9.4.15

If I Ruled The World



Michael Sandel (1953)

Nếu tôi thống trị thế giới

Đã đến lúc lập lại sự khác biệt giữa hàng hóa và vàng
Nếu tôi thống trị thế giới, tôi sẽ biên soạn lại sách giáo khoa kinh tế học. Đây có vẻ là một tham vọng tầm thường, không phù hợp với văn phòng làm việc thuộc chủ quyền của tôi. Nhưng đây thực sự sẽ là một bước tiến lớn đi đến cuộc sống dân sự hoàn mỹ hơn. Ngày nay, chúng ta thường hay lẫn lộn giữa lý lẽ thị trường và lý lẽ xã hội. Chúng ta rơi vào suy nghĩ cho rằng hiệu quả kinh tế - thể hiện ở việc phân bổ hàng hóa cho những người có mức sẵn lòng trả và có khả năng trả mức giá cao nhất cho hàng hóa đó – xác định hành hóa thông thường. Nhưng đây là một sai lầm.
Hãy xét trường hợp thị trường tự do mua bán nội tạng con người –như thận chẳng hạn. Theo lý lẽ kinh tế trong sách giáo khoa thì người ta không thể phản đối những đề xuất như vậy. Nếu người mua và người bán có thể nhất trí một mức giá nào đó cho một quả thận, giao dịch này phỏng chừng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Người mua có được một cơ quan nội tạng để cứu mạng sống, và người bán kiếm được đủ tiền để bù đắp xứng đáng cho sự hy sinh. Giao dịch như vậy là có hiệu quả về mặt kinh tế theo nghĩa quả thận được trao cho người đánh giá nó cao nhất.
Nhưng logic này không hoàn chỉnh vì hai lý do. Thứ nhất, điều tưởng chừng như tự do trao đổi có thể không thực sự tự nguyện. Trong thực tế, người bán thận có khả năng gồm những người bất lực tuyệt vọng trong việc kiếm tiền để nuôi sống gia đình hay cho con cái đi học. Lựa chọn bán thận của họ không thực sự là tự do, mà do bị ép buộc, bởi chính hoàn cảnh không còn hy vọng của họ.
Do vậy, trước khi chúng ta có thể tuyên bố một giao dịch thị trường nào đó là đáng mong đợi hay không, chúng ta phải xác định điều gì được xem là lựa chọn tự do thay vì lựa chọn ép buộc. Và đây là một vấn đề quy phạm, một chủ đề của triết học chính trị.
Hạn chế thứ hai của lý lẽ thị trường làm thế nào để đánh giá những điều tốt trong cuộc sống. Một giao dịch được xem là có hiệu quả về mặt kinh tế nếu cả người mua và người bán thấy bản thân họ có kết cục có lợi. Nhưng quan niệm về hiệu quả như vậy đã bỏ qua khả năng một phía (hoặc cả hai phía) đánh giá một cách sai lầm về món hàng họ trao đổi. Ví dụ, người ta có thể phản đối việc mua bán thận – ngay cả trong trường hợp không do hoàn cảnh nghèo túng ép buộc – dựa trên cơ sở cho rằng chúng ta không nên đối xử với cơ thể của mình như các công cụ kiếm lợi, hay như các bộ phụ tùng. Lý lẽ tương tự cũng xuất hiện trong các cuộc tranh luận về vấn đề đạo đức của hoạt động mại dâm. Một số người nói rằng bán dâm là kém phẩm giá, ngay cả trong trường hợp mà lựa chọn theo con đường bán dâm không bị che phủ bởi sự ép buộc.
Tôi không nói rằng nếu tôi thống trị thế giới tôi sẽ cấm các hoạt động này. Tôi nghĩ đến mục tiêu lớn hơn: là nới lỏng các ràng buộc mà lý lẽ kinh tế áp đặt lên lối tư duy của công chúng, và lên khả năng sáng tạo đạo đức và chính trị của chúng ta.
Không chỉ trong sách giáo khoa, mà trong cả cuộc sống thường nhật, kinh tế học tự khẳng định là một môn khoa học, trung lập về giá trị, nghiên cứu hành vi của con người. Lâu dần, chúng ta chấp nhận lối tư duy này và áp dụng vào tất cả các kiểu chính sách công và các mối quan hệ xã hội. Quan điểm duy kinh tế về thế giới phá hủy dần đời sống dân chủ. Nó làm cho diễn ngôn công cộng kém phong phú và hình thành nền chính trị quản lý, kỹ trị.
Đây là cách tôi hiệu đính sách giáo khoa: tôi sẽ từ bỏ tham vọng cho rằng kinh tế học là môn khoa học độc lập, trung tính về giá trị, và sẽ tái kết nối kinh tế học với cội nguồn triết học đạo đức và chính trị của nó. Các kinh tế chính trị gia cổ điển của thế kỷ 18 và 19 – từ Adam Smith đến Karl Marx và John Stuart Mill – nhận thức đúng đắn rằng kinh tế học là một một trường con của triết học đạo đức và chính trị. Vào thế kỷ thứ 20, kinh tế học tách ra khỏi truyền thống này, tự xác định mình là một chuyên ngành độc lập, và khao khát có được tính chính xác của các môn khoa học tự nhiên.
Ý niệm cho rằng kinh tế học là môn khoa học trung lập về giá trị nghiên cứu hành vi của con người có vẻ là khó tin nhưng lại ngày càng có sức ảnh hưởng. Hãy xem xét việc người ta sử dụng động cơ khuyến khích bằng tiền ngày càng nhiều để giải quyết các vấn đề xã hội. NHS (National Health Service – Dịch Vụ Y Tế Quốc Gia – ND) đang thử nghiệm hiện tượng có người gọi là “hối lộ sức khỏe” – thưởng tiền cho người ta khi họ giảm cân, cai thuốc lá hay uống đơn thuốc được bác sĩ kê. Ở Mỹ, nhiều khu vực trường học đã cố gắng cải thiện thành tích học tập của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng cách thưởng tiền khi họ đạt điểm tốt, có điểm kiểm tra cao, hay đọc sách. Một quỹ từ thiện hoạt động ở Mỹ và ở Anh cho phụ nữ nghiện hút 200 Bảng Anh để họ triệt sản, hay chấp nhận sử dụng thiết bị kiểm soát sinh đẻ trong dài hạn.
Michael J. Sandel (1953)
Với tư cách là người thống trị thế giới, tôi sẽ không nhất thiết xóa sổ các chương trình này. Nhưng tôi sẽ nhấn mạnh rằng, trong mỗi chương trình, chúng ta cần tự vấn liệu rằng phần thưởng tiền mặt có làm giảm đi giá trị của các hàng hóa đang bị đe dọa hay không hay làm triệt tiêu các thái độ phi thị trường đáng trân quý. Đơn cử, nếu chúng ta trả tiền cho bọn trẻ để chúng đọc sách, có phải đơn giản là chúng ta tạo thêm sự khích lệ bổ sung cho bất cứ động lực nào vốn sẵn có hay không? Hay chúng ta dạy bọn trẻ rằng đọc sách là một lao dịch, và vì vậy mà tạo ra nguy cơ nhận hối lộ hay lấn át đi tình yêu học tập đích thực?
Nếu giá trị thị trường lấn át các thái độ và các giá trị đáng trân quý (ví dụ như tình yêu học tập vì chính lợi ích của việc học), thì lý lẽ thị trường phải chấp nhận sự điều khiển của lý lẽ đạo đức. Các mô hình kinh tế chuẩn mực giả định rằng các thị trường là thụ động nghĩa là chúng không động chạm hay làm biến chất hàng hóa được trao đổi thông qua thị trường. Nhưng nếu việc mua bán những hàng hóa nhất định nào đó làm thay đổi ý nghĩa của chúng, thì thị trường không thể chỉ căn cứ vào việc cân nhắc về tính hiệu quả. Thị trường còn phải đặt nền tảng trên lý lẽ đạo đức về cách thức đánh giá hàng hóa đang được đề cập đến.
Trong khi hiệu đính sách giáo khoa, tôi sẽ ban hành một sắc lệnh khiêm tốn: tôi sẽ cấm sử dụng một động từ mới mà lại vô duyên được sử dụng phổ biến trong các biệt ngữ của giới chính trị gia, giới chủ ngân hàng, giới giám đốc điều hành doanh nghiệp, và các chuyên gia phân tích chính sách: “incentivise” (khuyến khích/động viên). Cấm sử dụng động từ này có thể giúp chúng ta khôi phục lại phương cách theo đuổi hàng hóa công có tính truyền thống hơn, ít mang màu sắc kinh tế hơn – cân nhắc, suy luận, thuyết phục.
Michael Sandel
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn:If  I ruled the world”, Prospect Magazine, September 19, 2012.
------
Bài có liên quan: Hàng hóa hóa xã hội


Print Friendly and PDF