13.2.23

Pierre Nora (1931-)

PIERRE NORA (1931-)

Patrick Garcia[*]

Pierre Nora (1931-)

Sinh năm 1931, cử nhân văn chương và triết học, thạc sĩ lịch sử, Pierre Nora có một sự nghiệp kép vừa là sử gia vừa là nhà xuất bản.

Với tư cách là người xuất bản sách, đặc biệt ông đã sáng lập tủ sách “Archives” (1964) trong NXB Juliard, rồi trở thành giám đốc văn chương cho NXB Gallimard, sáng lập “Bibliothèque des sciences humaines” (1966), “Témoins” (1967) và “Bibliothèque des Histoires” (1970). Các tủ sách này đồng hành cùng sự phát triển của trào lưu “Nouvelle Histoire” và tức thì được công nhận là những tác phẩm tham chiếu có mẫu số chung là chia sẻ tham vọng “bám sát những chuyển động” của thời cuộc các tác phẩm lịch sử. Tủ sách “Archives” (Kho sử liệu) đổi mới khi để cho bạn đọc tiếp cận với các nguồn được các sử gia sử dụng. Tủ sách “Bibliothèque des Histoires” (Thư viện các lịch sử) mà văn bản sáng lập lấy cảm hứng từ những luận điểm của Michel Foucault, đã trở thành biểu tượng cho sự “bung vỡ của sử học” và sự “đổi mới các phương pháp, chia cắt và đối tượng của sử học”. Cũng cùng một mối quan tâm đến thời cuộc trí thức và quyết tâm can dự vào thời cuộc ấy đã đưa P. Nora thành lập tạp chí Le Débat (Tranh luận) vào năm 1980.

Tuy nhiên không vì thế mà Pierre Nora từ bỏ sử học. Ông đặc biệt quan tâm hai lãnh địa: một mặt là thuật viết sử và khoa học luận của sử học và mặt khác là quốc gia.

Ernest Lavisse (1842-1922)
Jacques Le Goff (1924-2014)

Ngay từ năm 1972, ông dự kiến chủ đề “sự trở lại của biến cố” khi đề xuất ý niệm “biến cố khổng lồ” (évènement-monstre), tức là biến cố được nắm bắt qua toàn bộ những tiếng vang, cách đọc và biểu trưng của nó. Cùng với Jacques Le Goff, ông là người chủ xướng Faire de l’histoire (1974), tuyên ngôn của Nouvelle Histoire (Sử học mới) liệt kê những vấn đề và đối tượng mới mà các sử gia thuộc thế hệ thứ ba của Trường phái Annales chủ trương quảng bá và nghiên cứu. Năm 1987, ông gợi ý và lãnh đạo các Essais d’égo-histoire. Những tiểu luận này tập hợp các tự truyện của những sử gia nổi tiếng nhằm làm rõ quan hệ cá nhân kết nối sử gia với đối tượng nghiên cứu của họ sao cho cái “chúng tôi” của cộng đồng các sử gia thừa hưởng từ sự đoạn tuyệt về phương pháp nhường chỗ cho cái “tôi” của nhà sử học-người viết (historien-écrivant). Cuối cùng những sự can dự của ông vào kí ức tập thể, một ý niệm của Maurice Halbwachs được ông lấy lại, cho phép ông đan chéo các quan tâm lí thuyết của bản thân với đối tượng nghiên cứu ưa thích của ông là quốc gia, chủ đề không ngừng trở đi trở lại từ năm 1962 với bài viết đầu tiên về Lavisse.

Được bầu làm giám đốc nghiên cứu EHESS (Trường cao học các khoa học xã hội) năm 1978 cho chủ đề “Lịch sử về hiện tại” (histoire du présent) ông định chế hoá xêmina Les lieux de mémoire (Những di chỉ của ký ức) là nơi xuất phát của tác phẩm cùng tên khiến ông được công chúng rộng rãi biết đến – ở Pháp cũng như ở nước ngoài – và đặc biệt mở đường cho ông được bầu vào Hàn lâm viện Pháp (2001).

Jean-B. Pontalis (1924-2013)

Cùng với 203 cộng tác viên, Les lieux de pouvoir là công trình lịch sử lớn nhất được hoàn tất ở Pháp. Các bài viết của Pierre Nora dựng lên cái khung các vấn đề được đề cập trong công trình này và làm nên tính chặt chẽ của chúng. Bảy cuốn được xuất bản từ năm 1984 đến năm 1993 và được phân bổ trong ba ngõ vào – nền Cộng hoà, Quốc gia và các nước Pháp – liệt kê những chốn vật chất và cụ thể hay có tính ẩn dụ và trừu tượng và là những nơi kết tinh tình cảm dân tộc. Les lieux de mémoire cũng là một phương pháp vượt qua các lĩnh vực được các đóng góp khác nhau khai thác. Công trình còn chuyển tải dự án tổng quát hơn của một lịch sử ở cấp độ hai” (Marcel Gauchet) cốt tích hợp vào việc nghiên cứu một đối tượng các cách đọc nối tiếp nhau về đối tượng ấy. Phương pháp này, vốn dành cho việc tường thuật trong công việc của nhà sử học một vai trò trung tâm, dẫn đến việc kể lại các lời kể, dịch chuyển vị thế thông thường của nhà sử học và cấu thành một câu trả lời độc đáo cho câu hỏi luôn được đặt đi đặt lại: “Làm thế nào viết lịch sử nước Pháp?”. Trong cuộc trao đổi với nhà phân tâm học Jean-Bertrand Pontalis (1977), Pierre Nora nhìn thấy ở đây một cách để thoát khỏi logic mục đích luận về lịch sử quốc gia mà mẫu lí tưởng là mẫu của Lavisse.

Một nét độc đáo chính khác của công trình là được nối kết chặt chẽ với những phân tích thời cuộc. Với đặc tính này đây đích thực là một lịch sử về hiện tại. Ký ức dân tộc có thể trở thành đối tượng nghiên cứu vì các tường thuật (các hệ tư tưởng-kí ức/idéologie-mémoire) từng cấu thành ký ức này nay đã cạn kiệt. Sự bành trướng của điều được xem như thuộc về di sản. Sự bùng nổ của chủ đề ký ức và của những cuộc kỷ niệm đánh dấu sự kết thúc của lịch sử tính hiện đại trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai đã được nối liền nhau theo chiều hướng đi lên. Những ký ức mang tính xung đột thừa hưởng từ những ngăn cách từng cấu trúc hoá lịch sử đất nước có thể trở thành một di sản chung và nuôi dưỡng một “chủ nghĩa dân tộc xoa dịu hơn”.

Étienne François (1943-)

Do đó, dọc đường đi Pierre Nora đề xuất nhiều hơn là một cách viết lại lịch sử vì khi tích hợp đầy đủ “thao tác diễn ngôn sử học” (Certeau) ông cung cấp một mô hình để suy nghĩ và cơ cấu lại bản sc dân tộc vào lúc mà chiều kích quốc gia bị tương đối hoá.

Tính chất phương thuốc này, đôi lúc được gọi là “tân Lavisse” (Valensi, 1995) đã góp phần không nhỏ vào thành công của công trình khiến nó nhanh chóng được công chúng và các thể chế công nhận – cụm từ “lieux de mémoire” được đưa vào từ điển, luật về các di sản của ký ức – và được thể hiện trong cách học ngay từ năm 1995.

Có tính phát hiện về mặt viết lịch sử cũng như trong cách tư duy các quan hệ của các xã hội châu Âu với quá khứ của chúng, Les lieux de mémoire được dùng làm mô hình cho các công trình tương tự về các nước khác, đặc biệt là Đức, dưới sự chủ biên của Étienne François.

· Les Français d’Algérie, Paris, Juillard (1961). – “Ernest Lavisse, son rôle dans la formation du sentiment national”, Revue historique (1962). – “Le “fardeau de l’histoire” aux Etats-Unis”, Mélanges Pierre Renouvin. Études d’histoire des relations internationales, Paris, PUF (1966). – “Le retour de l’évènement”, in Faire de l’histoire, Paris, Gallimard (1974). – Entretiens avec J. B. Pontalis, Nouvelle Revue de psychanalyse, 1977, n015. – “La mémoire collective” in J. Le Goff (dir.), La Nouvelle histoire, Paris, Retz (1978). – NORA P. (dir.), Les lieux de mémoire (1984-1992), Paris, Gallimard, “Quarto”, 1994. – “La notion de lieux de mémoire est-elle exportable?”, Lieux de mémoire et identités nationales, Amsterdam, Universtiy Press, 1993. – “Loi de la mémoire”, Le Débat, 1994, n078.

ENGLUND S., “De l’usage de la Nation par les historiens, et réciproquement” và “L’histoire des âges recents” in La France de Pierre Nora, Politix, 1994, n026. – GARCIA P., “Les lieux de mémoire”: une politique de la mémoire?”, Espaces Temps, 2000, n074-75. – LAVABRE M. C., “Usages du passé, usages de la mémoire”, Revue française de science politique, 1994, n03. – ROUSSO H., “Un jeu de l’oie de l’identité française”, Vingtième siècle. Revue d’histoire, 1987, n015. – SCHRADER F. E., “Comment une histoire du national est-elle possible?”, Genèse, 1994, n014. – VALENSI L., “Histoire nationale, histoire monumentale Les lieux de mémoire”, Annales HSS, 1995, n06. – WiLLAIME J. P., “De la sacralisation de la France et imginaire national”, Archives des sciences de religion, 1988, vol. 66, n026. – “Mémoires comparées”, Le Débat, 1994, n078.

Biến cố, Certau M. de, Foucault M., Di sản, Halbwachs, Kỉ niệm, Le Goff J., Lịch sử, Lịch sử, ký ức và chính trị, Lịch sử về hiện tại, Nhà nước và quốc gia, Những di chỉ của ký ức, Sử liệu, Trường phái Annales.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Le dictionnaire des sciences humaines, Sylvie Mesure và Patrick Savidan chủ biên, Paris, PUF, 2006.




Chú thích:

[*] Phó giáo sư lịch sử tại IUFM Versailles, nhà nghiên cứu liên kết với IHTP (Institut d’histoire du temps présent – CNRS).

Print Friendly and PDF