22.11.24

Ratan Tata: một nhà công nghiệp giàu lòng nhân ái, quan tâm đến nhân viên và công dân cũng như lợi nhuận

RATAN TATA: MỘT NHÀ CÔNG NGHIỆP GIÀU LÒNG NHÂN ÁI, QUAN TÂM ĐẾN NHÂN VIÊN VÀ CÔNG DÂN CŨNG NHƯ LỢI NHUẬN

Xuất bản: Ngày 11 tháng 10 năm 2024 2.27 chiều theo giờ BST

Ratan Tata tại Đại hội đồng cổ đông công ty con của Tata. EPA/DIVYAKANT SOLANKI ID: 3944798 

Ratan Tata, người vừa qua đời ở tuổi 86, là một người khổng lồ của ngành công nghiệp toàn cầu, với những mối quan tâm [trong ngành công nghiệp] ô tô, thép, du lịch, và trà. Tuy nhiên ông cũng được ca ngợi là một người có tầm nhìn xa trông rộng, với công việc vượt xa thế giới kinh doanh, thông qua cam kết của công ty ông đối với các vấn đề xã hội.

Là người đứng đầu Tập đoàn Tata, một đế chế kinh doanh của Ấn Độ được thành lập từ hơn 150 năm trước, Tata đã gắn bó sâu sắc với sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội Ấn Độ. Và ông đã đóng vai trò tích cực trong việc mở rộng sự hiện diện của Tata trên toàn cầu.

Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của ông là mua công ty trà Tetley của Anh với giá 271 triệu bảng Anh vào năm 2000, đưa Tata trở thành một trong những công ty trà lớn nhất thế giới.

Đây là một bước đi táo bạo hướng tới việc chuyển đổi tập đoàn Tata từ một tập đoàn mạnh tại Ấn Độ thành một tay chơi toàn cầu. Tương tự như vậy là việc mua lại Jaguar Land Rover vào năm 2008.

Bất chấp những khó khăn về tài chính của công ty sản xuất ô tô này vào thời điểm đó, Tata vẫn nhìn thấy tiềm năng trong thương hiệu Anh quốc này. Ông đã giám sát khoản đầu tư đáng kể vào công nghệ và thiết kế, và canh bạc của ông đã được đền đáp. Các mẫu xe mới nhận được sự công nhận trên toàn cầu và Tata Motors trở thành một thế lực lớn trong ngành ô tô.

Một thời khắc quyết định khác trong sự lãnh đạo của Ratan Tata là việc mua lại Corus Steel với giá 12 tỷ đô la Mỹ (9,2 tỷ bảng Anh) vào năm 2007, một trong những vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Ấn Độ.

Mặc dù thương vụ này gặp phải nhiều thách thức, bao gồm sự biến động giá thép và suy thoái kinh tế, nhưng nó nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược của Ratan Tata về việc mở rộng dấu chân toàn cầu của công ty - cũng như khả năng nhìn xa hơn những lợi ích ngắn hạn và tập trung vào tăng trưởng dài hạn cho tập đoàn.

Tất nhiên không phải tất cả các kế hoạch của ông đều thành công. Ông đã tham gia sâu vào việc tạo ra Tata Nano vào năm 2008, được cho là một chiếc xe thay thế an toàn và giá cả phải chăng cho các loại xe hai bánh.

Được quảng cáo là "chiếc xe rẻ nhất thế giới", nó có giá chỉ hơn 2.000 đô la Mỹ. Nhưng Nano có lẽ cần được tiếp thị tốt hơn và ít phóng đại hơn, và đã bị ngừng sản xuất vào năm 2019. Tuy nhiên, nó vẫn là biểu tượng cho tinh thần đổi mới của công ty - và quyết tâm của Ratan Tata trong việc cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân Ấn Độ.

Thiện nguyện

Tầm nhìn đó cũng thể hiện rõ trong các hoạt động kinh doanh có đạo đức, nghĩa là phần lớn lợi nhuận của tập đoàn Tata được dùng để hỗ trợ công tác thiện nguyện trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu khoa học.

Ratan Tata trao chìa khóa chiếc Tata Nano đầu tiên vào tháng 7 năm 2009. EPA/STR

Có một số trung tâm nghiên cứu của Tata ở Ấn Độ, bao gồm Viện Khoa học Xã hội Tata. Tata Trusts cũng đã đóng góp cho các tổ chức như Harvard Business School và London School of Economics.

Sự tận tụy của ông đối với hoạt động thiện nguyện cũng được thể hiện trong những thời điểm khủng hoảng, đặc biệt là sau vụ tấn công Mumbai năm 2008 nhắm vào Khách sạn Taj Mahal Palace, thuộc sở hữu của Tập đoàn Tata. Sau đó, Ratan Tata đã đảm bảo rằng tất cả nhân viên và khách bị ảnh hưởng đều được cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và bồi thường tài chính.

Và khi COVID làm thay đổi thế giới, Tata Steel tuyên bố sẽ tiếp tục trả lương và trợ cấp y tế cho gia đình của những nhân viên Ấn Độ tử vong vì loại vi-rút này, cho đến khi người nhân viên đó đủ 60 tuổi.

Phản ứng đầy lòng trắc ẩn của Ratan Tata trước các cuộc khủng hoảng, cung cấp viện trợ trong các thảm họa thiên nhiên và hỗ trợ các cộng đồng gặp khó khăn, càng củng cố thêm danh tiếng của ông như một nhà công nghiệp đặt sự yên vui của con người làm trọng tâm trong hoạt động kinh doanh của mình.

Di sản của Ratan Tata với tư cách là một “nhà công nghiệp của nhân dân” được củng cố bởi ý thức sâu sắc về trách nhiệm của ông đối với việc cải thiện cuộc sống của người dân bình thường. “Tôi muốn được nhớ đến như một người đã tạo ra sự khác biệt; không hơn, không kém”, ông từng nói như thế.

Nhiều người Ấn Độ sẽ nhớ đến ông như một điều gì đó hơn thế nữa. Lòng nhân đạo và cách tiếp cận toàn diện của ông đối với kinh doanh đã tạo ra tác động tích cực và lâu dài đối với Ấn Độ. Và sự lãnh đạo có đạo đức, tầm nhìn dài hạn và lòng trắc ẩn sâu sắc đối với người khác đã củng cố danh tiếng của ông như một người không chỉ làm việc vì lợi nhuận mà còn vì sự phát triển chung của toàn xã hội.

Tác giả

Thankom Arun
Giáo sư Phát triển Toàn cầu và Trách nhiệm giải trình, Đại học Essex

Tuyên bố tiết lộ

Thankom Arun không làm việc cho, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và không có bất kỳ mối liên hệ nào liên quan ngoài vị trí học thuật của mình.

Đối tác

Đại học Essex cung cấp tài trợ với tư cách là thành viên của The Conversation UK.

Người dịch: Nguyễn Thị Trà Giang

Nguồn: Ratan Tata: a compassionate industrialist who cared about employees and citizens as well as profitThe Conversations, 11.10.2024

Print Friendly and PDF