VỤ ÁM SÁT BA CHỊ EM NHÀ MIRABAL: NGUỒN GỐC CỦA NGÀY QUỐC TẾ XOÁ BỎ BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ
Tác giả: Catherine Pélage
Giáo sư văn học và văn hoá châu Mỹ La tinh,
Giám đốc Chương trình nghiên cứu văn hoá Dominica Sœurs Mirabal,
Đại học Orléans
Tem chính thức của Cộng Hoà Dominica in hình ba chị em Mirabal (2007). Prachaya Roekdeethaweesab |
Vào tháng 8 năm 1930, Rafael Leonidas Trujillo lên nắm quyền ở Cộng Hoà Dominica sau một chiến dịch tranh cử chức tổng thống mang nặng dấu ấn của nhiều bạo lực. Một hệ thống dựa trên khủng bố và tham nhũng được nhanh chóng thiết lập. Trong suốt ba thập kỷ tiếp theo (Trujillo bị ám sát năm 1961), những tội ác chống lại nhân loại tăng lên nhiều.
Trong những năm cuối cùng của chế độ độc tài này, lực lượng chống đối được tổ chức và được tăng cường: trong số những người phản kháng có ba chị em Patria, María Teresa và Minerva Mirabal. Vào năm 1959, Minerva Mirabal cùng chồng là Manolo Tavárez sáng lập phong trào cách mạng gọi là “14 tháng sáu”; ngoài ra, 10 năm trước đó, bà đã công khai đối đầu với Trujillo.
Ngày 25 tháng 11 năm 1960, khi ba chị em đi thăm chồng của họ đang bị giam vì lý do chính trị, ba chị em bị các nhân viên của Trujillo giết hại.
Mặc dù ngày nay ba chị em Mirabal được phong danh hiệu nữ anh hùng dân tộc, những nghiên cứu về họ vẫn còn ít. Thế nhưng tầm quan trọng lịch sử và chiều kích mang tính biểu tượng của họ trên trường quốc tế là quá hiển nhiên: ngày các bà bị giết, 25 tháng 11, đã được Liên Hiệp quốc chọn là Ngày Quốc tế xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ, vào năm 1999.
Bối cảnh chính trị và gia đình
Trujillo, sinh năm 1891, đã đạt một sự thăng tiến rất nhanh chóng trong bối cảnh chiếm đóng quân sự của Mỹ đối với đảo Dominica (1916-1924). Trong thời gian này, ông tham gia Guardia Nacional, vốn có mục đích đào tạo những quân nhân Dominica phục tùng lợi ích của Mỹ. Ông được thăng chức nhanh chóng. Ông được đề bạt làm tham mưu trưởng của cảnh sát quốc gia năm 1924. Dứt khoát muốn thắng cử năm 1930, chiến dịch tranh cử tổng thống của ông nặng về đe doạ các đối thủ chính trị đã giúp ông cuối cùng trở thành ứng cử viên duy nhất. Ngay khi lên nắm quyền, như chúng tôi đã nói, ông đã thiết lập một chế độ dựa trên bạo lực chính trị cực đoan, tham nhũng và tôn sùng cá nhân ông.
“Le Chef”, như ông muốn được gọi như vậy, thiết lập một sự đồng nhất hoá hoàn toàn giữa đất nước và bản thân ông ta. Hơn nữa, cũng như ông tự cho mình là Người Cha của Tổ Quốc, ông có một xu hướng nguy hiểm tự xem mình là người chồng của tất cả các phụ nữ Dominica. Sự kết hợp bạo lực chính trị với bạo lực giới đã thống trị các quan hệ của ông với các chị em nhà Mirabal.
Các chị em Mirabal gồm bốn người; ba người trong số họ, Minerva, Patria và María Teresa đã bị giết vào ngày 25 tháng 11 năm 1960. Minerva, khao khát tự do, là một trong những phụ nữ đầu tiên của Dominica có bằng luật sư. Tuy nhiên, vì những tư tưởng chính trị của bà, bà đã không bao giờ được quyền hành nghề mà bà mơ ước. Bị giết năm 34 tuổi, bà đã để lại hai người con. María Teresa cũng đã học đại học. Theo chân chị của mình, bà đã dấn thân vào cuộc chiến đấu chống độc tài, khiến bà đã hy sinh mạng sống năm bà 25 tuổi. Bà có một bé gái. Patria kết hôn năm bà 16 tuổi, và bà chưa hoàn tất chương trình trung học. Bà đã chiến đấu cùng các chị em của mình và chết năm bà được 36 tuổi, để lại bốn người con. Người thứ tư, Dedé, không tham gia chính trị. Bà đã sống đến năm 2014 và đã dành đời mình nuôi dạy các cháu gái, cháu trai của mình, cũng như các con của chính bà, và lưu giữ ký ức của các chị em bà.
Câu chuyện bi thảm của các chị em Mirabal có thể được hiểu rõ bằng cách nhìn trở lại ba năm chính yếu: 1949, 1959 và 1999.
1949: cuộc đối đầu giữa Minerva và Trujillo
Trujillo mê khiêu vũ. Do đó, các cận vệ của ông thường xuyên tổ chức các buổi tiệc và họ mời, hay đúng hơn là triệu tập, đến buổi tiệc những cô gái trẻ mà họ nghĩ rằng sẽ gợi lên sự quan tâm của vị nguyên thủ quốc gia – và như chúng tôi đã nói, ông cho rằng mình sở hữu một dạng quyền lãnh chúa trên thân xác[*] của toàn bộ phụ nữ của đất nước.
Năm 1949, lúc đó Minerva được 22 tuổi, được mời đến một cuộc khiêu vũ được tổ chức với sự có mặt của Trujillo. Theo các lời chứng, tối hôm đó Minerva bị buộc phải khiêu vũ với một người thân cận của nhà độc tài, và giữa một điệu nhảy, người này đã đặt cô vào vòng tay của “Chef”. Theo câu chuyện dân gian đã hình thành qua thời gian thì Trujillo đã ve vãn cô gái trẻ và cô đã tát ông ta. Chuyện kể này, có phần thiếu thực tế với bối cảnh lúc đó và bị các nhân chứng phủ nhận, dù sao cũng cho thấy dấu vết của của sự việc xảy ra: thái độ thách thức của Minerva. Theo Dedé, cuộc đối thoại giữa Minerva và Trujillo đã chuyển qua chính trị:
“Trujillo đã nhận ra sự bất bình của cô ấy, ông ta thấy ở cô những đặc điểm: một phụ nữ đẹp 22 tuổi, có trình độ văn hoá, đầy năng lực và… là kẻ thù của chính quyền của ông.”
Gia đình đã vội vàng rời buổi tiệc. Đó là một điều công khai bị cấm: Không một ai có quyền rời đi trước “Chef”. Bức thư xin lỗi mà cha cô là Enrique Mirabal gửi đến nhà độc tài đã không có tác dụng gì: ông bị cảnh sát triệu tập, bị bỏ tù và bị tra tấn.
Trích đoạn phim “In the Time of the Butterflies”, của Mariano Barroso, với Salma Hayek (2001).
Đến lượt Minerva bị thẩm vấn và bị giam giữ. Cô đã được nhanh chóng giải phóng khỏi nhà tù nhưng bị quản thúc tại nơi cư trú. Cha cô đã không bao giờ hồi phục khỏi những tra tấn mà ông đã chịu và đã chết năm 1952. Như vậy, cuộc khiêu vũ đó đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong đời sống của các thành viên trong gia đình, từ lúc đó họ bị chính quyền xem là những người chống đối và liên tục bị hành hạ.
Năm 1953, Minerva kết hôn với Manolo Tavárez. Bất chấp mọi hiểm nguy có thể xảy ra, cả hai liên tục giữ quan hệ với các phong trào chống chế độ độc tài.
1959: ảnh hưởng của cách mạng Cuba và sự thành lập Phong trào 14 tháng sáu
Năm 1959 được đánh dấu bởi thắng lợi của cách mạng Cuba chấm dứt chế độ độc tài của Fulgencio Batista, thắng lợi này đã thay đổi các thế cân bằng trong vùng và có một tác động trực tiếp đối với chính quyền Trujillo.
Không lâu sau khi lên nắm chính quyền, Fidel Castro, tham chiếu sự sụp đổ của Batista, khẳng định rằng “người kế tiếp trong danh sách” sẽ là Trujillo. Những người lưu vong Dominica đã hội tụ về Cuba để tổ chức một cuộc viễn chinh nhằm mục đích chấm dứt chế độ Trujillo: 225 người đàn ông, được huấn luyện tại Cuba và được các chính phủ Cuba và Venezuela hỗ trợ, đã chuẩn bị một cuộc tác chiến bằng máy bay và tàu thuỷ đến ba điểm trên lãnh thổ Dominica: Constanza, Maimón và Estero Hondo.
Cuộc viễn chinh quân sự, xuất phát từ Cuba ngày 14 tháng sáu năm 1959, đã nhanh chóng bị quân đội của Trujillo tiêu diệt. Tuy nhiên, sự kiện này đã gây một tiếng vang lớn trong giới trẻ chống đối của Dominica. Một năm sau chiến thắng của cách mạng Cuba, Minerva đã lấy đó làm gương để xây dựng lực lượng chống đối Trujillo ở cấp quốc gia: Phong trào 14 tháng sáu, nằm trong sự nối dài của cuộc chiến đấu đã được tiến hành trước đó. Trong bí mật, các chị em Mirabal đã bắt đầu được gọi với bí danh: “Las mariposas” (“Những con bướm”)
Khi Phong trào lan rộng, một phụ nữ mới gia nhập đã tố cáo tổ chức cho chính quyền, gây ra một cuộc đàn áp kinh khủng. Đã xảy ra những đợt bắt bớ. Minerva, María Teresa, những người chồng của họ (Manolo Tavárez et Leandro Guzmán), cũng như chồng và con trai của Patria là Nelson, 17 tuổi, nằm trong số những người bị nhốt sau song sắt nhà tù.
Minerva và María Teresa được trả tự do vào tháng tám năm 1960, nhưng bị quản thúc tại nơi cư trú và chỉ có thể ra ngoài để đi thăm chồng. Vào tháng 11 năm 1960, Tavárez và Guzmán đã được chuyển đến nhà tù Puerto Plata. Chỉ duy nhất một con đường dẫn đến đó.
Ngày 25 tháng 11 năm 1960, khi Minerva và María Teresa trở về sau cuộc viếng thăm Tavárez và Guzmán, có Patria đi cùng và được người lái xe là Rufino de la Cruz đưa đi, xe của họ bị chặn lại. Mấy chị em và Rufino de la Cruz đã bị đánh đập đến chết, thi thể của họ đã được đặt lại trong xe, và xe bị đẩy lao xuống vực. Ngày hôm sau báo chí chính thức đã đưa tin là ba bà mẹ và người lái xe đã chết trong một tai nạn giao thông. Không một ai bị lừa: những người chống đối Trujillo luôn là nạn nhân của những “tai nạn giao thông”.
Vụ ám sát này đã gây nên một sự xúc động lớn trong nước, những chuỗi hoạt động đoàn kết đã được thành lập để tôn vinh “những Con Bướm” (“Papillons”, bí danh của các chị em Mirabal – ND); vụ ám sát được cho là giọt nước làm tràn bình và đã đẩy nhanh sự kết thúc của chế độ độc tài. Ngày 30 tháng 5 năm 1961, đến lượt Trujillo bị ám sát.
Today #InternationalDayToEndViolenceAgainstWomen was born from the deaths of “Las Hermanas Mirabal”.
1999: nghị quyết của Liên Hiệp Quốc
57 yrs ago today, the Dominican Republic’s (US backed) dictator Raphael Trujillo ordered them killed for opposing him.
Their sacrifice lead to his downfall. pic.twitter.com/jxX9FzCCIf
Những lần tưởng niệm ngày 25 tháng 11 đầu tiên đã diễn ra trong một bối cảnh chính trị hỗn loạn được đánh dấu bởi cái chết của Trujillo (1961), của những cuộc bầu cử dân chủ mới (1962?), một cuộc đảo chính (1963), một cuộc nội chiến (1965) và sự chiếm đóng quân sự lần thứ hai của Mỹ (1965-1966).
Chính là vào năm 1981, tại đại hội nữ quyền đầu tiên vùng Mỹ La tinh và Ca-ri-bê được tổ chức ở Colombia, đã xuất hiện ý tưởng thành lập một ngày quốc tế chống bạo lực đối với phụ nữ. Tại cuộc tập hợp này của trên 200 phụ nữ toàn châu Mỹ La tinh, đã có mặt nhiều phụ nữ Dominica, trong đó có nữ văn sĩ Ángela Hernández, bà đã đề nghị ngày này mang tên các chị em nhà Mirabal. Ý kiến của bà đã được chấp nhận: tại một số nước châu Mỹ La tinh, ngày 25 tháng 11 được kết hợp với cuộc chiến đấu chống lại bạo lực đối với phụ nữ. Trong nội bộ Liên Hiệp Quốc, những nhân vật khác, đặc biệt là Cristina Aguiar, đến lượt họ đã vận động để ngày 25 tháng 11 được tuyên bố là Ngày Quốc tế xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Hành động của họ đã mang lại kết quả là sự thông qua nghị quyết 54/134 của Liên Hiệp Quốc vào năm 1999, định nghĩa bạo lực đối với phụ nữ là “mọi hành vi bạo lực chống lại giới tính nữ […] trong đời sống công cộng cũng như trong đời sống riêng”.
Tấm biển tưởng niệm đặt tại quảng trường Cộng Hoà Dominica, Paris, khánh thành ngày 8 tháng ba năm 2021. |
Ngày nay, các chị em nhà Mirabal được xem là những nữ anh hùng dân tộc tại đất nước Dominica của họ. Khu vườn nhà họ là nơi chôn cất họ, đã trở thành phần mở rộng của Điện Panthéon quốc gia của Dominica. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử này, biểu tượng của những cuộc chiến đấu của phụ nữ còn ít được biết ở Pháp, người ta thường kỷ niệm ngày 25 tháng 11 mà không biết nguồn gốc của ngày ấy. Do đó, chúng tôi kết thúc bài báo này với lời mời đến Quảng trường Cộng Hoà Dominica ở Paris để xem tấm biển vinh danh các chị em Mirabal được thực hiện theo yêu cầu của đại sứ quán. Tấm biển này lần đầu tiên khắc sâu lịch sử các chị em Mirabal trong một không gian của nước Pháp.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “L'assasinat des soeurs Mirabal: aux origines de la Journée internationale contre les violences faites aux femmes”, The Conversation, 7.3.2024.
Chú thích: [*]
“Droit de cuissage” là một cụm từ trong tiếng Pháp, dùng để chỉ một khái niệm cổ xưa, ám chỉ quyền lực mà các lãnh chúa phong kiến có quyền quan hệ với phụ nữ trong ngày cưới của họ.