27.2.23

ChatGPT: bạn, thù hay nhàm chán?

CHATGPT: BẠN, THÙ HAY NHÀM CHÁN?

Bạn đã bao giờ trò chuyện với ChatGPT chưa? Phần mềm này, mà bất kỳ người dùng web nào cũng có thể đối thoại, là SỰ phát triển công nghệ mới mà mọi người đang bàn tán… và sử dụng! Chương trình này, vốn chạy trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), đã thu hút hơn 100 triệu người dùng trên toàn thế giới chỉ sau vài tuần. TikTok đã phải mất chín tháng để đạt được kết quả tương tự, còn Instagram là hai năm rưỡi. Thành công đó không có gì đáng ngạc nhiên khi đã gây ra một loạt bình luận, với việc người người sử dụng lưỡng lự giữa ba kiểu phản ứng: thật tuyệt, thật tệ, thật nguy hiểm.

Bạn tôi!

Trước tiên, hãy nói về phiên bản thần kỳ. Hãy quên đi những yêu cầu đơn giản hay vui vui theo kiểu “hãy làm cho tôi một bài thơ về cải cách lương hưu thời thượng/theo kiểu của Victor Hugo” hoặc “hãy viết cho tôi một bài văn nhân ngày sinh nhật của một người bạn đam mê công nghệ”. Bởi vì đối với ChatGPT, đó là một điều nghiêm túc. Ví dụ, có một kiến trúc sư đã kể chuyện trên đài France Inter, rằng ChatGPT đã giải quyết một vấn đề chuyên môn trong vài giây, một vấn đề mà bản thân anh ta đã mất mười ngày để giải quyết. Cũng có ví dụ của một vị giáo sư thuộc Đại học Wharton, Hoa Kỳ, người cho công cụ dựa trên AI này dự thi chương trình MBA của khoa ông và nó đạt kết quả tốt. Còn có ví dụ của một kỹ sư, người đã thành công trong việc yêu cầu một chương trình bằng ngôn ngữ lập trình Python cho trò chơi yêu thích của mình.

Thế nên, sẽ có rất nhiều chuyên gia tìm thấy một công dụng rất lớn khi sử dụng AI, nhờ vào kiến thức, khả năng tổng hợp, chất lượng biểu đạt và khả năng huy động các nguồn thông tin của nó, điều mà không con người nào có thể lĩnh hội được trong suốt cuộc đời của mình.

Một eldorado [thiên đường] mới cho Microsoft, công ty đang cược vào sự thành công của AI khi đặt 10 tỷ đô la đầu tư lên bàn. Một phiên bản mới của phần mềm Teams sẽ tích hợp AI và nó được cho là sẽ được đưa vào các phiên bản sắp tới của Office 365. AI cũng sẽ được đưa vào phục vụ cho công cụ tìm kiếm (Bing), chắn hiện vẫn còn ít được sử dụng.

Về phần Google, họ đang cố gắng phát triển một phiên bản riêng của họ với dự án Sparrow. Chúng ta vừa biết là vào cuối năm ngoái, Google đã đầu tư 300 triệu đô la vào công ty khởi nghiệp Anthropic, được thành lập bởi các cựu nhân viên của OpenAI (công ty Mỹ đã tạo ra ChatGPT). Công ty Anthropic đang phát triển một phiên bản cạnh tranh của ChatGPT, có tên là Claude. Công ty công nghệ Baidu của Trung Quốc đang phát triển chatbot riêng của họ. Chatbot này được cho là sẽ được tích hợp vào công cụ tìm kiếm của Baidu từ tháng Ba.

Nói tóm lại, cuộc chiến công nghệ giữa các đại gia công nghệ Mỹ, và giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, đang tiếp diễn một cách rõ ràng trong lĩnh vực này. Nhân tiện, cần phải nói ở đây một lần nữa, châu Âu đang bỏ lỡ cơ hội về một đổi mới mang tính đột phá.

Thật tệ!

Bây giờ, hãy nói về những người mà ChatGPT đối với họ không mang lại bất cứ điều gì hoặc mang lại rất ít. Những người đã thử nghiệm ChatGPT đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra nhiều câu trả lời kỳ quặc. Nhất là, khi được hỏi ChatGPT lấy thông tin từ đâu về chủ đề này hay chủ đề kia, thì nó có thể trả lời bằng cách liệt kê ra những nguồn hoàn toàn tào lao.

Yann LeCun (1960-)

Những lời chỉ trích khác đã nhanh chóng xuất hiện: năng lực toán học của ChatGPT yếu so với trình độ viết lách, đối với một câu hỏi hoàn toàn phi lý, nó bịa ra một câu trả lời nghiêm túc, v.v.. Hơn nữa, đối với chuyên gia Yann LeCun, không có gì mang tính cách mạng về mặt công nghệ: “Tôi đang cố gắng điều chỉnh nhận thức của công chúng và giới truyền thông, những người coi ChatGPT như là một phát minh đáng kinh ngạc, mới lạ, sáng tạo và độc đáo, vượt xa tất cả các phát minh khác. Đây hoàn toàn không phải là trường hợp của ChatGPT”, nhà nghiên cứu (hơi ghen tị?) phụ trách về AI tại công ty Meta giải thích.

Những lời chỉ trích khác: dữ liệu mà “tác nhân đàm thoại” này sử dụng đã dừng lại vào năm 2021, đó là điều ngăn nó phát triển thành một công cụ trợ giúp tìm hiểu tin tức thời sự. Hơn nữa, ChatGPT không thể lên Internet để tự cập nhật thông tin. Nói tóm lại, đối với những người bài xích, ChatGPT có quá nhiều giới hạn mà chỉ vài người mê những kĩ thuật mới mẻ mới có thể tiếp tục sử dụng nó và sẽ có rất ít tác động đến đời sống kinh tế và xã hội.

AI nguy hiểm?

Nhưng không phải ai cũng thanh thản như thế. Một số người cho rằng lần này, trí tuệ nhân tạo đã vượt qua khúc quanh và ChatGPT là bot của mọi mối nguy.

Các phiên bản trước đó và các phiên bản cạnh tranh đã nhanh chóng tạo ra những nội dung mang tính phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và thù hận, đồng thời người sử dụng ít am hiểu có thể ngây ngô chấp nhận những câu trả lời hoàn toàn sai là đúng. Nếu khó phân biệt các văn bản của ChatGPT với các văn bản do con người tạo ra, thì sẽ quy kết văn bản có trước mặt cho ai? Một vấn đề mà các nhà giáo dục nhanh chóng phát hiện.

Một vấn đề khác: trí tuệ nhân tạo đưa ra câu trả lời dựa trên thông tin được trích xuất trong các nghiên cứu của những người đã làm về những chủ đề đã được đệ trình, nhưng lại không thừa nhận bản quyền và không trả tiền cho tác giả những nghiên cứu đó.

Trên hết, ChatGPT cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Trên bình diện kinh tế, kiểu phát triển công nghệ này đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ mà chỉ có Gafa [các công ty Google, Amazon, Facebook, và Apple], và các công ty công nghệ tương đương của Trung Quốc, mới có thể tài trợ nổi. Ngay cả khi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã thành công trong việc huy động 2,7 tỷ đô la vào năm ngoái, họ chỉ xuất hiện với tư cách là nhà sản xuất các công cụ phụ trợ. AI vẫn có nguy cơ trở thành một phương tiện để Gafa gia tăng sức mạnh kinh tế, chính trị và xã hội.

Antonio Casilli (1972-)

Tất cả các điều nói trên là nhờ chúng ta, nhà xã hội học Antonio Casilli đã nhấn mạnh trong một dòng tweet với sự mỉa mai gay gắt: “Cảm ơn tất cả các bạn đã kiểm tra các câu trả lời của ChatGPT trong nhiều tháng để cải thiện mô hình của chúng tôi. Sau khi khai thác sức lao động kỹ thuật số của các bạn, từ nay chúng tôi đã sẵn sàng để tính phí đăng ký để các bạn có thể truy cập vào cũng dịch vụ này.” Như vậy, nhà nghiên cứu đã quy chiếu đến thông báo của OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT, cung cấp một dịch vụ cao cấp (truy cập nhanh, sử dụng ngay các tính năng mới, v.v.) khi đăng ký (20 đô la mỗi tháng, chỉ có hiệu lực ở Hoa Kỳ vào thời điểm này).

Cuối cùng, bước tiến mới này của AI đang làm sống lại một nỗi lo ngại cũ và sâu sắc: liệu nó có thể thay thế công việc của con người hay không? Có người lạc quan tin rằng tất cả các thay đổi công nghệ đều cần có thời gian để làm thay đổi nền kinh tế và điều này sẽ dẫn đến những cách thức mới để tạo ra công ăn việc làm. Thế nên, tất cả những ai đã từng dự đoán một cuộc cách mạng về việc làm với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số thì đều đã sai, nhà kinh tế học Olivier Passet của [viện nghiên cứu kinh tế tư nhân] Xerfi nhớ lại.

Daniel Susskind

Nhưng lần này có thể khác. Trong mọi trường hợp, đó là niềm tin của nhà kinh tế học Daniel Susskind, người vừa xuất bản cuốn Un monde sans travail [Một thế giới không có việc làm] (NXB Flammarion), bằng tiếng Pháp. Tác giả nhắc lại rằng, tất cả những ai đã nói về tác động tiêu cực của các công nghệ mới đối với việc làm đều đã thực sự nhầm lẫn. Bởi vì nếu các công nghệ mới đó thay thế công việc của con người, thì chúng cũng tạo ra công việc [mới]: công nghệ mới đòi hỏi những chức năng mới, làm phong phú thêm nền kinh tế và làm cho nền kinh tế vận động hiệu quả hơn, từ đó làm tăng thu nhập, cầu và việc làm.

Đúng vậy, nhưng lần này, AI đang chiếm lĩnh ngày càng nhiều công việc hơn, những công việc thường nhật và không thường nhật, cho dù là công việc thủ công, có nhận thức hay thậm chí có cảm xúc. Susskind dự đoán, không phải tất cả các công việc đều sẽ biến mất, nhưng trong vài thập kỷ tới sẽ không có đủ việc làm cho tất cả mọi người. AI sẽ thúc đẩy việc tăng năng suất, từ đó làm tăng cầu về máy móc và AI, chứ không phải là làm tăng nhân công. Công tác huấn luyện đào tạo là một giải pháp rất hạn chế. Kết luận của tác giả: sẽ cần phải đánh thuế nhiều hơn những người hưởng lợi từ sự phát triển này (cá nhân và công ty) và giảm thời gian làm việc.

Liệu chúng ta có đến giai đoạn đó chưa? Một người dùng Internet đã hỏi ChatGPT: “Hãy kể cho tôi một lời nói dối”. AI trả lời: “bầu trời được làm từ phô mai tươi”. Người dùng Internet đáp lại, “Không, không, nói như thế không ai tin đâu, hãy cho tôi biết một lời nói dối tinh tế hơn”. “Tôi là một con người”…

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: ChatGPT: ami, ennemi ou ennui?, Alternatives Economiques, ngày 06/02/2023.

----

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF