14.10.23

“Nobel” kinh tế: Claudia Goldin và sự giải phóng phụ nữ Mỹ

“NOBEL” KINH TẾ: CLAUDIA GOLDIN VÀ SỰ GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ MỸ

Hélène Périvier[*]

Sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động là một trong những sự kiện kinh tế và xã hội nổi bật nhất của thế kỷ 20 đối với các xã hội giàu có và dân chủ. Tuy nhiên, chúng ta phải đợi đến năm 2023 để Ủy ban Nobel khen thưởng công trình của một nhà kinh tế học, người trong suốt sự nghiệp của mình đã tìm cách ghi lại và lượng hoá cơ năng động này: Claudia Goldin.

Theo người được giải thưởng, cách thức hoạt động của phụ nữ là động lực của ngành kinh tế học lao động:

“Không quá đáng khi nói rằng phụ nữ đã khai sinh ra ngành kinh tế học lao động hiện đại, đặc biệt là ngành kinh tế học về cung ứng lao động. Các nhà kinh tế học cần có sự biến động để phân tích những thay đổi trong hành vi và phụ nữ là những người cung cấp nhiều điều đó.”

Sự nghiệp học thuật của Claudia Goldin, người phụ nữ đầu tiên được vào chính ngạch tại khoa kinh tế học tại Harvard (năm 1990), mang dấu ấn của sự quyết tâm tìm kiếm và định dạng dữ liệu để đưa ra những phân tích chưa từng có. Bà dựa trên các phương pháp tiếp cận lịch sử và theo thế hệ để hiểu các xu hướng cơ bản, trên các phương pháp tiếp cận theo ngành có cơ sở trên các nghiên cứu điển hình để tìm ra các cơ chế giảm bất bình đẳng giữa các giới. Từ cuộc cách mạng thầm lặng của phụ nữ Mỹ đến sức mạnh giải phóng của thuốc ngừa thai, qua cả việc tuyển dụng (theo kiểu người mù) nhạc sĩ cho dàn nhạc giao hưởng, Goldin xuất hiện ở những nơi mà ta không ngờ tới, nơi những dữ liệu rất hiếm hoặc không được khai thác đầy đủ. Toàn bộ các công trình thống kê của bà đều kể cho chúng ta câu chuyện về sự giải phóng kinh tế của phụ nữ Mỹ.

Phân tích sóng ngầm

Vào đầu thế kỷ 20, ở Hoa Kỳ có cách làm thông thường là người sử dụng lao động sa thải nhân viên mới kết hôn và không thuê phụ nữ đã có gia đình. Đây được gọi là “sự cản trở do hôn nhân/marriage bar”. Goldin phân tích quá trình này trong một bài báo tiên phong xuất bản năm 1988 trên tạp chí Lịch sử Kinh tế/Economic History. Bà cho thấy cách làm này, được củng cố bởi cuộc đại suy thoái những năm 1930, đã biến mất sau Thế chiến thứ hai như thế nào.

Sau đó, bà bắt đầu quan tâm đến quá trình không thể đảo ngược được triển khai trong thế kỷ 20: từ thế hệ này sang thế hệ khác, đông đảo phụ nữ gia nhập khu vực công. Nếu như các thế hệ phụ nữ sinh vào đầu thế kỷ làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình thì những thế hệ phụ nữ sinh vào những năm 1950 lại dự định theo đuổi một sự nghiệp. Phong trào này được thực hiện nhờ sự lùi lại độ tuổi kết hôn, độ tuổi làm mẹ và số lượng con cái. Theo Goldin, sự biến động về bản sắc, cuộc cách mạng thầm lặng/quiet revolution này không chỉ liên quan đến những phụ nữ có trình độ học vấn cao, ngay cả khi phân tích thống kê của bà tập trung vào những người Mỹ da trắng và khá giàu có.

Lawrence Katz (1959-)
Joshua Mitchell (1955-)

Sự giải phóng kinh tế của phụ nữ trong thế kỷ 20 ở Hoa Kỳ là một sóng ngầm đã được củng cố bằng sự tiếp cận các biện pháp ngừa thai qua đường uống thuốc vào những năm 1970. Năm 2006, Goldin và đồng nghiệp của bà, Lawrence Katz, cũng là giáo sư tại Harvard, đo lường sức mạnh giải phóng của viên thuốc ngừa thai: bằng cách cho phép phụ nữ chọn thời điểm mang thai, viên thuốc ngừa thai đã trở thành đòn bẩy giúp phụ nữ tiếp cận giáo dục đại học và thị trường lao động, mở ra cho họ con đường giải phóng kinh tế.

Gần đây hơn, trong một bài báo được viết vào năm 2017 cùng với Joshua Mitchell, chuyên gia về lý thuyết chính trị tại Đại học Georgetown, bà đã phân tích những biến thiên tinh tế của tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong suốt vòng đời tuỳ theo các thế hệ bằng cách phân tích chéo hiệu ứng của năm học và của trình độ học vấn. Trong khi vào những năm 2000, một số người giải thích sự sụt giảm nhẹ về tỷ lệ tham gia của phụ nữ trung niên là một phong trào trở về lại với gia đình, bà cho thấy rằng điều này chủ yếu là do hiệu ứng mang tính lứa tuổi của một thế hệ phụ nữ đã lùi độ tuổi sinh con đầu lòng.

Phụ nữ và sự phân biệt đối xử ở khâu tuyển dụng

Cuối cùng, chúng ta không thể nói về các nghiên cứu của Claudia Goldin mà không nhắc đến “Tổ chức tính công bằng, tính không thiên vị/Orchestrating impartiality”, một bài báo được viết cùng với Cécilia Rouse và đăng trên Tạp chí Kinh tế Hoa Kỳ/ American Economic Review uy tín năm 2000. Hai nhà kinh tế học cho thấy tác động của việc tuyển dụng theo kiểu người mù đối với hình ảnh và sự đào tạo của người được tuyển dụng trong các dàn nhạc giao hưởng ở Hoa Kỳ.

Điều gì có thể tài tình hơn việc lấy lĩnh vực diễn tấu âm nhạc để chỉ ra những quá trình phân biệt đối xử? Trong nghề này, một cách tiên nghiệm, có thể đánh giá chất lượng phần trình diễn của ứng viên mà không cần nhìn thấy họ, chỉ bằng cách nghe họ chơi nhạc cụ của mình. Do đó, hoàn toàn có thể tuyển dụng một người mà không cần gặp mặt họ. Hơn nữa, cơ cấu việc làm trong một dàn nhạc giao hưởng rất ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đo lường thống kê về tác động của việc nghe trình diễn theo kiểu người mù để tuyển dụng. Tuy nhiên, từ những năm 1970, các dàn nhạc giao hưởng ở Mỹ dần dần phổ biến rộng các buổi trình diễn theo kiểu này đàng sau bức màn trong toàn bộ các quá trình tuyển dụng nhạc sĩ của họ.

Các tác giả cho thấy điều này cho phép nhiều nữ nhạc sĩ gia nhập các dàn nhạc danh tiếng này. Cách tuyển dụng này có thể giải thích một phần tư quá trình nữ hóa các nhóm nhạc ở Hoa Kỳ trong những năm 1970 và 80. Công trình này đã truyền cảm hứng cho một nghiên cứu tương tự ở Pháp.

Trong dự án đầu tiên, chúng tôi đã phân tích tác động của việc sử dụng màn che trong tiến trình tuyển dụng trong các dàn nhạc vùng Ile-de-France. Việc sử dụng màn che không xảy ra đối với tất cả các vòng tuyển chọn vì, theo đa số ý kiến ​​trong nghề, nó che giấu một khía cạnh đánh giá rất quan trọng đối với nghề: phong cách biểu diễn trên sân khấu của các ứng viên. Mục tiêu của chúng tôi là hiểu lý do tại sao cuối cùng lại có ít phụ nữ được tuyển dụng (18% phụ nữ trong thời gian quan sát của chúng tôi) so với số ứng viên nữ ban đầu (41% tổng số). Tuy nhiên, dữ liệu được thu thập chỉ bao gồm 40 cuộc thi nên không cho phép phân tích thống kê sâu hơn.

Trong một dự án mới do ANR tài trợ, “Dự án nghiên cứu về dàn nhạc giao hưởng, phân biệt đối xử và giới tính/Projet de Recherche sur les Orchestres, les Discriminations et le Genre” (PRODIGE) với một nhóm nghiên cứu đa ngành gồm các nhà kinh tế học, nhà âm nhạc học và nhà xã hội học (Audrey Étienne, Reguina Hatzipetrou-Andronikou, Maxime Parodi, Hyacinthe Ravet và Hélène Périvier), chúng tôi đã mở rộng cơ sở dữ liệu tới hơn 340 cuộc thi nhờ sự hợp tác với 13 dàn nhạc đối tác trên khắp nước Pháp. Kết quả đầy hứa hẹn của chúng tôi cho thấy những thành kiến ​​​​về nhận thức có mối tương quan chặt chẽ với nhạc cụ: nếu không có màn che, ban giám khảo sẽ thường xuyên chọn một nam (nữ) nhạc sĩ hơn nếu nhạc cụ chủ yếu do nam giới (nữ giới) chơi. Màn che sẽ sửa chữa những thành kiến ​​về giới tính này. Kết quả chi tiết sắp được công bố.

Sau khi được nhận giải thưởng, Claudia Goldin tuyên bố với Agence France-Presse:

“Đây là một giải thưởng rất quan trọng, không chỉ đối với tôi mà còn đối với nhiều người nghiên cứu về chủ đề này.

Chúng ta có thể cảm tạ bà về điều này. Những nhà nghiên cứu nữ, và số ít nhà nghiên cứu nam, từng tạo ra kiến ​​thức về chủ đề này rất nhiều và đã nghiên cứu từ lâu. Chúng ta hãy nghĩ đến các công trình tiên phong của các nhà kinh tế học nữ quyền như Nancy Folbre, Julie Nelson, Marianne Ferber, hay thậm chí Bina Agarwal, những người với những quan điểm lý thuyết và công cụ khác, cũng đã góp phần làm bộc lộ sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới cũng như sự phân biệt đối xử.

---------------------------------------------------

Dự án PRODIGE được hỗ trợ bởi Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia/l’Agence Nationale de la Recherche (ANR), cơ quan tài trợ cho nghiên cứu dựa trên dự án ở Pháp. Nhiệm vụ của ANR là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu cơ bản và hoàn thiện trong tất cả các ngành, đồng thời tăng cường đối thoại giữa khoa học và xã hội. Để tìm hiểu thêm, hãy tham khảo trang web ANR.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:« Nobel » d’économie: Claudia Goldin et l’émancipation des femmes américaines”, The Conversation, 11.10.2023.

----

Xem trên PTKT các bài liên quan trong nhãn Bất bình đẳng giới




Chú thích:

[*] Nhà kinh tế học, giám đốc chương trình PRESAGE, chuyên gia về chính sách gia đình và xã hội, bất bình đẳng giới, thị trường lao động, giới, Sciences Po

Print Friendly and PDF