4.11.24

Có phải tất cả các hình ảnh đều giả mạo? Trí tuệ nhân tạo thời ngờ vực lan rộng

Top of Form

CÓ PHẢI TẤT CẢ CÁC HÌNH ẢNH ĐỀU GIẢ MẠO? TRÍ TUỆ NHÂN TẠO THỜI NGỜ VỰC LAN RỘNG

Góc nhìn thời sựSức mạnh của trí tuệ nhân tạo

Trong vòng vài tháng, trí tuệ nhân tạo đã xoá đi một sự phân biệt: không thể biết được một hình ảnh là “thật” hay “giả”. Điều này đã không làm cho chúng ta ngu hơn hay cả tin hơn nhưng làm chúng ta hoài nghi hơn một cách không tưởng tượng nỗi.

Khi nhiếp ảnh không còn là chứng cứ của cái thực, mỗi hình ảnh trở thành một đối tượng ngờ vực và đặt ra cho chúng ta một câu hỏi gây chóng mặt: phải đưa ra cái gì để được tin?

Tác giả: Raphaël Doan

Samuel van Hoogstraten, «Nature morte en trompe-l'œil» - Ảo giác tĩnh vật -, 1664, musée de Dordrecht

Vào thế kỷ XVII đã có một cuộc tranh cãi về nghệ thuật được biết đến với cái tên: tranh cãi về màu sắc. Cuộc tranh cãi này đối chọi, trong hội hoạ, giữa những người bảo vệ hình vẽ và những người bảo vệ màu sắc; giữa những người mà đối với họ hình dáng và đường nét vẽ ra là yếu tố chính của một bức tranh, và những người chỉ quyết tuân theo những cảm nhận do màu sắc gợi ra.

Về một vài khía cạnh, tổng hợp hình ảnh do trí tuệ nhân tạo đưa chúng ta trở lại với sự phân biệt xưa cũ này về hội hoạ. Từ lâu chúng ta đã chấp nhận là các hình ảnh được sửa đổi qua các màng lọc màu sắc. Hầu hết các hình ảnh được chụp chuyên nghiệp đều được trau chuốt lại theo cách này, để thay đổi độ phơi sáng, độ bão hoà, độ sáng, những đường cong của bóng tối. Instagram đã phổ biến cách làm này bằng cách áp dụng dễ dàng các màng lọc chỉnh sửa cho các hình ảnh cá nhân. Đó là một sự thay đổi hình ảnh sâu sắc, bối cảnh và ngay cả ý nghĩa của hình ảnh có thể thay đổi hoàn toàn qua sự biến đổi màu sắc. Tuy nhiên, hiếm khi thấy sự dối trá ở đó. Cùng lắm thì người ta nói những tấm hình được sửa đổi trên Intagram là được trang điểm hơi quá; người ta sẽ không đến nỗi nói rằng một tấm hình được sửa đổi như vậy có thể tạo nên một tin giả (fake news).


Những diễn biến gần đây của tổng hợp hình ảnh thì hoàn toàn khác. Năng lực và việc sử dụng dễ dàng những mô hình mới nhất của trí tuệ nhân tạo tạo sinh, dù là có tính thương mại như Midjourney hay truy cập mở như Flux gần đây nhất, những tính năng này không chỉ giúp tạo ra những hình ảnh mới; mà đặc biệt nhất là chúng cũng còn giúp chỉnh sửa dễ dàng những tấm ảnh hiện hữu. Ở đó, việc chỉnh sửa không liên quan đến các màu sắc và giá trị; đó là, theo nghĩa của cuộc tranh cãi cũ về màu sắc, thay đổi hình vẽ của hình ảnh, bằng cách thay đổi vị trí của một nhân vật, thêm các nhân vật khác vào, thay đổi phong cảnh của hậu cảnh, lấy đi một yếu tố phụ. Tự mình làm việc ấy ngày càng trở nên dễ dàng, kể cả trên điện thoại: tính năng được bao gồm trong điện thoại đời mới Pixel của Google, từ nhiều tháng nay nó là một phần của những công cụ thiết yếu của Photoshop, và có lẽ sắp tới sẽ được thêm vào các giao diện của những mạng xã hội lớn. Có một xe hơi không đẹp mắt ở hậu cảnh của tấm hình mà bạn sẽ đăng lên Instagram? Bạn có thể làm nó biến mất dễ dàng như bạn thay đổi độ sáng của nó hôm nay. Không hài lòng với trang phục của bạn trên một tấm hình selfie? Thay đổi trang phục của bạn cũng sẽ rất dễ.

Thường xuyên xem những hình ảnh giả sẽ không làm bạn cả tin hơn – nhưng hoài nghi hơn rất nhiều.

RAPHAËL DOAN

Một cách lạ lùng, khả năng chỉnh sửa này dường như quan trọng hơn trước rất nhiều. Sự sợ hãi thông tin sai lệch, sự cả tin lan rộng, sự thao túng, từ nay sẽ được kích động liên quan đến trí tuệ nhân tạo tạo sinh, mặc dù sự sợ hãi này không bị kích động đối với các bộ lọc trên Instagram. Có lẽ đây là thắng lợi kỳ lạ của những người bảo vệ hình vẽ đối với những người bảo vệ màu sắc sau khi họ đã qua đời: chúng ta dành phần quan trọng cho những đường nét phân định các đối tượng trên một tấm hình hơn là những biến đổi của sự hài hoà màu sắc của nó. Tất nhiên ta hiểu vì sao. Thêm một vết ma tuý cocain trên bàn, ở hậu cảnh của tấm hình của một chính khách? Làm hiển thị các huy hiệu của một đội quân nước ngoài trên một tấm hình của du kích đô thị? Bất kỳ ai cũng có thể làm việc này trên điện thoại trong chưa đầy một phút, một cách rất thuyết phục.

Tuy nhiên cần phải chấp nhận: chúng ta sẽ ngày càng thấy nhiều nội dung được chỉnh sửa bởi trí tuệ nhân tạo, không chỉ trong các ngóc ngách thuyết âm mưu trên Internet mà còn trong tất cả các nội dung chúng ta sử dụng hàng ngày. Dù vẫn còn có thể sau một cuộc điều tra, xác định được một hình ảnh đã được chỉnh sửa hay được tạo ra với tổng hợp hình ảnh, nhưng không thể thấy điều đó với mắt thường. Những tấm ảnh giả có hiệu ứng nhựa cách đây một năm sẽ được thay thế bởi những tấm ảnh giả - hoàn toàn không thể phân biệt được với những hình ảnh thật. Khó khăn lại càng gia tăng vì rất nhiều hình chỉ giả một phần, với những chỉnh sửa cục bộ.

Hãy thêm sự xuất hiện những mô hình video càng ngày càng trung thực. Chúng ta đã quen với ý nghĩ là một tấm hình có thể được chỉnh sửa, vì làm việc này trên Photoshop là không quá khó. Ngược lại, sửa đổi một video để chèn vào đó những yếu tố nhân tạo cho đến nay là một công việc vô cùng khó khăn, được dành cho các chuyên gia về các hiệu ứng đặc biệt trong điện ảnh và những người kiệt xuất về kỹ xảo. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả những video OVNI [objet volant non identifié - vật thể bay không xác định - ND] quay trên internet đều mờ, rất nhỏ và rung: tạo ra chúng dễ hơn là 4k[*]. Nhưng trường hợp này sẽ sớm biến mất, một khi các mô hình trí tuệ nhân tạo về video sẽ được hoàn thiện: lúc đó về thực chất video sẽ trở nên cũng đáng ngờ như hình ảnh cố định.

Những tấm ảnh giả có hiệu ứng nhựa cách đây một năm sẽ được thay thế bởi những tấm ảnh giả - hoàn toàn không thể phân biệt được với những hình ảnh thật.

RAPHAËL DOAN

Và đó là điều chính yếu: thường xuyên xem những hình ảnh giả không làm cho chúng ta trở nên cả tin hơn - nhưng trở nên hoài nghi hơn rất nhiều. Hình ảnh, video sẽ không có giá trị hơn văn bản. Chính xác bởi vì trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ được tích hợp trong những công cụ hàng ngày của chúng ta, tất cả chúng ta sẽ biết các hình ảnh bị làm giả đến mức nào. Vấn đề sẽ không phải là biết nhận diện những hình ảnh giả; mà vấn đề sẽ là biết tin vào những hình ảnh thật vì chúng cũng là đối tượng của cùng những mối nghi ngờ.

Vấn đề các tin giả chưa bao giờ là sự cả tin của công chúng; mà chính là sự thiếu tin cậy vào các thiết chế. Người theo thuyết âm mưu, nạn nhân của tin giả thường có điểm chung là những tin giả rèn giũa quá nhiều tinh thần phê phán của họ, gây nghi ngờ về quá nhiều điều, đặc biệt là những gì có vẻ chính thức. Vụ việc nhỏ bé về Kate Middleton, vốn đã kích động các mạng xã hội vào mùa xuân 2024 là một minh hoạ hay. Trong khi công nương [Kate Middleton] đang ở bệnh viện rồi được điều trị về một bệnh mà sau đó được xác nhận là một bệnh nặng, lúc đầu những thông báo chính thức của gia đình hoàng gia không cung cấp những tin chính xác về tình trạng sức khoẻ của Kate. Một tấm ảnh được đăng trên tài khoản Instagram chính thức của cô vào ngày 10 tháng ba hàm chứa những chỉnh sửa rõ ràng, điều này khiến ta nghĩ là tấm ảnh đã hoàn toàn được thiết kế lại.

Như thế cũng đủ cho những tin đồn nắm lấy: tấm ảnh này hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo tạo ra để che giấu sự biến mất của công nương, cô đã ly hôn, biến mất hoặc tệ hơn nữa… Tất nhiên là không có chuyện gì cả, đó chỉ là một sự chỉnh sửa thông thường, nhưng giai thoại đã tiết lộ nhiều điều. Từ nay, mọi hình ảnh đáng ngờ đều bị cáo buộc đã được tổng hợp bởi trí tuệ nhân tạo, ngay cả khi không phải như vậy. Nhưng sở dĩ tin đồn đã rộ lên như vậy là bởi vì trước đó gia đình hoàng gia đã không biết tạo ra sự tin cậy trong chính những thông tin của họ.

Vấn đề sẽ không phải là biết nhận diện những hình ảnh giả; mà vấn đề sẽ là biết tin vào những hình ảnh thật vì chúng cũng là đối tượng của cùng những mối nghi ngờ.

RAPHAËL DOAN

Tất nhiên vấn đề nghiêm trọng hơn khi sự ngờ vực lan ra toàn bộ các tổ chức, cơ quan công cộng và báo chí. Hơn nữa, chính vì vậy mà tự do ngôn luận ngày nay cần được bảo vệ bằng mọi giá, hơn cả trước kia. Nếu có kiểm duyệt, bất kể vì lý do gì, sẽ dễ hình dung rằng người ta chỉnh sửa các hình ảnh, giấu bớt những hình ảnh khác, rằng người ta không nói hết sự thật. Vì sự hoài nghi chỉ chiến thắng khi thị trường chữ nghĩa và hình ảnh bị làm sai lệch. Nếu chúng ta muốn bảo tồn một cuộc thảo luận công cộng lành mạnh vào thời đại kỹ thuật số, chúng ta cần có sự minh bạch và tự do.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Toutes les images sont-elles truquées? L’IA à l’ère de la méfiance généralisée”, The Conversation, 29.8.2024.




Chú thích:

[*] là video có độ phân giải 3840 x 2160 pixel hoặc 4096 x 2160 pixel rất rõ, màu sắc và chuyển động cũng được hiển thị một cách rất trung thực - ND

Print Friendly and PDF