28.2.23

Không thể tin cậy vào Putin

KHÔNG THỂ TIN CẬY VÀO PUTIN

Chủ tịch Hội nghị An ninh trả lời phỏng vấn về Ukraine

Tác giả: Christoph Heusgen, nhật báo taz phỏng vấn

Người dịch: Daniel Trần

Christoph Heusgen chủ trì Hội nghị An ninh Munich, bắt đầu vào thứ Sáu 16.2.2023. Và kêu gọi chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine trước.

Christoph Heusgen cùng chịu trách nhiệm về chính sách Nga của bà Merkel, mà ông vẫn bảo vệ cho đến ngày nay

Từ năm 2005 đến 2017, người đàn ông 67 tuổi này đã từng là cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Angela Merkel và sau đó là Đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ông hiện đang chủ trì Hội nghị An ninh Munich. Cuốn sách mới của ông “Lãnh đạo và Trách nhiệm – Chính sách Đối ngoại của Angela Merkel và Vai trò tương lai của Đức trên Thế giới” vừa được nhà xuất bản Siedler phát hành.

TAZ: Thưa Ông Heusgen, ông từng là cố vấn về chính sách ngoại giao cho bà Angela Merkel trong 12 năm. Đức đã phạm sai lầm gì trong chính sách đối với Nga?

Christoph Heusgen: Tôi muốn tránh dùng từ sai lầm. Bạn phải xem ở sự tương quan toàn diện hơn. Mối quan hệ của chúng ta với Nga được định hình bởi Chiến tranh Thế giới II. Đức chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 20 triệu người trên lãnh thổ Liên Xô. Và chúng ta biết ơn Gorbachev, người đã giúp nước Đức thống nhất. Cảm giác tội lỗi và lòng biết ơn là lý do sâu xa cho nhiều quyết định.

Vì vậy, ông và Merkel đã bị mù quáng bởi nhận thức lịch sử?

Christoph Heusgen (1955-)
Angela Merkel (1954-)

Không phải mù quáng mà chúng tôi đã bị ảnh hưởng bởi nhận thức lịch sử. Sai lầm của chúng tôi là đã đánh giá thấp bước ngoặt ảm đạm vào năm 2012, khi Putin nhậm chức tổng thống lần thứ hai. Sau năm 2012, Putin đã khác. Phe đối lập bị phân biệt đối xử, các tổ chức phi chính phủ bị cấm và quyền tự do truyền thông báo chí bị hạn chế. Đó là phản ứng của Putin đối với các cuộc biểu tình ở Nga và cuộc nổi dậy của dân chúng ở các nước Ả rập, nó cho thấy nhiều chính phủ có thể bị lật đổ. Khi nhìn lại, dường như những sự kiện này đã dẫn theo một đường thẳng đến cuộc tấn công vào Ukraine vào ngày 24 tháng Hai. Nhưng cũng phải tính đến ảnh hưởng của Corona và thực tế là Putin đã không có đối tác trao đổi đối thoại từ bên ngoài nước Nga trong hai năm qua.

Cảm thấy tội lỗi và chuộc lỗi lầm nghe có vẻ quý phái. Tuy nhiên có cả chuyện kinh doanh và mua khí đốt giá rẻ.

Chuyện đó có cùng một logic. Chính sách ngoại giao Phương Đông của Willy Brandt đã đi đôi với việc cải thiện các mối quan hệ kinh tế và kinh doanh đường ống khí đốt, tiếp dẫn sau đó là Nord Stream. Câu thần chú là “Làm Thay đổi thông qua Thương mại”. Đó là một phần của chính sách hòa giải.

Phải chăng Đức có thể đã ngăn chặn cuộc chiến này?

François Hollande (1954-)
Willy Brandt (1913-1992)

Thật khó nói. Chúng tôi luôn tìm ra giải pháp với Putin, ông hãy xem Thỏa thuận Minsk. Hollande và Merkel đã thành công trong việc ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga ở Donbass. Tôi tự hỏi, phải chi nếu không có Corona thì chúng tôi có thể nói rõ cho Putin biết hậu quả của một cuộc tấn công vào Ukraine. Cuộc chiến không phải là một thành công đối với Nga, nó khiến Nga tụt hậu nhiều thập kỷ về kinh tế.

Năm 2008, Mỹ muốn kết nạp Ukraine vào NATO. Merkel đã ngăn chặn điều đó. Đó có phải là một sai lầm?

Việc kết nạp Georgia và Ukraine vào năm 2008 cũng gây nhiều tranh cãi kịch liệt trong chính phủ Hoa Kỳ. Ukraine chưa sẵn sàng trở thành thành viên NATO vào năm 2008. Tổng thống Yushchenko khi đó đã hoàn toàn bất đồng với Nữ thủ tướng Tymoshenko. Các cuộc thăm dò cho thấy hơn một nửa người dân Ukraine phản đối việc gia nhập. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, việc gia nhập NATO là không thể vào thời điểm đó.

Lúc đó là sai, nhưng liệu bây giờ có đúng không?

Viktor Yushchenko (1954-)
Yulia Tymoshenko (1960-)

Không, chừng nào Ukraine còn chiến tranh với Nga, gia nhập trở thành thành viên NATO là không thể. Điều đó sẽ tự động dẫn đến một cuộc chiến của NATO chống lại Nga. Thủ tướng Scholz đã đúng khi loại trừ điều này. Nhưng câu hỏi về tư cách thành viên NATO sẽ nảy sinh khi có một lệnh ngừng bắn và một hiệp ước hòa bình. Ukraine đã đúng khi chỉ ra rằng Nga đã không tuân thủ Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, không tuân thủ Hiệp ước Hữu nghị Ukraine-Nga, không tuân thủ Thỏa thuận Minsk. Các thỏa thuận với Nga không có giá trị như tờ giấy mà chúng được viết ra. Bạn không thể tin cậy vào Putin. Đó là lý do tại sao Kiev sẽ yêu cầu đảm bảo an ninh.

Và điều đó có nghĩa là gì?

Có ba lựa chọn. Thứ nhất: việc gia nhập NATO. Thứ hai: Đảm bảo an ninh từ các quốc gia NATO riêng lẻ. Thứ ba, vũ trang cho Ukraine ở mức độ thật hiện đại khiến cho bất kỳ cuộc tấn công nào nữa sẽ trở nên đầy rủi ro.

Và Mỹ là người tham gia chính?

Đúng. Ukraine sẽ không ký lệnh ngừng bắn nếu không có sự tham gia của Mỹ. Berlin làm rất nhiều cho Kiev về mặt quân sự – nhưng chỉ mang lại một phần mười những gì Hoa Kỳ mang lại. Không có họ thì không có sự đảm bảo đáng tin cậy nào về an ninh đối với Nga.

Có thể hình dung được rằng Putin sẽ chấp nhận tư cách thành viên chỉ trên thực tế hoặc thậm chí tư cách thành viên theo luật của Ukraine trong NATO?

Olaf Scholz (1958-)

Hiện tại thì không. Tôi nghĩ việc Scholz nói chuyện điện thoại với Putin là đúng. Nhưng thông điệp của Putin không thay đổi. Ông không công nhận Ukraine là một quốc gia và muốn một Ukraine phi quân sự hóa. Điều này là không thể chấp nhận được đối với Ukraine. Họ kiên quyết đòi khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình.

Có cơ hội đàm phán không?

Có 15 triệu người phải sơ tán và hàng chục nghìn người chết. Trước những đau khổ khôn lường của con người, không nên bỏ lỡ bất kỳ cố gắng nào. Tuy nhiên, sẽ chỉ có các cuộc đàm phán hòa bình một khi Putin hiểu rằng ông ta không thể đạt được mục tiêu chiến tranh của mình là khuất phục Ukraine. Và khi Kiev thừa nhận: chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ hơn sẽ phải trả giá bằng quá nhiều nhân mạng. Đó là hai điều kiện tiên quyết.

Điều đó có thể cần một thời gian dài.

Đúng, nhưng chúng ta cũng nên thấy rằng có điều gì đó thực hiện được giữa Moscow và Kiev. Cả hai bên đã đồng ý về việc trao đổi tù nhân và đồng ý về việc cung cấp ngũ cốc với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta có thể hy vọng rằng các thỏa thuận nhỏ hơn về ngừng bắn nhân đạo trong khu vực cũng sẽ khả thi. Nhưng tôi nghĩ đàm phán hòa bình hiện nay không thực tế.

Tổng thống Brazil Lula đã đề xuất đàm phán với Trung Quốc và Brazil. Đây có thể là một giải pháp?

Brazil và Trung Quốc nằm trong liên minh Brics với Nga. Ấn Độ bỏ phiếu trắng khi lên án Nga tại Hội đồng Bảo an. Ngoại trưởng Nga Lavrov được chào đón nồng nhiệt tại Nam Phi, cũng là một phần của Brics. Các nước Brics theo một nghĩa nào đó có tính phe phái. Do đó, ít nhất một quốc gia NATO sẽ phải có mặt trong các cuộc đàm phán.

Putin đang cố gắng thể hiện mình là một người chống chủ nghĩa đế quốc của phương Tây ở Nam bán cầu. Phương Tây đã hiểu đầy đủ về hiện tượng này chưa?

Câu hỏi này rất quan trọng. Ở châu Âu, tất cả đều rõ ai là thủ phạm và ai là nạn nhân. Nhưng với tư cách là đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc, tôi thấy nhiều nước trên thế giới có suy nghĩ khác. Ngay cả trước chiến tranh của Nga, đã có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các câu chuyện truyền miệng. Nhiều nước ủng hộ Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Trật tự dựa trên Luật lệ. Những nước khác nhấn mạnh nhiều vào chủ quyền quốc gia mà mọi thứ khác, bao gồm cả nhân quyền, đều trở thành thứ yếu. Nhiều nước coi cuộc chiến Ukraine là sự mở rộng của cuộc xung đột giữa hai khối Đông và Tây và xác định lập trường trung lập. Ở đây điều quan trọng là chúng ta phải phản bác. Đó không phải là sự tiếp tục của cuộc xung đột Đông-Tây, mà là một cuộc tấn công lớn vào Trật tự quốc tế dựa trên Luật lệ. Là quốc gia có nền kinh tế mạnh thứ tư trên thế giới với mức độ tín nhiệm cao, Đức phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ câu chuyện của chúng ta ở Nam bán cầu – Trật tự dựa trên Luật lệ, được xây dựng trên Hiến chương Liên hiệp quốc. Thủ tướng Scholz đã phải xác định ở Argentina và Brazil rằng chúng ta đang ở thế phòng thủ. Đức cần đấn thân nhiều hơn nữa vào Nam bán cầu.

Chẳng phải điều đó bao gồm việc tự phê bình nhiều hơn về phía phương Tây sao? Trong cuốn sách “Lãnh đạo và Trách nhiệm”, ông ­chỉ dành một trang để nói về những sai lầm của phương Tây, chẳng hạn như cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq…

Vậy thì bạn mới chỉ đọc được một nửa cuốn sách. Tôi thậm chí đã cho thấy rằng phương Tây đã thường xuyên vi phạm trật tự dựa trên quy tắc mà chính họ tuyên truyền. Tôi chỉ trích việc Hoa Kỳ dưới thời Trump đã vi phạm luật pháp quốc tế khi chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem hoặc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Đức nên đóng vai trò gì trong cuộc xung đột Ukraine trong tương lai?

Tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo và kinh tế cho Ukraine và cung cấp cho nước này vũ khí cần thiết để tự vệ và chiếm lại các vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ. Chỉ khi đó, một lệnh ngừng bắn mới có thể thực hiện được. Đặc biệt, Đức không nên áp đặt bất kỳ mục tiêu nào cho Kiev, mà nên hỗ trợ và sát cánh bên quốc gia bị tàn phá trong sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác.

Khi bắt đầu chiến tranh, Ukraine yêu cầu một vùng cấm bay. NATO bác bỏ điều đó. Vì vậy, đồng ý theo mong muốn của Ukraine có thể rất rủi ro…

Người Ukraine không thể tự mình thực thi vùng cấm bay mà chỉ có sự trợ giúp của NATO. Nếu một tên lửa của NATO hay một tiêm kích Eurofighter bắn hạ một máy bay Nga, chúng ta sẽ trở thành một bên tham chiến. Điều đó hoàn toàn không thể được. Nhưng một điều có khác biệt là việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tôi cho rằng điều đó không có vấn đề gì theo luật pháp quốc tế vì điều đó không có nghĩa là NATO trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.

Khi nói đến máy bay chiến đấu, không phải ranh giới giữa việc tham gia vào cuộc chiến trở nên mờ nhạt sao? Các máy bay phản lực phương Tây như F-16 phải được bảo trì trên lãnh thổ NATO và bay từ đó để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở Ukraine.

Điều đó cũng xảy ra với xe tăng và pháo tự hành. Chúng được sửa chữa ở Slovakia. Theo luật pháp quốc tế, chúng tôi có thể cung cấp vật liệu chiến tranh cho Ukraine mà không trở thành một bên tham chiến.

Máy bay chiến đấu được bảo trì ở các nước phương Tây và hoạt động trên lãnh thổ Nga có thể được coi là mối đe dọa từ quan điểm của Nga…

Máy bay chiến đấu sẽ chỉ được cung cấp với điều kiện giống như xe tăng – đó là Ukraine không được sử dụng chúng trên lãnh thổ Nga. Và Zelensky phải cam kết theo các thỏa thuận.

Lầu Năm Góc nói Không với máy bay chiến đấu vào tháng 3/2022 vì nguy cơ leo thang căng thẳng quá lớn. Đó sẽ là lằn ranh đỏ đối với người Nga.

Chính phủ Đức từ lâu đã lập luận điều này liên quan đến xe tăng chiến đấu. Ông Peskov, phát ngôn viên của Putin, đã nói rằng mọi hoạt động chuyển giao vũ khí đều vượt qua ranh giới đỏ. Chúng ta không nên khiến sự ủng hộ của mình đối với Ukraine phụ thuộc vào những đường đỏ được vẽ ra một cách tùy tiện của Điện Kremlin, mà hãy chọn một trọng tâm khác. Chúng ta phải ngăn Putin thành công về mặt quân sự. Bởi vì kế hoạch của ông ấy không chỉ kết thúc với cuộc chiến này. Tại Cộng hòa Moldova, đang có những lo ngại có thể hiểu được về một cuộc tấn công của Nga. Hãy nói chuyện với các đại diện chính trị của các nước vùng Baltic. Họ sợ rằng họ sẽ bị tấn công nếu không ngăn chặn được Putin ở Ukraine. Vì vậy, chúng ta phải làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn thành công của Putin ở Ukraine.

Ông cho rằng một cuộc tấn công vào các quốc gia NATO ở các nước vùng Baltic chỉ là một nỗi sợ hãi có thể hiểu được do bắt nguồn từ lịch sử – hay cuộc tấn công sẽ là một kịch bản thực tế?

Annalena Baerbock (1980-)

Ngay từ mùa thu năm 2021, tôi đã ủng hộ việc giao vũ khí cho Kiev và đã tranh luận với bà Baerbock về điều đó tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 năm 2022. Bà đã hoàn toàn phản đối. Vào ngày 20 tháng 2 năm 2022, tôi cho rằng với sự thống nhất của phương Tây, Putin sẽ không xâm lược Ukraine. Đó là một sai lầm. Tôi không định nói với Thủ tướng Estonia Kaja Kallas rằng bà ấy chỉ được dẫn dắt bởi những nỗi sợ hãi từ quá khứ. Chúng ta không nên tự cho mình có quyền khẳng định điều gì. Không phải sau khi hầu hết người Đức đã sai với kịch bản của họ vào tháng 2 năm 2022. Và không phải sau khi Đức bỏ ngoài tai lời khuyên của người Ba Lan, người Eston, người Litva, người Latvia và người Mỹ về Nord Stream. Bất kỳ sự cao ngạo biết nhiều hơn mọi người đều là chuyện không hay cần bị ngăn cấm.

Ban đầu, ông nói rằng quan điểm của Đức về Nga bị che mờ bởi cảm giác tội lỗi. Điều này hiện đang được lặp lại liên quan đến các nước Đông Âu – và liệu Đức có đang đền bù quá mức cho cảm giác tội lỗi?

Không! Đức đã mua dầu khí ở Nga với giá 25 tỷ euro kể từ khi bắt đầu chiến tranh vào tháng 2 năm 2022! Không thể nói về việc đền bù quá mức. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tháo dỡ những gì chúng tôi đã làm sai.

Đó có phải là lý do tại sao ông không mời Lavrov đến Hội nghị An ninh Munich?

Vào năm 2022, người Nga đã được mời – và đã không đến. Bây giờ chúng tôi không xem nhẹ quyết định này. Hội nghị An ninh Munich cung cấp một diễn đàn cho tất cả những ai đang tìm kiếm đối thoại hòa bình. Tôi biết Lavrov đủ rõ để biết điều gì có thể xảy ra. Chúng tôi sẽ trở thành sân khấu tuyên truyền thuần túy của Nga. Đó không phải là công việc của chúng tôi. Hiện không có dấu hiệu sẵn sàng đàm phán ở Moscow.

Ông có tìm hiểu các cuộc biểu tình phản đối?

Mọi người đều có thể tự do tham gia biểu tình và bày tỏ ý kiến của mình, điều này cũng phân biệt chúng ta với Nga. Nhưng tôi e rằng không có khoảng trống nào trong lịch trình của tôi trong thời gian diễn ra hội nghị.

Nguồn nguyên tác: Auf Putin ist kein Verlass, Nhật báo TAZ, 15.02.2023

Nguồn bản dịch: Không thể tin cậy vào Putin, DienDanKhaiPhong.Org, 26.02.2023

Print Friendly and PDF