12.10.23

Giải thưởng Các khoa học Kinh tế 2023: Cơ sở khoa học phổ thông

GIẢI THƯỞNG CÁC KHOA HỌC KINH TẾ 2023: CƠ SỞ KHOA HỌC PHỔ THÔNG

Trong thế kỷ qua, tỷ lệ nữ lao động được trả lương đã tăng gấp ba lần ở nhiều nước có thu nhập cao. Đây là một trong những thay đổi kinh tế và xã hội lớn nhất trên thị trường lao động trong thời hiện đại, nhưng vẫn còn tồn tại những khác biệt đáng kể về giới. Lần đầu tiên, vào những năm 1980, một nhà nghiên cứu đã áp dụng một cách tiếp cận toàn diện để giải thích nguồn gốc của những khác biệt này. Nghiên cứu của Claudia Goldin đã mang đến cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc mới và thường đầy bất ngờ về các vai trò lịch sử lẫn đương đại của phụ nữ trong thị trường lao động.

Lịch sử giúp chúng ta hiểu được những khác biệt giới trên thị trường lao động

Trên toàn thế giới, khoảng một nửa phụ nữ đang làm việc có nhận lương, trong khi con số tương đương ở nam giới là 80%. Khi phụ nữ đi làm, họ thường kiếm được ít tiền hơn. Hiểu cách thức và lý do tại sao mức độ có việc làm và thu nhập khác nhau giữa phụ nữ và nam giới là cần thiết cho kinh tế xã hội, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, vì vấn đề này liên quan đến việc sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực trong xã hội. Nếu phụ nữ không có cơ hội tham gia thị trường lao động như nhau hoặc tham gia với điều kiện không bình đẳng thì lao động và chuyên môn sẽ bị lãng phí. Về mặt kinh tế, sẽ không hiệu quả nếu công việc không được giao cho người có trình độ cao nhất và nếu mức lương khác nhau khi thực hiện cùng một công việc, phụ nữ có thể mất động lực làm việc và xây dựng sự nghiệp. Bằng cách kết hợp các phương pháp tiên tiến trong lịch sử kinh tế với hướng tiếp cận kinh tế, Goldin đã chứng minh rằng một số nhân tố khác nhau đã ảnh hưởng về mặt lịch sử – và vẫn đang có ảnh hưởng – lên cung và cầu lao động nữ. Chúng bao gồm các cơ hội của phụ nữ trong việc kết hợp giữa việc làm có lương và gia đình, các quyết định liên quan đến giáo dục và nuôi dạy con cái, đổi mới kỹ thuật, luật pháp và chuẩn mực, cũng như sự chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế. Đổi lại, kết quả của Goldin đã cho phép hiểu rõ hơn về cách thức và lý do tại sao tỷ lệ có việc làm và mức lương lại khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Để đạt được những hiểu biết sâu sắc này, Goldin đã nhìn lại hơn hai trăm năm quá khứ.

© Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Nhìn lại lịch sử

Trong vài thế kỷ qua, xã hội đã trải qua những thay đổi đáng kể về chính trị, xã hội và công nghệ. Các nước công nghiệp hóa đương đại đã đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Ta dễ tin rằng sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động cũng sẽ (tiến triển) theo xu hướng tương tự, nhưng nghiên cứu của Goldin đã chỉ ra rằng thực tế không phải vậy.

Nhìn lại lịch sử, bà đã tạo dựng sự hiểu biết xem liệu hoàn cảnh của phụ nữ đã thay đổi ra sao khi nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang xã hội đương đại. Tuy nhiên, một số phần của lịch sử đã phủ bụi mờ do công việc của phụ nữ không được ghi chép đầy đủ trong các nguồn tư liệu lịch sử, và những vết bụi này cần được quét sạch. Khi làm thế, Goldin có thể giúp bức tranh tổng thể trở nên rõ nét khi phân tích cả dữ liệu lịch sử đã được sửa cho đúng và dữ liệu mới. Khi tập trung nhìn vào lịch sử Hoa Kỳ, bức tranh này hiện lên rõ mồn một – bà có thể xác định các lộ trình có tính đột phá không chỉ thách thức kiến thức hiện có mà còn thay đổi quan điểm về vai trò lịch sử và đương đại của phụ nữ trong thị trường lao động. Một trong những mẫu này trông giống như chữ U.

Đường cong hình chữ U

Trước khi cuốn sách tiên phong của Goldin được xuất bản vào năm 1990, các nhà nghiên cứu chủ yếu nghiên cứu dữ liệu từ thế kỷ 20 và kết luận rằng có mối liên kết đồng biến rõ ràng giữa tăng trưởng kinh tế và số lượng phụ nữ làm việc được trả lương. Nói cách khác, khi nền kinh tế tăng trưởng, ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm. Tuy nhiên, vì dữ liệu cũ hầu như không được nghiên cứu nên mối quan hệ này vẫn còn mờ nhạt khi xét trong khoảng thời gian dài hơn.

Đường cong hình chữ U. © Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Nhận xét đầu tiên của Goldin là tỷ lệ việc làm của phụ nữ thường được trình bày không chính xác trong dữ liệu hiện có. Ví dụ, trước đây nghề nghiệp của phụ nữ thường được chọn là “vợ” trong các cuộc điều tra dân số và hồ sơ công, nhưng ngay cả khi phụ nữ đã kết hôn thì cũng không tự động có nghĩa là họ không làm công việc gì khác ngoài lao động nội trợ. Trong thực tế, không hiếm trường hợp phụ nữ làm việc cùng chồng trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc các hình thức kinh doanh khác nhau của gia đình. Phụ nữ cũng làm việc trong các ngành tiểu thủ công nghiệp hoặc sản xuất tại nhà, chẳng hạn như dệt may hoặc sản phẩm từ sữa, nhưng công việc của họ không phải lúc nào cũng được ghi lại chính xác trong hồ sơ lịch sử. Bằng cách tổng hợp cơ sở dữ liệu mới thông qua các khảo sát về cách sử dụng thời gian trong lịch sử, số liệu thống kê và điều tra dân số công nghiệp, Goldin đã có thể sửa cho đúng dữ liệu về sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động. Bà khẳng định rằng tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động Hoa Kỳ vào cuối những năm 1890 lớn hơn đáng kể so với số liệu thống kê chính thức. Ví dụ, những hiệu chỉnh của bà đã chứng minh rằng tỷ lệ đi làm của phụ nữ đã kết hôn cao hơn gần gấp ba lần so với con số được ghi trong các cuộc điều tra dân số.

Bằng cách khám phá dữ liệu từ cuối thế kỷ 18, bà cũng tiết lộ một sự thật lịch sử mới đầy bất ngờ: trước thời trỗi dậy của công nghiệp hóa vào thế kỷ 19, phụ nữ có nhiều khả năng tham gia lực lượng lao động hơn. Một lý do giải thích cho điều này là quá trình công nghiệp hóa khiến nhiều phụ nữ đã kết hôn khó làm việc ở nhà hơn và do đó khó kết hợp công việc với gia đình hơn. Goldin đã ghi nhận điều này một cách sáng tạo, bằng cách sử dụng dữ liệu từ hơn 10 nghìn chủ hộ là nữ ở Philadelphia hồi thế kỷ 18. Ngay cả khi Goldin có thể chỉ ra rằng nhiều phụ nữ chưa lập gia đình được tuyển dụng vào ngành sản xuất trong thời kỳ công nghiệp (ở một số bang, có tới 40% phụ nữ trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghiệp), tổng lực lượng lao động nữ vẫn giảm.

Cùng với sự gia tăng được biết đến trước đó vào đầu thế kỷ 20, Goldin đã chỉ ra rằng sự tham gia về mặt lịch sử của phụ nữ vào lực lượng lao động Hoa Kỳ có thể được mô tả bằng cách sử dụng đường cong hình chữ U trong khoảng thời gian hai trăm năm kể từ cuối thế kỷ 18. Bởi vì kinh tế tăng trưởng ổn định trong suốt thời kỳ này, đường cong Goldin chứng minh rằng không có mối liên kết nhất quán về mặt lịch sử giữa sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động với tăng trưởng kinh tế.

Giờ đây chúng ta biết rằng không chỉ riêng ở Mỹ mà hình chữ U này còn đúng ở nhiều quốc gia khác. Những hiểu biết sâu sắc này mang đến khả năng lập bản đồ và hiểu rõ hơn về vị trí của phụ nữ trên thị trường lao động toàn cầu. Nói cách khác, chúng ta không nên trông chờ tăng trưởng kinh tế sẽ tự động làm giảm các khác biệt liên quan đến giới trên thị trường lao động. Nhưng điều gì giải thích cho những khác biệt đó? Tại sao sự bình đẳng lại tiến triển chậm như vậy? Goldin khẳng định rằng hôn nhân là một trong những lời giải thích quan trọng.

Con có đồng ý lấy người đàn ông này làm chồng hợp pháp của mình không?

Vào đầu thế kỷ 20, có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ việc làm giữa phụ nữ đã kết hôn và chưa kết hôn. Trong khi có 20% trong tổng số phụ nữ đi làm nhận lương, chỉ có 5% phụ nữ đã kết hôn đi làm. Đây cũng là thời kỳ lịch sử Hoa Kỳ mà trong đó sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động bắt đầu có xu hướng đi lên – nơi đường cong hình chữ U hướng lên trên. Goldin chỉ ra rằng tiến bộ công nghệ, sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ và trình độ học vấn ngày càng cao đã dẫn đến nhu cầu lao động nữ ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự kỳ thị của xã hội, luật pháp và các rào cản thể chế khác đã hạn chế sức ảnh hưởng của những nhân tố này. Goldin cũng có thể chứng minh rằng hôn nhân đóng một vai trò lớn hơn những gì người ta tin trước đây.

Goldin lưu ý rằng các đạo luật được gọi là “những rào cản hôn nhân” [marriage bars] thường ngăn trở phụ nữ đã kết hôn tiếp tục làm giáo viên hoặc nhân viên văn phòng. Mặc cho nhu cầu lao động ngày càng tăng, phụ nữ đã kết hôn vẫn bị loại khỏi thị trường lao động. Kiểu pháp chế này đạt đỉnh điểm trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930 và nhiều năm sau đó – nhưng đây không phải là lý do duy nhất. Goldin cũng chứng minh rằng có một nhân tố quan trọng khác cho sự thu hẹp chậm chạp của khoảng cách giữa nam và nữ về tỷ lệ việc làm, đó là kỳ vọng của phụ nữ về nghề nghiệp tương lai của họ.

Tầm quan trọng của kỳ vọng

Thị trường lao động bao gồm nhiều thế hệ, nhiều đoàn hệ khác nhau, vốn là những người phải đối mặt với những hoàn cảnh khác nhau khi đưa ra lựa chọn trong cuộc sống. Goldin đã phát triển một phương pháp tiếp cận dựa trên đoàn hệ để phân tích xem điều gì sẽ xảy ra khi một đoàn hệ tham gia vào thị trường lao động. Ví dụ, vào đầu thế kỷ 20, hầu hết phụ nữ chỉ dự định làm việc vài năm trước khi kết hôn và sau đó rời khỏi thị trường lao động khi đã cưới, điều này ảnh hưởng đến những lựa chọn học tập của họ. Goldin đã chỉ ra rằng trong những giai đoạn phát triển nhanh chóng, phụ nữ có thể đưa ra các quyết định dựa trên những kỳ vọng mà về sau không thể hiện thực hóa được.

Tầm quan trọng của kỳ vọng. © Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Vào nửa sau thế kỷ 20, những thay đổi về mặt xã hội đồng nghĩa với việc phụ nữ đã kết hôn thường quay lại lực lượng lao động khi con cái họ lớn hơn. Cơ hội việc làm mà họ có được khi đó dựa trên những lựa chọn về giáo dục có lẽ đã được thực hiện từ 25 năm trước, thời điểm mà theo các chuẩn mực xã hội lúc bấy giờ, họ không được kỳ vọng sẽ có sự nghiệp. Nhiều phụ nữ trẻ ở thập niên 1950 có mẹ làm nội trợ, và khi những bà mẹ quay trở lại thị trường lao động, các cô con gái đã chọn xong con đường học vấn cho bản thân. Nói cách khác, các cô gái ấy đã không kỳ vọng sẽ xây dựng sự nghiệp khi lên kế hoạch cho tương lai, và mãi sau này họ mới vỡ lẽ ra rằng mình thực ra có thể có một sự nghiệp lâu dài và năng động. Trong phần lớn thế kỷ 20, phụ nữ đánh giá thấp khối lượng công việc họ sẽ làm; cho đến những năm 1970 những kỳ vọng và kết quả mới bắt đầu hội tụ. Do vậy, phụ nữ trẻ trong thời kỳ đó đầu tư nhiều hơn vào việc học của mình. Trong những thập kỷ gần đây, phụ nữ ngày càng có xu hướng đi học nhiều hơn và ở các nước có thu nhập cao, phụ nữ thường có trình độ học vấn cao hơn nam giới.

Việc phụ nữ thường rời khỏi lực lượng lao động trong một thời gian dài sau khi kết hôn cũng giải thích tại sao mức có việc làm trung bình của nữ giới lại tăng rất ít, bất chấp làn sóng phụ nữ tham gia thị trường lao động vào nửa sau thế kỷ 20. Ngoài ra, do những phụ nữ đã dành nhiều năm ở nhà cùng con cái chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động nữ nên cách tiếp cận dựa trên đoàn hệ giải thích được tại sao tiến bộ có vẻ chậm hơn so với thực tế. Ví dụ, nếu tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động là 20% cho thế hệ đầu và 40% cho thế hệ sau, thì tỷ lệ tham gia trung bình sẽ là 30% (với điều kiện là các thế hệ có quy mô bằng nhau), dù tỷ lệ tham gia thị trường lao động thực ra tăng gấp đôi qua hai thế hệ.

Tuy nhiên, ngay cả khi các chuẩn mực xã hội thay đổi, các mô hình mới trên thị trường lao động và trình độ học vấn ngày càng tăng có ảnh hưởng đến mức độ việc làm của phụ nữ, thì những đổi mới gần đây hơn về cơ bản đã thay đổi cơ hội của nữ giới trong cả việc lên kế hoạch và gầy dựng sự nghiệp. Một trong những đổi mới này là một viên thuốc nhỏ.

Sức mạnh của viên thuốc

Kỳ vọng về thị trường lao động của phụ nữ đã thay đổi vào cuối những năm 1960, khi thuốc tránh thai được giới thiệu – một phương pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình dễ sử dụng mà phụ nữ có thể kiểm soát một cách độc lập. Bằng cách tận dụng thực trạng là phụ nữ trẻ có thể tiếp cận thuốc tránh thai vào những năm khác nhau ở các tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ, Goldin và đồng tác giả Lawrence Katz đã chứng minh sức mạnh của viên thuốc. Goldin phát hiện ra rằng thuốc tránh thai khiến phụ nữ trì hoãn việc kết hôn và sinh con. Họ cũng đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp khác và ngày càng có nhiều phụ nữ bắt đầu học kinh tế, luật và y học. Các nhóm chịu ảnh hưởng là những người sinh vào những năm 1950, vốn được tiếp cận với thuốc tránh thai ngay khi còn trẻ. Nói cách khác, viên thuốc này đồng nghĩa với việc phụ nữ có thể lên kế hoạch cho tương lai bản thân tốt hơn và do đó cũng hiểu rõ hơn về những gì họ mong đợi, điều mang lại cho họ động lực hoàn toàn mới để đầu tư vào giáo dục và sự nghiệp của mình.

Ngay cả khi thuốc tránh thai ảnh hưởng đến các chọn lựa cả về giáo dục lẫn nghề nghiệp, điều này không có nghĩa là khoảng cách thu nhập giữa nữ giới và nam giới hoàn toàn biến mất, dù khoảng cách này đã thu hẹp đáng kể kể từ những năm 1970. Để hiểu khoảng cách thu nhập thay đổi như thế nào theo thời gian, một lần nữa, Goldin quyết định nhìn về quá khứ.

Những khoảng cách thu nhập về mặt lịch sử

Goldin bắt đầu bằng việc tổng hợp các thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, tạo ra loạt dữ liệu dài đầu tiên về khoảng cách lương giữa nam và nữ. Bằng cách sử dụng những tư liệu bao trùm suốt hai trăm năm, bà đã có thể chứng minh rằng nhiều thay đổi mang tính lịch sử quan trọng về cơ cấu trên thị trường lao động thực sự mang lại lợi ích cho phụ nữ, rất lâu trước khi vấn đề bình đẳng trở thành ưu tiên hàng đầu. Khoảng cách thu nhập giữa hai giới giảm đi đáng kể trong cuộc cách mạng công nghiệp (1820–1850) và khi nhu cầu về dịch vụ hành chính văn phòng tăng lên (1890–1930). Tuy nhiên, bất chấp tăng trưởng kinh tế, trình độ học vấn của phụ nữ ngày càng tăng và tỷ lệ phụ nữ làm việc có lương tăng gấp đôi, khoảng cách thu nhập về cơ bản vẫn giữ nguyên trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 1980.

Sử dụng những số liệu thống kê này, Goldin cũng có thể chỉ ra rằng sự phân biệt đối xử về lương (tức sự khác biệt về lương mà không thể giải thích bằng những khác biệt quan sát được qua các nhân tố như năng suất, giáo dục và tuổi tác) ảnh hưởng đến phụ nữ tăng lên đáng kể cùng với sự phát triển của ngành dịch vụ trong thế kỷ 20. Trước đó, phụ nữ thường làm việc trong những lĩnh vực trả lương theo sản phẩm; người lao động trong ngành dạng này, dù là nam hay nữ, đều nhận lương theo năng suất cá nhân. Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1940, sự chênh lệch về lương giữa nam và nữ mà nguyên nhân có thể là do sự phân biệt đối xử đã tăng từ 20 lên 55% trong ngành sản xuất. Nói cách khác, sự phân biệt đối xử về lương tăng lên, bất ngờ thay, lại cùng lúc với việc khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ giảm xuống. Một lý do cho điều này là các hợp đồng làm việc theo sản phẩm bị hủy bỏ ngày càng nhiều để chuyển sang hệ thống trả lương dựa trên tiền công hằng tháng. Goldin cho thấy rằng cùng với việc áp dụng các hệ thống trả lương hiện đại, người sử dụng lao động có xu hướng làm lợi cho những nhân viên có sự nghiệp lâu dài và không bị gián đoạn. Do đó, các kỳ vọng không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với các nhân viên nữ tiềm năng mà còn đối với các nhà tuyển dụng tiềm năng của họ.

Hiệu ứng làm cha mẹ

Hiện nay chúng ta có thể thấy rằng khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới ở các quốc gia có thu nhập cao là từ 10 đến 20%, mặc dù nhiều quốc gia trong số này có luật trả lương ngang nhau và phụ nữ thường có trình độ học vấn cao hơn nam giới. Sao lại thế? Goldin cố gắng trả lời chính xác câu hỏi này và, giữa nhiều nguyên nhân, bà đã thành công trong việc xác định một lời giải thích then chốt: vai trò làm cha mẹ.

Hiệu ứng làm cha mẹ. © Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Bằng cách nghiên cứu sự khác biệt về thu nhập giữa nam và nữ thay đổi như thế nào theo thời gian, Goldin và các đồng tác giả của mình, Marianne Bertrand và Lawrence Katz, đã chứng minh trong một bài báo từ năm 2010 rằng sự khác biệt về thu nhập ban đầu là rất nhỏ. Tuy nhiên, ngay khi đứa con đầu lòng ra đời, xu hướng này đã thay đổi; thu nhập của phụ nữ sinh con ngay lập tức giảm và không tăng cùng tốc độ với nam giới, ngay cả khi họ có cùng trình độ học vấn và nghề nghiệp. Các nghiên cứu từ các quốc gia khác đã xác nhận kết luận của Goldin và việc làm cha mẹ giờ đây gần như có thể giải thích hoàn toàn sự khác biệt về thu nhập giữa phụ nữ và nam giới ở các quốc gia có thu nhập cao.

Goldin cho thấy hiệu ứng làm mẹ này một phần có thể được giải thích bởi bản chất của thị trường lao động hiện đại, nơi nhiều ngành nghề mong đợi nhân viên luôn sẵn sàng và linh hoạt trước yêu cầu của người sử dụng lao động. Ví dụ, vì phụ nữ thường chịu nhiều trách nhiệm chăm sóc con cái hơn nam giới, dẫn đến việc phát triển sự nghiệp và tăng thu nhập trở nên khó khăn hơn. Những công việc khó kết hợp với công việc bán thời gian cũng khiến người có gia đình, thường là phụ nữ, gặp nhiều thách thức hơn trong việc duy trì sự nghiệp. Tất cả những nhân tố này đều có những hậu quả sâu rộng đối với thu nhập của phụ nữ.

Tương lai thoáng hiện

Bằng cách rà soát các kho lưu trữ, biên soạn và sửa cho đúng dữ liệu lịch sử, Goldin đã đưa ra được những sự thật mới mẻ và thường gây bất ngờ. Bà cũng giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội của phụ nữ trên thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động nữ là bao nhiêu. Thực tế là sự lựa chọn của phụ nữ thường bị giới hạn bởi hôn nhân và trách nhiệm đối với tổ ấm và gia đình là trọng tâm trong các phân tích và mô hình giải thích của bà.

Nghiên cứu của Goldin cho thấy sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới trên thị trường lao động được xác định bởi các nhân tố đa dạng trong các giai đoạn phát triển xã hội khác nhau. Các nhà hoạch định chính sách muốn tác động đến những khác biệt này trước tiên phải hiểu tại sao chúng tồn tại. Đầu tư vào thông tin và giáo dục, hoặc pháp luật để xóa bỏ các rào cản về thể chế, có thể có tác động đáng kể trong một thời gian nhất định, đặc biệt là nếu kỳ vọng nghề nghiệp và trình độ học vấn của phụ nữ tụt hậu so với nam giới. Tuy nhiên, những khoản đầu tư tương tự có thể có tác động hạn chế ở những xã hội nơi phụ nữ đã đạt tỷ lệ có việc làm cao và có lẽ có trình độ học vấn cao hơn nam giới. Ví dụ, chúng ta biết rằng việc phụ nữ được giáo dục theo những điều kiện giống như nam giới là chưa đủ; khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ vẫn còn đó. Cơ hội để lên kế hoạch và tài chính cho việc quay trở lại lực lượng lao động sau khi sinh con, hoặc để làm việc linh hoạt hơn, có lẽ quan trọng hơn.

Nghiên cứu của Goldin cũng dạy chúng ta rằng sự thay đổi cần có thời gian, bởi vì những lựa chọn ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp đều dựa trên những kỳ vọng mà có khi về sau mới tỏ ra là sai lầm. Lịch sử Hoa Kỳ và những diễn biến tương tự ở nhiều quốc gia có thu nhập cao khác cho thấy rằng sự thay đổi có thể bị ẩn giấu trong nhiều thập kỷ trong các số liệu thống kê tổng hợp, bởi vì một hành vi mới không có tác động tổng thể đáng kể ngay từ đầu. Những thay đổi lớn về lực lượng lao động chỉ có thể xảy ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn khi các nhóm áp dụng hành vi mới trên thị trường lao động bắt đầu bước vào tuổi trung niên và ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của lớp phụ nữ trẻ hơn.

Chúng ta biết tất cả những điều này nhờ nghiên cứu của Claudia Goldin. Ta cũng biết rằng những hiểu biết sâu sắc của bà đã vươn xa ra ngoài biên giới Hoa Kỳ và những mô hình tương tự đã được quan sát thấy ở nhiều quốc gia khác. Nghiên cứu của bà giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thị trường lao động ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải Sveriges Riksbanks về Các khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2023 cho

Claudia Goldin (1946-)

CLAUDIA GOLDIN
Sinh năm 1946 tại New York, NY, Hoa Kỳ. Lấy bằng tiến sĩ năm 1972 tại Đại học Chicago, IL, Hoa Kỳ.
Giáo sư tại Đại học Harvard,
Cambridge, MA, Hoa Kỳ.

“vì đã nâng cao hiểu biết của chúng ta về những kết quả khi nữ giới tham gia vào thị trường lao động”

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: The Prize in Economic Sciences 2023 - Popular science background, nobelprize.org, Oct 10, 2023.

---

Xem trên PTKT các bài liên quan trong nhãn Bất bình đẳng giới




Print Friendly and PDF