19.10.23

Chúng ta có nên vui mừng với giải “Nobel” kinh tế được trao cho Claudia Goldin không?

CHÚNG TA CÓ NÊN VUI MỪNG VỚI GIẢI “NOBEL” KINH TẾ ĐƯỢC TRAO CHO CLAUDIA GOLDIN KHÔNG?

Isabelle Guérin[*]

Claudia Goldin đã đóng góp những chủ đề mới cho khoa học, nhưng bằng những phương pháp khá truyền thống. Wikimedia CommonsCC BY-SA

Giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, thường được gọi là “Giải Nobel” kinh tế học, mới đây đã được trao cho bà Claudia Goldin vì bà đã nêu bật “những nhân tố chính tạo nên sự khác biệt giữa nam và nữ trên thị trường lao động”.

Kinh tế học, với tư cách là một ngành chuyên môn, nổi tiếng với sự phân biệt giới tính, cả trong tổ chức nội bộ cũng như cách hiểu và tác động của mình đến thế giới. Nghề của nhà kinh tế học vẫn bị nam giới thống trị và trường khoa học của kinh tế học vô hình hóa sự đóng góp của các nhà kinh tế học nữ, mặc dù họ rất đông kể từ khi kinh tế học được thành lập. Sau Elinor Ostrom năm 2009 và Esther Duflo năm 2019, Claudia Goldin chỉ là người phụ nữ thứ ba giành được giải thưởng danh giá này, trong tổng số 93 người được giải kể từ khi giải thưởng được thành lập vào năm 1968.

Việc trao giải cho các công trình chỉ tập trung vào vấn đề bất bình đẳng giới cũng là điều chưa từng có trong lịch sử giải thưởng này. Trên quan điểm này, giải thưởng do đó có vẻ là một tin khá tốt. Tuy nhiên, các phương pháp mà các công trình này dựa vào vẫn khiến cho ta phải ý thức về những sắc thái của tin tốt trên.

Đường cong chữ U và công việc tham lam

Ở tuổi 77, Claudia Goldin vẫn là giáo sư tại khoa kinh tế danh tiếng của Đại học Harvard, nơi bà là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào năm 1989. Nét đặc thù của bà là sự kết hợp cách tiếp cận tân cổ điển về kinh tế học và quan điểm lịch sử. Thừa nhận một sự nghiệp phong phú kéo dài gần 5 thập kỷ tất nhiên là điều thừa. Hãy chỉ đơn giản tóm lược nhanh hai kết quả nổi bật.

Kết quả đầu tiên bao gồm việc lập mô hình “đường cong hình chữ U” về việc làm của phụ nữ theo mức độ “phát triển” của các quốc gia và đề xuất cách giải thích. Đường cong này cho thấy tỷ lệ lao động nữ cao ở các nền kinh tế tự cung tự cấp; nó suy giảm khi các nền kinh tế bắt đầu bị tiền tệ hóa và hàng hóa hóa nhưng chỉ cung cấp các công việc chân tay, vốn bị kỳ thị cao, cho phụ nữ; sau đó nó lại tăng lên khi phụ nữ được tiếp cận với những việc làm “cổ cồn trắng” đáng kính hơn.

Sự chuyển đổi các chuẩn mực gia đình và việc tiếp cận thuốc ngừa thai khởi đầu cho một giai đoạn khác. Những phụ nữ trẻ và sau đó là những bà mẹ tương lai giờ đây có thể lập kế hoạch cho tương lai của mình và do đó tham gia vào việc học và sau đó là vào các nghề nghiệp, từ lúc đó được coi là những sự nghiệp thực sự chứ không còn là một sự bổ trợ đơn giản cho thu nhập gia đình. Khai quật nhiều tài liệu lưu trữ, sưu tập nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau, Claudia Goldin vạch lại sự tiến triển này ở Hoa Kỳ cũng như trong các bối cảnh khác, bao gồm cả bối cảnh hậu thuộc địa, gợi ý về tính phổ quát của đường cong hình chữ U này và cách giải thích nó.

Kết quả thứ hai, gần đây hơn, liên quan đến ý niệm “công việc tham lam” (greedy work trong tiếng Anh travail cupide trong tiếng Pháp - ND). Bà không còn đặt câu hỏi về tỷ lệ lao động của phụ nữ mà về sự tồn tại dai dẳng của sự bất bình đẳng về tiền lương trong cùng một ngành nghề. Dựa trên kết quả của những nghiên cứu kinh trắc phức tạp nhằm tách biệt các nhân tố giải thích khác nhau, bà kết luận rằng những bất bình đẳng ít phụ thuộc vào vấn đề phân biệt đối xử hơn là vào “công việc tham lam” này, bao gồm việc yêu cầu người lao động phải có sự linh hoạt cao độ về mặt thời gian lao động, điều này gây bất lợi cho phụ nữ vì trách nhiệm của họ trong gia đình.

Những công việc có yêu cầu cao nhất về thời gian làm việc dài và những công việc ít linh hoạt nhất được trả lương không tương xứng, trong khi thu nhập từ các công việc khác lại trì trệ. Đây là cách bà giải thích sự tồn tại dai dẳng của sự bất bình đẳng về lương theo giới, đặc biệt là ở những ngành nghề đòi hỏi có bằng cấp cao.

Chủ đề mới, phương pháp thuộc dòng chính thống (mainstream)?

Không chỉ giới hạn trong các bài viết và bài giảng mang tính học thuật, Claudia Goldin còn có cam kết trên nhiều mặt trận, bao gồm cả sự bình đẳng trong nghề nghiệp của chính mình. Đầu tiên là như một mẫu mực, vì bà thừa nhận kiếm được nhiều tiền hơn chồng mình, Lawrence Katz, bản thân cũng là một nhà kinh tế và thường xuyên cộng tác với bà (đồng thời nhấn mạnh rằng bà có thâm niên hơn). Sau đó bằng cách thúc đẩy các chương trình đặc biệt khuyến khích phụ nữ trẻ nghiên cứu kinh tế học.

Những công trình của Claudia Goldin đã có công to lớn trong việc thu hút sự chú ý trong ngành kinh tế học đến những chủ đề chưa được tư duy từ lâu nay. Tuy nhiên, chúng bị giới hạn trong một phương pháp và một quan niệm về lao động và về kinh tế học, những điều tất nhiên giới hạn phạm vi của chúng.

Claudia Goldin vẫn trung thành với cách tiếp cận tân cổ điển đối với các hiện tượng kinh tế, coi việc làm là một sự lựa chọn và một sự tính toán kinh tế duy lý của cá nhân, bị ảnh hưởng bởi một loạt các ràng buộc, khuyến khích hoặc các cú sốc bên ngoài, mà nguồn gốc không đáng để điều tra. Bà đưa ra các luận chứng dựa trên các phân tích kinh trắc nhằm mục đích tách biệt tác động của các nhân tố khác nhau, từ đó loại trừ những nhân tố không thể quan sát được và/hoặc không thể đo lường được. Lập luận dựa trên nguyên lý “mọi nhân tố khác không đổi” che lấp sự đan xen rối rắm của một số nhân tố.

Đường cong hình chữ U, được cho là có phạm vi phổ quát, chắc chắn áp dụng được cho một số khu vực trên thế giới và một số nhóm xã hội nhất định, khó hơn nhiều cho những nhóm khác. Chẳng hạn trường hợp của Ấn Độ, nơi việc làm của phụ nữ tiếp tục suy giảm trong một nền kinh tế thịnh vượng.

Ngoài sự công nhận các quỹ đạo không đồng nhất, việc nhận biết và khám phá sự đa dạng này trước hết nhằm mục đích làm phức tạp việc phân tích các cấu trúc phân cấp xã hội và cách thức mà sự bất bình đẳng giới được kết nối với các mối quan hệ quyền lực khác, nhằm tư duy tốt hơn về việc vượt qua chúng. Ngay cả trong bối cảnh phương Tây, có sự đa dạng về các chế độ giới, với những phương thức rất bất bình đẳng trong cách Nhà nước, thị trường, gia đình và môi trường hiệp hội chia sẻ trách nhiệm. Các quyền lợi xã hội, các vấn đề về thuế, các quy định liên quan đến giờ làm việc cũng như các tiêu chuẩn về nam tính, nữ tính và trách nhiệm làm cha mẹ đều có tác động ở đây.

Hơn nữa, sự đánh đổi giữa việc làm/chăm sóc con cái cho thấy đây là một quá trình phức tạp và đôi chiều, trong đó những khát vọng, nghĩa vụ và nhiều ràng buộc đan xen với nhau, nhưng cũng có cả những tình cảm và những cảm xúc, có thể thay đổi vô cùng tùy vào địa điểm, bối cảnh và nhóm xã hội.

“Những thành viên có năng suất cao trong nền kinh tế”

Trong tác phẩm phổ biến nổi tiếng của mình về ý tưởng “việc làm tham lam”, xuất bản năm 2021, trong bối cảnh hậu đại dịch, Claudia Goldin cũng biện hộ cho các biện pháp hỗ trợ dành cho cha mẹ và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc để, như bà gợi ý, họ trở thành “những thành viên có năng suất cao trong nền kinh tế”. Tuy nhiên, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế học, cuộc chạy đua về năng suất này chính là tâm điểm của sự bất bình đẳng và cũng như của tính không bền vững của hệ thống kinh tế chúng ta, vì năng suất của một số người được nuôi dưỡng bởi cái gọi là sự phi năng suất của những người khác.

Chúng ta không bao giờ có th nhấn mạnh đủ đến trách nhiệm to lớn của kiến ​​thức của trào lưu kinh tế học thống trị trong việc tạo ra một thế giới bất bình đẳng và không thể nào chấp nhận được rất sâu sắc, cả hai luôn song hành với nhau. Bằng cách giới hạn nền kinh tế học (như là thực tại) và của cải vào việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thể trao đổi trên thị trường, kiến ​​thức kinh tế học thống trị đã chứng thực và biện minh một cách khoa học cho sự mất giá của các hoạt động, các con người và các khu vực trên thế giới, được cho là không hiệu quả và không có giá trị.

Đây là trường hợp của các hoạt động chăm sóc và sinh kế, chủ yếu do phụ nữ thực hiện. Chính sự mất giá này giải thích cho sự tồn tại dai dẳng của “tiền lương/thu nhập phụ do phụ nữ mang về”: phụ nữ về cơ bản bị coi là phụ thuộc vào chồng nên nhu cầu của họ vì thế cũng ít hơn. Ở Pháp, chính sự mất giá này đã giải thích một phần cho hiện tượng “kém hơn một phần tư”, ám chỉ sự chênh lệch 25% giữa thu nhập trung bình của phụ nữ và nam giới.

Chính sự mất giá này giải thích sự tồn tại dai dẳng của toàn bộ các lĩnh vực bị nữ hóa, bị trả lương thấp và thường bị phân biệt chủng tộc. Hầu hết dành cho sự chăm sóc hoặc giáo dục, thế nhưng các lĩnh vực hoạt động này lại mang tính quyết định đối với sự tồn tại và hạnh phúc của xã hội chúng ta. Hệ thống phân cấp các hoạt động và thu nhập của phụ nữ và nam giới này được khắc sâu trong các chuẩn mực và niềm tin xã hội của cả nam giới và phụ nữ, cũng như trong các quy định, luật pháp và cách diễn giải nó, đặc biệt là luật lao động hoặc luật thừa kế.

Nói tóm lại, nếu chúng ta có thể vui mừng với sự trao giải này, chúng ta hãy giữ một cái đầu lạnh: thật không may, khả năng tác động của giải thưởng này đến các phương thức suy nghĩ và hành động thống trị hướng tới sự bình đẳng và bền vững hơn dường như bị hạn chế một cách đáng tiếc.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Faut-il se réjouir du «Nobel» d’économie attribué à Claudia Goldin?, The Conversation, 12.10.2023.

----

Xem trên PTKT các bài liên quan trong nhãn Bất bình đẳng giới




Chú thích:

[*] Bà Isabelle Guérin là Giám đốc nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phát triển (Institut de Recheche sur le Développement - IRD-Cessma Đại Học Paris)

Print Friendly and PDF