31.3.16

John Locke, môn đồ của chủ nghĩa tự do toàn diện



John Locke (1632-1704)

John Locke, môn đồ của chủ nghĩa tự do toàn diện

Gilles Dostaler
Là một triết gia lớn, một nhà trí thức đa tài, một người hành động, John Locke tự khẳng định mình như là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của chủ nghĩa tự do. Là người bảo vệ tự do kinh tế và quyền sở hữu, ông lại không phải là người ủng hộ tự do kinh doanh.
John Locke đã soạn thảo một phiên bản nguyên thủy của lý thuyết định lượng tiền tệ và đặt nền tảng triết học của các lý thuyết về giá trị lao động.
François Quesnay (1694-1774)

Được cho là mang tính đa chiều, chủ nghĩa tự do được ứng dụng vào triết học cũng như vào kinh tế học, vào chính trị học cũng như vào đạo đức học, vào văn hoá cũng như vào các quan hệ quốc tế. Những mâu thuẫn giữa các chiều kích trên là phổ biến. Người ta có thể là người ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế và chế độ chính trị chuyên quyền, giống như François Quesnay và những người theo thuyết trọng nông hay các nhà lãnh đạo của nước Trung Quốc đương đại. Người ta có thể là người bảo thủ về mặt đạo đức và là người tự do cực đoan về mặt kinh tế, giống như một số người Mỹ theo thuyết kinh tế học trọng cung. Người ta có thể là người theo thuyết bảo hộ và là người ủng hộ chế độ tự do kinh doanh. Là môn đồ của sự khoan dung về mặt niềm tin và lối sống, tin rằng quyền lực phát sinh từ người dân, những người có quyền chống lại chế độ độc tài, là người kiên quyết chống lại chủ nghĩa chuyên chế và sự tùy tiện của chính quyền, là môn đồ không kém phần triệt để của tự do kinh tế, John Locke là một nhà tư tưởng tán thành tất cả các chiều kích của chủ nghĩa tự do, mà người ta có thể coi ông là một trong những lý thuyết gia vĩ đại nhất. Tác phẩm A Letter Concerning Toleration (Lá thư về sự khoan dung) của ông đi trước đúng một thế kỷ Déclaration des droits de l’homme et du citoyen de 1789 (Bản tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền năm 1789), là một trong những nguồn gốc của bản Tuyên ngôn này.
Gắn với trường Christ Church College, Oxford, nơi ông bị đuổi học vì tội nổi loạn năm 1684, Locke trước hết là một nhà trí thức, một nhà tư tưởng đa tài và một triết gia lớn, tác giả của chuyên luận đồ sộ về nhận thức của con người, một chuyên luận theo chủ nghĩa kinh nghiệm mà ông đã bỏ công làm việc không mệt mỏi từ 1671 đến 1690. Ông phát triển trong số những ý tưởng khác phúng dụ nổi tiếng về tinh thần con người giống như một tờ giấy trắng để minh họa thực tế là không hề có ý tưởng bẩm sinh, rằng nguồn gốc của mọi kiến ​​thức là kinh nghiệm.
Isaac Newton (1643-1727)
Nhưng Locke cũng là một người hành động, gắn chặt với những sự kiện đầy biến động của thời ông, như sự kiện nước Anh trải qua hai cuộc nội chiến, cuộc chiến thứ nhất được đánh dấu bởi vụ xử tử vua Charles 1, mà ông được chứng kiến, cuộc chiến thứ hai dẫn đến cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688, đặt nền móng cho một chế độ quân chủ nghị viện mà Locke là một lý thuyết gia, trong các chuyên luận của ông về chính quyền dân sự. Năm 1666, ông trở thành thầy thuốc, rồi là người bạn, người thân tín, người cố vấn và thư kí của một trong những chính trị gia quyền lực nhất thời ông, lãnh đạo đảng Whigs, bá tước tương lai của Shaftesbury và chủ tịch thượng viện của vua Charles II: Anthony Ashley Cooper. Ông lưu vong cùng ông ấy ở Hà Lan, khi ông ấy bị thất sủng năm 1682. Trở lại Anh năm 1689, Locke kể từ bấy giờ là một nhà tư tưởng được lắng nghe và được kính trọng, là người được nhà vua mới William III d’Orange phong cho một chức đại sứ, mà ông từ chối. Tuy nhiên, ông cũng nhận lời làm một số chức vụ quản lý hành chính. Ông trở thành người bạn thân của Newton, người đã thổ lộ những nỗi bồn chồn lo sợ gắn với sức khỏe tinh thần của ông ấy. Là người độc thân chai dạn, ông lui về, trong thời gian mười lăm năm cuối cuộc đời, ở một căn nhà thuộc quyền sở hữu của các bạn ông Sir Francis Masham và vợ ông ấy, tại Oates, Essex. Chính tại đây, ông đã hiệu chỉnh và xuất bản các tác phẩm lớn của ông.
Nhà nước, quyền sở hữu và lao động
Hugo Grotius
Samuel Pufendorf (1632-1694)
Truyền thống của triết học về quyền tự nhiên được minh họa bởi những công trình trong đó có những công trình của Hugo Grotius và Samuel Pufendorf là một trong những nguồn cảm hứng của ông. Ông tin rằng khi được sinh ra, trước mọi quá trình xã hội hóa và trước cả sự xuất hiện của nhà nước, con người đều có những quyền tự nhiên, trong đó có quyền sở hữu. Song, quyền sở hữu có một ý nghĩa rộng hơn ý nghĩa thông thường của nó. Trước hết đó là quyền sở hữu bản thân, quyền được sống và quyền tự do. Con người, hoàn toàn bình đẳng với nhau, đều có quyền định đoạt những tài sản của mình theo cách mình muốn. Cuộc sống, tự do và tài sản cần phải được bảo vệ. Tuy nhiên, với xu hướng bẩm sinh của con người nhằm vượt quá và vi phạm các quyền trên, cho nên cần phải có một thể chế, mà theo đó con người nhượng lại một phần quyền của mình. Đó là nhà nước, bị chi phối bởi quy luật của đa số, được đại diện bởi một thẩm phán mà người ta cũng chuyển giao luôn quyền trừng phạt. Song, Locke cũng thận trọng nhấn mạnh rằng quyền lực của thẩm phán chỉ được thực hiện trong lãnh vực thế tục. Mặt khác, con người có quyền tự nguyện tụ tập trong nhà thờ, điều mà các nhà nước không được can thiệp dưới bất cứ hình thức nào. Đó là thông điệp của nhiều tác phẩm của ông về sự khoan dung, nơi ông tìm thấy nguồn cảm hứng trong cuộc chiến đáng khâm phục mà nhà nhân văn người Pháp Sebastian Castellio đã tiến hành, ở thế kỷ trước, chống lại nền chính trị thần quyền khát máu ở Geneve của Calvin.
Adam Smith (1723-1790)
David Ricardo (1772-1823)
Karl Marx (1818-1883)
Lao động chiếm một vị trí quan trọng trong kiến ​​trúc trên. Ban đầu, đất đai cũng thuộc về tất cả mọi người. Qua lao động, một hoạt động mang tính cá nhân, con người biến đổi tài sản chung thành tài sản riêng. Vì vậy, chính lao động là nguồn gốc của quyền sở hữu: "Vì vậy, tôi nghĩ rằng bây giờ thật dễ để hiểu được làm thế nào lao động đã có thể tạo ra, trong những ngày đầu của thế giới, một quyền sở hữu đối với những thứ chung của tự nhiên" (Traité du gouvernement civilKhảo luận về chính quyền dân sự, trang 180-181). Và Locke đi xa hơn. Ông khẳng định rằng trong bối cảnh mà lao động xác định giá trị của sản phẩm, tới 99%, ông nói, "Chắc chắn chính lao động đặt ra những mức giá khác nhau cho các thứ" (ibid, p. 172). Những ý tưởng trên có thể được coi là nền tảng triết học của các lý thuyết về giá trị lao động sẽ được Adam Smith, David RicardoKarl Marx phát triển. Vả lại, Karl Marx thường viện dẫn Locke rất dài trong các tác phẩm của ông và gọi Locke là "triết gia tiêu biểu nhất của kinh tế học chính trị đối với các nước Anh, Pháp và Italia" (Le CapitalTư bản, Tập I, Thư viện Bibliothèque de la Pleiade, Gallimard, trang 935).
Phải bổ sung thêm rằng Locke đặt ra các giới hạn cho quyền sở hữu tư nhân. Giới hạn đó phải cho phép người khác có cơ hội để mua những gì mà họ cần để sinh tồn và phải tính đến việc tránh lãng phí. Nhân loại vẫn còn xa để tôn trọng khế ước này!
Tiền tệ và lãi suất
Nicolas Barbon (1640-1698)
Các bài viết của Locke trong lĩnh vực lý thuyết kinh tế học thuần túy không nhiều nhưng quan trọng. Chúng liên quan đến những tranh luận dữ dội lúc bấy giờ ở nước Anh. Tranh luận đầu tiên liên quan đến vấn đề lãi suất. Trong thực tế, đó là một cuộc tranh luận đã bắt đầu từ đầu thế kỷ và cuối cùng làm cho Locke chống lại những người bạn của mình như Petty, người đã giúp ông phát hiện ra kinh tế học chính trị, và Nicolas Barbon. Năm 1668, Josiah Child đã đề xuất một sự can thiệp của chính quyền để ấn định một giới hạn cao cho lãi suất. Chính bài viết đả kích ấy đã khiến cho Locke soạn thảo cuốn Some Considerations of the Lowering of Interest, and Raising the Value of Money (Một số cân nhắc để hạ thấp lãi suất, và nâng cao giá trị tiền tệ), khi ông sống tại Shaftesbury, năm 1668. Bài viết cuối cùng cũng được xuất bản năm 1691, sau khi Child can thiệp một lần nữa vào năm 1690.
John M. Keynes (1883-1946)
Knut Wicksell (1851-1926)
Những người ủng hộ việc quy định lãi suất dự kiến lãi suất sẽ giảm từ 6% xuống còn 4%. Locke kiên quyết chống lại chính sách trên và, để củng cố lập luận của mình, ông sáng chế một khái niệm mà trong tay của Knut Wicksell sẽ thành một khái niệm dai dẳng vào đầu thế kỷ XX: lãi suất tự nhiên. Lãi suất này là giá cả, hay chính xác hơn là phí của đồng tiền. Như vậy, lãi suất là một hiện tượng mang tính tiền tệ thuần túy. Người ta không ngạc nhiên khi ở đoạn kết của tác phẩm Théorie générale (Lý thuyết tổng quát), John Maynard Keynes, người đối lập lý thuyết tiền tệ của ông với lý thuyết thực của những nhà kinh tế cổ điển, đã viện dẫn với Eloges (Những lời khen tụng) "Locke vĩ đại [...] có thể là người đầu tiên trình bày bằng những thuật ngữ trừu tượng các mối quan hệ hiện hữu giữa lãi suất và lượng tiền tệ" (Lý thuyết tổng quát, Payot, 1982, p 338).
Giống như việc người ta không nên và không thể điều chỉnh giá thuê nhà ở hoặc tàu thuyền, thì người ta cũng không thể ấn định lãi suất một cách hợp pháp: "Điều đầu tiên phải xem xét là liệu ta có thể điều tiết bằng luật giá thuê tiền hay không. Nói chung, tôi nghĩ rằng chắc chắn là không" ("Quelques réflexions" (Một số suy tưởng) trong Une histoire des théories monétaires par les textes (Một lịch sử về các lý thuyết tiền tệ qua các bài viết), của Christian Tutin, coll. Champs, Flammarion, 2009, trang 40). Nếu cố thử, thì hậu quả sẽ rất thảm khốc: gia tăng sự tích trữ tiền của, đầu cơ, thiếu vốn cho vay, hoạt động độc quyền của các ngân hàng, suy giảm trong hoạt động thương mại.
Nhân cuộc thảo luận trên, Locke soạn thảo một phiên bản nguyên thủy của lý thuyết định lượng tiền tệ, được ông ứng dụng vào thương mại quốc tế. Ông khẳng định rằng giá cả biến thiên theo lượng tiền tệ. Ông cũng viết rằng giá trị tiền tệ được xác định bởi số lượng của nó, tình hình thương mại, và còn bởi tốc độ lưu thông của nó, một chức năng tương đối ổn định của các thông lệ thanh toán của cộng đồng. Trong cuộc tranh luận thứ hai, Locke kiên quyết chống lại việc đúc thêm tiền mới, tương đương với một sự phá giá. Thật vậy nó tung ra những đồng tiền mới có cùng tên gọi nhưng có hàm lượng kim loại thấp hơn với đồng tiền trước đó. Đó là một vụ trộm và một sự phản bội, nhưng người dân không dễ bị lừa. Tiền tệ, tương đương với vàng và bạc được bảo đảm bởi chính quyền, là một tài sản riêng của công dân và không phải là một sáng tạo của các chính quyền.
Là một người tự do trong lý thuyết kinh tế của mình, nhưng Locke không vì thế mà là một môn đồ của điều mà sau này người ta gọi là thuyết tự do kinh doanh. Vả lại, ông không tin rằng hệ thống kinh tế sẽ tự điều chỉnh một cách tự động với toàn dụng lao động. Giống như những nhà kinh tế cổ điển kế thừa ông, ông còn chống lại các luật về người nghèo.
John Locke qua vài năm tháng
1632: sinh ngày 29 Tháng Tám tại Wrigton, gần Bristol, Somerset, trong một gia đình Thanh giáo tiểu tư sản.
1642: gia đình của Locke theo phe của Quốc hội trong cuộc nội chiến nổ ra năm đó.
1647-1652: học tại trường Westminster.
1652: học tại trường Christ Church College, Oxford.
1656: đỗ tú tài.
1658: cử nhân; bắt đầu học y học.
1659: được bầu là sinh viên tiêu biểu của trường Christ Church.
1660: bố ông mất, để lại một di sản đủ để đảm bảo ông sống đến cuối đời. Two Tracts on Government (Hai chuyên luận văn về chính quyền).
1661-1664: dạy tiếng Hy Lạp, thuật hùng biện và triết học đạo đức tại trường Christ Church.
1664: Essays on the Law of Nature (Tiểu luận về quy luật của tự nhiên), chưa bao giờ được Locke xuất bản.
1666: làm đại diện ngoại giao tại Cleves, cạnh hoàng tử của Brandenburg. Trở lại Oxford.
1667: được Lord Ashley mời về làm thư kí và thầy thuốc cho ông ấy ở London, nơi ông đã sống tám năm. Essai sur la tolérance (Tiểu luận về sự khoan dung).
1668: được phong là nghiên cứu viên của trường Royal College.
1672-1674: Làm thư kí và thủ quỹ của Hội đồng quản lý thương mại và đồn điền.
1675-1678: sống tại Pháp.
1679: trở về Oxford, nơi ông là đối tượng bị theo dõi.
1683: lo cho mạng sống của mình, với sự phục hồi chính thể chuyên chế của vua Charles II và việc hành hình Algernon Sidney, lãnh đạo đảng Whig, ông tị nạn ở Hà Lan trong sáu năm.
1689: trở lại Anh, năm sau cuộc Cách mạng Vinh quang. Nhà vua mới William III d’Orange mời ông một chức đại sứ, mà ông từ chối. Được bổ nhiệm vào Hội đồng cứu xét khiếu nại. A Letter Concerning Toleration Lá thư về sự khoan dung (bằng tiếng Latin, không đề tên tác giả).
1690: Two Treatises of Government (Hai chuyên luận về chính quyền) và An Essay Concerning Human Understanding (Một tiểu luận về nhận thức của con người).
1691: Some Considerations of the Lowering of Interest, and Raising the Value of Monnaie (Một số cân nhắc để hạ thấp lãi suất, và nâng cao giá trị tiền tệ).
1695: Further Considerations Concerning Raising the Value of Monnaie (Thêm những cân nhắc để nâng cao giá trị tiền tệ).
1696-1700: thành viên của Hội đồng quản lý thương mại và đồn điền.
1704: mất ngày 28 tháng 10 tại Oates.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của John Locke
The Clarendon Edition of the Works of John Locke, Oxford University Press, 14 volumes depuis 1975.
The Corrsepondence of John Locke, của E. S. De Beer, Oxford University Press, 8 volumes depuis 1976.
Locke on Money, của Patrick Hyde Kelly, Clarendon Press, 1991.
Lettre sur la tolérance, coll. GF, Flammarion, 1999.
Traité du gouvernement civil, coll. Les classiques de la philosophie, Le livre de poche, 2009.
Những tác phẩm viết về John Locke
Morale et enrichissement monétaire chez J. Locke, của Arnaud Berthoud, Economies et sociétés no 9, mars 1988.
La monnaie dans la philosophie politique de Locke, của Daniel Diatkine, Economies et sociétés no 9, mars 1988.
The Cambridge Companion to Locke, của Vere Chappell (chủ biên), Cambridge University Press, 1994.
Locke and Quesnay: une conception pltq để l’economy, của Philippe Steiner, Economies et sociétés no 1, mars 1984.
John Locke: Economist and Social Scientist, củaKaren I. Vaughn, University of Chicago Press, 1980.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “John Locke, apôtre d'un libéralisme intégral” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.
Print Friendly and PDF