19.4.15

Walras Léon

Walras Léon, 1834-1910

Walras Léon, 1834-1910

Léon Walras là nhà sáng lập, được thừa nhận một cách phổ biến, của lí thuyết cân bằng chung được ông xây dựng trong năm lần xuất bản (1874-1877; 1889; 1896; 1900; 1926 sau khi ông mất) của tác phẩm Éléments déconomie politique pure (Khái luận về kinh tế chính trị học thuần tuý). Chính tại đại học Lausanne, nơi ông được bổ nhiệm làm giáo sư kinh tế chính trị học năm 1870, ông đã thực hiện phần chủ yếu của sự nghiệp của mình, trong khi ông đã dành toàn bộ thời gian cho kinh tế chính trị học kể từ 1858.

Lí thuyết tổng quát về xã hội

Nếu Léon Walras là lí thuyết gia của cân bằng chung thì cũng cần nói rõ rằng ý đồ của ông là rộng hơn nhiều: tầm nhìn này thật sự là một Théorie générale de la société (Lí thuyết tổng quát về xã hội). Tầm nhìn này bắt nguồn từ năm 1859 lúc đang viết L’économie politique et lajustice: Chính lúc bấy giờ tôi nhận ra rằng thặng dư của điạ tô và của đất tăng cùng với sự phát triển của dân số và của cải.. Trực giác này sẽ dẫn đến bài viết năm 1880: Théorie mathématique du prixdes terres et leur rachat par l’État (Lí thuyết toán học về giá đất và việc Nhà nước mua lại đất).
Ngay từ 1862, ông phân chia kinh tế chính trị và xã hội học thành ba bộ môn được ông dự trù viết riêng một tác phẩm cho mỗi bộ môn: kinh tế chính trị học thuần tuý (một khoa học đúng nghĩa mà tiêu chí là chân lí), kinh tế chính trị học ứng dụng (khoa học ứng dụng hay nghệ thuật mà tiêu chí là cái có ích hay cái có lợi) và kinh tế xã hội học (khoa học đạo đức mà tiêu chí là điều thiện hay công bằng). Quá bận rộn vào việc soạn và hoàn thiện tác phẩm đầu tiên Éléments, ông cho xuất bản hai tác phẩm cuối dưới dạng tuyển tập những bài viết dưới tựa Études (Những nghiên cứu) năm 1896 dành cho chủ đề kinh tế học xã hội và năm 1899 dành cho chủ đề kinh tế chính trị học ứng dụng. Dù sao đi nữa đối với ông, hai mặt này trong sự nghiệp của ông, nhất là phần kinh tế học xã hội có một tầm quan trọng ít ra cũng bằng với phần kinh tế chính trị học thuần tuý đã làm ông nổi tiếng. Có lẽ kinh tế chính trị học ứng dụng là phần ít được cấu trúc nhất của sự nghiệp của ông. Thật vậy, ngoài vấn đề tiền tệ bao giờ cũng được ông quan tâm, trong phần này ông đề cập đến những vấn đề rất đa dạng: ứng dụng nguyên lí tự do cạnh tranh vào nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tín dụng, ngân hàng; làm rõ những ngoại lệ của nguyên lí này: sự có mặt của những độc quyền tự nhiên là cần thiết như đường sắt; hoạt động của thị trường chứng khoán  
Như đã nói, tiêu chí của kinh tế học xã hội là điều thiện hay công bằng. Và đối với ông cũng như đối với bố ông, công bằng xã hội chỉ có thể thực hiện được bằng việc giải quyết hai vấn đề được họ xem là gắn liền nhau: vấn đề sở hữu và vấn đề thuế. Nhận thấy rằng địa tô tăng trong một xã hội tăng tiến và chủ đất như thế trở nên giàu có không có lí do, ông cho là đất đai thuộc về mọi người nên Nhà nước phải là chủ sở hữu: việc Nhà nước chiếm dụng địa tô sẽ đảm bảo cho Nhà nước thu nhập đến độ có thể bỏ hết thuế. Như thế ta sẽ đạt đến công bằng: những chức năng của Nhà nước sẽ được bảo đảm và người lao động vẫn là người sở hữu thu nhập của lao động bản thân. Và đó sẽ là lí tưởng xã hội. Có thể nào thực hiện lí tưởng này mà không gây thiệt thòi cho những chủ đất hiện nay không? Trong bài Théorie mathématique du prix des terres et leur rachat par létat, Léon Walras trả lời là được và nghĩ là mình đã chứng minh được khả năng này được ông xem như sự đăng quang của những ứng dụng toán học [của ông] vào kinh tế chính trị học và kinh tế xã hội học. Tầm quan trọng ông dành cho bài viết này còn được minh chứng bởi việc ông tự ứng cử vào giải Nobel hoà binh năm 1906 và 1907, bằng cách trình bày bài La paix par la justice sociale et le libre échange (Hoà bình bằng công bằng xã hội và tự do mậu dịch) lấy lại đề xuất của ông để Nhà nước mua lại đất đai.

Khái luận kinh tế chính trị học thuần tuý

Nhiều khái niệm được vận dụng trong tác phẩm Éléments do ông thừa hưởng từ bố mình. Đó là trường hợp của khái niệm tư bản (mọi kiểu của cải xã hội được dùng nhiều hơn một lần) và thu nhập (mọi kiểu của cải xã hội chỉ dùng được một lần); tư bản đất đai, tư bản cá nhân và tư bản động sản (hay tư bản theo nghĩa hẹp) và những thu nhập hay dịch vụ của những tư bản này: điạ tô, lao động và lợi nhuận; của sự phân biệt những dịch vụ sản xuất với dịch vụ tiêu dùng; của sản phẩm thước đo như đơn vị tính toán. Ông cũng thừa hưởng của bố ông định nghĩa về của cải xã hội: toàn thể những vật hiếm, nghĩa là có ích và hạn chế về số lượng. Nhưng nếu bố ông như thế cung cấp cho ông những định nghĩa rõ ràng thì lại không để lại cho ông bất kì nối khớp lí thuyết nào giữa các định nghiã này. Do đó chính Léon và chỉ mình ông mới là người xây dựng nên lí thuyết cân bằng chung.
Và quả thật đây là việc thiết kế một công trình bốn tầng (các lí thuyết trao đổi, sản xuất, vốn hoá và tiền tệ), mỗi tầng dựa trên tầng được xây trước đó và hợp nhất một chiều kích mới của những hiện tượng kinh tế.  
Lí thuyết trao đổi được hoàn tất ngay từ lần xuất bản đầu tiên (1874). Léon Walras là người đầu tiên định nghĩa những khái niệm gắn liền nhau về cầu và cung thực tế trong việc trao đổi hai hàng hoá như là những lượng chỉ phụ thuộc vào những giá tương đối của các hàng hoá này. Và như thế lần đầu tiên ông gán một ý nghĩa có tính khái niệm cho cung và cầu. Tiếp đó ông xác định những đường lợi ích, qua đó ông cũng là người đầu tiên gán một ý nghĩa chính xác cho thuật ngữ lợi ích. Cuối cùng ông suy ra những đường cầu từ những đường lợi ích và chứng minh rằng trao đổi chỉ được tiến hành khi giá cả tỉ lệ với những lợi ích cận biên và như thế những người tham gia trao đổi đạt được lợi ích tối đa. Ông khái quát hoá những kết quả này vào trường hợp trao đổi của nhiều hàng hoá với nhau bằng cách đưa vào thị trường cạnh tranh tự do trên đó chỉ có một giá duy nhất được mọi người biết và cách dò dẫm cho phép đạt đến cân bằng chung trong một nền kinh tế trao đổi thuần tuý.
Lí thuyết sản xuất đưa vào việc là những hàng hoá trao đổi được sản xuất. Léon Walras định nghĩa doanh nhân như là nhân vật hoàn toàn khác với người chủ đất, người lao động và nhà tư bản, có vai trò riêng là kết hợp ba dịch vụ sản xuất, nằm ở điểm nối khớp thị trường những dịch vụ sản xuất với tư cách là người mua và với thị trường sản phẩm với tư cách là người bán. Ở đây cũng thế, bằng một cách thức dò dẫm mới đảm bảo cân bằng của thị trường sản phẩm và cân bằng của thị trường những dịch vụ sản xuất, Léon Walras đạt đến trạng thái cân bằng của sản xuất [trong đó] các nhà doanh nghiệp không lời cũng không lỗ.
Lí thuyết vốn hoá tính đến một yếu tố mới: bản thân vốn cũng được sản xuất. Do đó ông xác định một thị trường vốn trên đó doanh nghiệp tham gia như người mua và những người tạo ra tiết kiệm tham gia như người bán. Vốn chỉ được yêu cầu vì những dịch vụ mà chúng sẽ cung cấp. Từ đó giá P của vốn chỉ phụ thuộc vào giá p của những dịch vụ này, bao gồm cả tiền khấu hao và bảo hiểm cho phép xem rằng vốn đã trở thành không thể hủy hoại được. Như thế, ông gọi bằng tỉ suất thu nhập thuần, được kí hiệu là i, tỉ số p/P. Cuối cùng để đưa tiết kiệm dôi thừa của thu nhập trên tiêu dùng vào, L. Walras hình dung một hàng hoá ảo (lí tưởng) cấu thành thu nhập thuần vĩnh viễn: như thế ông có thể đưa hàng hoá này vào hàm lợi ích. Vốn hoá đạt đến cân bằng khi: a) tất cả những vốn có chung một tỉ suất thu nhập thuần; b) giá bán và giá thành của vốn như là sản phẩm đều bằng nhau (không lời không lỗ); c) cung và cầu bằng nhau trên thị trường sản phẩm và dịch vụ; d) cung và cầu cũng bằng nhau trên thị trường vốn, giá của hàng hoá lí tưởng bằng với tỉ suất thu nhập thuần của vốn. Hơn nữa ở thế cân bằng này người tiêu dùng đạt đến mức thoả mãn tối đa.
Thật ra lí thuyết tiền tệ chỉ là một lí thuyết về sản phẩm thước đo. Thật vậy, L. Walras cho rằng các tác nhân biết được thời điểm và giá cả của những mua bán tương lai của mình; như thế chức năng chủ yếu của tiền tệ như là phương tiện phân bổ liên thời gian biến mất đi. Đã thế, tiền tệ được yêu cầu (và do đó được đưa vào hàm lợi ích dưới dạng tiền mặt được mong muốn) vì dịch vụ lưu kho. Cung tiền tệ hoặc do các giới chức tiền tệ quyết định hoặc là lượng tiền tệ trong lưu thông. Như thế cân bằng của thị trường tiền tệ ấn định lãi suất (ở thế cân bằng, lãi suất bằng với tỉ suất thu nhập thuần) và mức giá chung.
Trong kinh tế học, cân bằng chung walrasian đã và vẫn còn là điểm qui chiếu bắt buộc. Tuy nhiên thiết kế này không vững chắc như người ta nghĩ. Thiết kế này dưạ trên những giả thiết cực kì mạnh và nhất là, nếu sự tồn tại của cân bằng đã được chứng minh, ngày nay ta biết rằng nói chung cân bằng này là không ổn định (xem mục Dò dẫm): xuất phát từ những giá không phải là những giá cân bằng, ta không còn khẳng định được rằng tự do cạnh tranh sẽ dẫn đến thế cân bằng. Như thế vấn đề ích lợi của lí thuyết này được đặt ra.
· Oeuvres économiques complètes dAuguste et de Léon Walras. Vol V à XIV, Paris, Économica, (en particulier: vol. VII: Mélanges déconomie politique et sociale, 1987; vol VIII; Éléments déconomie politique pure, 1988; vol. IX: Études déconomie sociale, 1990. vol X: Études déconomie appliquée, 1992).

DOCKÈS P., La société nest pas un pique nique. Léon Walras et léconomie sociale, Paris, Économica, 1996.
Claude MOUCHOT
Giáo sư danh dự đại học Lumière (Lyon 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch

® Bàn tay vô hình; Của cải; Cạnh tranh; Cân bằng chung; Học thuyết cận biên; Dò dẫm; Duy lí tân cổ điển (tính); Kinh tế học thuần tuý; Kinh tế học xã hội; Lợi ích; Tối ưu; Trao đổi quốc tế; Tư bản.
Print Friendly and PDF