21.2.23

Một năm sau cuộc xâm lược Ukraine, khả năng chịu đựng ngạo nghễ của nền kinh tế Nga?

MỘT NĂM SAU CUỘC XÂM LƯỢC UKRAINE, KHẢ NĂNG CHỊU ĐỰNG NGẠO NGHỄ CỦA NỀN KINH TẾ NGA?

Ngày 17 tháng 2 năm 2023

Albert Lessoua

Trong một siêu thị ở Mátxcơva, ngày 12 tháng 12 năm 2022. Năm 2022, nền kinh tế Nga đã không suy sụp, nhưng đã bị suy thoái và sức mua của các hộ gia đình đã giảm. Oxana A/Shutterstock

Đầu năm 2022, nền kinh tế của Liên bang Nga là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới, và có GDP được xếp hạng thứ 11 thế giới vào năm 2021. Nhưng, vào ngày 21 tháng 2, bỗng Moscow đã quyết định công nhận nền độc lập của khu vực ly khai Donbass, rồi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vài ngày sau đó, bất chấp luật pháp quốc tế.

Các nước phương Tây đã có phản ứng rất nhanh chóng và đã tăng cường các biện pháp trừng phạt trong suốt cả năm. Không tự định vị là một bên tham chiến, nhiều quốc gia thuộc NATO đã đặt cược vào một đáp trả về kinh tế: Liên minh châu Âu đã khai trừ [Nga] khỏi hệ thống thương mại thế giới có đi có lại, khỏi mạng Swift, và gia tăng các biện pháp trừng phạt, cho đến việc triển khai một lệnh cấm vận, vào ngày 5 tháng 2 vừa qua, đối với tất cả các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Với mục tiêu là “giới lãnh đạo Nga cần hiểu rằng việc lựa chọn chiến tranh sẽ khiến cho các dân tộc và Lịch sử cô lập đất nước họ”, như lời tuyên bố của Emmanuel Macron trong bài phát biểu vào ngày 2 tháng 3 năm 2022.

Bị suy yếu một cách tương đối, nền kinh tế Nga vẫn cho thấy một khả năng chịu đựng nhất định vào năm 2022. Khác xa với dự đoán của IMF, vào tháng 4, về tình trạng suy giảm thê thảm 8,5%, sự tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ trải qua một mức suy thoái 2,2%. Và thậm chí còn dự kiến một mức tăng trưởng nhẹ 0,3% vào năm 2023. Liệu nền kinh tế Nga có thực sự đang trong tình trạng tồi tệ?

Một sức kháng cự rõ ràng

Bất chấp bối cảnh khó khăn gắn với các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây, nền kinh tế Nga cho thấy một khả năng chịu đựng nhất định. Trước hết, họ dựa vào những biện pháp bảo vệ của các cơ quan quản lý tiền tệ, vốn đã chọn cách hạn chế tăng lãi suất chủ đạo để duy trì lãi suất đó ở mức xoay quanh 7,5%, bất chấp tỷ lệ lạm phát đã dao động ở mức 14% trong năm 2022.

Việc Nga đạt được những đỉnh cao lịch sử, vào mùa xuân và mùa hè, do giá hydrocarbon [tăng] trên thị trường thế giới cũng cho phép nền kinh tế Nga tạm thời kháng cự chống lại các lệnh trừng phạt, bù đắp về giá trị từ sự sụt giảm lượng hàng xuất khẩu.

Một lĩnh vực kinh tế khác không kém phần quan trọng mang lại kết quả khả quan là lĩnh vực Công nghệ. Các đại gia VK và Yandex [về công nghệ] của Nga đã ghi nhận mức doanh thu tăng, và đã có thể củng cố vị thế của họ trên thị trường nội địa sau sự ra đi của nhiều đại gia toàn cầu trong lĩnh vực này.

Nhìn chung trong cả năm, nền kinh tế Nga đã ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai hơn 227 tỷ US$ (hơn 12% GDP), một mức tăng đáng kể 86% so với năm 2021. Ngay cả khi một phần kết quả được giải thích bằng những nhập khẩu ít hơn nhiều từ các nước phương Tây do các lệnh trừng phạt, Moscow cũng có thể tin tưởng vào những trao đổi thương mại luôn ở mức cao nhất với Bắc Kinh.

Tất cả điều này đã có thể ngăn được một cuộc khủng hoảng tài chính và sự phá sản của hệ thống ngân hàng Nga, khi mà việc bị loại khỏi mạng Swift đã mang lại rất nhiều khó khăn cho họ.

Về tỷ lệ thất nghiệp, nếu tin vào thông tin từ cơ quan thống kê quốc gia Rosstat, nền kinh tế Nga vẫn được coi là đang ở tình hình toàn dụng lao động với một tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức khoảng 4%.

Một tình trạng sức khỏe giả tạo?

Ursula von der Leyen (1958-)

Tuy nhiên, những triển vọng vào tương lai không làm cho đất nước của những Sa hoàng Nga yên tâm. Thực vậy, các dự báo về tăng trưởng kinh tế của IMF cho năm 2023 mang tính tích cực rất nhỏ, nhưng nền kinh tế Nga hơn bao giờ hết vẫn phụ thuộc, về mặt cấu trúc, vào các nguồn lực năng lượng, vốn chiếm từ 15 đến 20% GDP và 40% ngân sách Nhà nước. Do đó, sự dao động về giá cả đã góp phần đào sâu thêm mức thâm hụt công trong tháng Giêng.

Lệnh cấm vận đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế Nga, có hiệu lực vào ngày 5 tháng 2, vốn bồi thêm mức đội trần giá một thùng dầu thô được áp dụng từ tháng 12, có khuynh hướng đè nặng hơn bao giờ hết lên nguồn thu nhập của Moscow. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, muốn “làm cho Putin phải trả giá đắt cho cuộc chiến tàn bạo của ông ấy” và khiến cho nền kinh tế Nga “tụt hậu một thế hệ” với các biện pháp trừng phạt tiêu tốn đến “160 triệu euro mỗi ngày cho Nga”.

Trong khi Brussels đang xem xét gói trừng phạt thứ mười, thì những khó khăn mà nền kinh tế Nga gặp phải khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước phương Tây, cũng như nhập khẩu sản phẩm từ các nước này, sẽ không dừng lại. Những khó khăn này đặc biệt đè nặng lên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cơ khí và luyện kim. Ví dụ, ngành công nghiệp ô tô đang gặp khó do việc ngừng vận chuyển các phụ tùng thay thế từ châu Âu, đến mức Moscow từ nay cho phép nhập khẩu các mặt hàng đó mà không cần đến sự đồng ý của chủ sở hữu trí tuệ.

Albert Lessoua

Ngoài những khó khăn về thiếu hụt các mặt hàng tiêu thụ trung gian, ngành công nghiệp Nga còn thiếu nguồn cung lao động do việc huy động gần 300.000 quân nhân dự bị. Bởi vì trên hết, chính cuộc chiến tranh ở Ukraine là gốc rễ của những khó khăn đó.

Tác giả

Albert Lessoua, Phó Giáo sư về Kinh tế, Trường Kinh doanh Quốc tế ESCE

Tuyên bố công khai

Albert Lessoua không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Un an après l’invasion de l’Ukraine, une insolente résilience de l’économie russe?, The Conversation, ngày 17/02/2023

----

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF