12.3.16

Akerlof và Shiller: Tất cả những gì bạn cần biết về thao túng thị trường tự do



Akerlof và Shiller: Tất cả những gì bạn cần biết về thao túng thị trường tự do

Hệ thống kinh tế khuyến khích và tán thưởng thủ đoạn gian trá và sự lừa dối.
Không phải toàn bộ nền móng cho sự cách tân trong kinh tế học đều được thiết lập mới trong ngày hôm nay. Trong nhiều thập kỷ, bằng cách này hay cách khác, các kinh tế gia đã không ngừng thử thách các hệ chuẩn thống trị. Bài báo “The Market for Lemons” (Thị Trường Hàng Kém Chất Lượng) do George Akerlof viết năm 1970 – tài liệu được tải nhiều nhất từ trước tới nay trên trang RePEC (Research Papers in Economics) – chính là hình ảnh minh họa cho các thử thách sâu sắc nói trên. Tương tự, nghiên cứu thực nghiệm sắc bén của Robert Shiller đã thách thức các nguyên lý cơ bản của giả thiết thị trường hiệu quả - được hình tượng hóa trong quyển sách bán chạy nhất của ông có tựa đề Irrational Exuberance (Sự hồ hởi phi lý trí).
Robert Shiller (1946-)
George Akerlof (1940-)
Hai người khổng lồ trong kinh tế học phối hợp với nhau thách thức hệ thống kinh tế hiện hành vốn khuyến khích và tán thưởng sự thao túng, mánh khóe lừa gạt, và tình trạng hưởng không lợi ích chung. Evonomics rất hân hạnh được mang đến cho quý độc giả tiếng nói của họ.  
Vì vậy, kính thưa quý độc giả, đây chính là món quà năm mới dành cho quý vị.
---
Nội dung dưới đây được trích từ quyển sách Phishing for Phools: The Economics of Manipulation and Deception (Thả Mồi Câu Cá Ngáo: Kinh Tế Học Của Sự Thao Túng Và Mánh Khóe Lừa Bịp) của George A. Akerlof và Robert J. Shiller. Được xuất bản bởi Princeton University Press. Chúng tôi đã được phép in lại.
-  -  -
James Carville (1944-)
Bill Clinton (1946-)
James Carville, cố vấn chiến dịch vận động tranh cử chức tổng thống của Bill Clinton năm 1992, đã từng nói rằng: “It’s the economy, stupid!” (Là vấn đề kinh tế cả thôi, ngốc ơi!). Ông muốn dùng câu nói này chĩa mũi dùi vào Tổng Thống George H. W. Bush vì hàng loạt các vấn đề kinh tế có liên quan mật thiết đến cuộc suy thoái kinh tế xuất hiện trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Bush. Tuy nhiên, về phát biểu của Carville, chúng tôi có cách hiểu khác, rộng hơn: nhiều vấn đề của chúng ta khởi sinh từ chính bản chất của nền kinh tế. Nếu doanh nhân hành xử hoàn toàn ích kỷ vì lợi ích của chính mình theo cách thức mà lý thuyết kinh tế giả định, thì hệ thống kinh tế thị trường của chúng ta có xu hướng dung dưỡng sự thao túng và mánh khóe lừa bịp. Vấn đề không phải là do có nhiều người xấu. Hầu hết mọi người đều tuân thủ luật chơi và chỉ mưu cầu cuộc sống sung túc. Nhưng, rõ ràng, áp lực cạnh tranh đè lên giới doanh nhân buộc họ phải nhúng tay vào hành vi lừa bịp và thao túng trong các thị trường tự do khiến chúng ta mua, và trả quá nhiều tiền cho những sản phẩm không cần đến; khiến chúng ta làm những công việc không mấy ý nghĩa; và khiến chúng ta tự hỏi tại sao cuộc sống của mình lại trở nên bất ổn.
George H. W. Bush (1924-)
Chúng tôi viết quyển sách này với tư cách là những người hâm mộ hệ thống thị trường tự do, nhưng hy vọng sẽ giúp mọi người tìm được lợi ích của mình trong đó. Hệ thống kinh tế thị trường đầy rẫy các ngón đòn gian lận, và ai cũng cần phải biết được thực tế này. Tất cả chúng ta ai cũng phải lèo lái hệ thống này để giữ gìn phẩm giá và tính chính trực của mình, tất cả chúng ta đều phải tìm cho được nguồn cảm hứng để bước tiếp bất chấp sự điên rồ xung quanh chúng ta. Chúng tôi viết quyển sách này hướng tới người tiêu dùng, họ chính là đối tượng cần phải cảnh giác trước vô số trò lừa bịp nhắm vào họ. Chúng tôi viết quyển sách này hướng tới giới doanh nhân, họ chính là những người cảm thấy chán nản trước sự xinic của một số đồng nghiệp và rơi vào cái bẫy của sự không cần thiết này về mặt kinh tế. Chúng tôi viết quyển sách này hướng tới các quan chức chính phủ, họ là lực lượng đảm đương nhiệm vụ bạc bẽo điều tiết hoạt động kinh doanh. Chúng tôi viết quyển sách này hướng tới các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm, các nhà hướng dẫn dư luận, họ là thành phần ủng hộ sự liêm chính. Và chúng tôi viết quyển sách này hướng tới giới trẻ, những người tự vấn làm sao họ có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình khi nhìn ra quảng đời làm việc của mình phía trước. Tất cả những đối tượng này sẽ cùng có lợi từ nghiên cứu về trạng thái cân bằng lừa đảo – về các lực lượng kinh tế đã cấy sự thao túng và mánh khóe lừa bịp vào hệ thống kinh tế trừ khi chúng ta mạnh dạn đấu tranh chống lại nó. Chúng ta cũng cần những câu chuyện về những vị anh hùng, những người mà bằng chính sự liêm chính của bản thân (chứ không phải vì lợi ích kinh tế) đã cố gắng kìm hãm sự dối trá trong nền kinh tế của chúng ta ở mức có thể chung sống được. Chúng tôi sẽ kể thật nhiều những câu chuyện về những vị anh hùng này.
Các sản phẩm của kinh tế thị trường tự do
Cuối thế kỷ thứ mười chín là giai đoạn bận rộn của những nhà phát minh trong ngành xe hơi, điện thoại, xe đạp, đèn điện. Nhưng, có một phát minh khác cùng thời ít nhận được sự chú ý chính là “chiếc máy tự động dùng đồng xu”. Ngay từ khi ra đời, chiếc máy này không mang ý nghĩa như của ngày hôm nay. Khái niệm này có liên quan đến bất cứ loại “máy bán hàng tự động” nào mà khi bạn cho tiền xu vào một cái khe trống, bạn sẽ được khui một chiếc hộp. Vào những năm 1890, máy tự động dùng đồng xu được dùng để bán kẹo cao su, xì gà, thuốc lá, ống dòm (để xem nhạc kịch - ND), sô-cô-la que được quấn trong giấy gói cá nhân, thậm chí là các lượt xem nhanh tài liệu được coi là tiền thân của danh bạ điện thoại thành phố - hàng hóa gì cũng có. Sự cải tiến cơ bản chính là chiếc khóa được kích hoạt bằng đồng xu được nhét vào trong.
Nhưng rồi sau đó, người ta phát minh ra một công dụng khác. Chẳng bao lâu thì máy tự động dùng đồng xu bắt đầu bao gồm cả những chiếc máy đánh bạc. Một tờ báo lúc bấy giờ đã ghi nhận sự xuất hiện của máy tự động dùng đồng xu với ý nghĩa của thời hiện đại vào năm 1893. Lúc đầu, những chiếc máy này thưởng kẹo cho người chơi thắng thay vì thưởng tiền; chẳng bao lâu thì người ta đã gán cho sự trùng hợp hiếm hoi khi ba quả anh đào cùng xuất hiện một ý nghĩa đặc biệt.
Cuối những năm 1890, một chứng nghiện mới xuất hiện đối với trò đỏ đen trên máy đánh bạc. Vào năm 1899, tờ Los Angeles Times đã đưa tin: “Người ta có thể tìm thấy từ một cho tới nửa tá máy đánh bạc ở hầu hết các quán rượu, được vây kín bởi đám đông những người chơi suốt từ sáng đến tối … Một khi thói quen đã được hình thành, nó sẽ trở thành chứng nghiện. Người ta có thể bắt gặp các thanh niên ngồi hàng giờ liền trước máy đánh bạc. Cuối cùng, chắc chắn họ chính là những kẻ thua cuộc. 
Rồi thì lực lượng quản lý đã can thiệp. Máy đánh bạc hủy hoại cuộc đời của quá nhiều người nên phải bị cấm, hoặt ít nhất là phải được kiểm soát, cùng với cờ bạc nói chung. Chúng đã biến mất khỏi đời sống cộng đồng, hầu như hoàn toàn bị cho ra rìa: được chuyển đến những nơi đặc biệt như sòng bài, và ở nơi được quản lý lỏng lẻo như Nevada, máy đánh bạc dễ dàng được tìm thấy trong siêu thị, trạm xăng, và sân bay; trung bình một người lớn ở đây nướng 4% thu nhập của mình vào bài bạc, gấp chín lần mức trung bình của người Mỹ. Nhưng ngay cả Nevada cũng có một số giới hạn: vào năm 2010, Hội Đồng Kiểm Soát Đánh Bạc Nevada đã bác bỏ đề xuất cho phép khách hàng ở các cửa hàng tiện lợi được sử dụng thẻ tín dụng trên các máy đánh bạc, mà chỉ cho phép đổi tiền lẻ như thường lệ.
Natasha Schüll
Khi được tin học hóa, máy đánh bạc có thêm chức năng mới. Đặt theo tên của quyển sách viết năm 2012 của Natasha Schüll đến từ MIT, các chiếc máy thế hệ mới được thiết kế để gây nghiện. Mollie, người mà Schüll đã gặp tại buổi họp mặt các thành viên của tổ chức Gamblers Anonymous tại Las Vegas đã thể hiện khía cạnh con người của sự ham mê này. Mollie đã vẽ cho Schüll một sơ đồ trình bày cách thức mà cô tìm thấy bản thân mình. Sơ đồ diễn tả cô bằng hình ảnh ốm o, đơn độc, đứng cạnh chiếc máy đánh bạc, bị bao vây – mắc kẹt – trong một con đường vòng tròn. Con đường đó dẫn đến sáu nơi chốn quan trọng nhất trong cuộc đời của cô: đường MGM Grand, nơi cô làm công việc nhân viên nhận đăng ký đặt chỗ; ba điểm nơi cô chơi đánh bạc; cơ sở của tổ chức Gamblers Anonymous, nơi cô cố gắng cai bài bạc; và cuối cùng là nơi cô mua thuốc chống chứng rối loạn lo âu. Mollie hoàn toàn ý thức được vấn đề của mình: cô không tìm đến các máy đánh bạc để mong được thắng. Cô biết rằng cô sẽ thua. Đúng hơn là cô bị lôi kéo bởi sự cưỡng bức. Và khi cô đến đó chè chén say sưa, cô đơn độc; hành động trở nên nhanh và liên tục. Mollie đi vào nơi mà cô gọi là “khu vực”. Nhấn cái nút màu đỏ. Các ánh đèn và buổi diễn bắt đầu. Cô ta hoặc thắng hoặc thua. Nhấn cái nút màu đỏ một lần nữa. Và một lần nữa. Cứ thế tiếp tục cho đến khi sạch túi. Mollie không phải là trường hợp cá biệt ở Vegas. Cách đây mười năm, những cái chết do ngưng tim là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở các sòng bài. Đề xuất về đội cấp cứu không được thông qua. Cuối cùng thì các sòng bài tự thành lập riêng các đội kích tim được huấn luyện đặc biệt. Một đoạn video quan sát cho thấy lý do tại sao cần phải có chương trình huấn luyện đặc biệt như vậy. Trong đoạn băng, lực lượng của sòng bạc kích tim cho một người chơi bị ngưng tim, những người chơi xung quanh vẫn tiếp tục chơi, thần trí bị mê hoặc của họ vẫn bình thản, mặc dù nạn nhân rõ ràng đang nằm ngay dưới chân họ.
Thị trường mang lại cho chúng ta điều gì
Lịch sử về mặt tốt và mặt xấu của máy tự động dùng đồng xu từ những năm 1890 đến nay minh họa quan điểm sóng đôi của chúng ta về nền kinh tế. Cơ bản nhất là chúng ta ca ngợi thị trường. Thị trường tự do là sản phẩm của hòa bình và tự do, phát triển trong thời kỳ ổn định khi mà con người không sống trong lo sợ. Nhưng song song với việc tạo ra các chiếc hộp mà khi mở ra sẽ cho chúng ta một thứ chúng ta muốn thì động cơ lợi ích cũng tạo ra những chiếc máy đánh bạc với trò cờ bạc gây nghiện ưu tiên lột tiền của bạn. Hầu như toàn bộ quyển sách này sẽ minh họa mặt xấu của chiếc máy tự động dùng đồng xu, chứ không nói về mặt tốt: vì với tư cách là những người chủ trương cải cách về cả tư tưởng kinh tế lẫn nền kinh tế, chúng tôi cố gắng thay đổi những trục trặc của xã hội chứ không thay đổi những mặt tốt. Nhưng trước khi bắt đầu, chúng ta nên suy ngẫm xem thị trường đã mang lại cho chúng ta những gì.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải nhìn lại thời kỳ cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi. Vào tháng 12/1900, chàng kỹ sư xây dựng John Elfreth Watkins Jr. đã tham gia trò giải trí dự đoán xem cuộc sống sẽ như thế nào một trăm năm nữa được đăng trên tạp chí The Ladies Home Journal. Anh ta đã dự đoán rằng chúng ta sẽ có “khí nóng và khí lạnh thoát ra từ các vòi nước”. Chúng ta sẽ có những con tàu cao tốc đưa chúng ta “đến nước Anh trong vòng hai ngày”. “Sẽ có máy bay”, chủ yếu dùng trong quân đội, nhưng đôi khi được dùng để chuyên chở hành khách và hàng hóa. “Buổi đại nhạc kịch sẽ được truyền đến tư gia bằng điện thoại và âm thanh cũng du dương như đang thưởng thức trong nhà hát”. Các dự đoán cứ thế tiếp tục.
Watkins mô tả các dự đoán của mình có vẻ “lạ, hầu như bất khả”; nhưng, đáng chú ý là thị trường tự do, với động cơ sản xuất ra những gì con người muốn, miễn là có lợi nhuận, đã khiến cho những dự đoán của anh ta trở thành hiện thực, và hơn thế nữa.
Tuy nhiên, thị trường tự do không chỉ mang lại sự phong phú mà con người muốn có. Thị trường tự do còn tạo ra trạng thái cân bằng kinh tế hết sức phù hợp với các tổ chức kinh tế muốn thao túng hay làm sai lệch sự phán đoán của chúng ta bằng các hoạt động kinh doanh tương tự như căn bệnh ung thư bám chặt vào sự cân bằng bình thường của cơ thể con người. Máy đánh bạc là một ví dụ rõ nét. Không phải tự nhiên mà chiếc máy đánh bạc phổ biến đến mức không thể ngăn chặn được trước khi chúng bị quản lý và bị cấm. Chừng nào mà chúng ta có bất kỳ điểm yếu nào trong việc nhận biết mình thực sự muốn gì, và chừng nào mà những điểm yếu đó có thể được tạo ra và nuôi dưỡng một cách có lợi, thì thị trường sẽ chớp lấy cơ hội cho chúng ta vào tròng vì những điểm yếu đó. Thị trường sẽ soi mói và lợi dụng chúng ta. Thị trường sẽ thả câu chờ những kẻ đại ngốc mắc sai lầm.
Về khái niệm Phish và Phool
Từ phish, theo Tự Điển Anh Ngữ Oxford, xuất hiện vào năm 1996 khi trang web ra đời. Tự điển này định nghĩa phish là “lừa gạt trên Internet nhằm thu thập thông tin riêng tư của cá nhân, đặc biệt là bằng cách mạo danh một công ty có uy tín; tham gia trò lừa gạt trực tuyến bằng cách lừa “câu” thông tin cá nhân. Trong quyển sách này, chúng tôi phát triển một ý nghĩa mới và rộng hơn cho từ phish. Chúng tôi sử dụng định nghĩa của ngành tin học như một phép ẩn dụ. Thay vì xem trò lừa đảo ăn cắp thông tin trên mạng (phishing) là bất hợp pháp, chúng tôi giới thiệu một định nghĩa khái quát hơn và có liên hệ với lịch sử hơn. Định nghĩa này có liên quan đến việc khiến người ta làm những điều mang lại lợi ích cho những kẻ lừa đảo ăn cắp thông tin trên mạng (phisherman), chứ không mang lại lợi ích cho người thực hiện. Định nghĩa này có liên quan đến việc câu cá, việc thả một con mồi giả xuống nước và ngồi chờ cho con cá thận trọng nào đó bơi ngang, mắc sai lầm, và cắn câu. Có rất nhiều kẻ thả câu và họ rất tài tình tạo ra vô số con mồi giả mà theo các qui luật xác suất thì chúng ta sớm muộn gì cũng đều cắn câu, cho dù chúng ta cố gắng thận trọng đến mức độ nào đi nữa. Không một ai là ngoại lệ cả.
Theo định nghĩa của chúng tôi, kẻ đại ngốc (phool) là người, vì bất kỳ lý do gì, hoàn toàn bị mắc câu. Có hai loại kẻ đại ngốc: ngốc tâm lý và ngốc thông tin. Ngốc tâm lý cũng có hai loại. Đối với loại thứ nhất, tiếng gọi của trí khôn cơ bản của kẻ đại ngốc tâm lý bị đè nén bởi cảm xúc của họ. Đối với loại thứ hai, các sai lệch về nhận thức, tương tự như ảo giác quang học, khiến cho họ hiểu sai thực tế, và họ hành động trên cơ sở hiểu biết sai lầm đó. Mollie là một ví dụ của kẻ đại ngốc cảm xúc, nhưng không phải là kẻ đại ngốc nhận thức. Cô ta rõ ràng là tự nhận thức được tình trạng của mình trước các chiếc máy đánh bạc, nhưng cô ta không thể giúp được chính mình.
Kẻ đại ngốc về thông tin hành động dựa trên các thông tin được gọt dũa có chủ đích để đánh lừa họ. Sự tăng giá của Enron cũng căn cứ trên việc sử dụng thông tin kế toán sai lệch (và sau đó là lừa bịp). Lợi nhuận bất thường của công ty này là kết quả của phương pháp hạch toán “theo giá thị trường” (mark-to-market – MTM), theo đó lợi nhuận trong tương lai của dự án đầu tư có thể được ghi nhận ngay khi dự án đó được triển khai. Thông lệ phổ biến hơn là chờ cho đến khi lợi nhuận thực sự được sinh ra. Từ năm 1995 đến năm 2000, tạp chí Fortune công bố Enron là Công Ty Sáng Tạo Nhất quốc gia. Fortune đã đúng; chỉ có điều là các biên tập viên của tạp chí đã không hiểu được bản chất của các sáng tạo của Enron.
Các doanh nhân có đạo đức tốt (hay xấu) không phải là chủ đề của quyển sách này, mặc dù đôi lúc cả mặt tốt lẫn mặt xấu của họ sẽ cùng xuất hiện. Thay vào đó, chúng ta xem xét vấn đề cơ bản là thị trường cạnh tranh tạo ra các áp lực khiến cho người ta ít cẩn trọng hơn. Thị trường cạnh tranh rất xuất sắc trong việc khuyến khích và tán thưởng các anh hùng doanh nhân tạo ra các sản phẩm mới có tính sáng tạo phục vụ cho nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, thị trường tự do phi điều tiết hiếm khi tán thưởng loại chủ nghĩa anh hùng mà theo đó người ta tự chế ngự bản thân không lợi dụng điểm yếu tâm lý và điểm yếu thông tin của khách hàng. Do áp lực cạnh tranh, nhà quản lý nào chế ngự bản thân mình theo lối này có khả năng bị thay thế bởi người khác ít có băn khoăn về vấn đề đạo đức hơn. Xã hội dân sự và các chuẩn mực xã hội có lập ra một số cơ chế kìm hãm những hành vi lợi dụng nói trên; nhưng ở trạng thái cân bằng thị trường, nếu có một cơ hội để lợi dụng, thì ngay cả những công ty được dẫn dắt bởi tính liêm chính đạo đức thực sự cũng sẽ thường phải lợi dụng để cạnh tranh và tồn tại.
Làm sao chúng ta biết được?
Henry D. Thoreau (1817-1862)
Chúng tôi tiên đoán rằng cuốn sách này sẽ không phổ biến (thậm chí là ít phổ biến nhất) đối với những người nghĩ rằng ai cũng luôn đưa ra các quyết định tốt nhất cho bản thân mình. Họ sẽ hỏi ai là Bob và George để nói rằng cá nhân con người không bao giờ là trọng tài tốt nhất của chính mình trong việc giúp bản thân ra các quyết định có tác động đến chính họ? Tương tự như phần lớn kinh tế học, luận điểm này có ý nghĩa trừu tượng. Nhưng khi chúng tôi xem xét câu hỏi này lúc nó mô tả con người thực ra quyết định thực (như chúng tôi sẽ làm trong suốt quyển sách này), chúng tôi phát hiện ra rằng họ đã bị lừa cắn câu: và, hậu quả là họ đưa ra các quyết định mà chỉ cần vận dụng một ít trí khôn cơ bản thôi, họ sẽ nhận biết các quyết định đó không mang lại lợi ích cho họ.
Chúng ta không phải tự phụ khi thấy người ta đưa ra những quyết định như vậy. Chúng ta nhận biết được là vì chúng ta thấy người ta đưa ra các quyết định mà KHÔNG AI THỰC SỰ MUỐN. Henry David Thoreau đã nhấn mạnh rằng “nhiều người sống cuộc sống trong âm thầm tuyệt vọng”. Đáng chú ý, một trăm năm mươi năm sau, ở nước Mỹ, quốc gia phồn vinh nhất thế giới mà chúng ta từng biết, quá nhiều người vẫn sống trong âm thầm tuyệt vọng. Hãy nghĩ về trường hợp cô Mollie tội nghiệp ở Vegas.
KHÔNG AI THỰC SỰ MUỐN CẢ
Bốn vấn đề lớn cho thấy tại sao tình trạng KHÔNG AI THỰC SỰ MUỐN CẢ lại lan rộng gồm: an toàn tài chính cá nhân; ổn định nền kinh tế vĩ mô (nền kinh tế tổng thể); sức khỏe của chúng ta; và chất lượng của chính phủ. Trong mỗi vấn đề trên, chúng ta sẽ thấy rằng việc thả câu chờ kẻ đại ngốc mắc sai lầm có tác động đáng kể đến cuộc sống của chúng ta.
An toàn tài chính cá nhân. Một thực tế cơ bản của đời sống kinh tế chưa bao giờ được đưa vào sách giáo khoa kinh tế học. Hầu hết người trưởng thành, ngay cả ở các nước giàu, đều mang mối lo làm thế nào để thanh toán các hóa đơn theo lên giường ngủ mỗi tối. Các kinh tế gia cho rằng ai cũng dễ dàng gói gém chi tiêu trong ngân sách của mình. Nhưng họ quên rằng ngay cả khi chúng ta thận trọng đến 99%, thì cũng còn 1% chúng ta hành động như thể “tiền là chuyện nhỏ”, có thể hủy hoại toàn bộ lựa chọn đúng đắn trước đó. Và các doanh nghiệp biết rất rõ 1% này. Họ nhắm vào các sự kiện trong cuộc sống của chúng ta khi mà tình yêu (hay những động cơ khác) lấn át sự cẩn trọng ngân sách của chúng ta. Đối với một số người thì sự kiện đó là thông lệ tặng quà vào dịp Giáng Sinh hàng năm. Đối với những người khác thì là các nghi lễ đánh dấu những cột mốc của đời người như: đám cưới (là nghi lễ mà các tạp chí chuyên về cưới hỏi khẳng định với các cô dâu rằng chi phí của một “đám cưới trung bình” gần bằng một nửa thu nhập bình quân đầu người hàng năm); đám tang (là nghi lễ mà người điều hành dịch vụ tang lễ tỉ mỉ giới thiệu về các cỗ quan tài để dẫn dắt lựa chọn, ví dụ như, kiểu Monaco “làm bằng thép không gỉ Sea Mist, bên trong toàn bộ được lót nhung 600 Aqua thượng hạng, được chần bông và dệt chun tinh xảo”); hay sinh con (là dịp mà hãng đồ chơi Babies “R” Us sẽ phái chuyên viên tư vấn cá nhân của họ đến).
John K. Galbraith (1908-2006)
Nhưng các nghi lễ kể trên không phải là những dịp duy nhất trong đời mà việc tính toán được cho là keo kiệt. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà ở Mỹ, vốn trong thời kỳ phồn vinh nhất từ trước đến giờ, hầu hết người trưởng thành vẫn phải lo lắng về các hóa đơn khi đi ngủ. Các nhà sản xuất rất sáng tạo trong việc khiến cho chúng ta cảm thấy cần những sản phẩm được sản xuất ra trong khi họ đáp ứng các nhu cầu có thực của chúng ta. Không ai muốn phải lo lắng về các hóa đơn khi đi ngủ. Nhưng hầu như ai cũng phải lo lắng.
Một lý do khiến chúng ta lo lắng về các hóa đơn là tình trạng bán giá quá đắt: là người tiêu dùng, chúng ta đặc biệt có xu hướng trả quá nhiều tiền khi chúng ta bước ra khỏi vỏ ốc của mình để mua một hàng hóa đắt đỏ và hiếm khi mua. Đáng chú ý là trong khoảng 30% số nhà bán được cho người mua mới, tổng chi phí giao dịch – của người mua lẫn người bán – bằng hơn phân nửa số tiền đặt cọc mà người mua phải nộp để thực hiện giao dịch. Như chúng ta sẽ thấy, nhân viên kinh doanh xe hơi, đã phát triển các kỹ thuật tinh vi để bán cho chúng ta nhiều xe hơi hơn số chúng ta thực sự muốn; và đồng thời cũng khiến chúng ta phải trả quá nhiều tiền. Không ai muốn bị mua đắt. Nhưng chúng ta vẫn phải mua hàng với giá đắt, ngay cả trong những trường hợp mua bán mà chúng ta cẩn trọng nhất trong cuộc đời của mình.
Angelo Mozilo (1938-)
Bất ổn tài chính và bất ổn vĩ mô. Thả câu chờ kẻ đại ngốc mắc sai lầm trong thị trường tài chính là nguyên nhân lớn nhất của các cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo tình trạng suy thoái sâu. Xét về các cuộc khủng hoảng tài chính thì cụm từ thịnh hành “Lần này sẽ khác” vừa đúng vừa sai. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, những kẻ thả câu dụ dỗ người mua về những tài sản mà họ phải bán bằng chiêu thức “lần này sẽ khác”. Ví dụ như vụ công ty sản xuất que diêm Swedish Match ở những năm 1920 (Ivar Kreuger, sáng lập viên của công ty Kreuger & Toll); vụ các công ty công nghệ dot-com ở những năm 2000 (Angelo Mozilo, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành của công ty tài chính Countrywide). Vâng, không lần nào giống lần nào cả; các doanh nghiệp khác nhau; sản phẩm của họ khác nhau. Nhưng, đồng thời, lần nào cũng vậy. Có những kẻ thả câu; và có những kẻ đại ngốc. Và khi chứng khoán do những kẻ thả câu giấu mặt dựng lên (kinh tế gia John Kenneth Galbraith gọi là “the bezzle” – sự gia tăng tài sản ảo) hiện nguyên hình, giá tài sản lao dốc. Các nhà quản lý đầu tư đã mua các gói chứng khoán có các khoản thế chấp xấu trong thời gian tích tụ nên cuộc khủng hoảng 2008 có thể đã không muốn mua chúng. Và sau đó, thật đau đớn, phản ứng phụ kinh hoàng đã diễn ra: niềm tin vỡ vụn trong toàn bộ nền kinh tế; giá chứng khoán giảm đi phân nửa; mất việc hàng loạt; và người thất nghiệp không thể tìm được việc làm. Tình trạng thất nghiệp dài hạn đạt mức cao chưa từng thấy kể từ Cuộc Đại Khủng Hoảng.
Ivar Kreuger (1880-1932)
Sức khỏe. Ngay cả trong vấn đề sức khỏe, vốn dĩ là nhu cầu lớn nhất của chúng ta khi chúng ta đã được cơm no áo ấm, có nhà cửa đầy đủ, các hãng dược cũng thả câu đợi chúng ta mắc sai lầm. Vào những năm 1880, khi Daniel Pinkham, sống ở ngoại vi New York, để ý thấy có nhiều phụ nữ rất quan tâm đến bệnh thận, ông đã viết thư về nhà nhắn mọi người nên đưa bệnh thận vào danh sách các căn bệnh mà hãng thuốc Pinkham Pills của gia đình có thể chữa khỏi. Lời khuyên của ông được tiếp thu. Ngày nay, các hãng dược không còn được bổ sung bệnh vào trong danh sách nữa. Ở Mỹ, các hãng dược phải vượt qua hai cửa ải. Họ phải có được sự chấp thuận của Food and Drug Administration (Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm), thông qua việc thực nghiệm đối chứng ngẫu nhiên; họ phải đồng thời thuyết phục được các bác sĩ kê thuốc của họ cho bệnh nhân. Nhưng họ cũng đã có hơn một thế kỷ lăn lộn tìm cách vượt qua các cửa ải này. Một số dược phẩm dù vượt ải thành công nhưng chỉ mang lại lợi ích rất bé. Tệ hơn, một số dược phẩm chỉ toàn gây hại, như Vioxx (một loại kháng viêm giống như Aleve) và liệu pháp thay thế nội tiết tố. Với bề dày năm năm xuất hiện trên thị trường, từ năm 1999 đến năm 2004, người ta ước lượng rằng Vioxx đã gây ra từ 26.000 đến 56.000 trường hợp tử vong do vấn đề tim mạch ở Mỹ; việc các bác sĩ và các nhà thuốc không thông báo cho phụ nữ biết những nghi ngờ về liệu pháp thay thế nội tiết tố đã gây ra khoảng 94.000 ca ung thư vú. Không ai muốn dùng thuốc dỏm cả.
Hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ dừng lại ở thuốc dỏm. Nói về vấn đề ăn uống và hậu quả của nó. Khoảng 69% người Mỹ trưởng thành bị thừa cân; hơn phân nửa trong số đó (36% người Mỹ) bị béo phì. Một nghiên cứu thuần tập thực hiện trên hơn 120.000 người đã phô bày một thực trạng chính xác đáng kinh ngạc. Những người được phỏng vấn, chủ yếu là các y tá có đăng ký chính thức, được quan sát mỗi bốn năm một lần, từ cuối những năm 1970 suốt đến năm 2006. Số cân tăng trung bình mỗi bốn năm là 3,35lb (cân Anh) (tổng cộng tăng 16,75lb trong 20 năm). Phân tích thống kê cho biết 3,35lb tăng thêm là do 1,69lb snack khoai tây, 1,28lb khoai tây chiên, và 1lb thức uống có đường. Nói một cách hình tượng thì những y tá đó đã không thể ngưng nhóp nhép snack khoai tây (muối và mỡ) và khoai tây chiên (mỡ và muối) hay ngưng xì xụp các chai nước ngọt (đường). Họ lựa chọn một cách tự nguyện. Không dừng lại ở các y tá, mà khái quát hơn, các ông lớn ngành thực phẩm chi hoa hồng cho các phòng thí nghiệm khoa học để họ tính toán “các điểm cực mãn” của người tiêu dùng khiến họ thèm đường, muối, và mỡ cực độ. Tuy nhiên, không ai muốn béo phì cả.
Thuốc lá và rượu là những cái cần câu khác có liên quan đến sức khỏe. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa hai sản phẩm này. Ngày nay, không ai nghĩ rằng hút thuốc lá là sành điệu cả. Khi George viết đoạn này, ông ngồi làm việc trong một tòa nhà văn phòng lớn ở Washington, HQ1 (Trụ sở chính 1) của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Người ta cấm hút thuốc bên trong tòa nhà. Nhưng trên đường đến nơi làm việc vào buổi sáng, ông đi ngang qua một số người hút thuốc đứng lác đác bên ngoài. Những người hút thuốc đó ai nấy cũng hằn học né tránh ánh nhìn chăm chăm của ông. Tuy không nói ra, nhưng họ biết ông đang nghĩ rằng họ đang liều mạng sống của chính họ: để có được niềm vui rất không đáng. Kết quả của sự chỉ trích và tự chỉ trích này là tỷ lệ người hút thuốc lá ở Mỹ đã giảm đi hơn phân nửa tính từ cái thời tăm tối khi mà những người đáng ra biết được nhiều thông tin hơn lại thuyết phục rằng hút thuốc thực sự tốt cho sức khỏe: hút thuốc giúp bạn giảm cân.
David Nutt (1951-)
Còn một loại chất gây nghiện hợp pháp nữa ngoài thuốc lá, có thể có hại nhiều hơn; nhưng lại ít bị chỉ trích hơn. David Nutt và các cộng sự ở Anh, cùng Jan van Amsterdam và Willem van den Brink ở Hà Lan đã thành lập các nhóm chuyên gia đánh giá tác hại tương đối của các loại chất gây nghiện ở các quốc gia của họ. Tính luôn cả tác hại đối với người khác – thay vì chỉ tính tác hại đối với bản thân người dùng – Nutt và các cộng sự đánh giá rượu là loại tệ hại nhất; van Amsterdam và các cộng sự xếp rượu ở hàng thứ hai sau ma túy, nhưng sự hơn kém về tác hại là rất nhỏ. Lát nữa chúng ta sẽ thấy (từ các nghiên cứu suốt đời) rằng việc lạm dụng rượu rất có thể là phương thuốc giảm đau thần diệu duy nhất trong đời sống người Mỹ. Hơn nữa, các quán bar, nhà hàng, hãng hàng không và bạn bè của chúng ta gặp khi tiệc tùng đều ép chúng ta uống một ly, và đôi khi thêm một ly nữa, và một ly nữa,… Không ai để ý rằng uống thêm một ly nữa là một lựa chọn quá dễ dàng. Không ai muốn trở thành kẻ nghiên rượu. Nhưng thay vì khuyên can thì người ta lại dụ dỗ.
Charles Grassley (1933-)
Chính phủ tồi. Trong khi thị trường tự do ít nhất là có thể vận hành hiệu quả trong các điều kiện lý tưởng, thì nền dân chủ cũng vậy. Nhưng các cử tri lại bận rộn lo toan cho cuộc sống của riêng mình; do vậy mà các cử tri hoàn toàn không thể biết được khi nào một chính trị gia đi chệch ra khỏi mong muốn thực sự của cử tri về tăng cường pháp chế. Và cũng chỉ vì chúng ta là người trần mắt thịt, chúng ta có xu hướng bầu cho người nào khiến chúng ta cảm thấy hài lòng nhất. Do vậy, chính trị dễ bị tác động bởi trò thả mồi đơn giản nhất, theo đó các chính trị gia âm thầm huy động tiền bạc từ các nhóm lợi ích, và sử dụng nguồn tiền đó để chứng tỏ rằng họ “không khác gì các cử tri”. Chương “Thả Câu Trong Chính Trị” của chúng tôi sẽ mô tả chiến dịch vận động tranh cử năm 2004 của Charles Grassley thuộc tiểu bang Iowa, người giữ chức chủ tịch Ủy Ban Tài Chính Thượng Viện lúc bấy giờ, và là người đã tập hợp được một nguồn quỹ tranh cử trị giá nhiều triệu đô la và đã tấn công dồn dập khắp tiểu bang bằng chương trình quảng cáo trên truyền hình phát đi hình ảnh ông cũng “như dân chúng”, đang ở nhà, ngồi trên chiến xe cắt cỏ của ông ta. Không có gì quá bất thường về vai trò của tiền bạc trong cuộc vận động này. Ngược lại, chúng ta chọn cách làm như vậy vì nó quá đặc trưng. Nhưng (hầu như) không ai muốn có một nền dân chủ mà các cuộc bầu cử được mua theo cách này.
Akerlof và Shiller
Về George A. Akerlof và Robert Shiller
Các khôi nguyên giải Nobel George A. Akerlof và Robert Shiller là tác giả quyển sách Phishing for Phools: The Economics of Manipulation and Deception, nguyên tác của bài đăng này. Akerlof là Giáo Sư Kinh Tế Học của Đại Học Berkeley. Shiller là Giáo Sư Kinh Tế Học của Đại Học Yale, ông là người đồng sáng lập ra chỉ số Case-Shiller Index về giá nhà ở Mỹ.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Print Friendly and PDF