27.5.21

Miến Điện: Nhóm đảo chính được giới tướng lãnh Thái Lan hậu thuẫn một cách kiên định

MIẾN ĐIỆN: NHÓM ĐẢO CHÍNH ĐƯỢC GIỚI TƯỚNG LÃNH THÁI LAN HẬU THUẪN MỘT CÁCH KIÊN ĐỊNH

Francis Christophe

Thống tướng Miến Điện Min Aung Hlaing được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Cha-ocha tiếp đón tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok vào ngày 3 tháng 9 năm 2019. (Nguồn: Southeast Asia Globe)

Các đơn vị quân đội Thái Lan được triển khai ở biên giới Miến Điện, là sự giúp sức cho nhóm đảo chính chống lại các phong trào ủng hộ dân chủ, bắt giữ các nhân vật đối lập tị nạn... Sự ủng hộ về chính trị của giới tướng lãnh Thái Lan dành cho những người đồng cấp ở Miến Điện diễn ra dưới nhiều hình thức. Sự đoàn kết đó cũng liên quan đến vấn đề tài chính: hai nhóm đảo chính là đối tác trong một tập đoàn ở Bermuda, do tập đoàn dầu khí Total của Pháp hợp doanh với tập đoàn Unocal của Mỹ, và sau này là tập đoàn Chevron, thành lập.

Một trăm ngày sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 ở Miến Điện, cuộc đàn áp đã khiến 800 người chết. Số người bị thương, người bị bắt giữ và người mất tích đã vượt con số chục nghìn người. Do mọi hoạt động bị tê liệt, Miến Điện đang trên bờ vực một cuộc nội chiến toàn diện, nơi gần như toàn bộ 54 triệu người dân, đoàn kết như chưa từng có trước đây, chống lại quân đội. Về phần giới tướng lãnh đảo chính, họ hưởng lợi từ sự hậu thuẫn kiên định và nhiều mặt của giới tướng lãnh Thái Lan.

Bản thân Thủ tướng Thái Lan hiện tại, Tướng Prayuth Chan Ocha, cũng lên nắm quyền vào năm 2014, khi dẫn đầu một cuộc đảo chính quân sự. Ông cũng đã chỉ đạo cuộc đàn áp diễn ra vào giữa những năm 2010 chống lại các nhân vật đối lập dân chủ bao gồm các vụ ám sát người trí thức tị nạn ở Lào[*], mà xác chết có nhiều vết tổn thương được vớt lên từ sông Mekong. Ở Campuchia, người tị nạn Thái Lan đã biến mất sau khi bị bắt cóc ở giữa phố Phnom Penh. Các nhân vật đối lập người Thái Lan khác, may mắn thoát khỏi bọn tay sai của Tướng Prayuth, thường đã xin tị nạn chính trị, đặc biệt ở Pháp. Giới lãnh đạo phương Tây đã đưa ra những lời phản đối chính phủ Thái Lan. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã kết luận các cơ quan mật vụ quân sự của Bangkok có liên quan trong các vụ nói trên.

Theo các nhà phân tích quân sự được tờ Nikkei Asia Review trích dẫn, kể từ ngày 1 tháng 2, nhiều đơn vị quân đội của Thái Lan đã được triển khai, theo cách có lợi nhất có thể cho các “chiến hữu” Miến Điện, trên đường biên giới chung dài 2.400 km.

Ngay từ năm 2014, bản thân Tướng Prayuth đã đối mặt với nhiều thách thức dân chủ mạnh mẽ. Các nhà hoạt động xã hội, nhiều nhất ở các thành phố, luôn hoạt động một cách tích cực. Bảy năm trước các đồng đội Miến Điện, biểu tượng [của các nhà hoạt động xã hội Thái Lan] là 3 ngón tay giơ lên. Rất nhiều phong trào ủng hộ dân chủ được “Liên minh trà sữa hậu thuẫn, một mạng lưới đoàn kết giữa giới trẻ châu Á đấu tranh chống lại chủ nghĩa độc tài. Nếu nhóm đảo chính Miến Điện sụp đổ, thì chế độ của Prayuth lo ngại một sự lây lan ở Thái Lan.

CUỘC ĐÀN ÁP LIÊN KẾT MIẾN ĐIỆN-THÁI LAN

Từ miền bắc đến vùng cực nam của vương quốc [Thái Lan], các vụ bắt giữ và trục xuất người tị nạn Miến Điện ở Thái Lan ngày càng gia tăng, hầu hết đều không có nhân chứng. Tuy nhiên, sự hiện diện đông đảo của họ đã không ngăn được việc hàng trăm người Miến Điện bị vây bắt ở Yangon vào ngày 30 tháng 4 và cưỡng bức bằng vũ lực [manu militari] đưa lên các sà lan của hải quân Miến Điện.

Nhờ một tình huống may mắn, ngay tại thành phố Chiang Mai, vào ngày 9 tháng 5, vụ bắt giữ 3 nhà báo có tiếng của Đài DVB (Đài tiếng nói dân chủ Miến Điện, một trong những phương tiện truyền thông tự do chuyên nghiệp nhất) và hai nhà báo kháng chiến Miến Điện, bị nhóm đảo chính truy lùng, đã không diễn ra êm xuôi. Các lời chống đối đã thay nhau diễn ra trên khắp thế giới trên nhiều mạng xã hội, trong đó có Facebook, trong vòng một giờ sau vụ bắt giữ, đã ngăn được điều tồi tệ nhất. Các nhà báo và bạn bè họ sẽ phải hầu tòa, trong một tuần sau đó, vì tội vi phạm luật nhập cư. Việc bàn giao ngay lập tức 3 nhà báo nói trên cho các “chiến hữu” Miến Điện đã thất bại. Nhưng liệu có bao nhiêu vụ trục xuất chóng vánh khác đã – hoặc sẽ – diễn ra “thành công”?

Việc phát triển một sự liên vận xuyên biên giới to lớn – không phải lúc nào cũng đúng luật – trong những năm gần đây, đã củng cố mối quan hệ thông đồng giữa các sĩ quan thuộc mọi cấp của quân đội hai nước. Ở trên cùng, các tướng Min Aung Hlaing và Prayuth đồng thời là tổng tư lệnh quân đội của họ. Sau khi trở thành Thủ tướng, vào năm 2018, Prayuth đã tiến cử người bạn của mình là Min Aung Hlaing để Nhà vua Thái Lan trao tặng “Huân chương Bạch tượng”, huân chương cao quý nhất “để vinh danh sự ủng hộ mà ông [Min Aung Hlaing] đã luôn thể hiện đối với quân đội Thái Lan”.

Buổi lễ đã diễn ra tại cung điện hoàng gia ở Bangkok, chưa đầy một năm sau khi Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, thực hiện cuộc thanh trừng sắc tộc người Rohingya, mà theo Liên Hợp Quốc, là tội ác chống lại nhân loại.

ĐƯỜNG ỐNG DẪN DẦU KHÍ MIẾN ĐIỆN-BERMUDA

Đây là trường hợp có một không hai trong biên niên sử của ngành dầu khí. Một cấu trúc tổ chức phức tạp về tài chính-kỹ thuật đã được thành lập ở Bermuda vào năm 1994, để giảm thiểu nhiều khoản thu và thuế khác nhau phải trả cho các Nhà nước có liên quan, Miến Điện và Thái Lan. Nó đã hoạt động trong ba mươi năm qua vì lợi ích của bốn nhà sáng lập, trong điều kiện thiếu minh bạch không kẽ hở, không ồn ào bởi các phương tiện truyền thông, và trong điều kiện ổn định đáng kể trong quan hệ cổ đông và các hoạt động bất hợp pháp.

Vào ngày 4 tháng 5, bài viết “Les millions de Total à la junte birmane” [Hàng triệu US$ của tập đoàn Total tài trợ cho nhóm quân phiệt Miến Điện] được đăng trên trang nhất của tờ Le Monde trong 4 cột báo.

Nhờ hành động kiên quyết của các chiến binh kháng chiến vô danh Miến Điện – mà một số thành viên đã hy sinh ở đó –, đã phơi bày hàng chục nghìn tài liệu mật và đã được phân loại liên quan đến các cấu trúc tổ chức tài chính được tập đoàn Total thành lập ở Bermuda (Total nắm giữ 31% vốn) với sự thỏa thuận hoàn toàn của ba đối tác: công ty UNOCAL của Mỹ (sau này được tập đoàn Chevron của Mỹ mua lại 28%), nhóm đảo chính Miến Điện thông qua cấu trúc tổ chức đặc biệt MOGE (Myanmar Oil and Gas Enterprise [Công ty dầu khí Miến Điện] 15%) và, PTT-EP ( Cơ quan Dầu khí Thái Lan – Thăm dò Khai thác – 26%) thuộc sở hữu Nhà nước Thái Lan.

Báo Le Monde, dựa trên các tài liệu mà ban biên tập đã tham khảo, giải thích cách thức mà “bè lũ Bốn tên”, đồng cổ đông của tập đoàn Bermuda MGTC (Moatama Gas transport Co) đã chia nhau, suốt 30 năm qua, tương ứng với tỷ lệ tham gia của từng đối tác, và theo cách tùy ý, hàng trăm triệu US$ mỗi năm.

Từ lâu, các tập đoàn Total, Chevron và MOGE đã được chỉ định là nhà tài trợ chính cho giới tướng lãnh Miến Điện. Báo Le Monde đã cung cấp bằng chứng thực tế về điều đó. Thật khó để tưởng tượng Prayuth và bè lũ tường lĩnh của ông quan tâm đến lợi ích của người đóng thuế Thái Lan nhiều hơn, so với sự quan tâm của người bạn ông là Min Aung Hlaing đến lợi ích của người Miến Điện. Về phần các tập đoàn Total và Unocal/Chevron, không chắc các cổ đông của họ được hưởng lợi toàn bộ các khoản thu nhập từ Bermuda.

BERMUDA: LỜI THÚ TỘI CỦA TẬP ĐOÀN TOTAL

Mười ngày sau khi tờ Le Monde đăng bài, đặt vấn đề nghiêm trọng về tính trung trực của Total đối với các hoạt động kinh doanh Bermuda-Miến Điện, tập đoàn dầu mỏ vẫn chưa thông báo về việc đệ đơn khiếu nại về tội phỉ báng, bước đi duy nhất có khả năng bảo tồn hình ảnh của họ. Thế mà đó lại là hình ảnh mà ban lãnh đạo hết sức quan tâm – hai tuần trước đại hội đồng cổ đông – đánh bóng, với sự hậu thuẫn các chiến dịch greenwashing [“quảng cáo xanh” – lừa dối công chúng].

Các luật gia chuyên ngành được Asialyst tham vấn cho rằng chỉ việc thông báo về một đơn khiếu nại có thể gây ra một trận hồng thuỷ chống lại Total và 3 đối tác của họ. Không một thành viên nào của “bè lũ Bốn tên” muốn bản sao chụp các bằng chứng không thể chối cãi đó được đăng lên mặt báo, mà nếu không có chúng thì ban lãnh đạo báo Le Monde, cũng như ban lãnh đạo của bất kỳ phương tiện truyền thông lớn nào, sẽ không công bố được vào ngày 4 tháng 5.

Theo một chuyên gia Thụy Sĩ về thiên đường thuế, am hiểu các rủi ro kinh doanh Miến Điện-Bermuda của Total, được Asialyst tham vấn về chủ đề này, thì “Burmese-Bermudian Quatre-quarts [Bốn đối tác của đường dây kinh doanh Miến Điện-Bermuda]” có thể là ngòi nổ sẽ gây ra cơn lũ “Bermuda Leaks [Rò rỉ hồ sơ Bermuda]”, hoặc “Bermuda Papers [Hồ sơ Bermuda]”.

Cũng theo chuyên gia này, vì những lý do phức tạp, Bermuda, cho đến nay, đã thoát khỏi những hạn chế đang bắt đầu tác động đến nhiều thiên đường thuế. Thế nên, khi áp lực của các điều khoản ngoài lãnh thổ của luật thuế Mỹ bắt đầu được cảm nhận ở Thụy Sĩ một cách nghiêm trọng, thì nhiều công ty về luật kinh doanh nổi tiếng ở Geneva đã thành lập chi nhánh ở Bermuda. Một số vị luật sư bậc thầy thậm chí đã chuyển đến đó.

Bermuda, ít được biết đến so với Quần đảo Virgin thuộc Anh, không còn là nơi trú an toàn trước sóng thần. Liệu quần đảo với nước biển màu ngọc lam này có còn là thiên đường độc nhất cho những “kẻ tự bảo hiểm” (“captives”) trong thời gian dài sắp tới hay không? Đây là tên gọi các cấu trúc tổ chức tài chính đó, đặc biệt có khuynh hướng tự bảo hiểm của các tập đoàn công nghiệp, tài chính và thương mại quy mô lớn và vừa, với những điều kiện thuế khóa không gì sánh nỗi trên hành tinh. Trong nhiều thập kỷ qua, tất cả các công ty ngành dầu trên thế giới đều thuộc quyền sở hữu của những kẻ “tự bảo hiểm” ở Bermuda. Đó không phải là ngành duy nhất.

Francis Christophe

Giới thiệu tác giả

Francis Christophe

Francis Christophe

Cựu nhà báo của hãng thông tấn AFP và trang mạng tin tức Bakchich, cựu điều tra viên của Observatoire Géopolitique des Drogues [Tổ chức giám sát ma túy địa chính trị], của trang Bakchich, Francis Christophe là một nhà báo tự do. Tác giả cuốn “Birmanie, la dictature du Pavot [Miến Điện, chế độ độc tài cây anh túc]” (Picquier, 1998), ông đã say mê nghiên cứu các “lỗ đen về thông tin”. Từ năm 1962 đến năm 1988, Miến Điện là quốc gia đáp ứng đúng nhất định nghĩa nói trên. Không có thông tin nào lọt ra ngoài từ chế độ độc tài quân sự tự cung tự cấp, cổ xưa này, gây chiến với các dân tộc thiểu số của họ, đơn độc tuyên bố con đường của Miến Điện tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Birmanie: la junte fermement soutenue par les généraux thaïlandais, Asialyst, ngày 14/05/2021.

----

Bài có liên quan: Tập đoàn dầu khí Total ở Miến Điện

Print Friendly and PDF