu Âu). Tác giả của La Guerre des écrivains, 1940-1953/Cuộc chiến của các nhà văn, 1940-1953 (Fayard 1999), La Responsabilité de l’écrivain. Littérature, droit et morale en France, XIXe-XXIe siècle/Trách nhiệm của Nhà văn. Văn học, luật pháp và đạo đức ở Pháp, thế kỷ 19-21 (Seuil 2011), La Sociologie de la littérature/Xã hội học Văn học (La Découverte 2014), Les Ecrivains et la politique en France/Các nhà văn và chính trị ở Pháp (Seuil 2018), Peut-on dissocier l’œuvre de l’auteur/Chúng ta có thể tách tác phẩm khỏi tác giả không? (Seuil 2020), Des mots qui tuent/Các từ giết người (Points, Seuil 2020). Trong số các tác phẩm mà bà đã đồng biên tập: Pierre Bourdieu, nhà xã hội học (Fayard 2004), và gần đây là Ideas on the move in the Social Sciences and Humanities/Ý tưởng về việc di chuyển trong Khoa học Xã hội và Nhân văn (Palgrave 2020). [**]
Franck Poupeau (F.P.) là giám đốc nghiên cứu tại CNRS, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đại học về Châu Mỹ Latinh (IHEAL), được giao cho Viện Nghiên cứu Andean của Pháp (IFEA) và liên kết với CREDA (Trung tâm Nghiên cứu và tài liệu về Châu Mỹ). Gần đây, ông đã viết và/hoặc điều phối một số cuốn sách về chính sách nước: Water Bankruptcy in the Land of Plenty/Sự phá sản nguồn nước ở Vùng đất phì nhiều (CRC Press, 2016), Water Regimes/Chế độ nước (Routledge, 2016, với D. Lorrain), Water Conflits and Hydrocracy/Xung đột về nước và ngập úng (USP, 2018) và The Field of Water Policy/Lĩnh vực Chính sách Nước (Routledge, 2019, với Joan Cortinas, Brian O’Neill & Eliza Benites). Nghiên cứu của ông về bất bình đẳng và sự thống trị ở Bolivia ra mắt vào tháng 5 năm 2021 với tựa đề: Altiplano. Fragments d’une révolution (Bolivie, 1999-2019)/Altiplano. Những mảnh vỡ của một cuộc Cách mạng (Bolivia, 1999-2019). [***]
Dictionnaire international Bourdieu/Từ điển quốc tế về Bourdieu là một sự tổng kết đồ sộ (1000 trang) về sự nghiệp của Pierre Bourdieu được Nhà Xuất Bẩn CNRS Editions ấn hành năm 2020. Với gần 600 chỉ dẫn của 125 tác giả đến từ 20 nước, cuốn này tập hợp những chuyên gia giỏi nhất về Pierre Bourdieu, nhà xã hội học, chính trị học, triết học, sử học, nhân học, nhà văn… Qua chiều kích tập thể, quốc tế và liên ngành của nó, cuốn Từ điển này đổi mới một cách sâu sắc sự hiểu biết về nhà khoa học xã hội được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. [1]
Pierre
Bourdieu, “Les
conditions sociales de la circulation internationale des idées”, Actes de la recherche en sciences sociales,
n°145, 2002, p. 3-8. [2]
Voir
par exemple Pierre Bourdieu, Invitation à
la sociologie réflexive, Paris, Seuil, 2014 (avec Loïc Wacquant), p. 210. [3]
Pierre
Bourdieu, “Stratégies
de reproduction et modes de domination”, Actes de la recherche en sciences sociales,
n°105, 1994, p. 3-12. [4]
Pierre
Bourdieu, Sur l’État, Paris, Raisons d’agir/Seuil,
2010, p. 577. [5]
Pierre
Bourdieu, La Noblesse d’État, Paris,
Minuit, 1989, p. 406. [6]
Pierre
Bourdieu, “Une
révolution conservatrice dans l’édition”, Actes de la recherche en sciences sociales,
n°126-127, 1999, p. 3-28. [7]
Gisèle
Sapiro et Mauricio Bustamante, “Translation
as a measure of international consecration. Mapping the world distribution of
Bourdieu’s books in translation”, Sociologica, n°2-3, 2009. [8]
Voir à
ce sujet les actes du colloque de juin 2019 “Bourdieu et les Amériques” aux Editions IHEAL, sous presse. [9]
Pierre
Bourdieu, Esquisse pour une auto-analyse,
Paris, Raisons d’agir, 2004, p. 107. [10]
Ibid.,
p. 22. [11]
Invitation…,
op. cit., p. 267. [12]
Esquisse…,
op. cit., p. 138-139. [13]
Invitation…,
op. cit., p. 267.