17.10.23

Tại sao phụ nữ kiếm được ít hơn nam giới: Giải Nobel cho nhà sử học kinh tế nghiên cứu về khoảng cách tiền lương

TẠI SAO PHỤ NỮ KIẾM ĐƯỢC ÍT HƠN NAM GIỚI: GIẢI NOBEL CHO NHÀ SỬ HỌC KINH TẾ NGHIÊN CỨU VỀ KHOẢNG CÁCH TIỀN LƯƠNG

Claudia Goldin đã khai thác dữ liệu trong 200 năm để chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế cao hơn không dẫn đến sự ngang bằng về tiền lương cũng như không giúp nhiều phụ nữ có việc làm hơn.

Philip Ball

Claudia Goldin đã truyền cảm hứng cho phụ nữ và các nhà nghiên cứu trẻ để dũng cảm và dấn thân vào những câu hỏi lớn. Ảnh: Quỹ BBVA

Giải thưởng Các khoa học Kinh tế của ngân hàng trung ương Thụy Điển năm 2023 – 'Nobel kinh tế' – đã được trao cho nhà sử học kinh tế Claudia Goldin tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, “vì đã nâng cao hiểu biết của chúng ta về những kết quả khi nữ giới tham gia vào thị trường lao động”.

Công trình của Goldin đã giúp giải thích tại sao phụ nữ ít được hiện diện trên thị trường lao động trong ít nhất hai thế kỷ qua và tại sao ngay cả ngày nay họ vẫn tiếp tục kiếm được ít hơn nam giới (khoảng 13%).

Mặc dù những bất bình đẳng như vậy được công nhận rộng rãi, chúng biểu thị một vấn đề nan giải cho các mô hình kinh tế vì không chỉ thể hiện sự bất công tiềm tàng mà còn là những gì các nhà kinh tế gọi là sự kém hiệu quả của thị trường. Phụ nữ dường như không được tận dụng đúng mức và không được khuyến khích trong lực lượng lao động, dù cho nữ giới ở các nước có thu nhập cao hiện nay thường có trình độ học vấn cao hơn nam giới.

Goldin đã đưa lịch sử vào cuộc để giải đáp câu hỏi này thông qua phân tích chính xác chặt chẽ xem những thay đổi trong sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự thay đổi xã hội, chính trị và công nghệ trong hai thế kỷ qua.

Nhà kinh tế học Claudia Olivetti tại Đại học Dartmouth ở Hanover, New Hampshire cho biết: “Sức mạnh trong công trình của bà ấy bắt nguồn từ việc kết hợp dữ liệu lịch sử một cách cẩn thận và tiên tiến với những hiểu biết sâu sắc từ các lý thuyết kinh tế về xác định tiền lương, việc làm, phân biệt đối xử và kinh tế chính trị”.

Olivetti nói: “Tôi rất vui khi thấy công trình của Claudia được công nhận. Bà ấy là nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ và nhà nghiên cứu trẻ. Khi dẫn dắt bằng niềm đam mê, sự tò mò, sự chính trực, bà đã dạy chúng tôi phải dũng cảm và dấn thân vào những câu hỏi lớn.”

Tăng trưởng hơn; lương vẫn thấp

Trước thời các nghiên cứu của Goldin, nhiều người cho rằng sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm trong suốt thế kỷ 20 phản ánh sự tăng trưởng kinh tế – tăng trưởng cao hơn có nghĩa là nhiều phụ nữ có việc làm hơn. Nhưng bằng cách nhìn lại cẩn thận các ghi chép lịch sử cũ hơn, Goldin đã chỉ ra rằng tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn tham gia vào công việc có thu nhập (ví dụ như nông nghiệp hoặc sản xuất dệt may) vào cuối thế kỷ 18, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều, cũng cao như ngày nay. Ngành nghề này nhìn chung bị ẩn sau một chọn lựa cách ghi mơ hồ trong cuộc tổng điều tra dân số, là làm 'vợ'.

Goldin chỉ ra rằng công nghiệp hóa đã phá vỡ mô hình này vì khiến phụ nữ khó làm việc tại nhà hơn. Việc xác định đường cong hình chữ U trong sự tham gia lao động của phụ nữ trong hơn 200 năm, được xuất bản trong cuốn sách Understanding the Gender Gap [tạm dịch: Hiểu về khoảng cách giới] năm 1990 của bà, đã phá bỏ quan niệm về mối liên hệ đơn giản (giữa số lượng phụ nữ có việc làm – ND) với tăng trưởng kinh tế.

Goldin cũng chứng minh rằng, mặc dù cơ hội làm việc cho phụ nữ đã được mở rộng trong thế kỷ 20, đặc biệt là ở những xã hội mà con cái rời khỏi nhà cha mẹ (khi đã trưởng thành – ND), nhưng họ vẫn không được khai phá tiềm năng nhiều như lẽ ra phải có.

Goldin giải thích sự thiếu hụt này là do không đạt được các kỳ vọng. Bị ảnh hưởng bởi những gì thấy được ở thế hệ cha mẹ mình, phụ nữ trẻ thời đó có xu hướng đưa ra những lựa chọn về giáo dục không phản ánh kỳ vọng về triển vọng nghề nghiệp trong tương lai. Chỉ đến những năm 1970, phụ nữ mới dự đoán được họ có thể làm việc được bao nhiêu lâu và đầu tư công sức cho phù hợp. Như Goldin đã chỉ ra khi cộng tác với nhà kinh tế học Lawrence Katz, tình trạng đó càng được thúc đẩy nhờ việc tiếp cận với thuốc tránh thai từ những năm 1960, giúp phụ nữ có nhiều quyền kiểm soát hơn trong việc lên kế hoạch cho tương lai.

Goldin cũng đã chỉ ra rằng sự bất bình đẳng giới về lương cũng không hề tuân theo mối quan hệ đơn giản với tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, khoảng cách về lương đã nhỏ hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 1820–50, do nhu cầu về các dịch vụ văn phòng tăng lên, nhưng lại thay đổi rất ít trong khoảng thời gian từ 1930 đến 1980, khi phần thưởng cho sự nghiệp không bị gián đoạn đã thúc đẩy sự phân biệt đối xử về lương trên thực tế. Goldin và Katz, cùng với nhà kinh tế học Marianne Bertrand, đã chỉ ra vào năm 2010 rằng việc làm cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự bất bình đẳng về lương, phần lớn là do phụ nữ bị mất thu nhập khi đình chỉ hoặc hạn chế làm việc để chăm sóc con cái.

Nghiên cứu của Goldin đã phá bỏ những ý tưởng đơn giản về cách bất bình đẳng giới trong thị trường lao động đã thay đổi và lý do dẫn đến những thay đổi này. Mặc dù bà có xu hướng không đưa ra các khuyến nghị chính sách về cách giải quyết các vấn đề, công trình tỉ mỉ của bà trong việc xem xét các vấn đề qua lăng kính lịch sử có thể giúp chỉ ra những biện pháp can thiệp ít nhiều có khả năng thành công.

Barbara Petrongolo, nhà kinh tế tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh, cho biết: “trong nhiều năm, Goldin đã lên tiếng rằng chuyện cách tổ chức công việc ở nhiều ngành nghề đặc biệt không thân thiện với phụ nữ”. Petrongolo cho biết các công ty hiện đang bắt đầu thay đổi thực tiễn thông qua việc áp dụng các cơ chế làm việc linh hoạt, thân thiện với gia đình và cung cấp nhà trẻ tại chỗ. Một số thay đổi này xảy ra nhờ sự can thiệp chính sách, nhưng một số lại xuất phát từ chính các công ty khi họ nhận thấy lợi ích của việc thu hút nhân tài nữ.

Tuy nhiên, không phải tất cả những ý tưởng và giải pháp này đều có tính ứng dụng phổ quát. Ví dụ, Naila Kabeer, nhà nghiên cứu về giới trong phát triển quốc tế tại Trường Kinh tế Luân Đôn, chỉ ra rằng đường cong hình chữ U trong sự tham gia lực lượng lao động của nữ giới chưa được chứng minh là đúng trên phạm vi toàn cầu.

“Đường cong này dựa trên ý tưởng rằng các nước đang phát triển sẽ trải qua các quá trình tương tự như các nước công nghiệp hóa tiên tiến”, bà nói, “và không tính đến việc toàn cầu hóa sẽ cho phép các nước chuyển từ nông nghiệp sang các quá trình công nghiệp hóa thâm dụng lao động nữ nhanh như các nước phát triển đã từng.”

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-023-03190-4

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Why women earn less than men: Nobel for economic historian who probed pay gap, Nature, Oct 9, 2023.

Xem trên PTKT các bài liên quan trong nhãn Bất bình đẳng giới


Tham khảo

C. Goldin & L. F. Katz, J. Polit. Econ. 110, 730–770 (2002).

Article Google Scholar 

M. Bertrand, C. Goldin & L. F. Katz, Am. Econ. J. Appl. Econ. 2, 228–255 (2010).

Article Google Scholar

Print Friendly and PDF