24.3.16

Những ý tưởng kinh tế: một thị trường đóng



Những ý tưởng kinh tế: một thị trường đóng

Ở châu Âu ngày nay, những ý tưởng của Milton Friedman và Robert Lucas vẫn thống trị, chứ không phải là những ý tưởng của các nhà kinh tế phát hoảng hay của Thomas Piketty (hình). ©HAMILTON/REA
Khủng hoảng có làm đổi mới các ý tưởng kinh tế không? Đó là câu hỏi mà Federico Fubini đã đặt ra, từ việc nghiên cứu các ấn phẩm khoa học của các nhà kinh tế. Ông đi đến một ghi nhận đáng buồn dẫn đến việc ông viết rằng các ý tưởng kinh tế hình thành "một thị trường đóng". Một nghiên cứu khiến nhóm quản lý trang các trích dẫn của các nhà kinh tế (RePEc) phải hồi đáp, nhằm nỗ lực chỉ ra rằng giới kinh tế học đã cởi mở hơn một chút.
Nhưng những ý tưởng của các nhà kinh tế tiến bộ vẫn rất vất vả để được lắng nghe, ngay cả các ý tưởng của người được giới kinh tế học thừa nhận nhất trong số này, Thomas Piketty.
Một sức ì quá lớn...
Federico Fubini (1966-)
Để củng cố nhận định của mình, Federico Fubini đã tìm đến trang web Ideas.RePEc.org (Research Papers in Economics Báo cáo Nghiên cứu về Kinh tế học), một trang sưu tập những công bố của các nhà kinh tế và xếp hạng những tác giả được trích dẫn nhiều nhất, "gần giống cách xếp hạng của ATP đối với những vận động viên quần vợt chuyên nghiệp".
Chẳng hạn, Fubini đã so sánh bảng xếp hạng của tháng 12 năm 2006 với bảng xếp hạng của tháng 9 năm 2015, để xác định xem cuộc khủng hoảng năm 2007-2008 với các hệ quả của nó có làm thay đổi hay không việc trích dẫn các công trình của các nhà kinh tế. Đối với ông, "đây không phải là trường hợp." Ông thậm chí còn cho rằng "ảnh hưởng trí tuệ của những nhà kinh tế có những lý thuyết phải chịu nhiều sự phê phán nhất vẫn hoàn toàn nguyên vẹn".
Eugene Fama (1939-)
Robert Lucas (1937-)
Thật vậy, những tác giả như Robert Lucas và Eugene Fama vẫn được tiếp tục trích dẫn một cách rộng rãi, và thậm chí còn thăng tiến trên bảng xếp hạng!
Thế mà cả hai tác giả đều nổi tiếng với những công trình hoang tưởng của họ, Lucas thì cho rằng các tác nhân kinh tế đều mang tính duy lý ngay cả trong những dự báo của họ (trái ngược với các nhà kinh tế), còn Fama thì khẳng định rằng các thị trường tài chính đều hoạt động "hiệu quả" – mà không hề đưa ra một định nghĩa chính xác về thuật ngữ trên, như Bernard Guerrien (Đại học Paris 1) và Ozgur Gun (Đại học Reims Champagne Ardennes) đã từng nhận xét.
Bernard Guerrien (1943-)
Ozgur Gun
Như vậy, Fubini lưu ý rằng, "Lucas và Fama đều thăng tiến trên bảng xếp hạng RePEc, theo thứ tự từ hạng 30 lên hạng 9, và từ hạng 23 lên hạng 17."
Nhận định này đặt các diễn ngôn về "khoa học kinh tế mới" vào một hoàn cảnh khôi hài, một khoa học sẽ mang tính ứng dụng nhiều hơn, khiêm tốn hơn, ít cuồng tín hơn với thị trường, cởi mở hơn với các khoa học xã hội... Chắc chắn là có một phần sự thật trong đó, nhưng điều ít nhất mà chúng ta có thể nói là những tiến hóa trên còn rất, rất chậm.
Điều này có lẽ được giải thích qua sự khép kín mang tính xã hội học của giới kinh tế học. Fubini nêu lên rằng, "chỉ có bốn nhà kinh tế nữ được liệt kê trong top 200 của bảng xếp hạng RePEc trong năm 2015. Tương tự, các nước mới nổi – những nước đại diện cho hơn 90% dân số thế giới và gần một nửa tổng thu nhập bằng đồng đô la hiện hành – chỉ có 11 nhà kinh tế nằm trong top 200 các nhà kinh tế vào tháng Chín năm 2015. Ngoài ra, 10 trong số 11 nhà kinh tế nói trên – trong đó có ba người Iran, bốn người Ấn Độ, hai người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Trung Quốc – đều sống và làm việc tại Hoa Kỳ hay Vương quốc Anh kể từ khi còn học đại học."
Như vậy, "số các nhà kinh tế còn lại của top 200 theo bảng xếp hạng RePEc thường là nam giới, người da trắng, tuổi từ sáu mươi hay cao hơn. Không có nhà kinh tế nào là người da đen, nằm trong top 200, cho dù là người Mỹ hay người các quốc tịch khác."
Tóm lại, theo ông, "bảng xếp hạng RePEc tương tự như một thị trường đóng, không hiệu quả, và được đặc trưng bởi những rào cản gia nhập quan trọng. (...) Phải chăng các nhà kinh tế chủ yếu ngày nay quá mong muốn bảo tồn những ý tưởng riêng của họ đến mức không biết đến (thậm chí gạt đi) sự đổi mới đến từ những chân trời mới?", ông đưa ra câu hỏi trên để kết luận.
Lời hồi đáp của nhóm RePEc: một môn học cởi mở hơn và đa dạng hơn
Trong lời hồi đáp, nhóm RePEc bắt đầu nhận xét rằng toàn bộ giới kinh tế học không hề thiết lập mục tiêu "dự đoán các cuộc khủng hoảng kinh tế hay tài chính"... Hẳn vậy, nhưng sẽ vẫn tốt hơn nếu các nhà kinh tế được trích dẫn nhiều nhất hiểu được thế giới mà chúng ta đang sống! Chẳng hạn, nhóm RePEc cho rằng "hầu hết các lĩnh vực của khoa học kinh tế không liên quan gì đến các cuộc khủng hoảng", và có khả năng là "các nhà lãnh đạo của lý thuyết đấu giá ngày nay vẫn là những người đã từng tồn tại mười năm trước đây, và điều này cũng đúng đối với các nhà kinh tế phát triển, các nhà nghiên cứu về kinh tế học lao động ứng dụng, hay về kinh tế học môi trường".
Đặc biệt, nhóm RePEc cho rằng sẽ là điều bình thường khi các bảng xếp hạng làm nổi bật tính dai dẳng, bởi vì đó là cách mà các bảng này được xây dựng, chứ không phải theo cách tức thì. Để tránh sự chồng chéo này, chúng ta có thể sử dụng chỉ báo chỉ xem xét những công trình của 10 năm cuối mà thôi.
Nếu sử dụng bảng xếp hạng tháng 12 năm 2015, người ta có được dưới đây tỷ lệ xuất hiện của cùng một tác giả theo từng nhóm xếp hạng (tháng 12 năm 2015 và tháng 12 năm 2006):
Các nhà kinh tế được trích dẫn nhiều nhất vẫn như cũ
Tỷ lệ xuất hiện của cùng một tác giả theo từng nhóm xếp hạng từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 12 năm 2006
Quả nhiên, chúng ta ghi nhận một sự đổi mới lớn hơn ở các nhà kinh tế với phương pháp này (rõ ràng mang tính đúng đắn hơn), mặc dù vẫn còn hạn chế, bởi vì, ví dụ như, Top 50 chỉ đổi mới có 28%.
Andrei Schleifer (1961-)
Robert Barro (1944-)
Ngoài ra, chúng ta thấy rằng Robert Lucas và Eugene Fama đã mất vị trí trên bảng xếp hạng, Lucas từ hạng 30 rơi xuống hạng 33 (tạo ra một bước thụt lùi, nói thẳng ra, là rất hạn chế), và đặc biệt là Fama đã rời khỏi nhóm dẫn đầu 10%.
Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng ngay trong bảng xếp hạng này những tác giả bảo căn của thị trường như Andrei Schleifer (hạng 3) và Robert Barro (hạng 4) đều được xếp hạng rất tốt, Jean Tirole hạng 11 trong khi Joseph Stiglitz chỉ ở hạng 24, Dani Rodrik hạng 106 và Thomas Piketty hạng 259!
Dani Rodrik (1957-)
Joseph Stiglitz (1943-)
Tương tự như vậy, nhóm RePEc hài lòng ghi nhận là giờ đây đã có không ít hơn...  bảy nhà kinh tế nữ trong Top 200 và đã có 18 nhà kinh tế đến từ các nước mới nổi (hai người Thổ Nhĩ Kỳ, một người Ai Cập, bảy người Ấn Độ, hai người Iran, hai người Pakistan, một người Cameroon, hai người Trung Quốc, một người Bangladesh), 8 trong số các nhà kinh tế này sống tại một nước mới nổi.
Mọi người đều thở phào khuây khỏa, giới các nhà kinh tế thật là đa dạng!
Một số kiến nghị để thay đổi Châu Âu
Jean Tirole (1953-)
Benjamin Coriat (1948-)
Như nhận xét của Benjamin Coriat, giáo sư Đại học Paris XIII Villetaneuse và là một trong các nhà kinh tế phát hoảng, năm 2016 sẽ là một năm mang tính "quyết định" đối với châu Âu (có điều đúng là chúng ta đều nói đến điều ấy hầu như mỗi năm).
Để nghĩ đến châu Âu, theo cách khác hơn với cách mà các nhà kinh tế nổi tiếng theo bảng xếp hạng RePEc thường nói, chúng ta có thể, ngoài những nhà kinh tế phát hoảng, quay lại với Thomas Piketty, người đã đưa ra các kiến ​​nghị của ông để thay đổi châu Âu, trên blog mà từ giờ ông viết riêng cho tờ báo Le Monde.
Nội dung có các bài: hội nghị các nước thuộc khu vực đồng Euro để quyết định việc cơ cấu lại nợ; thương lượng lại về hiệp ước tài khóa năm 2012 nhằm đưa vào tính dân chủ và công bằng thuế khóa.
Đối với Piketty, "ưu tiên hàng đầu ngày nay phải là đưa ra một chính sách tạm hoãn nợ ngày nào mà mức hoạt động và việc làm chưa trở lại mức tạm ổn."
Một ưu tiên có vẻ hiển nhiên, khi thấy mức độ sụp đổ kinh tế xảy ra tại một số nước châu Âu, đặc biệt khi đối sánh với sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ nhờ vào chính sách kích thích kinh tế đơn giản và hiệu quả của tổng thống Obama:
Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tụt hậu
Và không nên nói về Hy Lạp...:
Nhưng đặc biệt đó là tình huống rất đáng báo động của Hy Lạp
Cuối cùng, "Nếu thêm vào điều mà chúng ta cho rằng cần sự huy động của tất cả các nước, và đặc biệt là các nước thuộc miền nam châu Âu, để cho thấy sự đoàn kết và hợp tác trước cuộc khủng hoảng về người tị nạn, thì chiến lược hiện tại của châu Âu thực sự mang tính tự sát và tính phi duy lý tập thể".
Kết luận: trong kinh tế học, những ý tưởng tồi đang, vẫn và mãi mãi chi phối
Milton Friedman (1912-2006)

James Galbraith (1952-)
Nhưng thế mà để đạt được những thay đổi nói trên, chúng ta phải đảo ngược tư tưởng kinh tế đã kết tầng từ những năm 1970, đã nhồi nhét trong đầu chúng ta rằng Nhà nước luôn hoạt động không hiệu quả và ở khắp mọi nơi đều như vậy, rằng sự thâm hụt luôn là điều xấu (trừ khi đó là thâm hụt tư nhân mà người ta cho là không nên quan tâm trong mọi trường hợp), rằng sự cạnh tranh chứ không phải sự hợp tác là chiếc ly thánh, rằng ưu tiên cần được quan tâm là việc đấu tranh chống lại sự thâm hụt chớ không phải là làm giảm tình trạng thất nghiệp (có phải vậy không, thưa tổng thống Hollande?)...
Tóm lại, dù cho nhóm RePEc có nghĩ gì thì, ở châu Âu ngày hôm nay, vẫn là sự thống trị của những ý tưởng của Milton Friedman và Robert Lucas, chứ không phải là những ý tưởng của những nhà kinh tế phát hoảng, của Thomas Piketty hay của James Galbraith (người thậm chí không xuất hiện trong bảng xếp hạng RePEc, trong khi ông là một trong những nhà kinh tế thú vị nhất trên hành tinh).
Giáo sư kinh tế học tại Đại học Paris 8 Saint-Denis
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les idées économiques: un marché fermé, Alterecoplus, 19/01/2016.
Print Friendly and PDF