21.4.15

Amartya Sen: Sự phát triển bị giam hãm


Amartya Sen (1933-)

Amartya Sen: Sự phát triển bị giam hãm 

Cuộc phỏng vấn nhà kinh tế lừng danh đoạt giải Nobel Amartya Sen: “Sự phát triển và bảo vệ năng lực con người là trọng tâm của những suy nghĩ về hoạch định chính sách. Sự hiểu biết đó làm sáng tỏ công việc của chúng ta. Nhưng đóng vai trò biện chứng hơn trong cuốn sách ‘Vinh Quang Bấp Bênh’ là sự nhận thức rằng rất nhiều nhà phân tích chính sách của Ấn Độ có thể đã bỏ qua yếu tố năng lực con người, vì nó không chỉ quan trọng cho bản thân mỗi người, mà sự phát triển năng lực con người còn là một cách tiếp cận cổ điển của Châu Á nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.”
Jonathan Derbyshire: Lần đầu tiên chúng ta gặp nhau là 4 năm về trước. Khi đó, ông đã nói đến một điều mà tôi nghĩ có liên quan tới công việc chuẩn bị cho cuốn sách mới của ông, đồng tác giả với Jean Drèze: Vinh Quang Bấp Bênh (An UncertainGlory). Chúng ta đã nói về phe cánh tả của Ấn Độ. Ông nói: “Tôi đã từng phê phán rất nặng tình trạng cân bằng chính trị của phe tả ở Ấn Độ trong những năm gần đây. Một đảng phái có cam kết thực sự đối với những thành phần bị thua thiệt trong xã hội nên lo lắng nhiều hơn nữa so với những gì đang diễn ra, khi mà Ấn Độ có một tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao hơn bất cứ nơi nào trên thế giới”. Có phải nhận định sâu sắc đó, bất kể nhiều hay ít, chính là xuất phát điểm cho cuốn sách mới của ông hay không? Hay nói cách khác, ông quan tâm đến những thứ mà ông gọi là “mối quan hệ hai chiều” giữa “công bằng xã hội” (thuật ngữ của ông) và tăng trưởng kinh tế, điều vốn đã diễn ra rất ngoạn mục ở Ấn Độ trong 15 – 20 năm qua.
Amartya Sen: Chính xác là như vậy. Vào thời điểm đó, tôi không làm việc một cách hệ thống để xem xét các chỉ số phát triển khác như thế nào, nhưng tôi biết rằng chỉ số suy dinh dưỡng của chúng tôi [Ấn Độ] là ở mức rất thấp. Nhưng sau khi phát hiện ra rằng điều đó cũng xảy ra trên nhiều phương diện khác nhau – mức ổn định và an toàn y tế cho mọi người; hệ thống trường học vận hành tốt để mọi trẻ em có thể được đến trường thực sự; sự phổ cập tiêm chủng – trong mọi những lĩnh vực này, Ấn Độ dường như đang tụt hậu hơn so với nhiều quốc gia mà nước này đã vượt qua về thu nhập bình quân đầu người – ví dụ như Bangladesh. Vì vậy, bốn năm trước nảy ra một ý nghĩ làm tôi băn khoăn, luôn đeo bám tôi. Khi tôi cùng với người bạn và đồng cộng tác Jean Drèze tìm hiểu về chúng, vấn đề trở nên rõ ràng một cách có hệ thống, đó là Ấn Độ đang phát triển rất kém ở những phương diện này, ngay cả khi nó phát triển mạnh hơn các nền kinh tế lớn khác, với ngoại lệ là Trung Quốc (dù tỉ lệ tăng trưởng của nước này đã bị sụt giảm, tỉ lệ tăng trưởng vẫn ở mức thứ ba so với các nền kinh tế lớn, sau Trung Quốc và Indonesia).
Jean Drèze (1959-)
JD: Có phải bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khối BRIC, hay ý thức của Ấn Độ về việc nước này đang vươn lên trên trường quốc tế là khá quan trọng hay không?
AS: Đúng thế. Tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng bởi nó có thể giúp con người có cuộc sống tốt hơn, nhưng coi bản thân sự tăng trưởng là một đối tượng để tôn thờ và ngưỡng mộ lại là một phần của vấn đề. Chúng ta có thể lo lắng một cách chính đáng về sự tăng trưởng đang suy giảm của Ấn Độ, ví dụ so với Indonesia. Nhưng chúng ta phải đặt đúng câu hỏi và lưu ý, chẳng hạn như về tầm quan trọng của sự thật rằng Indonesia có một tỷ lệ xóa mù chữ, giáo dục, và an toàn y tế cao hơn. Tôi nghĩ chúng ta phải hiểu rằng cuối cùng thì việc dân chúng không có sức khỏe và giáo dục sẽ không chỉ có hại đối với sự thịnh vượng, nhưng cũng có hại đối với duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững của chúng ta.
JD: Một câu hỏi về khuôn khổ lý luận của cuốn sách. Ông nói rằng ông đã bắt đầu từ một loạt quan sát thực nghiệm về các chỉ số này (y tế, giáo dục, v.v.), cho thấy Ấn Độ đang kém hơn rất nhiều so với những quốc gia mà nước này vượt xa về tăng trưởng GDP. Tôi tự hỏi rằng liệu quan điểm của ông về “năng lực tiềm tàng” có phải đã hình thành cách tiếp cận của ông về các vấn đề này (quyền tiếp cận với y tế, giáo dục, v.v. trở thành “năng lực tiềm tàng” để con người sống tốt hơn hơn chứ không khổ hơn).
AS: Đúng vậy, nó rất quan trọng vì hai lý do khác nhau. Lý do thứ nhất là, để đánh giá một quốc gia đang hoạt động như thế nào bạn không thể chỉ nói về thu nhập bình quân đầu người. Ấn Độ đã từng giàu hơn Bangladesh 50% về thu nhập bình quân đầu người, và giờ đã giàu hơn 100%. Tuy nhiên, trong cùng một thời kỳ… khi đó là đầu những năm 1990, về tuổi thọ trung bình, Ấn Độ hơn Bangladesh ba năm, nhưng giờ tụt lại phía sau ba đến bốn năm. Tuổi thọ trung bình ở Ấn Độ là 65 hoặc 66, còn ở Bawngladesh là 69. Tương tự, về tỷ lệ tiêm chủng: Ấn Độ là 72 phần trăm, Bangladesh là hơn 95 phần trăm. Tỷ lệ bé gái so với bé trai được đến trường cũng tương tự. Vì vậy, trong tất cả những phương diện này, chúng ta nhìn vào năng lực. Chúng ta nhìn vào năng lực tổ chức một cuộc sống khỏe mạnh hơn, một cuộc sống có giáo dục, một cuộc sống an toàn (tiêm chủng đầy đủ khiến con người miễn dịch với một số bệnh có thể phòng ngừa được), cho bé gái cũng như bé trai có năng lực đọc và viết.
Sự phát triển và bảo vệ năng lực con người là trọng tâm của những suy nghĩ về hoạch định chính sách. Sự hiểu biết đó làm sáng tỏ công việc của chúng ta. Nhưng đóng vai trò biện chứng hơn trong cuốn sách này là sự nhận thức rằng rất nhiều nhà phân tích chính sách của Ấn Độ có thể đã bỏ qua yếu tố năng lực con người, vì nó không chỉ quan trọng cho bản thân mỗi người, mà sự phát triển năng lực con người còn là một cách tiếp cận cổ điển của Châu Á nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững. Nó khởi đầu ở Nhật Bản, ngay sau thời kỳ cải cách Minh Trị, khi người Nhật Bản nói: “Những người Nhật Bản chúng ta không khác gì so với người Châu Âu và Châu Mỹ; lý do duy nhất khiến cho chúng ta bị tụt hậu là vì họ có giáo dục, còn chúng ta thì không”. Sau đó họ mở rộng giáo dục phổ thông một cách ấn tượng, và sau đó nữa cải thiện y tế phổ cập. Họ nhận thấy rằng dân số khỏe mạnh và có giáo dục phục vụ rất hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bài học này sau đó được áp dụng tại Hàn Quốc. Hàn Quốc có một nền tảng giáo dục khá yếu kém vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhưng học tập Nhật Bản, họ đã đi theo cùng một hướng đó. Điều tương tự cũng xảy ra ở Singapore, Hong Kong, Đài Loan, và, ở một mức độ nào đó, kể cả Thái Lan. Rồi dần dần, một cách khiêm tốn hơn, cả ở Indonesia. Đương nhiên, họ gặt hái những gì mà họ gieo trồng. Vì vậy, việc phát triển năng lực con người là rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Châu Á.
Điều này có thể được xem xét trong tương quan chặt chẽ với ý nghĩa quan trọng của thuật ngữ “vốn con người”, dường như được các nhà kinh tế học ưa sử dụng. Tôi không thích cụm từ “vốn con người” cho mấy. Adam Smith đã đề cập ở đâu đó – có thể là trong một bức thư gửi cho David Hume – rằng cách nhận định này về con người tạo ra một mối nguy hiểm là bạn sẽ không thể phân biệt giữa một người tốt và một chiếc tủ tốt!
JD: Một phần trọng tâm khác của cuộc tranh luận trong cuốn sách này đề cập đến nền dân chủ và công luận ở Ấn Độ. Tôi nghĩ quan điểm của ông rằng sự tham gia dân chủ là một phần của tập hợp các khả năng cần có để sống một cuộc sống thịnh vượng. Tất nhiên, một điều xảy ra trong các nền kinh tế thị trường Châu Á mà ông vừa mới thảo luận, chắc chắn là trong những năm 1980 khi họ trải qua tăng trưởng ngoạn mục nhất, đó là họ có những xã hội dân sự phồn thịnh, nhưng sự tham gia chính trị lại thực sự bị hạn chế – điều này chắc chắn đúng với Singapore, và tôi nghĩ là cả Hàn Quốc trong giai đoạn đó. Làm thế nào để những điều đó dung hòa được với những luận điệu ông đưa ra trong cuốn sách về dân chủ?
Sen & Jean Drèze
AS: Sự lựa chọn mà các nền kinh tế Châu Á đưa ra [mở rộng y tế, giáo dục, v.v.] không phải là một lựa chọn dân chủ, nhưng đó lại là một sự lựa chọn rất tài tình. Bạn có thể là kẻ khôn khéo mà không cần tới dân chủ. Tuy nhiên, thực hành dân chủ tốt đẹp – thông tin đầy đủ và mạnh mẽ – có thể giúp chọn ra những chính phủ khôn khéo, nhân đạo, và có thể khiến cho những phẩm chất này trở nên ít bấp bênh và bớt tạm thời hơn. Về việc này, chất lượng và sức mạnh của thảo luận truyền thông là khá quan trọng. Nhưng nếu bạn đủ may mắn để có một chính phủ độc tài thân thiện, họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt mà không cần dựa vào thảo luận truyền thông mạnh mẽ. Đó là những gì đã được thực hiện ở Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng Bắc Triều Tiên thì không như thế. Campuchia cũng không làm như vậy trong những năm 1970. Dân chủ có thể giúp chọn một chính phủ thông qua sự lựa chọn công khai, có ý thức và biện luận chặt chẽ, thay vì trông chờ sự may mắn. Để đảm bảo được điều này, phải nắm bắt mạnh mẽ các cơ hội được tạo ra bởi nền dân chủ. Những thành tích của Ấn Độ bị chia rẽ – ở một vài nơi được áp dụng một cách tuyệt vời, ở những nơi khác lại áp dụng yếu kém. Chúng ta phải thực hành dân chủ một cách toàn diện hơn.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã cho thấy những ví dụ về cách cai trị tốt và khôn khéo, cũng như cách cai trị yếu kém và lầm lẫn. Nạn đói khổng lồ vào những năm 1958 – 61 là kết quả của những lựa chọn chính sách tồi tệ mà không thể được thay đổi trong ba năm, mặc cho hàng chục triệu người chết mỗi năm – không có một đảng chính trị nào để có thể chỉ trích những chính sách khủng khiếp, còn báo chí thậm chí không thể đưa những tin tức xấu. Nhưng sau đó, dù có rất nhiều vấn đề khác, Trung Quốc đã tạo tiến bộ nhanh đáng kể về giáo dục và y tế cho mọi người – một ví dụ về chủ nghĩa độc tài tốt đẹp. Nhưng họ lại có thành kiến rất phi lý về chức năng của thị trường, và tẩy chay nó cho đến cuộc cải cách năm 1979. Cùng với những cuộc cải cách là những bước chuyển biến thông minh (Trung Quốc đã rất xuất sắc trong việc thị trường hóa sản xuất và nông nghiệp), nhưng cũng vấp phải một sai lầm lớn khi họ thị trường hóa bảo hiểm y tế, để bạn phải mua bảo hiểm y tế thay vì được bảo hiểm bởi nhà nước hoặc công xã; người Trung Quốc đã không được cảnh báo về những hậu quả tồi tệ của việc thị trường hóa mọi thứ. Tỷ lệ phần trăm bảo hiểm y tế giảm từ 100 phần trăm sau năm 1979 xuống còn 10 hoặc 12 phần trăm, gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ phát triển cao về tuổi thọ của Trung Quốc. Một lần nữa, phải mất nhiều năm để họ nhận ra sai lầm và đảo ngược sự thiệt hại, một sự điều chỉnh chỉ đạt tốc độ tối đa vào năm 2004 – một phần tư thế kỷ sau những lỗi lầm của việc thị trường hóa bảo hiểm y tế năm 1979. Hiện nay họ đạt gần một trăm phần trăm bảo hiểm y tế – cùng với chất lượng chăm sóc sức khỏe tốt hơn rất nhiều nhờ vào thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc.
Một hệ thống độc tài, nếu được lãnh đạo một cách thông minh và nhân đạo (nhưng không có bất cứ đảm bảo nào cho điều đó), có thể đạt được thành công nhanh chóng. Một hệ thống dân chủ thì có phần chậm hơn, bởi vì bạn cần phải thuyết phục tất cả mọi người. Trong trường hợp Ấn Độ, câu hỏi đặt ra là những vấn đề nào bị bi kịch hóa và chính trị hóa. Nạn đói ngay lập tức bị chính trị hóa, bởi nó cực kì quan trọng trong quan niệm của người Ấn Độ dưới chế độ cai trị của nước Anh. Thời kì thuộc địa bắt đầu bằng nạn đói [năm 1769] và kết thúc bằng nạn đói [năm 1943]. Xóa bỏ nạn đói là một thành công tức thì của nền dân chủ Ấn Độ. Có những thành công khác nữa, đặc biệt là khi xảy ra các cuộc khủng hoảng – chẳng hạn như HIV – khi các cuộc tranh luận truyền thông và áp lực dân chủ phản ánh về tính thực sự cấp bách của nó. Năm hay mười năm trước, người ta nói rằng Ấn Độ sẽ có nhiều ca nhiễm HIV hơn bất cứ nơi nào trên thế giới – không chỉ là những con số tuyệt đối, mà còn về tỷ lệ. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Thử thách đó đã được ngăn chặn, nhiều việc đã được thực hiện để làm giảm tình trạng không được bảo vệ trong dân chúng. Những thử thách này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của công chúng, dẫn đến một thành công dân chủ.
Nhưng thật không may, thử thách trong lĩnh vực y tế nói chung vẫn chưa được khống chế, thậm chí cả với tiêm chủng thông thường. Và điều này cũng chưa diễn ra với giáo dục phổ thông. Vì vậy, tôi nghĩ rằng không có một sự đảm bảo nào để dân chủ sẽ thành công ngay lập tức, nhưng nó còn phụ thuộc vào những con người sẽ đảm nhiệm công việc. Tất nhiên là lý do căn bản của sự khao khát dân chủ lại không phải là như thế. Lý do căn bản của sự khao khát dân chủ là ở chỗ, nó mang lại cho con người ta nhân phẩm, tự do chính trị, và tiếng nói – dân chủ có giá trị riêng của nó. Nếu điều đó phù hợp với việc thực hiện những điều tốt đẹp, và nếu những gì đã xảy ra với nạn đói và thảm họa HIV có thể chuyển đổi sang phạm vi chăm sóc sức khỏe phổ cập và suy dinh dưỡng kinh niên, thì điều đó sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời. Hoàn toàn không có lý do nào để chúng tôi – và ở đây tôi nói với tư cách một công dân Ấn Độ – không thể làm được điều đó.
JD: Ông cho rằng có một “mối quan hệ hai chiều” giữa tăng trưởng ở bên này và sự phát triển năng lực con người ở bên kia. Thật dễ để nắm bắt được luận điểm đó từ phía vế bên này của tăng trưởng. Ông có thể giải thích về vế bên kia của luận điểm đó? Làm thế nào để phát triển năng lực con người cho việc thúc đẩy tăng trưởng?
AS: Vâng, tôi nghĩ đó là cái nhìn cơ bản về công cuộc cải cách Minh Trị mà tôi đã đề cập trước đó – cụ thể là nguồn nhân lực có đào tạo và khỏe mạnh thì rất có hiệu quả. Và cuối cùng đó là năng suất lao động và đào tạo kỹ năng cho tiến bộ kinh tế và xã hội. Đó là luận điểm của AdamSmith. Smith hỏi “tại sao thương mại lại có ích?” Thương mại có ích là bởi vì nó cho phép bạn chuyên môn hóa và nó cho phép bạn phát triển các kỹ năng. Ông ta không theo quan điểm có liên quan đến David Ricardo, người cho rằng thương mại rất quan trọng vì lợi thế cạnh tranh của nó. Quan điểm của Smith là thông thường bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất bất kỳ hàng hóa nào (trừ khi họ bị phụ thuộc vào địa lý một cách khác thường). Nhưng nếu bạn chuyên môn hóa vào một thứ gì đó, bạn sẽ cực kỳ giỏi về nó – ví dụ như người Thụy Sĩ làm ra chocolate, đồng hồ đeo tay hoặc quản lý ngân hàng. Một khi điều đó xảy ra, năng suất lao động của bạn tăng lên, trong khi năng suất lao động của các quốc gia khác tăng lên ở các sản phẩm khác. Smith cũng nhấn mạnh rằng giáo dục phổ thông là một thứ mà nhà nước nên làm. Ông ta nghĩ rằng đó là một điều tốt để không những có được giới dân chúng có học, mà còn giúp cho việc hình thành các kỹ năng.
Tôi nghĩ rằng các nền kinh tế Châu Á đều nhìn thấy mối liên hệ đó, và họ cũng nhìn thấy vai trò cốt yếu của việc hình thành các kỹ năng. Có nghiên cứu nào cho thấy năng suất lao động tương ứng với dinh dưỡng, giáo dục, và y tế không? Thực sự là có các nghiên cứu như vậy, nhưng chúng tôi không đi sâu vào các chi tiết của vấn đề đó trong cuốn sách này. Chúng tôi nhắm tới những kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau, những nơi đã áp dụng chiến lược phát triển con người và thực hiện rất tốt. Tương tự, các tiểu bang thuộc Ấn Độ – ví dụ, Kerala, nơi có một tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với hầu hết những bang khác. Những bang ở Ấn Độ đi theo hướng phát triển năng lực con người, thường do chính quyền lãnh đạo – tôi nghĩ về bang Tamil Nadu hoặc Himachal Pradesh, ngoài Kerala – đã dẫn đến một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và đang dẫn đầu. Giờ thì một vài người trước kia nói rằng việc bang Kerala tập trung vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe do nhà nước cấp vốn sẽ không thể kéo dài thì hiện giờ dường như đang nói rằng không có gì để giải thích! Bang Kerala đang thịnh vượng và do đó có năng lực con người cao. Nhưng điều đó bỏ qua lý do họ đã trở nên giàu có như thế nào.
JD: Vậy các nền kinh tế Châu Á khác cho chúng ta thấy rằng không cần phải có các thể chế chính trị dân chủ tự do để có được sự tăng trưởng về năng lực con người?
AS: Đúng vậy. Mà tôi chưa bao giờ phủ nhận điều đó.
JD: Vậy luận điệu về dân chủ trong cuốn sách này là gì?
AS: Thực tế là có ba luận điệu được nêu ra. Một là, nền dân chủ đó tự nó có giá trị quan trọng, và phù hợp với sự phát triển khả năng con người. Hai là, thực hành dân chủ sẽ có lợi vô cùng cho sự phát triển năng lực con người thông qua cách áp dụng tốt và mạnh mẽ. Những gì đã được thực hiện trong trường hợp phòng ngừa nạn đói hoặc xử lý HIV cũng có thể được thực hiện một cách khái quát bằng phương pháp gây áp lực dân chủ. Ba là, dưới chế độ độc tài, không còn tồn tại sự đảm bảo nào so với độ tin cậy của chế độ dân chủ cho việc phát triển năng lực con người, trong trường hợp chúng ta biết làm thế nào để sửa chữa sự bỏ mặc đó trong một nền dân chủ – trên thực tế thông qua cách thực hành dân chủ mạnh mẽ và nhiều thông tin hơn nữa. Như các ví dụ mà tôi đã thảo luận trước đó cho thấy, trong khi sự phát triển năng lực con người có thể được thực hiện khá tốt bởi một vài chính phủ độc tài, nó có thể bị bỏ mặc hoàn toàn bởi chế độ độc tài khác. Dưới chủ nghĩa độc tài, chúng ta không biết liệu chúng ta sẽ trở thành Hàn Quốc hay Bắc Triều Tiên.
Nhưng ngay cả khi mọi thứ tiến triển tốt về nhiều mặt trong một nhà nước độc tài, luôn luôn có một sự bất an khó lường [trong những nhà nước độc tài]; dưới quyền của người lãnh đạo tốt, bạn đi theo hướng này, dưới quyền người lãnh đạo tồi, bạn theo hướng khác. Bằng nhiều cách, Ấn Độ dưới thời đại đế Abkar là một nhà nước ôn hòa, nhưng nó phụ thuộc vào những nhà cai trị độc đoán theo đuổi những giá trị này. Không có gì trong hệ thống đảm bảo duy trì chúng. Nền dân chủ không có sự bất an khó lường đó, mặc dù sẽ khó khăn hơn, sẽ chậm hơn để thành công. Ví dụ, hãy xem xét việc một buổi sáng vào năm 1979, Trung Quốc bãi bỏ y tế phổ cập – nếu như ở Ấn Độ đã từng có y tế phổ cập vào năm 1979 như ở Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ chính phủ nào ở Ấn Độ có thể xóa bỏ nó.
JD: Theo ông, nền dân chủ của Ấn Độ vững đến mức nào?
AS: Những thể chế của nó đã đủ vững, nhưng thực thi dân chủ thì vẫn còn khá hạn chế. Chúng ta cần phải cảnh giác hơn. Bất bình đẳng giới bị lãng quên lâu nay, nhưng hiện đang là chủ đề được chú ý đến nhiều hơn cả, một phần là vì xảy ra sự kiện khủng khiếp về vụ hiếp dâm ngày 16 tháng 12 (dẫn đến những vụ biểu tình đại chúng). Nền dân chủ ở Ấn Độ có tính khá ổn định, nhưng sự thực thi dân chủ có nơi mãnh liệt, có nơi rất thờ ơ. Liệu chúng ta có thể chắc chắn về sức mạnh của nó? Nó phụ thuộc vào chúng ta – những công dân của đất nước. Giống như tự do, nền dân chủ đòi hỏi sự cảnh giác không ngừng.
JD: Đối với tôi, ông phân biệt hai câu hỏi về dân chủ. Đầu tiên là câu hỏi về tính tương thích giữa dân chủ và tăng trưởng, và ông nói rằng câu hỏi này đã được giải quyết dứt khoát – chúng ta biết cả hai đều tương thích với nhau. Câu hỏi thứ hai thì thú vị hơn nhưng khó trả lời, một mặt thì có liên quan đến dân chủ, còn một mặt khác liên quan đến điều mà ông gọi là “cách áp dụng những thành quả của tăng trưởng cho tiến bộ xã hội”. Nhưng có phải bức tranh ở đây ít rõ ràng hơn rất nhiều không?
AS: Đúng vậy. Ít rõ ràng hơn rất nhiều. Sự khó khăn của nền dân chủ là những người có tiếng nói và tích cực hoạt động có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự theo cách mà những người thụ động và không có tiếng nói không thể làm được. Những người năng động thuộc diện tương đối nghèo trong số những người giàu – 40 phần trăm mức dưới thấp trong số 20 phần trăm (mặc dù họ vẫn thuộc về 20 phần trăm trên cùng). Vì vậy, ví dụ như họ yêu cầu trợ cấp dầu diesel, và có được nó; họ yêu cầu trợ cấp khí ga bếp và có được nó; họ khăng khăng đòi điện cho người tiêu dùng thành thị ở dưới mức giá thành. Nhiều nhượng bộ khác đều tốn kém chi phí. Phần thặng dư thuộc về họ, vì họ đã lên tiếng nhiều hơn. Nhưng điều nguy hại, hoặc ít nhất là đáng lo ngại, là họ lên tiếng dưới danh nghĩa của “người dân bình thường”. Nhưng những người dân bình thường không lái xe động cơ diesel. Những người dân bình thường không có dụng cụ nấu ăn có thể gắn bình gas. Và nhiều người dân bình thường không có điện. Dân chủ là một sự đảm bảo quy trình. Nhưng không bảo đảm quy trình đó sẽ được thực hiện như thế nào, và kết quả nào sẽ xảy ra sau đó. Nếu bạn không làm gì, bạn sẽ chẳng có gì.
Jonathan Derbyshire: Một mối bận tâm khác của cuốn sách là sự tương phản giữa phát triển năng lực ở Ấn Độ và Trung Quốc. Có lẽ đó là mối bận tâm chủ yếu của giới tinh hoa Ấn Độ? Cuộc chạy đua với Trung Quốc.
Amartya Sen: Đối với một số thành phần của tầng lớp thượng lưu. Các phương tiện truyền thông gây ấn tượng rằng khối lượng người bận tâm về sự so sánh với Trung Quốc là rất lớn. Nhưng chỉ là một phần tương đối nhỏ trong dân chúng đọc “báo hồng” (tờ báo địa phương tương đương với tờ Financial Times). Họ rất quan tâm về việc này. Nhưng tôi không chắc rằng nó là một mối quan tâm gây ám ảnh cho tầng lớp thượng lưu Ấn Độ nói chung. Giới ưu tú về văn chương không thực sự chú ý đến … họ khá hạnh phúc rằng Ấn Độ hiện giờ là một đối tác lớn trong văn học, điện ảnh, và công nghệ. Giới tinh hoa Ấn Độ thường không nắm bắt được thông tin một cách chính xác và đầy đủ, đó là lý do tại sao cuốn sách này lại có tính chất chú trọng đến thông tin. Giới kinh doanh thì chắc chắn rất quan tâm đến cuộc đua với Trung Quốc mà không bao giờ hỏi làm thế nào để Ấn Độ có thể bắt kịp với Trung Quốc về tuổi thọ, văn học, và tiêm chủng. Đó là một sự tập trung kỳ lạ.
JD: Một khía cạnh cho thấy Ấn Độ bị tụt hậu so với Trung Quốc là do tốc độ tăng lương ở Trung Quốc đã vượt rất xa tốc độ tăng lương ở Ấn Độ. Theo ông thì tại sao lại như vậy?
AS: Thứ nhất, ưu thế đàm phán của người lao động ở Ấn Độ là tương đối nhỏ. Ngoài ra, Ấn Độ có một tốc độ tăng trưởng cao nhưng dựa trên lao động tay nghề cao – dược phẩm, công nghệ thông tin và các bộ phận xe hơi. Nhưng những lĩnh vực này không thể cung cấp nhiều việc làm như bạn mong đợi từ những ngành công nghiệp khác. Kết quả là, sự cạnh tranh toàn diện về lao động vẫn chưa thực sự xảy ra. Ngược lại, rất nhiều nhà đầu tư Mỹ và châu Âu ở Trung Quốc phàn nàn rằng tiền lương ở đó đã tăng lên rất nhanh. Nhưng đó là một dấu hiệu của thành công. Một nền kinh tế đang phát triển ở mức sáu, bảy hoặc tám phần trăm một năm không nên phải trải qua tình trạng đình trệ tiền lương giống như chúng tôi gặp phải ở Ấn Độ.
JD: Nhưng có chắc rằng ưu thế đàm phán của giới lao động Trung Quốc không khá hơn mấy trong một chế độ độc tài Trung Quốc so với nền dân chủ Ấn Độ?
AS: Ưu thế đàm phán của giới lao động ở đó là tốt hơn, chắc chắn vậy. Họ không có công đoàn, trong khi các công đoàn ở Ấn Độ thường phục vụ những người đã có việc làm tương đối tốt rồi, mà không phải là cho người lao động không có đất cày hoặc những người lao động tay chân khác. Đã có thời kỳ các đảng cánh tả đã đảm nhiệm điều đó. Nhưng kể từ đó, các đảng cánh tả có khuynh hướng theo tầng lớp trung lưu lại quan tâm đến lao động tay nghề cao. Mức lương của người lao động có tay nghề cao đôi khi được tăng lên, nhưng đó lại là mức lương cơ bản của người lao động bình thường đã bị đình trệ trước đó. Ở mức độ này, tôi nghĩ rằng Trung Quốc có nhiều cạnh tranh hơn. Nhưng điều đó không xảy ra từ phía các công đoàn – họ không chấp nhận được các công đoàn!
JD: Trở lại câu hỏi về mối liên hệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng năng lực. Ông biết rằng có một quan điểm đua tranh với quan điểm của ông, rằng sự phát triển kinh tế thành công nhất thiết phải xảy ra trong hai giai đoạn – đây là một phép tính “hai bước”, theo đó các cuộc cải cách “Bước 1″ được thực hiện để tăng GDP và cứu giúp người nghèo; cải cách y tế và giáo dục thuộc về “Bước 2″. Nhưng chỉ có điều phải có Bước 1 mới có thể khiến cho Bước 2 khả thi. Ông không ủng hộ mô hình đó phải không?
AS: Không có ví dụ lịch sử nào cho nó. Nhật Bản không. Trung Quốc không. Hàn Quốc không. Hồng Kông không. Đài Loan không. Thái Lan không. Châu Âu không. Mỹ không. Brazil không. Vậy chúng ta đang tạo ra mô hình đó từ cái gì? Đó không phải là cách mọi việc xảy ra trên thế giới. Tất cả các nước đó đã đạt được nhờ năng lực con người ngày càng phát triển. Tôi không biết bất cứ trường hợp nào về giới lao động có thể lực yếu và không qua đào tạo mà lại sản xuất ra những tỷ lệ tăng trưởng đáng nhớ!
JD: Vậy còn về lời chỉ trích rằng ông đã không chú ý hết mức có thể đến những gì có thể gọi là tác động ngoại vi tiêu cực của tăng trưởng và phát triển trong cuốn sách – chủ yếu là môi trường và tăng trưởng dân số.
AS: Về môi trường, chúng tôi có nói một chút trong cuốn sách, nhưng có lẽ là không phù hợp – cuộc chiến cơ bản của chúng tôi thuộc về một mặt trận khác. Liệu tăng trưởng chắc chắn gây tổn hại cho môi trường? Tôi không nghĩ vậy. Ví dụ, ảnh hưởng lớn nhất nhằm giảm tỷ lệ sinh sản là trình độ học vấn của phụ nữ. Cách tốt nhất để giảm tăng trưởng dân số là giáo dục cho phụ nữ, những việc làm có lợi cho phụ nữ. Ngay cả ở Trung Quốc, tỷ lệ sinh sản thấp mà họ đạt được có thể hoàn toàn được lý giải bởi những điều tốt đẹp mà Trung Quốc đã đạt được – giáo dục phổ cập cho các cô gái, độc lập kinh tế phổ biến cho phụ nữ. Bất cứ điều gì làm tăng tiếng nói của phụ nữ trẻ đều có xu hướng cắt giảm tỉ lệ sinh sản bởi phần lớn cuộc sống chịu gánh nặng do phải cưu mang liên tục những đứa trẻ là của những phụ nữ trẻ. Vì vậy, trên phương diện này, sự phát triển năng lực con người bằng giáo dục là rất thân thiện với môi trường. Giờ nếu bạn chỉ muốn có tăng trưởng mà không muốn bất cứ thứ gì khác, bạn sẽ tiến đến xung đột. Nhưng nếu bạn quan tâm đến tăng trưởng và năng lực con người, thì đó là một phần trong phép tính của bạn để làm thế nào khiến cho tăng trưởng có hướng đi tốt hơn. Đó là luận điểm của Adam Smith: chúng tôi không quan tâm đến hàng hóa như là mục đích cuối; chúng tôi muốn chúng vì chúng cho phép chúng tôi làm một số việc nhất định. Nếu bạn muốn có khả năng tham gia vào cuộc sống cộng đồng và xuất hiện nơi công cộng mà không cảm thấy xấu hổ, bạn phải có quần áo mặc như những người khác. Tương tự như vậy, nếu bạn sống ở California, bạn phải có xe hơi để lái. Nhưng luận điểm công cộng này có ý nghĩa gì nếu nó không chấp nhận thực tế là, chẳng hạn như, nếu có giao thông công cộng tốt, bạn có thể cắt giảm nhu cầu phải có xe hơi? Không có quá trình tự động nào để dựa vào đó, tăng trưởng tự nó trở nên bền vững mà không cần tư duy về nó.
JD: Chúng ta đã nói rất nhiều về Trung Quốc. Nhưng cuốn sách cũng dành một ít thời gian để so sánh giữa Ấn Độ và một số nước khác thuộc khối BRIC, cụ thể là Brazil. Quan điểm ông đưa ra về lịch sử gần đây của Brazil cho rằng những gì mà người Brazil đã làm trong 20 năm qua là để chỉnh lại những gì ông gọi là “sự giàu có ngoài ý muốn” bằng những chính sách xã hội năng động. Hiển nhiên là cuốn sách đã hoàn tất trước khi xảy ra tình trạng bất ổn hiện nay ở Brazil. Làm thế nào để có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Brazil ngày nay? Liệu có thể đổ lỗi cho cải cách xã hội bị trì trệ? Có lẽ là không, bởi vì như ông chỉ ra, chúng đã có ảnh hưởng sâu rộng. Hay nguyên nhân nằm ở nơi nào khác? Liệu chúng có nằm ở đâu đó mà ông thảo luận không, ví dụ, trong những thất bại về trách nhiệm giải trình và tham nhũng trong hệ thống?
AS: Đúng vậy. Hầu hết những sự kích động quần chúng trên thế giới không liên quan đến các vấn đề về năng lực con người. Đó cũng là vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận về trường hợp của Ấn Độ – giáo dục cơ bản cho con người nói chung không dễ dàng chuyển thành nguyên nhân gây ra các cuộc kích động dân chủ. Mặt khác, tham nhũng lại dễ gây chuyển biến; sự tước đoạt cụ thể hoặc các nhóm có tổ chức đều có thể. Nhiều quốc gia đang phải chịu đựng nạn tham nhũng, bao gồm cả Trung Quốc. Ngẫu nhiên mà nói, đối với những người nghĩ rằng Ấn Độ không phát triển nhanh bằng Trung Quốc vì tham nhũng nhiều hơn, chúng ta không biết có phải là như vậy hay không. Như tôi đã nói, tôi nghĩ rằng nguyên nhân là họ đang có dân số khỏe mạnh hơn và được giáo dục tốt hơn. Trong trường hợp của Brazil, họ cũng đang có dân số khỏe mạnh hơn và được giáo dục tốt hơn. Nhưng điều đó không liên quan đến sự kích động – những người biểu tình không kêu gọi về y tế hay giáo dục phổ cập. Họ nói về tham nhũng và các vấn đề khác. Tôi nghĩ thật khó để đánh giá điều gì đang thực sự diễn ra. Chẳng hạn như cuộc chiến về đảo Falkland đã hoàn toàn làm thay đổi vận mệnh của bà Thatcher. Đó là một vấn đề nhỏ khi bạn nghĩ về nó. Tương tự, có một làn sóng khổng lồ đòi can thiệp vào Iraq trong năm 2002 – 2003, mà ban đầu thậm chí chỉ là những tiếng nói ôn hòa. Vì vậy, tôi không đưa ra bất cứ kết luận to lớn nào trên nền tảng của những gì đang diễn ra ở Brazil. Dù thế nào đi nữa, lý thuyết của tôi không phải là về các cuộc kích động công cộng. Tôi không có lý thuyết tổng quát về sự bất mãn của công chúng!
JD: Chương 8 của cuốn sách này dành cho câu hỏi về bất bình đẳng. Ông có thể nói gì về việc làm thế nào mà chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ đã làm trầm trọng và tăng thêm sự bất bình đẳng về kinh tế, vốn là đặc trưng của mọi nền kinh tế thị trường tiên tiến?
AS: Nó gây tác động một cách rất to lớn. Đầu tiên, đó là sự phân tầng. Thứ hai, đó là sự phân tầng dựa trên những đường lối rất cứng rắn – nó không giống như việc trở nên giàu có. Sẽ dễ dàng để trở thành một người thuộc giai cấp tư sản hơn là trở thành một người Bà La Môn thuộc đẳng cấp cao! Thứ ba, có một cách tiếp cận đã quen thuộc với hệ thống đẳng cấp, nó cho đó là trật tự tự nhiên và bạn không thể thay đổi nó, sự thay thế dẫn đến hỗn loạn. Và điều đó cần được nhận thức rõ vì khá quan trọng. Có rất nhiều người có xu hướng nghĩ rằng xóa bỏ hệ thống đẳng cấp hiện nay sẽ là một tiến trình gây bất ổn. Tôi nghĩ rằng chế độ đẳng cấp là hình thái bất bình đẳng tồi tệ nhất mà bạn có thể nghĩ tới. Còn thực tế là nó đã tồn tại được 2,500 năm cho thấy nó có bối cảnh lịch sử lâu bền như thế nào. Giai cấp và giới tính cũng góp một phần vào bất bình đẳng ở Ấn Độ. Ý nghĩ cho rằng bạn cần một trường học tốt, cơ sở y tế cơ bản gần nơi bạn sống, rằng ai cũng cần nhà vệ sinh trong nhà của họ – đã ăn sâu vào nhiều xã hội, kể cả những xã hội nghèo, hơn là trong trường hợp Ấn Độ. Trong cấu trúc xã hội của người Ấn Độ, bạn vẫn có thể xây một chung cư lớn để cho nhiều người ở mà không cần xây nhà vệ sinh cho họ. Tôi nghĩ đây là thất bại nực cười nhất về tầm nhìn. Vì vậy, trên phương diện này, bất bình đẳng ở Trung Quốc là to lớn, nhưng lại khác biệt so với bất bình đẳng ở Ấn Độ.
JD: Đó là một thất bại của tầm nhìn, nhưng không phải là một trở ngại không thể vượt qua để thay đổi ư? Rốt cuộc, cuốn sách kết thúc bằng một nhận xét lạc quan.
AS: Đúng vậy. Để đạt được điều đó ở một nền dân chủ bạn cần phải đấu tranh vì nó. Sẽ không có cách nào để nền dân chủ tự động đảm bảo điều này. Đầu tiên, trong khoảng những năm 1979/80, tôi đã nói rằng các nền dân chủ đang vận hành sẽ ngăn chặn nạn đói. Tôi nghĩ rằng hôm nay tôi sẽ sửa lại hơi khác một chút và nói rằng con người ở trong các nền dân chủ đang vận hành sẽ ngăn chặn nạn đói. Hệ thống tự bản thân nó sẽ không làm điều đó, trừ khi có những hoạt động kèm theo. Trong trường hợp của nạn đói, rất dễ để vận động. Trong vấn đề suy dinh dưỡng, sẽ ít hơn. Chúng ta chỉ có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách cố gắng nhiều hơn nữa.
JD: Điều này gợi lên câu hỏi liệu ông nghĩ gì khi nói đến “dân chủ”. Như ông chỉ ra, dân chủ mang nhiều ý nghĩa hơn là bầu cử tự do. Vậy khái niệm dân chủ nào đang được mở rộng ở đây?
AS: Có ba khía cạnh liên quan đến nó. Ở một mức độ nhất định, dân chủ có nghĩa là bao gồm nguyên tắc đa số và bầu cử tự do. Đó là mức độ mà một người như học giả Samuel Huntington có thể sẽ muốn dừng lại. Tôi muốn đi xa hơn một chút. Nó cũng phải bao gồm các quyền của thiểu số, đó là một phần của cơ cấu thể chế, và sự bảo vệ cho các cuộc thảo luận công cộng – các cuộc thảo luận công cộng tự do, truyền thông tự do và nhiều nữa. Hiện nay, hai yêu cầu này mang tính thể chế. Nhưng khía cạnh thứ ba không hoàn toàn có tính thể chế – đó là sự đòi hỏi rằng người dân áp dụng nghị luận công khai; nền dân chủ sẽ năng động hơn nếu chúng ta áp dụng nghị luận công khai nhiều hơn nữa một cách cởi mở. Bây giờ, nếu khía cạnh sau cùng không đạt được nhưng lại có được hai khía cạnh trước đó, liệu đó có phải là dân chủ hay không? Tôi sẽ không đi sâu vào cuộc tranh luận. Tôi sẽ nói rằng, đó là dân chủ nhưng nó đang hoạt động không thực sự tốt cho lắm. Đó là những gì tôi nói về Ấn Độ ngày nay. Khi bạn suy nghĩ một cách rộng hơn về vấn đề này – Mỹ có vấn đề Iraq; người Mỹ cũng không nhất thiết bỏ phiếu nhanh chóng cho chăm sóc sức khỏe (kể cả những người không có bảo hiểm y tế dường như cũng không nhận thấy giá trị thực sự của chúng) – có nhiều cách khiến cho tranh luận dân chủ không tiến triển tốt. Tôi thực sự ngạc nhiên rằng có quá ít sự bất mãn ở đất nước này [Anh quốc] về ý tưởng “thắt lưng buộc bụng” không tương xứng về mặt trí tuệ. Đó không thể là sự vinh danh nền dân chủ ở Anh rằng nên xúi giục các lãnh đạo đảng Lao Động chấp thuận “chính sách thắt lựng buộc bụng”, khi mà các nhà kinh tế xuất sắc nhất trên thế giới đều đã gạt bỏ nó. Đảng Lao Động nghĩ rằng bằng cách chấp nhận “sự thông thái” của chính sách thắt lưng buộc bụng, họ có thể giành được những lá phiếu, đó không phải là sự đóng góp cho chức năng và thực hành dân chủ ở Vương Quốc Anh. Điều đó không nên xảy ra. Vì vậy, mọi nền dân chủ đều có giới hạn của nó. Nhưng giới hạn ở Ấn Độ thì gây bất lợi cho cuộc sống tốt đẹp của người dân nhiều hơn là sự lập dị của đảng đối lập ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng ngày nay. Mà đó là sự lập dị chết tiệt!
JD: Có một khía cạnh khác trong những quan điểm của ông về dân chủ và sự tham gia dân chủ làm tôi tò mò. Có những lúc ông gần như cho rằng sự tham gia dân chủ tự bản thân nó là một phần của một cuộc sống phồn thịnh xứng đáng với con người – đó là một cái nhìn gần như là của phe tân La Mã hoặc Cộng hòa. Đó có phải là quan điểm của ông?
AS: Tôi coi những người ủng hộ quan điểm đó nói lên điều gì đó quan trọng – cụ thể là sự tham gia là rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng nó không phải là thứ duy nhất mà chúng ta coi trọng. Bạn không thể nói rằng nếu tôi sống trong một chế độ độc tài, mà nó tạo ra cho tôi mức sống tốt hơn về giáo dục, y tế và tiêm chủng, nhưng những thứ đó lại không phải là một thành tựu bởi vì nó không giành được bằng các biện pháp cộng hòa, thì tôi sẽ không chấp nhận điều đó. Bạn đã đạt được một điều gì đó. Sẽ có thể tốt hơn nếu đã đạt được bằng cách cai trị theo quan điểm tân La Mã, nhưng tốt hơn là vẫn đạt được nó hơn là không có gì.
JD: Và đó chính là một cái nhìn sâu sắc bắt nguồn từ các ví dụ về các nền kinh tế châu Á mà chúng ta đã thảo luận trước đó, bởi một trong những điều họ thể hiện là việc có một nền kinh tế thị trường mà không cần đến một loạt các thể chế chính trị cụ thể. Nói cách khác, nền kinh tế thị trường nở rộ trong nhiều bối cảnh khác nhau về mặt thể chế.
AS: Đúng vậy, nhưng sẽ khó có thể nghĩ về bất cứ một nền kinh tế thị trường nào đã thành công mà nhà nước không đóng một vai trò quan trọng trong đó. Và đó là luận điểm đã được Adam Smith đưa ra năm 1776! Nó đúng với nước Đức, Mỹ, đúng với nước Anh khi nó còn đang thực hiện rất tốt, điều đó đúng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước khác nữa. Vì vậy tôi nghĩ rằng có thể có các biến thể, nhưng chắc chắn rằng ở mức độ cần thiết nhất định, nhà nước phải đóng vai trò của nó, bên cạnh việc con người có tự do để theo đuổi những cơ hội thị trường.
JD: Tôi đã suy nghĩ nhiều về thực tế rằng Singapore và Hàn Quốc trong những năm 1980 đều là những nhà nước thị trường độc tài, trong đó các cá nhân được tự do theo đuổi các cơ hội thị trường nhưng tự do chính trị bị hạn chế. Vì vậy, xã hội dân sự phát triển mạnh mẽ bên cạnh các thể chế chính trị độc tài.
AS: Tôi nghĩ điều đó là đúng. Trong lịch sử, dân chủ là một sự thay đổi to lớn xảy ra ở thế kỷ 19 và 20 ở phương Tây. Nhưng đã có mức độ tham gia dân chủ trong các nhà nước độc tài. Quan điểm được đưa ra rất rõ ràng ở thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên bởi Shotoku, hoàng tử của Nhật Bản. Ông ta nói rằng để cai trị tốt, chúng ta phải đối thoại và tham khảo ý kiến của người dân. Đó là 600 năm trước Đại Hiến chương Magna Carta. Theo một cách nào đó, cần phải tham khảo ý kiến. Đại Hiến chương Magna Carta cũng chỉ nói về điều đó – nó không nói về cách biến nước Anh thành nhà nước dân chủ. Nhưng đó là một sự đóng góp cho quan điểm của Mill rằng dân chủ là chính phủ cai trị bằng thảo luận. Hãy nhìn vào Trung Quốc. Tôi có liên kết chặt chẽ với hai trường đại học của Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân. Về chủ đề chăm sóc sức khỏe, dù một số nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh quan tâm đến, nhưng các nhà kinh tế này đã không được lắng nghe. Nhưng cuối cùng chính phủ Trung Quốc cũng thấy phù hợp để lắng nghe lập luận chuyên môn của họ, bao gồm cả sự bất bình đẳng, rằng họ phải kiềm chế sự bất bình đẳng. Vấn đề là thế này: Liệu tôi có thích hình thái chính phủ của Trung Quốc hơn của Ấn Độ hay không? Không. Mặt khác, liệu tôi có thể nói rằng đó là chế độ độc tài theo nghĩa là nó giống như Thành Cát Tư Hãn quyết định ông ta muốn làm gì thì làm? Không. Nó không phải là như thế.
JD: Tôi thấy điều này thật hấp dẫn. Đối với tôi, dường như vốn từ vựng của chúng ta là khá nghèo nàn khi phải cố gắng mô tả một cách chính xác những điều mà người Trung Quốc đang làm. Chúng ta ghi tốc ký, chẳng hạn như khái niệm “nhà nước thị trường độc tài”, nếu ông nói đúng, sẽ không nắm bắt được sát với thực tế của những sự việc đang diễn ra ở đó.
Bismarck (1815-1898)
AS: Vấn đề là Trung Quốc đã thành công. Và thành công đó dựa trên sự sáng suốt. Anh hãy nghe này, dân chủ hay chính phủ cai trị bằng thảo luận là một đóng góp rất quan trọng cho sự sáng suốt. Nhưng những quyết định sáng suốt cũng là một đóng góp, ngay cả khi chúng không được đưa ra thông qua các phương tiện dân chủ. Tôi từng gây khó chịu đối với một số người khi đã có lần nói rằng tôi tin Kenyes có những điều đúng đắn để nói về chính sách thắt lưng buộc bụng, nhưng mặt khác, ông ta không bảo vệ vai trò nhà nước một cách đầy đủ – cụ thể là họ cần phải làm những việc như dịch vụ y tế, các dịch vụ xã hội và một nhà nước phúc lợi cơ bản. Và tôi từng gây khó chịu cho một vài người bạn của tôi khi nói rằng về chủ đề này, Kenyes có ít điều để nói hơn là Bismarck. Tuy Bismarck không phải là một nhà dân chủ, nhưng ông là kẻ sáng suốt về chủ đề này. Tôi không thấy bất cứ điều gì khó hiểu về Trung Quốc. Liệu tôi có thể đưa ra ví dụ về cách họ gây ra sai lầm? Đương nhiên. Tôi có thể đề cập đến nạn đói. Tôi có thể đề cập đến việc họ từ bỏ y tế phổ cập vào năm 1979. Đó là một sai lầm cực kỳ lớn.
Vì vậy họ tồn tại bấp bênh, nhưng ngay bây giờ họ đang có khuôn khổ phát triển tuyệt vời và chúng ta phải học hỏi rất nhiều điều – về những gì họ đang làm chứ không phải những quy trình phi dân chủ đằng sau đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có khả năng phân biệt giữa lý do vì sao một chính sách là đúng đắn và lý do nó được thông qua bằng quy trình đúng đắn hay không. Bởi vì giới trí thức ở Trung Quốc khá mạnh và bởi vì cam kết cai trị bằng thảo luận (đó là một thuật ngữ của Bagehot) là rất mạnh, tôi hy vọng là Đảng Cộng sản sẽ không dễ dàng thay đổi mọi việc, ngay cả khi họ muốn thế. Vì vậy tôi hoàn toàn thanh thản. Tôi không thấy có bất cứ mâu thuẫn nào ở đây. Tôi không thấy rằng tôi có bất cứ điều gì phải giải thích. Không giống như thể tôi đã nói rằng Trung Quốc là một chế độ độc tài mà họ chưa từng gặp bất kỳ vấn đề gì. Tôi không nói như vậy. Dân chủ không phải là thứ duy nhất mà chúng ta nên xem xét đến. Sau cùng thì hồ sơ của Liên Xô về giáo dục là cực kỳ tốt. Hãy nhìn vào những vùng Châu Á ngày nay khi còn là một phần thuộc Liên bang Xô Viết. Họ có trình độ học vấn tốt hơn những nước xung quanh. Liên Xô nắm bắt được một điều gì đó. Trong trường hợp này tư tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác có một sự đóng góp to lớn. Nó không có liên quan gì đến dân chủ.
Bởi Jonathan Derbyshire
Người dịch: Minh Trang
Nguồn bản gốc tiếng Anh: Jonathan Derbyshire, "Prospect interviews Amartya Sen: Arrested Development", Prospect Magazine, ngày 18 Tháng Bảy 2013.
Nguồn bản dịch tiếng Việt: Minh Trang, “Amartya Sen: Sự phát triển bị giam hãm”, The Pacific Chronicle, ngày 11 Tháng Tám 2013.
Print Friendly and PDF