11.10.23

Giải Nobel kinh tế: Công trình của Claudia Goldin là mỏ vàng

GIẢI NOBEL KINH TẾ: CÔNG TRÌNH CỦA CLAUDIA GOLDIN LÀ MỎ VÀNG ĐỂ TÌM HIỂU KHOẢNG CÁCH LƯƠNG THEO GIỚI VÀ SỰ TRAO QUYỀN CHO NỮ GIỚI

Đã xuất bản: 7 giờ 12 sáng ngày 10 tháng 10 năm 2023 theo giờ BST

Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế nhằm tưởng nhớ Alfred Nobel 2023 đã được trao cho giáo sư Harvard Claudia Goldin. Đại học Harvard/EPA-EFE

Theo Claudia Goldin, Giáo sư Kinh tế Henry Lee tại Đại học Harvard, nữ giới đã khuấy động một cuộc “cách mạng thầm lặng” trên thị trường lao động. Bà là người nhận giải Nobel kinh tế năm 2023 nhờ phân tích về những khác biệt về giới trong thị trường lao động, đặc biệt là vấn đề kinh niên về khoảng cách lương theo giới.

Theo tiểu sử Harvard của Goldin, “hầu hết nghiên cứu của bà diễn giải hiện tại qua các lăng kính của quá khứ và khám phá nguồn gốc của các vấn đề đáng quan tâm hiện tại”. Và điều này thực sự nắm bắt được bản chất công trình của bà cũng như tầm ảnh hưởng của nó.

Là một nhà sử học kinh tế, Goldin nghiên cứu, ghi chép và làm sáng tỏ những thay đổi trong việc trao quyền về kinh tế cho nữ giới theo thời gian trên thị trường lao động, cũng như những nguyên nhânthách thức phía trước đối với tất cả chúng ta, những người muốn biến thế giới thành một nơi bình đẳng hơn để sống và làm việc.

Bất chấp một số sự tiến bộ, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn là mối quan tâm toàn cầu. Dĩ nhiên, tình trạng này khác nhau giữa các nước, nhưng sự tham gia của nữ giới không bằng sự tham gia của nam giới vào thị trường lao động ở mọi nơi trên thế giới.

Và khi nữ giới đi làm, lương của họ thấp hơn nam giới. Nếu bạn muốn hiểu điều gì đang thúc đẩy cơ năng (dynamics) của những chênh lệch về giới này – và đào sâu vào nhiều khía cạnh của chúng – thì công trình của Goldin chính là một mỏ vàng.

Vai trò của giáo dục, gia đình và tổ chức làm việc là một số chủ đề được khám phá trong nghiên cứu của bà nhằm giải thích sự tiến hóa lịch sử của những chênh lệch về giới trong sự tham gia vào [thị trường] lao động và tiền lương.

Một cuộc cách mạng thầm lặng

Goldin đặt ra thuật ngữ “cách mạng thầm lặng” (quiet revolution) để mô tả cơ năng của chênh lệch về giới trên thị trường lao động và sự gia tăng của việc nữ giới đã kết hôn ở Hoa Kỳ vào lực lượng lao động trong những năm 1970. Bà chỉ ra rằng có hai thành phần chính của cuộc cách mạng thầm lặng này: đầu tư vào giáo dục và hoãn tuổi kết hôn lần đầu - điều này đã được ủng hộ nhờ sự ra mắt của thuốc tránh thai vào những năm 1960.

Khi độ tuổi trung bình mà nữ giới kết hôn tăng lên trong thời gian này, việc học đại học trở thành một khoản đầu tư quan trọng đối với họ. Họ có thể hoạch định cho một tương lai độc lập và hình thành các bản sắc (identities) của mình trước khi kết hôn và lập gia đình.

Điều này đã tạo ra một sự gia tăng mạnh mẽ về sự tham gia của nữ giới vào thị trường lao động. Và giáo dục vẫn rất quan trọng đối với sự tham gia của nữ giới vào thị trường lao động ngày nay. Ở hầu hết các nước, nữ giới có trình độ học vấn cao hơn có nhiều khả năng được tuyển dụng hơn.

Gia đình cũng ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động, trong đó việc sinh con thường đẩy các ông bố bà mẹ vào những con đường khác nhau – con cái góp phần tạo ra những chênh lệch về giới. Nghiên cứu của Goldin cho thấy quy mô của “những tình thế bất lợi của việc có con cái” (child penalties) này (nghĩa là nữ giới tham gia lực lượng lao động thấp hơn so với nam giới) đã giảm dần theo thời gian.

Nhưng tình thế bất lợi này vẫn chưa biến mất. Nghiên cứu của Goldin và các đồng tác giả của bà cũng cho thấy tình thế bất lợi của việc làm mẹ (motherhood penalty) giảm dần trong suốt cuộc đời của người phụ nữ, nhưng khoảng cách thu nhập giữa hai bậc cha mẹ khác giới vẫn tồn tại do một khoản lãi từ việc làm cha (fatherhood premium).

Giáo sư đại học Harvard Claudia Goldin
đã được trao giải
Nobel kinh tế năm 2023
‘vì đã nâng cao sự am hiểu của chúng ta
về những kết quả của nữ giới
[khi tham gia vào] thị trường lao động’.
Minh họa: Niklas Elmehed
© Nobel Prize Outreach

Những khuôn mẫu làm việc linh hoạt

Thẩm tra cách tổ chức nơi làm việc và cách điều đó ảnh hưởng lên chênh lệch về giới là một sự thấu nhận (insight) quan trọng khác về công trình của Goldin. Theo nghiên cứu của bà, khoảng cách lương theo giới sẽ nhỏ hơn đáng kể nếu các công ty không khen thưởng một cách không cân xứng cho những cá nhân làm việc nhiều giờ và vào những giờ đặc biệt.

Các ngành như công nghệ đã chứng kiến những thay đổi trong cách tổ chức làm việc giúp nâng cao tính linh hoạt của nhân viên, nhưng điều này vẫn chưa phổ biến trong thế giới tài chính và pháp lý. Còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy sự bình đẳng giới và công trình của Goldin sẽ giúp cải thiện điều này.

Nghiên cứu của Goldin chủ yếu tập trung vào Hoa Kỳ, nhưng cách tiếp cận và những sự thấu nhận của bà đã ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Công trình của bà đã giúp biến giới (gender) trở thành một thành phần thiết yếu để hiểu cách thức hoạt động của thị trường lao động cũng như cách nền kinh tế nói chung vận hành.

Hiện nay có một lĩnh vực nghiên cứu tên là “kinh tế học về giới” (gender economics) và chúng ta chắc chắn nên cảm ơn Claudia Goldin vì điều đó.

Các từ khóa: Chênh lệch về giới, Những thị trường lao động, Giải Nobel kinh tế, Dạy cho tôi, Giải Nobel 2023

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ

Alessandra Casarico

Alessandra Casarico

Phó giáo sư kinh tế học công, Đại học Bocconi

Tuyên bố công khai

Alessandra Casarico nhận được tài trợ từ Bộ Đại học Ý.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: “Nobel prize in economics: Claudia Goldin’s work is a goldmine for understanding the gender pay gap and women’s empowerment, The Conversation, 10.10.2023.

Print Friendly and PDF